Chuột gây hại nhiều nhưng cũng có ích cho con người - Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam
    • Giá heo (lợn) hơi miền Bắc từ 56.000 - 58.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Hà Nội, Hưng Yên 58.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi  Vĩnh Phúc 56.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi miền Trung và Tây Nguyên từ 55.000 - 58.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Quảng Trị 55.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Lâm Đồng, Bình Thuận 58.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Nghệ An 57.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi miền Nam từ 56.000 - 59.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Đồng Nai 58.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Bến Tre 56.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Kiên Giang 59.000 đ/kg
    •  
  • Chuột gây hại nhiều nhưng cũng có ích cho con người

    [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Tổng số chuột trên trái đất hiện nay nhiều gần gấp đôi so với người. Độ cứng của răng chuột vượt độ cứng của thép nên chúng có thể gặm được cả thép lẫn bê tông. Chúng có thể nhảy tới độ cao 2m, dễ dàng bơi được vài km (kỷ lục đã được ghi nhận là 29km), lặn giỏi và thậm chí còn đi được trên dây. Những đặc tính này đã được hoàn thiện trong suốt 50 triệu năm: theo tuổi sinh học, chuột “cao niên” gấp 25 lần so với con người.

     

    1. Sự đáng ghét và đáng sợ đối với chuột

     

    Theo số liệu thống kê, ở Mạc Tư Khoa, trong mỗi khoang cầu thang ở chung cư có không dưới 70 con chuột sinh sống. Có vẻ như chúng ta sẽ quay về thời trung cổ, khi chuột là một tai họa khủng khiếp, cũng giống như dịch hạch do chính chuột lan truyền. Ví dụ, vào năm 1347, chuột đã chiếm đóng toàn châu Âu. Điều đó xảy ra sau vụ động đất ở vùng biển Caspien khiến loài chuột chạy sang hướng tây để tránh sự thay đổi đột ngột của khí hậu. Ngay cả dòng sông Volga cũng không ngăn chặn được sự di chuyển của chúng. Những cánh đồng lúa bao la, những bãi hoa màu trĩu quả, … cũng bị chúng tàn phá một cách khủng khiếp. Vì vậy, người ta cố tiêu diệt chuột bằng nhiều biện pháp.

    Hơn thế nữa, chuột trở thành nạn nhân của chính nạn dịch hạch gây hàng triệu người tử vong cùng với chúng. Cho đến nay, sự càn quét khủng khiếp của loài chuột chưa lặp lại, nhưng chưa bao giờ người ta dám nói đến thắng lợi hoàn toàn của con người trước loài chuột vì chuột có khả năng sinh tồn và sinh sản rất cao.

     

    Có thời chuột chỉ sống ở miền Đông Trung Quốc. Với sự phát triển của phương tiện trên biển, chúng đã có mặt trên khắp thế giới, chỉ có Nam cực và một số đảo ở Bắc cực là không có chuột sống, nhưng không phải vì ở đó quá lạnh vì chuột có thể sinh sản ở nhiệt độ -20°C mà đơn giản là ở đó không có người sống nên không có thức ăn.

     

    Chuột giữ kỷ lục về sinh sản. Chuột cái – từ loài nhỏ nhất “chuột đồng nhỏ” nặng 100g, đến loài to nhất “chuột đất lớn” nặng 500g, đều có 12 vú để nuôi bình quân 10 con/lứa. Chuột đồng lớn mang thai 3 tuần, chuột mẹ có thể giao phối ngay sau khi đẻ, trong lúc cho con bú kéo dài 3 tuần. Chuột con thôi bú tự kiếm ăn, khoảng 2,5-3 tháng tuổi thì trưởng thành về sinh dục. Tuổi thọ trung bình của chuột cái là 422 ngày, tuổi sinh sản bình quân là 62 ngày, khoảng cách hai lứa đẻ là 42-60 ngày nên “chuột bà sơ” đẻ cùng với “chuột cháu sơ” là chuyện thường ngày. Lứa đẻ cao nhất tìm thấy ở đồng bằng Cửu Long là 20 con. Nghiên cứu nuôi chuột đồng lớn với dinh dưỡng cao và đầy đủ vitamine bổ sung, cho thấy tuổi sinh sản chuột cái giảm còn 49 ngày, khoảng cách hai lứa giảm còn 28 ngày, chuột cái đẻ đến 8 lứa/năm. Tuy nhiên, để bảo vệ “sức khỏe bà mẹ và trẻ em”, chuột ngoài đồng biết “sinh đẻ có kế hoạch” tùy theo tình hình an ninh và lương thực. Ở khu vực trồng lúa hai vụ, mùa sinh sản của chuột trùng với hai vụ, từ lúc lúa làm đòng đến khi gặt. Sức sinh sản của chuột cũng lệ thuộc tình hình an ninh, nơi nào làm hang không an toàn, bị lũ lụt thì cường độ sinh sản nơi đó giảm rõ rệt.

     

    Đôi răng cửa của chuột hình vòng cung rất khỏe, phát triển trong suốt cuộc đời với độ mọc dài bình quân 11-12 mm/năm. Vì thế, chuột tận dụng mọi thời gian để gặm bất cứ thứ gì dai cứng, không phải thức ăn, để không bị há mỏ. Nếu một răng cửa bị hư thì răng đối diện không gặp vật cản sẽ mọc dài ra thành vòng răng, chuột sẽ chết vì không ăn được. Nhược điểm nữa là chuột không biết đi lùi, nên con người chế ra bẫy đơn giản là bỏ mồi vào ống tre (đường kính bằng thân chuột), bít đầu bên kia. Chuột vào ăn là nằm chịu trận, chờ bị tóm!

     

    Nếu thiếu thức ăn, chuột đồng chỉ rời hang tối đa 800m để tìm mồi, nhưng nếu điều kiện sống thay đổi lớn, chúng có thể bỏ xứ ra đi xa. Một thú vị của nhóm nghiên cứu TS. Hùng đã đặt hàng rào ni-lông dài 1.500m tại biên giới Hà Tiên-Kiên Giang và Mộc Hóa-Long An. Dọc hàng rào, đặt hàng trăm bẫy hom so le nhau: cửa lồng một hướng về phía Việt Nam để bắt chuột “xuất cảnh”, và một hướng về phía Campuchia để bắt chuột “nhập cảnh”. Kết quả cho thấy từ giữa tháng 10 đến tháng 11-1996, chuột tập trung xuất cảnh, tức đầu mùa lũ ở Việt Nam và vụ hè thu đã gặt xong, trong khi bên Campuchia đất cao không ngập và sắp gặt vụ lúa mùa. “No cơm ấm cật” ở hải ngoại, chuột “nhập cảnh” về Việt Nam từ giữa tháng 2 đến giữa tháng 3-1997, tức sau mùa lũ, lúa đông xuân sắp trổ đòng.

     

    Chuột gần biên giới biết tránh lũ, nhưng chuột phía hạ lưu phải sống chung với lũ. Khi lũ lên, chuột tập trung về các gò cao, nông dân đón đầu đặt trên đó các bẫy chà để “mời khách”. Họ lấy lưới bao quanh rồi dỡ chà hốt trọn đám chuột tạm cư, mang lên thành phố bán cho các nhà hàng đặc sản. Khi lũ lớn, chuột phải bơi đi kiếm mồi, nhưng vẫn biết thủ thân để không làm mồi cho kẻ thù truyền kiếp là rắn hổ hành, hổ ngựa, rắn ráo, chúng biết bơi thành đàn núp sau đuôi ghe máy. Tuy vậy, tổn thất sinh mạng họ chuột mùa lũ vô số kể, chỉ nhờ khả năng sinh sản đặt biệt, chuột mới phục hồi nhanh dân số sau đó.

     

    Tuy số lượng loài đông nhất nhưng chuột rất ít loài có ích, đa số loài có hại cho cây nông nghiệp, cây công nghiệp, cây lâm nghiệp, phá hoại đường giao thông và công trình đê điều, lây truyền bệnh nguy hiểm cho người và vật nuôi mà điển hình là dịch hạch. Thế nhưng, chuột trong mắt các nhà tử vi và họa sĩ khác hẳn. Chuột được sách tử vi đặt lên đầu tiên của 12 con giáp, được các họa sĩ dân gian “nhân cách hóa” trong những bức tranh có giá trị văn hóa như “đám cưới chuột”, “chuột đỗ trạng vinh quy bái tổ”… Năm 1964, Douglas Engelbart phát minh ra thiết bị nhập (input device) máy tính, đặt tên là chuột (mouse). Từ đó, chuột máy tính được các nhà chế tạo cải tiến thành đa năng cho game thủ, hoặc chuột chuyên dùng cho người bị bệnh run tay, với hình dáng ngày càng dễ thương. Từ đó, xem xét ích lợi của chuột cũng rất đáng được quan tâm.

     

    2. Chuột có ích cho con người

     

    Người ta không biết chắc chắn con người bắt đầu nuôi chuột thành thú cưng từ khi nào, nhưng hầu như mọi người đều tin rằng người Trung Quốc là những người đầu tiên nuôi chúng. Người ta thấy có những bản ghi chép về giống chuột đốm và chuột trắng ở Trung Quốc từ 1.100 năm trước công nguyên. Chuột nhắt trắng cũng được các nhà viết sử thời Hy Lạp và La Mã nhắc đến nhiều.

     

    Vào những năm 1700, đã có chuột nuôi, buôn bán làm vật cảnh ở Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu. Vào thời Nữ hoàng Anh Victorya, đã có giải thưởng cho chuột cảnh “fancy”. Năm 1895, Walter Maxey khởi xướng, người Anh sáng lập ra “Câu lạc bộ Chuột quốc gia”. Đến thế kỷ XX thì đã có rất nhiều con chuột cảnh có màu lông khác nhau do lai tạo đột biến mà thành.

     

    Vào thời kỳ này, Học thuyết di truyền của Gregor Mendel người Hà Lan đã tác động mạnh lên giới khoa học, chuột nuôi đã được chọn là động vật thí nghiệm nghiên cứu di truyền. Năm 1902, chuột là động vật có vú đầu tiên dùng để chứng minh Định luật Mendel. Người ta cũng nhanh chóng nhận ra cần phải có dòng chuột nuôi thuần chủng để nghiên cứu.

     

    Các chương trình lai tạo các giống chuột đã được thực hiện tạo ra các chủng chuột dùng trong các mô hình nghiên cứu khác nhau phục vụ các nghiên cứu sinh y học. Theo tính toán của các nhà khoa học, loài chuột hiện có khoảng hơn 10 tỉ con. Có nghĩa là trung bình mỗi người dân trên hành tinh chúng ta phải chịu đựng 2 con chuột. Ví dụ Roma (Ý) có gần 15 triệu con chuột sinh sống, ở New York (Mỹ) có hơn 12 triệu con. Kỷ lục thuộc về thủ đô Mexico với vài chục triệu con.Chuột đặc biệt thích sống ở thủ đô. Chúng dễ dàng thu xếp cuộc sống tại các thành phố lớn, nhờ quá trình sinh hoạt hàng ngày của con người và tồn tại song song với họ mà không xuất hiện thừa trước mắt họ. Nhưng vũ khí chủ yếu nhất của loài chuột là trí khôn ở mức cao.

    Những thí nghiệm của nhà động vật học người Nga L.V. Krushinski cho thấy trong 82% trường hợp thí nghiệm, chuột hoàn thành tốt trong các bài tập thực nghiệm. Trong lĩnh vực này chúng vượt nhiều so với mèo chỉ đạt thành tích trong 52% trường hợp, gần với chó (85%), cá heo, voi và người vượn.

     

    Thêm vào đó chuột có khứu giác rất tinh tế. Một số nhà khoa học ở California đã cho thấy rằng trong số các động vật đang ngủ được chiếu chùm tia Rơnghen, chỉ có chuột tỉnh dậy. Những thí nghiệm cho thấy rằng chúng cảm nhận được các tia bằng bộ phận não có nhiệm vụ điều khiển các cơ quan khứu giác. Nghĩa là đối với chuột bức xạ Rơnghen cũng có mùi.

     

    Theo bác sĩ Nikolai Philatov (Nga), chuột có khả năng chịu được mức độ phóng xạ cao. Trong thí nghiệm, một con chuột được chiếu tia phóng xạ với cường độ 300R/giờ, sau đó nó đã bình tĩnh trở lại và đi được. Nếu bị chiếu như thế, con người sẽ chết do bỏng.

     

     Trí thông minh của chuột được thể hiện trước hết trong việc tìm thức ăn. Người ta kể rằng chúng khéo léo ăn cắp trứng như thế nào: Một con quắp lấy trứng bằng chân trước còn con khác nắm lấy đuôi để kéo vào hang. Kỹ thuật tương tự cũng được sử dụng trong việc lấy cắp váng sữa chua: con chuột thả đuôi vào bình sữa chua, sau đó cho các con khác liếm. Song song đó, chúng vẫn tỏ ra rất thận trọng: không bao giờ tất cả cùng ăn nếu thấy có sự đáng nghi ngại. Con háu ăn và tò mò nhất thường là kẻ nếm thử. Nếu vì thức ăn mới mà con này không được khỏe, các con còn lại sẽ rút được kinh nghiệm thích hợp. Các con mẹ không cho bọn con tới mồi nguy hiểm. Chúng bị đẩy ra, bị tiếng rít của mẹ bắt nằm ẹp xuống. Sau đó tín hiệu nguy hiểm được truyền tới các con khác. Điều đó giải thích tại sao việc diệt chuột bằng bả tỏ ra ít hữu hiệu. Hơn nữa, con ăn phải bả nhất định sẽ tìm ra nước và bắt đầu uống rất nhiều, nhờ vậy nó tự giải độc cho cơ thể.

     

    Một báo cáo năm 1915 của Haldane đã dẫn đến đặt vấn đề về bản đồ di truyền của chuột. Việc này tiến triển rất chậm cho đến mãi 50 năm sau. Những năm đầu thập niên 1980, nhiễm sắc thể chuột được đưa ra với bản đồ của 7 nhiễm sắc thể 45 loci.

     

    Đột phá lớn nhất trong bản đồ gen chuột là triển khai kỹ thuật tái tổ hợp ADN và trình tự ADN biểu hiện kiểu hình trong các phòng thí nghiệm.

     

    Khi dự án giải trình tự nhiễm sắc thể người được tiến hành vào năm 1990 thì cùng lúc nhiễm sắc thể của 5 loài động vật khác nhau, trong đó có chuột cũng được thực hiện.

     

    2.1. Chuột có vai trò quan trọng trong nền khoa học – vật thí nghiệm lý tưởng về sinh học

     

    Cặp người chuột sinh ra từ thời xa xưa lắm. Lúc đầu con người nuôi chuột để ăn thịt, sau đó thuần dưỡng nó (từ thời cổ Hy Lạp) để biến nó thành một trợ thủ, có thể đi theo con người đến bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào. Trong các thành phố, miền đồng quê, đến mọi miền khí hậu (ngoại trừ vùng Cực), mọi độ cao (đến 4.500m). Trước sự sinh sôi như thế, khoa học đã chú ý đến con thú bé nhỏ này.

     

    Từ thế kỷ 18, nó đã quyến rũ được người Nhật và người Trung Hoa – họ không do dự nuôi chúng tùy theo màu lông. Tuy nhiên, khi ngành di truyền học có những bước đi đầu tiên thì chuột được coi như một vật mẫu khoa học. Năm 1902, nhà sinh học Pháp Lucien Quénot trình bày với Viện Hàn Lâm Khoa Học một nghiên cứu về các định luật Mendel và tính di truyền của sự nhiễm sắc tố ở chuột. Từ đó, khi cần thí nghiệm, con người phải nhờ đến chuột.

     

    Chuột là con thú mà các nhà sinh học hiểu biết nhiều nhất đã được khẳng định bởi Lachapelle, nhà nghiên cứu người Pháp ở Inserm, ông giải thích rằng: Với thân hình nhỏ bé, khả năng sinh sản nhanh (21 ngày mang thai) và tương đồng với con người về sinh lý và di truyền (90% các gien người giống chuột), chuột trở thành vật thí nghiệm tuyệt vời.

     

    Nhưng, ngay trước khi khám phá ADN, giới khoa học chú tâm sắp xếp chuột theo đặc tính tự nhiên riêng của chúng (sợ sệt, mắc bệnh tim…). Chúng được giao phối cho đến khi có được các mẫu đặc biệt tùy theo các bệnh lý như ung thư hay bệnh hư khớp. Con đường khác là cho giao phối từ cùng một lứa để cho ra đời các dòng di truyền “thuần khiết”. Sau vài chục thế hệ, những con chuột sinh ra hầu như giống nhau.

     

     Được phát triển rộng trong nửa đầu thế kỷ 20, hai phương pháp này nhanh chóng bộc lộ những giới hạn: kết quả của những quan sát đơn giản, sự chọn lọc và quan hệ dòng máu dẫn đến những đột biến bất thường dù sao cũng không cho phép hiểu được tiến trình các bệnh. Nhiều nhất là đưa ra được vai trò của gien này hay gene kia, nhưng người ta không thể xác định được gene đó.

     

    Từ đó, với sự chào đời của chuột chuyển gien, ngành di truyền học đã làm nên cuộc cách mạng. Cũng như các cây cỏ cùng tên, chúng mang trong di sản gien lạ. Kỹ thuật chuyển gien đầu tiên xuất hiện vào năm 1982: Một gien (sản xuất hormon tăng trưởng) của chuột được tiêm vào trong các trứng đã thụ tinh, sau khi được cấy lại vào dạ con một con chuột cái, đã cho ra đời những con chuột to lớn. Từ đó, người ta có thể có được những con vật mang các đặc tính mới hay phát triển một sức đối kháng tương đối mạnh đối với một số bệnh. Ngày nay, phương pháp bổ sung này đã được phổ biến rộng rãi và áp dụng sang các loài khác.

     

    Nhờ nó, người ta có được những con heo chuyển gien có thịt jambon chất lượng hơn, hay những con bò có khả năng sản xuất lactoferrine, một thành phần quan trọng của sữa người không thể tổng hợp được bằng con đường hóa học. Tuy nhiên, phương pháp bổ sung này vẫn còn bấp bênh – khoa học không biết con số gene thu được, và nhất là địa điểm sáp nhập của chúng trong cơ thể. Do đó, người ta không còn đưa một gien vào trong nhân một trứng chuột, nhưng chỉ đơn giản là thay thế nó. Hoặc là thay thế một gien suy yếu bằng gien hoạt động (lúc đó người ta gọi là chuột knock-in), hoặc là ngược lại, bằng cách đổi một gien hoạt động bằng một gien đã biến đổi hay không hoạt động (chuột knock-out). Như thế, hiệu quả của gien được hủy bỏ. Thao tác tương tự được thực hiện vào cuối thập niên 1980 nhờ sự cải thiện kỹ thuật các tế bào phôi cho phép nhân nhiều lên các tế bào này cho đủ số và tùy ý biến đổi chúng về mặt di truyền.

     

    Hai loại chuột nhiều nhất được sử dụng trong thí nghiệm là chuột nhắt (mice) và chuột cống (rat). Từ 2 loài thuần chủng này, người ta tạo ra hàng ngàn chủng chuột khác nhau tuỳ theo mục đích thí nghiệm. Phân loại theo tính năng, chia ra 2 loại chuột thí nghiệm: chuột thuần chủng và chuột biến đổi gen.

     

    Chuột thuần chủng là các loại chuột dùng cho các kiểm nghiệm an toàn thuốc, thực phẩm, mỹ phẩm, cung cấp các nguồn tế bào phôi, tế bào gốc, cung cấp tế bào lai, sản xuất các chế phẩm sinh y học, nghiên cứu hoá chất gây ung thư… hay trong giảng dạy.

     

    Chuột chuyển gene dùng để nghiên cứu cơ bản: gien, làm mô hình nghiên cứu các bệnh tật nan y. Một số hướng nghiên cứu hiện nay thí nghiệm trên các chủng chuột chuyển gien là: Hội chứng Down dùng dòng chuột – Ts65Dn; bệnh xơ cứng Cystic Fibrosis (CF) – dùng chuột The Cftr knockout ; ung thư: p53 knockout; tăng nhãn áp gây mù (Glaucoma): DBA/2J; tiểu đường týp 1 bệnh tự miễn; tiểu đường týp 2 do rối loạn chuyển hoá sau 40 tuổi; bệnh động kinh ở trẻ em; bệnh tim mạch; bệnh mất dinh dưỡng cơ; ung thư cổ tử cung; HIV-ADIS… cứ mỗi loại bệnh sẽ tương ứng một đến vài dòng chuột chuyển gien.

     

    Chỉ riêng phòng thí nghiệm The Jackson thuộc Viện Nghiên cứu di truyền học Mỹ, đã có khoảng 2700 chủng chuột thí nghiệm, mỗi năm cung cấp tới 2 triệu con chuột đặc chủng cho các nhà khoa học trên thế giới.

     

    2.2. Chuột phát hiện chất ma tuý và thuốc nổ cực giỏi

     

    Khả năng suy tính của chuột khiến con người phải ngạc nhiên. Không phải ngẫu nhiên mà Bộ Quốc Phòng Mỹ đã nghĩ ra cách huấn luyện chuột cho chúng tìm ra ma túy và thuốc nổ. Nhà nghiên cứu James Otto ở Đại học Tổng hợp Baltimore và các đồng nghiệp đã huấn luyện chuột đứng lên bằng chân sau, khi chúng ngửi thấy mùi cocaine trong phòng thí nghiệm. Một cảm biến đặc biệt theo dõi chuyển động của chuột và truyền vào máy tính những tín hiệu về vị trí của chúng. Bí quyết là bộ phận định lượng thức ăn, được nối với bộ cảm biến cho phép tự động hóa quá trình huấn luyện. Bằng cách giấu ma túy trong thức ăn, các nhà nghiên cứu làm cho các con chuột tin rằng việc phát hiện ra “hàng lậu” sẽ được tưởng thưởng. Phương pháp huấn luyện này giống các thủ thuật quen biết của ông Durov. Lúc đầu mồi ăn được đưa xuống từ phía trên, buộc con vật phải đứng lên 2 chân sau. Sau 3 tuần huấn luyện, mùi cocaine buộc chuột làm việc tương tự. Việc dùng chuột để tìm ra ma túy đơn giản hơn dùng chó; theo bản năng, chuột thường xuyên ngửi quanh chỗ của mình và nhờ kích thước nhỏ, chúng có thể bò vào những nơi chật hẹp nhất.

     

    Ở Mỹ hiện đang có một đợt bùng nổ thí nghiệm với chuột. Tại New York, một nhóm nhà khoa học đã tạo ra chuột được điều khiển từ xa. Với sự hỗ trợ của các điện cực gắn vào não chuột, hành động của chuột cyborg (cơ thể ghép với kỹ thuật điều khiển học) có thể được lập trình trong khoảng cách đến 500m. Kết quả này đã được công bố năm nay trong tạp chí khoa học có uy tín Nature. Thực chất, 5 con chuột mà đại diện của Trường Đại học Tổng hợp Drecksel đang thí nghiệm không thể gọi là robot, chúng có khả năng thực hiện các mệnh lệnh nhưng chỉ sau khi đã được huấn luyện đặc biệt. Cụ thể, các nhà khoa học đã cấy 3 điện cực mảnh bằng sợi tóc vào não của mỗi con chuột. Một điện cực gắn với trung tâm thỏa mãn. Hai điện cực khác dẫn đến các vùng của não, chịu trách nhiệm phản ứng trước các tín hiệu của phần râu phải và trái: chính nhờ các sợi râu này, con vật định hướng được trong không gian. Các điện cực được nối với may thu phát vô tuyến treo trên vòng cổ chuột. Tổ hợp thiết bị được bổ sung thêm một camera nhỏ.

     

     Các thử nghiệm được tiến hành trong mê cung. Các nhà khoa học kích thích các điện cực thực hiện chức năng của râu; khi con chuột quay sang hướng cần thiết, họ lại truyền tín hiệu vào trung tâm thỏa mãn. Tuyến đi của chuột được điểu khiển bằng máy tính xách tay nằm cách mê cung 500m. Dưới sự điều khiển của các nhà nghiên cứu, các con chuột chạy dọc ống hẹp hay trên các sàn treo, trèo lên cây hay nhảy từ trên cao xuống. Người ta thấy rằng có thể buộc chuột chui ra khoảng không gian thoáng rộng, được chiếu sáng tốt – điều mà thông thường chuột không làm. Các nhà nghiên cứu cho rằng trong tương lai, các con chuột như vậy sẽ thực hiện nhiệm vụ cứu hộ khi xảy ra các thảm họa. Ví dụ, các con chuột điều khiển được có thể phát hiện ra những nạn nhân bị động đất một cách hiệu quả hơn nhiều so với chó, cũng như có thể tìm ra mìn và tiến hành trinh thám trên lãnh thổ đối phương. Bộ Quốc Phòng Mỹ rất quan tâm đến những ứng dụng như vậy, nên đã tài trợ cho dự án nghiên cứu này.

     

    Gần đây, ý tưởng tìm lợi ích từ chuột cũng được xem xét ở Nga. Có điều người ta không quan tâm đến trí khôn của động vật này mà tính tới sự háu ăn của chúng. Một nhà sáng chế đưa ra phương pháp mang tính cách mạng để giải quyết vấn đề chất thải trong trại nuôi chuột. Chúng sẽ ăn hết các chất thải hữu cơ, còn các chất dẻo, cao su, da… bị chúng nhai nát. Khi các con chuột được nuôi bằng cách như vậy không tiếp tục tăng khối lượung, chúng sẽ được cho ngủ và nghiền nhỏ. Tiếp theo, chuột nghiền nhỏ được sử dụng làm thức ăn nuôi ấu trùng ruồi, từ đó sinh ra mùn. Sản phẩm cuối cùng của nhà máy giải quyết ù chất thải là đất có chất lượng tốt. Theo tính toán của nhà sáng chế, chất thải hàng ngày từ một người sẽ được khoảng chục con chuột giải quyết hết trong vòng 24 giờ. Nhưng ý tưởng này không được chính quyền các thành phố ở Nga ủng hộ vì có ý kiến cho rằng để tồn tại 10 con chuột trên mỗi đầu người là quá nguy hiểm.

     

    2.3. Chuột cũng được sử dụng làm vật thí nghiệm tại Việt Nam

     

    Khu vực chăn nuôi chuột thí nghiệm tại Viện Vệ sinh dịch tễ học TW, Hà Nội là nơi đầu tiên tại Việt Nam chuẩn hoá động vật thí nghiệm phục vụ y tế, trong đó chủ yếu là chuột thuần chủng dùng trong các kiểm nghiệm. Do vậy, ở Việt Nam tại Viện Pasteur TP. HCM, Viện Vaccine Nha Trang… cũng có các khu nuôi chuột thí nghiệm.

     

    Xét về chuyên sâu và phục vụ nghiên cứu đặc biệt thì các trung tâm nuôi chuột thí nghiệm của Việt Nam còn rất lâu nữa mới có thể hội nhập cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dòng chuột và nhân sự.

    Chuột thí nghiệm là một phần (cao cấp) trong toàn cảnh nghiên cứu cơ bản và ứng dụng về sinh y học. Việc đầu tư người và của, định hướng chiến lược ngắn hạn và dài hơi trong nghiên cứu và ứng dụng dùng động vật thí nghiệm, hay chuột thí nghiệm cần các nhà chuyên môn và chuyên gia tư vấn tài giỏi. Họ cần có tầm nhìn, nguồn lực để triển khai một cách phù hợp, không lãng phí trong bối cảnh khoa học kỹ thuật hiện tại của nước nhà đỡ tụt hậu là rất khó.

    Vị thế con chuột thí nghiệm tại Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh thể hiện nó cũng rất có ích cho người đấy.

     

    3. Lời kết

     

    Rõ ràng, chuột gây hại rất lớn đến nền kinh tế của chúng ta, nhưng chính con chuột cũng rất có ích cho con người. Là một người làm công tác nghiên cứu khoa học, tôi xin chia sẻ cùng bạn đọc lời của một tác giả đã viết về chuột: “Thêm một chút hiểu biết loài chuột thì cũng tốt cho tâm hồn và cũng tốt cho những ai tôn vinh và đã từng sử dụng chúng trong nghiên cứu di truyền học. khi nó được sử dụng trong các thí nghiệm trong sinh học nói chung và xây dựng mô hình chọn giống nói riêng”. Ngoài ra, chuột cũng có công lớn vào sản xuất các loại thuốc để trị bệnh cho con người và đóng góp vào kho tàng ngôn ngữ, làm phong phú cho ca dao – tục ngữ – thành ngữ cũng như đã đi vào các dòng tranh dân gian nổi tiếng của Việt Nam và trên thế giới.

     

    Trần Huy

    2 Comments

    1. Trịnh Khánh Ly

      Đọc rồi mấy biết chuột cũng có ích quá.

    2. Lê Đình Thanh

      Chuột nó có ích nhưng ba mẹ em vẫn không tin
      Mong nhachannuoi.vn có thể
      đăng những bài văn thuyết phục hơn

    Để lại comment của bạn

    Bình luận mới nhất

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Theo UBND xã Minh Châu – Ba Vì – Hà Nội, xác định lợi thế về đất đai, khí hậu nên những năm qua đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp là chính, trong đó xã tập trung đến phát triển chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt. […]

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Trong bối cảnh bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại TP Hồ Chí Minh, thành phố càng nỗ lực thực hiện các biện pháp kiểm soát chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ gắt gao. Hơn nữa, khảo sát một đêm tại thị trường […]

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Anh Trần Văn Toản, ở khu vực Bình Yên B, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ là người đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long mở trang trại nuôi chim công rất thành công mà cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.   1/ […]

    • Giống chim này có khả năng thích ứng cao với điều kiện khí hậu ở nước ta, tỷ lệ nuôi sống đạt 94-99%.

    • Để đàn gà sinh trưởng phát triển tốt có tỷ lệ sống cao cần thực hiện tốt kỹ thuật úm gà con

    • Việt Nam cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… là những nước đã nuôi trồng thành công đông trùng hạ thảo.

    • Gà vảy cá được mệnh danh là “mỹ kê” đã được nhiều đại gia Việt sẵn sàng chi tiền triệu để hữu cặp gà vảy cá đẹp.

    • Cừu chính là loài vật nuôi thích hợp với những điều kiện khắc nghiệt của vùng đất Ninh Thuận.

    • Nghề nuôi chim cút đẻ hiện đang phổ biến ở rất nhiều hộ gia đình tại các địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế khá.

    • Tỉnh Phú Thọ với địa hình đa dạng: nhiều gò, đồi thấp, dải đồng bằng thuận lợi cho chăn nuôi, trong đó, có chăn nuôi gà lông màu.