[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Mặc dù gặp nhiều khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, dịch bệnh còn diễn biến khó lường, giá sản phẩm chăn nuôi biến động, nhưng năm 2022, theo Cục Chăn nuôi, giá trị sản xuất chăn nuôi ước tính tăng 5,93%.
Tại thời điểm tháng 12/2022, tổng đàn lợn khoảng 26,22 triệu con (chưa bao gồm lợn con theo mẹ), tăng 11,4%; đàn gia cầm khoảng 551,6 triệu con, tăng 4,8%; đàn bò khoảng 6,65 triệu con, tăng 3,1% (riêng đàn bò sữa 335 nghìn con). Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 7,05 triệu tấn (trong đó, thịt trâu: 123 nghìn tấn, tăng 1,6%; thịt bò 474 nghìn tấn, tăng 3,5%; lợn 4,425 triệu tấn, tăng 5,9%; gia cầm 2,028 triệu tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2021); sản lượng sữa tươi 1,277 triệu tấn, tăng 10,2%; sản lượng trứng trên 18,3 tỷ quả (tăng 4,4%); sản lượng TACN công nghiệp quy đổi khoảng 20,0 triệu tấn, giảm 8,6%.
Đối với chăn nuôi lợn: Đàn lợn của doanh nghiệp tăng trưởng nhanh
Bên trong trại chăn nuôi lợn của một doanh nghiệp FDI
Trong những năm qua, chăn nuôi lợn của nước ta có sự biến động lớn về tổng đàn và sản lượng thịt, trong đó tổng đàn lợn đạt cao nhất vào năm 2016 (29,1 triệu con), giảm xuống 27,4 triệu con vào năm 2017 (do khủng hoảng thừa), tăng trở lại vào năm 2018 (28,1 triệu con), sau đó bị giảm sâu kỷ lục vào năm 2019 do dịch tả lợn Châu Phi (chỉ còn 19,6 triệu con). Tổng đàn lợn dần hồi phục trong năm 2020 (22,0 triệu con) và tiếp tục tăng trưởng đạt 28,1 triệu con năm 2021 (sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 4,18 triệu tấn, chiếm 62,5% trong tổng sản lượng thịt hơi của cả nước).
Thời điểm tháng 11/2022, tổng đàn lợn cả nước khoảng 28,8 triệu con[1]; tại 16 doanh nghiệp chăn nuôi lợn lớn hiện đang duy trì đàn lợn trên 6 triệu con. Sản lượng thịt lợn hơi cả nước trong 11 tháng đầu năm ước đạt khoảng 4,0 triệu tấn. Dự kiến cả năm 2022, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 4,3 triệu tấn, tăng 3,6% so với năm 2021.
Đối với giống lợn: Tổng đàn nái trên cả nước ước đạt trên 3,2 triệu con (chiếm 11,36% tổng đàn lợn) tăng 4,7% so cùng kỳ năm 2020. Trong đó, đàn cụ kỵ, ông bà (nái cụ kỵ chiếm khoảng 15% và nái ông bà chiếm 85%) đạt 135 nghìn con (chiếm 4,21% tổng đàn nái). Đàn lợn nái cụ kỵ, ông bà gồm các giống nhập ngoại chiếm 80%; lợn nái lai giữa lợn ngoại với lợn nội và lợn nái nội thuần chiếm tỷ lệ 20% tổng đàn nái.
Hằng năm, đàn lợn nái được thay thế bình quân 25%. Giai đoạn 2015 – 2020, số lượng lợn giống cụ kỵ và ông bà sản xuất trong nước để thay thế đàn khoảng 89%, còn 11% nhập khẩu để thay thế, làm tươi máu cải tiến năng suất giống trong nước. Cả nước có 467 cơ sở sản xuất và cung cấp lợn giống với 240 cơ sở nuôi giữ lợn nái giống cụ kỵ, ông bà (GGP và GP), trong đó các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp trong nước có 116 cơ sở với tổng đàn nái trên 48 nghìn con, chiếm 48,3% tổng cơ sở giống và 35,5% tổng đàn nái GP, GGP trong cả nước; các doanh nghiệp FDI (C.P, Japfa Comfeed …) có 124 cơ sở với tổng đàn nái có trên 87 nghìn con, chiếm 51,6% tổng số cơ sở giống và 64,4% tổng đàn nái GP, GGP của cả nước. Cả nước có khoảng 64 nghìn con lợn đực giống. Trong đó, số lợn đực sản xuất tinh để phối giống nhân tạo là 30,7 nghìn con (47,9%); đàn lợn đực giống phối trực tiếp là 33,3 nghìn con (chiếm 52,1%), chủ yếu nuôi trong dân.
Chăn nuôi gia cầm: Trên 530 triệu con
Thời điểm 31/12/2021, đàn gia cầm khoảng 523,6 triệu con, trong đó đàn gà trên 420 triệu con (chiếm 80,0%), đàn thủy cầm trên 103 triệu con (chiếm 20,0%). Tổng sản lượng thịt gia cầm đạt 1,92 triệu tấn, trong đó thịt gà chiếm 76,03%, thịt thủy cầm chiếm 23,97%. Tổng sản lượng trứng gia cầm đạt gần 17,6 tỷ quả, trong đó trứng gà chiếm 61,75%, trứng thủy cầm chiếm 38,25%.
Thời điểm tháng 11/2022, tổng đàn gia cầm cả nước khoảng 533 triệu con[2]. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 11 tháng đầu năm 2022 ước đạt 1,7 triệu tấn; sản lượng trứng gia cầm đạt gần 16,4 tỷ quả. Dự kiến cả năm 2022, sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 2,0 triệu tấn, tăng 4,2 % so với năm 2021; sản lượng trứng ước đạt 18,4 tỷ quả tăng 4,6% so với năm 2021.
Đối với chăn nuôi gia súc ăn cỏ
Đàn bò ước đạt gần 6,42 triệu con, trong đó đàn bò sữa trên 339 nghìn con, tập trung chủ yếu ở vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung (chiếm 37%); sản lượng thịt bò hơi ước đạt 400 nghìn tấn; sản lượng sữa bò tươi ước đạt gần 1,0 triệu tấn.
Đàn trâu cả nước có khoảng 2,25 triệu con, tập trung chủ yếu các tỉnh Miền núi và Trung du (chiếm 55,3%); 11 tháng đầu năm 2022, sản lượng thịt trâu ước đạt 90 nghìn tấn. Hiện nay, cả nước có trên 2,66 triệu con dê và khoảng 118 nghìn con cừu.
Dự kiến cả năm 2022, sản lượng thịt gia gia súc ăn cỏ hơi xuất chuồng ước đạt 0,65 triệu tấn; sản lượng sữa tươi ước đạt 1,16 triệu tấn tăng 8,3% so với năm 2021.
Về giết mổ và chế biến: Ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư mạnh
Dây chuyền giết mổ của một doanh nghiệp giống gia cầm tại Hải Phòng
Trong thời gian vừa qua, làn sóng đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, chế biến diễn ra mạnh mẽ và được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh trong những năm tiếp theo. Các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ ngày càng giảm; cơ sở giết mổ tập trung có xu hướng tăng cả về số lượng và quy mô. Hiện nay, tỷ lệ gia súc, gia cầm được giết mổ tập trung ước khoảng 25-30% (trong đó giết mổ công nghiệp khoảng 10-12%). Công suất thực tế tại các cơ sở giết mổ công nghiệp còn thấp so với công suất thiết kế (dao động 30-65%).
Chế biến hiện nay là công đoạn đem lại lợi nhuận nhiều nhất trong chuỗi giá trị ngành chăn nuôi. Đến hết tháng 11/2022, cả nước có 109 cơ sở, nhà máy của các doanh nghiệp chế biến thịt, trứng và sữa quy mô công nghiệp để xuất khẩu và phục vụ tiêu dùng trong nước, đáp ứng nhu cầu chế biến cho khoảng trên 1,3 triệu tấn thịt, trên 100 triệu quả trứng, hàng triệu lít sữa tươi hàng năm. Cả nước hiện có 68 nhà máy chế biến thịt các loại và sản phẩm thịt chế biến khoảng trên 1,3 triệu tấn chiếm khoảng 20-22% tổng sản lượng thịt sản xuất trong nước. Sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng thấp chiếm 80 – 85% (chế biến đơn giản, sơ chế) và các sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao (thịt hun khói, giăm bông, xúc xích, lạp xường…) chiếm khoảng 15 – 20%; sản phẩm đóng bao gói nhỏ cung cấp cho bán lẻ chiếm khoảng 10%; sản xuất thịt mát đã bắt đầu phát triển chiếm khoảng 10%.
Hiện có 6 nhà máy chế biến trứng và sản lượng trứng chế biến khoảng 100 – 110 triệu quả trứng/năm, chiếm khoảng 0,7% – 0,8 % tổng sản lượng trứng sản xuất trong nước. Cả nước có 35 nhà máy chế biến sữa, trong đó phần lớn các nhà máy chế biến có công nghệ tiên tiến, tính tự động hóa cao. Hầu hết các nhà máy chế biến sữa đều chủ động liên kết vùng nguyên liệu, tạo chuỗi sản phẩm khá hiệu quả và đây là thế mạnh của ngành chế biến sữa của Việt Nam. Riêng trong năm 2022 khởi công 02 nhà máy sữa với số vốn đầu tư hơn 6.600 tỷ đồng là Nhà máy chế biến sữa công nghệ cao Mộc Châu và Vinamilk.
Tình hình giá vật tư và một số sản phẩm chăn nuôi
Giá lợn thịt hơi: Diễn biến trái với quy luật hàng năm
Năm 2022, khi so sánh giá lợn thịt hơi xuất chuồng của 3 miền thì không có sự khác biệt lớn giữa các vùng. Do khả năng cung ứng khác nhau, giữa các tỉnh có sự chênh lệnh trong khoảng 2-4 nghìn đồng/kg lợn thịt hơi.
Tuy nhiên, giá thịt lợn hơi xuất chuồng biến động mạnh tại các thời điểm khác nhau trong 02 năm trở lại đây. Cụ thể, từ tháng 01/2021 đến tháng 8/2021 giá lợn thịt hơi xuất chuồng giảm 30-35%, duy trì ở mức thấp 43-49 nghìn đồng/kg; đến tháng 11/2021 tăng nhẹ lên trên 50 nghìn đồng/kg; tháng 12/2021 giá tăng lên và dao động quanh mức 53-57 nghìn đồng/kg và duy trì đến trung tuần tháng 05/2022.
Đến cuối tháng 6/2022, giá lợn thịt hơi xuất chuồng có xu hướng tăng và người chăn nuôi bắt đầu có lợi nhuận (2,5-3,0 nghìn đồng/kg lợn hơi). Từ đầu tháng 7/2022 đến giữa tháng 9/2022, giá lợn hơi tăng mạnh lên 60-70 nghìn đồng/kg, thậm chí có nơi giá tăng lên mức 75 nghìn đồng/kg; trong khi giá thành ở mức 56-60 nghìn đồng/kg. Từ giữa tháng 9/2022 đến nay, giá lợn hơi liên tục giảm; hiện nay dao động 53-55 nghìn/kg, phổ biến 53 nghìn đồng/kg, thấp hơn giá thành sản xuất (58-60 nghìn/kg).
Một số nguyên nhân chính dẫn đến giá lợn giảm trong thời gian gần đây được nhận định là do: (i) Nguồn cung lợn thịt tăng cao vào các tháng 9, tháng 10 và tháng 11/2022; (ii) Sức mua thực phẩm không cao do tình hình thu nhập của người dân bị ảnh hưởng khi lạm phát tăng (lãi suất cho vay tăng, tỷ giá ngoại tệ tăng) và (iii) Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn phải giảm quy mô sản xuất (do chi phí nhập khẩu nguyên liệu tăng cao) buộc phải giảm lao động, sức tiêu thụ thịt lợn của các khu công nghiệp giảm.
So với các nước trong khu vực, tại thời điểm ngày 29/11/2022, giá lợn hơi của Campuchia dao động 42-46 nghìn đồng/kg; Myanmar 48-52 nghìn đồng, Lào 61-65 nghìn đồng, Thái Lan 70-78 nghìn đồng/kg. Tại thị trường Trung Quốc, giá lợn hơi ngay 22/11/2022 khoảng 86 nghìn đồng, ngày 29/11/2022 giá dao động 78-81 nghìn đồng, cao hơn Việt Nam khoảng 30 nghìn đồng (nguồn AgroMonitor). Theo Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC), giá thịt lợn tại 36 trung tâm buôn bán lớn của Trung Quốc hiện tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường lợn thịt biến động như trên đã tác động đến nhu cầu lợn giống. Từ tháng 01 đến tháng 6/2021, giá lợn giống luôn ở mức trên 2,4 triệu đồng/con. Tuy nhiên, sau khi giá lợn thịt giảm, giá lợn giống giảm mạnh xuống 1,4-1,6 triệu đồng/con vào tháng 8-9/2021, từ cuối tháng 10/2021 đến tháng 6/2022, giá lợn giống duy trì ở mức thấp 1,0-1,2 triệu đồng/con. Từ đầu tháng 7 đến cuối năm 2022, giá lợn giống dao động khoảng 1,4-1,7 triệu đồng/con.
Giá gia cầm hơi
Giá các sản phẩm chính của gia cầm cơ bản tăng đều từ tháng 2/2022 đến tháng 6/2022, tuy nhiên, trong nửa cuối năm 2022, giá một số sản phẩm theo xu hướng giảm nhất trong tháng 10, 11/2022.
Giá gà thịt công nghiệp lông trắng hơi trong 11 tháng đầu năm 2022 là đối tượng biến động giá phức tạp nhất, tăng giảm nhiều nhất: giá bình quân dao động từ 25-30 nghìn đồng/kg (đầu năm 2022) tăng lên 33-36 nghìn đồng/kg (thời điểm tháng 6,7/2022) tùy từng khu vực; hiện nay, giá đang dao động khoảng 25 – 28 nghìn đồng/kg ở miền Bắc và khoảng 34-37 nghìn đồng/kg ở miền Nam. Giá gà trắng nuôi công nghiệp của Việt Nam tương đương với giá tại các nước trong khu vực như Campuchia 33-36 nghìn đồng/kg, Thái Lan 32,5 nghìn đồng/kg, Indonesia 33 nghìn đồng/kg, Trung Quốc 33 nghìn đồng/kg. Giá con giống gà trắng công nghiệp trong các tháng đầu năm 2022 ổn định từ 6-8 nghìn đồng/con, tuy nhiên thời điểm hiện tại, giá tăng nhẹ và dao động từ 9-10 nghìn đồng/con.
Trong khi đó, giá gà lông màu nuôi thả vườn không có nhiều biến động từ tháng 01/2021 đến hết quý I/2022, bình quân dao động từ 50-55 nghìn đg/kg tại miền Bắc, giá bình quân tại miền Trung và miền Nam tương đương hoặc thường cao hơn từ 2.000-5.000 đồng/kg. Từ đầu quý II/2022 đến tháng 8/2022 giá gà lông màu hơi tăng lên mức 60-80 nghìn đồng/kg, cá biệt có nơi gần 90 nghìn đồng/kg, trước biến động về cung ứng nguyên liệu sản xuất, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, giá vật tư đầu vào tăng. Từ tháng 9/2022 đến nay, giá gà lông màu giảm và dao động 60 -65 nghìn đồng/kg.
Nhóm gà thịt lông màu nuôi công nghiệp đầu năm 2022 có giá bình quân dao động từ 40-42 nghìn đồng/kg tăng lên 55-58,5 nghìn đồng/kg (thời điểm tháng 6,7/2022); hiện nay giá đang dao động từ 32-38 nghìn đồng/kg. Giá con giống tăng từ 5,5-6,5 nghìn đồng/con (đầu năm 2022) lên 9,5-11,5 nghìn đồng/con (thời điểm tháng 6,7/2022) và hiện nay dao động từ 8,0-9,0 nghìn đồng/con.
Các tháng đầu năm 2022, giá các sản phẩm từ vịt cũng tăng mạnh, trong đó giá vịt Super M hơi xuất chuồng tăng trung bình từ 34,9 nghìn đồng/kg lên 47,5 nghìn đồng/kg; giá vịt thịt Grimaud tăng trung bình từ 34,6 nghìn đồng/kg lên 48,5 nghìn đồng/kg (tăng 40%). Tuy nhiên, hiện tại giá vịt thịt hơi tiếp tục theo xu hướng giảm do nguồn cung tăng cao, dao động chỉ từ 28-29 nghìn đồng/kg ở khu vực phía Bắc, còn tại các tỉnh miền Nam giá ổn định khoảng 29-30 nghìn đồng/kg.
Trong năm 2022, tùy từng thời điểm giá các sản phẩm trứng gà dao động từ 1,6-2,5 nghìn đồng/quả; trứng vịt từ 2,5-3,2 nghìn đồng/quả tùy từng khu vực; giá khu vực miền Bắc cao hơn các khu vực còn lại).
Giá một số sản phẩm khác
Giá con giống bò nuôi thịt dao động từ 110-125 nghìn đồng/kg; giá giống bò sữa ở miền Bắc là 125 nghìn đồng/kg, miền Nam là 145 nghìn đồng/kg. Giá thịt bò hơi ở cả ba miền dao động từ 80-100 nghìn đồng/kg, hiện nay, giá thịt trâu, bò hơi giảm sâu (dưới ngưỡng 60 nghìn đồng) do nguồn cung dồi dào, mức tiêu thụ giảm. Giá sữa bò dao động từ 12-12,5 nghìn đồng/lít. Giá dê thịt dao động từ 120-140 nghìn đồng/kg thịt hơi.
Đối với sản phẩm yến: năm 2022, Trung Quốc đã ký Nghị định thư với Việt Nam về việc xuất, nhập khẩu chính ngạch sản phẩm tổ yến của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.
Giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm tăng cao do giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi lập đỉnh
Giá TACN thành phẩm trung bình 11 tháng năm 2022 đều tăng so với cùng kỳ năm 2021, cụ thể: thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho lợn thịt từ 60kg đến xuất chuồng khoảng 13 nghìn đồng/kg (tăng 14,5%); thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gà thịt lông màu 12,790 nghìn đồng/kg (tăng 12,8%); thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gà thịt lông trắng 13,532 nghìn đồng/kg (tăng 14,2%).
Tâm An
Nguồn số liệu: Cục Chăn nuôi
————–
[1] Một số địa phương phát triển chăn nuôi lợn tốt là Đồng Nai, Hà Nội, Bình Phước, Bắc Giang, Thanh Hóa.
[2] Một số địa phương có đàn gia cầm trên 20 triệu con là Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa, Đồng Nai.
Cục Chăn nuôi đặt mục tiêu năm 2023, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng khoảng 4,5-5,0% so với năm 2022. Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 7,27 triệu tấn, tăng 4,1% (trong đó, sản lượng thịt lợn hơi tăng 4,0%; sản lượng thịt gia cầm tăng 4,8%); sản lượng trứng các loại tăng khoảng 3,8%; sản lượng sữa tăng khoảng 8,0%; sản lượng mật ong tăng khoảng 7,1%; sản lượng tổ yến tăng khoảng 5,6%; sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi đạt trên 21,0 triệu tấn, tăng 5,0% so với năm 2022. Tỷ lệ bò lai ước đạt từ 65% tổng đàn bò; tỷ lệ lợn nái ngoại 30,0%; tỷ lệ đàn lợn lai và ngoại trong tổng đàn lợn 95,5; khối lượng lợn thịt xuất chuồng đạt khoảng 85-90 kg/con.
- tình hình chăn nuôi năm 2022 li>
- chăn nuôi gia cầm li>
- thức ăn chăn nuôi li>
- chăn nuôi lợn li> ul>
- Mangan – yếu tố quan trọng đối với chất lượng vỏ trứng
- Nghiên cứu: H5N1 ổn định trên thiết bị vắt sữa trong ít nhất 1 giờ
- Nhập khẩu sữa, sản phẩm sữa 9 tháng đầu năm 2024 giảm gần 4%
- SALIC sẽ mở rộng hợp tác với Việt Nam về thương mại gạo, thức ăn chăn nuôi
- USMEF: Xuất khẩu thịt bò Mỹ trong 8 tháng đầu năm 2024 đạt gần 7 tỷ USD
- Thu bạc triệu từ nuôi chim bồ câu
- Chi Lăng: Nhân rộng mô hình chăn nuôi ngựa bạch
- Giá sản phẩm chăn nuôi (giá tại trại) cả nước ngày 29/10/2024
- Khởi nghiệp từ phân trùn quế
- Sản lượng thịt lợn của EU năm 2024 dự kiến đạt 20,77 triệu tấn
Tin mới nhất
T5,31/10/2024
- Mangan – yếu tố quan trọng đối với chất lượng vỏ trứng
- Nghiên cứu: H5N1 ổn định trên thiết bị vắt sữa trong ít nhất 1 giờ
- Nhập khẩu sữa, sản phẩm sữa 9 tháng đầu năm 2024 giảm gần 4%
- SALIC sẽ mở rộng hợp tác với Việt Nam về thương mại gạo, thức ăn chăn nuôi
- USMEF: Xuất khẩu thịt bò Mỹ trong 8 tháng đầu năm 2024 đạt gần 7 tỷ USD
- Thu bạc triệu từ nuôi chim bồ câu
- Chi Lăng: Nhân rộng mô hình chăn nuôi ngựa bạch
- Giá sản phẩm chăn nuôi (giá tại trại) cả nước ngày 29/10/2024
- Khởi nghiệp từ phân trùn quế
- Sản lượng thịt lợn của EU năm 2024 dự kiến đạt 20,77 triệu tấn
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
- Các quy trình ngoại khoa trên heo con và những vấn đề cần lưu ý
- Bệnh Dịch tả heo châu Phi: Làm tốt An toàn sinh học đến đâu, rủi ro bệnh càng thấp tới đó!
- Quy trình xử lí chuồng trại sau khi bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
- Bệnh gạo lợn: Những điều cần biết
Bình luận mới nhất