[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Từ năm 1975, chúng ta bắt đầu có những nghiên cứu lai tạo bò địa phương với bò chuyên dụng thịt. Từ đó đến nay, nhiều chương trình dự án cho phát triển chăn nuôi bò thịt đã được triển khai trên cả nước. Tuy vậy, so với các ngành chăn nuôi khác như gia cầm, lợn, bò sữa thì ngành chăn nuôi này đang ở trình độ thấp hơn đáng kể.
Chọn lọc, nhân thuần nâng cấp phẩm giống bò Vàng địa phương
Bò Vàng địa phương dễ nuôi, chịu đựng được khí hậu nóng ẩm, kí sinh trùng, thức ăn thiếu thốn, nghèo dinh dưỡng nhưng rất mắn đẻ, nuôi con khéo, tính hiền. Đây là những đặc điểm quý cần được bảo tồn và khai thác triệt để trong công tác lai tạo giống mới. Việc chọn lọc, nhân thuần để nâng cấp phẩm giống bò Vàng địa phương là một khâu quan trọng trong chiến lược phát triển giống bò thịt cho Việt Nam. Công việc này chúng ta chưa quan tâm đúng mức. Cần khoanh vùng những nơi bò Vàng chất lượng cao chưa bị tạp giao hoặc tác động của chương trình Sinh hóa để chọn lọc nhân thuần.
Để có một nền chăn nuôi bò thịt theo đúng nghĩa, cần phải có sự thay đổi toàn diện từ con giống, phương thức nuôi dưỡng, đến hình thức tổ chức sản xuất hợp lí gắn với thị trường tiêu thụ phù hợp.
Đối với đàn bò cái, chọn lọc những con đặc trưng cho nhóm giống, ưu tiên chọn những bò cái mắn đẻ, khéo nuôi con, tạp ăn và chịu gặm cỏ khi chăn thả. Chăm sóc nuôi dưỡng tốt bò mẹ sau chọn lọc để cải thiện ngoại hình và năng suất.
Đối với bò đực, tuyển chọn và chỉ giữ lại những đực giống có khối lượng vượt trội so với trung bình của nhóm, có ngoại hình đặc trưng của nhóm giống. Kiên quyết lọai bỏ những đực giống kém chất lượng (thiến bắt buộc từ 12 tháng tuổi). Luân chuyển đực giống tốt giữa các địa phương để tránh giao phối cận huyết.
Tiêu chuẩn chọn lọc bò cái Vàng (tham khảo):
Ngoại hình: Kết cấu cơ thể vững chắc, cân đối, nhanh nhẹn, móng tròn khít, đi không chạm kheo. Đầu thanh, mặt nhẹ, mắt sáng, da mỏng, lông mượt, lưng thẳng, bụng tròn, mông rộng không dốc, da đàn hồi, 4 núm vú phân bố đều.
Khối lượng cơ thể: 18 tháng tuổi từ 140kg trở lên; đẻ lứa đầu (30 tháng tuổi) từ 170kg trở lên; lứa 2 từ 185kg trở lên; lứa 3 (trưởng thành) từ 195kg trở lên. Khoảng cách lứa đẻ 13 tháng hoặc ngắn hơn.
Chọn bò đực giống (giống bò Vàng) ngoài yếu tố ngoại hình đặc trưng cho nhóm giống thì chú ý đến huyết thống. Chọn những bò đực từ những bò mẹ và bò bố tốt, có tăng trọng nhanh, khối lượng vượt trội so với con khác cùng tuổi. Tính hiền chịu gặm cỏ.
Zebu hóa đàn bò Vàng địa phương
Các giống bò chuyên dụng thịt ôn đới có đặc điểm nổi bật về sức sản xuất thịt. Tầm vóc lớn, tỷ lệ thịt xẻ cao, nuôi nhanh lớn, thịt mềm. Tuy vậy, chúng ta không thể nhập những giống này về nhân thuần với quy mô rộng lớn vì một số lí do sau: Tiền nhập bò giống rất cao; Bò cao sản cũng đòi hỏi yêu cầu cao về chăm sóc nuôi dưỡng ; Khả năng sinh sản thấp hơn bò địa phương; Kém thích nghi với khí hậu nóng ẩm nhiệt đới, khả năng chống chịu kém đối với kí sinh trùng (ve, ruồi, muỗi) và bệnh do kí sinh trùng gây ra.
Mục đích của chúng ta là có một giống bò tập trung được những đặc điểm quý của bò Vàng địa phương và khả năng sản xuất cao của bò ngoại. Để đạt được mục đích trên, phương pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất là thông qua con đường lai tạo.
Khối lượng bò Vàng rất nhỏ (bò cái khoảng 180kg), sẽ gặp khó khăn khi mang thai và sinh bê con từ bò bố cao sản, vì vậy mà con đường lai tạo phải được tiến hành qua 2 bước:
Bước 1: Sử dụng đực hoặc tinh bò Zebu (Sind, Sahiwal, Brahman) phối cho bò cái Vàng đã được chọn lọc để tạo ra con lai Zebu chất lượng cao hơn. Đàn cái lai Zebu này làm nền cho mục đích lai tạo tiếp theo. Con lai Zebu về cơ bản giữ được những đặc điểm quý của bò Vàng nhưng khối lượng tăng lên rõ rệt. Khối lượng bò cái trưởng thành đạt 270 – 300kg, tùy mức độ lai máu. Với khối lượng như vậy con lai Zebu có đủ khả năng mang thai bò chuyên dụng thịt và điều rất quan trọng nữa là bò mẹ đủ sữa nuôi bê lai. Công việc này chúng ta đã làm rất có kết quả và vẫn đang được tiếp tụ.
Bước 2: Lai tạo bò lai chuyên thịt. Bò lai Zebu ở bước 1 chưa đáp ứng yêu cầu chăn nuôi hàng hóa theo hướng thịt, vì vậy ta không thể dừng lại ở bước 1 mà tiếp tục sử dụng tinh của các giống bò chuyên thịt phối cho đàn cái lai để tạo ra con lai chuyên dụng thịt. Công việc này đã tiến hành từ mấy chục năm trước nhưng chủ yếu mới dừng ở lai kinh tế, đến nay vẫn chưa có nhóm giống lai nào có số lượng đáng kể trong sản xuất.
Một số công thức lai tạo bò thịt
Nước ta đã thành công trong việc lai cấp tiến bò HF vào bò cái lai Sind tạo nên giống bò sữa HF Việt Nam hiện nay, con lai có 15/16 hay 31/32 máu HF coi như HF thuần.
Bò thịt mới dừng lại ở công thức lai 2 máu hoặc 3 máu, chưa có thời gian và điều kiện để thực hiện và đánh giá các công thức lai khác nhau, đặc biệt là đánh giá trên 2 chỉ tiêu cơ bản: sinh sản của con cái lai và tăng trọng của bê đực lai ở mỗi công thức.
Dưới đây xin giới thiệu công thức lai 3 máu, tạo con lai có 1/2 và 3/4 máu bò thịt ôn đới và công thức lai luân hồi từ 2 giống để tạo con lai 5/8 máu bò thịt ôn đới.
Công thức lai 3 máu và 3/4 máu bò thịt Charolais
Công thức này đang diễn ra phổ biến trong sản xuất (xem sơ đồ)
Sau bước 1, tất cả nhưng con đực F1 và con cái F1 chất lượng thấp đều giết thịt không làm giống. Những con cái F1 tốt nhất được sử dụng cho bước 2, phối tinh bò thịt chuyên thịt, thí dụ Charolais. Nếu dừng ở bước 2, ta có con lai 3 máu. Con lai 3 máu có ngoại hình và màu lông thiên về đực cuối. Chọn đực cho lai tạo bước 2 có thể là Charolais, BBB, Droughtmaster, Limousin, Kobe… Con lai với đực Chrolais có màu lông trắng kem, lớn nhanh, với đực BBB có màu khoang xẫm lớn rất nhanh, với Droughtmaster có màu đỏ cánh gián, với kobe có màu tối. Tùy thuộc vào mức nuôi dưỡng và thị hiếu người chăn nuôi chủ động chọn đực giống cho bước 2 của lai 3 máu.
Nếu sử dụng tiếp đực Charolais phối cho con cái lai 3 máu (có 2/4 C), bước 3 ta được con lai có 3/4 máu bò Charolais. Khi sử dụng bò đực BBB thay Charolais trong công thức này, cần chắc chắn là bò cái lai BBB có khả năng sinh đẻ tốt.
Công thức lai tạo bò 5/8 và lai luân hồi 2 giống
Công thức này đã thành công khi tạo giống bò thịt Santa Gertrudis với 5/8 máu Shorthon và 3/8 máu Brahman (xem sơ đồ).
Tất cả những con đực và con cái bước 1 chất lượng thấp đều giết thịt không làm giống. Những con cái lai bước 1 tốt nhất được sử dụng cho bước 2, sử dụng bò đực lai Zebu phối ngược lại để tạo con lai có 3/4 máu lai Zebu
Loại những con đực và con cái bước 2 chất lượng thấp và giữ lại những con cái lai bước 2 tốt nhất được sử dụng cho bước 3, phối với bò đực Charolais để tạo con lai có 5/8 máu bò Charolais
Đến đây có thể tiến hành theo 2 hướng:
Chọn lọc con lai đực và cái tốt nhất ở bước 3 cho tự giao để tạo giống mới.
Sử dụng tiếp đực lai Zebu phối cho con cái 5/8 Charolais theo phương pháp lai luân hồi 2 giống (lai Zebu và Charolais).
Trong thực tế sản xuất, đực lai Zebu (của công thức trên) có thể là lai Sind, lai Brahman, Sind thuần, Brahman thuần, Droughtmaster thuần. Đực thứ 2 sử dụng có thể là Charolais (như trên), Limousin, BBB…
Cải tạo giống phải đồng thời với cải tiến nuôi dưỡng
Khi điều kiện kinh tế xã hội của cả nước đã thay đổi, đời sống người dân khá dần lên, người nông dân đã biết dành đất trồng cỏ nuôi bò, cây thức ăn và phụ phẩm cây trồng nhiều hơn, cũng có nghĩa là con bò có nhiều thức ăn hơn. Đây chính là điều kiện đầu tiên để cho phép nâng cao khối lượng đàn bò nước ta. Thực tế cho thấy đàn bò lai Sind nổi tiếng ở TP. Hồ Chí Minh, Long An, Tây Ninh, Hà Nội hay bò lai thịt Phú Yên đều hình thành từ những vùng có nguồn thức ăn dồi dào và sẵn cỏ quanh năm. Vì vậy, trước khi chúng ta muốn lai tạo, cải tiến chất lượng đàn bò, thì điều trước tiên cần làm là cải tiến nguồn thức ăn cho chúng. Mọi chương trình cải tạo giống, mọi thử nghiệm giống năng suất cao sẽ thất bại nếu chúng ta không bảo đảm được điều kiện nuôi dưỡng mà trong đó quan trọng nhất là thức ăn và dinh dưỡng.
Người quản lí thường hay nóng vội chủ quan, mong muốn trong một thời gian ngắn đàn bò địa phương phải được lai tạo cấp tiến với các giống bò Zebu và các giống bò thịt cao sản khác. Rất nhiều chương trình đã bị thất bại từ ý muốn chủ quan này.
Để cải tạo đàn bò địa phương có hiệu quả, mỗi tỉnh cần xây dựng chương trình chi tiết, dựa trên những căn cứ khoa học và thị trường. Nền tảng để cải tạo giống là cải thiện nguồn thức ăn, vì vậy chương trình phải hỗ trợ cho người chăn nuôi hạt giống và hom giống cỏ các loại. Hướng dẫn nông dân kỹ thuật phát triển cây thức ăn, chuyển đất vườn tạp, đất ruộng trồng cây lương thực năng suất thấp sang trồng cỏ thâm canh nuôi bò. Hướng dẫn kỹ thuật dự trữ, chế biến sử dụng phụ phẩm nông nghiệp. Có chính sách thích hợp giúp người chăn nuôi thay đổi dần tập quán chăn nuôi quảng canh (chăn thả tự do) sang chăn nuôi bán thâm canh (chăn thả có kiểm soát và bổ sung thức ăn tại chuồng). Hỗ trợ cho việc hình thành những trang trại sản xuất bò giống, nơi sản xuất và cung cấp bò đực giống lai Zebu chất lượng cao cho các vùng sâu vùng xa thay thế bò đực “cóc” địa phương. Hỗ trợ những trại có điều kiện lai tạo với các giống bò thịt chất lượng cao. Không khuyến khích lai tạo bò thịt chất lượng cao khi chưa có đủ điều kiện thức ăn và nuôi dưỡng thích hợp.
PGS-TS Đinh Văn Cải
- chăn nuôi bò li>
- giống bò li> ul>
- Sắp diễn ra hội thảo, phổ biến áp dụng mô hình số trong quản lý tại các cơ sở chăn nuôi
- 529 cơ sở chăn nuôi được công nhận an toàn đối với bệnh Dịch tả heo Châu Phi
- Ký kết hợp tác giữa Hội Chăn nuôi Việt Nam và Hiệp hội Thương nhân thịt Singapore
- Ảnh hưởng của chất béo đến năng suất, chất lượng và thành phần axit béo của trứng
- Nhập khẩu lúa mì 10 tháng đầu năm 2024 tăng cả lượng và kim ngạch
- Quảng Ninh: Móng Cái chủ động phòng dịch cho đàn vật nuôi
- Nhập khẩu thịt heo có thể tăng trở lại vào quý IV
- Có hiện tượng một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn tiêu thụ gia súc nhiễm dịch bệnh
- Hiệu quả từ các hầm biogas trong chăn nuôi trong hành trình giảm 30% phát thải khí mê – tan
- Sản lượng thịt lợn của Trung Quốc giảm trong bối cảnh nhu cầu yếu
Tin mới nhất
T7,23/11/2024
- Sắp diễn ra hội thảo, phổ biến áp dụng mô hình số trong quản lý tại các cơ sở chăn nuôi
- Ký kết hợp tác giữa Hội Chăn nuôi Việt Nam và Hiệp hội Thương nhân thịt Singapore
- Ảnh hưởng của chất béo đến năng suất, chất lượng và thành phần axit béo của trứng
- Nhập khẩu lúa mì 10 tháng đầu năm 2024 tăng cả lượng và kim ngạch
- Quảng Ninh: Móng Cái chủ động phòng dịch cho đàn vật nuôi
- Nhập khẩu thịt heo có thể tăng trở lại vào quý IV
- Có hiện tượng một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn tiêu thụ gia súc nhiễm dịch bệnh
- Hiệu quả từ các hầm biogas trong chăn nuôi trong hành trình giảm 30% phát thải khí mê – tan
- Sản lượng thịt lợn của Trung Quốc giảm trong bối cảnh nhu cầu yếu
- Nhập khẩu đậu tương 10 tháng đầu năm 2024 trị giá gần 935,84 triệu USD
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
- Các quy trình ngoại khoa trên heo con và những vấn đề cần lưu ý
- Bệnh Dịch tả heo châu Phi: Làm tốt An toàn sinh học đến đâu, rủi ro bệnh càng thấp tới đó!
- Quy trình xử lí chuồng trại sau khi bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
- Bệnh gạo lợn: Những điều cần biết
Bình luận mới nhất