[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, 75% dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi là các bệnh truyền lây từ động vật sang người hoặc có nguồn gốc gen từ bệnh của động vật. Việt Nam là một trong những điểm nóng về dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó, xác định 5 bệnh lây truyền từ động vật sang người ưu tiên đó là Cúm gia cầm độc lực cao, Dại, Than (Nhiệt Thán), Liên cầu khuẩn lợn và Xoắn khuẩn vàng da. Thời gian qua dịch Cúm gia cầm (chủng Cúm A/H5N1) đã và đang bùng phát ở nhiều nước trên thế giới và những nước láng giềng liền kề với Việt Nam.
Tại Việt Nam, do điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, nhất là sau dịp tết Nguyên đán ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc có mưa phùn, độ ẩm cao khiến dịch bệnh Cúm gia cầm bùng phát, lây nhiễm nhanh, làm chết gia cầm như gà, vịt, ngan, chim cút… gây thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi. Nguy hiểm hơn, bệnh có thể lây sang người, làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, an sinh xã hội.
Theo thông tin từ Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT, từ năm 2013, đã ban hành Thông tư Liên tịch y tế – nông nghiệp (số 16/TTLT-BYT-BNNPTNT/2013) hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh truyền lây từ động vật sang người. Vì vậy, trong những năm qua sự tham gia của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, các bệnh lây truyền từ động vật sang người đã được kiểm soát.
Tuy nhiên, thời gian gần đây một số dịch bệnh đã gia tăng trở lại, trong đó có bệnh Cúm gia cầm. Từ đầu năm 2022 đến nay, đã ghi nhận 2 ca mắc mới, trong đó có 01 ca tử vong do Cúm gia cầm (01 ca trong năm 2022, 01 ca trong tháng 3/2024). Hiện nay, tổng đàn gia cầm của Việt Nam khá lớn (khoảng 558 triệu con) song phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng còn khá cao, vì vậy, nguy cơ bùng phát dịch Cúm gia cầm và lây nhiễm sang người là rất lớn.
Tiêm phòng vắc xin cho gia cầm tại Chương Mỹ – Hà Nội
Để công tác phòng chống bệnh Cúm gia cầm có hiệu quả, đặc biệt không để bệnh lây nhiễm sang người, các cấp chính quyền và người chăn nuôi cần thực hiện tốt một số giải pháp cụ thể:
1. Tăng cường quản lý, giám sát chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh
Các cấp chính quyền địa phương, nhất là chính quyền cơ sở thực hiện tốt công diện của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Triển khai có hiệu quả hướng dẫn liên ngành của Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT về các giải pháp thực hiện phòng chống bệnh truyền lây giữa người và động vật. Tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật trong phòng chống dịch bệnh. Hiện nay, Luật Chăn nuôi đã quy định rất rõ việc quản lý chăn nuôi, vì vậy, người chăn nuôi cần nghiêm túc tuân thủ, khi chăn nuôi phải khai báo với chính quyền địa phương.
2. Nhận biết, phát hiện về bệnh Cúm gia cầm (chủng Cúm A/H5N1)
Bệnh Cúm gia cầm thường có triệu chứng điển hình như: chảy nước mắt, nước dãi, lông xù, uể oải, ít đi lại, đầu gật gù, gục xuống đất. Gia cầm khó thở, phù đầu, phù mặt, mắt đỏ, mào, tích sưng to, da tím tái; Da chân xuất huyết tím thành vệt (đây là triệu chứng rất điển hình của bệnh Cúm gia cầm); Tiêu chảy nặng, phân xanh, vàng, với gia cầm sinh sản thấy giảm đẻ nhanh, bất thường. Đàn gia cầm chết đột ngột, tỷ lệ chết rất cao, có thể lên đến 100% chỉ trong vài ngày.
Khi phát hiện các triệu chứng trên, người chăn nuôi cần báo ngay cho cán bộ thú y và chính quyền địa phương để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Việc lấy mẫu xét nghiệm để phát hiện nhanh các chủng Cúm gia cầm, đồng thời có ngay các biện pháp phòng tránh bệnh trên gia cầm và trên người. Khi có kết quả dương tính với Cúm gia cầm, tiến hành tiêu hủy gia cầm theo quy định. Biện pháp tốt nhất là tiêu hủy tại chỗ để tránh lây nhiễm sang các hộ xung quanh. Việc tiêu hủy gia cầm bệnh phải thực hiện nghiêm theo hướng dẫn của cán bộ thú y.
3. Vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi
Đây là những biện pháp quan trọng cần thực hiện trong suốt quá trình chăn nuôi, tạo thói quen tốt để hướng tới chăn nuôi an toàn sinh học. Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, dụng cụ, trang thiết bị chăn nuôi từ 1-2 lần/tuần bằng các loại hoá chất như ChloraminB, Benkocid, Vikol, Iodine,… trong quá trình sử dụng các loại thuốc sát trùng nên thường xuyên thay đổi để tránh hiện tượng nhờn thuốc.
Dùng vôi bột rắc xung quanh khu vực chuồng nuôi, hệ thống cống rãnh, khu vực có người qua lại. Việc dùng vôi bột còn có tác dụng hạn chế và ngăn chặn côn trùng, chuột và gia súc qua lại làm lây lan dịch bệnh giữa các chuồng nuôi, các khu vực chăn nuôi. Đây là biện pháp khử trùng tiêu độc đơn giản, dễ làm nhưng hiệu quả rất cao, vì vậy, người chăn nuôi nên thực hiện tốt phương pháp này để giảm chi phí.
Với hệ thống thoát nước thải, theo kinh nghiệm thực tế có thể dùng vôi bột cho vào bao tải cho hệ thống nước thải chảy qua cũng là biện pháp rất tốt để khử trùng, tiêu độc ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập và lan rộng khi có dịch bệnh.
Thu gom chất độn chuồng, chất thải chăn nuôi để ủ phân theo phương pháp nhiệt sinh học hoặc xử lý chất thải bằng đệm lót sinh học nhằm tiêu diệt mầm bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường. Tốt nhất sau mỗi đợt chăn nuôi phải vệ sinh, tiêu độc, khử trùng và để trống chuồng 2-3 tuần nhằm phá vỡ vòng luân chuyển của mầm bệnh.
4. Thực hiện nghiêm việc tiêm phòng vắc xin Cúm gia cầm
Là giải pháp rất quan trọng, tạo miễn dịch chủ động cho đàn gia cầm. Hiện nay, do môi trường ô nhiễm nặng, thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, vì vậy, người chăn nuôi luôn xác định đã chăn nuôi cần thực hiện nghiêm việc tiêm phòng để chủ động phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Việc tiêm phòng Cúm gia cầm cần tuân thủ theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Lưu ý, khi sử dụng vắc xin phải đảm bảo việc bảo quản, liều lượng và cách dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Khi tiêm phòng xong cần cho gia cầm ăn uống tốt để nâng cao sức đề kháng, nâng cao hiệu giá kháng thể, tạo miễn dịch tốt cho con vật.
5. Chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý tốt đàn gia cầm
Là giải pháp nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi kháng bệnh, vật nuôi khoẻ mạnh sẽ có sức đề kháng cao. Lưu ý, chuồng nuôi phải phù hợp với lứa tuổi, giống gia cầm, đảm bảo về nhiệt độ, mật độ nuôi. Thức ăn cho gia cầm phải được nhập từ cơ sở uy tín, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Không sử dụng thức ăn ẩm mốc, kém chất lượng, từ vùng có dịch bệnh hoặc từ cơ sở không rõ nguồn gốc; nước uống cho gia cầm phải đảm bảo sạch sẽ, luôn đủ cho con vật.
Tăng cường bổ sung khoáng chất, vitamin, men tiêu hóa, các thuốc trợ sức, trợ lực định kỳ hoặc khi thời tiết thay đổi đột ngột, sau khi vận chuyển, sau đợt tiêm chủng vắc xin để nâng cao khả năng kháng bệnh cho gia cầm. Thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe, bệnh dịch của đàn gia cầm. Khi gia cầm có biểu hiện khác thường, ốm hoặc chết phải cách ly ngay khỏi đàn để hạn chế bệnh dịch lây lan, nhanh chống báo cho cán bộ thú y để có biện pháp phòng bệnh, xử lý ổ dịch kịp thời, hợp lý.
Thực hiện tốt phương thức chăn nuôi an toàn sinh học từ khâu chọn giống đến chăm sóc nuôi dưỡng, phòng chống dịch bệnh để bảo vệ cho chính người nuôi, người tiêu dùng và cộng đồng.
6. Làm tốt công tác kiểm dịch động vật, ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập vào khu vực chăn nuôi
Khi chọn mua gia cầm cần thực hiện tốt việc nhập con giống tại những cơ sở uy tín, đủ điều kiện, tốt nhất chọn mua tại các cơ sở đã được công nhận là cơ sở an toàn dịch bệnh. Khi nhập từ các tỉnh, thành về phải đảm bảo có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển động vật theo quy định của Luật Thú y. Gia cầm mua về phải nuôi tân đáo trong thời gian 2-3 tuần để theo dõi, xử lý khi gia cầm có biểu hiện bất thường và ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm, dụng cụ, phương tiện vận chuyển ra, vào khu vực chăn nuôi.
Tuyệt đối không bán chạy khi thấy gia cầm có biểu hiện ốm hoặc chết, tuyệt đối không vứt xác gia cầm chết bừa bãi ra nơi công cộng, bãi rác thải gây ô nhiễm môi trường và làm lây lan dịch bệnh. Xác gia cầm chết phải được chôn sâu, rải vôi bột hoặc phun hóa chất tiêu độc khử trùng theo quy định thú y.
7. Thực hiện tốt việc bảo hộ trong suốt quá trình chăn nuôi
Đối với người chăn nuôi thực hiện thật tốt việc mặc quần áo, trang thiết bị bảo hộ (mũ, quần áo, khẩu trang, ủng…) trong suốt quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng, xuất bán. Hạn chế tối đa người ra, vào khu vực chuồng nuôi, nhất là những người hoạt động kinh doanh, vận chuyển, giết mổ gia cầm. Dụng cụ bảo hộ lao động thường xuyên được khử trùng, tiêu độc ngăn chặn mầm bệnh.
8. Đối với người dân, người tiêu dùng
Thực hiện tốt việc rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch, rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với gia cầm. Hạn chế tối đa, tránh tiếp xúc trực tiếp với gia cầm ốm, chết, không mua bán, vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc. Tuyệt đối không ăn thịt gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc, thực hiện tốt việc ăn chín, uống sôi, thịt gia cầm phải được nấu chín kỹ trước khi ăn, tuyệt đối không ăn tiết canh gia cầm.
Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc Cúm gia cầm như sốt, ho, đau họng, khó thở, đau cơ, nhức đầu… cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị. Khi đến cơ sở khám chữa bệnh cần khai báo rõ về việc tiếp xúc với gia cầm trong thời gian gần nhất. Ngoài ra, cần thường xuyên cập nhật thông tin về dịch Cúm gia cầm ở khu vực đang sinh sống hoặc khi đi sang vùng khác để thuận lợi cho quá trình điều trị, chủ động phòng tránh bệnh truyền lây giữa người và động vật trong đó có bệnh Cúm gia cầm.
Lưu ý: Các biện pháp trên cần thực hiện đồng bộ để công tác phòng chống dịch Cúm gia cầm truyền lây sang người đạt hiệu quả.
TS. Nguyễn Ngọc Sơn
Phó Chủ tịch thường trực, Hội Chăn nuôi Việt Nam
- bệnh cúm gia cầm li>
- A/H5N1 li> ul>
- 529 cơ sở chăn nuôi được công nhận an toàn đối với bệnh Dịch tả heo Châu Phi
- Ký kết hợp tác giữa Hội Chăn nuôi Việt Nam và Hiệp hội Thương nhân thịt Singapore
- Ảnh hưởng của chất béo đến năng suất, chất lượng và thành phần axit béo của trứng
- Nhập khẩu lúa mì 10 tháng đầu năm 2024 tăng cả lượng và kim ngạch
- Quảng Ninh: Móng Cái chủ động phòng dịch cho đàn vật nuôi
- Nhập khẩu thịt heo có thể tăng trở lại vào quý IV
- Có hiện tượng một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn tiêu thụ gia súc nhiễm dịch bệnh
- Hiệu quả từ các hầm biogas trong chăn nuôi trong hành trình giảm 30% phát thải khí mê – tan
- Sản lượng thịt lợn của Trung Quốc giảm trong bối cảnh nhu cầu yếu
- Nhập khẩu đậu tương 10 tháng đầu năm 2024 trị giá gần 935,84 triệu USD
Tin mới nhất
T6,22/11/2024
- Ký kết hợp tác giữa Hội Chăn nuôi Việt Nam và Hiệp hội Thương nhân thịt Singapore
- Ảnh hưởng của chất béo đến năng suất, chất lượng và thành phần axit béo của trứng
- Nhập khẩu lúa mì 10 tháng đầu năm 2024 tăng cả lượng và kim ngạch
- Quảng Ninh: Móng Cái chủ động phòng dịch cho đàn vật nuôi
- Nhập khẩu thịt heo có thể tăng trở lại vào quý IV
- Có hiện tượng một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn tiêu thụ gia súc nhiễm dịch bệnh
- Hiệu quả từ các hầm biogas trong chăn nuôi trong hành trình giảm 30% phát thải khí mê – tan
- Sản lượng thịt lợn của Trung Quốc giảm trong bối cảnh nhu cầu yếu
- Nhập khẩu đậu tương 10 tháng đầu năm 2024 trị giá gần 935,84 triệu USD
- Tập đoàn Mavin: 02 trang trại heo đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP (phiên bản S.L.P)
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
- Các quy trình ngoại khoa trên heo con và những vấn đề cần lưu ý
- Bệnh Dịch tả heo châu Phi: Làm tốt An toàn sinh học đến đâu, rủi ro bệnh càng thấp tới đó!
- Quy trình xử lí chuồng trại sau khi bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
- Bệnh gạo lợn: Những điều cần biết
Bình luận mới nhất