Bộ Y tế cho biết, tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, trong đó một số bệnh như sởi, ho gà… được ghi nhận gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Nhân viên thú y tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn gia cầm của hộ chăn nuôi ở phường Chí Minh, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Tháng 4/2024, Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên thế giới.
Trong nước, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm hiện cơ bản vẫn đang được kiểm soát, tuy nhiên trong bối cảnh chung của thế giới, tại Việt Nam đã ghi nhận rải rác các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch sởi, ho gà, thủy đậu… và đã bắt đầu có xu hướng tăng ở một số địa phương.
Bên cạnh đó, một số bệnh lưu hành như tay chân miệng, bệnh dại hiện cũng có số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Tháng 4/2024, nước ta đã ghi nhận trường hợp tử vong do cúm A(H5N1), đây là trường hợp mắc thứ 2 kể từ năm 2014; đồng thời ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc cúm A(H9N2).
Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch
Để chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 và cao điểm du lịch hè 2024 sắp tới, nhu cầu đi lại tăng cao, ngày 26/4, Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tiếp tục quan tâm chỉ đạo các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.
Trong công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Y tế đề nghị giao trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành Y tế triển khai hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch bệnh và công tác tiêm chủng mở rộng.
UBND các cấp xây dựng, trình Hội đồng nhân dân ban hành định mức chi cho hoạt động y tế dự phòng để chủ động triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh; bố trí đầy đủ kinh phí cho việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và công tác tiêm chủng mở rộng từ nguồn kinh phí địa phương theo phương châm 4 tại chỗ đảm bảo đúng quy định.
UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chủ động phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh ngay từ cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế; phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Pasteur chủ động phân tích tình hình và đánh giá nguy cơ để đề xuất, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, kịp thời.
Đồng thời xây dựng, triển khai phương án cụ thể sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh trên địa bàn dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 và cao điểm du lịch hè 2024; tổ chức thường trực phòng, chống dịch tại tất cả các tuyến; đảm bảo hoạt động của các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động để sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết.
Ngành Y tế các địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống, xử lý triệt để ổ dịch, không để bùng phát hoặc phát sinh mới các ổ dịch, nhất là các bệnh truyền nhiễm có số mắc, tử vong cao.
Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh
Đối với bệnh dại, Bộ Y tế yêu cầu đảm bảo đủ và tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao, bố trí mỗi huyện có ít nhất 1 điểm tiêm, ở những nơi địa bàn rộng và địa hình khó khăn xem xét bố trí thêm điểm tiêm phòng; tăng cường sự phối hợp với ngành nông nghiệp giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn, hướng dẫn tiêm phòng và xử lý ổ dịch kịp thời.
Với bệnh sốt xuất huyết, cần thực hiện mạnh mẽ chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch bệnh và các hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết lần thứ 14 (ngày 15/6/2024). Các địa phương tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) phòng chống sốt xuất huyết.
Đồng thời tuyên truyền để người dân hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước đọng, nơi bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín nắp và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt. Xác định các điểm có nguy cơ cao và tổ chức phun hóa chất chủ động theo quy định của Bộ Y tế.
Đối với bệnh tay chân miệng, cần giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh, lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.
Các địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các cơ sở giáo dục nhất là các trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng lớp học và có đủ ánh sáng; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch; thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể; theo dõi chặt chẽ sức khỏe học sinh, phát hiện kịp thời những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh và thông báo cho cơ sở y tế để phối hợp xử lý kịp thời.
Bộ Y tế lưu ý, đối với các bệnh được dự phòng bằng vaccine (sởi, ho gà, bạch hầu…), các địa phương cần đẩy mạnh triển khai kế hoạch tiêm chủng năm 2024, thực hiện tốt tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng; tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho các trường hợp chưa được tiêm chủng đầy đủ.
Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh
Các địa phương tăng cường hoạt động giám sát, xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng và các cơ sở khám chữa bệnh; triển khai xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh. Đồng thời tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng bệnh và vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch, đủ mũi tiêm.
Bên cạnh thực hiện tốt công tác thu dung bệnh nhân, kịp thời điều trị, cấp cứu người bệnh, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong và thực hiện tốt kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế, cần tăng cường bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi, khu hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật.
Các đơn vị chủ động, phối hợp cung cấp và cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và các khuyến cáo phòng bệnh cho người dân; xây dựng các tài liệu, sản phẩm, thông điệp truyền thông về phòng, chống dịch bệnh và tiêm chủng vaccine phòng bệnh phù hợp với phong tục, tập quán, ngôn ngữ của từng địa phương; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, báo chí và hệ thống truyền thông cơ sở để khuyến cáo, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi để bảo vệ sức khỏe.
Tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ ngành y tế và các đơn vị liên quan trong giám sát, phát hiện, điều tra người mắc bệnh truyền nhiễm, tác nhân gây bệnh, các biện pháp xử lý ổ dịch, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, cấp cứu, hồi sức tích cực và chăm sóc người mắc bệnh truyền nhiễm.
Đồng thời thường xuyên rà soát, đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vaccine, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực… đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ.
Tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai công tác phòng, chống dịch, tập trung vào khu vực ghi nhận các trường hợp mắc bệnh, có nguy cơ bùng phát dịch và các địa phương chưa quản lý tốt đối tượng tiêm chủng, có tỷ lệ tiêm chủng thấp; cùng với đó chủ động chỉ đạo, hỗ trợ tuyến dưới trong phòng, chống dịch.
Phối hợp hành động, chia sẻ thông tin
Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường giám sát chủ động, phát hiện sớm và xử lý kịp thời dịch bệnh trên động vật, nhất là cúm gia cầm, bệnh dại, bệnh than…, kịp thời chia sẻ thông tin với ngành Y tế để triển khai các biện pháp phòng lây nhiễm sang người; thực hiện tốt việc quản lý đàn chó, mèo và tiêm vaccine phòng bệnh cho gia súc, gia cầm, vật nuôi.
Các địa phương chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục, nhất là các trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ; thực hiện truyền thông học đường về phòng, chống dịch bệnh và tiêm vaccine phòng bệnh; thực hiện tốt công tác y tế trường học, phát hiện kịp thời những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và thông báo cho cơ sở y tế để phối hợp xử lý kịp thời; phối hợp triển khai hiệu quả các chiến dịch tiêm vaccine tại các cơ sở giáo dục.
Cùng với đó chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan truyền thông, báo chí và hệ thống truyền thông cơ sở tăng cường truyền thông về phòng, chống dịch bệnh; phối hợp cung cấp các khuyến cáo, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân, tiêm chủng vaccine và thay đổi hành vi, nâng cao sức khỏe.
Sở Tài chính căn cứ kế hoạch phòng, chống dịch bệnh năm 2024 đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố bố trí cấp đủ kinh phí cho hoạt động phòng, chống dịch và tiêm chủng mở rộng, chuẩn bị sẵn sàng nguồn kinh phí dự phòng trong trường hợp cần thiết.
Bích Thuỷ (TTXVN)
- ngăn chặn dịch bệnh li>
- ổ dịch li>
- Bộ Y tế li> ul>
- Thoát nghèo bền vững nhờ nuôi bò sinh sản
- Nhập khẩu đậu tương 11 tháng năm 2024 tăng khối lượng, giảm trị giá
- Bệnh xuất huyết thỏ (Rabbit haemorrhagic disease – RHD)
- Tập đoàn Nhật Sojitz khai trương nhà máy chế biến thịt bò mát 10.000 tấn tại Tam Đảo
- Ảnh hưởng của nguồn cung cấp natri không chứa clo
- Lượng ngô nhập khẩu 11 tháng năm 2024 tăng gần 33%
- Nuôi lợn đen bản địa ở Nà Mu
- Giá sản phẩm chăn nuôi (giá tại trại) cả nước ngày 17/12/2024
- Roadshow giới thiệu triển lãm Petfair Vietnam 2025
- Toàn Thắng Corp: Mãnh liệt tinh thần, khát vọng Việt
Tin mới nhất
T5,19/12/2024
- Thoát nghèo bền vững nhờ nuôi bò sinh sản
- Nhập khẩu đậu tương 11 tháng năm 2024 tăng khối lượng, giảm trị giá
- Bệnh xuất huyết thỏ (Rabbit haemorrhagic disease – RHD)
- Tập đoàn Nhật Sojitz khai trương nhà máy chế biến thịt bò mát 10.000 tấn tại Tam Đảo
- Ảnh hưởng của nguồn cung cấp natri không chứa clo
- Lượng ngô nhập khẩu 11 tháng năm 2024 tăng gần 33%
- Nuôi lợn đen bản địa ở Nà Mu
- Giá sản phẩm chăn nuôi (giá tại trại) cả nước ngày 17/12/2024
- Tăng cường giám sát dịch bệnh động vật, mở rộng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh
- Toàn Thắng Corp: Mãnh liệt tinh thần, khát vọng Việt
- Biogénesis Bagó: Tăng tốc tại thị trường châu Á thông qua việc thiết lập văn phòng khu vực tại Việt Nam
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
- Các quy trình ngoại khoa trên heo con và những vấn đề cần lưu ý
- Bệnh Dịch tả heo châu Phi: Làm tốt An toàn sinh học đến đâu, rủi ro bệnh càng thấp tới đó!
- Quy trình xử lí chuồng trại sau khi bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
Bình luận mới nhất