Có nên tiêm phòng vắc xin PCV2 cho heo nái? - Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam
    • Giá heo (lợn) hơi miền Bắc từ 61.000 - 64.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Hà Nội, Hưng Yên 64.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Yên Bái 63.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Lào Cai 62.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi miền Trung và Tây Nguyên từ 58.000 - 62.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Quảng Trị 60.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Nghệ An 62.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Ninh Thuận 60.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Đắk Lắk 58.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi miền Nam từ 59.000 - 62.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Đồng Nai 60.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Cần Thơ 62.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi TP. Hồ Chí Minh 61.000 đ/kg
    •  
  • Có nên tiêm phòng vắc xin PCV2 cho heo nái?

    [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Vi rút circo type 2 (PCV2) gây ra thiệt hại kinh tế cho ngành chăn nuôi heo, nó liên quan đến nhiều hội chứng bệnh khác nhau. Các bệnh này hiện nay được gọi chung là bệnh liên quan đến vi rút circo.

     

    Theo các nghiên cứu về khả năng gây bệnh của PCV2 đã được công bố cho thấy vai trò quan trọng của nó trong việc phát triển bệnh hệ thống, đặc trưng bởi sự suy giảm nghiêm trọng của hệ thống miễn dịch (PCV2-SD, trước đây được gọi là hội chứng còi cọc sau cai sữa – PMWS) cũng như bệnh đường ruột (PCV2-ED), bệnh phổi (PCV2-LD), và bệnh sinh sản (PCV2-RD).

     

    1. Ảnh hưởng của PCV2 trên năng suất sinh sản heo nái

     

    Kể từ năm 1999, các nhà khoa học đã công bố các bằng chứng về sự lây nhiễm PCV2 qua nhau thai và sự suy giảm khả năng sinh sản ở heo. Các đàn bị ảnh hưởng thường là những đàn mới, đàn chưa từng tiếp xúc với mầm bệnh hoặc có tỷ lệ hậu bị cao. Heo đực giống thải ra một lượng thấp PCV2 lây nhiễm trong tinh dịch trong khoảng thời gian dài.

     

    Biểu hiện lâm sàng của các rối loạn sinh sản liên quan đến PCV2 đa dạng, phụ thuộc vào thời điểm nhiễm bệnh trong thai kỳ, tình trạng miễn dịch của heo nái. Nhiễm PCV2 ở giai đoạn mang thai sớm gây chết phôi và động dục trở lại ở nái. Bào thai nhiễm vi rút trước 70 ngày thai kỳ dẫn đến chết thai và thai khô. Bào thai sau 70 ngày có thể chết, sống sót nhưng yếu ớt, hoặc khỏe mạnh (Hans Nauwynck, 2013).

     

     

    Hình 1: Tuổi nhiễm PCV2 của bào thai và dấu hiệu lâm sàng

     

    Nhiễm PCV2 cận lâm sàng trên heo nái phổ biến hơn nhiều và không phụ thuộc vào lứa đẻ của nái. Trong trường hợp này, heo nái và heo con không có dấu hiệu lâm sàng rõ ràng, nhưng năng suất của đàn có thể bị ảnh hưởng do tăng tỷ lệ lốc/lên giống lại, giảm tỷ lệ đẻ, tăng tỷ lệ heo con sơ sinh yếu…

     

    Heo con theo mẹ bị nhiễm PCV2 trong tử cung có thể không có biểu hiện bệnh về mặt lâm sàng. Tuy nhiên, chúng bị nhiễm vi rút bẩm sinh, góp phần làm lây lan PCV2 theo chiều ngang từ đàn nái sang heo con cai sữa.

     

    Huigang Shen (2010), thực hiện xét nghiệm PCR tìm vi rút PCV2 trên 499 mẫu máu heo con mới sinh chưa được cho bú sữa mẹ từ 125 heo nái của 5 trang trại tại Hoa Kỳ, kết quả có 199/499 mẫu, tương đương 39,9%, heo con dương tính với PCV2.

     

    Tương tự như vậy, theo Tanja Opriessnig (2012), nhóm nghiên cứu của bà và những nhà nghiên cứu khác đã tìm thấy rằng, ở những đàn giống khỏe mạnh, tỷ lệ nhiễm virus PCV2 trên heo sơ sinh có thể cao từ 16% đến 71%.

     

    Enric Marco (2016) cho rằng sự phát tán vi rút PCV2 trong tinh dịch và tỷ lệ heo con nhiễm bệnh trong tử cung có thể giảm đáng kể nếu heo nái và heo nọc được tiêm phòng PCV2 trước thời gian phơi nhiễm dự kiến.

     

    Hình 2: Dấu hiệu lâm sàng và phương pháp chẩn đoán nhiễm PCV2 trong tử cung

     

    2. Tỷ lệ tiêm vắc xin PCV2 trên heo nái

     

    Khảo sát nội bộ của Virbac, được thực hiện năm 2020 tại Việt Nam cho thấy chỉ có khoảng 11% số trại tiêm vắc xin PCV2 cho heo nái, trong đó 50% tiêm trước khi đẻ, 22% tiêm sau khi đẻ, 12% tiêm đồng hoạt và 16% số trại tiêm theo quy trình linh hoạt. Tỷ lệ tiêm vắc xin PCV2 cho heo nái ở Thái Lan, Đài Loan, Philippines và Hàn Quốc lần lượt là 11,7; 14,4; 29,1 và 35%.

     

    3. Lợi ích của việc tiêm phòng PCV2 cho heo nái

     

    3.1 Tiêm phòng PCV2 cho heo nái giúp cải thiện tăng trọng và tỷ lệ nhiễm PCV2 trên heo con

     

    Fraile (2012) theo dõi mức tăng trọng ngày của 4 nhóm heo con bao gồm: nhóm tiêm cả nái và con, nhóm chỉ tiêm heo con, nhóm chỉ tiêm nái và nhóm không tiêm cả nái và con. Kết quả cho thấy mức tăng trọng trung bình hàng ngày (ADG) của nhóm tiêm cả heo nái và heo con cao hơn so với các nhóm còn lại. Cụ thể nhóm tiêm cả heo nái và heo con có năng suất cao nhất, với mức tăng thêm 4,1kg trọng lượng mỗi heo, cao hơn có ý nghĩa so với các nhóm khác.

    Hình 3: So sánh tăng trọng giữa các nhóm thí nghiệm.

     

    Không chỉ cải thiện tăng trọng, nhóm tiêm cả heo nái và heo con cũng có tỷ lệ heo dương tính với vi rút PCV2 trong mẫu máu thấp hơn so với các nhóm còn lại.

    Hình 4: So sánh tỷ lệ heo dương tính với PCV2 trong máu giữa các nhóm thử nghiệm

     

    Navas J. (2016) cũng chỉ ra rằng, tiêm vắc xin PCV2 cho heo nái giúp giảm đáng kể tỷ lệ heo con dương tính với vi rút PCV2 cũng như giảm đáng kể tải lượng vi rút PCV2 trong mẫu máu của heo con.

     

    Hình 5: Tỷ lệ heo con dương tính với PCV2 được xác định bằng xét nghiệm PCR ở các lứa đẻ khác nhau trước (xám) và sau khi tiêm phòng PCV2 cho heo nái (xanh lá cây – lần 1 và xanh lam – lần 2). Các chữ cái khác nhau (a, b, c) chỉ ra sự khác biệt đáng kể (p <0,05) trong các nhóm lứa đẻ khác nhau.

    Hình 6: Tải lượng vi rút trung bình (giá trị log10) trên heo con ở các lứa đẻ khác nhau trước (xám) và sau khi tiêm phòng PCV2 cho heo nái (xanh lá cây – lần 1 và xanh lam – lần 2).

     

    3.2 Tiêm phòng heo nái giúp ổn định hiệu giá kháng thể mẹ truyền

     

    Chao Nan-Lin và cộng sự (2020) đánh giá hiệu giá kháng thể mẹ truyền ở 83 mẫu máu heo con 3-4 tuần tuổi, chưa được tiêm vắc xin PCV2, từ 3 nhóm heo nái khác nhau. Heo nái thuộc nhóm A không được tiêm phòng PCV2, heo nái nhóm B được tiêm vắc xin PCV2 đồng loạt và nhóm C được tiêm PCV2 lúc 2-4 tuần trước khi đẻ. Kết quả hiệu giá kháng thể mẹ truyền (MDA) cao nhất đã được quan sát thấy ở nhóm heo nái được tiêm PCV2 trước khi đẻ 2-4 tuần [dao động từ 1,70 đến 3,13, trung bình 2,49, CV: 13,77%], tiếp theo là nhóm tiêm đồng loạt [dao động từ 1,61-2,92, trung bình 2,14, CV: 15,96%]. Mức MDA ở nhóm heo nái không tiêm phòng PCV2 [dao động từ 0,17 đến 3,04, trung bình 1,48, CV: 48,57%] thấp hơn rất nhiều so với nhóm được tiêm phòng 2-4 tuần trước khi đẻ và nhóm tiêm đồng loạt (p <0,0001). Ngoài ra, sự biến thiên kháng thể mẹ truyền (CV) cao nhất được quan sát thấy ở nhóm nái không tiêm phòng PCV2.

     

    Như vậy, việc tiêm phòng vắc xin PCV2 cho heo nái không những cải thiện hiệu giá MDA mà còn cải thiện độ đồng đều kháng thể mẹ truyền trên các bầy heo con. Điều này giúp kéo dài thời gian bảo hộ của kháng thể mẹ truyền, đồng thời cũng giúp giảm sự ảnh hưởng của kháng thể mẹ truyền đối với hiệu quả của vắc xin PCV2 trên heo con, nhờ vào sự cải thiện độ đồng đều kháng thể mẹ truyền mà heo con nhận được.

    Hình 7: Hiệu giá và sự biến thiên kháng thể mẹ truyền ở 3 nhóm heo nái từ 12 trại. Nhóm A heo nái không tiêm vắc xin, nhóm B heo nái tiêm vắc xin đồng loạt và nhóm C heo nái được tiêm vắc xin ở thời điểm 2-4 tuần trước khi đẻ.

     

    4. Tiêm vắc xin PCV2 cho heo con khi kháng thể mẹ truyền còn cao có làm giảm hiệu quả của vắc xin không?

     

    Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm và đánh giá sự ảnh hưởng của mức kháng thể mẹ truyền cao với cả sự đáp ứng miễn dịch và mức tăng trọng ngày của heo con sau khi tiêm vắc xin PCV2. Kết quả cho thấy heo con được tiêm vắc xin PCV2 khi mức MDA cao bị giảm tăng trọng ngày và giảm đáp ứng miễn dịch đáng kể sau khi tiêm vắc xin so với nhóm có mức MDA thấp.

     

    Năm 2016, Hua Feng và cộng sự thực hiện tiêm phòng PCV2 cho 2 nhóm heo con, nhóm 1 có mức kháng thể mẹ truyền cao (S/P=2,455) và nhóm 2 có mức kháng thể mẹ truyền thấp hơn (S/P=1,227), kết quả cho thấy chỉ số tăng trọng trung bình hàng ngày (ADG) ở nhóm có mức MDA thấp cao hơn 52g so với nhóm có mức MDA cao (591g so với 539g). Như vậy, nếu thời gian nuôi từ lúc tiêm vắc xin đến xuất chuồng là 150 ngày, trọng lượng mỗi heo ở nhóm MDA thấp sẽ cao hơn 7,8kg so với heo ở nhóm có MDA cao tại thời điểm tiêm phòng.

    Hình 8: Nhóm có hiệu giá MDA thấp tại thời điểm tiêm phòng tăng trọng cao hơn 52g so với nhóm có hiệu giá MDA cao.

     

    Nghiên cứu của W.C. Lee và cộng sự (2020) cũng chỉ ra rằng, heo con có mức kháng thể mẹ truyền cao tại thời điểm tiêm vắc xin PCV2, tạo đáp ứng miễn dịch chống lại PCV2 kém hơn đáng kể (p<0.05) so với heo con có mức kháng thể mẹ truyền trung bình và thấp.

     

    Hình 9: Sự chuyển đổi huyết thanh ở 3 nhóm heo có kháng thể mẹ truyền cao, trung bình và thấp.

     

    Nghiên cứu của Chao Nan-Lin (2020) cho thấy việc tiêm phòng vắc xin PCV2 cho heo con ở 3 tuần tuổi, không tạo ra sự chuyển đổi huyết thanh trên cả 3 nhóm heo con được sinh ra từ nhóm trại không tiêm vắc xin PCV2 cho heo nái (a), nhóm trại tiêm vắc xin đồng loạt (b) và nhóm trại tiêm vắc xin lúc 2-4 tuần trước khi đẻ (c). Điều này chứng tỏ kháng thể mẹ truyền cao thực sự có ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm PCV2 trên heo con. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, mặc dù heo nái không được tiêm vắc xin ở nhóm trại (a), nhưng vẫn tạo kháng thể mẹ truyền, do phơi nhiễm tự nhiên với vi rút PCV2, và do đó vẫn gây ảnh hưởng không tốt đối với hiệu quả của vắc xin PCV2 trên heo con, khi được tiêm sau lúc 3 tuần tuổi.

    Hình 10: Sự chuyển đổi huyết thanh sau khi tiêm vắc xin PCV2 lúc 3 tuần tuổi ở 3 nhóm trại (a) không tiêm vắc xin cho heo nái, (b) tiêm vắc xin cho heo nái định kỳ và (c) tiêm vắc xin cho heo nái lúc 2-4 tuần trước đẻ.

     

    Tương tự, nghiên cứu của Fort (2009) cũng đưa ra kết luận hiệu giá kháng thể mẹ truyền cao tại thời điểm tiêm phòng vắc xin PCV2 không tạo ra sự chuyển đổi huyết thanh sau khi tiêm phòng.

     

    5. Tuổi tiêm vắc xin PCV2 phù hợp trên heo con khi đã tiêm phòng cho heo nái?

     

    Yeosun Oh (2014) nghiên cứu trên nhóm heo con sinh ra từ heo nái đã được tiêm phòng PCV2 trước khi phối. Heo con được chia thành 2 nhóm, nhóm 1 được tiêm vắc xin lúc 3 tuần tuổi, nhóm 2 được tiêm vắc xin lúc 7 tuần tuổi. Kết quả, có sự tương quan nghịch giữa hiệu giá kháng thể mẹ truyền và mức gia tăng kháng thể trung hòa sau khi tiêm phòng. Có nghĩa là nếu kháng thể mẹ truyền càng cao tại thời điểm tiêm ngừa thì mức gia tăng kháng thể trung hòa sau khi tiêm phòng càng thấp và ngược lại. Sự tương quan nghịch này không xảy ra ở nhóm được tiêm vắc xin lúc 7 tuần tuổi. Điều này cho thấy, trại nên tiêm phòng PCV2 cho heo con muộn hơn khi đã tiêm phòng cho heo nái.

     

    Để xác định chính xác thời điểm tiêm ngừa PCV2 cho heo con, giảm thiểu sự ảnh hưởng của kháng thể mẹ truyền, các trang trại nên thường xuyên tiến hành kiểm tra hiệu giá kháng thể mẹ truyền. Xét nghiệm này có thể được thực hiện dựa trên mẫu máu trên heo con ở độ tuổi 2; 4; 6 và 8 tuần tuổi hoặc dựa trên mẫu sữa đầu của heo nái.

     

    6. Kết luận

     

    Vi rút circo type 2 (PCV2) là một trong các loài vi rút có tỷ lệ lây nhiễm trên heo cao nhất thế giới. Chúng hiện diện ở tất cả các khu vực chăn nuôi heo trọng điểm như Châu Á, Châu Âu và Mỹ. Ngoài việc gây ra hội chứng còi cọc sau cai sữa trên heo con, chúng còn gây ra các vấn đề liên quan đến đường tiêu hóa, viêm phổi và rối loạn sinh sản trên heo nái. Heo nái nhiễm PCV2 có thể bị sảy thai, chết phôi, chết thai, thai khô và lên giống lại. Heo con sinh ra từ nái nhiễm PCV2 có thể bị chết, yếu hoặc khỏe mạnh nhưng bị nhiễm vi rút PCV2 bẩm sinh. Heo nọc nhiễm PCV2 cũng có thể truyền lây cho heo con thông qua tinh dịch. Chính vì vậy, việc tiêm phòng PCV2 cho heo nái và heo nọc là cần thiết để kiểm soát sự lây nhiễm PCV2 trong các trang trại heo.

     

    Ngoài ra, heo nái mặc dù không được tiêm vắc xin PCV2 vẫn có thể bị phơi nhiễm vi rút tự nhiên, tạo ra kháng thể mẹ truyền cho heo con của chúng. Kháng thể mẹ truyền này có thể bảo vệ heo con sơ sinh khỏi vi rút PCV2 tự nhiên, nhưng cũng có thể trung hòa vắc xin PCV2 trên heo con trong trường hợp trại tiêm quá sớm. Đồng thời sự biến thiên kháng thể mẹ truyền giữa các cá thể heo nái gây ra nhiều khó khăn cho người chăn nuôi trong việc xác định độ tuổi tiêm vắc xin PCV2 phù hợp trên heo con.

     

    Như vậy, việc tiêm vắc xin PCV2 cho heo nái không chỉ giúp kiểm soát sự lây nhiễm PCV2 trong trang trại, mà còn giúp ổn định hiệu giá kháng thể mẹ truyền của heo nái, qua đó giúp trang trại dễ dàng hơn trong việc xác định chính xác độ tuổi cần tiêm ngừa PCV2 cho heo con.

     

    Tiêm vắc xin PCV2 cho heo nái còn giúp trang trại đẩy lùi thời điểm tiêm vắc xin PCV2 trên heo con lên mức 6-8 tuần tuổi. Nhờ đó, miễn dịch được hình thành sau khi tiêm PCV2 trên heo con sẽ giúp bảo vệ heo con đến tận cuối giai đoạn xuất chuồng, giúp giảm tỷ lệ heo thịt có biểu hiện lâm sàng của PCV2. Điều này đặc biệt có lợi cho các trại nuôi heo thịt có trọng lượng lớn và cho heo nái hậu bị, nhờ thời gian bảo hộ kéo dài.

     

    VIRBAC TEAM

     

    Biến đổi kiểu gien của Porcine Circovirus type 2 (PCV2) và hiệu quả vắc-xin phòng bệnh do PCV2 trên heo

     

    Bệnh học sinh thái (Ecphathology): Giải pháp tổng thể kiểm soát bệnh do PCV2 trên đàn heo

     

    Đánh giá tình trạng “an toàn” của trại đối với PCV2

     

    Suigen® PCV2 – Vắc xin phòng bệnh do virus Circo type 2 đầu tiên trên thế giới chứa kiểu gen d

     

    Tài liệu tham khảo

     

    1. Lorenzo Fraile, Marina Sibila, Miquel Nofrarías, Rosa López-Jimeneza, Eva Huerta, Anna Llorensa, Sergio López-Soria, Diego Péreza, Joaquim Segalés, Effect of sow and piglet porcine circovirus type 2 (PCV2) vaccination on piglet mortality, viraemia, antibody titre and production parameters, Veterinary Microbiology, Volume 161, Issues 1–2, 28 December 2012, Pages 229-234. https://doi.org/10.1016/j.vetmic.2012.07.021

    2. Madson & Opriessnig, Animal Health Research Reviews, Effect of porcine circovirus type 2 (PCV2) infection on reproduction: disease, vertical transmission, diagnostics and vaccination, Volume 12 , Issue 1, June 2011 , pp. 47 – 65. DOI:https://doi.org/10.1017/S1466252311000053

    3. Reproductive failure by PCV2 infections, Hans Nauwynck,  Pig333, 15 July 2013. https://www.pig333.com/articles/reproductive-failure-by-pcv2-infections_7361

    4. Chao-Nan Lin, Ni-Jyun Ke, and Ming-Tang Chiou, Cross-Sectional Study on the Sero- and Viral Dynamics of Porcine Circovirus Type 2 in the Field, Vaccines (Basel). 2020 Jun 26;8(2):339. doi: 10.3390/vaccines8020339. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7350207/

    5. Hua Feng, Joaquim Segalés, L. Fraile, Sergio López-Soria, Marina Sibila, Effect of high and low levels of maternally derived antibodies on porcine circovirus type 2 (PCV2) infection dynamics and production parameters in PCV2 vaccinated pigs under field conditions, May 2016, Vaccine 34(27). DOI:10.1016/j.vaccine.2016.04.088

    6. David Burch, PCV2 vaccination – sows, piglets or both? PigProgress, May 22, 2013, https://www.pigprogress.net/Health-Diseases/Health/2013/5/PCV2-vaccination–sows-piglets-or-both-1261418W/

    7. Danielle Gava, Eraldo L. Zanella, Nelson Morés, Janice R. Ciacci-Zanella, Transmission of porcine circovirus 2 (PCV2) by semen and viral distribution in different piglet tissues, Pesq. Vet. Bras. 28 (1) • Jan 2008 • https://doi.org/10.1590/S0100-736X2008000100011

    8. Navas J., S. Figueras Gourgues, V. Rodriguez-Vega, I. Hernández-Caravaca, Reducing PCV2 Viremia in Neonatal Pigs Through Sow Mass Vaccination in a Unstable Herd, June 7, 2016, https://www.swineresource.com/respiratory-diseases/pcv2/reducing-pcv2-viremia-in-neonatal-pigs-through-sow-mass-vaccination-in-a-unstable-herd

    9. Huigang Shen, Chong Wang, Darin M. Madson, Tanja Opriessnig, High prevalence of porcine circovirus viremia in newborn piglets in five clinically normal swine breeding herds in North America, Preventive Veterinary Medicine, Volume 97, Issues 3–4, 1 December 2010, Pages 228-236, https://doi.org/10.1016/j.prevetmed.2010.09.020

    10. Tanja Opriessnig, Frequent questions about PCV2 infection of breeding herds, Pig333, 28 May 2012, https://www.pig333.com/articles/frequent-questions-about-pcv2-infection-of-breeding-herds_5778/.

    Để lại comment của bạn

    Bình luận mới nhất

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Theo UBND xã Minh Châu – Ba Vì – Hà Nội, xác định lợi thế về đất đai, khí hậu nên những năm qua đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp là chính, trong đó xã tập trung đến phát triển chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt. […]

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Trong bối cảnh bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại TP Hồ Chí Minh, thành phố càng nỗ lực thực hiện các biện pháp kiểm soát chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ gắt gao. Hơn nữa, khảo sát một đêm tại thị trường […]

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Anh Trần Văn Toản, ở khu vực Bình Yên B, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ là người đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long mở trang trại nuôi chim công rất thành công mà cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.   1/ […]

    • Giống chim này có khả năng thích ứng cao với điều kiện khí hậu ở nước ta, tỷ lệ nuôi sống đạt 94-99%.

    • Để đàn gà sinh trưởng phát triển tốt có tỷ lệ sống cao cần thực hiện tốt kỹ thuật úm gà con

    • Việt Nam cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… là những nước đã nuôi trồng thành công đông trùng hạ thảo.

    • Gà vảy cá được mệnh danh là “mỹ kê” đã được nhiều đại gia Việt sẵn sàng chi tiền triệu để hữu cặp gà vảy cá đẹp.

    • Cừu chính là loài vật nuôi thích hợp với những điều kiện khắc nghiệt của vùng đất Ninh Thuận.

    • Nghề nuôi chim cút đẻ hiện đang phổ biến ở rất nhiều hộ gia đình tại các địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế khá.

    • Tỉnh Phú Thọ với địa hình đa dạng: nhiều gò, đồi thấp, dải đồng bằng thuận lợi cho chăn nuôi, trong đó, có chăn nuôi gà lông màu.