Giáo dục nông nghiệp chú trọng 'vun trồng', nuôi dưỡng tâm hồn con người - Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam
    • Giá heo (lợn) hơi miền Bắc từ 62.000 - 64.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Hà Nội, Hưng Yên 64.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Yên Bái 63.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Lào Cai 62.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi miền Trung và Tây Nguyên từ 60.000 - 63.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Quảng Trị 61.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Nghệ An 63.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Ninh Thuận 62.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Khánh Hòa 60.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi miền Nam từ 61.000 - 64.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Đồng Nai 63.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Cần Thơ 64.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi TP. Hồ Chí Minh 62.000 đ/kg
    •  
  • Giáo dục nông nghiệp chú trọng ‘vun trồng’, nuôi dưỡng tâm hồn con người

    Đã đến lúc mỗi người chúng ta cần thẳng thắn nhìn lại mình, rộng mở tầm nhìn, chủ động tìm kiếm hướng đi, khởi tạo giá trị mới…

     

    Nhân Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan có Thư ngỏ gửi thân gửi Quý Thầy giáo, Cô giáo các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn. Chúng tôi trân trọng giới thiệu. Tựa trong bài viết do tòa soạn đặt:

     

    Đầu thư, tôi xin gửi đến Quý Thầy giáo, Cô giáo tại các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lời chào trân trọng, lời chúc tốt đẹp nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam.

     

    Xin được chia sẻ với Quý Thầy giáo, Cô giáo cảm nhận, suy nghĩ của bản thân qua các chuyến công tác, khảo sát thực tế, các khóa đào tạo, qua những cuốn sách bàn luận về câu chuyện giáo dục trong, ngoài nước.

     

    Xin thú thật rằng, thư ngỏ cũng gửi gắm phác họa viễn cảnh, ước mơ đối với hệ thống các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho nền nông nghiệp trên con đường phát triển bền vững. Với tinh thần cầu thị, cởi mở, chân tình, tôi mong muốn nhận được nhiều phản hồi, đóng góp sát thực, đa chiều từ Quý Thầy giáo, Cô giáo.

    Giờ thực tập của sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: HVNN.

     

    Hòa cùng tiến trình phát triển của ngành giáo dục – đào tạo, hệ thống các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đào luyện nên những thế hệ nhân lực cho ngành nông nghiệp. Đội ngũ chuyên gia đầu ngành, lãnh đạo, quản lý, cán bộ, công nhân kỹ thuật nông nghiệp phần nhiều xuất thân từ những ngôi trường giàu truyền thống này. Tự hào về những đóng góp, cống hiến cho sự nghiệp trồng người, cho sự phát triển nền nông nghiệp bền vững, chúng ta quyết cùng nhau kiến tạo tương lai.

     

    Tôi ấn tượng với bước phát triển của các ngôi trường mà tôi có dịp đến thăm, từ quá khứ vẻ vang, qua hiện tại năng động, đến tương lai hứa hẹn với nhiều quyết tâm, niềm tin và sự kỳ vọng.

     

    Tôi lắng nghe những lời tâm tình, tự sự, trăn trở của những cán bộ lãnh đạo quản lý, những nhà giáo đức độ, không chấp nhận tụt lại phía sau, dù vẫn đang đối mặt nhiều gian khó.

     

    Tôi thấu hiểu những bộn bề cuộc sống đời thường với cơ chế còn nhiều bất cập, khiến mỗi bước đi như mỗi bước dò đường, cân nhắc giữa điều đúng, điều cần thiết nhưng chưa được công nhận chính thức và điều không còn phù hợp nhưng vẫn hiện hữu trong các quy định, nguyên tắc.

     

    Dù đâu đó vẫn tồn tại khoảng cách giữa ý định và hành động, tôi cảm nhận rằng, chúng ta hoàn toàn đủ khả năng vượt qua lực cản, đa dạng hóa nguồn lực, làm tốt hơn trách nhiệm, bổn phận của mình.

     

    “Đã đến lúc mỗi người chúng ta cần thẳng thắn nhìn lại mình, rộng mở tầm nhìn, chủ động tìm kiếm hướng đi, khởi tạo giá trị mới” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan.

     

    Không điều gì là bất biến trong một thế giới vạn biến. Đã đến lúc mỗi người chúng ta cần thẳng thắn nhìn lại mình, rộng mở tầm nhìn, chủ động tìm kiếm hướng đi, khởi tạo giá trị mới. Đứng trước làn sóng thay đổi, mỗi người có nhiều lựa chọn. Hoặc là từ chối thay đổi. Hoặc là chấp nhận một cách chần chừ, miễn cưỡng. Hoặc là đón nhận, chủ động thích ứng, hòa nhập, mượn lực đẩy, xuôi nhanh về phía trước.

     

    Lựa chọn hôm nay tạo nên kết quả ngày mai. Thời gian không chờ đợi sự biện minh, bị động, trông ngóng khi “sự thay đổi diễn ra nhanh đến nỗi cái mới vừa ra đời, chưa kịp định hình, thì đã có cái mới hơn xuất hiện, sẵn sàng thay thế”.

     

    Người trong hệ thống thấu suốt hơn về câu chuyện nội tại; người ngoài hệ thống lại có góc nhìn khác biệt hơn. Người trong hệ thống quen thuộc từng “đường đi nước bước” trong khuôn viên hàng rào viện, trường; người ngoài hệ thống thường quan tâm đến cơ hội tương tác, kết nối đa chiều với không gian rộng hơn, mở hơn.

     

    Người trong hệ thống tất bật từ công việc chuyên môn, quản trị, điều hành cho đến toan lo “cơm áo gạo tiền”; người ngoài hệ thống, không bị những áp lực đó, nên cách nghĩ đôi khi thông thoáng hơn, ít bị ràng buộc bởi “nút thắt, điểm nghẽn”.

     

    Trong thế giới thay đổi không ngừng, “tường cao, cổng kín” khép lại vận hội, dễ dẫn đến sự biệt lập. Vậy thì, tại sao “người trong” và “người ngoài” không bổ sung cho nhau, tối ưu nguồn lực, để cùng tiến xa hơn?

    Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Mỗi thầy cô cần tìm kiếm, so sánh giữa cái cũ và cái mới, đào sâu thêm nội dung bài giảng, tự đặt câu hỏi “có cách nào tốt hơn nữa không”?. Ảnh: Nguyên Huân.

     

    Một nhà triết học giáo dục tâm tư: “Nếu chúng ta cứ hướng dẫn học viên ngày nay theo phương cách giáo dục của ngày hôm qua, chúng ta có thể lấy đi tương lai của học viên ấy”. Xuyên suốt dòng chảy liên tục của khoa học công nghệ, tư duy phát triển, lý thuyết quản trị, phương pháp làm việc,…, những kiến thức chúng ta đã học, những kỹ năng chúng ta đã tiếp cận, suy cho cùng, là của ngày hôm qua.

     

    Những điều hôm qua, dù tốt đẹp, hoàn thiện đến đâu, nếu không kịp cập nhật, điều chỉnh, sẽ khó có thể theo kịp tốc độ chuyển động của xã hội.

     

    Nhà bác học Galileo nhắc nhở: “Dạy chính là học lần thứ hai”. Trước mỗi tiết lên lớp, mỗi thầy cô cần tìm kiếm, so sánh giữa cái cũ và cái mới, đào sâu thêm nội dung bài giảng, tự đặt câu hỏi “có cách nào tốt hơn nữa không”, để chuyển tải, khơi gợi những suy nghĩ mới, mở và thiết thực cho người học. Đừng nên đúc khuôn, “mẫu hóa” bài giảng của mình. Ngược lại, hãy tạo ra nhiều cảm xúc và truyền cảm hứng đến người học, khơi dậy những gì đang tiềm ẩn, thắp lên những khát vọng cho người học.

     

    “Đừng nên đúc khuôn, “mẫu hóa” bài giảng của mình. Ngược lại, hãy tạo ra nhiều cảm xúc và truyền cảm hứng đến người học” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan.

     

    “Người thầy bình thường nói suông. Người thầy giỏi giảng giải. Người thầy giỏi hơn chứng minh. Người thầy xuất sắc truyền cảm hứng”. Muốn truyền cảm hứng, thì người truyền cảm hứng, trước hết, cần có cảm hứng, tạo nên năng lượng tích cực, biết cách vượt qua những cảm xúc tiêu cực luôn đeo bám mỗi người chúng ta hàng ngày, hàng giờ.

     

    Nhiều dẫn chứng cho thấy, trên cả trí thông minh, kiến thức tốt hay kỹ năng thuần thục, chính trí tuệ cảm xúc, tình yêu thương, lòng trắc ẩn mới là yếu tố quyết định sự thành công ở mỗi người.

     

    Lãnh đạo, điều hành không chỉ xoay quanh kiến thức chuyên môn, kỹ năng quản trị, mà cần biết cách tạo lập môi trường thân thiện, lành mạnh, để những người giỏi, thậm chí giỏi hơn mình, hăng say làm việc, đam mê cống hiến, tiếp thêm động lực sáng tạo.

     

    Muốn vậy, môi trường đó cần khuyến khích sự hài hòa, mọi thành viên đều được quan tâm, tôn trọng và chia sẻ. Môi trường đó không có chỗ cho những định kiến hẹp hòi, đối xử thiên lệch. Môi trường đó đầy ắp tiếng cười, tạo ra niềm vui trong công việc và biến công việc thành niềm vui.

     

    Môi trường của mọi tổ chức cần được vun đắp mỗi ngày để nơi làm việc như là “ngôi nhà thứ hai”. Môi trường giáo dục, sư phạm lại càng cần nhiều hơn thế, cho nên, trường học luôn được xem như “ngôi đền, thánh đường” của tri thức, lễ nghĩa và nhân cách.

     

    Nền nông nghiệp từng bước chuyển đổi từ “tư duy sản xuất” đến “tư duy kinh tế”, từ một ngành kỹ thuật đơn giá trị đến một ngành kinh tế tích hợp đa nhiệm vụ, đa chức năng, đa giá trị.

     

    Ngoài các chỉ tiêu sản lượng, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản, nền nông nghiệp bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến việc nghiên cứu, ứng dụng mô hình hữu cơ, sinh thái, thông minh, tuần hoàn, để hướng đến mục tiêu “minh bạch, trách nhiệm, bền vững”. Những cách thức, quan điểm tiếp cận mới này cần được hướng dẫn, giới thiệu trong các chương trình, nội dung đào tạo, qua từng môn học, tiết giảng.

    Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm trường Cao đẳng Cơ điện xây dựng Việt Xô. Ảnh: Nguyên Huân.

     

    Mỗi Thầy giáo, Cô giáo hãy dành thời gian quan sát, tìm hiểu, trò chuyện với các học viên từ những ngày đầu nhập học và thử tưởng tượng, hình dung về ngày các bạn ra trường, vào đời với tâm thế nào. Đảm trách công tác lãnh đạo, quản lý giỏi hay nhà khoa học xuất sắc?

     

    Doanh nhân thành đạt hay chuyên gia đầu ngành? Người chủ khởi nghiệp với dự án đầy tiềm năng hay nối tiếp trở thành những nhà giáo tận tâm? Cán bộ khuyến nông gắn bó với thửa ruộng, bờ ao được bà con nông dân yêu quý hay tham tán nông nghiệp tại một đất nước xa xôi dày công kết nối thị trường, giới thiệu thương hiệu nông sản Việt Nam?

     

    Xác lập tiêu chuẩn, mục tiêu đầu ra, để chuẩn bị kiến thức, kỹ năng và thái độ cho những người trẻ đã tin tưởng theo học tại các nhà trường đào tạo nguồn nhân lực cho nền nông nghiệp. Đừng viện nguyên do “chất lượng đầu vào thấp” như một chướng ngại cản trở ước mơ trồng người.

     

    “Đừng viện nguyên do “chất lượng đầu vào thấp” như một chướng ngại cản trở ước mơ trồng người” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan.

     

    Sứ mạng của giáo dục nông nghiệp không chỉ dừng lại ở kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Nhất quán quan điểm “lấy người học làm trung tâm”, giáo dục nông nghiệp chú trọng “vun trồng” con người và nuôi dưỡng tâm hồn con người. Vạn vật đều có sự sống và sức sống.

     

    Nhiều cây tươi tốt tạo nên những cánh rừng xanh thẳm, ngập tràn sức sống. Nhiều học viên từ những mái trường nông nghiệp thân thương được trang bị chu đáo kiến thức, kỹ năng, có thái độ tích cực, giàu cảm xúc và lòng yêu thương, có thể tự tin đóng góp bao điều tốt đẹp cho tổ chức công tác, cho xã hội. Khi ấy mọi người sẽ có cuộc đời đáng sống biết bao!

     

    Qua bức thư này, xin góp thêm lời tri ân, tôn vinh Quý Thầy giáo, Cô giáo, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, những công chức, viên chức, người lao động thầm lặng trong hệ thống các cơ sở đào tạo thuộc Bộ NN-PTNT nhân “Ngày Nhà giáo Việt Nam – 20/11”. Một ngày trong vòng quay 365 ngày, để mỗi người chúng ta có dịp tự nhìn lại mình. Mỗi học trò bày tỏ lòng biết ơn, tôn kính với những Người Thầy, Người Cô. Mỗi Nhà giáo nhìn vào những thế hệ học trò đã từng giảng dạy để chiêm nghiệm triết lý “Yêu nghề – Kính nghiệp”.

     

    Xin gửi đến Quý Thầy giáo, Cô giáo lời chúc mạnh khỏe, hạnh phúc và sẵn lòng thích ứng linh hoạt với mọi sự thay đổi.

     

    Gác lại vướng víu của ngày hôm qua, tưới mát tâm hồn hôm nay, vững tin hướng về tương lai, thắp lên “Khát vọng Nông nghiệp Việt Nam 2045″.

     

    Nguồn: Giáo dục và Thời đại

    Để lại comment của bạn

    Bình luận mới nhất

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Theo UBND xã Minh Châu – Ba Vì – Hà Nội, xác định lợi thế về đất đai, khí hậu nên những năm qua đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp là chính, trong đó xã tập trung đến phát triển chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt. […]

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Trong bối cảnh bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại TP Hồ Chí Minh, thành phố càng nỗ lực thực hiện các biện pháp kiểm soát chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ gắt gao. Hơn nữa, khảo sát một đêm tại thị trường […]

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Anh Trần Văn Toản, ở khu vực Bình Yên B, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ là người đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long mở trang trại nuôi chim công rất thành công mà cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.   1/ […]

    • Giống chim này có khả năng thích ứng cao với điều kiện khí hậu ở nước ta, tỷ lệ nuôi sống đạt 94-99%.

    • Để đàn gà sinh trưởng phát triển tốt có tỷ lệ sống cao cần thực hiện tốt kỹ thuật úm gà con

    • Việt Nam cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… là những nước đã nuôi trồng thành công đông trùng hạ thảo.

    • Gà vảy cá được mệnh danh là “mỹ kê” đã được nhiều đại gia Việt sẵn sàng chi tiền triệu để hữu cặp gà vảy cá đẹp.

    • Cừu chính là loài vật nuôi thích hợp với những điều kiện khắc nghiệt của vùng đất Ninh Thuận.

    • Nghề nuôi chim cút đẻ hiện đang phổ biến ở rất nhiều hộ gia đình tại các địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế khá.

    • Tỉnh Phú Thọ với địa hình đa dạng: nhiều gò, đồi thấp, dải đồng bằng thuận lợi cho chăn nuôi, trong đó, có chăn nuôi gà lông màu.