[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Việc đánh giá, lấy mẫu để công bố hợp quy tại một thời điểm hoàn toàn là hình thức, không mang lại giá trị cho mục đích kiểm soát chất lượng sản phẩm TĂCN. Mặt khác, chi phí hợp quy TĂCN cho toàn ngành vô cùng lớn, ước tính gần nghìn tỷ đồng mỗi năm, thậm chí có những doanh nghiệp (DN) phải chi trả vài tỷ đồng/năm…
Đó là thông tin được nhiều đại biểu chia sẻ tại hội thảo “Một số tồn tại bất cập trong triển khai thực hiện Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm” do Hội Chăn nuôi Việt Nam và Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam phối hợp tổ chức.
Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cả nước có gần 300 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN) công nghiệp và 220 cơ sở sản xuất thức ăn bổ sung. Sản lượng TĂCN công nghiệp khoảng 20-22 triệu tấn/năm. Nhu cầu TĂCN của cả nước khoảng 33 triệu tấn/năm, trong đó nhập khẩu khoảng 70% (khoảng 20 triệu tấn giá trị khoảng 9 tỷ USD/năm).
Số lượng sản phẩm TĂCN do DN đã đăng ký lưu hành trên cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ NN&PTNT là trên 50.000 sản phẩm sản xuất trong nước và 10.000 sản phẩm nhập khẩu (số liệu thống kê được).
Tất cả các sản phẩm TĂCN trước khi lưu thông trên thị trường đều phải công bố hợp quy theo quy định Luật Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá. Tuy nhiên, việc hợp quy TĂCN đang có rất nhiều bất cập.
Bất cập liên quan đến hợp quy TĂCN và chuyện “con gà, quả trứng”
Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Văn Tuế, Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam nhấn mạnh: Quy định công bố hợp quy TĂCN có nhiều bất cập về sự chồng chéo, xung đột giữa các quy định pháp luật hiện hành, mang nặng tính hình thức, gây tốn kém thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Cụ thể như sau:
Tính chồng chéo pháp luật
Hiện nay, Luật Chăn nuôi quy định cơ sở sản xuất TĂCN phải được cơ quan nhà nước chuyên ngành đánh giá điều kiện cơ sở vật chất, quy trình kiểm soát chất lượng và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất kinh doanh. Sau khi được cấp giấy, cơ sở chịu đánh giá giám sát 2-3 năm/lần và chịu chi phí liên quan đến việc đánh giá, giám sát, đồng thời chịu sự kiểm tra, thanh tra tại nhà máy và lưu thông sản phẩm trên thị trường.
Như vậy, việc 1 tổ chức chứng nhận hợp quy đến nhà máy sản xuất TĂCN đã được cơ quan nhà nước kiểm soát để lấy mẫu sản phẩm thử nghiệm là không cần thiết.
Tính xung đột pháp luật
Hiện nay, đang có 2 loại hình văn bản pháp luật liên quan đến quản lý tính an toàn của sản phẩm TĂCN, những mỗi văn bản quy định cách thức quản lý khác nhau, cụ thể:
Thông tư 21/2019/TT-BNNPTNT quy định danh mục chất cấm sử dụng trong TĂCN (kháng sinh cấm sử dụng, chất kích thích sinh trưởng, chất tạo màu, chất tạo nạc) vì các chất này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người và vật nuôi. Tuy nhiên, do Thông tư 21/2019/TT-BNNPTNT không phải là quy chuẩn nên doanh nghiệp không phải công bố hợp quy sản phẩm TĂCN không có chất cấm, nhưng phải tuân thủ và chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước.
Các Thông tư ban hành QCVN về TĂCN quy định chỉ tiêu kỹ thuật có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, vật nuôi (kim loại nặng, vi sinh vật gây hại, độc tố nấm mốc). Tuy nhiên, các chỉ tiêu này được quy định ở QCVN nên doanh nghiêp vừa phải làm thủ tục công bố hợp quy vừa phải chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước.
Như vậy, cùng là quản lý tính an toàn sản phẩm TĂCN để bảo vệ sức khoẻ vật nuôi và con người, nhưng ban hành bằng QCVN thì phải công bố hợp quy, ban hành bằng Thông tư thì không phải công bố hợp quy
Mang nặng tính hình thức
TS. Nguyễn Văn Tuế cũng chia sẻ, sản phẩm TĂCN có an toàn và đảm bảo chất lượng là phụ thuộc vào quá trình bảo quản sản phẩm, nguyên liệu đầu vào dùng để sản xuất, công thức (tỷ lệ nguyên liệu trong sản xuất) vì người sản xuất được quyền thay đổi nguyên liệu theo giá cả thị trường, miễn sản phẩm đầu ra đáp ứng tiêu chuẩn đã công bố, quy chuẩn. Đây là quy luật thị trường và trách nhiệm của người sản xuất. Việc đánh giá quá trình sản xuất, lấy mẫu để làm thủ tục công bố hợp quy hay đánh giá giám sát chỉ xảy ra ở thời điểm đánh giá, nhưng sau lần lấy mẫu đánh giá đó, có rất nhiều lô sản phẩm khác được sản xuất ra theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
“Do đó, việc đánh giá, lấy mẫu để công bố hợp quy tại 1 thời điểm hoàn toàn là hình thức, không mang lại giá trị cho mục đích kiểm soát chất lượng sản phẩm TĂCN”, nhấn mạnh.
Theo bà Lê Thị Phương Hoa, Giám đốc quan hệ Chính phủ, Công ty TNHH Cargill Việt Nam, về vấn đề hợp quy TĂCN, Cargill đã kiến nghị 2 năm với Bộ NN &PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, nhưng đây lại trở thành vấn đề “con gà, quả trứng”.
Theo bà Lê Thị Phương Hoa, tháng 7/2024, khi mà Cargill là Chủ tịch của Uỷ ban Liên hiệp Thực phẩm của Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN đã tham gia phái đoàn các doanh nghiệp Hoa Kỳ gặp các Bộ. Khi gặp Bộ NN&PTNT thì Bộ nói rằng, hợp quy do Luật tiêu chuẩn kỹ thuật quy định. Nhưng, khi Cargill gặp Bộ Khoa học và Công nghệ, thì Bộ trao đổi rằng, đây là làm theo Luật Chuyên ngành, vì Luật Chăn nuôi và Thủy sản nói rất rõ các sản phẩm chăn nuôi, thủy sản phải công bố hợp quy.
“Các cơ quan bàn về Luật thì cần sự phối hợp, không chỉ sửa ở Luật tiêu chuẩn kỹ thuật, mà còn phải sửa ở Luật chuyên ngành chăn nuôi, thủy sản”, bà Lê Thị Phương Hoa kiến nghị.
Tốn gần 1.000 tỷ đồng mỗi năm cho công bố hợp quy…
Cũng theo TS. Nguyễn Văn Tuế, DN sản xuất phải chờ tổ chức đến đánh giá, lấy mẫu để có kết quả (Giấy chứng nhận) nộp cho cơ quan nhà nước. Cơ quan nhà nước cấp bản thông báo tiếp nhận hợp quy chỉ ghi nhận sự cam kết của tổ chức, cá nhân. Quy định này không cần thiết nhưng đang làm mất thời gian của doanh nghiệp (trung bình 1-2 tháng).
DN nhập khẩu phải công bố hợp quy 100% khi kiểm tra các lô sản phẩm nhập khẩu gây lãng phí tiền lưu công lưu bãi, tiền thử nghiệm mẫu và thời gian chờ kết quả từ tổ chức đánh giá để làm thủ tục hải quan và bán hàng. Trong khi trong hồ sơ đăng ký nhập khẩu đã có quy định nộp kết quả phân tích từ bên xuất khẩu.
Ước tính chi phí hợp quy cho sản phẩm TĂCN khoảng 3 triệu đồng/sản phẩm sản xuất trong nước hoặc 1 lô hàng nhập khẩu, thì chi phí hợp quy cho toàn ngành chăn nuôi sẽ vô cùng lớn (gần nghìn tỷ đồng mỗi năm, trong đó có những doanh nghiệp phải chi trả vài tỷ đồng/năm). Như vậy, các chi phí hợp quy TĂCN là một trong số những nguyên nhân làm tăng chi phí sản phẩm chăn nuôi trong nước, giảm tính cạnh tranh với sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu.
Hà Ngân
TS. NGUYỄN VĂN TUẾ, HIỆP HỘI THỨC ĂN CHĂN NUÔI VIỆT NAM:
Đề nghị bỏ quy định công bố hợp quy
Đề nghị bỏ quy định công bố hợp quy tại Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá. Quy định quy chuẩn kỹ thuật để bắt buộc áp dụng, dùng để kiểm tra thanh tra, nếu phát hiện vi phạm thì xử phạt.
Trong thời gian chờ các Luật được sửa đổi ban hành, đề nghị Bộ NN& PTNT rà soát lại các quy chuẩn Việt Nam (QCVN) về TĂCN như sau: Xem xét các chỉ tiêu kỹ thuật trong QCVN về TĂCN có còn phù hợp không? Trong hơn 10 năm thực hiện có chỉ tiêu nào không bao giờ vượt mức quy định trong QCVN (không có nguy cơ), thì bỏ bớt các chỉ tiêu đó, có thể bổ sung những chỉ tiêu mới có nguy cơ hơn vào quy chuẩn để quy định có hiệu quả hơn.
Bỏ quy định công bố hợp quy trong quy chuẩn TĂCN cho tương đồng với quy định quản lý chất cấm tại Thông tư 21/2019/TT-BNNPTNT và QCVN trong lĩnh vực thực phẩm (ví dụ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 20-1:2024/ về giới hạn các chất ô nhiễm trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe của Bộ Y tế ban hành năm 2024, trong đó không quy định sản phẩm phải công bố hợp quy).
BÀ LÊ THỊ PHƯƠNG HOA, GIÁM ĐỐC QUAN HỆ CHÍNH PHỦ CÔNG TY TNHH CARGILL VIỆT NAM: Công bố hợp quy tốn thời gian, DN mất đơn hàng
Để tạo lợi thế cho sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu thì cần có sự thông thoáng về thủ tục hành chính, nhưng yêu cầu công bố hợp quy TĂCN chỉ Việt Nam mới có, còn các nước khác thì không cần. Cargill không lo sợ cạnh tranh với đối thủ khác, nhưng Cargill sợ cạnh tranh với chính nội bộ, vì Cargill là tập đoàn có nhiều công ty trên toàn cầu cùng sản xuất một mặt hàng như nhau tại Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia….Cargill Việt Nam tự hào sản xuất ra sản phẩm chất lượng tốt, nhưng họ cũng là Cargill ở Trung Quốc chất lượng sản phẩm cũng tốt, công nghệ cũng vậy nhưng họ lại chiếm thị trường.
Cargill đầu tư xây dựng nhà máy thức ăn bổ sung, trị giá 28 triệu USD ở KCN Giang Điền, tỉnh Đồng Nai, không chỉ phục vụ ở thị trường Việt Nam, mà phục vụ cả xuất khẩu. Nhưng, nhiều sản phẩm làm thủ tục xuất khẩu phải thực hiện thủ tục công bố hợp quy rất mất thời gian, lên tới 3-4 tháng. Trong khi đó, nhà máy sản xuất TĂCN của Cargill sản xuất ở Trung Quốc cực kỳ nhanh gọn và chiếm được đơn hàng. Chúng tôi mất lợi thế cạnh tranh.Khẩn thiết mong các hiệp hội có ý kiến giúp cho các DN tháo gỡ khó khăn.
ÔNG VŨ ANH TUẦN, PHÓ TGĐ CÔNG TY CỔ PHẦN CHĂN NUÔI C.P. VIỆT NAM: Hợp quy thức ăn chăn nuôi nặng nhất là nguyên liệu
Hợp quy thức ăn chăn nuôi với sản phẩm thành phẩm cũng nặng, nhưng nặng nhất là nguyên liệu TĂCN. Hàng tháng, các DN nhập khẩu rất nhiều nguyên liệu TĂCN, chi phí nhiều vào thủ tục, mất thời gian do vấn đề quản lý. Như NĐ 46/2021, thì TĂCN kiểm tra sau 3 lần đạt được miễn thử nghiệm, nhưng hầu hết các nguyên liệu hiện nay chưa được miễn thử nghiệm, phải làm hợp quy hết, chi phí đang lớn, tốn kém thời gian.
Hà Ngân ghi
- Hợp quy TĂCN li> ul>
- Khởi công xây dựng trạm trộn thức ăn chăn nuôi tại KCN công nghệ cao Mebi Farm
- Nâng tầm giá trị thương hiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam: Cần gỡ bỏ nút thắt
- “Chạy đua” xử lý các cơ sở chăn nuôi nằm ngoài vùng quy hoạch
- Ảnh hưởng của các mức selenomethionine đến chất lượng thịt và sự tích luỹ selen trong mô
- Bình Phước: Chuẩn bị heo thịt cho thị trường tết
- Đề xuất kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030
- Áp dụng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo là tương lai của ngành chăn nuôi
- Vemedim tổ chức khóa học chẩn đoán và điều trị chuyên sâu về hô hấp phức hợp trên chó mèo
- Hòa Bình: Giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm 31% tỷ trọng ngành nông nghiệp
- Khả năng tiêu hoá tinh bột ở động vật và lợi ích của amylase
Tin mới nhất
T3,24/12/2024
- Khởi công xây dựng trạm trộn thức ăn chăn nuôi tại KCN công nghệ cao Mebi Farm
- Hợp quy TĂCN: Nặng hình thức và tốn kém!
- Nâng tầm giá trị thương hiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam: Cần gỡ bỏ nút thắt
- “Chạy đua” xử lý các cơ sở chăn nuôi nằm ngoài vùng quy hoạch
- Ảnh hưởng của các mức selenomethionine đến chất lượng thịt và sự tích luỹ selen trong mô
- Bình Phước: Chuẩn bị heo thịt cho thị trường tết
- Đề xuất kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030
- Áp dụng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo là tương lai của ngành chăn nuôi
- Vemedim tổ chức khóa học chẩn đoán và điều trị chuyên sâu về hô hấp phức hợp trên chó mèo
- Đón đọc Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam số tháng 12 năm 2024
- Biogénesis Bagó: Tăng tốc tại thị trường châu Á thông qua việc thiết lập văn phòng khu vực tại Việt Nam
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
- Các quy trình ngoại khoa trên heo con và những vấn đề cần lưu ý
- Bệnh Dịch tả heo châu Phi: Làm tốt An toàn sinh học đến đâu, rủi ro bệnh càng thấp tới đó!
- Quy trình xử lí chuồng trại sau khi bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
Bình luận mới nhất