H.Trảng Bom hiện là vùng nuôi chim cút lớn nhất tỉnh. Những năm trước, nghề nuôi chim cút phát triển rầm rộ ở hầu hết các xã, thị trấn, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ gia đình.
Theo chủ trương của địa phương, nhiều hộ nuôi chim cút đã chuyển đổi sang ngành nghề khác hoặc di chuyển trại cút ra xa khu dân cư và áp dụng mô hình chăn nuôi khép kín để đáp ứng tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Bà Bùi Thị Thu (ấp 6, xã An Viễn) thu hoạch trứng cút. Ảnh: B.Mai
Khá lên nhờ nuôi chim cút
Trước năm 2015, nghề nuôi chim cút ở H.Trảng Bom phát triển rầm rộ. Với ưu thế là vốn đầu tư thấp, không cần nhiều diện tích, thời gian thu hồi vốn nhanh và đầu ra tương đối thuận lợi, hàng trăm hộ gia đình ở các xã: Quảng Tiến, Hố Nai 3, An Viễn, Trung Hòa, Đông Hòa, TT.Trảng Bom đã đầu tư trại, thoát nghèo và trở nên khấm khá nhờ chim cút. Thời kỳ cao điểm, cả huyện có trên 6 triệu con chim cút, trong đó đa phần nuôi theo quy mô hộ gia đình từ vài ngàn đến hơn 100 ngàn con.
Sau này, nhiều trang trại nuôi chim cút phải đóng cửa do giá giảm sâu, dịch cúm bùng phát. Nhưng nhiều hộ nuôi vẫn kiên trì bám trụ và thành công với chim cút.
Mặc dù không rầm rộ như trước nhưng H.Trảng Bom vẫn là địa phương nuôi chim cút lớn nhất tỉnh với hơn 160 trang trại, hộ gia đình nuôi hơn 2,2 triệu con chim cút. Theo chủ trương đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi để hạn chế tình trạng dội chợ, mất giá, nghề nuôi chim cút theo quy mô trang trại và đảm bảo các điều kiện về phòng bệnh, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn được khuyến khích.
Bà Bùi Thị Thu (ấp 6, xã An Viễn) cho biết, hơn 10 năm trước bà cùng vài người hùn vốn mở trại nuôi chim cút với số lượng 5 ngàn con. 2 năm sau, bà tách ra làm ăn riêng, vừa nuôi chim cút lấy thịt vừa nuôi chim cút lấy trứng. Giai đoạn 2015-2017, nhiều hộ gia đình phải bỏ chim cút hoặc treo trại gia đình, bà vẫn tăng đàn đều. Hiện bà Thu duy trì đàn chim cút 100 ngàn con, mỗi tháng sau khi trừ chi phí công, cám, gia đình bà lời khoảng 100 triệu đồng.
“Nuôi chim cút đỡ rủi ro hơn các loại vật nuôi khác. Bắt chim cút giống về nuôi khoảng 3 tuần đã cho thu trứng, thời gian thu trứng có thể kéo dài 8 tháng, đến hơn 1 năm tùy theo chất lượng đàn, thức ăn. Ngoài thu trứng hằng ngày, cứ cách ngày lại thu phân bán cho các cơ sở làm phân bón hữu cơ hoặc các hộ trồng cây ăn trái, cao su. Khi con chim cút già đi, tiền thanh lý cũng khá, bằng hoặc cao hơn lúc nhập giống” – bà Thu chia sẻ.
Ông Trần Hữu Nghĩa (ấp 5, xã An Viễn) có thâm niên nuôi chim cút hơn 20 năm cho rằng, cút tuy không mang lại thu nhập cao như gà, heo nhưng lại cho nguồn thu đều mỗi ngày, dễ chăm sóc, đầu ra ổn định. “Nhờ nuôi cút, tôi xây được 2 căn nhà, một cho mình, một cho con. Là người từ nơi khác đến, không có nghề nghiệp, không có đất canh tác mà có nhà mừng lắm!” – ông Nghĩa nói.
Hướng đi bền vững cho chim cút
Theo Phòng Kinh tế H.Trảng Bom, nghề nuôi gia cầm (chủ yếu là chim cút, gà) hiện vẫn là thế mạnh nông nghiệp của địa phương. Những năm gần đây, theo vận động của chính quyền, nhiều hộ nuôi chim cút đã chuyển sang ngành nghề khác, giảm quy mô đàn hoặc di chuyển trại ra xa khu dân cư đông đúc.
Hiện toàn huyện có hơn 160 hộ, trang trại nuôi chim cút với tổng đàn hơn 2,6 triệu con. Các xã Tây Hòa, Trung Hòa, Đồi 61, Bình Minh còn tương đối nhiều trại nuôi. Các trang trại, hộ chăn nuôi đều tuân thủ việc phòng bệnh cho vật nuôi, áp dụng mô hình chăn nuôi khoa học, khép kín để giảm công, giảm rủi ro và đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
Ông Trương Quốc Chí, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Viễn cho biết, các trang trại nuôi chim cút quy mô lớn, nẵm vững kỹ thuật vẫn cho lợi nhuận khá. Để duy trì và không ngừng phát triển đàn, các trang trại đều thực hiện phòng bệnh, dọn vệ sinh thường xuyên, có lưới che chắn bụi và mùi hôi. Nhiều trang trại còn đầu tư hệ thống cho ăn, cho uống nước tự động để giảm nhân công, cho chim cút nghe nhạc mỗi ngày để duy trì tỷ lệ trứng. Những hộ nuôi quy mô nhỏ hơn thì tận dụng phân chim cút để trồng cây công nghiệp nhằm gia tăng lợi nhuận.
Ông Trần Văn Khanh (ấp Lộc Hòa, xã Tây Hòa) cho biết, gia đình ông nuôi chim cút đến nay đã được gần 15 năm. Quá trình nuôi thường xuyên giặt lưới, kéo phân để giữ chuồng luôn sạch sẽ. Thức ăn cho chim cút phải đủ về trọng lượng, đủ thành phần dinh dưỡng, nước uống sạch. “Trước đây chưa nắm vững quy trình kéo, thả bạt khi thời tiết thay đổi nên có đợt chim cút chết nhiều. Sau này, tôi đầu tư trại khép kín thì không xảy ra tình trạng đó nữa. Tỷ lệ chim cút cho trứng luôn đạt trên 70/100 con chim cút, dưới tỷ lệ này tôi thanh lý đàn ngay để không bị lỗ tiền cám” – ông Khanh nói.
Những người nuôi chim cút chia sẻ, chuồng trại sạch sẽ, thường xuyên phun thuốc khử trùng và cung cấp đủ dinh dưỡng là những yếu tố quan trọng giúp đàn chim cút phát triển khỏe mạnh, thời gian cho trứng kéo dài. Hiện tại đầu ra của các sản phẩm từ chim cút khá thuận lợi. Thương lái gom hàng thường xuyên ngay trong trại. Nếu giá trứng duy trì ở mức 27 ngàn đồng/trăm, cút thịt 50 ngàn đồng/kg, cút thải 40 ngàn đồng/kg thì người nuôi có lãi.
Ban Mai
Báo Đồng Nai
- nuôi chim cút li> ul>
- Anh xác nhận cúm gia cầm H5N1 ở một trại nuôi gia cầm thương mại
- Nuôi chim có lông 7 màu được cấp mã nuôi động vật quý hiếm
- Bổ sung sắt uống để phòng ngừa thiếu máu ở heo con sơ sinh
- Theo mùa vịt chạy đồng
- JBS – Tập đoàn sản xuất thịt hàng đầu thế giới muốn lựa chọn Việt Nam trở thành địa bàn chiến lược
- Tuyên Quang: Ra mắt Chi hội Nông dân nghề nghiệp chăn nuôi lợn đen sinh sản xã Hùng Lợi
- Rối loạn chất lượng thịt ức ở gà thịt hiện đại
- 13.624 khách tham quan triển lãm Vietstock 2024 và Aquaculture Vietnam 2024
- An Giang: Nuôi bò thịt theo hướng tuần hoàn, lợi nhuận tăng 29%
- Vietstock sẽ trở lại vào tháng 10 năm 2025
Tin mới nhất
T3,19/11/2024
- Đón đọc Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam số tháng 11 năm 2024
- Anh xác nhận cúm gia cầm H5N1 ở một trại nuôi gia cầm thương mại
- Nuôi chim có lông 7 màu được cấp mã nuôi động vật quý hiếm
- Bổ sung sắt uống để phòng ngừa thiếu máu ở heo con sơ sinh
- Theo mùa vịt chạy đồng
- JBS – Tập đoàn sản xuất thịt hàng đầu thế giới muốn lựa chọn Việt Nam trở thành địa bàn chiến lược
- Tuyên Quang: Ra mắt Chi hội Nông dân nghề nghiệp chăn nuôi lợn đen sinh sản xã Hùng Lợi
- Rối loạn chất lượng thịt ức ở gà thịt hiện đại
- 13.624 khách tham quan triển lãm Vietstock 2024 và Aquaculture Vietnam 2024
- An Giang: Nuôi bò thịt theo hướng tuần hoàn, lợi nhuận tăng 29%
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
- Các quy trình ngoại khoa trên heo con và những vấn đề cần lưu ý
- Bệnh Dịch tả heo châu Phi: Làm tốt An toàn sinh học đến đâu, rủi ro bệnh càng thấp tới đó!
- Quy trình xử lí chuồng trại sau khi bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
- Bệnh gạo lợn: Những điều cần biết
Bình luận mới nhất