Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) tiếp tục lấy ý kiến cho Chiến lược phát triển ngành sữa giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó đánh giá của Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, ngành sữa Việt Nam luôn đạt tốc độ tăng trưởng tốt. Các doanh nghiệp trong ngành không ngừng xây dựng, cải tiến, đổi mới thiết bị, ứng dụng công nghệ tiên tiến với mức độ sử dụng tự động hóa cao ngang tầm khu vực và thế giới.
Ngoài ra ngành sữa còn đầu tư nhằm mục tiêu tăng trưởng sản lượng sữa chế biến trong nước và giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Tuy nhiên, nguồn cung cấp thức ăn chăn nuôi và giá trị đầu tư chăn nuôi còn đang ở mức cao dẫn đến các sản phẩm sữa của Việt Nam có giá thành đắt hơn so với sản phẩm sữa cùng loại trên thế giới.
Chất lượng và chủng loại sản phẩm chưa nhiều, giá trị gia tăng chưa cao, giá sữa xuất khẩu thường thấp hơn giá thị trường thế giới cùng loại 5-7%. Sản phẩm chế biến còn đơn điệu, việc đầu tư chế biến sâu, sản xuất ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao còn chiếm tỷ lệ thấp so với tổng sản lượng sản phẩm chế biến…
Trong khi đó, theo Dự thảo Quyết định trình Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển ngành sữa giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu giai đoạn đến năm 2030 sản lượng sữa tươi nguyên liệu chế biến đạt 4.200 triệu lít, sản lượng sữa tươi trong nước đạt 2.300 triệu lít, sữa bột đạt 210.000 nghìn tấn.
Ngành sữa Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển. ẢNH: HỒNG NHẬT
Tốc độ tăng trưởng ngành sữa bình quân hàng năm từ 4% đến 4.5%. Tiêu thụ sữa bình quân đầu người đạt 40 lít/người/năm và sữa nước nguyên liệu đáp ứng 56% tổng nhu cầu sữa chế biến trong nước.
Dự thảo cũng chỉ ra, tiêu dùng sữa bình quân đầu người một năm của dân Việt Nam năm 2021 đạt khoảng 27 lít/người (tương đương 27 kg quy đổi). Mức tiêu dùng này được các chuyên gia tổ chức dự đoán sẽ tăng và đạt mức 40 kg/người vào năm 2030. Đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 4,5%/năm.
Trong khi đó theo báo cáo thị trường của Research and Market, doanh thu ngành sữa Việt Nam tăng gần gấp đôi từ 4,4 tỉ USD năm 2017 lên 8,4 tỉ USD năm 2021, trong đó sản xuất trong nước đáp ứng chưa đến một nửa nhu cầu.
Sản lượng sữa tươi của Việt Nam đạt 1,2 tỉ lít vào năm 2021 và sẽ tăng lên 2 tỷ lít vào năm 2030. Mặc dù sản lượng tăng nhưng sản lượng sữa tươi trong nước chỉ đáp ứng được 40-50% nhu cầu trong nước, còn lại chủ yếu phải nhập khẩu.
Nhóm nghiên cứu dự thảo còn chỉ ra phần lớn nguyên liệu cho ngành sữa của Việt Nam vẫn được nhập khẩu là chủ yếu do điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của Việt Nam không thuận lợi cho chăn nuôi bò sữa.
Số lượng các doanh nghiệp sản xuất sữa lớn trong nước rất ít, phần lớn sữa được sản xuất từ các tập đoàn lớn như Vinamilk (chiếm 40% thị phần năm 2022), Friesland Camina Việt Nam (18%), TH Food(11%), Vinasoy(7%) và Nestle Việt Nam(7%).
HỒNG NHẬT
Bình luận mới nhất