Tỉnh Quảng Trị hiện đang bước vào giai đoạn thời tiết chuyển mùa và diễn biến phức tạp. Mưa rét kéo dài đan xen những ngày nắng ấm đã tác động bất lợi đến sức đề kháng của đàn vật nuôi, trong đó có con lợn. Tại địa bàn tỉnh, quy mô chăn nuôi lợn nhỏ lẻ trong nông hộ đang còn phổ biến. Sau một thời gian khá dài, trên địa bàn tỉnh, dịch tả lợn Châu Phi ít xuất hiện nên người chăn nuôi và một số địa phương chủ quan, chưa tổ chức thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống cần thiết. Việc tiêm phòng các loại bệnh cho lợn đạt tỉ lệ thấp, triển khai chậm so với thời điểm có nguy cơ cao làm phát sinh dịch bệnh. Do vậy, khi dịch tả lợn Châu Phi bùng phát trở lại như hiện nay đã gây thiệt hại đáng kể cho người chăn nuôi lợn.
Tăng cường công tác giám sát đối với các cơ sở kinh doanh, chợ buôn bán lợn để góp phần phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi – Ảnh: Đ.T
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, từ đầu năm 2021 đến nay, bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại 543 hộ, 152 thôn, 62 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thị xã, thành phố với tổng số 4.159 con lợn, trong đó có 695 con lợn nái, 2.626 con lợn thịt và 838 con lợn sữa bị bệnh chết, buộc chôn hủy với tổng trọng lượng tiêu hủy 195.416 kg (lợn nái 112.143 kg, lợn thịt 79.452 kg, lợn sữa 3.821 kg). Trong 9 tháng đầu năm, dịch xảy ra nhỏ lẻ, rải rác tại 53 xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, từ đầu tháng 10/2021 đến nay, dịch bùng phát trở lại và có chiều hướng lây lan nhanh tại 33 xã, phường, thị trấn của 6 huyện, thị xã, thành phố làm 1.392 con lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy với tổng trọng lượng 76.509 kg.
Để khẩn trương kiểm soát, ngăn chặn các ổ dịch tái phát và lây lan, UBND tỉnh đã có công văn số 5715/UBND-NN ngày 23/11/2021 về việc tập trung chỉ đạo phòng, chống, kiểm soát bệnh DTLCP. Trong đó nêu rõ, đối với các địa phương phải xác định phòng, chống bệnh DTLCP là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất nông nghiệp hiện nay. Phải tập trung các nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh. Cùng với đó là kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên để tổ chức phòng, chống dịch bệnh. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình dịch bệnh; quản lý chặt chẽ đàn lợn trên địa bàn đến từng trang trại, từng hộ dân; nhanh chóng phát hiện, cô lập, khống chế và xử lý triệt để các ổ dịch trong thời gian sớm nhất. Tổ chức triển khai quyết liệt, hiệu quả các phương án phòng, chống đã được quy định cụ thể tại Quyết định số 2815/QĐ-UBND ngày 29/9/2020 về Kế hoạch phòng, chống bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt là chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, dụng cụ, hóa chất, kinh phí để chủ động phòng, chống dịch với phương châm “Huyện giữ huyện, xã giữ xã, thôn giữ thôn, hộ giữ hộ”.
Hiện nay, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang tiến hành tái đàn lợn trong điều kiện gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Do vậy, ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương cần tổ chức quản ý chặt chẽ công tác tái đàn, tăng đàn lợn trên địa bàn, đảm bảo không để tái phát bệnh DTLCP. Xử lý nghiêm những trường hợp tái đàn không khai báo, không đảm bảo điều kiện để xảy ra dịch bệnh và không thực hiện hỗ trợ kinh phí khi có lợn phải tiêu hủy do mắc bệnh đối với những trường hợp vi phạm theo quy định. Tổ chức xử lý tiêu hủy lợn chết, lợn bệnh kịp thời, đảm bảo yêu cầu, không để lây lan dịch bệnh, không để gây ô nhiễm môi trường.
Các địa phương khẩn trương rà soát và tổ chức tiêm phòng các loại vắc xin dịch tả lợn, tụ huyết trùng, phó thương hàn, tai xanh… cho đàn lợn. Hộ chăn nuôi không thực hiện tiêm phòng các loại vắc xin theo quy định, để dịch xảy ra bắt buộc tiêu hủy và không được hỗ trợ. Các tổ chức đoàn thể tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đến tận cơ sở, đến từng hội viên, từng hộ chăn nuôi các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định và cam kết báo cáo ngay khi phát hiện dịch bệnh trên đàn lợn, không giấu dịch. Tuyên truyền và yêu cầu người chăn nuôi thực hiện tốt “5 không”: Không giấu dịch; không mua bán; không giết mổ, mua bán lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý làm thức ăn cho lợn.
Chính quyền các xã, thị trấn trong tỉnh tập trung quản lý các hộ có kinh doanh động vật trên địa bàn, cam kết không mua bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật chưa qua kiểm dịch. Tổ chức việc vệ sinh tiêu độc định kỳ trên địa bàn bằng các loại hóa chất có hiệu quả cao, an toàn. Hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện việc đăng ký kê khai ban đầu theo quy định; chủ động thực hiện vệ sinh tiêu độc chuồng trại, khu vực chăn nuôi định kỳ. Tuyệt đối không cho vật nuôi khác vào chuồng. Sử dụng lưới bảo vệ chuồng trại để hạn chế tối đa côn trùng, chuột vào chuồng nuôi.
Trong điều kiện bệnh DTLCP diễn biến phức tạp như hiện nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường hướng dẫn chuyên môn về các biện pháp phòng, chống đối với bệnh. Chuẩn bị đủ hóa chất, vật tư để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch. Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác kiểm dịch vận chuyển lợn, sản phẩm lợn; kiểm soát giết mổ tại các cơ sở, điểm giết mổ lợn, các chợ và các nơi có nguy cơ cao trên địa bàn toàn tỉnh. Tổ chức việc lấy mẫu xét nghiệm tại các địa phương mới xuất hiện dịch, tái phát dịch sau 21 ngày. Tăng cường công tác giám sát đến tận hộ nuôi lợn, tận trang trại chăn nuôi lợn; tổ chức quản lý các cơ sở kinh doanh, chợ buôn bán lợn và sản phẩm lợn; cam kết không mua bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn chưa qua kiểm dịch.
Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra thường xuyên các cơ sở giết mổ gia súc tập trung, các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm. Xây dựng kế hoạch và chủ động lấy mẫu giám sát lưu hành mầm bệnh DTLCP để phát hiện sớm, cảnh báo và kịp thời tổ chức triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, phòng, chống kịp thời, hiệu quả.
Có một thực tế là hiện nay trên địa bàn tỉnh chủ yếu vẫn là chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, quy mô nông hộ chiếm tỉ lệ cao. Với hình thức chăn nuôi truyền thống, các hộ tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp, đất đai, công lao động nhàn rỗi. Song cũng vì thế mà tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh cao. Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc chuyển dần sang chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học là rất thiết thực. Hướng chăn nuôi mới này đem đến nhiều lợi ích rõ rệt như giảm tỉ lệ dịch bệnh do có những biện pháp xử lý chuồng trại, thú y, thức ăn, vệ sinh môi trường. Từ đó hạn chế sử dụng kháng sinh, giúp đảm bảo sức khỏe đàn vật nuôi, an toàn vệ sinh thực phẩm và tăng thu nhập cho người nuôi.
Đan Tâm
Nguồn: Báo Quảng Trị
- Dịch tả lợn Châu Phi li> ul>
- “Chạy đua” xử lý các cơ sở chăn nuôi nằm ngoài vùng quy hoạch
- Ảnh hưởng của các mức selenomethionine đến chất lượng thịt và sự tích luỹ selen trong mô
- Bình Phước: Chuẩn bị heo thịt cho thị trường tết
- Đề xuất kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030
- Áp dụng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo là tương lai của ngành chăn nuôi
- Vemedim tổ chức khóa học chẩn đoán và điều trị chuyên sâu về hô hấp phức hợp trên chó mèo
- Hòa Bình: Giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm 31% tỷ trọng ngành nông nghiệp
- Khả năng tiêu hoá tinh bột ở động vật và lợi ích của amylase
- Bình Định: Công ty Vĩnh Quang đầu tư trang trại chăn nuôi heo tại huyện Vĩnh Thạnh
- Ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng và những tác động có thể ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi Việt Nam
Tin mới nhất
T3,24/12/2024
- “Chạy đua” xử lý các cơ sở chăn nuôi nằm ngoài vùng quy hoạch
- Ảnh hưởng của các mức selenomethionine đến chất lượng thịt và sự tích luỹ selen trong mô
- Bình Phước: Chuẩn bị heo thịt cho thị trường tết
- Đề xuất kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030
- Áp dụng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo là tương lai của ngành chăn nuôi
- Vemedim tổ chức khóa học chẩn đoán và điều trị chuyên sâu về hô hấp phức hợp trên chó mèo
- Đón đọc Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam số tháng 12 năm 2024
- Hòa Bình: Giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm 31% tỷ trọng ngành nông nghiệp
- Khả năng tiêu hoá tinh bột ở động vật và lợi ích của amylase
- Bình Định: Công ty Vĩnh Quang đầu tư trang trại chăn nuôi heo tại huyện Vĩnh Thạnh
- Biogénesis Bagó: Tăng tốc tại thị trường châu Á thông qua việc thiết lập văn phòng khu vực tại Việt Nam
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
- Các quy trình ngoại khoa trên heo con và những vấn đề cần lưu ý
- Bệnh Dịch tả heo châu Phi: Làm tốt An toàn sinh học đến đâu, rủi ro bệnh càng thấp tới đó!
- Quy trình xử lí chuồng trại sau khi bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
Bình luận mới nhất