[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Nhân sự ngành chăn nuôi thú y được dự báo là sẽ không còn phát triển “nóng” như giai đoạn trước mà cần đi sâu vào chất lượng. Điều này, đòi hỏi các trường đào tạo và bản thân sinh viên cần thiết có những bước chuyển mình để có thể dạy và học đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Mỗi năm có trên 1 000 bác sỹ thú y, kỹ sư chăn nuôi ra trường
Theo Cục Chăn nuôi, các trường đào tạo truyền thống cung cấp nguồn nhân lực chính cho ngành chăn nuôi thú y là như Học viện Nông nghiệp Việt Nam (trước đây là Đại học Nông Nghiệp 1), Đại học Nông Lâm Huế (Nông Nghiệp 2), ĐH Nông Lâm Thái Nguyên (Nông nghiệp 3), Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh (Nông Nghiệp 4), Đại học Tây Nguyên sau đó là Đại học Cần thơ, còn có 12 cơ sở đào tạo khác mới được thành lập. Trong đó, chỉ Học viện Nông nghiệp có hai khoa riêng là khoa Chăn nuôi (63 cán bộ) và khoa Thú y với (93 cán bộ), một số trường truyền thống khác là khoa chung (CNTY) và đại đa số là bộ môn Chăn nuôi hoặc Chăn nuôi thú y thuộc khoa Nông nghiệp hoặc khoa Nông lâm ngư hoặc sinh học, lâm nghiệp.
Tổng số cán bộ giảng dạy và nghiên cứu liên quan đến CNTY tại các cơ sở đào tạo Đại học khoảng 520 người. Trong đó Học viện Nông nghiệp là 172 người, Nông lâm Thái Nguyên là 75 người, Nông lâm TP. Hồ Chí Minh là 70 người, Nông lâm Huế là 60 người, Đại học cần Thơ là 42 người, Khoa CNTY Đại học Tây nguyên 35 người, Nông Lâm Bắc Giang là 30 người, còn các cơ sở đào tạo khác chỉ có khoảng 10-15 cán bộ.
Sinh viên Khoa Thú y Học viện Nông nghiệp Việt Nam đi thực tế tại xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.
Trung bình, giai đoạn 2008-2018, các cơ sở đào tạo trong cả nước đã cung cấp cho thị trường 3600-3800 kỹ sư chăn nuôi và 7500-7800 bác sĩ thú y, trung bình khoảng 370 kỹ sư chăn nuôi và 780 BSTY/năm, trong đó Học viện Nông nghiệp Việt Nam đóng góp khoảng 55-60%).
Theo kết quả khảo sát của Học viện Nông nghiệp Việt Nam về việc làm của sinh viên trong những 10 năm gần đây cho thấy so với các ngành khác trong khối nông, lâm ngư thì tỷ lệ sinh viên ngành Chăn nuôi, Thú y có việc làm sau khi tốt nghiệp một năm là cao nhất (khoảng 93 – 98,71%). So với trước đây, xu hướng lựa chọn làm việc có nhiều thay đổi, kỹ sư chăn nuôi và bác sĩ thú y làm việc cho các tập đoàn, tổng công ty, khu vực tư nhân ngày càng cao (khoảng 80-85%), một số ít làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước 10-15%, một số sang làm việc tại Nhật Bản, Isarel …còn lại là việc tự do hoặc chuyển nghề.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, giai đoạn từ năm 2016- 2017 trở về trước, khi đó ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn phát triển mạnh, nhân sự của ngành chăn nuôi thú y lúc nào cũng thiếu. Các công ty từ lớn tới nhỏ đều cần rất nhiều nhân sự cho ngành này, sinh viên chưa ra trường đã được săn đón với mức lương cao hơn so với các ngành nghề khác. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn tuyển dụng từ các ngành khác rồi về bồi dưỡng đào tạo thêm. Tuy nhiên, kể từ khi bão giá từ cuối năm 2017 đến 2018 và từ đầu năm 2019, ASF gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi heo. Điều này đã kéo theo việc làm cũng như thu nhập của ngành chăn nuôi giảm theo. Ngành học chăn nuôi thú y không còn “hot” như trước kia. Ghi nhận ở một số trường Đại học đào tạo chuyên ngành này, số lượng sinh viên đăng ký học giảm đáng kể…
Doanh nghiệp vẫn “khát” nhân sự chất lượng cao
Chia sẻ tại buổi tổng kết năm học 2018- 2019 tại Khoa Chăn nuôi Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Ánh – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần GreenFeed Việt Nam khẳng định ngành chăn nuôi sẽ thay đổi cơ cấu sản xuất, cụ thể giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, năng suất thấp, an toàn sinh học kém, thay vào đó là chăn nuôi quy mô lớn, chuyên nghiệp, năng suất cao, hạ giá thành, đảm bảo an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Với ASF và bão giá thì thì tiến trình tái cơ cấu ngành chăn nuôi nhanh hơn. Đó là quy luật tự nhiên trên thế giới và các nước phát triển cũng như vậy.
Gần đây, các doanh nghiệp “có máu mặt” trong ngành thực hiện quá trình hình thành chuỗi giá trị 3F từ thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi, giết mổ và chế biến thực phẩm, chứ không đơn thuần là sản xuất, kinh doanh thức ăn như trước. Mô hình đầu vào là thức ăn chăn nuôi, giống, thuốc thú y; đầu ra là thực phẩm ăn được thúc đẩy rất nhanh. Các trại chăn nuôi lớn 2000, 5000, 10000 nái bằng công nghệ cao, bài bản hình thành nhiều hơn, đòi hỏi nhân sự chất lượng cao mới có thể vận hành và điều khiển được hệ thống đó.
Cùng với đó, nhu cầu thực phẩm cho người dân Việt Nam gần 100 triệu người với nhu cầu tiêu dùng thịt ngày càng nhiều; nhu cầu thực phẩm của các nước láng giềng vẫn không ngừng tăng.
“Do đó, nhu cầu nhân lực của ngành chăn nuôi thú y không giảm đi mà ngày càng tăng. Vì vậy, người học cần thay đổi tư duy, xây dựng kiến thức, kỹ năng phù hợp với nền chăn nuôi chuyên nghiệp thì sẽ có nhiều cơ hội”, ông Nguyễn Ngọc Ánh nhấn mạnh.
Còn ông Phạm Phú Phát – Phó Tổng giám đốc mảng Farm – Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, công ty vẫn phát triển theo chuỗi 3F vẫn phát triển đều. Trại heo của C.P vẫn tiếp tục được xây dựng và hiện tại C.P đang xây dựng đại dự án chế biến thịt gà để xuất khẩu. Nhu cầu nhân sự của C.P vẫn tăng và có nhiều cơ hội cho sinh viên ra trường.
Cơ sở đào tạo nỗ lực cải thiện chất lượng…
Tại Khoa Chăn nuôi (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), theo PGS TS Phạm Kim Đăng – Trưởng Khoa, khoảng 5-10 năm trở lại đây, Khoa đã rất cầu toàn lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, cùng doanh nghiệp phân tích những hạn chế của sinh viên khi ra trường. Ý kiến của doanh nghiệp đã giúp Khoa cải thiện chất lượng đào tạo, tăng cường kiến thức mà doanh nghiệp đang cần. Nhờ vậy, gần đây sinh viên tốt nghiệp đã cơ bản đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp.
PGS.TS Phạm Kim Đăng cũng cho biết thêm, ngoài hợp tác đào tạo với doanh nghiệp trong nước, Khoa đang hướng tới việc hội nhập quốc tế sâu rộng. Cụ thể, Khoa đã tham khảo nhiều chương trình đào tạo của các nước tiên tiến; các môn học mới được đưa vào chương trình đào tạo, nhiều chương trình trao đổi, thực tập ngắn hạn với các nước trong khu vực được tăng cường. Gần như năm nào Khoa cũng có sinh viên thực tập tại các nước trong khu vực và thế giới. Khoa cũng tiếp nhận sinh viên nước khác đến học tập và thực tập tại khoa.…
Sinh viên Khoa Chăn nuôi Thú y Trường Đại học Nông Lâm Huế dùng thử thiết bị tiêm thuốc cho heo không cần kim tiêm trên mẫu vật.
Còn PGS TS Nguyễn Xuân Bả – Trưởng Khoa Chăn nuôi Thú y Trường Đại học Nông Lâm Huế nhận định, cơ hội việc làm cho ngành chăn nuôi thú y vẫn còn nhiều, nhưng thay vì hướng tới số lượng, các doanh nghiệp tuyển dụng nhân sự có chất lượng (về chuyên môn, về ngoại ngữ và kỹ năng mềm). Vì vậy, Khoa xác định cần có nhiều thay đổi trong việc đào tạo sinh viên. Cụ thể, Khoa xác điều chỉnh chương trình đào tạo, sát với chuẩn đầu ra theo nhu cầu của các doanh nghiệp hơn (Chuyên gia của doanh nghiệp có tham gia cùng khoa trong việc điều chỉnh chương trình/ cập nhật chương trình). Các học phần dành cho thuốc thú y, vắc xin, thú cưng sẽ được tăng. Các nhóm, câu lạc bộ chuyên về heo, gia cầm, thú cưng… được thành lập.
Tại trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, theo TS Phan Thị Hồng Phúc – Trưởng khoa Chăn nuôi – Thú y, từ năm 2016 đến nay, Khoa và nhà trường đã tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài và đưa sinh viên đi thực tập hưởng lương tại các nước tiên tiến như Úc, Đan Mạch, Israel, Đức, Nhật.. Ngoài việc kết hợp thực tập tại các doanh nghiệp, khoa cũng đặc biệt chú trọng tới đầu tư các thiết bị hiện đại trong phòng thí nghiệm, xây dựng các mô hình học tập tại trường rộng 5ha như mô hình bệnh xá Thú y, Trại gà, Trại lợn, đồng cỏ… Các mô hình này đã giúp sinh viên bước đầu tiếp cận mô hình thực tế trước khi xuống thực tập tại cơ quan, doanh nghiệp. Khoa cũng có đổi mới trong công tác quản lí sinh viên gắn liền với giảng viên chủ nhiệm và cố vấn học tập, chú trọng công tác tư tưởng cho sinh viên, đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa và định hướng nghề nghiệp cho sinh viên năm thứ nhất. Để sinh viên ra trường có việc làm tốt, hàng năm Khoa tổ chức hội chợ việc làm 2 lần, thiết lập kênh thông tin việc làm trên website và chuyên trang việc làm trên Facebook của khoa…
Đức Phúc
Sinh viên chăn nuôi, thú y học thế nào để ra trường có công việc tốt, thu nhập cao?
Ông Nguyễn Phạm Xuân Thảo, Giám đốc sản xuất Công ty CJ VINA Agri: Có thêm 2,3 ngoại ngữ, việc làm sẽ rất rộng mở!
Chăn nuôi Thú y, các bạn nam học ngành này luôn luôn chiếm ưu thế hơn các nữ. Các vị trí dành cho nữ là kế toán, văn phòng cho các trang trại, công ty hoặc làm bệnh xá thú y, cần thiết phải trau dồi tin học văn phòng, kỹ năng mềm và ngoại ngữ. Sinh viên sau khi tốt nghiệp không chỉ cần vững chuyên môn, mà cần ăn nói lưu loát các ngoại ngữ như Anh, Pháp, Trung Quốc, Hà Lan thì sẽ có công ăn việc làm tốt trong tương lai. Môi trường cho ngoại ngữ trong thời đại 4.0 rất cần thiết. Để làm được như vậy, sinh viên nên tham gia vào các câu lạc bộ ngoại ngữ chuyên ngành, vừa học vừa thực hành.
Ông Đặng Ngọc Hoàng – Tổng giám đốc Công ty MSD Việt Nam: Sinh viên cần nâng cao tinh thần tự học
Các cơ sở đào tạo nên cho sinh viên học tập theo kiểu phân chia nhóm. Ví dụ dạy về tai xanh, giảng viên cho sinh viên phân nhóm, tự tìm hiểu về bệnh trên tài liệu, internet, sau đó trình bày trước lớp, thầy chỉ tổng kết lại, có như vậy thì sinh viên nhớ đến cuối. Quan trọng nhất là làm sao sinh viên rèn luyện được tinh thần tự học. Bởi lẽ, sau này khi đi làm trang trại, các bạn sống lẻ loi với vài người, nếu buổi tối không tự học thì 3-5 trại đó sẽ tụt hậu rất nhanh. Nếu các bạn quản lí trại có kinh nghiệm làm việc từ 5-7 năm thì “ăn đứt” các bạn khác và cơ hội lương cao, chế độ tốt hoàn toàn có thể.
Ông Nguyễn Ngọc Ánh – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần GreenFeed: Cần thích ứng với môi trường nước ngoài
Góc độ đào tạo, Nhà trường đã có nhiều cập nhật và trang bị cho sinh viên kiến thức căn bản, nhưng bản thân sinh viên cần trau dồi thêm chuyên môn, kỹ năng và thái độ. Cụ thể, đó là kỹ năng làm việc và tự học tập, rèn luyện trong trại chăn nuôi; khả năng ngoại ngữ và kỹ năng thích ứng với môi trường nước ngoài. Bởi tương lai, các công ty trong nước sẽ đầu tư rất nhiều ra nước ngoài… Nếu đáp ứng được, sinh viên sẽ có nhiều cơ hội nghề nghiệp không chỉ trong nước mà còn có cơ hội làm việc tại các nước khác trong khu vực, có thăng tiến và thu nhập cao.
Hà Ngân (ghi)
- thú y li>
- Chăn nuôi Thú y li> ul>
- Thừa Thiên Huế: Chủ động phòng, chống rét cho vật nuôi
- Giá sản phẩm chăn nuôi (giá tại trại) cả nước ngày 24/12/2024
- Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam: Hoạt động bền bỉ và thành công
- Dự báo thị trường thức ăn chăn nuôi toàn cầu
- Đồng Nai: Heo hơi tăng giá, đảm bảo nguồn cung Tết Nguyên đán 2025
- Khởi công xây dựng trạm trộn thức ăn chăn nuôi tại KCN công nghệ cao Mebi Farm
- Hợp quy TĂCN: Nặng hình thức và tốn kém!
- Nâng tầm giá trị thương hiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam: Cần gỡ bỏ nút thắt
- “Chạy đua” xử lý các cơ sở chăn nuôi nằm ngoài vùng quy hoạch
- Ảnh hưởng của các mức selenomethionine đến chất lượng thịt và sự tích luỹ selen trong mô
Tin mới nhất
T4,25/12/2024
- Thừa Thiên Huế: Chủ động phòng, chống rét cho vật nuôi
- Giá sản phẩm chăn nuôi (giá tại trại) cả nước ngày 24/12/2024
- Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam: Hoạt động bền bỉ và thành công
- Dự báo thị trường thức ăn chăn nuôi toàn cầu
- Đồng Nai: Heo hơi tăng giá, đảm bảo nguồn cung Tết Nguyên đán 2025
- Khởi công xây dựng trạm trộn thức ăn chăn nuôi tại KCN công nghệ cao Mebi Farm
- Hợp quy TĂCN: Nặng hình thức và tốn kém!
- Nâng tầm giá trị thương hiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam: Cần gỡ bỏ nút thắt
- “Chạy đua” xử lý các cơ sở chăn nuôi nằm ngoài vùng quy hoạch
- Ảnh hưởng của các mức selenomethionine đến chất lượng thịt và sự tích luỹ selen trong mô
- Biogénesis Bagó: Tăng tốc tại thị trường châu Á thông qua việc thiết lập văn phòng khu vực tại Việt Nam
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
- Các quy trình ngoại khoa trên heo con và những vấn đề cần lưu ý
- Bệnh Dịch tả heo châu Phi: Làm tốt An toàn sinh học đến đâu, rủi ro bệnh càng thấp tới đó!
- Quy trình xử lí chuồng trại sau khi bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
Bình luận mới nhất