Tỉnh Ninh Thuận đang tập trung triển khai các giải pháp để tăng nhanh tỷ trọng ngành chăn nuôi, phát triển chăn nuôi tập trung gắn với giám sát an toàn dịch bệnh; ưu tiên phát triển liên kết theo chuỗi giá trị các đối tượng bò, dê, cừu gắn với cơ sở giết mổ tập trung.
Chăn nuôi theo hướng trang trại của hộ dân ở xã Phước Nam, huyện
Đây là cơ sở để tỉnh hoàn thiện và ban hành Đề án phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, hiệu quả, có giá trị kinh tế cao đến năm 2030.
“Thủ phủ” chăn nuôi
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, từ trước tới nay, Ninh Thuận vẫn tự hào là “thủ phủ” về phát triển chăn nuôi của cả nước. Tính đến cuối năm 2023, tổng đàn gia súc của tỉnh trên 518.400 con, tăng 3% so với năm 2022; trong đó, đàn gia súc có sừng trên 356.000 con, tăng 0,54%, tỷ lệ bò lai đạt 51%; đàn lợn trên 162.400 con, tăng 8,9%; tổng đàn gia cầm trên 2,7 tỷ con, tăng 11,5% so với năm 2022. Đồng thời, tổng sản lượng thịt gia súc của tỉnh đạt trên 33.135 tấn, tăng 3,4% so với năm 2022; sản lượng thịt gia cầm trên 8.620 tấn, tăng 9,2% so với năm 2022. Sản lượng trứng gia cầm trên 69.655.000 quả.
Thời gian qua, việc phát triển chăn nuôi gia súc, đặc biệt là việc liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị của tỉnh Ninh Thuận đã có bước chuyển biến rõ nét và mang lại hiệu quả thiết thực. Cụ thể, các doanh nghiệp và các công ty chăn nuôi gia súc chủ động liên liên kết, cung cấp giống nuôi dê, cừu và hỗ trợ vốn, kỹ thuật cho người dân chăn nuôi theo hình thức “nuôi rẽ” và tổ chức thu mua lại sản phẩm cho người dân theo giá thị trường.
Sự liên kết chăn nuôi theo hướng này đã góp phần giảm dần tình trạng chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ như trước đây và chuyển sang nuôi tập trung quy mô lớn, bài bản và khoa học hơn. Các doanh nghiệp đã đảm nhiệm tốt vai trò đầu mối trong khâu tổ chức sản xuất, điều tiết hợp lý nhu cầu tiêu thụ của thị trường, giảm bớt được khâu trung gian, đẩy giá thành chăn nuôi tăng lên, tạo sự phấn khích cho các hộ nuôi.
Ông Phan Đình Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Thuận cho biết, điều đáng phấn khởi đó là tỉnh đang phát triển nhiều mô hình chăn nuôi theo công nghệ cao, như: Chuỗi liên kết chăn nuôi lợn giữa Công ty cổ phần Chăn nuôi CP và Công ty TNHH CJ, hầu hết đều áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại vào chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hay mô hình chăn nuôi bò, dê, cừu, các hộ chăn nuôi đã cải tạo, lai tạo các giống có chất lượng, năng suất cao bằng cách thụ tinh nhân tạo; trồng loại cỏ có năng suất, chất lượng phục vụ thức ăn cho gia súc thích hợp cho sự phát triển của gia súc. Với mô hình chăn nuôi gia cầm, hiện tỉnh có 9 trang trại chăn nuôi. Các trang trại này đã liên kết gia công với Công ty cổ phần Chăn nuôi CP để đầu tư công nghệ trại lạnh, trang thiết bị, dụng cụ hiện đại, tiên tiến để chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét.
Nhờ quản lý tốt các khâu từ ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi đến vệ sinh thú y, phòng, chống dịch bệnh cho gia súc nên tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở tỉnh Ninh Thuận được kiểm soát chặt chẽ và không xảy ra các ổ dịch truyền nhiễm nguy hiểm.
Ngành chăn nuôi của tỉnh Ninh Thuận cũng chú trọng xây dựng chuỗi giá trị sản xuất, xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung quy mô lớn như: Cơ sở giết mổ dê, cừu Bích Huyền, phường Đô Vinh (thành phố Phan Rang – Tháp Chàm); nhà máy giết mổ gia súc tập trung Nhật Thành Food (xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước) để tạo ra sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo môi trường.
Phát triển chăn nuôi theo chiều sâu
Nhà máy giết mổ gia súc tập trung Nhật Thành Food, ở huyện Ninh Phước.
Ninh Thuận được biết đến là “thủ phủ” về phát triển chăn nuôi của cả nước. Đây là niềm tự hào nhưng đồng thời cũng là thách thức đối với tỉnh trong quá trình phát triển. Bởi hiện nay, ngành chăn nuôi của tỉnh cũng đang gặp phải không ít khó khăn do đồng cỏ tự nhiên cho chăn thả gia súc ngày càng thu hẹp. Tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát vẫn còn. Tính liên kết giữa các cơ sở chăn nuôi với doanh nghiệp không bền vững, chưa hình thành được chuỗi giá trị trong chăn nuôi.
Bà Trần Thị Minh, Giám đốc Nhà máy giết mổ gia súc tập trung Nhật Thành Food cho biết, kể từ khi nhà máy được đưa vào hoạt động cũng đã góp phần giải quyết được tình trạng giết mổ gia súc nhỏ lẻ. Tuy nhiên, cái khó hiện nay đó là hoạt động của nhà máy không đúng với công suất thiết kế (190 con/ngày đêm), có ngày chỉ làm hơn một nửa công suất. Tình trạng giết mổ “chui”, không qua kiểm dịch, kiểm soát, không đảm bảo an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường vẫn còn xảy ra và gây không ít khó khăn cho cơ sở giết mổ tập trung.
Nhiều hộ chăn nuôi dê, cừu ở xã Phước Nam, huyện Thuận Nam cho hay, chăn nuôi gia súc là thế mạnh của địa phương nhưng thực tế đã rất lâu rồi chưa thấy giá cừu hơi (cân hơi) lên được 70.000 đồng/kg. Nếu giá cả cứ đà này thì chắc người chăn nuôi khó trụ vững, phải bán tháo.
Qua tìm hiểu thực tế tại Ninh Thuận hiện nay, giá 1 kg dê, cừu hơi chỉ được thị trường mua với giá 55.000 đồng/kg, có khi thấp hơn tùy loại, giá bò hơi cũng thấp không kém. Trước thực trạng kéo dài trên, không ít hộ chăn nuôi phải bán cả tổng đàn vì không cầm cự nổi, nuôi nhiều càng lỗ nhiều.
Ông Trương Khắc Trí, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, để tạo đòn bẩy cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững, sở đang hướng dẫn các huyện có lợi thế phát triển chăn nuôi như Thuận Bắc, Thuận Nam, Ninh Phước, Bác Ái tập trung rà soát, tổ chức cơ cấu lại hoạt động chăn nuôi phù hợp. Ngành chăn nuôi sẽ tiếp tục hỗ trợ, chuyển giao các tiến bộ khoa học – kỹ thuật cho người chăn nuôi ứng dụng vào sản xuất. Đồng thời vận động hộ chăn nuôi mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô phát triển tổng đàn gắn với phòng, chống dịch bệnh; chủ động trồng cỏ, không phụ thuộc vào đồng cỏ tự nhiên.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, để ngành chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính, tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ, thu hút các tổ chức doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi với quy mô lớn, tập trung; thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị.
Cụ thể, tỉnh sẽ quy hoạch đồng bộ vùng chăn nuôi tập trung phù hợp với điều kiện từng địa phương; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi hữu cơ và chăn nuôi an toàn sinh học; thực hiện chuyển đổi số trong chăn nuôi; ứng dụng khoa học công nghệ để cải tạo giống vật nuôi; đặc biệt tăng cường công tác vệ sinh thú y, phòng, chống hiệu quả các loại dịch bệnh có thể lại xảy ra.
Đồng thời, tỉnh cũng chú trọng phát triển các cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi theo hướng tập trung hiện đại; xây dựng chỉ dẫn địa lý và thương hiệu để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm chăn nuôi trên thị trường; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển các mô hình chăn nuôi kết hợp hoạt động du lịch nông nghiệp.
Thời gian tới, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục duy trì 5 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi áp dụng khoa học kỹ thuật tiến tiến, công nghệ hiện đại tại các địa phương. Đồng thời, khuyến khích và tạo điều kiện nhân rộng mô hình liên kết chăn nuôi mang lại nguồn thu nhập ổn định, khả năng thua lỗ thấp, tạo chuỗi liên kết từ khâu cung cấp con giống đến thu mua, tiêu thụ sản phẩm ở các trang trại chăn nuôi.
Trên cơ sở đó, tỉnh Ninh Thuận phấn đấu đến năm 2025 phát triển đàn dê, cừu 280.000 con, đàn bò 150.000 con và đàn lợn 150.000 con, đàn gia cầm đạt từ 2,4 – 2,6 triệu con, đưa ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng khoảng 35,5% trong nội bộ ngành và duy trì mức tỷ trọng 10,7% trong toàn ngành nông nghiệp. Phấn đấu tổng giá trị sản xuất chăn nuôi toàn tỉnh đạt 1.983 tỷ đồng.
Đến năm 2030, tỉnh Ninh Thuận phấn đấu nâng tổng đàn cừu lên 220.000 con, sản lượng thịt cừu tăng bình quân 4 – 5%/năm; đàn dê đạt 160.000 con, sản lượng thịt dê tăng bình quân 3,5%/năm; phát triển đàn bò lên 200.000 con, sản lượng thịt bò tăng 7,5%/năm và đàn lợn đạt 200.000 con với sản lượng lợn thịt đạt 22.000 tấn/năm; phát triển đàn gia cầm đạt 3 triệu con với sản lượng thịt hơi khoảng 9.000 tấn, đưa cơ cấu ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng khoảng 41,2% trong nội bộ ngành và chiếm khoảng 12,3% trong toàn ngành nông nghiệp. Ninh Thuận phấn đấu tổng giá trị sản xuất chăn nuôi đến năm 2030 đạt 2.847 tỷ đồng.
Bài và ảnh: Công Thử (TTXVN)
- ngành chăn nuôi li> ul>
- Áp dụng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo là tương lai của ngành chăn nuôi
- Vemedim tổ chức khóa học chẩn đoán và điều trị chuyên sâu về hô hấp phức hợp trên chó mèo
- Hòa Bình: Giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm 31% tỷ trọng ngành nông nghiệp
- Khả năng tiêu hoá tinh bột ở động vật và lợi ích của amylase
- Bình Định: Công ty Vĩnh Quang đầu tư trang trại chăn nuôi heo tại huyện Vĩnh Thạnh
- Ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng và những tác động có thể ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi Việt Nam
- Thoát nghèo bền vững nhờ nuôi bò sinh sản
- Nhập khẩu đậu tương 11 tháng năm 2024 tăng khối lượng, giảm trị giá
- Bệnh xuất huyết thỏ (Rabbit haemorrhagic disease – RHD)
- Tập đoàn Nhật Sojitz khai trương nhà máy chế biến thịt bò mát 10.000 tấn tại Tam Đảo
Tin mới nhất
CN,22/12/2024
- Áp dụng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo là tương lai của ngành chăn nuôi
- Vemedim tổ chức khóa học chẩn đoán và điều trị chuyên sâu về hô hấp phức hợp trên chó mèo
- Đón đọc Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam số tháng 12 năm 2024
- Hòa Bình: Giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm 31% tỷ trọng ngành nông nghiệp
- Khả năng tiêu hoá tinh bột ở động vật và lợi ích của amylase
- Bình Định: Công ty Vĩnh Quang đầu tư trang trại chăn nuôi heo tại huyện Vĩnh Thạnh
- Ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng và những tác động có thể ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi Việt Nam
- Thoát nghèo bền vững nhờ nuôi bò sinh sản
- Nhập khẩu đậu tương 11 tháng năm 2024 tăng khối lượng, giảm trị giá
- Bệnh xuất huyết thỏ (Rabbit haemorrhagic disease – RHD)
- Biogénesis Bagó: Tăng tốc tại thị trường châu Á thông qua việc thiết lập văn phòng khu vực tại Việt Nam
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
- Các quy trình ngoại khoa trên heo con và những vấn đề cần lưu ý
- Bệnh Dịch tả heo châu Phi: Làm tốt An toàn sinh học đến đâu, rủi ro bệnh càng thấp tới đó!
- Quy trình xử lí chuồng trại sau khi bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
Bình luận mới nhất