Quản lý giống heo và chiến lược chọn lọc heo giống (Kỳ I) - Chăn nuôi Việt Nam
    • Giá heo (lợn) hơi miền Bắc từ 72.000 - 74.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Hà Nội 72.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Yên Bái 73.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Hải Dương 74.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi miền Trung và Tây Nguyên từ 71.000 - 78.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Quảng Trị 71.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Nghệ An 73.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Lâm Đồng 78.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Ninh Thuận 77.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi miền Nam từ 77.000 - 79.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Đồng Nai 77.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Cần Thơ, Kiêng Giang 79.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Hậu Giang 78.000 đ/kg
    •  
    • Giá heo (lợn) hơi miền Bắc từ 72.000 - 74.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Hà Nội 72.000 đ/kg
  • Quản lý giống heo và chiến lược chọn lọc heo giống (Kỳ I)

    [Chăn nuôi Việt Nam] – Việc áp dụng các giá trị kinh tế khác nhau trong chỉ số chọn lọc ảnh hưởng đến mức độ cải thiện di truyền. Đồng thời, phương pháp BLUP và chỉ số chọn lọc Index được khẳng định là công cụ hiệu quả trong nâng cao năng suất đàn giống, góp phần chủ động nguồn cung heo giống cho chăn nuôi trong nước. 

     

    Kiều Minh Lực1, Nguyễn Hữu Nhân, Lê Minh Thà, Nguyễn Thế Thiên, Huỳnh Thanh Trúc và Nguyễn Đình Nhật

     (1)Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam

    Email: minhluc@cp.com.vn

    Chăn nuôi heo tại Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam

     

    Hệ thống giống heo

     

    Hệ thống giống heo được tổ chức theo mô hình hình tháp 4 cấp gồm: heo giống cụ kị (GGP, Great grand parents); heo giống ông bà (GP, Grand parents); heo giống bố mẹ (PS, Parent stock); heo thịt thương phẩm (Hog, Commercial pigs).

     

    Hệ thống giống heo được tổ chức theo mô hình hệ thống kín. Các cấp giống ở trên sẽ sản xuất con giống cung cấp cho cấp giống phía dưới của hình tháp mà không thực hiện theo chiều ngược lại.

     

    Cấp giống GGP là nguồn gen cần phải được thường xuyên cải tiến, nâng cấp về năng suất để đáp ứng theo các thị trường khác nhau. Việc cải thiện di truyền cấp giống GGP thường được thực hiện thông qua con đường nhập nguồn gen và chọn lọc.

     

    Các cấp giống GP, PS và Hog thường là giống heo lai được sử dụng để tăng năng suất nhờ ưu thế lai giữa các giống hay dòng khác nhau. Các dòng hay giống càng khác biệt nhau về cấu trúc di truyền thì con lai của chúng có ưu thế lai và năng suất càng cao. Tuy nhiên, cần lưu ý ưu thế lai là đặc tính không di truyền cho thế hệ sau (Val Vleck và cs., 1987).

     

    Quy mô đàn heo nái ở cấp giống GGP thường được tính bằng 10% quy mô đàn heo nái ở cấp giống GP. Tương tự, số lượng heo nái GP tương đương 10% số lượng heo nái PS.

     

    Để thiết lập một mô hình sản xuất heo thịt thương phẩm có đầy đủ 4 cấp giống, nên xác định quy mô về sản lượng heo thịt sản xuất ra trên một đơn vị thời gian theo tuần, tháng hoặc năm làm cơ sở tính toán cho số lượng heo nái cần có ở các cấp giống khác nhau. Hiện nay, tại Việt Nam, trung bình 1 heo nái đẻ 14 heo con/lứa, heo nái đẻ 2,3 lứa/năm. Nếu tỷ lệ nuôi sống heo con từ khi đẻ đến khi xuất chuồng là 95% thì mỗi năm 1 heo nái có thể sản xuất được 30 heo thịt.

     

    Các phương pháp nhân giống heo

     

    Các giống heo ở cấp giống GGP là những giống heo thuần, được chọn lọc và nhân giống trong cùng một dòng hay giống. Heo giống ở cấp GGP thường có tỷ lệ đồng huyết cao, phần nào ảnh hưởng đến năng suất do cận huyết, nhưng bù lại sẽ tạo ra ưu thế lai cao ở con lai của chúng giữa các dòng/giống khác nhau (Kiều Minh Lực và cs., 2012).

     

    Các giống heo cao sản hiện nay thường dùng trong chăn nuôi heo gồm giống heo Landrace, Yorkshire và Duroc. Heo thịt thương phẩm là tổ hợp lai 3 máu giữa 3 giống heo này.

     

    Việc nhân giống thuần ở cấp giống GGP được thực hiện bằng các công thức lai giữa các cá thể trong cùng một giống theo cách Landrace x Landrace (LL), Yorkshire x Yorkshire (YY) và Duroc x Duroc (DD). Một số cơ sở sản xuất heo giống có thể chia các giống này thành các dòng nhỏ hơn và chỉ thực hiện nhân giống trong dòng để tạo các dòng đồng huyết có cấu trúc di truyền đồng đều giữa các cá thể cùng dòng nhưng khác biệt với các dòng khác.

     

    GP là đàn giống trung gian làm chức năng nhân đàn cho đàn giống PS, heo giống GP có thể là giống thuần hoặc lai giữa các dòng hay giữa các giống. Heo giống PS dòng mẹ là heo lai 2 máu LY/YL dùng để phối với giống heo đực cuối dòng cha Duroc để sản xuất heo thịt 3 máu (LYD).

     

    Ở đàn giống PS, heo nái sinh sản (LY/YL) có năng suất sinh sản cao nhất nhờ ưu thế lai giữa 2 giống Landrace và Yorkshire, khi được phối với heo đực cuối Duroc để sản xuất ra heo thịt 3 máu có năng suất tăng trọng cao và chất lượng thịt ngon.

     

    Phương pháp đánh giá năng suất heo giống

     

    Các chỉ tiêu về năng suất sinh sản heo nái

     

    Tuổi phối giống lần đầu của heo nái: Thường được tính theo tuần, trung bình 34 tuần tuổi, có trọng lượng tối thiểu 140kg, sau 3 lần lên giống và tiêm đầy đủ các loại vaccine theo khuyến cáo của ngành thú y.

     

    Tỷ lệ đậu thai: Được tính bằng số heo nái phối giống mang thai 30 ngày so với tổng số nái được phối trong cùng giai đoạn. Trung bình tỷ lệ đậu thai phổ biến tại các trang trại hiện nay là 88-92%.

     

    Tỷ lệ đẻ: Được tính bằng tổng số heo nái đẻ so với tổng số heo nái được phối trong một giai đoạn theo tuần/tháng/năm. Tỷ lệ đẻ trung bình của các trang trại chăn nuôi hiện nay là 85-90%.

     

    Tổng số heo con sinh ra/lứa: Bao gồm số heo con sinh ra còn sống khỏe mạnh sau 24 giờ, chết lúc sinh, chết do mẹ đè, thai khô và heo con nhỏ yếu loại bỏ. Tổng số heo con sinh ra trung bình hiện nay là 15-16 con/lứa đẻ.

     

    Số heo con sơ sinh còn sống/lứa: Là tổng số heo con sinh ra còn sống khỏe mạnh sau 24 giờ và được giữ lại nuôi. Có thể loại bỏ những heo con sinh ra có trọng lượng nhỏ, yếu, khó có khả năng sống sót. Tùy thuộc vào chính sách và khả năng đầu tư chăm sóc của mỗi trang trại có thể quy định trọng lượng heo con sơ sinh nhỏ cần phải loại bỏ. Heo sơ sinh có trọng lượng dưới 1kg có tỷ lệ chết 40%, tỷ lệ chết tăng lên 80% nếu trọng lượng sơ sinh của heo con là 0,5kg (Roehe and Kalm, 2000). Số heo con sơ sinh còn sống phổ biến hiện nay là 14 con/lứa đẻ của heo nái.

     

    Trọng lượng heo con sơ sinh: Được tính bằng tổng trọng lượng heo con sơ sinh còn sống sau 24 giờ chia cho số heo con sơ sinh sống. Trọng lượng heo con sơ sinh phụ thuộc vào tổng số heo con sinh ra và tổng số heo con sơ sinh sống. Ở đàn giống có trung bình 14 heo con sơ sinh sống/lứa thì trọng lượng heo con sơ sinh trung bình hiện nay là 1,3kg.

     

    Trọng lượng heo con cai sữa: Phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tổng số heo con theo mẹ, khả năng sản xuất sữa của heo mẹ, tuổi cai sữa heo con, thức ăn của heo con theo mẹ và các điều kiện chuồng trại, chăm sóc nuôi dưỡng khác. Với một heo nái nuôi 14 heo con trong điều kiện tốt thì trọng lượng heo con cai sữa lúc 21 ngày tuổi đạt 5kg.

     

    Số lứa đẻ/năm: Là tổng số lứa đẻ của đàn heo nái trong 1 năm chia cho tổng số heo nái đã phối trong khoảng thời gian tương ứng. Trung bình số lứa đẻ/heo nái/năm hiện nay là 2,3 lứa.

     

    Thời gian lãng phí của một heo nái: Được định nghĩa là thời gian không mang thai và không nuôi con, không tính thời gian trước khi phối giống heo hậu bị. Một trang trại heo nái có số lứa đẻ trung bình trong năm là 2,3 lứa, thời gian nuôi con là 21 ngày thì thời gian lãng phí trung bình của một heo nái là 52 ngày. Thời gian lãng phí trung bình của trang trại heo nái được tính bằng: 365-2,3x(115+21) ngày. Những trang trại có số lứa đẻ/heo nái/năm thấp hơn sẽ có thời gian lãng phí nhiều hơn.

     

    Tuổi loại thải heo nái: Heo nái có năng suất sinh sản về số heo con sơ sinh còn sống/lứa cao nhất vào các lứa đẻ từ 3-5. Tuy nhiên, nếu loại sớm heo nái sẽ làm tăng chi phí thay đàn, nếu loại muộn heo nái thì năng suất sẽ giảm (Khuyến cáo nên loại heo nái sau khi đẻ xong lứa đẻ thứ 7).

     

    Tỷ lệ thay đàn heo nái: Tùy thuộc vào các cấp giống khác nhau, nhu cầu cải tiến di truyền nhanh đàn giống và quy mô chuồng nuôi cách ly heo hậu bị (Khuyến cáo tỷ lệ loại thải hàng năm đối với heo nái GGP tối thiểu là 60%, heo nái GP là 50% và heo nái PS là 45%).

     

    Các chỉ tiêu về năng suất sinh sản heo đực giống

     

    Tuổi khai thác tinh: Heo đực 8 tháng tuổi, sau khi đã tiêm đầy đủ các loại vaccine thì cần được tập nhảy giá và bắt đầu khai thác tinh. Khoảng cách giữa 2 lần khai thác tinh là 7 ngày, sau 1 năm tuổi giảm xuống còn 4-5 ngày/lần. Heo đực thường được chọn giống nghiêm ngặt về mặt di truyền, do vậy có ưu thế về tiềm năng di truyền cao hơn heo nái. Việc tăng cường sử dụng những heo đực giống trẻ để phối giống cho heo nái GGP sẽ làm tăng nhanh tiến bộ di truyền của đàn giống.

     

    Lượng tinh dịch (V): Là lượng tinh dịch trong một lần xuất tinh, trung bình 200-400ml tùy vào tuổi và thể trạng heo đực.

     

    Hoạt lực tinh trùng (A): Là tỷ lệ tinh trùng tiến thẳng, có khả năng thụ thai trên 1 vi trường khi soi bằng kính hiển vi. Hoạt lực đối với tinh tươi dùng trong thụ tinh nhân tạo khoảng 80%. Đối với tinh đông lạnh hoạt lực thường giảm nhiều và ở mức 30-50%.

     

    Nồng độ tinh trùng (C): Là số lượng tinh trùng trong 1ml tinh dịch. Trong điều kiện bình thường nồng độ tinh trùng của heo trong khoảng 200-300 triệu tinh trùng/ml tinh dịch.

     

    Tỷ lệ tinh trùng kỳ hình: Là số tinh trùng có hình dạng bất thường trên 1 vi trường 100 tinh trùng. Số lượng tinh trùng kỳ hình được xác định bằng phương pháp nhuộm màu và soi dưới kính hiển vi, hoặc bằng kỹ thuật phân tích hình ảnh trên máy tính. Tỷ lệ kỳ hình chấp nhận ở mức cao nhất là 20%.

     

    Tổng số tinh trùng tiến thẳng (VAC): Là tích của các chỉ tiêu V, A và C. Tổng số tinh trùng tiến thẳng trong một lần xuất tinh thường trong khoảng 30-60 tỷ tinh trùng, có thể pha loãng với môi trường thành 10-20 liều tinh chứa 2-4 tỷ tinh trùng tiến thẳng trong một liều tinh.

     

    Tỷ lệ thay đàn heo đực giống: Đối với heo đực giống ở tất cả các đàn giống chúng tôi khuyến cáo nên lập kế hoạch loại thải 80% hàng năm để cải thiện nhanh chóng năng suất đàn giống.

     

    Chỉ tiêu về năng suất sinh trưởng

     

    Tăng trọng gram/ngày: Là mức tăng bình quân hàng ngày về khối lượng cơ thể sống trong một giai đoạn sinh trưởng nào đó. Các giai đoạn sinh trưởng của heo thịt có thể được chia thành 4 giai đoạn: Heo con theo mẹ từ sơ sinh đến cai sữa tách mẹ; cai sữa đến 20kg; heo choai 20-60kg và kết thúc 60-100kg. Tăng trọng gram/ngày ở các giai đoạn sinh trưởng khác nhau có sự khác nhau (Kiều Minh Lực, 2022a). Trong điều kiện chăn nuôi trung bình khá heo thịt 160 ngày tuổi đạt trọng lượng sống 100kg, tương đương tăng trọng từ sơ sinh đến 160 ngày tuổi là 625 gram/ngày.

     

    Tiêu tốn thức ăn (FCR): Được tính bằng số kg TĂCN sử dụng để sản xuất được 1kg trọng lượng heo hơi. FCR là một chỉ tiêu kinh tế quan trọng trong chăn nuôi vì chiếm 65-70% giá thành chăn nuôi. FCR phụ thuộc vào chất lượng TĂCN, đặc điểm di truyền của giống heo và hao hụt trong quá trình chăn nuôi. Giá trị FCR sẽ khác nhau trong các giai đoạn phát triển khác nhau của heo (Kiều Minh Lực, 2022a). Hiện nay, trung bình tiêu tốn thức ăn giai đoạn sau cai sữa đến xuất bán thịt là 2,4kg thức ăn/kg heo hơi.

     

    Tỷ lệ chết: Đánh giá tình trạng sức khỏe đàn heo từ cai sữa đến xuất bán. Trong điều kiện chăn nuôi hiện nay, tỷ lệ chết nằm trong khoảng 5%.

     

    Độ dày mỡ lưng (BF): Thường được đo bằng thiết bị siêu âm tại vị trí P2 ở vị trí xương sườn số 10 cách sống lưng ba ngón tay. Trên thân thịt mảnh, độ dày mỡ lưng tại điểm P2 thường bằng 50-55% độ dày mỡ lưng đo ở vị trí giữa sống lưng. Các giống heo có vân thịt cao thường có độ dày mỡ lưng cao hơn.

     

    Vân thịt: Được hình thành do cấu trúc mô mỡ xen kẽ trong các mô cơ. Vân thịt được đo bằng cách so sánh với bảng điểm tiêu chuẩn hoặc đo bằng thiết bị phân tích hình ảnh trên bề mặt cắt ngang thăn thịt tại điểm P2. Vân thịt cao cho thấy các chỉ tiêu về độ ngon của thịt cao. Vân thịt heo hiện nay phổ biến trong khoảng 2-2,5%.

     

    Tỷ lệ móc hàm: Là trọng lượng thịt heo mảnh sau giết mổ bao gồm đầu hoặc không bao gồm đầu, nhưng không bao gồm nội tạng và tiết. Tỷ lệ móc hàm trung bình hiện nay là 77-78% không bao gồm đầu.

     

    Các chỉ tiêu chất lượng thịt khác phản ánh độ ngọn của thịt: Bao gồm màu sắc thịt, độ rỉ nước của thịt, pH thịt, độ dai, tỷ lệ mất nước sau chế biến.

     

    Quản lý heo giống

     

    Quản lý nhận dạng cá thể heo giống

     

    Các phương pháp quản lý cá thể heo giống đang được áp dụng hiện nay gồm cắt số tai, thẻ nhựa đeo tai, hoặc gắn chip vào thẻ tai. Có một số phương pháp cắt số tai khác nhau, tùy thuộc vào hệ thống quản lý quen sử dụng. Công nhân cần phải được huấn luyện cách đọc và cắt số tai heo. Heo con sơ sinh 1-2 ngày tuổi cần phải được cắt số tai trước khi ghép vào heo nái khác.

     

    Quản lý heo thịt theo nhóm

     

    Các trang trại sản xuất heo thịt thương phẩm hoặc heo đực thiến ở trại heo giống có thể áp dụng phương pháp quản lý theo nhóm mà không cần thiết phải quản lý theo từng cá thể heo để giảm chi phí sản xuất. Cơ sở phân loại nhóm heo có thể theo tuần tuổi và nguồn gốc nơi sinh.

     

    Phần mềm quản lý heo giống

     

    Để thực hiện chương trình sản xuất giống và cải thiện di truyền đối với đàn giống GGP, bắt buộc cần phải có phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu về giống heo. Yêu cầu tối thiểu của phần mềm là khả năng quản lý hệ phả của đàn giống, quản lý chu kỳ sinh học và các chỉ tiêu sản xuất cần thiết.

     

    (còn nữa)

    Để lại comment của bạn

    Bình luận mới nhất

  • Vũ Anh Tuấn
  • Gà nhà em khoẻ

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Theo UBND xã Minh Châu – Ba Vì – Hà Nội, xác định lợi thế về đất đai, khí hậu nên những năm qua đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp là chính, trong đó xã tập trung đến phát triển chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt. […]

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Trong bối cảnh bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại TP Hồ Chí Minh, thành phố càng nỗ lực thực hiện các biện pháp kiểm soát chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ gắt gao. Hơn nữa, khảo sát một đêm tại thị trường […]

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Anh Trần Văn Toản, ở khu vực Bình Yên B, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ là người đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long mở trang trại nuôi chim công rất thành công mà cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.   1/ […]

    • Giống chim này có khả năng thích ứng cao với điều kiện khí hậu ở nước ta, tỷ lệ nuôi sống đạt 94-99%.

    • Để đàn gà sinh trưởng phát triển tốt có tỷ lệ sống cao cần thực hiện tốt kỹ thuật úm gà con

    • Việt Nam cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… là những nước đã nuôi trồng thành công đông trùng hạ thảo.

    • Gà vảy cá được mệnh danh là “mỹ kê” đã được nhiều đại gia Việt sẵn sàng chi tiền triệu để hữu cặp gà vảy cá đẹp.

    • Cừu chính là loài vật nuôi thích hợp với những điều kiện khắc nghiệt của vùng đất Ninh Thuận.

    • Nghề nuôi chim cút đẻ hiện đang phổ biến ở rất nhiều hộ gia đình tại các địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế khá.

    • Tỉnh Phú Thọ với địa hình đa dạng: nhiều gò, đồi thấp, dải đồng bằng thuận lợi cho chăn nuôi, trong đó, có chăn nuôi gà lông màu.

    Sản phẩm doanh nghiệp