Sử dụng thức ăn cho bò thịt, dê thịt mau lớn, tiết kiệm chi phí - Chăn nuôi Việt Nam
    • Giá heo (lợn) hơi miền Bắc từ 67.000 - 69.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Hà Nội 69.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Yên Bái 68.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Lào Cai 67.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi miền Trung và Tây Nguyên từ 64.000 - 68.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Quảng Trị 64.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Nghệ An 67.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Ninh Thuận 66.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi miền Nam từ 63.000 - 67.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Đồng Nai 67.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Cần Thơ 66.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Trà Vinh 63.000 đ/kg
    •  
  • Sử dụng thức ăn cho bò thịt, dê thịt mau lớn, tiết kiệm chi phí

    [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Trong vài năm gần đây các trang trại và các hộ chăn nuôi nuôi bò thịt hoặc dê thịt đã gia tăng về số đầu con trong một lứa nuôi. Khi gia tăng về quy mô các hộ/trại nuôi bắt đầu gặp khó khăn về việc cung cấp đủ khối lượng thức ăn cho đàn bò thịt, dê thịt trong khi giá bán thấp, chi phí thức ăn ngày một tăng cao. Với các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ dưới 10 con bò thịt hoặc dưới 100 dê thịt ít gặp khó về chi phí thức ăn vì có thể tận dụng nguồn thức ăn thô xanh, tuy nhiên sẽ khó có được năng suất chăn nuôi tốt, tỷ lệ thịt xẻ không cao, vì vậy sẽ càng bị thất thu khi tính theo giá bán thịt hơi.

    Hai trại nuôi dê thịt tại tỉnh Tiền Giang, mỗi trại có sức nuôi 1.500 đến hơn 2.000 dê thịt, sử dụng chủ yếu là thức ăn hỗn hợp cùng với phụ phẩm nông nghiệp khác và một lượng rất ít cỏ tươi hàng ngày.

     

    Bài viết này sẽ cung cấp thêm thông tin để người nuôi bò thịt, dê thịt có thể sử dụng các loại nguyên liệu thức ăn sao cho hiệu quả nhất, đạt năng suất chăn nuôi cao và tiết kiệm chi phí thức ăn.

     

    Khẩu phần thức ăn thông thường cho bò thịt, dê thịt

     

    Nhóm nguyên liệu thức ăn chứa nhiều năng lượng và chất xơ (nhóm thức ăn thô)

     

    Nhóm này bao gồm các loại cỏ trồng; rơm lúa; thân cây bắp tươi hoặc sau khi thu hoạch trái; các loại phụ phẩm nông nghiệp khác như thân dây lá khoai lang sau khi thu hoạch củ; vỏ quả chanh dây từ nhà máy chế biến; vỏ, xơ mít; chuối trái không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu… Nhóm thức ăn này thường chiếm số lượng lớn trong khẩu phần ăn thông thường.

     

    Hạn chế lớn nhất của các trại nuôi bò thịt, dê thịt là thiếu diện tích đất trồng cỏ. Với một trại nuôi 200 bò thịt hoặc 3.000 dê thịt (ví dụ 15 con dê thịt có khối lượng cơ thể 35kg tương đương với 01 bò thịt nặng khoảng 500kg) mỗi ngày sẽ cần tối thiểu: (200 bò*500kg)*5% (lượng thức ăn bò, dê ăn được tương ứng với khối lượng cơ thể) = 5.000kg thức ăn cả thô lẫn tinh.

     

    Tính bình quân trong tổng lượng thức ăn này, phần thức ăn thô chiếm 50-60%, tức là lượng cỏ (nếu không có các phụ phẩm nông nghiệp khác) cần có tối thiểu là 5.000kg*50% = 2.500kg cỏ.

     

    Với cỏ voi, cứ mỗi 45 ngày có thể thu hoạch được khoảng 50kg cỏ/m2, tức là cần 500m2 đất để có đủ cỏ cho trại 200 bò thịt hoặc 3.000 dê thịt ăn trong một ngày.

     

    Tổng diện tích đất cần cho một trại sẽ là 500m2*45 ngày = 22.500m2 = 2,25 ha đất, chưa tính đến đất cho chuồng nuôi và các công trình khác.

     

    Đây là con số không tưởng đối với đa số các hộ nông dân và cả các trang trại nuôi có quy mô như kể trên. Ngay cả khi có đủ diện tích đất như vậy cũng không thể chia ô đất quá nhỏ để có thể trồng cỏ và thu cắt mỗi ngày theo đúng lứa tuổi trồng. Cắt cỏ sớm thì cỏ non không đủ sản lượng; cắt cỏ trễ ngày tuổi thì cỏ già, kém chất lượng. Và cả khi cắt cỏ sớm hay trễ quá thì ảnh hưởng đến độ tái sinh của cỏ, giảm sút lượng cỏ thu hoạch cho lứa sau.

     

    Do vậy, hướng giải quyết hợp lý nhất cho việc cung cấp thức ăn thô cho bò, dê nuôi thịt là:

     

    (1) Chủ nuôi tận dụng hết các diện tích đất có thể khai thác được để trồng loại cỏ cho năng suất sinh khối cao nhất, thường là cỏ voi, tên tiếng Anh là Elephant grass; tên khoa học Pennisetum purpureum. Khi đúng tuổi thu hoạch sẽ thu cắt hết, bón phân chăm sóc để 45 ngày sau thu hoạch tiếp. Toàn bộ cỏ thu hoạch này đem băm ngắn và ủ chua trong các hố ủ nhỏ sức chứa chừng 200kg; 500kg hay000kg, sau 35-45 ngày ủ sẽ lấy ra cho bò, dê ăn mỗi ngày. Trong lúc ủ cỏ voi, nếu có được các nguồn phụ phẩm khác như rơm lúa, thân cây bắp, vỏ quả chanh dây, các loại thực vật nhiều xơ khác đều có thể ủ chung với cỏ để có được nguồn thức ăn sẵn có đủ theo yêu cầu về khối lượng và chủ động sử dụng hàng ngày sau này (Kỹ thuật ủ chua cỏ đã được giới thiệu rộng rãi trên nhiều nguồn tài liệu khác nhau. Bạn đọc nào cần tìm hiểu cụ thể, có thể liên hệ với tác giả bài báo qua địa chỉ e-mail).

    Hình 2. Cỏ voi để quá lứa không cắt, phần thân dưới hóa xơ, cứng nên bò, dê không nhai được

     

    (2) Sau khi tính toán xác định được lượng thức ăn thô, nhiều nước có thể có cho bò, dê rồi thì sẽ tính đến số lượng các thức ăn thô nhưng khô (độ ẩm dưới 14%) khác có thể dự trữ lâu dài và giá hợp lý. Các loại thức ăn thô, khô này có thể kể đến như rơm lúa (khó dùng cho dê), bã khoai mì (bã sắn), vỏ đậu xanh. Cần lưu ý để mua và dự trữ các nguyên liệu này vào thời điểm và với số lượng hợp lý. Nhìn chung ở cả hai miền Nam-Bắc trong thời gian từ tháng 12 đến tháng 5 năm sau sẽ dễ mua được nhiều rơm, bã khoai mì có chất lượng tốt vì lúc này là mùa khô, độ ẩm khá thấp, tiện cho dự trữ cho những tháng mùa mưa tiếp đó.

     

    Ngoài rơm, bã khoai mì, tùy theo từng địa phương có các nguồn phụ phẩm nông nghiệp khác nhau đều có thể tận dụng hàng ngày hoặc ủ chua để dùng cho bò, dê, giúp giảm bớt phụ thuộc vào nguồn cỏ vốn khá hiếm hoi do hạn chế về đất trồng và cả do thời tiết.

     

    Nhóm nguyên liệu thức ăn cung đạm

     

    Loại nguyên liệu cung đạm phổ biến nhất dùng trong thức ăn chăn nuôi trên toàn thế giới là khô dầu đậu nành (đậu tương) nhưng hạn chế là giá cao. Một thuận lợi là bò, dê là thú nhai lại, trong phần dạ cỏ của dạ dày 4 túi có hệ thống các vi sinh vật vừa giúp tiêu hóa các thức ăn thô nhiều xơ mà cũng giúp cho bò, dê có thể dùng urê và các nguồn chứa nhiều nitơ khác làm nguồn cung protein giá rẻ (tính theo hàm lượng protein). Tuy nhiên, urê có hạn chế là chỉ chứa nitơ chứ không có giá trị năng lượng nên người dùng cần tính toán số lượng sử dụng đúng mức, tránh gây ngộ độc, có thể làm chết bò, dê.

     

    Hiện nay, ở Việt Nam có một nguồn nguyên liệu cung đạm giá rẻ cho bò, dê có tên chung là các loại đạm đơn bào. Điển hình cho nhóm này có thể kể đến như nguyên liệu có tên thương mại là Procell Plus (dạng bột, 65% đạm) hay FML (dạng lỏng, 25% đạm). Hai nguyên liệu này đều có mức giá khá thấp tính trên hàm lượng đạm, đây là đạm thật chứ không phải đạm ảo như ở urê nên khi sử dụng không lo khả năng bò bị ngộ độc. Ngoài ra, tùy theo giá cả từng thời điểm, từng khu vực mà người chăn nuôi có thể dùng thêm một số loại phụ phẩm cung đạm với giá vừa phải như corn gluten (đạm bắp – 60% đạm); DDGS (còn được gọi là là “bắp lên men” vì đây là loại bắp đã được cho lên men sản xuất cồn sinh học; hàm lượng đạm 24-27%). Hoàn toàn không cần thiết phụ thuộc vào các nguyên liệu cung đạm truyền thống như khô dầu đậu nành. Nơi gần các xưởng chế biến thực phẩm, đồ uống có thể dùng các loại bã hèm rượu, bã bia hay bã đậu nành tươi rất tốt nhưng vì các loại bã này là dạng tươi, nhiều nước nên chỉ có thể lấy về và dùng ngay cho bò, dê trong 1-2 ngày chứ không thể dự trữ lâu.

     

    Ngoài các loại nguyên liệu cung đạm này, cần phải cung cấp thêm một acid amin có tên gọi methionin dạng đặc biệt – gọi là “methionin by-pass” để bò, dê có đủ các acid amin giúp cho sự tổng hợp protein, qua đó tạo thịt nạc và đầy đủ các mô bào cần thiết cho sự tăng trưởng, lớn nhanh, rút ngắn thời gian nuôi. Thị trường đã có bán loại methionin by-pass này với tên thương mại là Mepron, chỉ cần dùng với liều khoảng 6g/bò/ngày hoặc 1-2g/dê/ngày là giúp cải thiện đáng kể đến sức tăng trưởng và tạo thịt của bò hoặc dê.

     

    Nhóm nguyên liệu cung khoáng, vitamin và thức ăn bổ sung

     

    Nếu người nuôi có thể phối trộn nhóm các nguyên liệu nhiều xơ và nhóm nguyên liệu cung đạm đầy đủ về lượng và chất thì vẫn sẽ cần bổ sung thêm một ít các nguyên tố khoáng đa lượng calci, magnesium, natri và các chất khoáng vi lượng (sắt, đồng, kẽm, mangan, iod, selen, cobalt).  Phần chất khoáng được cung cấp trong các loại premix sản xuất riêng cho bò (dê có thể dùng chung các loại premix này).

     

    Lưu ý: không nên lấy loại premix sản xuất cho heo thịt đem dùng cho bò vì trong các loại premix cho heo, có khi cả cho gà, vịt thường có chứa hàm lượng đồng khá cao; ở mức tuy phù hợp cho heo, gà nhưng lại gây độc với bò, dê và các thú ăn cỏ khác.

     

    Cũng có thể cung cấp các khoáng vi lượng cho bò, dê bằng cách dùng những khối đá liếm, treo rải rác trong chuồng nuôi. Khi nào bò, dê có nhu cầu sẽ tự biết đến liếm để nhận các khoáng vi lượng này. Nếu hàng ngày bò, dê ăn khẩu phần có chứa ít nhất 1/3 khối lượng là cỏ, lá xanh thì không cần bổ sung vitamin cho bò.

     

    Về thức ăn bổ sung, chỉ cần một loại chế phẩm bổ sung có thành phần hoạt chất là các loại poly-phenols hay còn được gọi là tannin, ví dụ như sản phẩm có tên gọi Silvafeed, liều dùng 5g/bò/ngày hoặc 1g/dê/ngày giúp kiểm soát hệ vi sinh vật trong dạ cỏ theo hướng tăng hiệu quả sử dụng các dưỡng chất trong thức ăn giành cho bò, dê thay vì bị tiêu tốn nhiều cho nhóm vi sinh vật này.

     

    Với hộ/trại chăn nuôi không có điều kiện mua các loại premix, chất bổ sung phù hợp, khó khăn trong việc tìm kiếm các nguyên liệu thức ăn cung đạm có thể mua thức ăn hỗn hợp trộn sẵn từ các nhà máy thức ăn cho ăn kèm với các nguyên liệu thức ăn thô. Nguyên tắc chung là tỷ lệ thức ăn hỗn hợp hoặc các thức ăn trong nhóm cung đạm càng cao so với nhóm thức ăn thô khi bò, dê càng lớn dần (tỷ lệ này thông thường là 40/60 ở đầu giai đoạn nuôi thịt và tăng dần đến 70/30 thường ở tháng nuôi cuối trước khi xuất bán, áp dụng cho cả bò thịt và dê thịt).

     

    Khẩu phần ăn cho bò, dê thịt có thể được cung cấp đơn giản theo tỷ lệ thay đổi trong từng giai đoạn nuôi tính theo khối lượng cơ thể như trong bảng sau:

     

    Loại nguyên liệu thức ăn

    Bò nuôi thịt

    Dê thịt

    Dưới 250kg

    250-350kg

    350-500kg

    Trên 500kg

    7-20kg

    Trên 20kg

    Thức ăn thô xanh

    90-100%

    70%

    55%

    30-40%

    60%

    50%

    Thức ăn tinh hoặc thức ăn hỗn hợp

    0-10%

    30% + Mepron

    45% + Mepron

    60-70% + Mepron

    40% + Mepron

    50% + Mepron

    Chất khoáng + TĂ bổ sung khác

    Muối ăn, 0,2g/con/ngày

    Premix khoáng + muối + Silvafeed

    Premix khoáng + muối + Silvafeed

    Premix khoáng + muối + Silvafeed

    Premix khoáng + muối + Silvafeed

    Premix khoáng + muối + Silvafeed

    Ghi chú: Nếu dùng thức ăn hỗn hợp thì không cần trộn thêm muối ăn, premix khoáng; nếu trộn thêm Mepron và Silvafeed có thể giúp bò, dê lớn nhanh, đạt tỷ lệ thịt xẻ tốt hơn

     

    Lưu ý: ở dê thịt hay xuất hiện tình trạng bị bí tiểu do dê bị sạn thận. Tình trạng bí tiểu hay xuất hiện ở dê đực thiến hơn là dê cái hoặc dê đực không thiến. Nguyên nhân gây sạn thận dẫn đến bí tiểu là sự mất cân đối các chất khoáng trong thức ăn, nhất là calci và phospho. Nếu đang sử dụng thức ăn hỗn hợp thì nên tìm loại phù hợp hơn để sử dụng. Nếu đang tự trộn tất cả các nguyên liệu thức ăn, người nuôi nên tham khảo thêm các chuyên gia dinh dưỡng để có giải pháp phù hợp.

     

    Với bò thịt giống tốt, khi cho ăn phù hợp có thể đạt mức tăng trọng bình quân 1,3kg/con/ngày trong giai đoạn từ 300kg trở lên; và dê thì có thể đạt mức tăng trọng bình quân 0,2-0,3kg/con/ngày từ khi bắt đầu nuôi thịt (khoảng 7-10kg) cho đến khi xuất bán (khoảng 35-40kg/con). Người nuôi có thể dựa vào mức tăng trọng kỳ vọng này, đối chiếu với giá bán theo thời giá tính trên 1kg khối lượng cơ thể sống (kg hơi) và ước lượng thêm các chi phí chăn nuôi khác để quyết định mức độ đầu tư chi phí thức ăn cho bò, dê theo từng ngày sao để đạt hiệu quả chăn nuôi lẫn hiệu quả về tài chính như mong đợi.

     

    TS. Dương Duy Đồng

    e-mail: [email protected]

    Để lại comment của bạn

    Bình luận mới nhất

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Theo UBND xã Minh Châu – Ba Vì – Hà Nội, xác định lợi thế về đất đai, khí hậu nên những năm qua đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp là chính, trong đó xã tập trung đến phát triển chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt. […]

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Trong bối cảnh bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại TP Hồ Chí Minh, thành phố càng nỗ lực thực hiện các biện pháp kiểm soát chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ gắt gao. Hơn nữa, khảo sát một đêm tại thị trường […]

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Anh Trần Văn Toản, ở khu vực Bình Yên B, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ là người đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long mở trang trại nuôi chim công rất thành công mà cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.   1/ […]

    • Giống chim này có khả năng thích ứng cao với điều kiện khí hậu ở nước ta, tỷ lệ nuôi sống đạt 94-99%.

    • Để đàn gà sinh trưởng phát triển tốt có tỷ lệ sống cao cần thực hiện tốt kỹ thuật úm gà con

    • Việt Nam cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… là những nước đã nuôi trồng thành công đông trùng hạ thảo.

    • Gà vảy cá được mệnh danh là “mỹ kê” đã được nhiều đại gia Việt sẵn sàng chi tiền triệu để hữu cặp gà vảy cá đẹp.

    • Cừu chính là loài vật nuôi thích hợp với những điều kiện khắc nghiệt của vùng đất Ninh Thuận.

    • Nghề nuôi chim cút đẻ hiện đang phổ biến ở rất nhiều hộ gia đình tại các địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế khá.

    • Tỉnh Phú Thọ với địa hình đa dạng: nhiều gò, đồi thấp, dải đồng bằng thuận lợi cho chăn nuôi, trong đó, có chăn nuôi gà lông màu.