Thí nghiệm đánh giá việc bổ sung chế phẩm Tributyrin (TB) vào thức ăn hoặc nước uống cho lợn con sau cai sữa, để xác định ảnh hưởng đến sinh trưởng, tỷ lệ tiêu chảy và nhiễm vi khuẩn E.coli trong đường tiêu hóa của lợn. Thí nghiệm được bố trí theo thể thức khối hoàn toàn ngẫu nhiên trên 90 lợn con sau cai sữa ở 26-28 ngày tuổi (7,3±1,5 kg/con), với 3 nghiệm thức (NT) và 3 lần lặp lại, mỗi lần lặp lại là 1 ô chuồng (10 con/ô), thí nghiệm kéo dài 6 tuần. Nghiệm thức đối chứng (ĐC) là thức ăn hỗn hợp (TAHH) không bổ sung thêm chế phẩm TB vào thức ăn hoặc nước uống; các NT còn lại được bổ sung chế phẩm TB vào thức ăn hỗn hợp (TBTA) với liều 1,0 g/kg TAHH, hoặc nước uống (TBN) liều 0,5 g/l. Kết quả về tăng khối lượng (TKL) bình quân của lợn được bổ sung chế phẩm TB vào nước uống (430,3 g/con/ngày) cao hơn khi bổ sung vào thức ăn (416,3 g/con/ngày), cả 2 NT có bổ sung đều cao hơn lợn ở ĐC (395,7 g/con/ngày); Tiêu tốn thức ăn (TTTA) của lợn có bổ sung chế phẩm vào nước uống có khuynh hướng tiêu thụ thức ăn cao hơn lợn ở 2 NT còn lại, tuy sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê; Điều này dẫn đến hệ số chuyển hóa thức ăn (FCR) của lợn ở TBN (2,04 kg TA/kg TKL) cao hơn ĐC (2,17 kg TA/kg TKL). Về tỷ lệ và mức độ tiêu chảy của lợn ở NT có bổ sung TB vào nước (5,34% và 0,10) và thức ăn (5,41% và 0,10) đều thấp hơn lơn ở ĐC (6,62% và 0,14). Tỷ lệ nhiễm vi khuẩn E.coli trong phân lợn được bổ sung chế phẩm vào nước uống (1,50 x106 CFU/g phân) và thức ăn (1,55 x106 CFU/g phân) đều thấp hơn lợn không có bổ sung (1,79 x106 CFU/g phân). Nhìn chung khi bổ sung chế phẩm tributyrin vào thức ăn hoặc nước uống có khuynh hướng cải thiện tăng khối lượng, hệ số chuyển hóa thức ăn, đồng thời giảm tỷ lệ tiêu chảy và tỷ lệ nhiễm E.coli ở lợn con sau cai sữa. Bổ sung vào nước uống bước đầu có hiệu quả tốt hơn bổ sung vào thức ăn.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Chăn nuôi lợn hiện đang dần hồi phục nhanh chóng tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long sau gần 1 năm từ khi xảy ra dịch bệnh Dịch tả lợn Châu phi vào năm 2019. Tuy nhiên, trong tình hình thời tiết khí hậu biến đổi thất thường, tình hình dịch bệnh vẫn đang rải rác một số nơi, nên người chăn nuôi đang rất lúng túng trong việc thực hiện việc nuôi dưỡng như thế nào để có hiệu quả. Có nhiều khuyến cáo cho rằng bên cạnh việc thực hiện chăn nuôi lợn theo quy trình an toàn sinh học, thì vấn đề sử dụng các chất hỗ trợ bổ sung vào thức ăn và nước uống là rất cần thiết, với mục đích tăng sức đề kháng và hạn chế xảy ra bệnh. Một số các chất hỗ trợ có nguồn gốc là axit hữu cơ được bổ sung chủ yếu để tạo môi trường đường ruột không thích hợp cho mầm bệnh phát triển, hạn chế bệnh trên lợn nhất là lợn con sau cai sữa. Hầu hết người chăn nuôi lợn thường cho lợn ăn thức ăn hỗn hợp được sản xuất từ các công ty thức ăn chăn nuôi, mà từ năm 2020 thì việc sử dụng kháng sinh trộn vào thức ăn hỗn hợp như chất kích thích hay ngừa bệnh không còn được phép sử dụng nữa, nên vấn đề sử dụng chất thay thế đang được người nuôi cân nhắc, và một số các chế phẩm có nguồn gốc là axit hữu cơ được cân nhắc sử dụng để thay thế kháng sinh. Bởi vì, lợn con sau cai sữa thường rất dễ bị tiêu chảy và nhiễm một số bệnh khác do sức đề kháng suy giảm, dẫn đến tỷ lệ chết cao và cũng ảnh hưởng đến sinh trưởng khá nhiều. Chế phẩm tributyrin, là tiền dược chất của axit butyric đã được nghiên cứu bổ sung cho gà, nhưng chưa sử dụng cho heo. Loại axit này có lợi cho sức khỏe đường ruột và năng suất sinh trưởng, đặc biệt được biết là ở động vật non (Wang và ctv, 2019). Tributyrin là sản phẩm đang được một số công ty thức ăn gia súc thử nghiệm trên heo và gà. Do đó, mục đích của nghiên cứu này là sử dụng chế phẩm Tributyrin bổ sung vào nước uống hoặc vào thức ăn với mục đích có thể hạn chế tiêu chảy trên lợn con, cải thiện sức khỏe của lợn con sau cai sữa để có cơ sở khuyến cáo đến người chăn nuôi lợn.
2. VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Chuồng trại và thức ăn thí nghiệm
Thí nghiệm (TN) được thực hiện tại Trại Chăn nuôi lợn ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Chuồng lợn là chuồng hở lợp bằng tôn, nền xi măng, có hệ thống phủ bạt hai bên vách có thể kéo lên xuống bằng hệ thống ròng rọc. Ở đầu dãy chuồng có hệ thống phun nước làm mát, cuối dãy chuồng có 4 quạt hút nhằm tạo sự thông thoáng trong chuồng nuôi. Lợn con sau cai sữa được nuôi trên chuồng sàn cao 45cm với 9 ô chuồng, mỗi ô 10 con. Mỗi ô chuồng có một máng ăn cố định và một núm uống cố định. Chế phẩm Tributyrin được cung cấp từ công ty TNHH TM SX Menon, là hỗn hợp dạng bột màu trắng, có thành phần chính là axit butyric. Chế phẩm được trộn vào TA với liều lượng 1g/kg TA và pha vào nước uống với liều 0,5 g/lit nước liên tục suốt 6 tuần nuôi, không sử dụng kháng sinh để phòng ngừa bệnh trong suốt thời gian TN. Thức ăn nuôi heo ở trại bao gồm TAHH dành cho heo con tập ăn. Thành phần hóa học của khẩu phần TA có DM 89,7; EE 4,61; CP 20,0; CF 5,0; NFE 62,4; Ca 1,02 và P 0,42%; ME 3.300 Kcal/kg TA.
2.2. Động vật thí nghiệm
Tổng số 18 lợn nái lai YL ở lứa đẻ 3-4 có ngày đẻ trong khoảng thời gian gần nhau (1 tuần) được chọn để lựa lợn con làm TN. Tất cả 90 con được chọn đều là lợn đực và được thiến ở 14 ngày tuổi, được chia làm 3 nhóm với khối lượng tương đối đồng đều, mỗi nhóm là 1 khối bao gồm 3 NT. Trước khi cai sữa, lợn con được tập ăn thích nghi với thức ăn TN 5 ngày.
Lợn được cai sữa và bắt đầu TN ở 26-28 ngày tuổi, có khối lượng (KL) là 7,3±1,5 kg/con. Trước khi vào TN, lợn được tiêm phòng đầy đủ các bệnh dịch tả, tai xanh (PRRS), LMLM.
Số liệu được thu thập trong thời gian 6 tuần sau khi cai sữa. Tất cả lợn được chăm sóc và nuôi dưỡng theo quy trình chăm sóc và nuôi dưỡng của trại. Tuần đầu, lợn được cho ăn với lượng TA hạn chế và cho ăn 6 lần/ngày, các tuần tiếp theo tăng dần lượng thức ăn lên và cho ăn tự do 4 lần/ngày. Nước uống luôn được cung cấp đầy đủ trong suốt quá trình TN, 3 ô chuồng lợn trong nghiệm thức (NT) pha chế phẩm vào nước uống được chuẩn bị bồn nước riêng để pha chế phẩm. Lợn được cân lúc đầu TN, mỗi tuần nuôi và cuối TN lúc 10 tuần tuổi vào lúc sáng sớm trước khi cho ăn.
2.3. Bố trí thí nghiệm
Thí nghiệm được bố trí theo thể thức khối hoàn toàn ngẫu nhiên với 3 NT là sự khác nhau giữa đường bổ sung chế phẩm Tributyrin cho lợn con sau cai sữa. Mỗi NT được lặp lại 3 lần, mỗi lần lặp lại là 1 ô chuồng (10 con/ô).
Các NT như sau:
NT1 (ĐC): TAHH không bổ sung Tributyrin
NT2 (TBTA): TAHH + chế phẩm Tributyrin (1,0g/kg TA) trộn vào thức ăn
NT3 (TBN): TAHH nước uống có pha Tributyrin (0,5g/lit nước)
2.4. Các chỉ tiêu theo dõi
Các chỉ tiêu về sinh trưởng: Lợn được cân hàng tuần, cân thức ăn ăn vào và thừa hàng ngày để tính tăng khối lượng (TKL), tiêu tốn thức ăn (TTTA), hệ số chuyển hóa thức ăn (FCR).
Tỷ lệ tiêu chảy: Chỉ tiêu về tỷ lệ tiêu chảy và mức độ tiêu chảy được ghi nhận theo phương pháp của (Cupere và ctv, 1992). Lợn bị tiêu chảy được ghi nhận theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 là 3 tuần đầu thí nghiệm (1-3 tuần), giai đoạn 2 là 3 tuần cuối thí nghiệm (4-6 tuần) sau khi cai sữa. Mỗi ngày ghi nhận số con lợn tiêu chảy, đánh dấu lợn đó (hôm sau không đếm lại), xem thời gian hết tiêu chảy của lợn đó, kết thúc thí nghiệm tổng hợp các lượt bị tiêu chảy để tính tỷ lệ tiêu chảy. Tỷ lệ tiêu chảy/ngày (%) = Số con lợn bị tiêu chảy/Số ngày nuôi x tổng số lợn) x100.
Mức độ tiêu chảy: Những lợn tiêu chảy được xếp cấp độ theo thang mức độ 0-3, trong đó 0 tương ứng với tình trạng phân khô (bình thường); 1: nhão; 2: lỏng và 3: chảy nước. Ghi nhận mức độ tiêu chảy được thực hiện hai lần mỗi ngày từ 2 người, mức độ tiêu chảy được tính bằng tổng điểm số mức độ tiêu chảy trong giai đoạn chia cho số ngày trong giai đoạn (Cupere và ctv, 1992).
Mật độ E.coli (CFU/g) trong phân: Phân lợn được lấy mẫu trực tiếp ngay sau khi lợn đi phân ở tuần 3 và 6 của TN để đếm khuẩn lạc theo phương pháp của Trần Linh Thước (2006). Mẫu được đồng nhất hoá cấy một lượng nhất định lên môi trường thạch chọn lọc thích hợp chứa lactose, ủ ở 440C trong 24 giờ, đếm các khuẩn lạc có hình dạng đặc trưng của Coliforms. Khẳng định các khuẩn lạc đã đếm là E.coli bằng thử nghiệm IMViC. Cách tính kết quả theo công thức của Trần Linh Thước (2006) như sau: CFU/g=N/(n1vf1+…+ nivfi)*R. Trong đó, n: tổng số khuẩn lạc đếm được trên đĩa; f1: độ pha loãng của bậc n1; n1: số đĩa nuôi cấy ở độ pha loãng đầu; n2, n3 : số đĩa nuôi cấy ở các độ pha loãng tiếp theo; v: thể tích dung dịch pha loãng đem nuôi cấy; và R: tỷ lệ khẳng định.
2.5. Phân tích hóa học
Hàm lượng dưỡng chất của thức ăn như: Vật chất khô (DM), đạm thô (CP), béo thô (EE), tro (Ash), Ca và P được phân tích theo qui trình chuẩn của AOAC (1990).
2.6. Xử lý số liệu
Số liệu thu thập được xứ lý sơ bộ trên phần mềm Excel 2003, sau đó tiến hành phân tích phương sai sử dụng mô hình hồi qui tuyến tính tổng quát (Minitab 16) theo mô hình phân tích thống kê: Yijk = μ + αi + βj + €ijk. Trong đó: Yijk là giá trị cá thể quan sát, μ là trung bình tổng thể, αi là ảnh hưởng của nghiệm thức, βj là ảnh hưởng của khối, €ijk là sai số ngẫu nhiên.
3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
3.1. Tăng khối lượng của lợn thí nghiệm
Kết quả trong bảng 1 cho thấy KL của heo ở NT có bổ sung tributyrin vào nước uống cao hơn lợn được bổ sung vào thức ăn và đối chứng. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Stefania và ctv (2020) đã cho rằng lợn con 28-40 ngày tuổi được bổ sung Tributyrin vào khẩu phần cải thiện được tăng khối lượng (TKL). Nhiều nghiên cứu cho rằng việc sử dụng Tributyrin có tác động tích cực đến năng suất của lợn bằng cách tác động đến chức năng đường ruột và sức khỏe đường ruột của lợn (Li và ctv, 2016). Điều này càng cho thấy rằng trong khẩu phần tối ưu thì phụ gia thức ăn như các axit hữu cơ ngày càng được coi là sản phẩm thay thế cho các kháng sinh, mặc dù tác dụng kháng khuẩn của chúng có lẽ không phải là cơ chế hoạt động duy nhất trong khẩu phần ăn bình thường mà chúng có thể hoạt động như chất điều chỉnh cân bằng hệ vi sinh vật (Suiryanrayna và Ramana, 2015). Hơn nữa, axit butyric có tác dụng làm tăng sinh tế bào biểu mô, tăng độ dài của các nhung mao đường ruột của lợn và làm thay đổi hình thái của ruột (Stefania và ctv, 2020), điều này giúp cho quá trình hấp thu dinh dưỡng tốt hơn. Axít butyric cũng làm tăng sự tiết ra của enzyme tuyến tụy, đồng thời là nguồn năng lượng chính cho các tế bào biểu mô của ruột già (Suiryanrayna và Ramana, 2015), có thể dẫn đến cải thiện được TKL và FCR.
Hơn nữa, trong số các axít béo chuỗi ngắn, axit butyric có những tính chất đặc biệt như cải thiện sức khỏe đường ruột mạnh mẽ, là nhiên liệu ưa thích cho các tế bào ruột ở kết tràng, kích thích tiết enzyme và ổn định hệ vi khuẩn ruột, dẫn đến khả năng tiêu hóa chất dinh dưỡng hiệu quả hơn và khả năng đề kháng sự xâm nhiễm tốt hơn. Tác dụng được biết đến nhiều nhất của axit butyric là kích thích sự tăng sinh và biệt hóa tế bào biểu mô, nó cũng có ảnh hưởng có lợi đối với chức năng rào cản của kết tràng (Li và ctv, 2016). Bởi vì lợn con sau cai sữa thường bị stress và giảm lượng ăn vào, ít hoặc không tăng cân, đây là giai đoạn khủng hoảng sau cai sữa, là do tiêu hóa và khả năng hấp thụ hạn chế do không sản xuất đủ axit hydrochloric, men tụy và cả những thay đổi đột ngột về thức ăn và lượng ăn. Do đó việc bổ sung tributyrin để làm giảm pH đường ruột của lợn đã được phát hiện có thể khắc phục những vấn đề này. Bởi vì hoạt động chính của các axit hữu cơ là làm giảm pH dạ dày chuyển đổi pepsinogen chưa hoạt hóa thành pepsin hoạt hóa cho quá trình thủy phân protein có hiệu quả, và bởi vì axit hữu cơ vừa có tính kìm khuẩn vừa có tính diệt khuẩn.
3.2. Tiêu thụ thức ăn và hệ số chuyển hóa thức ăn
Khi bổ sung chế phẩm vào nước uống, lợn có khuynh hướng tiêu thụ thức ăn cao hơn so với bổ sung vào thức ăn và không bổ sung, mặc dù không chênh lệch nhiều nhưng cũng cho thấy chế phẩm tributyrin khi được lợn tiêu thụ cũng có tác dụng kích thích lợn ăn nhiều hơn và thèm ăn hơn, điều này cho thấy axít hữu cơ cũng cải thiện tổng tiêu hoá rõ rệt và cải thiện hiệu suất tăng trưởng (Lan và Kim, 2018). Kết quả ở bảng cho thấy rằng khi bổ sung vào nước uống có thể lợn tiếp nhận hiệu quả hơn, do khí hậu nóng lợn sẽ uống nước nhiều cũng như chế phẩm tributyrin được hòa tan tốt và được tiếp nhận tốt hơn trong đường ruột lợn con. Lượng thức ăn tiêu thụ cao hơn dẫn đến lợn tăng khối lượng tốt hơn ở NT bổ sung chế phẩm vào nước uống so với đối chứng, dẫn đến cải thiện được hệ số chuyển hóa thức ăn. Điều này cũng phù hợp với nghiên cứu của Wang và ctv (2019), việc sử dụng axit butyric trong nước uống hoặc thức ăn có tác dụng duy trì sự cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột, ngăn ngừa rối loạn tiêu hoá, tăng cường năng lực miễn dịch ruột, kích thích sinh trưởng, tăng hiệu quả chuyển hoá thức ăn.
3.3. Tỷ lệ tiêu chảy và mức độ tiêu chảy
Hơn nữa, lợn con ở giai đoạn sau cai sữa thường bị tiêu chảy, thông thường do chủng E.coli gây bệnh đường ruột. Trong thí nghiệm này, tỷ lệ và mức độ tiêu chảy của lợn ở nghiệm thức đối chứng là chỉ cho ăn TAHH không bổ sung thêm chế phẩm tributyrin thì cho tỷ lệ tiêu chảy cao hơn lợn được ăn khẩu phần có bổ sung thêm chế phẩm vào nước uống hoặc thức ăn. Đứng trên góc độ dinh dưỡng thì chế phẩm này chủ yếu là axit butyric không có chức năng dinh dưỡng trong bộ máy tiêu hóa gia súc mà nó có chức năng như một thức ăn không cung cấp năng lượng, giảm pH đường ruột, tạo môi trường pH bất lợi cho các chủng vi khuẩn gây bệnh phát triển. Nhờ đó mà bệnh tiêu chảy lợn con cũng như các bệnh nhiễm trùng đường ruột khác được phòng chống một cách hiệu quả (Zhang và ctv, 2020). Bởi vì, tiêu chảy sau cai sữa vẫn là vấn đề quan trọng đối với các nhà sản xuất lợn con, nó gây ra những tổn thương cho động vật và có thể có những tác động tiêu cực đến lợi nhuận do năng suất thấp và hệ số chuyển đổi thức ăn cao hơn.
3.4. Mật độ E.coli trong phân lợn thí nghiệm
Số liệu trong Bảng 3 cho thấy khi bổ sung chế phẩm Tributyrin vào nước uống hoặc thức ăn đều giảm mật độ nhiễm vi khuẩn E.coli so với ĐC. Các chủng E.coli gây độc là nguyên nhân chính gây tiêu chảy sau cai sữa và điều đó là hiển nhiên, ảnh hưởng lên ruột có thể được khắc phục bằng các khẩu phần thức ăn tối ưu. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu này cho thấy, lợn được bổ sung chế phẩm Tributyrin vào nước uống và thức ăn giảm tỷ lệ tiêu chảy do giảm bị nhiễm vi khuẩn E.coli so với ĐC hiệu quả hơn. Điều này cho thấy bổ sung axit hữu cơ đã làm giảm pH đường ruột xuống thấp đã ức chế sự phát triển vi khuẩn có hại, duy trì cân bằng vi khuẩn đường ruột, đồng thời kích thích tiết ra các enzyme giúp quá trình tiêu hóa hấp thu tốt hơn. Do vi khuẩn đường ruột thường hoạt động ở môi trường pH cao như E.coli có pH thích hợp ở 4,3; trong khi đó, các vi sinh vật có lợi hoạt động ở môi trường pH thấp pH<3,5 (Thaela và ctv, 1998). Vì thế, việc bổ sung axít hữu cơ vào khẩu phần thức ăn hoặc nước uống sẽ hạ thấp pH xuống dưới 3,5 làm hạn chế sự hoạt động của những vi khuẩn có hại và tăng cường sự hoạt động của các vi khuẩn có lợi. Nghiên cứu của Boas và ctv (2016) cũng cho thấy khi bổ sung axít hữu cơ vào khẩu phần thì giảm tỷ lệ bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy, do đã có tác dụng làm giảm mật độ vi khuẩn có hại đặc biệt là vi khuẩn E.coli, do đó dẫn đến tỷ lệ chết giảm so với ĐC. Ngoài tác dụng của axit béo lên hệ vi khuẩn đường ruột và sức khỏe đường ruột, chúng còn là cơ chất cho sự trao đổi chất trung gian ở lợn con (Zhang và ctv, 2020).
Giảm độ pH bên trong tế bào vi khuẩn làm phá hủy không đảo ngược các enzym quan trọng của vi khuẩn, có thể dẫn đến ức chế sự tăng trưởng hoặc gây chết vi khuẩn (Wang và ctv, 2019). Bình thường, chúng ta muốn axít hữu cơ sẽ hoạt động trong ruột non, như vậy nó cần phải được bảo toàn khi qua dạ dày vì dạ dày có pH rất thấp khoảng 2, với những con non thì pH dạ dày có cao hơn là 4, do đó cần phải hiểu rõ cơ chế để sử dụng axít hữu cơ từng loại cho đúng mục đích.
4. KẾT LUẬN
Bổ sung chế phẩm Tributyrin vào nước uống và thức ăn của lợn con sau cai sữa đều cải thiện TKL và FCR, giảm được tỷ lệ cũng như mức độ tiêu chảy trên lợn và giảm mật độ E.coli trong phân. Bổ sung vào nước uống cho kết quả tốt hơn bổ sung vào thức ăn.
Nguyễn Thị Thuỷ
Trường Đại học Cần Thơ
- chăn nuôi lợn li>
- Tributyrin li> ul>
- Cách chăm sóc lợn đực con sau khi triệt sản
- Hình ảnh siêu quang phổ có thể phát hiện độc tố nấm mốc trong thức ăn gia cầm
- L-Histidine cải thiện chất lượng thịt, giảm rỉ dịch, cho màu thịt đẹp
- Cân bằng điện giải trong thức ăn gia cầm trong thời kỳ chuyển mùa
- Ảnh hưởng của các mức selenomethionine đến chất lượng thịt và sự tích luỹ selen trong mô
- Khả năng tiêu hoá tinh bột ở động vật và lợi ích của amylase
- Bệnh xuất huyết thỏ (Rabbit haemorrhagic disease – RHD)
- Ảnh hưởng của nguồn cung cấp natri không chứa clo
- Đa dạng sản phẩm chế biến từ gà Tiên Yên
- Dinh dưỡng gà thịt bền vững và mẹo xây dựng công thức
Tin mới nhất
T6,03/01/2025
- “Thủ phủ” hươu sao Hà Tĩnh ước thu hơn 200 tỷ đồng từ nhung hươu dịp tết
- Cách chăm sóc lợn đực con sau khi triệt sản
- Tiêu thụ thịt lợn ở Achentina năm 2024 đạt mức cao kỷ lục
- Ngành thú y kiểm soát tốt dịch bệnh giúp chăn nuôi tăng trưởng 5,2 – 5,5%
- Hình ảnh siêu quang phổ có thể phát hiện độc tố nấm mốc trong thức ăn gia cầm
- Bình Định: An Lão phát triển chăn nuôi trâu, bò
- Lâm Đồng: 100% cơ sở trang trại chăn nuôi quy mô lớn an toàn sinh học
- Một số kết quả chính của ngành chăn nuôi năm 2024
- Giá sản phẩm chăn nuôi (giá tại trại) cả nước ngày 31/12/2024
- SHG: Khánh thành trại chăn nuôi lợn công nghệ an toàn sinh học 183 tỷ đồng
- Biogénesis Bagó: Tăng tốc tại thị trường châu Á thông qua việc thiết lập văn phòng khu vực tại Việt Nam
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
- Các quy trình ngoại khoa trên heo con và những vấn đề cần lưu ý
- Bệnh Dịch tả heo châu Phi: Làm tốt An toàn sinh học đến đâu, rủi ro bệnh càng thấp tới đó!
- Quy trình xử lí chuồng trại sau khi bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
Bình luận mới nhất