Gà bản Đầm Hà được Quảng Ninh phục tráng thành công nhờ những con người dám nghĩ, dám làm, với ý tưởng bảo tồn, phát huy giá trị giống gà gắn bó với tuổi thơ.
Hành trình khôi phục giống gà “khoác áo hoa” tuổi thơ
Tờ mờ sáng, anh Nguyễn Văn Tuyền, Giám đốc HTX Tuyền Hiền (huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh), đã tất bật chuẩn bị những lô hàng gà giống để giao cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện.
Trước đây, anh Tuyền theo học cao đẳng ngành đóng tàu ở Hải Phòng. Khi ra trường, anh Tuyền cảm thấy công việc không phù hợp nên nghỉ việc và đi làm thuê.
Còn chị Hiền khi ấy đang làm kế toán cho một doanh nghiệp. Thu nhập của hai vợ chồng cũng chỉ đủ sinh hoạt hàng ngày. Sau khi có con, thu nhập của hai vợ chồng càng không đủ để trang trải cho cuộc sống.
Khi đó, chàng thanh niên trẻ tuổi luôn trăn trở phải làm sao để phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương? Phải làm thế nào để tận dụng và phát huy những lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế.
Anh Nguyễn Văn Tuyền, Giám đốc HTX Tuyền Hiền, người tiên phong phục tráng giống gà bản Đầm Hà. Ảnh: Nguyễn Thành.
Lau vội những giọt mồ hôi đang túa ra trên trán, anh Tuyền bồi hồi nhớ lại khoảng thời gian khó khăn gần 10 năm về trước, khi anh cùng vợ là chị Nguyễn Thị Thu Hiền bôn ba khắp các thôn bản để tìm những con gà giống bản địa.
“Để có thể tìm những con gà bản Đầm Hà bố mẹ đạt chuẩn, vợ chồng tôi phải lặn lội lên tận các xã vùng cao của huyện Đầm Hà, thậm chí vào tận các bản của bà con đồng bào dân tộc thiểu số để thu gom”, anh Tuyền kể.
Tuy nhiên, việc lựa chọn các gà bố mẹ cũng đầy gian nan, gà phải đạt các tiêu chí đặc trưng như bộ lông đốm hoa sặc sỡ, da vàng, chân vàng, gà mái vừa có râu, vừa có mũ.
“Những năm trước đây, rất khó tìm mua gà bản Đầm Hà, bởi bà con chỉ chăn nuôi manh mún. Nhiều hộ đã từ chối bán gà bố mẹ vì họ còn để sinh sản”, anh Tuyền cho biết.
Gà bản Đầm Hà có màu lông sặc sỡ, bắt mắt, chất lượng thịt thơm ngon. Ảnh: Quang Dũng.
Suốt 3 tháng ròng rã, vợ chồng anh Tuyền phải trực tiếp chạy xe máy tới các bản làng vùng cao của huyện Đầm Hà, lựa mua khoảng 300 con gà thuần chủng còn sót lại.
Vốn là một kế toán viên, kiến thức, kỹ năng chăn nuôi với chị Hiền đều bằng không. Việc chọn khởi nghiệp bằng dự án chăn nuôi gà với chị quá nhiều thử thách. Nhất là quá trình nhân giống gà thuần chủng.
Năm 2014, vợ chồng anh chị mạnh dạn vét toàn bộ gia sản và vay mượn ngược xuôi để đầu tư gần 200 triệu đồng xây dựng trang trại 100m2 với 1.000 con gà nhân giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo.
“Khi bắt đầu đầu tư cơ sở hạ tầng để nuôi gà, sản xuất con giống, tôi không nhận được sự đồng thuận từ phía gia đình và người thân. Bởi khi đó tôi còn trẻ, kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi gà không có, nguồn vốn hoàn toàn là đi vay. Gia đình tôi thuần nông, nên thời điểm đó 200 – 300 triệu đồng là số tiền rất lớn. Mọi người trong gia đình đều rất lo lắng cho 2 vợ chồng, sợ mô hình thất bại”, anh Tuyền nhớ lại.
“Thời điểm đó, chỉ có vợ luôn đồng hành cùng tôi. Có những lúc hai vợ chồng đi bắt gà, đi tiêm phòng cho gà từ 8 giờ tối đến tận 1 giờ sáng. Lúc đó chưa có ô tô như bây giờ, trời mưa rét như vậy, nhưng hai vợ chồng cứ vừa chạy xe máy, vừa kéo theo xe bò. Về đến trại gà, hai vợ chồng phải chui vào nhà úm gà để sưởi ấm”, chị Hiền bồi hồi nhớ lại.
Sau khi được chuyển giao và làm chủ công nghệ thụ tinh nhân tạo trong sản xuất con giống, việc cung cấp gà giống ra thị trường ổn định, tháng 5/2016, anh Tuyền vận động thêm một số hộ dân cùng thành lập HTX Tuyền Hiền chuyên sản xuất gà giống và nuôi gà bản Đầm Hà thương phẩm.
“Sau khi lập gia đình, tôi quyết định cùng chồng về quê khởi nghiệp. Khi đó, tôi nghĩ ngay đến việc nuôi gà bản địa của địa phương – giống gà gắn liền với tuổi thơ nên tôi cảm nhận được nỗi vất vả, nhọc nhằn của mẹ và người dân quê tôi. Tôi và chồng nung nấu ý tưởng bảo tồn và phát triển giống gà đã được bao thế hệ ông cha nuôi giữ này, đồng thời khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân”, chị Hiền chia sẻ.
Khu nhà lạnh để chăm sóc gà bố mẹ. Ảnh: Nguyễn Thành.
Làm chủ công nghệ nhân giống
Theo anh Tuyền, yêu cầu kỹ thuật với gà sinh sản rất khắt khe, việc nuôi gà trong chuồng lạnh và ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo sẽ khắc phục được tất cả các nhược điểm trong nuôi gà tự nhiên, khi điều tiết được nhiệt độ, ánh sáng và không khí, tạo môi trường tốt nhất cho gà bố, mẹ sinh sản, đặc biệt phối tạo được giống có độ thuần chủng cao. Từ đó, cho ra đời những chú gà con khỏe mạnh mang nguồn gen quý nổi trội vốn có.
Anh Tuyền chia sẻ, lúc đầu, khi làm thụ tinh nhân tạo cho gà bản Đầm Hà, do còn ít kinh nghiệm nên tỷ lệ trứng ấp thành gà con chỉ đạt 50 – 60%, dẫn đến việc nhân giống, chọn giống gặp nhiều khó khăn. Phải mất khoảng 4 năm, anh Tuyền mới có thể làm chủ được việc thụ tinh nhân tạo, nhân giống, từ đó cung cấp giống gà bản Đầm Hà cho bà con chăn nuôi.
Đến nay, tỷ lệ thành công khi thụ tinh nhân tạo gà bản Đàm Hà đạt trên 90%. Khi gà bản Đầm Hà được công nhận thương hiệu tập thể, số người đăng ký mua gà giống rất đông, đến nay đã có khoảng hơn 100 hộ nuôi từ 1.000 – 3.000 con/hộ. Hiện Hợp tác xã đang sản xuất 3 loại gà giống là gà hoa mơ, gà râu và gà mũ. Đây đều là các giống gà đặc sản.
Trong những năm qua, gia đình anh Tuyền đã đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng 2 chuồng gà sinh sản hệ thống làm lạnh, 4 máy ấp, 2 nhà úm gà giống, 2 nhà gà hậu bị 300m2, 1 nhà bảo quản và ấp trứng, 2 chuồng nuôi gà thương phẩm 500m2… Hiện tại, tổng số tiền đầu tư trang thiết bị máy móc, cơ sở hạ tầng của gia đình anh lên đến khoảng 10 tỷ đồng.
Sản phẩm gà bản Đầm Hà được chế biến sạch sẽ, hút chân không. Ảnh: Quang Dũng.
Theo anh Tuyền, trước đây, với việc phối giống tự nhiên, mỗi con gà trống chỉ có thể phối giống với 8 – 10 con gà mái, thì nay với phương pháp thụ tinh nhân tạo trong chuồng lạnh, 1 con gà trống sẽ thụ tinh cho 60 – 80 con gà mái. Điều này giúp giảm được chi phí nuôi gà trống, phí bảo tồn và nâng cao hiệu quả, tỷ lệ phôi cao hơn.
“Trước đây, quá trình vận động các hộ tham gia mô hình liên kết rất khó khăn vì người dân đã quen với việc chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Mọi người không tin và không muốn tham gia vì sợ rủi ro. Khi ấy, chúng tôi đã cam kết hỗ trợ con giống, nguyên vật liệu đầu vào đối với những hộ nghèo, hộ khó khăn, đồng thời, trực tiếp hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cam kết bao tiêu đầu ra sản phẩm cho bà con. Dần dần, mọi người thấy thành công của gia đình tôi, nên đã cùng nhau nuôi dưỡng, phát triển giống gà quý bản địa này”, chị Hiền nhớ lại.
Hàng năm, HTX Tuyền Hiền cung cấp khoảng 150.000 con gà giống ra thị trường, xuất bán khoảng trên 100 tấn gà thương phẩm, lợi nhuận bình quân đạt khoảng 1,5 tỷ đồng.
Được biết, tháng 6/2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm gà bản Đầm Hà. Từ sự thành công của vợ chồng anh Tuyền, nhiều hộ dân trong và ngoài xã Quảng Tân cũng đã đầu tư chăn nuôi gà bản Đầm Hà theo hướng áp dụng khoa học kỹ thuật, mang lại thu nhập khoảng 200 triệu mỗi năm.
Gà bản Đầm Hà hiện là sản phẩm OCOP 3 sao và được UBND tỉnh Quảng Ninh tôn vinh là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh năm 2021.
“Trước đây, hai vợ chồng tôi đi xe máy từ Đầm Hà vào Hạ Long, đến tận từng nhà hàng để chào hàng, nhưng không mấy nơi đáp lại. Còn đến bây giờ, gà bản Đầm Hà được tiêu thụ ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, thậm chí có thời điểm không đủ sản phẩm để cung cấp. Bà con chăn nuôi gà rất vui và ngày càng hăng hái làm việc”, anh Tuyền chia sẻ.
Nguyễn Thành – Quang Dũng
Báo Nông Nghiệp Việt Nam
- giống gà bản Đầm Hà li> ul>
2 Comments
Để lại comment của bạn
- “Chạy đua” xử lý các cơ sở chăn nuôi nằm ngoài vùng quy hoạch
- Ảnh hưởng của các mức selenomethionine đến chất lượng thịt và sự tích luỹ selen trong mô
- Bình Phước: Chuẩn bị heo thịt cho thị trường tết
- Đề xuất kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030
- Áp dụng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo là tương lai của ngành chăn nuôi
- Vemedim tổ chức khóa học chẩn đoán và điều trị chuyên sâu về hô hấp phức hợp trên chó mèo
- Hòa Bình: Giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm 31% tỷ trọng ngành nông nghiệp
- Khả năng tiêu hoá tinh bột ở động vật và lợi ích của amylase
- Bình Định: Công ty Vĩnh Quang đầu tư trang trại chăn nuôi heo tại huyện Vĩnh Thạnh
- Ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng và những tác động có thể ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi Việt Nam
Tin mới nhất
T2,23/12/2024
- “Chạy đua” xử lý các cơ sở chăn nuôi nằm ngoài vùng quy hoạch
- Ảnh hưởng của các mức selenomethionine đến chất lượng thịt và sự tích luỹ selen trong mô
- Bình Phước: Chuẩn bị heo thịt cho thị trường tết
- Đề xuất kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030
- Áp dụng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo là tương lai của ngành chăn nuôi
- Vemedim tổ chức khóa học chẩn đoán và điều trị chuyên sâu về hô hấp phức hợp trên chó mèo
- Đón đọc Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam số tháng 12 năm 2024
- Hòa Bình: Giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm 31% tỷ trọng ngành nông nghiệp
- Khả năng tiêu hoá tinh bột ở động vật và lợi ích của amylase
- Bình Định: Công ty Vĩnh Quang đầu tư trang trại chăn nuôi heo tại huyện Vĩnh Thạnh
- Biogénesis Bagó: Tăng tốc tại thị trường châu Á thông qua việc thiết lập văn phòng khu vực tại Việt Nam
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
- Các quy trình ngoại khoa trên heo con và những vấn đề cần lưu ý
- Bệnh Dịch tả heo châu Phi: Làm tốt An toàn sinh học đến đâu, rủi ro bệnh càng thấp tới đó!
- Quy trình xử lí chuồng trại sau khi bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
Xin cho biết địa chỉ của HTX này
Cho xin số điện thoại được mua gà giống