[Chăn nuôi Việt Nam] – Sáng ngày 4/4/2025, tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Môi trường (số 10 phố Tôn Thất Thuyết, Hà Nội), đã diễn ra cuộc họp giữa Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy với 09 Hội/Hiệp hội: Hội Chăn nuôi Việt Nam, Hội Thú y Việt Nam, Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam, Hiệp hội Thuốc Thú y Việt Nam, Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Hiệp hội Sữa Việt Nam, Hội KHKT An toàn toàn thực phẩm Việt Nam.
Tham dự hội nghị còn có các cơ quan, ban ngành thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường: Văn phòng Đảng ủy Bộ, Văn phòng Bộ; các Vụ: KHCN, Pháp chế; các Cục: Chăn nuôi và Thú y; Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; Thủy sản và Kiểm ngư; Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trưởng, Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi, Môi trường.
Mục đích của hội nghị nhằm để trao đổi, làm rõ và giải quyết các kiến nghị gửi Tổng Bí thư Tô Lâm của 09 Hội, Hiệp hội ngành hàng về hoàn thiện thể chế pháp luật liên quan đến Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Hội nghị được tổ chức trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, lắng nghe các ý kiến của Hội, Hiệp hội để có sự nhìn nhận có khách quan, toàn diện hơn về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới ngành, từ đó, có những kiến nghị sửa đổi các Luật, nghị định để phù hợp với thực tiễn.
Hội nghị đối thoại giữa Bộ trưởng Đỗ Đức Duy và các Hội, Hiệp hội
Nhiều bất cập liên quan đến hợp quy sản phẩm chất lượng hàng hóa và hàng hóa nhóm 2
Đại diện cho Hội Chăn nuôi Việt Nam, TS. Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch cho rằng, Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa là 2 Luật “gốc” có mức độ và phạm vi ảnh hưởng rất lớn, quyết định toàn bộ cách thức tiếp cận và phương thức kiểm soát chất lượng, an toàn sản phẩm, hàng hóa và chi phí sản xuất sản phẩm hàng hóa Việt Nam– ảnh hưởng trực tiếp đến sức sản xuất của doanh nghiệp và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Luật CLSP chi phối tới 79 luật và Luật TCQC chi phối tới 104 văn bản luật, pháp lệnh quản lý chuyên ngành trong hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam.
TS. Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng quy định hợp quy sản phẩm hàng hóa gây áp lực, phiền hà rất lớn cho người dân, doanh nghiệp
Tuy nhiên, sau 20 năm, Luật này đã có những bất cập, cụ thể là ở cách thức tiếp cận về phương thức quản lý, kiểm soát chất lượng, an toàn sản phẩm hàng hóa vẫn thiên về tiền kiểm, đưa ra quá nhiều thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh…Trong đó, đặc biệt là việc quy định công bố hợp quy sản phẩm hàng hóa, đang là căn nguyên gây áp lực, phiền hà rất lớn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong nước.Việc đánh giá, công bố hợp quy sản phẩm là quá trình đánh giá điều kiện và quy trình sản xuất, lấy mẫu điển hình để thử nghiệm.
TS. Nguyễn Xuân Dương dẫn chứng trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, nếu một tàu nhập khẩu 100.000 tấn ngô từ Argentina về Việt Nam, trước khi đưa vào sử dụng chế biến thức ăn thì phải công bố hợp quy. Nếu tàu ngô này có 20 doanh nghiệp mua chung thì cả 20 doanh nghiệp này đều phải làm công bố hợp quy, và có 20 đoàn đến lấy mẫu, kiểm tra và mang về phân tích. Nếu không có hợp quy, thì đi trên đường sẽ bị phạt. Sau khi nguyên liệu thức ăn chăn nuôi công bố hợp quy, thì thức ăn chăn nuôi thành phẩm sau khi đóng bao, ép viên lại tiếp tục phải công bố hợp quy một lần nữa.
Vì vậy, TS. Nguyễn Xuân Dương đề nghị bỏ quy định công bố hợp quy sản phẩm hàng hóa, lý do: Đây là quy định rất hình thức, không có ý nghĩa trong hoạt động quản lý và không có nước nào trên thế giới áp dụng; phát sinh thêm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, chi phí sản xuất, thời gian chờ đợi để hàng hóa đi vào sản xuất, lưu thông; tăng chi phí kiểm tra, thời gian thông quan, logictis với hàng hóa nhập khẩu, do buộc phải lấy mẫu công bố hợp quy 100 % các lô hàng hóa trước thông quan (tiền kiểm).
Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Xuân Dương cũng nhấn mạnh, trong công bố hàng hóa sản phẩm đã có chỉ tiêu công bố chất lượng và an toàn, nếu làm sai thì cơ quan chức năng phạt rất nặng nặng. Và chi phí công bố hợp quy thì Nhà nước không có nguồn thu, mà là các phòng thử nghiệm thu.
Về hàng hóa nhóm 2, theo TS. Nguyễn Xuân Dương, ở các nước là hàng hóa gây nguy hiểm “Dangerous Goods” và được giới hạn cụ thể trong luật, ví dụ Mỹ, EU quy định hàng hóa nguy hiểm có 9 loại, bao gồm: chất nổ, khí nén, chất lỏng dễ cháy, chất rắn dễ cháy, các chất oxi hóa và peroxid hữu cơ, các chất độc và chất nhiễm khuẩn, các chất phóng xạ, các chất ăn mòn và các chất có thể gây nguy hiểm khác về cháy nổ hoặc nguy hiểm cho sức khỏe khi phơi nhiễm trong môi trường.
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Xuân Dương, Việt Nam quy định mặt hàng nhóm 2 với khái niệm rất rộng và lại giao cho các Bộ ban hành Danh mục hàng hóa nhóm 2 ở cấp thông tư, nên đã bị lạm dụng quá nhiều, có tới hàng ngàn loại sản phẩm hàng hóa được liệt vào nhóm 2, ví dụ hiện nay 100% các loại vật tư nông nghiệp của Việt Nam đều là mặt hàng nhóm 2, phải quản lý chặt bằng các quy chuẩn kỹ thuật gây nhiều khó khăn, chi phí cho người sản xuât. Cụ thể, ngô dùng cho con người không phải công bố hợp quy, vì Bộ Y tế đã hướng dẫn theo NĐ 15 là Luật an toàn vệ sinh thực phẩm; còn ngô mang về làm thức ăn chăn nuôi đó thì lại mang hợp quy.
TS. Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch Hội KHKT Thú y Việt Nam
Đồng tình với ý kiến của TS Nguyễn Xuân Dương, TS. Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch Hội KHKT Thú y Việt Nam thì cho rằng, ngoài tiêu chí GMP, GMP-WHO đối với nhà máy sản xuất thuốc thú y, thì trong quá trình sản xuất, lưu thông các cơ quan chức năng cũng thường xuyên tới kiểm tra rất sát sao với các sản phẩm.
Về việc doanh nghiệp tự công bố hợp quy, theo TS. Nguyễn Thị Hương, chi phí này cũng phát sinh chi phí lớn nhưng không mang lại hiệu quả, vì phiếu công bố sản phẩm được thực hiện trong phòng thì nghiệm được phép chỉ định, bắt buộc 3 năm làm lại một lần, tốn từ 2-6 triệu đồng/mẫu. Mỗi doanh nghiệp thuốc thú y có danh mục thuốc lên tới cả vài trăm loại, thì số tiền hợp quy lên tới cả trăm triệu, nhân lực cho việc làm hồ sơ hợp quy cũng không hề ít. Có sản phẩm chỉ bán 1.000 đồng/sản phẩm, doanh thu chỉ từ 10, 15, 20 triệu/năm, để bù chi phí hơi khó.
TS. Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, việc sửa đổi Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa là quan trọng, vì đó là 2 Luật gốc. Chúng tôi kiên quyết từ đầu tới cuối bỏ chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy vì thủ tục này không cần thiết, chồng chéo, hành hạ chúng ta suốt bao nhiêu năm nay. Nếu để như vậy là mang nợ cho đất nước, mang nợ doanh nghiệp và mang nợ hơn 10 triệu hộ nông dân.
“Hơn thế nữa, Chính phủ Mỹ vừa tuyên bố mức thuế đối ứng 46% với Việt Nam. Trong khi đó, Thủ tướng kiên quyết duy trì và giữ chỉ tiêu phát triển kinh tế là 8%. Sửa đổi Luật là cần thiết và tác động tích cực thúc hàng hóa nông sản nói riêng và hàng hóa Việt Nam nói chung vượt qua khó khăn như hiện nay”, TS. Nguyễn Trí Ngọc nhấn mạnh.
Trao đổi thêm về hợp quy sản phẩm hàng hóa, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, khẳng định quy định về hợp quy là trùng lặp, tốn kém đặc biệt là ở khâu xét nghiệm trong phòng thí nghiệm. EU, Hoa Kỳ, Nga không ai công bố. Qua theo dõi dự thảo mới nhất của Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn đã không bỏ hợp quy, mà còn thêm tình tiết nữa.
Ông Bạch Quốc Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thuốc Thú y Việt Nam
Còn ông Bạch Quốc Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thuốc Thú y Việt Nam khẳng định rằng: “Cái dấu hợp quy bé tí tẹo nhưng tác hại to. Công ty của chúng tôi nhập khẩu sản phẩm từ 20 nước trên thế giới, khi hướng dẫn doanh nghiệp đối tác (Pháp, Hoa Kỳ, Nhật…) không ai biết dấu đó là dấu gì, vì họ không làm bao giờ). Hàng của họ là hàng xuất khẩu toàn cầu, nguyên đai, nguyên kiện không thể in dấu hợp quy lên. Đến Việt Nam để được lưu hành trên thị trường, thì chúng tôi phải phải cắt, bóc và dán dấu hợp quy vào, rất mất thời gian, công sức.
Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam
Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam dẫn thêm thông tin: Các lô thức ăn chăn nuôi thành phẩm phải làm hợp quy, chi phí từ 3-5 triệu/lô. Mỗi tháng C.P.Việt Nam phải mất 600-700 triệu đồng cho việc làm thủ tục hợp quy. Đối với, nguyên liệu nhập khẩu phải chờ công bố hợp quy về kho rồi mới được sử dụng, thực tế quá trình này phải lên tới phải 10 ngày. 10 ngày với hàng trăm ngàn tấn nguyên liệu mà dự trữ trong kho chưa vào sử dụng, chỉ tính lãi suất ngân hàng, chưa tính về chi phí lưu kho thì cũng lên tới tiền tỷ/tháng. Thực tế chi phí này thì phải tính vào giá thành và người chăn nuôi phải chịu.
“Hiện tại, ngành chăn nuôi đang đối mặt với sản phẩm nhập khẩu. Tất cả sản phẩm của người Việt phải chịu hợp quy, giá thành tăng lên, còn nhập khẩu không chịu chi phí này, đây cũng là sự mất công bằng”. ông Vũ Anh Tuấn nhấn mạnh.
Chỉ nên chứng nhận hợp quy với hàng hóa rủi ro cao
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng việc quản lý cần tránh sự chồng chéo, trùng lặp nhưng cũng không bỏ sót, để đảm bảo các sản phẩm hàng hóa an toàn và chất lượng.
Kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đánh giá cao các Hội/Hiệp hội đã thường xuyên phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường trong thời gian qua; cũng như đã chủ động, tích cực, thường xuyên trao đổi, kiến nghị với các cơ quan chức năng về Dự thảo Luật tiêu chuẩn, quy chuẩn và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Bộ trưởng cho rằng việc quản lý cần tránh sự chồng chéo, trùng lặp nhưng cũng không bỏ sót, để đảm bảo các sản phẩm hàng hóa an toàn và chất lượng.
Bộ trưởng đề nghị Vụ Khoa học công nghệ tập hợp ý kiến của các vấn đề liên quan trên cơ sở khoa học, thực tiễn và thông lệ của quốc tế. Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng sẽ chủ trì một cuộc họp giữa Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Ủy ban Khoa học Công nghệ môi trường của Quốc hội, Bộ Khoa học Công nghệ và các Hội/Hiệp Hội để cùng làm rõ, thống nhất làm sao các Luật cần kiến tạo hàng hóa của Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, cần phân loại hàng hóa để quản lý theo 3 nhóm: rủi ro cao, rủi ro trung bình và rủi ro thấp. Hàng hóa nhóm 2 chỉ nên là nhóm sản phẩm hàng hóa rủi ro cao. Chỉ nên chứng nhận hợp quy với hàng hóa rủi ro cao. Để phân biệt nhóm hàng hóa thì luật chỉ quy định chung, còn tiêu chí phân loại nên để Chính phủ quy định, tạo điều kiện thuận lợi trong thực tế triển khai.
Đối với nội dung về công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa, Bộ trưởng cho rằng, việc yêu cầu chứng nhận, công bố hợp quy đối với một số sản phẩm đã được cấp phép lưu hành làm tăng chi phí, tăng thủ tục, tăng thời gian, nhưng chất lượng không thay đổi.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy, hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn rất nhiều. Hiện nay, Việt Nam đang hội nhập với thế giới, xuất khẩu nông lâm thủy sản top đầu thế giới nhưng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng hàng hóa là chưa đáp ứng được hội nhập. Khi xuất khẩu không theo kịp thế giới thì vô tình tạo ra rào cản cho sản phẩm của chính mình và sản phẩm các nước vào Việt Nam. Khi theo sân chơi thế giới thì cần theo chuẩn mực thế giới.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy yêu cầu các đơn vị chuyên môn rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế- kỹ thuật của từng lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, đảm bảo phù hợp với thực tiễn; trong đó, tập trung đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo hướng đồng bộ, hài hoà với các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực đối với nhóm sản phẩm, hàng hoá xuất khẩu cũng như xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các nhóm sản phẩm mới, chủ lực.
Các Hội, Hiệp hội chụp ảnh lưu niệm với Bộ trưởng Đỗ Đức Duy và các lãnh đạo thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
HÀ NGÂN
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang quản lý 1.882 tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), 200 quy chuẩn Việt Nam (QCVN); trong đó: lĩnh vực nông nghiệp có 1.452 TCVN và 106 QCVN; tài nguyên môi trường có 430 TCVN và 94 QCVN. Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục rà soát, loại bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện có như: huỷ bỏ quy chuẩn không phù hợp (bảo vệ thực vật 18 QCVN, thú y 8 QCVN, nông sản thực phẩm 27 QCVN, môi trường 7 QCVN). Đồng thời, tiếp tục bổ sung xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn phục vụ quản lý sản xuất, kinh doanh nông lâm thuỷ sản và theo yêu cầu.
- Hội Chăn nuôi Việt Nam: Tổ chức họp Ban Thường vụ, đánh giá kết quả quý I và triển khai nhiệm vụ quý II/2025
- Chi bộ cơ quan Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2025 – 2027
- Hội Chăn nuôi Việt Nam thăm và làm việc tại Viện Chăn nuôi
- 9 Hội/Hiệp hội kiến nghị Tổng Bí thư Tô Lâm bỏ công bố hợp quy sản phẩm hàng hóa
- Hội Chăn nuôi Việt Nam: Chuyển mình trong kỷ nguyên mới
- Sửa đổi Luật TCQC và Luật CLSP: Cơ hội tháo gỡ những nút thắt, bất cập
- Phát sinh hàng trăm nghìn tỷ đồng và hàng triệu ngày chờ đợi của doanh nghiệp, VUSTA kiến nghị Quốc hội bỏ hợp quy sản phẩm
- Chủ tịch VUSTA chúc Tết Hội Chăn nuôi Việt Nam: Kỳ vọng ngành phát triển mạnh mẽ
- Lời tri ân từ MiXscience Asia
- Hội Chăn nuôi Việt Nam: Phản biện chính sách vì quyền, lợi ích hợp pháp của người chăn nuôi và doanh nghiệp
Tin mới nhất
CN,13/04/2025
- Hệ thống công ty Avet – Apharma – Abio: Ghi dấu chặng đường đồng hành và hợp tác
- Cơ chế tích lũy nạc ở lợn và gà thịt: Vai trò của dinh dưỡng và chiến lược phối trộn thức ăn
- Việt Nam chi hơn 1 tỉ USD nhập khẩu thịt, sữa ngoại trong 3 tháng
- Thanh Hóa: Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án chăn nuôi quy mô lớn
- Tiêu hủy hàng nghìn con vịt dương tính virus cúm gia cầm
- Bảo đảm chăn nuôi ổn định sản xuất, bình ổn giá thịt lợn
- Kinh phí cho nghiên cứu thú y còn ‘nhỏ giọt’
- Nhập khẩu thịt bò của Nhật Bản tháng 2/2025 giảm xuống mức thấp nhất trong 9 năm
- Tổng Thống Trump áp thuế Trung Quốc 125%, hoãn áp thuế 90 ngày hơn 75 nước
- Tân Sao Á: 20 năm chinh phục thị trường
- Chẩn đoán sức khỏe đường ruột nhanh chóng với công nghệ tiên tiến từ Orffa & Florates
- VIV ASIA 2025: Giao thoa công nghệ và cơ hội đưa ngành chăn nuôi Việt Nam vươn tầm quốc tế
- Tannin thủy phân: Giải pháp hoàn hảo cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh
- Biogénesis Bagó: Tăng tốc tại thị trường châu Á thông qua việc thiết lập văn phòng khu vực tại Việt Nam
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
Bình luận mới nhất