“Đó không phải là biến đổi gen đâu”, PGS.TS. Phạm Kim Đăng – Chủ nhiệm đề tài nhấn mạnh để tránh hiểu nhầm về thành quả mà ông và các đồng nghiệp vừa đạt được.
Hơn cả cuộc thi tuyển người mẫu
Còn ông Nguyễn Quốc Quân, Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà Mía Sơn Tây thì cười khà khà qua điện thoại, kể với tôi rằng: “Đúng là con gà Mía ngày xưa của chúng tôi rồi, thân mình nó lớn, tiếng gáy của nó to đến nỗi vang vọng cả ba làng còn nghe thấy.
Bây giờ đang dịch Covid-19 nên ngại thôi chứ trước ngày 14 tháng 8 âm lịch mời anh về đây để chứng kiến 9 thôn sẽ tổ chức hội thi gà đầu tiên trong dịp thắp hương tưởng nhớ vua Ngô Quyền nhé!”.
Gà Mía là một giống đặc sản có nguồn gốc ở xã Phùng Hưng, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây xưa nay thuộc làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội.
Người già kể, trước đây con gà Mía trống nào mà đạt trọng lượng từ 6 – 7 kg sẽ được tuyển chọn làm lễ vật tiến vua và tế đầu năm tại đình làng.
Nhưng theo thời gian, chúng bị thoái hóa đến mức năm 2005, Bộ Nông nghiệp và PTNT phải đưa vào danh mục nguồn gen vật nuôi quý hiếm cần bảo tồn giống gốc quốc gia nhưng số phận của con gà tiến vua vẫn nổi nênh, chìm đắm.
Cận cảnh gà Mía. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Theo PGS. TS. Phạm Kim Đăng, Chủ nhiệm đề tài chọn lọc dòng gà Mía có khả năng sinh trưởng cao bằng công nghệ sinh học phân tử vừa được Học viện Nông nghiệp Việt Nam hoàn thành vào tháng 3 năm 2020, về ngoại hình gà Mía là giống gia cầm có vẻ đẹp độc đáo.
Với mào đơn, đầu công, mình cốc, cánh trai, ngắn quản, dài đùi, diều vịt, mã lĩnh, chúng phảng phất có nét của loài chim công.
Về chất lượng thịt, trong nhóm các giống gà thân to nổi tiếng như Đông Tảo, Mía, Hồ, Móng, chọi…thì gà Mía đẹp và ngon đệ nhất với da vàng ươm và giòn sần sật, thịt sáng màu và thơm, đậm đà hiếm có. Chính vì vậy, gà Mía đã được các doanh nghiệp trong và ngoài nước sử dụng như một nguồn gen quý để tạo ra nhiều tổ hợp lai, đặc biệt các tổ hợp lông màu đưa vào sản xuất.
Các nhà khoa học đang kiểm tra trứng của gà Mía. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Trước đây, việc xác định giá trị giống được đánh giá chủ yếu qua kiểu hình mà “cha đẻ” của lĩnh vực này là Ronald Fisher (1919) và Sewall Wright (1921) với công thức phổ biến: “Kiểu hình = Kiểu gene + Môi trường”.
Tuy nhiên, biện pháp này tỏ ra không hiệu quả trong một số trường hợp hoặc gây tốn nhiều thời gian và công sức bởi phải tiến hành chọn tạo liên tục.
Di truyền phân tử cho phép nghiên cứu cá thể ở mức độ ADN, chọn lọc trực tiếp các gen ảnh hưởng đến tính trạng cần quan tâm, giúp gia tăng độ chính xác và rút ngắn thời gian tạo giống. Từ quần thể gà Mía ở các cơ sở chăn nuôi có uy tín mà nhất là Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà Mía Sơn Tây các nhà khoa học đã chọn ra 921 cá thể ưu tú gồm 309 con trống, 612 con mái có đủ ngoại hình đạt chuẩn để làm nguyên liệu cho việc nghiên cứu.
Đó là cuộc tuyển chọn còn kỹ hơn cả một tuyển người mẫu với các chi tiết, thông số vô cùng tỉ mỉ gồm chiều dài thân, chiều dài lườn, chiều dài cánh, chiều dài đùi, chiều dài chân, vòng ngực, vòng ống chân…
Những con gà trống Mía điển hỉnh. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Sau đó, họ lấy máu từ tĩnh mạch cánh của chúng đem về phòng thí nghiệm phân tích ADN tìm các cá thể có gen INS hoặc GH giúp sinh trưởng nhanh để xây dựng đàn hạt nhân tại chính vùng truyền thống của gà Mía.
Tất cả cá thể sinh ra từ các gia đình qua các thế hệ đều được theo dõi nguồn gốc cẩn thận nhờ dùng ổ đẻ có cửa sập tự động. Gà con nở ra được nuôi từng con riêng trong mỗi ô chuồng nhằm thu thập những thông tin về gia phả nguồn gốc, tốc độ tăng trọng, tiêu tốn thức ăn…
Xếp cấp gà và hành trình tìm gen quý
Các nhà khoa học lại phân cấp các tính trạng để xếp cấp cho gà trống. Nguyên tắc chung là chọn gia đình gà trống tốt nhất ghép với gia đình gà mái tốt nhất. Tổng cộng có 30 gia đình gà như vậy được ghép phối theo sơ đồ.
Gà Mía vừa mới nở. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Xin được nói qua về công nghệ marker phân tử đã được các nước phát triển ứng dụng trong chọn tạo giống nhưng ở Việt Nam vẫn còn rất mới.
Tiếp theo thành công trong việc chọn giống lợn mang gen kháng bệnh tiêu chảy, giống lợn mang gen năng suất sinh sản cao, Khoa Chăn nuôi lần đầu tiên chọn giống gà mang gen GG của gen GH (Growth Hoocmon) có tốc độ sinh trưởng nhanh.
Qua 3 năm nghiên cứu đã xây dựng được tiêu chuẩn cơ sở của giống gà Mía, tạo ra được dòng có mẫu mã đẹp, tốc độ lớn tốt. 20 tuần tuổi gà trống thương phẩm đạt trọng lượng 2.463g trong khi gà quần thể chỉ là 2.205g, gà mái thương phẩm đạt trọng lượng 1.841g trong khi gà quần thể chỉ là 1.702g. 38 tuần tuổi con trống đạt 3 kg, con mái đạt 2,3 kg với tỷ lệ tiêu tốn thức ăn ít hơn nhưng chất lượng thịt vẫn đảm bảo.
Một con gà Mía giống. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Ngoài ra, các nhà khoa học còn hoàn thiện được quy trình thú y phòng bệnh cho đàn gà Mía bằng các loại thuốc đông y, cỏ thuốc sẵn có. Số là, do điều kiện an toàn sinh học của Việt Nam thường chưa tốt, khu vực chăn nuôi rất gần với khu dân cư nên dịch bệnh gần như luôn tồn tại.
Chính vì vậy, việc sử dụng kháng sinh trộn trong thức ăn để phòng dịch bệnh trở nên phổ biến và hậu quả của chúng rất nặng nề như kháng thuốc, tồn dư trong thực phẩm, nguy cơ gây ung thư và nhiều bệnh khác.
Trong khi ở các nước phát triển đã cấm sử dụng kháng sinh trộn lẫn vào thức ăn thì ở ta hầu như chưa có nghiên cứu nào để sản xuất ra các chế phẩm có nguồn gốc thảo dược phòng, trị hội chứng đường hô hấp, tiêu hóa-những bệnh thường gặp trên gia súc, gia cầm. Chỉ có một số bà con áp dụng thử vài bài thuốc dân gian cho vật nuôi vào những lúc chuyển mùa.
Một mô hình nuôi gà Mía thả vườn tại Hà Nội. Ảnh: Dương Đình Tường.
Bởi thế, chọn tạo được giống tốt rồi nhưng các nhà khoa học phải đặt ra mục tiêu nghiên cứu chế thảo dược để giảm việc sử dụng kháng sinh trong phòng, điều trị bệnh cho gà Mía, giúp sản phẩm thịt an toàn hơn.
Nguyên liệu gồm lá ổi tươi và bột quả kha tử với cách làm khá đơn giản: Cho 1 kg lá ổi vào 10 lít nước đun sôi trong 15 phút, để nguội rồi lọc hết xác lá, chỉ giữ phần nước. Quả kha tử khô nghiền thành bột cho vào trà lá ổi với liều 2-3g để gà uống tự do.
Liều thuốc cỏ cây kia không ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của gà và cho tác dụng rõ rệt trong việc giảm tỉ lệ mắc bệnh hô hấp và tiêu chảy.
Một chi tiết cũng thú vị không kém theo PGS. TS. Phạm Kim Đăng là đàn gà Mía đã góp phần “đào tạo” được 5 sinh viên đại học, 1 thạc sỹ, 1 tiến sĩ, xuất bản 2 bài báo trên tạp chí chuyên ngành có uy tín trong đó có một bài đăng trên tạp chí Quốc tế có chỉ số IF nhờ 3 năm lăn lộn với dự án.
Kết quả của đề tài mở ra một cơ hội mới cho gà Mía có thể “đàng hoàng” sánh vai với các giống gà quý khác không chỉ của Việt Nam mà còn cả trong khu vực và trên thế giới.
Gà Mía có màu lông đồng nhất, mọc rất chậm, con mái đến 12 tuần tuổi còn con trống đến 15 tuần tuổi lông mới bắt đầu phủ kín. Ở 20 tuần tuổi, gà trống có lông màu đen đỏ mã mận còn gà mái màu nâu nhạt kiểu lá chuối khô hay màu vỏ quả nhãn. Mào của chúng lộ khá sớm.
Khác với gà Hồ có mào hoa dâu, gà Đông Tảo có mào khế, cả trống lẫn mái gà Mía đều có dạng mào cờ. Khi vào tuổi trưởng thành, gà mái sau khi đẻ được 3-4 tháng lườn bắt đầu chảy xuống trông giống như yếm bò còn gà trống có tích tai to và chảy rất đặc trưng, khó lẫn.
Dương Đình Tường
Báo Nông Nghiệp Việt Nam
- gà mía lai li>
- công nghệ tìm gen li> ul>
- Hình ảnh siêu quang phổ có thể phát hiện độc tố nấm mốc trong thức ăn gia cầm
- CP Foods thu gần 68.000 tỷ đồng tại Việt Nam
- Lào Cai: Đánh giá hiệu quả mô hình nuôi dúi thương phẩm tại xã Liên Minh (thị xã Sa Pa)
- Tập trung phòng bệnh dịch tả châu Phi trên đàn lợn
- Bà Rịa – Vũng Tàu: Kiểm tra tỷ lệ bảo hộ sau tiêm phòng gia súc, gia cầm
- Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái
- Sản lượng lợn của Anh tháng 10/2024 tăng
- Nông dân sản xuất giỏi từ mô hình chăn nuôi dê
- Giới khoa học lo ngại ca H5N1 có dấu hiệu thích nghi với người
- Sắp diễn ra hội thảo, phổ biến áp dụng mô hình số trong quản lý tại các cơ sở chăn nuôi
Tin mới nhất
T2,25/11/2024
- Hình ảnh siêu quang phổ có thể phát hiện độc tố nấm mốc trong thức ăn gia cầm
- CP Foods thu gần 68.000 tỷ đồng tại Việt Nam
- Lào Cai: Đánh giá hiệu quả mô hình nuôi dúi thương phẩm tại xã Liên Minh (thị xã Sa Pa)
- Tập trung phòng bệnh dịch tả châu Phi trên đàn lợn
- Bà Rịa – Vũng Tàu: Kiểm tra tỷ lệ bảo hộ sau tiêm phòng gia súc, gia cầm
- Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái
- Sản lượng lợn của Anh tháng 10/2024 tăng
- Nông dân sản xuất giỏi từ mô hình chăn nuôi dê
- Giới khoa học lo ngại ca H5N1 có dấu hiệu thích nghi với người
- Sắp diễn ra hội thảo, phổ biến áp dụng mô hình số trong quản lý tại các cơ sở chăn nuôi
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
- Các quy trình ngoại khoa trên heo con và những vấn đề cần lưu ý
- Bệnh Dịch tả heo châu Phi: Làm tốt An toàn sinh học đến đâu, rủi ro bệnh càng thấp tới đó!
- Quy trình xử lí chuồng trại sau khi bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
- Bệnh gạo lợn: Những điều cần biết
Bình luận mới nhất