Đối với dịch lở mồm long móng, Cục Thú y cũng có khuyến cáo các địa phương thuộc khu vực có nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ, có đàn gia súc chưa được tiêm phòng triệt để và đặc biệt các địa phương có dự án cung ứng con giống gia súc, xóa đói giảm nghèo cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, tổ chức tiêm phòng vắcxin lở mồm long móng.
Theo đó, các đơn vị cơ sở cần kiểm soát chặt việc vận chuyển gia súc, quản lý giết mổ gia súc để giảm thiểu nguy cơ phát sinh, lây lan dịch.
Đại diện Cục Thú y cũng cho biết, hiện các địa phương đã tiếp tục khống chế thành công dịch tai xanh lợn. Tuy nhiên, có thể virus vẫn tồn tại trong môi trường chăn nuôi kết hợp với những diễn biến phức tạp của thời tiết ảnh hưởng xấu đến đàn gia súc nuôi, nên trong thời gian tới dịch có thể xuất hiện và gây ra các ổ dịch nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh có dịch cũ.
Bởi vậy, Cục Thú y đề nghị các địa phương cần tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, thực hiện nghiêm các quy định về kiểm dịch vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn. Đồng thời tăng cường kiểm soát giết mổ lợn, chủ động ngăn chặn dịch xâm nhập vào địa bàn.
Cục Thú y cũng yêu cầu các địa phương căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, thông báo của Cục Thú y về lưu hành virus cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh và hướng dẫn sử dụng vắcxin năm 2016 để tổ chức mua đúng loại vắc xin phòng, chống dịch nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Tính đến ngày 12/7, cả nước không có ổ dịch nào mới phát sinh. Hiện, cả nước không có dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng và dịch tai xanh./.
Thanh Tâm
(Theo Chăn Nuôi Việt Nam)
Bình luận mới nhất