[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Một trong những bài toán nan giải trong chăn nuôi lợn hiện nay, đó là không chỉ cung cấp đủ dinh dưỡng cho vật nuôi với một chi phí tối ưu nhất, mà còn phải thân thiện với môi trường. Trong đó, protein thô là nguyên liệu có chi phí cao thứ 2 trong công thức thức ăn cho lợn. Việc giảm bớt hàm lượng protein thô trong thức ăn chăn nuôi lợn không chỉ đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, môi trường mà còn cải thiện phúc lợi cũng như sức khỏe vật nuôi.
Khẩu phần giảm đạm thô: Các cập nhật mới và lưu ý
Giảm hàm lượng đạm thô trong thức ăn chăn nuôi tại Hàn Quốc
Đây là thông tin được các chuyên gia, nhà khoa học, nhà chăn nuôi đưa ra tại hội thảo “Giảm tỷ lệ protein thô trong khẩu phần thức ăn chăn nuôi lợn: Một tác động, đa lợi ích”, do Đặc san Chăn nuôi Việt Nam (Tạp chí KHKT Chăn nuôi) tổ chức ngày 31/10/2024, tại Hà Nội. Hội thảo được bảo trợ bởi Hội Chăn nuôi Việt Nam và có sự đồng hành của các nhà tài trợ: Nhà tài trợ chính – Công ty CJ BIO Việt Nam; 04 nhà đồng tài trợ đó là: Công ty TNHH Thuốc Thú y Á Châu, Công ty HANVET, VietNhat Group và Tập đoàn Dabaco.
Hội thảo đã thu hút hơn 100 đại biểu đến từ các Trung tâm phát triển Nông nghiệp, các doanh nghiệp (thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi, thuốc thú y…), trang trại chăn nuôi, các Hội/Hiệp hội, chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi và nhiều cơ quan báo chí…
Đông đảo các đại biểu tham dự hội thảo
Đa lợi ích từ việc giảm protein thô
Theo đó, chăn nuôi là một trong những lĩnh vực gây ảnh hưởng trực tiếp và đáng kể đến vấn đề phát thải khí nhà kính, tác nhân gây biến đổi khí hậu toàn cầu. Kiểm soát phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi đã được các nhà khoa học chỉ ra từ lâu và được nhiều nước đang trong quá trình khuyến khích và từng bước sẽ bắt buộc người chăn nuôi đưa vào nội dung kiểm soát.
Các yếu tố ảnh hưởng đến khí phát thải trong chăn nuôi gồm việc sử dụng điện và năng lượng trong các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi; sử dụng điện và năng lượng trong khâu chăn nuôi, ấp nở… Quá trình hô hấp, tiêu hóa và chất thải của vật nuôi. Đây là yếu tố lớn nhất gây hiệu ứng khí phát thải nhà kính trong chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gia súc ăn cỏ, sau đó đến chăn nuôi lợn.
TS. Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí KHKT Chăn nuôi
TS. Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam, kiêm Tổng Biên tập Tạp chí KHKT Chăn nuôi cho biết, đến thời điểm cuối tháng 6/2024, tổng đàn lợn của cả nước là 25,549 triệu con, trong đó đàn lợn nái là 3 triệu con. Việt Nam là quốc gia có ngành chăn nuôi lợn đứng thứ 5 về đầu con và thứ 6 về sản lượng thịt. Mỗi năm, có khoảng 11 triệu tấn thức ăn dành cho lợn được sản xuất, chiếm khoảng 56% cơ cấu ngành thức ăn chăn nuôi.
“Một trong những bài toán nan giải nuôi lợn hiện nay là không chỉ cung cấp đủ dinh dưỡng cho vật nuôi với một chi phí tối ưu nhất, mà còn phải thân thiện với môi trường. Trong đó, protein thô là nguyên liệu có chi phí cao thứ 2 trong công thức thức ăn cho lợn. Do đó, việc giảm bớt hàm lượng protein thô trong thức ăn chăn nuôi lợn không chỉ đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, môi trường mà còn cải thiện phúc lợi cũng như sức khỏe vật nuôi”, ông Sơn nhấn mạnh.
TS. Ninh Thị Len, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam
TS. Ninh Thị Len, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam chia sẻ, trong chăn nuôi có 2 loại khí nhà kính chủ yếu được phát thải là khí mêtan (CH4) và khí ôxit nitơ (N2O). Theo tính toán của các nhà khoa học, 1 tấn khí CH4 gây hiệu ứng khí nhà kính tương đương với 28 tấn CO2 và 1 tấn khí N2O gây hiệu ứng khí nhà kính tương đương với 265 tấn CO2. Để sinh trưởng, phát triển, vật nuôi cần một lượng lớn nitơ để tích lũy. Nitơ vào qua đường thức ăn được tiêu hóa hấp thu qua đường ruột, phần nitơ không tiêu thụ được bài tiết qua phân và nước tiểu. Sự bài tiết nitơ của vật nuôi liên quan nhiều đến khẩu phần ăn vào.
Theo TS. Ninh Thị Len, các chiến lược dinh dưỡng chủ yếu có thể được sử dụng để giảm tổn thất nitơ trong chăn nuôi là chế biến làm tăng tỷ lệ tiêu hóa thức ăn nói chung và nitơ nói riêng. Thiết lập khẩu phần cân đối để cung cấp protein, axit amin càng gần với nhu cầu của vật nuôi càng tốt. Bổ sung của các chất phụ gia thức ăn vào khẩu phần ăn để cải thiện việc sử dụng nitơ. Giải pháp giảm khí nhà kính thông qua dinh dưỡng thức ăn cho lợn chủ yếu là để giảm giảm lượng nitơ thải ra trong chất thải của vật nuôi, từ đó gián tiếp giảm khí N2O.
Hiện công nghệ và thiết bị kiểm soát chỉ số carbon trong các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi và chuồng trại cũng bắt đầu được khuyến cáo trong sản xuất ở Việt Nam. Cùng với đó, là giải pháp xử lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ biogas, đệm lót sinh học. Sử dụng khẩu phần thức ăn dinh dưỡng hợp lý và bổ sung các chế phẩm nhằm hạn chế khí phát thải của vật nuôi. Nhìn chung, những công nghệ trên, đều đã có trong sản xuất chăn nuôi nước ta, nhưng phần lớn chưa được chuyển giao và áp dụng hoàn chỉnh trong các cơ sở chăn nuôi, nhất là ở trong khu vực chăn nuôi nông hộ, các trang trại vừa và nhỏ nên hiệu quả thấp.
Giảm phát thải nhà kính từ giảm protein thô trong thức ăn chăn nuôi
Việc cân đối khẩu phần thức ăn cho lợn là sự cân bằng giữa cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho sự phát triển và hiệu quả tối ưu, đồng thời tránh dư thừa có thể dẫn đến tăng chi phí thức ăn và ô nhiễm môi trường. Việc giảm hàm lượng protein thô trong khẩu phần ăn và bổ sung các axit amin hạn chế là chiến lược hiệu quả để duy trì năng suất và giảm thải nitơ, một trong những khí gây hiệu ứng nhà kính
TS. Kim Jae Cheol, Giám đốc Trung tâm Giải pháp kỹ thuật Khu vực Châu Á Thái Bình Dương CJ BIO
Chia sẻ tại hội thảo, TS. Kim Jae Cheol, Giám đốc Trung tâm Giải pháp kỹ thuật Khu vực Châu Á Thái Bình Dương CJ BIO cho biết, protein thô là thước đo tổng lượng protein trong thức ăn, nhưng không phải tất cả đều được lợn tiêu hóa và sử dụng. Protein được cấu tạo từ axit amin, đó chính là những viên gạch xây dựng nên protein mà động vật cần. Con vật có nhu cầu về axit amin chứ không có nhu cầu về đạm. Khi mức protein thô vượt quá nhu cầu của lợn, lượng axit amin dư thừa sẽ bị phân giải và thải ra dưới dạng nitơ trong nước tiểu và phân. Điều này góp phần tạo ra các khí như amoniac, oxit nitơ và các hợp chất khác từ phân có thể gây ô nhiễm môi trường.
“Lợn tăng trưởng dựa vào các axit amin tiêu hoá chứ không phải đạm thô nên cần thay đổi từ nhận thức. Nếu cung cấp đủ axit amin tiêu hoá theo nhu cầu thì vật nuôi vẫn phát triển bình thường. Thức ăn thấp, giảm đạm thô không đồng nghĩa là thức ăn kém chất lượng, nếu nó đáp ứng đủ axit amin thiết yếu cho nhu cầu vật nuôi thì đấy mới là khẩu phần ăn hiệu quả. Khi giảm đạm bắt buộc các axit amin thiếu phải được bổ sung vào thức ăn. Các axit amin tự do chính là nguồn để các nhà lập công thức trong thức ăn chăn nuôi giảm được đạm thô”, TS. Kim Jae Cheol nhấn mạnh.
Khi giảm 1% đạm thô trong khẩu phần thức ăn của lợn có thể giảm đươc 20.000 tấn CO2 bài thải ra môi trường (tương đương với sự phát thải CO2 của 4.400 xe hơi), Ngoài ra, việc giảm đạm thô trong khẩu phần ăn của lợn còn giúp làm giảm nhu cầu năng lượng cho việc bài thải axit amin dư thừa, giảm căng thẳng nhiệt, giảm kháng sinh, đem lại giá trị kinh tế.
Ths. Nguyễn Thị Mến, Công ty TNHH Dược Hanvet chia sẻ tại hội thảo
Bên cạnh việc giảm đạm thô, sử dụng Probiotic trong thức ăn chăn nuôi lợn cũng giúp nâng cao hiệu suất chăn nuôi và giảm ô nhiễm môi trường. Theo Ths. Nguyễn Thị Mến, Công ty TNHH Dược Hanvet, Probiotic bổ sung vào thức ăn cho lợn, đặc biệt là lợn con làm tăng tốc độ tăng trưởng, giảm hệ số chuyển hóa thức ăn và giảm tỷ lệ chết. Ngoài ra, nhờ tăng trưởng đồng nhất mà thể trọng của cả đàn đồng đều hơn; tăng tỷ lệ tiêu hóa; giảm lượng nitơ thải ra môi trường. Điều này được chứng minh thông qua hiệu quả sử dụng sản phẩm chế phẩm sinh học Han-Feedmix của công ty Hanvet.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, sử dụng chế phẩm vi sinh Han-Feedmix vào cám ăn hằng ngày cho lợn choai với liều 2kg/tấn thức ăn giúp giảm 6,67%tỷ lệ tiêu chảy; tăng 3,67% tỷ lệ sống; giảm hệ số tiêu tốn thức ăn; giảm phát thải khí chuồng nuôi NH3.
Cần chính sách hỗ trợ hợp lý
Tại Việt Nam, biện pháp giảm khí nhà kính hiện đang được các cơ quan Nhà nước, truyền thông và người sản xuất quan tâm nhưng chủ yếu trong khâu chăn nuôi, quản lý xử lý chất thải từ chăn nuôi, chế biến thực phẩm, mà chưa quan tâm nhiều đến giải pháp dinh dưỡng thức ăn – yếu tố đầu vào của quá trình chăn nuôi.
Theo TS. Ninh Thị Len, các cơ quan, tổ chức cần tăng cường tuyên truyền để người sản xuất thức ăn chăn nuôi hiểu được trách nhiệm và quyền lợi về giảm khí nhà kính trong quá trình sản xuất thức ăn chăn nuôi lợn nói riêng, chăn nuôi nói chung. Xây dựng phương pháp tiêu chuẩn để đo phát thải khí nhà kính phù hợp với từng loại hình sản xuất để làm công cụ xác định lượng phát thải thực tế. Nhà nước có chính sách hỗ trợ để khuyến khích áp dụng các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính đối với những đơn vị tiên phong đi đầu.
TS. Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam
Để giảm phát thải trong chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam kiến nghị, xử lý chất thải và kiểm soát khí nhà kính trong chăn nuôi là vấn đề quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích cộng đồng và chống biến đổi khí hậu toàn cầu, cần phải được doanh nghiệp, người chăn nuôi tự giác và chủ động thực hiện. Cùng với đó, xử lý chất thải và kiểm soát khí nhà kính trong chăn nuôi đòi hỏi công nghệ phù hợp và chi phí lớn, rất cần Nhà nước có chính sách hỗ trợ về đất đai cho chăn nuôi tập trung, tuyên truyền nâng cao nhận thức, phổ biến công nghệ phù hợp cho các loại hình chăn nuôi và có tín dụng ưu đãi cho người chăn nuôi vay đầu tư áp dụng công nghệ phù hợp, hiệu quả.
“Vì đây là vấn đề mới và lĩnh vực chăn nuôi trong nước đang gặp khó khăn, kiến nghị Nhà nước chưa nên đưa lĩnh vực chăn nuôi vào diện phải kiểm kê khí nhà kính. Trước mắt, từ nay đến năm 2030 chỉ nên áp dụng hình thức khuyến khích các cơ sở chăn nuôi tự nguyện thực hiện việc kiểm kê và kiểm soát khí phát thải trong chăn nuôi”, TS. Nguyễn Xuân Dương nhấn mạnh.
Trong thời gian này, Nhà nước cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, đào tạo cán bộ kỹ thuật chuyên môn, hoàn thiện các công nghệ, chính sách để nâng cao năng lực quản lý và ứng dụng các công nghệ trong xử lý chất thải, kiểm kê và kiểm soát khí nhà kính trong chăn nuôi, đảm bảo đến khi Nhà nước đưa các cơ sở chăn nuôi vào diện phải kiểm kê khí nhà kính, thì mọi yếu tố đã được chuẩn bị sẵn sàng.
Một số hình ảnh khác tại hội thảo:
Nội dung của hội thảo được các đại biểu tham chăm chú lắng nghe
Chương trình tọa đàm tại hội thảo
Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm
Gian hàng trưng bày các sản phẩm phụ gia thức ăn chăn nuôi của Công ty CJ BIO
Khách mời tham quan gian hàng của Công ty TNHH Thuốc thú y Á Châu
Gian hàng trưng bày các sản phẩm thức ăn cho lợn của VietNhat Group
Thu Hằng, Phương Nhung
Những yếu tố chính ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam giai đoạn 2025 – 2030
“Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn thử thách, đặc biệt là sau dịch, thói quen tiêu dùng có nhiều thay đổi nhưng chăn nuôi lợn luôn chiếm tỷ trọng 50-60%. Vì vậy, chúng ta phải quan tâm nhiều hơn cho sự phát triển của ngành chăn nuôi lợn. Vì sau nó là rất nhiều lĩnh vực khác từ thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thiết bị chuồng trại đến người chăn nuôi. Nếu chăn nuôi lợn phát triển thì một loạt hệ thống phục vụ đều phát triển và ngược lại”, TS. Nguyễn Xuân Dương nhấn mạnh.
Cũng theo TS. Nguyễn Xuân Dương, những yếu tố chính ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam giai đoạn 2025 – 2030 đó là:
1. Nhu cầu thị trường trong nước về mặt hàng thịt lợn vẫn còn khá lớn, tuy nhiên sẽ theo xu hướng giảm dần, do người tiêu dùng chuyển sang sử dụng các loại thực phẩm khác, như: gia cầm, tôm, cá, thịt đỏ, đạm thực vật.
2. Ngoài sự cạnh tranh với các mặt hàng thực phẩm khác, chăn nuôi lợn trong nước còn phải cạnh tranh ngày càng lớn với các sản phẩm thịt lợn nhập khẩu đang ngày càng gia tăng (Trung bình từ 15-20%/năm).
3. Dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi vẫn còn diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho người chăn nuôi. Chăn nuôi ATSH vẫn là biện pháp quyết định trong kiểm soát bệnh dịch tả lợn châu Phi.
4. Kiểm soát môi trường và khí nhà kính sẽ gia tăng áp lực cho ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn và trâu, bò. Vấn đề kiểm kê khí nhà kính trong chăn nuôi là tự nguyện hay bắt buộc sẽ là vấn đề tranh luận, nếu không có các căn cứ thuyết phục và sự vào cuộc thực sự của người chăn nuôi, các Hội, Hiệp hội thì có thể sẽ được Nhà nước đưa các cơ sở chăn nuôi lợn có quy mô từ 3.000 con/trại vào diện phải kiểm kê khí nhà kính từ năm 2027.
5. Số hộ chăn nuôi lợn sẽ giảm, nhưng quy mô đàn lợn trong nước vẫn tăng ở mức 2-3%/năm. Quy mô đàn lợn cả nước tại thời điểm ngày 01/4/2024 là 25,54 triệu con (không tính lợn con theo mẹ); lợn thịt 22,36 triệu con; lợn nái 3,1 triệu con (trong đó, nái đẻ 2,4 triệu con); Phương thức chăn nuôi lợn trong nước sẽ đi theo xu thế:
– Chăn nuôi lợn theo chuỗi liên kết, mô hình chăn nuôi gia công cho các tập đoàn, công ty lớn. Quy mô đàn lợn khu vực chăn nuôi này chiếm tỷ trọng ngày càng cao. Mô hình chăn nuôi này có tính ổn định, ít rủi ro.
– Mô hình chăn nuôi lợn theo các hộ lớn, hộ trang trại tự phối chộn hoặc đặt hàng gia công thức ăn chăn nuôi cho các cơ sở chế biến TACN sẽ xuất hiện ngày càng nhiều và có hiệu quả tốt.
– Mô hình chăn nuôi truyền thống, tận dụng phụ phẩm của các bếp ăn tập thể. Mô hình chăn nuôi này chứa đựng nhiều rủi ro.
6. Vấn đề xây mới các cơ sở chăn nuôi lợn sẽ gặp nhiều khó khăn, do vậy những cơ sở chăn nuôi lợn hiện có sẽ có vị trí quan trọng trong việc ổn định quy mô đàn lợn, đáp ứng yêu cầu phát triển thời gian tới.
- đạm thô li>
- khí nhà kính li>
- chăn nuôi li>
- Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam li>
- CJ BIO li>
- Giảm protein thô li> ul>
- Tính ngon miệng rất quan trọng với vật nuôi
- GREENFEED phát triển bền vững từ các thực hành nông nghiệp tuần hoàn
- Ứng dụng công nghệ nâng cao chất lượng chăn nuôi dê thịt
- Nuôi bò thịt thâm canh gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm
- Những lợi ích thực tế của bã bia trong thức ăn cho bò sữa
- Một sức khỏe – Cách tiếp cận toàn diện giúp cải thiện an toàn thực phẩm
- Bảo vệ: Biogénesis Bagó: Tăng tốc tại thị trường châu Á thông qua việc thiết lập trụ sở mới tại Việt Nam
- Tầm quan trọng của dịch vụ hậu mãi trong việc tối ưu hóa hiệu suất
- Thị trường nguyên liệu thức ăn cho thú cưng: Đa dạng và chất lượng
- Những tiến bộ công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam
Tin mới nhất
T4,04/12/2024
- Tính ngon miệng rất quan trọng với vật nuôi
- GREENFEED phát triển bền vững từ các thực hành nông nghiệp tuần hoàn
- Ứng dụng công nghệ nâng cao chất lượng chăn nuôi dê thịt
- Nuôi bò thịt thâm canh gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm
- Những lợi ích thực tế của bã bia trong thức ăn cho bò sữa
- Bảo vệ: Biogénesis Bagó: Tăng tốc tại thị trường châu Á thông qua việc thiết lập trụ sở mới tại Việt Nam
- Tầm quan trọng của dịch vụ hậu mãi trong việc tối ưu hóa hiệu suất
- Thị trường nguyên liệu thức ăn cho thú cưng: Đa dạng và chất lượng
- Những tiến bộ công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam
- WHO kêu gọi tăng cường giám sát cúm gia cầm
- Bảo vệ: Biogénesis Bagó: Tăng tốc tại thị trường châu Á thông qua việc thiết lập trụ sở mới tại Việt Nam
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
- Các quy trình ngoại khoa trên heo con và những vấn đề cần lưu ý
- Bệnh Dịch tả heo châu Phi: Làm tốt An toàn sinh học đến đâu, rủi ro bệnh càng thấp tới đó!
- Quy trình xử lí chuồng trại sau khi bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
Bình luận mới nhất