[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Quản trị nguồn nhân lực hiệu quả nói chung và giữ chân nhân viên gắn bó với trang trại chăn nuôi nói riêng, luôn là bài toán lớn cho mọi loại hình doanh nghiệp, trong giới hạn bài viết này, tác giả – Chuyên gia Nguyễn Văn Ngà (ảnh), bàn đến một số khía cạnh tâm lý nhân viên.
Nhận thức sâu sắc rằng nhân viên là người đóng góp quan trọng đến thành tích sản xuất của trại chăn nuôi, hầu hết các chủ trang trại cả tư nhân hay doanh nghiệp đều chăm lo khá chu đáo cho nhân viên từ sắp xếp chỗ ở, cơm nước tươm tất, lương thưởng theo thỏa thuận. Tuy nhiên, tình trạng nhân viên trang trại chăn nuôi bỏ việc đang là vấn đề làm đau đầu không ít cấp quản lý và chủ trang trại hiện nay.
Tâm trạng ức chế khi làm việc trong trại chăn nuôi
Nhờ ứng dụng thiết bị chuồng trại và công nghệ chăn nuôi tiên tiến, mà điều kiện làm việc của nhân viên trong hầu hết các trang trại chăn nuôi ở nước ta thời nay đã nhẹ nhàng hơn nhiều so với cách đây 20 năm; và cũng không phải dầm mưa dãi nắng như làm việc trong ngành trồng trọt hay ngành xây dựng. Tuy nhiên, do đặc thù của ngành chăn nuôi là trang trại phải đặt ở vùng xa dân cư và yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn sinh học, nên gần như khi đã vào trại chăn nuôi làm việc, là phải chấp nhận cảnh cách li hoàn toàn với môi trường bên ngoài.
Trong điều kiện lý tưởng, thay cho bốn ngày nghỉ cuối tuần, hàng tháng nhân viên ở các trang trại được dồn bốn ngày nghỉ lên tục. Đó là hoàn cảnh ở các doanh nghiệp lớn có tổ chức người thay thế lúc nhân viên nghỉ ca, nhưng ở trại tư nhân thì gần như không thể nếu cả trại chỉ có một hoặc hai nhân viên, không ai bù cho ai được, đành phải ở lại trong trại 30/30 ngày. Khi có việc cần ra ngoài khỏi trang trại, trước khi vào trại làm việc trở lại, nhân viên buộc phải tuân thủ theo qui tắc an toàn sinh học, cần lưu lại tại khu cách li ít nhất 3 ngày. Vì lý do này mà cấp quản lý hoặc chủ trại rất nghiêm ngặt khi xét duyệt cho nhân viên ra vào trại, cũng vì vậy mà ngành trang trại chăn nuôi khó tìm ứng viên phù hợp để gắn bó lâu dài.
Gia tăng sự gắn bó giữa nhân viên với trang trại chăn nuôi là vấn đề đặt ra vì mục tiêu phát triển bền vững.
Với hoàn cảnh quanh năm suốt tháng nhìn quanh chỉ tiếp xúc với heo, gà và cộng thêm điều kiện ra vào trại nghiêm ngặt như vậy, tâm lý nhân viên rất ức chế, đặc biệt ở người có trạng thái tâm lý hướng ngoại, nhu cầu giao tiếp xã hội cao. Cũng có một số nhân viên làm việc trong trại chăn nuôi bị dồn nén lâu ngày, mà đỉnh điểm là bức ra nghỉ một loạt vài tuần xem như tự xả stress. Sau khi xả hết căng thẳng, họ cũng quay lại xin làm việc chỗ cũ hoặc trại chăn nuôi khác, được một thời gian thì tình trạng cũ lại tiếp tục tái diễn. Trạng thái tâm lý ức chế do bị cách li với cộng đồng, dồn nén lâu ngày làm cho nhân viên bị stress cao độ dẫn đến trạng thái tâm lý luôn muốn bức ra, bỏ chạy hay nghỉ việc.
Vậy phải làm thế nào? Trước tiên, về khía cạnh tâm lý, khi tuyển dụng nhân viên làm việc trong điều kiện làm việc “nội bất xuất – ngoại bất nhập” như trang trại chăn nuôi, bên cạnh việc kiểm tra kiến thức và kỹ năng chuyên môn, chủ trại hoặc nhà tuyển dụng cần chủ động kiểm tra kiểu trạng thái tâm lý của ứng viên để chọn người thuộc dạng hướng nội, sẽ phù hợp hơn cho điều kiện trại chăn nuôi.
Thứ hai, xây dựng các cơ sở hạ tầng chăm sóc đời sống tinh thần cho nhân viên sau giờ làm việc như khu sinh hoạt thể dục thể thao, văn nghệ… phần nào giải tỏa stress căng thẳng cho nhân viên.
Thứ ba, chủ trại hoặc cấp quản lý doanh nghiệp cần chủ động hoạch định sẵn các chương trình team building, các sự kiện giao lưu thể thao, văn hóa, văn nghệ hay du lịch định kỳ nhằm xả stress và giải tỏa tâm lý ức chế của nhân viên do quanh năm chỉ tiếp xúc với heo gà, mà không được giao tiếp với cộng đồng bên ngoài.
Đáp ứng nhu cầu học hỏi và phát triển
Trong điều kiện làm việc trong trại chăn nuôi như trên, nhân viên trại khó tiếp cận các khóa huấn luyện, đào tạo tập trung để bồi dưỡng và cập nhật kiến thức. Trong thời đại bùng nổ thông tin và công nghệ thay đổi từng giờ, được học hỏi để cải thiện kỹ năng và cập nhật kiến thức mới là nhu cầu chính đáng và thiết thực của người lao động, không chỉ riêng nhân viên trại chăn nuôi. Nếu sau một thời gian làm việc nhất định mà không được huấn luyện bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức mới, người lao động cảm thấy bị tụt hậu so với bạn bè “ở bên ngoài” hoặc so với công nghệ mới. Như vậy, động cơ nghỉ việc ở đây là nhân viên muốn đi tìm nơi làm việc có mức thu nhập tương đương và có cơ hội học tập cập nhật kiến thức kỹ năng mới.
Muốn được ghi nhận thành tích và thăng tiến trong sự nghiệp cũng là một trong những nhu cầu rất tự nhiên của mọi người, không chỉ riêng nhân viên trại. Việc ghi nhận và tôn vinh thành tích thì dễ thực hiện nhưng nếu trại chỉ dừng lại ở một qui mô nhất định nào đó thì việc thăng tiến của nhân viên gần như không có. Đặc biệt khi làm việc trong trại chăn nuôi tư nhân, nhân viên càng không có “danh phận” gì ngoài thù lao, lương thưởng nhận được. So với những bạn bè có cùng điểm xuất phát, sau một thời gian làm việc ở doanh nghiệp nọ, tập đoàn kia đã ở vị trí nọ chức vụ kia, còn bản thân họ lại không có danh phận địa vị làm cho tâm lý nhân viên cảm thấy bị “rớt lại phía sau”. Như vậy, động cơ để những nhân viên này tìm cách rời đi là tìm cơ hội thăng tiến.
Vậy phải làm sao? Để đáp ứng nhu cầu học tập bồi dưỡng kiến thức và cập nhật kỹ năng mới của nhân viên, chủ trại hay cấp quản lý trại cần chủ động tạo điều kiện và hoạch định chương trình đào tạo kiến thức mới cho nhân viên với các khóa online luôn sẵn có trên internet nên nhân viên vẫn được học mà không phải di cuyển ra ngoài trại, hoặc tập trung ngắn hạn vài ngày kết hợp với nghỉ định kỳ hàng tháng để cập nhật kiến thức và tiến bộ kỹ thuật công nghệ chăn nuôi mới. Khi nhân viên được cập nhật và ứng dụng kiến thức mới vào công việc hàng ngày sẽ góp phần nâng cao thành tích sản xuất chung của trại.
Về đáp ứng nhu cầu thăng tiến của người lao động, cấp quản lý có thể truyền thông rõ ràng về định hướng phát triển và cấu trúc của doanh nghiệp để nhân viên xác định kế hoạch phát triển sự nghiệp của bản thân. Việc này tương đối dễ hoạch định ở mô hình doanh nghiệp chăn nuôi lớn hoặc hợp tác xã nhưng lại là thách thức rất lớn đối với một trại chăn nuôi tư nhân cá thể có qui mô lao động vài người.
Nhu cầu tình cảm và gia đình
Tình cảm khác giới, yêu và được yêu là nhu cầu tâm sinh lý hết sức tự nhiên của con người. Tuy nhiên, vì lý do đảm bảo an toàn sinh học cho trại chăn nuôi, nên khi đã làm việc trong trại chăn nuôi thì phải tuân thủ qui định về cách li với cộng đồng bên ngoài, điều này cũng giới hạn luôn nhu cầu giao tiếp tình cảm của nhân viên trong trại với bạn khác giới ở bên ngoài. Đây là bài toán khó cho cả phía chủ trại hay doanh nghiệp và phía nhân viên.
Vậy phải làm sao? Chủ trại hoặc cấp quản lý doanh nghiệp có thể xem xét việc cân đối giới tính khi tuyển dụng lực lượng lao động cho trại chăn nuôi. Song việc này cũng gây ra không ít phiền toái và phức tạp trong các mối quan hệ đồng nghiệp khác giới ở trong cùng một trại chăn nuôi.
Kinh nghiệm một số doanh nghiệp và một số trại chăn nuôi qui mô lớn là tuyển dụng những cặp vợ chồng cùng làm việc chung với nhau và có tổ chức khu nội trú cho gia đình họ (vợ, chồng, con cái) nằm trong khuông viên trang trại nhưng ngoài khu chăn nuôi. Những nhân viên dạng này chỉ lo tập trung công việc, con cái của họ đã có người đưa đón đi học hành. Theo cách này thì trại chăn nuôi tư nhân qui mô nhỏ khó thực hiện.
Để chủ động hơn, khi phỏng vấn ứng viên làm việc trong trại chăn nuôi, chủ trại hoặc cấp quản lý doanh nghiệp cần tiếp xúc và phỏng vấn luôn cả bạn khác giới của họ hoặc vợ hay chồng của họ để làm rõ sự phù hợp với điều kiện làm việc trong môi trường cách li để đảm bảo an toàn sinh học. Một ứng viên phù hợp với trại chăn nuôi ngoài kiến thức và kỹ năng, phải có bạn khác giới hoặc vợ hay chồng của họ cũng chấp nhận điều kiện cách li an toàn sinh học của trại.
Nguyễn Văn Ngà
Công ty TNHH Agrocom Việt Nam
Rõ ràng, muốn giữ chân nhân viên ở lại với trại chăn nuôi, một mình chính sách lương thưởng xứng đáng cũng chưa đủ níu chân người lao động. Mong các chuyên gia tâm lý, tham gia nghiên cứu và đề xuất các giải pháp quản trị nguồn nhân lực hiệu quả, gia tăng sự gắn bó giữa nhân viên với trang trại chăn nuôi vì mục tiêu phát triển bền vững.
- ngành chăn nuôi việt nam li>
- người lao động li>
- trang trại chăn nuôi li> ul>
1 Comment
Để lại comment của bạn
- Liên minh Đổi mới ngành công nghiệp thịt heo Trung Quốc-ASEAN chính thức ra mắt
- Đồng vốn sinh lời từ mô hình kinh tế trang trại
- Hypor: Chăn nuôi heo bền vững từ con giống tốt
- Hà Tĩnh: Gần 80% trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn thiếu giấy phép môi trường
- Đồng Nai: Mô hình nuôi gà tre thảo mộc đạt OCOP đầu tiên
- Hiệu quả từ nghị quyết hỗ trợ tiêm phòng vắc-xin bảo vệ đàn vật nuôi
- Hải Dương: Đề xuất quy định các khu vực không được phép chăn nuôi thuộc nội thành
- Mô hình Nuôi heo đen sinh sản – cánh cửa mới cho người nghèo
- Áp dụng kỹ thuật mới cho mô hình chăn nuôi bò thịt vỗ béo
- Xu hướng mới của chăn nuôi công nghệ cao
Tin mới nhất
T4,13/11/2024
- Liên minh Đổi mới ngành công nghiệp thịt heo Trung Quốc-ASEAN chính thức ra mắt
- Đồng vốn sinh lời từ mô hình kinh tế trang trại
- Hypor: Chăn nuôi heo bền vững từ con giống tốt
- Hà Tĩnh: Gần 80% trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn thiếu giấy phép môi trường
- Đồng Nai: Mô hình nuôi gà tre thảo mộc đạt OCOP đầu tiên
- Hiệu quả từ nghị quyết hỗ trợ tiêm phòng vắc-xin bảo vệ đàn vật nuôi
- Hải Dương: Đề xuất quy định các khu vực không được phép chăn nuôi thuộc nội thành
- Mô hình Nuôi heo đen sinh sản – cánh cửa mới cho người nghèo
- Áp dụng kỹ thuật mới cho mô hình chăn nuôi bò thịt vỗ béo
- Xu hướng mới của chăn nuôi công nghệ cao
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
- Các quy trình ngoại khoa trên heo con và những vấn đề cần lưu ý
- Bệnh Dịch tả heo châu Phi: Làm tốt An toàn sinh học đến đâu, rủi ro bệnh càng thấp tới đó!
- Quy trình xử lí chuồng trại sau khi bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
- Bệnh gạo lợn: Những điều cần biết
Được như vậy thì tốt biết mấy