[Chăn nuôi Việt Nam] – Chiều ngày 3/4/2025, Ban Thường vụ Hội Chăn nuôi Việt Nam (Hội) đã tổ chức họp Ban thường vụ (theo hình thức trực tiếp và trực tuyến) nhằm tổng kết kết quả thực hiện công tác quý I/2025 và triển khai nhiệm vụ công tác trọng tâm quý II/2025. TS. Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam chủ trì cuộc họp.
Toàn cảnh buổi họp Ban Thường vụ Hội Chăn nuôi Việt Nam, quý I/2025
Tại cuộc họp, TS. Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch thường trực Hội đã có báo cáo tóm tắt về các hoạt động của Hội trong thời gian qua và xin ý kiến Ban Thường vụ về phương hướng công tác hoạt động của Hội trong quý II và những tháng tiếp theo.
Tăng trưởng đàn vật nuôi và diễn biến giá thịt lợn trong quý I/2025
Theo Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), quý I/2025 ghi nhận sự ổn định của ngành chăn nuôi, với đàn lợn và gia cầm tăng trưởng tích cực, đảm bảo nguồn cung trong nước. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, đến cuối tháng 02/2025, đàn lợn đạt 26,8 triệu con (tăng 3,2% so với cùng kỳ 2024), đàn gia cầm đạt 574,5 triệu con (tăng 3,4%), trong khi đàn bò và đàn trâu giảm nhẹ, lần lượt còn 6,32 triệu con (-0,5%) và 2,1 triệu con (-4,4%).
Thị trường sản phẩm chăn nuôi cũng có nhiều biến động, đặc biệt là giá thịt lợn hơi. Trong khi giá thịt và trứng gia cầm giảm mạnh cuối tháng 02, giá lợn hơi lại tăng đột biến, nhất là tại miền Nam. Cụ thể, tháng 01/2025, giá dao động từ 65.000-69.000 đồng/kg, tăng 10-12% so với cuối năm 2024; đến tháng 02, giá tiếp tục tăng lên 72.000-75.000 đồng/kg (15-18%). Đầu tháng 3, giá chạm mức cao nhất trong ba năm, đặc biệt tại Đồng Nai đạt 83.000 đồng/kg. Tuy nhiên, từ trung tuần tháng 3, giá có dấu hiệu chững lại và giảm nhẹ, hiện dao động từ 74.000-81.000 đồng/kg tùy vùng.
So với các nước trong khu vực, giá thịt lợn hơi tại Việt Nam đang cao hơn Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar (55.000-63.000 đồng/kg) nhưng vẫn thấp hơn Philippines (100.000-115.000 đồng/kg). Với mức giá này, người chăn nuôi có thể đạt lợi nhuận 15.000-20.000 đồng/kg. Nguyên nhân tăng giá được cho là do ảnh hưởng của dịch bệnh cuối năm 2024 làm giảm đàn nái tại miền Nam, cùng với chính sách siết chặt kiểm soát môi trường và quản lý chăn nuôi tại Đông Nam Bộ. Ngoài ra, việc tăng cường kiểm soát nhập lậu lợn hơi và thịt lợn cũng góp phần tác động đến nguồn cung trên thị trường.
Kết quả công tác Hội quý I/2025
Trong quý I/2025, Văn phòng Hội đã phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo, quản lý thu chi theo quy định, thu hội phí đạt 35% kế hoạch năm.
Công tác tư vấn phản biện
Hội tiếp tục theo đuổi kiến nghị bãi bỏ thủ tục công bố hợp quy và sửa đổi Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa. Nhiều hội thảo đã được tổ chức, thu hút sự tham gia của các đại biểu cấp cao, bao gồm đại diện Quốc hội và Chính phủ. Chủ tịch Hội đã phát biểu tại các diễn đàn quan trọng và tham gia các chương trình truyền thông trên VTV1, VOV.
Ngoài ra, Hội đã phối hợp với nhiều Hiệp hội ngành nghề để gửi kiến nghị lên lãnh đạo Đảng, Chính phủ, tạo hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ. Đồng thời, Hội cũng phản đối việc giảm thuế nhập khẩu đùi gà đông lạnh từ 20% xuống 15% nhằm bảo vệ ngành chăn nuôi gia cầm trong nước.
Công tác truyền thông, phổ biến kiến thức
Thời gian qua, Tạp chí KHKT Chăn nuôi đã phát hành đúng tiến độ các ấn phẩm, đồng thời phối hợp tổ chức thành công Diễn đàn “Liên minh đổi mới ngành chăn nuôi lợn Trung Quốc – ASEAN” với hơn 100 đại biểu tham dự. Hội cũng hợp tác với Viện Chăn nuôi để chuẩn bị cho Hội nghị Khoa học chăn nuôi Á – Úc lần thứ 21 năm 2026 tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Hội đã ký thỏa thuận hợp tác với các đơn vị truyền thông để tổ chức triển lãm VIETSTOCK 2025 và hội thảo ILDEX 2026.
Công tác nghiên cứu khoa học
Hội đang triển khai đề tài nghiên cứu khoa học cấp Liên hiệp Hội về “Cơ cấu tiêu dùng các loại thực phẩm cung cấp đạm động vật chính của người Việt Nam” và đã hoàn tất bước lập đề cương.
Công tác hợp tác quốc tế
Hội đã hoàn tất văn bản thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội TĂCN Hoa Kỳ và đang triển khai khảo sát năng lực các Hội phía Việt Nam. Ngoài ra, Hội cũng chuẩn bị tổ chức Hội thảo “Đổi mới sáng tạo trong chăn nuôi bò sữa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ” vào tháng 4/2025 với sự tài trợ của phía Hoa Kỳ.
Công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị AAAP 21-2026
Hội đã bàn bạc chi tiết với đơn vị tổ chức sự kiện, thiết lập website chính thức và xây dựng dự toán chi phí cho Hội nghị Khoa học chăn nuôi quốc tế AAAP 21-2026. Các bước tiếp theo sẽ được triển khai theo kế hoạch.
Đẩy mạnh công tác chuyên môn và hợp tác quốc tế trong quý II/2025
Công tác văn phòng
Văn phòng Hội tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu, theo dõi, tổng hợp, đôn đốc các bộ phận thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo công tác lãnh đạo, điều hành của Hội. Đã hoàn thành báo cáo quyết toán thuế 2024, phê duyệt kế hoạch thu chi 2025 và đẩy mạnh thu hội phí, đạt tiến độ theo kế hoạch. Đồng thời, phối hợp chuẩn bị tổ chức các đoàn công tác thăm và làm việc với doanh nghiệp, Hiệp hội thành viên khu vực phía Bắc.
Công tác tư vấn, phản biện
Hội tiếp tục tích cực thúc đẩy các kiến nghị sửa đổi các Luật và bãi bỏ thủ tục công bố hợp quy, tận dụng tiến triển tích cực của các cơ quan quản lý để đạt kết quả tốt nhất.
Công tác truyền thông, phổ biến kiến thức
Chuẩn bị tổ chức hội thảo về chăn nuôi bò sữa tại Hà Nội, hợp tác với Phòng Nông nghiệp Đại sứ quán Hoa Kỳ và các Hiệp hội Hoa Kỳ.
Tạp chí KHKT Chăn nuôi và Trung tâm CAAT hoàn thiện Đề án “Giải thưởng Chăn nuôi Xanh” trình Thường trực Hội.
Hoàn thành kế hoạch xuất bản các ấn phẩm định kỳ của Tạp chí KHKT Chăn nuôi, Đặc san Chăn nuôi Việt Nam và Bản tin Người nuôi tôm.
Chuyển đổi Tạp chí KHKT Chăn nuôi sang cơ chế tự chủ tài chính từ quý II/2025.
Chuẩn bị tổ chức Hội thảo đầu bờ tiền ILDEX về chăn nuôi lợn tại miền Bắc và miền Nam, phối hợp cùng Công ty ITEC.
Công tác nghiên cứu khoa học
Viện KHKT Chăn nuôi phối hợp Trung tâm CAAT hoàn tất thủ tục để triển khai đề tài nghiên cứu “Hiện trạng cơ cấu tiêu dùng thực phẩm cung cấp đạm động vật tại Việt Nam”.
Công tác hợp tác quốc tế
Hoàn tất lựa chọn Công ty KIS làm nhà thầu tư vấn chính thức trong thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội Công nghiệp TĂCN Hoa Kỳ.
Hỗ trợ điều tra khảo sát các thành viên Hội Chăn nuôi và Hiệp hội TĂCN theo nội dung hợp tác đã thống nhất.
Công tác chuẩn bị Hội nghị AAAP 21-2026
Thường vụ Hội đã thông qua phương án tổ chức, thời gian, địa điểm (28-31/10/2026 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia).
Hoàn tất lựa chọn Công ty tổ chức sự kiện, ký hợp đồng đặt cọc địa điểm. Thành lập Ban cố vấn và Ban tổ chức với các tiểu ban chuyên môn. Chốt chủ đề hội nghị, các nội dung chuyên đề, xây dựng video giới thiệu sự kiện. Xây dựng trang web chính thức của AAAP 21-2026 và triển khai kế hoạch truyền thông. Xây dựng phương án thu hút tài trợ và chuẩn bị nội dung các báo cáo khoa học trong và ngoài nước.
Hội Chăn nuôi Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đảm bảo hoàn thành các kế hoạch đề ra.
Tại cuộc họp, các đồng chí trong Ban Thường vụ Hội đã cho ý kiến về việc kiện toàn Ban Thường vụ Hội do PGS.TS Cao Văn thôi giữ chức Trưởng ban Khoa học công nghệ của Hội và đề xuất các nhân sự thay thế.
Ban Thường vụ Hội trân trọng trao tặng hoa, ghi nhận những đóng góp quý báu của PGS. TS Cao Văn trong thời gian đảm nhiệm vị trí Trưởng ban Khoa học Công nghệ của Hội
Thu Hằng
Nâng cao tiếng nói của Hội Chăn nuôi Việt Nam
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y:
Trong thời gian qua, Hội đã tích cực tham gia phản biện chính sách, bảo vệ quyền lợi cho các thành viên trong các vấn đề về tiêu chuẩn, quy chuẩn, thị trường và nhận được sự quan tâm lớn của các cấp, các ngành.
Để nâng cao tiếng nói và năng lực của Hội, Hội cùng các doanh nghiệp hàng đầu cần chủ động phối hợp với cơ quan quản lý để thực hiện nhiệm vụ tham mưu, tư vấn, phản biện sửa đổi Luật và các văn bản dưới Luật, bao gồm Luật Chăn nuôi, Luật Thú y cùng các tiêu chuẩn, quy chuẩn còn nhiều bấp cập.
Đây là thời điểm quan trọng để Hội và Hiệp hội phát huy vai trò của mình. Nếu cần điều chỉnh Luật Thú y hoặc xem xét lại mức thuế 5% đối với sản phẩm chăn nuôi sơ chế, thì đây chính là cơ hội để đề xuất sửa đổi.
Ông Đào Mạnh Lương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Mavin:
Thời gian qua, Hội đã thể hiện sự đoàn kết mạnh mẽ khi đồng loạt gửi kiến nghị đến Chính phủ và Quốc hội, tạo ra sức mạnh cộng hưởng giúp lãnh đạo Đảng và Nhà nước chú trọng, quan tâm hơn đến ngành chăn nuôi. Điều này không chỉ tạo động lực phát triển mà còn củng cố niềm tin cho doanh nghiệp và người chăn nuôi, đồng thời cần được tiếp tục phát huy trong tương lai.
Thị trường Việt Nam hiện mở cửa cho sản phẩm nhập khẩu, khiến doanh nghiệp trong nước phải tối ưu chi phí sản xuất để duy trì cạnh tranh. Các Hiệp hội cần tập trung giải quyết những vấn đề chung mà doanh nghiệp và nông dân gặp phải, đặc biệt là giảm giá thành sản xuất.
Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thách thức này, cần tập trung vào hai giải pháp: Duy trì thuế nhập khẩu hợp lý, tạo bệ đỡ cho doanh nghiệp có thời gian nâng cao năng lực cạnh tranh và ứng dụng tiến bộ khoa học; Giảm thiểu chi phí sản xuất chung và đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp.
Hiệp hội cần đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu thủ tục hành chính phức tạp và bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp trong nước. Công tác phản biện cũng cần được chú trọng trong việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do, bảo vệ ngành nông nghiệp khỏi những rủi ro khi mở cửa thị trường.
Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam:
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, tôi đánh giá cao vai trò phản biện của Hội Chăn nuôi Việt Nam trong các vấn đề liên quan đến nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi (chính ngạch và tiểu ngạch), thuế VAT, hợp quy TĂCN, thuốc thú y. Sự phối hợp giữa Hội và các cơ quan truyền thông đã mang lại hiệu quả tích cực cho ngành, doanh nghiệp và người chăn nuôi.
Đã có thời điểm, nếu không có tiếng nói kịp thời của Hội, sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu chính ngạch và nhập lậu có thể tràn lan, gây khó khăn cho ngành chăn nuôi trong nước và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Ông Hà Văn Minh, Tổng Giám đốc Gold Coin Việt Nam:
Hiệp hội cần nghiên cứu và thảo luận kỹ lưỡng về tác động của việc Hoa Kỳ áp thuế 46% lên hàng hóa Việt Nam trong đó có tác động đến ngành chăn nuôi. Cần đưa ra các khuyến cáo cho doanh nghiệp về các biện pháp phòng vệ phù hợp.
Ngoài ra, Hiệp hội nên nghiên cứu, đề xuất xây dựng các hàng rào kỹ thuật và đề xuất giảm thuế nhập khẩu để cân bằng cán cân thương mại, khi Việt Nam hiện đang xuất siêu lớn sang Hoa Kỳ. Chính phủ có thể sẽ phải giảm thuế nhập khẩu, đặc biệt là thuế đối với sản phẩm thịt, dẫn đến việc nhập khẩu thịt vào Việt Nam gia tăng.
Hiệp hội cũng nên tổ chức các hội thảo, mời chuyên gia phân tích và tìm ra giải pháp để giúp doanh nghiệp có những biện pháp phòng vệ hiệu quả nhất.
T.H (ghi)
- Bộ trưởng Đỗ Đức Duy làm việc với 9 Hội/Hiệp hội về hợp quy sản phẩm hàng hóa
- Chi bộ cơ quan Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2025 – 2027
- Hội Chăn nuôi Việt Nam thăm và làm việc tại Viện Chăn nuôi
- 9 Hội/Hiệp hội kiến nghị Tổng Bí thư Tô Lâm bỏ công bố hợp quy sản phẩm hàng hóa
- Hội Chăn nuôi Việt Nam: Chuyển mình trong kỷ nguyên mới
- Sửa đổi Luật TCQC và Luật CLSP: Cơ hội tháo gỡ những nút thắt, bất cập
- Phát sinh hàng trăm nghìn tỷ đồng và hàng triệu ngày chờ đợi của doanh nghiệp, VUSTA kiến nghị Quốc hội bỏ hợp quy sản phẩm
- Chủ tịch VUSTA chúc Tết Hội Chăn nuôi Việt Nam: Kỳ vọng ngành phát triển mạnh mẽ
- Lời tri ân từ MiXscience Asia
- Hội Chăn nuôi Việt Nam: Phản biện chính sách vì quyền, lợi ích hợp pháp của người chăn nuôi và doanh nghiệp
Tin mới nhất
T4,09/04/2025
- Tân Sao Á: 20 năm chinh phục thị trường
- Cục Thống kê: Nguồn cung thịt lợn sẽ đáp ứng tiêu dùng
- Cải thiện chất lượng bò thịt tại Việt Nam theo tiêu chuẩn Pháp
- Hà Nội chủ động phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm lây sang người
- Giá sản phẩm chăn nuôi (giá tại trại) cả nước ngày 08/04/2025
- Sunjin Vina: Chính thức hoạt động trại công nghệ cao quy mô 2.400 nái tại Thái Nguyên
- Bản tin thị trường ngành thịt trong nước và thế giới tháng 3/2025
- Rong biển có phải là giải pháp khả thi để giảm phát thải khí mê-tan không?
- Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đề xuất giải pháp tăng nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ
- Bất cập quản lý chất thải chăn nuôi lợn và lỗ hổng của quy chuẩn kỹ thuật
- Chẩn đoán sức khỏe đường ruột nhanh chóng với công nghệ tiên tiến từ Orffa & Florates
- VIV ASIA 2025: Giao thoa công nghệ và cơ hội đưa ngành chăn nuôi Việt Nam vươn tầm quốc tế
- Tannin thủy phân: Giải pháp hoàn hảo cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh
- Biogénesis Bagó: Tăng tốc tại thị trường châu Á thông qua việc thiết lập văn phòng khu vực tại Việt Nam
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
Bình luận mới nhất