Thị trường thức ăn chăn nuôi được đánh giá như “miếng bánh ngon” còn nhiều dư địa để khai thác. Tuy nhiên, đến năm 2019, dịch tả lợn châu Phi hoành hành khiến một số “đại gia” ngoại và nội trong ngành chuyển sang phát triển thị trường ngách để thoát khủng hoảng.
Theo đánh giá về triển vọng ngành thức ăn chăn nuôi (TACN) Việt Nam của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), ngành TACN Việt Nam vẫn được kỳ vọng sẽ tăng trưởng nhẹ trong năm 2019, nhưng chủ yếu do tăng trưởng cao hơn trong ngành thức ăn thủy sản, gà thịt và dự báo sẽ đi ngang trong năm 2020.
Thị trường 10,5 tỷ USD
Mới đây, ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, (Bộ NN&PTNN), cho biết ngành chăn nuôi Việt Nam đã thực sự trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn và chuyển dịch nhanh theo hướng trang trại, công nghiệp chiếm trên 45% về quy mô và trên 60% về sản lượng. Hiện đã hình thành nhiều ngành công nghiệp nền tảng cho phát triển chăn nuôi thời gian qua và những năm tiếp sau, trong đó công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi, chế biến sữa đứng đầu trong các nước ASEAN.
Tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi luôn giữ mức cao trong nhiều năm qua, trung bình 5 – 6%/ năm, góp phần duy trì mức tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp, đáp ứng cơ bản nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong nước thay thế nhập khẩu và bước đầu cho xuất khẩu (XK). Do đó, đây là thị trường tiềm năng cho ngành TACN phát triển.
Tuy nhiên, sản lượng nguyên liệu làm thức ăn cho ngành chăn nuôi như ngô và đậu tương trong nước chỉ đáp ứng được 50-55% nhu cầu sản xuất chế biến TACN trong nước, nên nguồn thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.
Năm 2018, ước tính 70% tổng nguồn nguyên liệu thô làm thức ăn chăn nuôi, bao gồm thức ăn chăn nuôi công nghiệp, là từ nguồn nhập khẩu, theo dự báo của USDA, con số này trong năm 2019 sẽ lên tới 79%.
Kim ngạch nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu năm 2018 của Việt Nam đạt 3,91 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2017.
Theo báo cáo của Grand View Research, những năm gần đây, ngành TACN tăng trưởng và phát triển khá tốt với mức tăng trung bình đạt 13 – 15%/năm. Dự kiến đến năm 2020, quy mô thị trường của Việt Nam sẽ đạt mức 10,55 tỷ USD và cần tới 25 – 26 triệu tấn TACN.
Các chuyên gia đánh giá tiềm năng cho thị trường TACN là rất lớn. Ông Dương cho biết, trong nông nghiệp hiện nay, chăn nuôi là lĩnh vực thu hút đầu tư xã hội lớn nhất mà phần lớn đều do tư nhân đầu tư, nhất là lĩnh vực sản xuất TACN với trên 99% vốn đầu tư là của tư nhân.
Đáng lưu ý là sự đổ bộ của nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI) và các DN này không ngừng mở rộng quy mô. Hiện, cả nước có trên 20 DN lớn chuyên sản xuất TACN có vốn FDI, chiếm tới hơn 70% thị phần, đứng đầu là Cargill, CP, Proconco (Pháp)… Gần 180 DN của Việt Nam chiếm gần 30% thị phần còn lại và số thị phần này cũng đang có nguy cơ sụt giảm trước sự mở rộng quy mô của DN ngoại.
Chẳng hạn, cuối năm ngoái, Tập đoàn Sunjin Việt Nam tiếp tục đưa vào hoạt động nhà máy TACN thứ 4 tại Hà Nam với tổng vốn đầu tư 25 triệu USD, công suất 240.000 tấn sản phẩm/năm. Ba nhà máy còn lại đang hoạt động ở các tỉnh Hưng Yên, Tiền Giang và Đồng Nai
Tương tự, tháng 12 năm ngoái, Leong Hup International Bhd thuộc Tập đoàn Emivest Feedmill Vietnam cũng khai trương nhà máy sản xuất TACN thứ tư của mình với công suất 1,1 triệu tấn/năm để chiếm lĩnh thị phần lớn hơn trong ngành chăn nuôi…
Gần đây, các tập đoàn trong nước như: Masan, Hòa Phát, Hùng Vương… cũng có sự đầu tư lớn vào ngành sản xuất TACN với mong muốn “lội ngược dòng”, giành lại thị phần từ các DN FDI.
Cụ thể, Masan đã mua lại Proconco, Anco. Green Feed vươn lên vị trí cung ứng TACN lớn thứ 2 trên cả nước và trở thành tập đoàn Việt Nam lớn nhất trong sản xuất TACN.
Tuy nhiên, trong năm nay, dịch tả lợn châu Phi bùng phát, đặc biệt vào thời điểm nửa đầu năm, tác động nặng nề trực tiếp đến người nông dân và gián tiếp tới các DN sản xuất TACN.
Ngành TACN có mức tăng trưởng trung bình 13 – 15%/năm
Chuyển hướng thị trường ngách
Sản lượng sản xuất, tiêu thụ của các DN, đại lý TACN ghi nhận sụt giảm mạnh 30-50% do dịch tả lợn châu Phi… Đến nay, cơ quan chức năng vẫn khuyến cáo người nông dân, các trang trại cẩn trọng tái đàn, bởi dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Phùng Đức Tiến khẳng định: “Vấn đề dịch tả lợn châu Phi phải xác định song hành lâu dài vì chưa có thuốc chữa nhưng nếu có lựa chọn đúng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học và tái cơ cấu ngành hợp lý thì hoàn toàn có thể khắc phục và hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra”.
Hiện nay, tại một số địa phương, việc tái đàn lợn đang được thận trọng cân nhắc. Cụ thể, tại tỉnh Đồng Tháp, chính quyền địa phương yêu cầu người chăn nuôi trước khi tái đàn phải xây dựng, sửa chữa, nâng cấp chuồng trại đảm bảo các điều kiện an toàn sinh học; có hố tiêu độc, khử trùng ở lối ra, vào; có khu vực cách ly để vệ sinh, tiêu độc khử trùng con người và phương tiện trước khi ra, vào trại.
Có thể thấy, thời gian tới, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khó có cơ hội quay lại thị trường. Trước tình hình trên, nhiều DN TACN phải chuyển hướng sang thị trường ngách.
Ông Trần Trọng Quang, Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh Tập đoàn TACN Vina (Vinafeed), cho biết để tồn tại, các trang trại chăn nuôi sẽ phải cơ cấu theo hướng quy mô lớn. Về phía các DN TACN cũng phải đa dạng hóa sản phẩm (tăng sản lượng cám gà, vịt, thủy sản…) để san sẻ rủi ro. Đồng thời, phải giảm giá, khuyến mãi, tăng cường quản lý chi phí để duy trì sức cạnh tranh; thậm chí phải xem xét đầu tư các trang trại quy mô để hỗ trợ thị trường.
Ông Vũ Văn Hiệp, Giám đốc Hành chính, Nhân sự của CTCP Việt Pháp, cho biết trước dịch tả lợn châu Phi, công ty sản xuất TACN cho lợn chiếm 30% các sản phẩm, nhưng từ khi xuất hiện dịch, lượng sản phẩm tiêu thụ mặt hàng cám chăn nuôi lợn bị sụt giảm nghiêm trọng, còn khoảng 15% so với trước.
“Để duy trì sản lượng, công ty tăng sản lượng các sản phẩm khác để bù lại sản lượng TACN lợn”, ông Hiệp cho hay.
Tại buổi lễ khánh thành nhà máy TACN có vốn đầu tư 20 triệu Euro nằm trong khu công nghiệp Hòa Mạc (Hà Nam), ông Pierre Duprat – Chủ tịch nhóm ngành Dinh dưỡng Vật nuôi của Tập đoàn ADM, cho biết đây là nhà máy thứ 5 của Tập đoàn tại Việt Nam, với công suất thiết kế ước đạt 300.000 tấn TACN/năm.
Song, theo ông Pierre Duprat, nhà máy không chỉ sản xuất thức ăn cho lợn, gia cầm, thủy sản mà còn mở rộng sang các phân khúc như thức ăn cho thỏ, cho ngựa, cho chó… Đây là chiến lược của ADM trong việc đi sâu vào thị trường ngách. Phân khúc thị trường ngách còn rất tiềm năng, mới bắt đầu khai mở.
Theo Huyền Anh
Nguồn: Thời báo Kinh doanh
Ông Phạm Đức Bình – Phó Chủ tịch Hội TACN Việt Nam
Các DN sản xuất TACN suy giảm sản lượng ít nhất 30%. Ngoài nguyên nhân người chăn nuôi lo sợ bán tháo thì còn nguyên nhân nữa là chưa xác định được cơ chế lây lan từ đâu qua đâu, lây qua đường nào. Do vậy, xuất hiện cả mối lo lây lan qua thức ăn, đặc biệt là bột thịt. Các công ty sản xuất thức ăn chưa hẳn cấm sử dụng nhưng nhiều người đề phòng không nhập hàng nữa. Nói chung ảnh hưởng một chuỗi từ người bán nguyên liệu, người sản xuất, người chăn nuôi.
Ông Nguyễn Huy Đăng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội
Trước mắt, DN sản xuất, kinh doanh TACN nên cắt giảm tối đa chi phí sản xuất, tận dụng nguyên liệu sẵn có để giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh. Còn các trang trại chăn nuôi, thay vì sử dụng toàn bộ cám công nghiệp nên tự phối trộn thức ăn bằng những nguyên liệu sẵn có ở địa phương để giảm chi phí sản xuất. Về lâu dài, các DN, cơ sở sản xuất TACN cần đa dạng hóa các loại sản phẩm như: cám gà, vịt, thủy sản… để đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Ông Đặng Văn Minh – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Nghệ An
Thời điểm hiện tại chưa được tái đàn, bà con phải chờ ít nhất là 6 tháng để khử trùng chuồng trại, tiêu diệt mầm bệnh. Trong thời gian đó, nhiều người chuyển hướng sang chăn nuôi trâu, bò, dê (đối với các địa phương vùng nông thôn, miền núi) hoặc nuôi gà theo hướng an toàn sinh học… Vì vậy, các cơ sở TACN cũng cần nắm bắt xu hướng này để đa dạng hóa các mặt hàng, giảm thức ăn cho lợn, tăng nguồn thức ăn và các loại thuốc thú y cho trâu, bò, dê, gà, thủy sản…
- tacn li>
- thức ăn chăn nuôi li> ul>
- Thoát nghèo bền vững nhờ nuôi bò sinh sản
- Nhập khẩu đậu tương 11 tháng năm 2024 tăng khối lượng, giảm trị giá
- Bệnh xuất huyết thỏ (Rabbit haemorrhagic disease – RHD)
- Tập đoàn Nhật Sojitz khai trương nhà máy chế biến thịt bò mát 10.000 tấn tại Tam Đảo
- Ảnh hưởng của nguồn cung cấp natri không chứa clo
- Lượng ngô nhập khẩu 11 tháng năm 2024 tăng gần 33%
- Nuôi lợn đen bản địa ở Nà Mu
- Giá sản phẩm chăn nuôi (giá tại trại) cả nước ngày 17/12/2024
- Roadshow giới thiệu triển lãm Petfair Vietnam 2025
- Toàn Thắng Corp: Mãnh liệt tinh thần, khát vọng Việt
Tin mới nhất
T5,19/12/2024
- Thoát nghèo bền vững nhờ nuôi bò sinh sản
- Nhập khẩu đậu tương 11 tháng năm 2024 tăng khối lượng, giảm trị giá
- Bệnh xuất huyết thỏ (Rabbit haemorrhagic disease – RHD)
- Tập đoàn Nhật Sojitz khai trương nhà máy chế biến thịt bò mát 10.000 tấn tại Tam Đảo
- Ảnh hưởng của nguồn cung cấp natri không chứa clo
- Lượng ngô nhập khẩu 11 tháng năm 2024 tăng gần 33%
- Nuôi lợn đen bản địa ở Nà Mu
- Giá sản phẩm chăn nuôi (giá tại trại) cả nước ngày 17/12/2024
- Tăng cường giám sát dịch bệnh động vật, mở rộng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh
- Toàn Thắng Corp: Mãnh liệt tinh thần, khát vọng Việt
- Biogénesis Bagó: Tăng tốc tại thị trường châu Á thông qua việc thiết lập văn phòng khu vực tại Việt Nam
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
- Các quy trình ngoại khoa trên heo con và những vấn đề cần lưu ý
- Bệnh Dịch tả heo châu Phi: Làm tốt An toàn sinh học đến đâu, rủi ro bệnh càng thấp tới đó!
- Quy trình xử lí chuồng trại sau khi bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
Bình luận mới nhất