Cỏ Alfalfa, loài cỏ được thế giới mệnh danh là “nữ hoàng thức ăn chăn nuôi” (TĂCN), đặc biệt là cung cấp cho trang trại bò sữa. Cỏ Alfalfa trồng thử nghiệm tại Thanh Trì (Hà Nội) cho kết quả hết sức khả quan. Một chương trình nghiên cứu đang hé mở triển vọng có thể tạo nên bước đột phá nhằm đưa loài cỏ này phát triển tại Việt Nam.
Cỏ Alfalfa trồng thử nghiệm tại Thanh Trì (Hà Nội) cho kết quả hết sức khả quan
“Bà hoàng” thức ăn chăn nuôi
Cỏ Alfalfa (Medicago sativa L.) còn có tên là cỏ Linh lăng, thuộc họ Đậu (Fabaceae) là cây thức ăn chăn nuôi quan trọng ở nhiều nước trên thế giới.
Cỏ có các thành phần dinh dưỡng phong phú như Acid amin, Vitamin, Protein, Betacaroten, Acid hữu cơ, Ancaloid, Fitoleid… Tất cả 12 acid amin không thay thế đều có hàm lượng khá cao trong Alfalfa.
Đây là các yếu tố vi lượng tự nhiên bảo đảm cho các vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng kháng bệnh cao. Chỉ cần 10 – 20% trong khẩu phần thức ăn thì gà mẹ, chim cảnh rất mắn đẻ, trứng có lòng đỏ to, màu đỏ đậm, tỉ lệ nở con cao.
Đặc biệt, đây là nguồn thức ăn không thể thiếu trong ngành chăn nuôi bò sữa. Chỉ cần 15 – 20% khẩu phần thức ăn thô cho bò sữa, loài cỏ này có thể giúp bò sữa tăng thêm 15 – 20% lượng sữa/ngày với chất lượng tuyệt hảo.
Các chuyên gia chăn nuôi trên thế giới do đó đã suy tôn cỏ Alfalfa là “nữ hoàng” trong TĂCN.
Tại VN, cỏ Alfalfa là nguồn thức ăn không thể thiếu đối với các DN chăn nuôi bò sữa, nhưng do không trồng được nên hàng năm vẫn phải NK.
Theo Cục Chăn nuôi, năm 2014, các DN chăn nuôi bò sữa lớn như TH True Milk, Vinamilk, Mộc Châu… đã phải NK trên 850 nghìn tấn cỏ Alfalfa, trị giá trên 5 triệu USD và nhu cầu ngày càng tăng chóng mặt với tốc độ 15 -20%/năm, đặc biệt trong bối cảnh ngành nuôi bò sữa của VN đang phát triển như vũ bão.
Các nước XK cỏ Alfalfa lớn chủ yếu là Mỹ, Argentina, Canada… Theo các DN nhập khẩu cỏ Alfalfa, hiện giá cỏ NK về nước không hề rẻ, dao động từ 450 – 500 USD/tấn nhưng họ buộc phải “bấm bụng”.
Cỏ Alfalfa trồng thử nghiệm tại Thanh Trì (Hà Nội) cho kết quả hết sức khả quan.
Việc đưa cỏ Alfalfa vào trồng tại VN không phải trước đây chưa từng được các tổ chức nghiên cứu tính tới, tuy nhiên hầu hết đều đổ vỡ vì nhiều nguyên nhân.
Ông Lê Bá Lịch, nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: Từ năm 1967 – 1968, ông và nhóm cộng sự đã chủ trì chương trình đưa cỏ Alfalfa về trồng thử tại xã Nam Giang (huyện Nam Trực, Nam Định).
Kết quả trồng thử lúc đó cho thấy cỏ Alfalfa cho năng suất khá cao, hơn 10 tấn/ha, thích nghi trên đất pha cát, phải tưới ẩm nhưng không bị ngập úng, thời vụ thích hợp là tiết khô lạnh đầu mùa đông.
Theo ông Lịch, kết quả đó cho thấy cỏ Alfalfa có thể trồng được ở VN. Tuy nhiên do cơ chế bao cấp, quản lý lỏng lẻo nên sau đó không còn duy trì được nguồn giống.
Bên cạnh đó, do chăn nuôi nhiều thập kỷ dài sau đó đình trệ nên việc nghiên cứu cỏ Alfalfa chìm vào quên lãng.
Theo ông Lê Bá Lịch, với tình hình ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi bò sữa của VN đang phát triển rất mạnh, việc tái khởi động nghiên cứu nhằm từng bước nội địa hóa SX cỏ Alfalfa là yêu cầu gấp rút.
Từ năm 2005 – 2008, một số nhóm nghiên cứu trong khuôn khổ các chương trình hợp tác thuộc lĩnh vực chăn nuôi đã tiếp tục tái khởi động nghiên cứu cỏ Alfalfa, trong đó trồng thử tại nhiều địa phương phía Bắc như Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hà Nam, Bắc Ninh và vào cả tỉnh Lâm Đồng.
Kết quả cho thấy ở một số nơi (mô hình thử nghiệm tại Hà Nam và Lâm Đồng) cho kết quả tốt. Tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), một số đề tài nghiên cứu cho thấy sau hơn 3 tháng gieo hạt, cỏ cao từ 60 – 80 cm và cho thu hoạch lứa đầu với năng suất cỏ tươi từ 12 – 14 tấn/ha, các lứa tái sinh có năng suất cao hơn lứa một…
Tuy nhiên tại nhiều nơi thử nghiệm tại phía Bắc, cỏ phát triển kém, bị sâu bệnh tấn công.
Hé mở hy vọng
Đánh giá về việc vì sao đến nay, việc nghiên cứu một cây TĂCN quan trọng như cỏ Alfalfa vẫn chưa đi tới đầu tới đũa, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm (Viện Khoa học nông nghiệp VN), kiêm GĐ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Đậu đỗ đánh giá, hiện bộ giống cỏ Alfalfa của thế giới hết sức đa dạng với hàng trăm giống khác nhau.
Trong đó có giống thích hợp với khí hậu nóng ẩm tương tự VN được SX tại các nước Nam Mỹ, Trung Đông, có giống thích hợp với điều kiện khô, lạnh như các nước Bắc Mỹ, có giống dành cho khí hậu lạnh như ở Nga…
Ngay cả Trung Quốc có điều kiện khí hậu nhiều nơi khá tương đồng với một số vùng của VN cũng đã phát triển được diện tích cỏ Alfalfa lên tới 1,3 triệu ha, với hàng trăm giống khác nhau. Điều này cho thấy VN hoàn toàn có thể trồng được cỏ Alfalfa.
“Các nghiên cứu trước đây chủ yếu chỉ tiến hành trên một vài giống nên có thể chưa tìm ra giống thích hợp cho từng vùng sinh thái, đặc biệt là thời gian nghiên cứu mới chỉ 1 – 2 vụ nên chưa đánh giá hết đặc điểm sinh học của các giống, cũng như không duy trì được nguồn giống cho các vụ sau”, ông Thắng nhận định.
Nhận thấy nhu cầu cấp thiết của cỏ Alfalfa, đầu năm 2015, Bộ NN-PTNT đã đồng ý giao Viện trưởng Viện Cây lương thực – Cây thực phẩm triển khai đề tài nghiên cứu chọn tạo giống cỏ Alfalfa nhập nội làm TĂCN do Th.S Nguyễn Văn Thắng làm Chủ nhiệm đề tài.
Từ tháng 3/2015, Viện đã NK tổng cộng 38 giống cỏ Alfalfa từ các nước có điều kiện sinh thái tương đồng với VN như Argentina, Mỹ, Úc, Trung Quốc, Jodan, Đài Loan, Canada, Ấn Độ.
Theo thống kê, năm 2009 cỏ Alfalfa được trồng khoảng 30 triệu ha trên toàn thế giới, trong đó Bắc Mỹ chiếm 41% (11,9 triệu ha); châu Âu 25%; Nam Mỹ 23%; châu Á, châu Phi và châu Đại Dương 8%. Hoa Kỳ có diện tích lớn nhất với 9 triệu ha; kế đến là Argentina 6,9 triệu ha, Canada 2 triệu ha, Nga 1,8 triệu ha, Ý 1,3 triệu ha và Trung Quốc 1,3 triệu ha.
Kết quả nghiên cứu thử nghiệm 38 giống cỏ Alfalfa nhập nội ở 3 vùng: ĐBSH (Thanh Trì- Hà Nội), duyên hải Nam Trung bộ (Quy Nhơn- Bình Định) và Đông Nam bộ (Đồng Nai) trong 6 tháng đầu năm 2015 cho thấy, cỏ Alfalfa có thể sinh trưởng tốt trong điều kiện sinh thái nước ta.
Tại Hà Nội, đã bước đầu lựa chọn được một số giống có khả năng sinh trưởng rất tốt.
Cỏ gieo gieo sau 60 – 70 ngày đã cho thu hoạch đợt đầu với năng suất 11 tấn tươi/ha, tương đương với 2,2 – 2,5 tấn khô/ha; sau 25 ngày đã có thể cho thu hoạch đợt hai với năng suất cỏ tươi 10 tấn/ha.
Đặc biệt tại Bình Định, một số giống cho năng suất cao nhất đạt tới 16 tấn/ha (tương đương 3,2 tấn khô) ngay ở lần thu hoạch đầu tiên và có khả năng tái sinh rất mạnh.
Dự kiến có thể thu hoạch được tối thiểu 5 – 6 lần/năm và năng suất trung bình/năm có thể đạt 50 – 70 tấn cỏ tươi/ha, tương đương 25 – 30 tấn cỏ khô/ha/năm, cao gấp đôi so với năng suất bình quân của thế giới hiện nay (từ 10 – 15 tấn khô/ha/năm).
“Với năng suất khoảng 50 – 60 tấn cỏ tươi/ha (thâm canh có thể đạt 80 – 100 tấn/ha), kết quả ban đầu cho nhiều tín hiệu vui. Đặc biệt, khả năng thành công ở khu vực Tây Nguyên và vùng duyên hải Nam Trung bộ đối với cỏ Alfalfa theo tôi sẽ là rất cao”, ông Thắng phấn khởi.
Hiện tại Viện Cây lương thực – Cây thực phẩm tiếp tục hoàn thiện các biện pháp canh tác như thời vụ, mật độ, phân bón…, chắc chắn khi hoàn thiện các biện pháp kỹ thuật canh tác, năng suất cỏ có thể tăng hơn nữa.
Được biết, hiện một số Cty sữa lớn trong nước đã bày tỏ sẵn lòng hợp tác với Viện Cây lương thực – Cây thực phẩm để đưa cỏ Alfalfa ra SX nếu việc nghiên cứu chọn tạo thành công.
Tuy nhiên, vấn đề chất lượng cỏ Alfalfa SX tại VN liệu có đảm bảo có độ đạm từ 13 – 22% như yêu cầu của các Cty này hay không thì cần phải có thêm kết quả phân tích.
Ngoài cỏ Alfalfa, hiện Viện Cây lương thực – Cây thực phẩm cũng đang xúc tiến NK chọn tạo một số giống cây phục vụ TĂCN cho gia súc như kê, cao lương cho các vùng khô hạn, thiếu nước, vùng cao ở trung du, miền núi phía Bắc.
Lê Bền
Nguồn: Báo Nông Nghiệp Việt Nam
- chăn nuôi bò li>
- cỏ khô li>
- cỏ Alfalfa li> ul>
- Ảnh hưởng của các mức selenomethionine đến chất lượng thịt và sự tích luỹ selen trong mô
- Khả năng tiêu hoá tinh bột ở động vật và lợi ích của amylase
- Bệnh xuất huyết thỏ (Rabbit haemorrhagic disease – RHD)
- Ảnh hưởng của nguồn cung cấp natri không chứa clo
- Đa dạng sản phẩm chế biến từ gà Tiên Yên
- Dinh dưỡng gà thịt bền vững và mẹo xây dựng công thức
- Cách phòng ngừa bệnh viêm phổi ở gia cầm thương mại
- Cho ăn chính xác có thể làm giảm lượng khí thải từ các trang trại chăn nuôi lợn
- Những lợi ích thực tế của bã bia trong thức ăn cho bò sữa
- Một sức khỏe – Cách tiếp cận toàn diện giúp cải thiện an toàn thực phẩm
Tin mới nhất
T2,23/12/2024
- “Chạy đua” xử lý các cơ sở chăn nuôi nằm ngoài vùng quy hoạch
- Ảnh hưởng của các mức selenomethionine đến chất lượng thịt và sự tích luỹ selen trong mô
- Bình Phước: Chuẩn bị heo thịt cho thị trường tết
- Đề xuất kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030
- Áp dụng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo là tương lai của ngành chăn nuôi
- Vemedim tổ chức khóa học chẩn đoán và điều trị chuyên sâu về hô hấp phức hợp trên chó mèo
- Đón đọc Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam số tháng 12 năm 2024
- Hòa Bình: Giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm 31% tỷ trọng ngành nông nghiệp
- Khả năng tiêu hoá tinh bột ở động vật và lợi ích của amylase
- Bình Định: Công ty Vĩnh Quang đầu tư trang trại chăn nuôi heo tại huyện Vĩnh Thạnh
- Biogénesis Bagó: Tăng tốc tại thị trường châu Á thông qua việc thiết lập văn phòng khu vực tại Việt Nam
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
- Các quy trình ngoại khoa trên heo con và những vấn đề cần lưu ý
- Bệnh Dịch tả heo châu Phi: Làm tốt An toàn sinh học đến đâu, rủi ro bệnh càng thấp tới đó!
- Quy trình xử lí chuồng trại sau khi bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
Bình luận mới nhất