[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Sử dụng côn trùng làm thức ăn chăn nuôi ngày càng phát triển trên thế giới và là một hướng đi có nhiều tiềm năng ở Việt Nam. Mục tiêu của bài viết này là khái quát và đánh giá đặc điểm sinh học, giá trị dinh dưỡng và tiềm năng sử dụng một số loài côn trùng ăn được làm thức ăn chăn nuôi. Ấu trùng ruồi lính đen, sâu bột, nhộng tằm, châu chấu và dế là những loài được sử dụng phổ biến với nhiều tiềm năng về mặt dinh dưỡng (hàm lượng protein thô 42,1-63,3%, chất béo thô 8,5-36%, giàu lysine và threonine). Bổ sung hoặc thay thế (một phần hoặc hoàn toàn) bột cá hoặc bột đậu tương bằng bột côn trùng trong khẩu phần ăn của gia cầm và lợn cho kết quả tương đương hoặc tốt hơn về năng suất cũng như chất lượng thịt. Cần lưu ý giảm tối đa một số nguy cơ liên quan đến an toàn vệ sinh (nhiễm khuẩn, độc tố, kim loại nặng) trong quá trình nuôi, thu hoạch, chế biến và bảo quản côn trùng. Cần tiếp tục đánh giá tiềm năng cũng như hiệu quả sử dụng một số loài côn trùng trên các đối tượng vật nuôi khác nhau nhằm phát triển nguồn protein mới, an toàn, giá thành phù hợp.
Từ khóa: Côn trùng ăn được, Nuôi côn trùng, Sinh khối côn trùng, Thức ăn giàu protein
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Việt Nam đang là nước có sản lượng thức ăn chăn nuôi lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Mặc dù là quốc gia sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn của khu vực nhưng Việt Nam vẫn chưa tự chủ được nguồn nguyên liệu và phần lớn phải nhập khẩu ngũ cốc, thức ăn giàu protein, phụ gia lên tới hàng tỷ USD mỗi năm. Đặc biệt, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thế giới tăng cao đã khiến thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam thời gian gần đây phải điều chỉnh tăng. Chính vì vậy, việc phát triển nguồn thức ăn sẵn có và các nguồn thức ăn mới để thay thế một phần nguồn nguyên liệu nhập khẩu, nhất là nguồn thức ăn giàu protein đang là một hướng đi cần thiết và hứa hẹn nhiều tiềm năng trong tương lai.
Nuôi côn trùng vừa giúp xử lý một lượng lớn chất thải hữu cơ, vừa tạo ra một nguồn thức ăn chăn nuôi có nhiều tiềm năng. Côn trùng là sinh vật máu lạnh nên có thể nuôi trên nền các loại chất thải hữu cơ và có hiệu quả cao trong chuyển hóa thành nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng (Makkar & cs., 2014). Côn trùng được biết đến là nguồn sinh học cấp thấp giàu protein và được coi là một nguồn protein thay thế tiềm năng cho bột cá và bột đậu nành và chứa các hoạt chất khác (axit béo không bão hòa mạch dài, khoáng và vitamin,..) cần thiết trong chăn nuôi (Veldkamp & cs., 2012;Khan, 2018;DeFoliart, 1997). Trong những năm gần đây, việc sử dụng côn trùng như: ấu trùng ruồi lính đen, sâu bột, giun đất, nhộng tằm, châu chấu và dế như một thành phần giàu protein bền vững trong thức ăn cho lợn và gia cầm đang trở thành xu thế ở nhiều nước. Ở Việt Nam, côn trùng nằm trong danh mục nguyên liệu thức ăn được phép sử dụng làm thức ăn chăn nuôi (Thông tư số 21/2019/TT-BNNPTNT ngày 28 tháng 11 năm 2019 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2019).
Mục đích của bài viết này là đánh giá đặc điểm sinh học, tiềm năng về mặt dinh dưỡng, tình hình và triển vọng sử dụng một số loại côn trùng phổ biến hiện nay như một nguồn thức ăn giàu protein trong chăn nuôi lợn và gia cầm, từ đó góp phần định hướng trong thực tiễn sản xuất chăn nuôi ở nước ta.
2. ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC MỘT SỐ LOÀI CÔN TRÙNG ĂN ĐƯỢC
2.1. Số lượng và phân loại các loài côn trùng ăn được
Về số lượng các loài côn trùng ăn được, van Huis & cs., 2013 cho biết có trên 1900 loài côn trùng ăn được đã được ghi nhận là sử dụng làm thực phẩm. Theo danh mục mới công bố gần đây bởi Jongema (2017) thì có trên 2300 loài côn trùng ăn được, thuộc 18 bộ sống ở cả dưới nước và trên cạn. Chúng phân bố ở nhiều nơi trên trái đất, trong đó ở châu Phi là 524 loài, châu Á là 349 loài, châu Mỹ là 679 loài, châu Đại dương là 152 loài và châu Âu chỉ có 41 loài. Các loài côn trùng có thể được thu bắt từ tự nhiên hoặc nuôi ở các trang trại. Ở Việt Nam, số lượng các loài côn trùng ăn được đã được xác định là 24 loài thuộc 18 họ khác nhau và thuộc 8 bộ (DeFoliart, 1997).
Về phân loại, theo tác giả Rumpold & Schlüter (2013) cho biết côn trùng thuộc phân ngành giáp xác (Crustaceans) thuộc lớp động vật chân khớp (arthropods) với trên 1 triệu loài khác nhau. Các loài côn trùng có thể chia theo các bộ như: Bộ ruồi (Diptera) (như ruồi lính đen (black soldier fly), ruồi nhà (housefly); bộ cánh cứng (như sâu bột mealworm), bộ không chân (Megadrilacea) như giun đất (earthworm), bộ cánh vẩy (Lepidoptera) như nhộng tằm (silkworm) và bộ cánh thẳng (Orthoptera) như châu chấu (locust) và dế (cricket). Theo van Huis & cs. (2013) trong số hơn 2000 loài côn trùng ăn được thì các loài bọ cánh cứng chiếm 31%, các loài sâu và bướm là 18%, các loài ong, kiến là 14%, các loài châu chấu và dế là 13%. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ tập trung vào 1 số loài đã và đang được nuôi ở nước ta hoặc có tiềm năng phát triển để làm thức ăn chăn nuôi, bao gồm ấu trùng ruồi lính đen, sâu bột, nhộng tằm, châu chấu và dế.
2.2. Ấu trùng ruồi lính đen (Hermetiaillucens)
Ấu trùng ruồi lính đen
Ấu trùng ruồi lính đen
Ruồi lính đen (H. illucens Linnaeus 1758) thuộc họ ruồi đen (Stratiomyidae) có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới và nơi có nhiệt độ ấm thuộc châu Mỹ. Kể từ những năm 1940, cùng với sự phát triển giao thương giữa các nước mà loài ruồi lính đen này phân bố ở nhiều vùng trên trái đất (Makkar & cs., 2014).
Về đặc điểm ngoại hình, ruồi lính đen trưởng thành có màu đen, hình dạng cơ thể giống con tò vò và có chiều dài cơ thể là 15-20mm, có thể lên tới 27mm, chiều rộng là 6mm và nặng tới 220mg vào giai đoạn cuối của ấu trùng (Makkar & cs., 2014).
Ruồi lính đen thành thục sau khoảng 2 tháng trong điều kiện lý tưởng nhưng giai đoạn ấu trùng kéo dài tới 4 tháng nếu thiếu thức ăn. Vào cuối giai đoạn ấu trùng, chúng sẽ không thu nhận thức ăn, giữ cho đường tiêu hóa của chúng sạch và bắt đầu lột xác (Hardouin & Mahoux, 2003, dẫn theo Makkar & cs., 2014). Ấu trùng có khả năng thu nhận thức ăn rất nhanh, chúng tiêu hóa từ 25 tới 500 mg thức ăn dạng tươi/ấu trùng/ngày và có thể chuyển hóa rất nhiều loại chất thải hữu cơ như: phụ phẩm rau, quả, bã cà phê, bã lên men các loại ngũ cốc, phụ phẩm từ chế biến cá, và chủ yếu ở phân gia súc và phân người (van Huis & cs., 2013, Hardouin & Mahoux, 2003, dẫn theo Makkar & cs., 2014). Ruồi lính đen là loài có khả năng chống chịu rất tốt với các điều kiện môi trường không thuận lợi như: khô hạn, thiếu thức ăn, thiếu oxy (Diener & Christian Zurbrügg, 2011). Ngoài ra, ruồi trưởng thành thường không ăn thức ăn (mà chủ yếu phụ thuộc vào lượng chất béo dự trữ ở giai đoạn ấu trùng) và không mang các mầm bệnh (Makkar & cs., 2014). Ruồi trưởng thành cũng không bị thu hút bởi nơi ở của con người hay các loại thực phẩm và cũng được coi là loài không gây hại (van Huis & cs., 2013). Vì vậy, ấu trùng ruồi lính đen rất phù hợp để phân hủy các loại chất thải hữu cơ và tạo ra nguồn protein có thể sử dụng làm thức ăn chăn nuôi.
2.3. Sâu bột mealworm (Tenebriomolitor)
Sâu bột mealworm (Tenebrio molitor) là ấu trùng của hai loài bọ cánh cứng màu đen (darkling beetles) thuộc họ Tenebrionidae là loài bọ màu vàng (T. molitor Linnaeus, 1758) và loại nhỏ hơn và ít phổ biến hơn là bọ nhỏ màu đen (Tenebrio obscurus Fabricius, 1792). Sâu bột thuần chủng có ở châu Âu và hiện nay phân bố ở nhiều nơi trên trái đất (Makkar & cs., 2014).
Vòng đời của loài bọ màu vàng (T.molitor Linnaeus, 1758) tương đối dài, từ 280-630 ngày. Ấu trùng sẽ nở sau 10-12 ngày (ở 18-20C) và thành thục sau một số giai đoạn (8-20 ngày), thường là sau 3-4 tháng (ở nhiệt độ môi trường), nhưng giai đoạn ấu trùng có thể kéo dài tới 18 tháng. Ấu trùng trưởng thành có màu vàng nâu nhạt, dài 20-32cm và nặng 130-160mg. Giai đoạn nhộng thường kéo dài 7-9 ngày ở 25C hoặc có thể tới 20 ngày nếu nhiệt độ môi trường thấp hơn. Bọ trưởng thành có thể sống tới 2 hoặc 3 tháng (Makkar & cs., 2014). Loài bọ màu vàng (T.molitor) gây hại cho các loại hạt và bột ngũ cốc, kho dự trữ lương thực nhưng do quần thể thường có số lượng không nhiều nên ít gây tác hại nghiêm trọng. Chúng cũng có thể tiêu hóa được thịt, lông vũ và nhiều loại chất hữu cơ khác (Ramos-Elorduy & cs., 2002). Sâu bột thường rất dễ nhân giống và dễ nuôi, với hàm lượng protein cao nên chúng thường được nuôi để làm thức ăn cho động vật cảnh, bao gồm cả các loài chim, bò sát, động vật nhỏ có vú, lưỡng cư và cá. Do là loài ăn tạp nên sâu bột có khả năng chuyển hóa các loại chất thải, nhất là phụ phẩm từ cây trồng và tạo nguồn thức ăn giàu protein, giàu chất béo và năng lượng trong một thời gian tương đối ngắn.
2.4. Nhộng tằm (silkworm)
Theo tác giả Makkar & cs. (2014), có một số loài nhộng tằm đã được phát hiện, bao gồm: Bombyx mori Linnaeus,1758 [Bombycidae]; Antheraea assamensis Helfer, 1837; Antheraea mylitta (Drury, 1773); Antheraea paphia Linnaeus, 1758;Samia cynthia ricini [Saturniidae]. Tằm là một dạng sâu của bướm được nuôi để sản xuất tơ. Trong các loài trên thì loài Bombyx morilà phổ biến nhất, sản xuất tới 90% sản lượng tơ trên toàn thế giới.
Về đặc điểm sinh học của loài bướmBombyx mori, kết quả nghiên cứu của Patel & cs. (2013) cho thấy loài bướm này đẻ trứng được bọc ở trong nang (kén) dẻo, hình elip và có màu trắng đục. Thời gian trứng nở trung bình là 8,32 ngày và tỷ lệ nở là 91,6%. Giai đoạn sâu (tằm) kéo dài 24,44 ngày trong khi giai đoạn nhộng kéo dài 12,54 ngày và khối lượng nhộng trung bình là 0,62g. Trung bình mỗi cá thể bướm đẻ khoảng 269 trứng trong cả cuộc đời của chúng.
Bột nhộng tằm được coi là nguồn thức ăn phù hợp với loài dạ dày đơn (như gia cầm, lợn, cá) và cũng có thể cho gia súc nhai lại. Do tằm thường được nuôi để lấy tơ nên một lượng lớn phụ phẩm kén thải ra có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, sử dụng nguồn phụ phẩm kén này làm thức ăn chăn nuôi hoặc sản xuất các sản phẩm có giá trị sinh học khác như: chitin, protein, dầu và axit béo là biện pháp giúp giảm ô nhiễm môi trường.
2.5. Châu chấu (locusts) và dế (crickets)
Châu chấu (chủ yếu là họ Acrididae và Pyrgomorphidae) và dế (chủ yếu là họ Gryllidae) là những loài côn trùng thuộc bộ cánh thẳng, trong đó có trên 80 loài có thể ăn được tìm thấy ở châu Phi, Nam Mỹ và châu Á. Châu chấu là một nhóm gồm nhiều loài, sống thành từng đàn và di cư khi mật độ đàn cao (Makkar & cs., 2014). Đây là những loài côn trùng có nguy cơ gây hại cho cây trồng nếu không được kiểm soát tốt.
Theo Burrows (1997) châu chấu gồm khoảng 12 loài với sự khác nhau về ngoại hình và tập tính. Khi còn là ấu trùng chưa trưởng thành, chúng không có cánh và không thể bay được. Khi trưởng thành, chúng có thể bay ở khoảng cách xa thành từng đàn. Trứng của chúng được đẻ ở dưới đất ẩm ướt vào mùa mưa và phôi được phát triển ở dưới lớp đất bề mặt, khi con non nở ra sẽ bò lên trên bề mặt nhưng cánh vẫn chưa thể bay được. Chúng chỉ có thể bay được khi cánh phát triển đầy đủ ở giai đoạn cuối của con non. Thời gian phát triển giai đoạn con non dao động từ vài tuần cho tới 6 tháng phụ thuộc vào điều kiện môi trường (trong điều kiện có kiểm soát của phòng thí nghiệm là 6 tuần). Kích thước cơ thể con cái lúc trưởng thành dài 90mm, khối lượng là 2,5-3,5g trong khi con đực nhỏ hơn là 75mm chiều dài và khối lượng 1,5-2,0g.
Dế là côn trùng thuộc họ Gryllidae với 2455 loài thuộc 14 phân họ và 333 giống. Chân của chúng có 3 đốt và có thể nhảy. Cơ thể của chúng có chiều dài từ 1 hoặc 2 mm cho tới trên 50mm. Ngày nay, dế phân bố ở khắp các vùng trên trái đất (từ vĩ tuyến 550 bắc tới 550 nam). Dế là loài đẻ nhiều trứng, trứng của chúng được đẻ trong hang đất, rễ cây. Sau khi nở ra, con non sẽ trải qua từ 5 tới 12 lần lột xác cho tới khi trưởng thành. Đa số các loài dế ăn được các loại thức ăn có nguồn gốc động vật và thực vật (Alexander, 1968).
Đặng Thúy Nhung*, Nguyễn Thị Xuân, Hán Quang Hạnh, Vũ Đình Tôn
Khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
*Tác giả liên hệ: [email protected]
- châu chấu li>
- côn trùng li>
- ấu trùng ruồi lính đen li>
- sâu bột li>
- nhộng tằm li> ul>
- Áp dụng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo là tương lai của ngành chăn nuôi
- Vemedim tổ chức khóa học chẩn đoán và điều trị chuyên sâu về hô hấp phức hợp trên chó mèo
- Đón đọc Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam số tháng 12 năm 2024
- Hòa Bình: Giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm 31% tỷ trọng ngành nông nghiệp
- Khả năng tiêu hoá tinh bột ở động vật và lợi ích của amylase
- Bình Định: Công ty Vĩnh Quang đầu tư trang trại chăn nuôi heo tại huyện Vĩnh Thạnh
- Ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng và những tác động có thể ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi Việt Nam
- Thoát nghèo bền vững nhờ nuôi bò sinh sản
- Nhập khẩu đậu tương 11 tháng năm 2024 tăng khối lượng, giảm trị giá
- Bệnh xuất huyết thỏ (Rabbit haemorrhagic disease – RHD)
Tin mới nhất
T2,23/12/2024
- Áp dụng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo là tương lai của ngành chăn nuôi
- Vemedim tổ chức khóa học chẩn đoán và điều trị chuyên sâu về hô hấp phức hợp trên chó mèo
- Đón đọc Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam số tháng 12 năm 2024
- Hòa Bình: Giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm 31% tỷ trọng ngành nông nghiệp
- Khả năng tiêu hoá tinh bột ở động vật và lợi ích của amylase
- Bình Định: Công ty Vĩnh Quang đầu tư trang trại chăn nuôi heo tại huyện Vĩnh Thạnh
- Ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng và những tác động có thể ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi Việt Nam
- Thoát nghèo bền vững nhờ nuôi bò sinh sản
- Nhập khẩu đậu tương 11 tháng năm 2024 tăng khối lượng, giảm trị giá
- Bệnh xuất huyết thỏ (Rabbit haemorrhagic disease – RHD)
- Biogénesis Bagó: Tăng tốc tại thị trường châu Á thông qua việc thiết lập văn phòng khu vực tại Việt Nam
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
- Các quy trình ngoại khoa trên heo con và những vấn đề cần lưu ý
- Bệnh Dịch tả heo châu Phi: Làm tốt An toàn sinh học đến đâu, rủi ro bệnh càng thấp tới đó!
- Quy trình xử lí chuồng trại sau khi bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
Bình luận mới nhất