Tăng quy mô chăn nuôi, áp dụng các kỹ thuật tiên tiến nhất, đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra…, doanh nghiệp nội địa ngành chăn nuôi sẵn sàng “ứng chiến” với các đối thủ đến từ châu Âu.
Bày binh bố trận
“Không hẹn mà gặp”, sau gần 2 tháng “án binh bất động” kể từ ngày Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực, các doanh nghiệp lớn ngành chăn nuôi trong nước đồng loạt công bố dự án đầu tư lớn.
Cuối tháng 9, Hùng Nhơn Group – một doanh nghiệp có tiếng trong ngành chăn nuôi – công bố hợp tác cùng Tập đoàn De Heus (Hà Lan) để đầu tư Tổ hợp Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk. Dự án có vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng, diện tích 200 ha, dự kiến hoàn thành năm 2025.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Hùng Nhơn Group cho biết, khi đưa vào hoạt động, mỗi năm, tổ hợp này sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 25.000 con heo bố mẹ và heo hậu bị; sản xuất thức ăn chăn nuôi, phân bón theo hướng hữu cơ; thương mại các sản phẩm chăn nuôi, trở thành nhà cung cấp heo giống chất lượng cao hàng đầu cho các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, hướng tới xuất khẩu sang Đông Nam Á…
“Lâu dài hơn, De Heus và Hùng Nhơn cùng hướng tới xây dựng một chuỗi giá trị cùng vùng an toàn dịch bệnh tại Đắk Lắk và các vùng phụ cận”, ông Hùng nói.
Không lâu sau đó, một doanh nghiệp lớn khác trong ngành là Công ty MEATDeli Sài Gòn (trực thuộc Masan) đưa vào vận hành Tổ hợp Chế biến thịt có vốn đầu tư 1.800 tỷ đồng tại Long An, trên diện tích 20,2 ha.
Nguồn: Tổng cục Hải quan, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – Đồ hoạ: Đan Nguyễn
Trong giai đoạn I của Dự án, Masan sẽ đầu tư 1.400 tỷ đồng để đầu tư khu vực giết mổ, chế biến thịt heo, thịt mát các loại với công suất 140.000 tấn thịt/năm. Ngoài thịt mát, nhà máy sẽ cung cấp các sản phẩm chế biến từ thịt mát như giò thủ, chà bông… với sản lượng 15.000 tấn/năm.
Ở giai đoạn II, Tổ hợp sẽ nâng sản lượng các sản phẩm chế biến này lên 25.000 tấn/năm, đồng thời cung cấp thêm các sản phẩm mới như bột huyết, huyết tương, bột thịt xương… với tổng sản lượng 14.000 tấn/năm.
Các doanh nghiệp nội địa có tên tuổi trong ngành như Vissan, Hòa Phát… cho đến nay vẫn chưa “lên tiếng”, nhưng giới quan sát cho rằng, việc “bung” dự án chỉ còn là vấn đề thời gian, vì khó ai có thể ngồi yên trong bối cảnh hiện nay.
Theo đánh giá của Masan, riêng quy mô thị trường thịt heo ở Việt Nam đã đạt hơn 22.000 tỷ đồng (khoảng 10 tỷ USD); các ngành sản phẩm từ thịt khác còn rất nhiều dư địa tăng trưởng.
Ví dụ, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2019, mức tiêu thụ sản phẩm thịt gà của người Việt Nam mới đạt 9 kg/người/năm, thấp hơn rất nhiều so với mức tiêu thụ của các nước Đông Nam Á (con số này tại Thái Lan là 30 kg/người/năm và tại Singapore là 35 kg/người/năm). Tương tự, với thịt bò, người Việt đang tiêu thụ 3 kg/năm, trong khi mức trung bình của thế giới là 9 kg/người/năm.
Vì vậy, sẽ không quá bất ngờ khi thời gian tới, các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi của Việt Nam đồng loạt gia tăng đầu tư vào ngành dọc để đáp ứng sức tiêu thụ của thị trường gần 100 triệu dân, trong đó gần một nửa là dân số trẻ.
Tiềm năng và đầy sức hút như vậy, nên thị trường Việt Nam cũng nằm trong “tầm ngắm” của nhiều doanh nghiệp châu Âu. Trên thực tế, sản phẩm của các doanh nghiệp châu Âu đã hiện diện tại thị trường Việt Nam từ khá lâu, nhưng do bị áp thuế nên giá bán cao, chưa thể chạm đến số đông.
Đến nay, EVFTA đã có hiệu lực, hơn 48% dòng thuế nhập khẩu được xóa bỏ ngay, tương đương 64,5% kim ngạch nhập khẩu từ EU. Theo lộ trình, sau 10 năm, khoảng 99% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ, tương đương 99,8% kim ngạch nhập khẩu từ EU. Thuế nhập khẩu được xóa bỏ sẽ mở thêm cơ hội cho các doanh nghiệp châu Âu gia nhập ngành chăn nuôi.
Cơ hội thuộc về ai?
Trong khi các doanh nghiệp chăn nuôi thuộc nhóm nội liên tiếp công bố các dự án đầu tư quy mô lớn, nhóm ngoại cũng rốt ráo mở rộng mạng lưới phân phối thông qua hợp tác với các đối tác Việt Nam.
Thịt heo chất lượng cao của Công ty IBP Trusted Excellence thuộc Tyson Foods (Mỹ) – nhà sản xuất và xuất khẩu thịt lớn thứ 2 thế giới đã có mặt tại thị trường Việt Nam trong Tuần lễ thịt heo Mỹ. Công ty TNHH Bán lẻ BRG thuộc Tập đoàn BRG trực tiếp nhập khẩu thịt heo chất lượng cao từ IBP Trusted Excellence để phân phối tại 50 siêu thị, minimart thuộc hệ thống ở phía Bắc của BRG.
Trên không gian mạng, cũng không khó để tìm kiếm các sản phẩm thịt nhập khẩu từ châu Âu qua website của doanh nghiệp, thậm chí cả trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki.vn với các nhà nhập khẩu như Nam Khải Phú, La Maison…
Theo ông Vũ Mạnh Hùng, các sản phẩm thịt và thịt chế biến từ châu Âu có nhiều lợi thế với công nghệ, dây chuyền sản xuất hiện đại, đảm bảo các tiêu chí an toàn, vệ sinh và quan trọng nhất là tâm lý chuộng hàng ngoại của người Việt.
Tuy nhiên, kênh phân phối của của nhóm ngoại vẫn còn nhỏ lẻ, chưa có độ phủ lớn, chủ yếu được tiêu thụ qua các cửa hàng bán lẻ và siêu thị chuyên bán sản phẩm nhập khẩu.
Để phát triển mạng lưới đủ lớn, các đối thủ ngoại cần có thời gian và trong khoảng thời gian đó, Hùng Nhơn Group sẽ tăng cường đầu tư để giành lợi thế.
Cụ thể, doanh nghiệp này sẽ mở rộng các trang trại chăn nuôi ứng dụng theo tiêu chuẩn công nghệ cao, sử dụng con giống nhập khẩu trực tiếp từ châu Âu, quản lý nghiêm ngặt các khâu vận hành, chế biến theo Tiêu chuẩn Global GAP, đảm bảo chất lượng thịt sạch. Hùng Nhơn Group cũng sẽ mở rộng kênh phân phối vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng trên khắp cả nước để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận sản phẩm.
Trên thực tế, bài toán hóc búa hơn mà các doanh nghiệp chăn nuôi Việt Nam phải giải là giảm giá thành sản xuất để có chi phí cạnh tranh. Ông Hùng cho biết, Hùng Nhơn Group đã có lời giải với việc thực hiện đồng thời hai giải pháp.
Thứ nhất, giảm chi phí vận hành. Theo đó, toàn bộ quy trình chăn nuôi tại dự án của Hùng Nhơn Group được ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn quốc tế. Hệ thống trang trại sẽ được vận hành và giám sát bởi SKIOLD – tập đoàn đa quốc gia, có trụ sở chính tại Đan Mạch với trên 140 năm kinh nghiệm và chuyên môn trong lĩnh vực cung cấp các giải pháp tổng thể, trang thiết bị hiện đại cho trang trại.
Nhìn chung, các giải pháp này nhằm mục tiêu nâng cao năng suất chăn nuôi, đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc và cải thiện chất lượng thịt sạch, đồng thời giảm tiêu thụ năng lượng cũng như chi phí vận hành của toàn bộ dự án.
Thứ hai, bố trí các khu chăn nuôi, chế biến tại các vị trí chiến lược nhằm giảm chi phí vận chuyển, qua đó có thể hạ giá bán sản phẩm.
“Chúng tôi sẽ đầu tư hệ thống chuỗi cửa hàng thịt sạch theo quy trình khép kín từ chăn nuôi đến chế biến, phân phối các sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng để giảm bớt chi phí trung gian, vận chuyển”, ông Vũ Mạnh Hùng nói.
Tương tự, MEATDeli cũng đang giải quyết đồng thời 3 vấn đề là chất lượng, chi phí và hạ tầng phân phối.
Đảm bảo chất lượng, giải được bài toán chi phí và hạ tầng phân phối, Masan tin tưởng sản phẩm thịt sạch, đảm bảo dinh dưỡng sẽ dần được người tiêu dùng lựa chọn. Công ty đặt mục tiêu chiếm lĩnh 10% thị trường thịt heo ở Việt Nam.
Đơn vị nổi tiếng với chiến lược “tiếp thị dựa trên nỗi sợ hãi” này cũng công khai việc bước chân vào ngành gia cầm thông qua thương vụ góp vốn vào Công ty 3F Việt.
“Sứ mệnh của Công ty là cung cấp sản phẩm thịt tươi ngon, dinh dưỡng, giá cả hợp lý và truy xuất được nguồn gốc”, ông Phạm Trung Lâm, Tổng giám đốc Masan MEATLife cho biết.
Cuộc chạy đua giữa các doanh nghiệp nhóm nội và nhóm ngoại trong ngành thịt mới đang ở giai đoạn đầu. Chắc chắn, cuộc đua sẽ ngày càng gay cấn và cơ hội chỉ dành các đơn vị đầu tư bài bản. Người tiêu dùng trong nước sẽ là đối tượng được hưởng lợi, khi có cơ hội sử dụng sản phẩm thịt tươi ngon, đảm bảo chất lượng với giá cả hợp lý.
CÔNG SANG
Báo Đầu Tư
- EVFTA li>
- ngành thịt li> ul>
- “Chạy đua” xử lý các cơ sở chăn nuôi nằm ngoài vùng quy hoạch
- Ảnh hưởng của các mức selenomethionine đến chất lượng thịt và sự tích luỹ selen trong mô
- Bình Phước: Chuẩn bị heo thịt cho thị trường tết
- Đề xuất kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030
- Áp dụng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo là tương lai của ngành chăn nuôi
- Vemedim tổ chức khóa học chẩn đoán và điều trị chuyên sâu về hô hấp phức hợp trên chó mèo
- Hòa Bình: Giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm 31% tỷ trọng ngành nông nghiệp
- Khả năng tiêu hoá tinh bột ở động vật và lợi ích của amylase
- Bình Định: Công ty Vĩnh Quang đầu tư trang trại chăn nuôi heo tại huyện Vĩnh Thạnh
- Ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng và những tác động có thể ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi Việt Nam
Tin mới nhất
T2,23/12/2024
- “Chạy đua” xử lý các cơ sở chăn nuôi nằm ngoài vùng quy hoạch
- Ảnh hưởng của các mức selenomethionine đến chất lượng thịt và sự tích luỹ selen trong mô
- Bình Phước: Chuẩn bị heo thịt cho thị trường tết
- Đề xuất kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030
- Áp dụng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo là tương lai của ngành chăn nuôi
- Vemedim tổ chức khóa học chẩn đoán và điều trị chuyên sâu về hô hấp phức hợp trên chó mèo
- Đón đọc Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam số tháng 12 năm 2024
- Hòa Bình: Giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm 31% tỷ trọng ngành nông nghiệp
- Khả năng tiêu hoá tinh bột ở động vật và lợi ích của amylase
- Bình Định: Công ty Vĩnh Quang đầu tư trang trại chăn nuôi heo tại huyện Vĩnh Thạnh
- Biogénesis Bagó: Tăng tốc tại thị trường châu Á thông qua việc thiết lập văn phòng khu vực tại Việt Nam
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
- Các quy trình ngoại khoa trên heo con và những vấn đề cần lưu ý
- Bệnh Dịch tả heo châu Phi: Làm tốt An toàn sinh học đến đâu, rủi ro bệnh càng thấp tới đó!
- Quy trình xử lí chuồng trại sau khi bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
Bình luận mới nhất