Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát và nhất là cuộc xung đột Nga, UKraine đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu thì những đường dây buôn lậu gia súc – chủ yếu là bò – từ một số quốc gia như Guatemala, Honduras, Nicaragua…, đến Mexico rồi xẻ thịt để cung ứng cho thị trường nước ngoài đã gia tăng với mức cao chưa từng thấy. Theo ước tính, doanh thu thịt lậu lên đến 6 tỉ USD mỗi năm…
Miền đất vàng của gia súc nhập lậu
Mỗi ngày, ngay khi mặt trời lặn, cư dân ở xung quanh núi Sierra Madre, bang Chiapas, miền nam Mexico có thể nghe thấy tiếng gầm của những chiếc xe tải 18 bánh khi nó vượt qua con đường uốn lượn dưới chân núi để tiến về thị trấn Palenque. Tất cả những chiếc xe này đều không có biển số cũng như không có bất kỳ một dấu hiệu của công ty vận tải nào. Bên trong thùng xe là 25 con bò đứng ép sát nhau, chẳng còn một khoảng trống.
Nhiều giờ tiếp theo, bò sẽ được đưa đến vùng đông nam bang Veracruz, nơi có những lò mổ luôn sẵn sàng biến chúng thành những tảng thịt tươi rồi tối đa là 96 tiếng đồng hồ sau đó, chúng sẽ nằm trên các kệ hàng trong những siêu thị ở bang Texas, California, New Mexico, Arizona,… của nước Mỹ hoặc xa hơn nữa.
Điểm xuất phát của những chiếc xe tải bắt đầu từ Benemerito de las Americas, một trong những thị trấn biệt lập nhất Mexico, nằm dọc theo sông Usumacinta là biên giới của bang Chiapas với Guatemala. Cả thị trấn chỉ có 1 trạm xăng, 1 siêu thị, 1 khách sạn và vài nhà hàng. Nó không có lực lượng hải quan và cũng không có cửa khẩu chính thức. Mùa nước cạn, nông dân Guatemala lùa bò qua sông Usumacinta rồi giao cho thương lái và nhận tiền mặt là xong. Đến mùa lũ, bò sẽ được vận chuyển bằng thuyền.
Lùa bò từ dưới sông Usumacinta lên xe tải.
Việc mua bán xem ra có vẻ đơn giản nhưng đằng sau nó là một hệ thống với những mắt xích chằng chịt của các nhóm buôn lậu, vỗ béo, vận chuyển, môi giới cùng vô số đường dây đưa bò đến các điểm giao dịch.
Một chủ trang trại là Eduardo, đến từ bang Veracruz nói với trang tin Latin America: “Benemerito thịnh vượng theo đúng nghĩa của nó. Bạn có thể thấy dưới sông Usumacinta là hàng chục chiếc thuyền lớn chất đầy gia súc, mua từ những trang trại ở sâu trong nội địa Guatemala, Honduras hoặc Nicaragua còn trên bờ, vây quanh cây xăng là những xe tải nặng, chờ đến lượt mình nạp thêm nhiên liệu để đưa gia súc quay về Chiapas”.
Vẫn theo Eduardo, thương lái thích đến thị trấn Benemerito mua gia súc bởi lẽ nó không phải chịu những loại thuế xuất khẩu, cũng như không cần đến những thủ tục hành chính, kiểm dịch rườm rà. Việc chuyển nó đến các lò giết mổ cũng thế. Eduardo nói: “Chỉ cần một cú điện thoại là sẽ có người ở đường dây “rửa thịt” đứng ra lo cho bạn, từ việc đặt hàng ở Guatemala đến việc đưa về Benemerito rồi sau đó là Veracruz, Chiapas”.
Ông Gilberto, đã mua gia súc ở Benemerito trong 8 năm cho biết ông là đầu mối cung cấp bò thịt cho một số lò mổ ở Veracruz. Những con bò này được giao bởi người Guatelama nhưng xuất xứ của nó lại từ Honduras hoặc Nicaragua. Ông nói: “Suốt 8 năm, tôi chưa bao giờ gặp được chủ bò, tất cả đều thông qua môi giới. Và mặc dù tình hình ở đây rất phức tạp, nhiều thương lái đã bị giết nhưng nếu bạn thể hiện được chữ “tín” trong giao dịch, bạn sẽ chẳng gặp phải vấn đề gì…”.
Theo tìm hiểu của trang tin Latin America Today, mặc dù không có trụ sở hải quan hoặc văn phòng thuế chính thức, nhưng thị trấn Benemerito lại có những luật lệ riêng của nó.Tất cả gia súc từ Guatemala đi qua đây đều phải được sự đồng ý của một nhân vật, biệt danh là La Aduana, người sở hữu một nửa phần đất phía bên thị trấn Benemerito và một nửa phần đất phía bên làng Complejos, Guatemala ở phía đối diện.
Đường đi của gia súc nhập lậu
Ở Mexico, không phải ngẫu nhiên mà giới mua bán gia súc gọi Veracruz là “kinh đô thịt bò”. Nằm dọc theo bờ biển vịnh Mexico, Veracruz là hành lang chính trong việc vận chuyển thịt bò vào Mỹ. Sau khi cắt ra thành từng khối nặng 20kg, thịt được cho vào túi nylon hút chân không rồi chất lên những container đông lạnh.
Sau đó, nó theo những con tàu đến vùng biển nằm ở ngoài khơi bang Texas, California, New Mexico hoặc Arizona, Mỹ. Tại khu vực hải phận quốc tế này, thịt sẽ được chuyển sang các con tàu khác với vận đơn hoàn toàn hợp lệ, được ký bởi vài công ty kinh doanh thực phẩm Mỹ với vài nhà cung cấp ở Guatemala hay Honduras chẳng hạn.
Vỗ béo bò trong các trang trại trước khi giao cho lò mổ.
Giữa tháng 8-2021, một sự kiện gây chấn động trong giới chủ trang trại cũng như những kẻ cầm đầu các đường dây buôn lậu gia súc ở miền nam Veracruz khi nhà chức trách thành phố Mexico thông báo bắt được một người đàn ông tên Jovanni N., bí danh “El Vani”, là thành viên của nhóm tội phạm Familia Michoacana, hoạt động ở bang Michoacan. El Vani bị cáo buộc với các tội danh bắt cóc, tống tiền, buôn bán ma túy, liên kết tội phạm và sở hữu vũ khí quân dụng.
Khi bị bắt, El Vani đã hối lộ 2 triệu đôla Mexico (tương đương 100.000 USD) để cảnh sát thả anh ta. Tuy nhiên không có bất cứ một thông tin nào đề cập đến việc El Vani buôn lậu gia súc nhưng các chủ trang trại, người môi giới, vận chuyển và buôn bán bò đều biết rằng El Vani là kẻ chỉ huy toàn bộ hoạt động này từ thị trấn Benemerito, bang Chiapas đến bang Veracruz.
Một chủ trang trại dấu tên nói với Latin America Today: “Trong xã hội, El Vani không phải là người nổi tiếng nhưng với nhiều chủ trang trại, tiếng nói của El Vani có trọng lượng rất đáng nể. Chỉ cần một mệnh lệnh, hàng chục tấn thịt bò của bạn hoặc là xuống tàu ngay lập tức, hoặc sẽ nằm mãi trong các nhà kho cấp đông”.
Theo ước tính của Cơ quan An toàn và sức khỏe nông nghiệp quốc gia Mexico (Servicio Nacional de Sanidad e Inocuidad Agropecuaria de México – viết tắt là SENASICA), mỗi năm có khoảng 1 triệu con gia súc nhập lậu vào nước này từ Guatemala. Sau đó chúng được đưa đến các lò mổ ở Veracruz hoặc Chiapas trước khi vào Mỹ dưới dạng thịt.
Nắm quyền kiểm soát hoạt động buôn bán gia súc đã khiến El Vani trở thành người có tầm ảnh hưởng lớn. Ở thị trấn Carranza ngay trên biên giới hai bang Veracruz – Chiapas, tòa nhà của El Vani nổi tiếng nhất vùng, được dân địa phương gọi là “Disneyland”. Bên cạnh đó, El Vani còn có nhiều trang trại chăn nuôi gia súc, nơi hàng nghìn con vật được vỗ béo trước khi giao cho các lò mổ.
Một kẻ môi giới giấu tên cho biết bò mua ở Guatemala với giá trung bình 300 USD/con. Khi đưa được đến thị trấn Benemerito, nó trở thành 350 USD. El Vani mua những con bò này với giá 400 USD. Sau vài tuần vỗ béo, các lò mổ mua lại từ trang trại của El Vani mỗi con 460 USD. Theo ước tính của trang tin Latin America Today, tính đến ngày bị bắt, chỉ riêng việc mua bán gia súc hàng năm đã mang về cho El Vani 320 triệu USD.
Việc bắt giữ El Vani đã khiến các đường dây buôn lậu gia súc ở Chiapas và Veracruz tạm thời chững lại nhưng theo Latin America Today, sự “chững lại” này sẽ không kéo dài bởi lẽ vẫn còn hàng chục “El Vani” khác vẫn đang hoạt động.
Thịt bò và ma túy
Được mệnh danh là “điểm trung chuyển ma túy lớn nhất Mỹ Latin”, giới buôn lậu gia súc ở Mexico chẳng dại gì từ bỏ món lợi béo bở này. 1kg cocain nếu đưa trót lọt vào Mỹ sẽ mang lại số tiền nhiều gấp 60 lần so với 1 kg thịt bò!
Trang tin Latin America Today cho biết mặc dù trong tuyên bố, nhà chức trách không đề cập đến bất kỳ chi tiết nào có liên quan đến việc El Vani buôn lậu gia súc, mà chỉ nói rằng “El Vani đã tham gia vào việc “vận chuyển, buôn bán ma túy trong và ngoài nước” nhưng những câu hỏi của Latin America Today gửi đến văn phòng công tố ở các bang Veracruz, Chiapas và Tabasco – là những điểm nóng về buôn lậu gia súc – đều nhận được câu trả lời “không có hồ sơ”.
Ngay cả khi họ đề nghị Cơ quan Nền tảng minh bạch quốc gia Mexico (Plataforma Nacional de Transparencia – PNT) cung cấp thông tin về El Vani thì cũng bị từ chối với lý do “chưa được phép giải mật”.
Một lô thịt bò có “nhân” ma túy bị bắt giữ.
Tuy nhiên, những chứng cứ do Latin America Today thu thập cho thấy “thịt bò” và “ma túy” gắn liền với nhau. Tại một số lò mổ ở Chiapas hoặc Veracruz, cocain được ép thành từng bánh, mỗi bánh 1kg rồi cho vào giữa những tảng thịt bò 10 hoặc 20kg trước khi đưa đi cấp đông.
Lúc ra đến hải phận quốc tế và trước khi những container này chuyển sang tàu khác để vào Mỹ một cách hợp pháp, kẻ có trách nhiệm giao “hàng” sẽ đưa cho kẻ nhận “hàng” một mẩu giấy có ghi vài con số nhìn như số điện thoại nhưng kẻ nhận “hàng” sau khi đọc, sẽ biết ngay “hàng” nằm ở container phía bên phải hay bên trái, ở tầng thứ mấy và trong những container ấy, gói thịt bò có “hàng” xếp ở chỗ nào.
Nhận “hàng” xong, các gói thịt bò tiếp tục chuyển sang những tàu cao tốc ngụy trang dưới hình thức chở khách du lịch lặn biển. Sau đó, nó len lỏi qua những vùng đầm lầy chằng chịt kênh rạch ở bang Florida hoặc những vụng biển hoang vắng bang Texas để giao cho người nhận. Một chủ trang trại ở Carranza nói với Latin America Today rằng đường dây buôn lậu “bò-ma túy” được El Vani điều hành từ bang Michoacan, nơi có sự hỗ trợ đắc lực từ người anh trai của một trong những ông trùm băng đảng ma túy khét tiếng nhất khu vực.
Cũng liên quan đến “bò-ma túy”, một sĩ quan thuộc Lực lượng biên phòng Mỹ tại khu vực sông Rio Grande, phía nam bang Texas, giáp với Mexico cho biết cứ đến mùa nước cạn, do chưa có bức tường biên giới nên những người buôn lậu gia súc lại lùa từng đàn bò qua sông để vào Mỹ.
Tại hồ nước Falcon, Cục Phòng chống ma túy Mỹ (DEA) đã từng phát hiện trong số hơn 100 con bò nhập lậu, có 36 con mà dạ dày của chúng chứa những túi nylon đựng cocain, mỗi túi nặng 200 gam. Kết quả điều tra sau đó cho thấy trung bình mỗi con vật bị nhồi vào bộ máy tiêu hóa 2kg ma túy. Chúng sẽ được lấy ra tại lò mổ rồi chuyển cho những kẻ bán lẻ cocain trên đường phố.
Tuy nhiên gần đây, DEA ghi nhận đường dây buôn lậu “bò-ma túy” xuất hiện một hình thức mới. Thay vì cocain, bọn buôn lậu chuyển sang loại ma túy tổng hợp mà độ “phê” của nó mạnh gấp 5 lần. Đó là fentanyl. Với ưu thế nhỏ, gọn, 1 túi nylon chứa 200 gam cocain có thể đựng được 200 viên fentanyl và lợi nhuận thì tăng 3 lần!
Hồi tháng tư, ông Christopher Evan, quyền quản trị viên của DEA cho biết cơ quan này đã bắt đầu tiến hành một chiến dịch, được gọi là Project Wawe Breaker nhằm cắt đứt dòng chảy ma túy vào Mỹ thông qua việc buôn lậu gia súc. Ông nói: “Con đường chính của fentanyl vào Mỹ là từ biên giới Tây Nam rồi tỏa đi khắp nơi thông qua các mạng lưới đường phố. Với dự án này, chúng tôi đang giải quyết mối đe dọa thực tế về sức khỏe cộng đồng, an toàn công cộng và an ninh quốc gia…”.
Theo Bộ Nông nghiệp, chăn nuôi, phát triển nông thôn, thủy sản và thực phẩm Mexico (SAGARPA), mỗi năm có hơn 1 triệu đầu gia súc nhập lậu vào quốc gia này rồi đi sang nước khác, phần lớn dưới dạng thịt. Người phát ngôn của SAGARPA cho biết chỉ cần bước qua biên giới Guatemala bên kia đường Marques de Comillas, nơi có một “cửa hàng chăn nuôi” là El Sabanar, người ta có thể mua cả đàn gia súc bằng tiền mặt và dĩ nhiên là chẳng cần chứng từ gì…”.
Vũ Cao (Theo Latin America Today)
Nguồn: An ninh Thế giới
- thịt bò li> ul>
- Áp dụng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo là tương lai của ngành chăn nuôi
- Vemedim tổ chức khóa học chẩn đoán và điều trị chuyên sâu về hô hấp phức hợp trên chó mèo
- Hòa Bình: Giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm 31% tỷ trọng ngành nông nghiệp
- Khả năng tiêu hoá tinh bột ở động vật và lợi ích của amylase
- Bình Định: Công ty Vĩnh Quang đầu tư trang trại chăn nuôi heo tại huyện Vĩnh Thạnh
- Ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng và những tác động có thể ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi Việt Nam
- Thoát nghèo bền vững nhờ nuôi bò sinh sản
- Nhập khẩu đậu tương 11 tháng năm 2024 tăng khối lượng, giảm trị giá
- Bệnh xuất huyết thỏ (Rabbit haemorrhagic disease – RHD)
- Tập đoàn Nhật Sojitz khai trương nhà máy chế biến thịt bò mát 10.000 tấn tại Tam Đảo
Tin mới nhất
T2,23/12/2024
- Áp dụng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo là tương lai của ngành chăn nuôi
- Vemedim tổ chức khóa học chẩn đoán và điều trị chuyên sâu về hô hấp phức hợp trên chó mèo
- Đón đọc Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam số tháng 12 năm 2024
- Hòa Bình: Giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm 31% tỷ trọng ngành nông nghiệp
- Khả năng tiêu hoá tinh bột ở động vật và lợi ích của amylase
- Bình Định: Công ty Vĩnh Quang đầu tư trang trại chăn nuôi heo tại huyện Vĩnh Thạnh
- Ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng và những tác động có thể ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi Việt Nam
- Thoát nghèo bền vững nhờ nuôi bò sinh sản
- Nhập khẩu đậu tương 11 tháng năm 2024 tăng khối lượng, giảm trị giá
- Bệnh xuất huyết thỏ (Rabbit haemorrhagic disease – RHD)
- Biogénesis Bagó: Tăng tốc tại thị trường châu Á thông qua việc thiết lập văn phòng khu vực tại Việt Nam
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
- Các quy trình ngoại khoa trên heo con và những vấn đề cần lưu ý
- Bệnh Dịch tả heo châu Phi: Làm tốt An toàn sinh học đến đâu, rủi ro bệnh càng thấp tới đó!
- Quy trình xử lí chuồng trại sau khi bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
Bình luận mới nhất