Nghiên cứu vừa công bố mới đây của Vietnam Report cho thấy, do phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu nên ngành thức ăn chăn nuôi (TĂCN), cũng như các doanh nghiệp ngành này tại Việt Nam chịu tác động rất lớn từ những biến động trên thị trường quốc tế trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn tự tin triển vọng tăng trưởng khả quan của ngành này trong năm 2023 và trong 5 năm tới.
Tác động trực tiếp từ thị trường quốc tế
Cụ thể, khảo sát của Vietnam Report thực hiện trong tháng 10-11/2022 chỉ ra những khó khăn hàng đầu tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp TĂCN, trong đó phần lớn đến từ thị trường quốc tế như: Biến động giá năng lượng, nguyên vật liệu đầu vào; rủi ro từ chuỗi cung ứng; sức ép từ tỷ giá gia tăng; lạm phát tăng cao đột biến ở hầu hết các quốc gia; bất ổn chính trị trên thế giới…
Những khó khăn hàng đầu tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi năm 2022. Nguồn: Vietnam Report
“Siêu chu kỳ” tăng giá hàng hóa bắt đầu từ năm 2020 đã bao trùm lên các loại nông sản, nguyên liệu chính cho hoạt động sản xuất TĂCN tại Việt Nam. Theo Sở giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), giá hợp đồng ngô trên sở Chicago vẫn đang giao dịch trên 260 USD/tấn. Kể từ đầu quý III tới nay, ngô chỉ đi ngang quanh vùng giá này, thay vì ở trong đà tăng mạnh mẽ như giai đoạn nửa đầu năm. Mặc dù vẫn đang ở mức cao so với cùng kỳ các năm trước, nhưng thị trường đang có dấu hiệu hạ nhiệt.
Theo nhận định của các chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là nguồn cung bị hạn chế, bởi ảnh hưởng của thời tiết bất lợi tại các khu vực trồng ngô chính trên thế giới bao gồm: Mỹ, Argentina và Brazil; căng thẳng giữa Nga và Ukraine – hai nhà xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất và thứ tư trên thế giới. Ngoài ra, sự chậm lại của Trung Quốc – nước chiếm tới 60% lượng nhập khẩu đậu tương toàn cầu để sản xuất TĂCN – cũng gây ra sự bất ổn về phía cầu. Thêm vào đó, sự biến động của thị trường tài chính kéo theo sự rung lắc mạnh của thị trường hàng hóa, trong đó có giá các mặt hàng nông sản. Do tính chất liên thông trực tiếp với giá thế giới, giá các loại nguyên liệu TĂCN tại thị trường Việt Nam nhiều khả năng sẽ vẫn duy trì ở vùng giá ổn định, khó giảm mạnh.
Cùng với biến động giá năng lượng và nguyên vật liệu đầu vào, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành là thách thức hàng đầu mà ngành TĂCN trong nước đang đối mặt. Câu chuyện về nâng cao năng lực cạnh tranh là bài toán không mới, nhưng vẫn chưa tìm được lời giải tối ưu. Khảo sát của Vietnam Report chỉ ra trong bối cảnh ngoài áp lực cạnh tranh có xu hướng gia tăng trong 2 năm trở lại đây, áp lực đến từ quyền thương lượng của khách hàng tăng mạnh nhất (+0,8), tiếp theo đó là quyền thương lượng của nhà cung ứng (+0,6). Mặc dù được đánh giá nguồn tài nguyên dồi dào, nhưng sản lượng nguyên liệu cho TĂCN (chủ yếu là ngô và đậu tương) của nước ta chiếm tỷ lệ rất nhỏ (0,4% và 0,02%) chưa kể chất lượng và năng suất thấp đã làm giá ngô sản xuất trong nước khó cạnh tranh với giá ngô thế giới.
Bên cạnh đó, tuy có lợi thế về sản xuất gạo và gạo có thể thay thế một phần ngô làm TĂCN mà không ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng chăn nuôi, nhưng khi thay thế ngô bằng gạo, hiệu quả kinh tế giảm tới 33,2% do giá gạo cao hơn giá ngô. Việt Nam cũng có một số sản phẩm, phụ phẩm từ quá trình chế biến thủy sản, giết mổ gia súc, gia cầm (mỡ cá, bột cá…) làm TĂCN, nhưng số lượng không đáng kể. Đối với chất phụ gia và thức ăn bổ sung (vitamin, axit amin), Việt Nam phải nhập khẩu tới 80% do nước ta không có công nghệ sản xuất, thị trường tiêu thụ nhỏ không thu hút được đầu tư, mà chỉ sản xuất được một lượng nhỏ thức ăn bổ sung khoáng, chế phẩm vi sinh và thảo dược.
Dự báo tăng trưởng tốt hơn trong năm 2023
Phần lớn các chuyên gia đều dự báo thị trường nguyên liệu TĂCN trong năm 2023 sẽ không cải thiện quá nhiều so với hiện tại. Trong báo cáo và khảo sát công bố, Vietnam Report dự báo giá lúa mì sẽ tăng trong thời gian tới do ước tính sản lượng và nguồn cung lúa mì toàn cầu niên vụ 2022/2023 giảm cùng với việc các kho dự trữ lúa mì cuối kỳ của Mỹ dự báo ở mức thấp nhất kể từ năm 2007/2008. Giá đậu tương được dự báo cũng sẽ tăng trở lại trong thời gian tới, do biên lợi nhuận nghiền đậu tương ở Trung Quốc đã ở mức âm trong 7 tháng qua, dẫn đến nhập khẩu thấp hơn. Nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc thấp hơn có thể ảnh hưởng đến giá đậu tương tương lai tại Chicago. Ngoài ra, nguồn cung khô đậu tương thắt chặt do tốc độ giao hàng chậm sẽ làm tăng giá lợn hơi tại Trung Quốc, qua đó thúc đẩy nhu cầu nuôi nhiều lợn hơn làm tăng nhu cầu về TĂCN.
Tình hình cung cấp ngũ cốc khó khăn, khi EU đang phải đối mặt với đợt bùng phát nghiêm trọng của dịch cúm gia cầm (HPAI), khiến khoảng 50 triệu con gia cầm bị tiêu hủy. Các nhà sản xuất thịt bò và thịt lợn ở EU cũng dự kiến sẽ giảm quy mô sản xuất để đối phó với các hạn chế về môi trường ngày càng tăng, chi phí thức ăn và năng lượng cao hơn đã thắt chặt biên lợi nhuận. Thời gian tới, giá ngô trên thị trường thế giới sẽ giữ ở mức cao, do những rủi ro gia tăng và sự không chắc chắn tiếp tục xung quanh hành lang ngũ cốc ở Biển Đen.
Về phía cầu, tình trạng lạm phát gia tăng ở nhiều quốc gia đã ăn mòn thu nhập trung bình thực tế của hộ gia đình, kéo theo mức giảm chi tiêu cho các nguồn protein cao cấp. Điều tương tự đã xảy ra khi Hoa Kỳ chứng kiến sự sụt giảm tiêu thụ thịt sau cuộc suy thoái năm 2008.
Tốp 10 yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến việc thiết lập định hướng chiến lược tương lai của doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi năm 2022. Nguồn: Vietnam Report
Đối với thị trường trong nước, 40% số doanh nghiệp và chuyên gia tham gia khảo sát của Vietnam Report nhận định triển vọng ngành TĂCN năm 2023 là tăng trưởng khả quan, tốt hơn một chút và có tốc độ tăng trưởng cao trong 5 năm tới. Theo phân loại đối tượng sử dụng, phân khúc thức ăn gia súc dự kiến sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất với sự gia tăng trong chăn nuôi gia súc và thay đổi mô hình ăn uống trong nước. Công nghiệp hóa đã dẫn đến sự thu hẹp diện tích đất chăn thả gia súc, do đó nhu cầu về thức ăn gia súc đã tăng lên đáng kể trong những năm qua. Phân khúc TĂCN dành cho lợn được dự đoán sẽ dẫn đầu thị trường về doanh thu vào năm 2028.
Về nguyên liệu, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam dự báo, nhu cầu nguyên liệu TĂCN của Việt Nam sẽ đạt khoảng 28-30 triệu tấn/năm trong 5 năm tới, trị giá 12-13 tỷ USD với mức tăng trưởng trung bình 11-12%/năm; trong đó hơn nửa sản lượng nguyên liệu TĂCN (14,5-15 triệu tấn) sẽ dành cho ngành gia cầm.
Yếu tố chính thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường là mức tiêu thụ gia cầm và thịt gia súc của Việt Nam ngày càng tăng. Điều này đến từ mức thu nhập bình quân ngày một cải thiện, từ đó nâng cao sức mua của người dân. Thêm vào đó, sự hồi phục, phát triển của ngành du lịch và khách sạn dự kiến tiếp tục thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường TĂCN Việt Nam trong giai đoạn tới. Ngoài ra, tỷ lệ hộ chăn nuôi chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi có tổ chức theo quy mô trang trại ngày càng tăng, được kỳ vọng tiếp tục thúc đẩy cơ hội tăng trưởng trên thị trường TĂCN trong những năm tới.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý rằng, giá TĂCN thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp do căng thẳng giữa Nga – Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Giá nguyên liệu TĂCN tiếp tục bị ảnh hưởng vì Việt Nam vẫn đang phụ thuộc nhiều vào nguồn cung nhập khẩu.
Khảo sát của Vietnam Report cũng chỉ ra trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp TĂCN đang nỗ lực củng cố nội lực. Các yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến việc thiết lập định hướng chiến lược tương lai đến từ sức mạnh nội tại của doanh nghiệp như: Chất lượng nguồn nhân lực và quản trị doanh nghiệp; tốc độ ứng phó và sự thích nghi của doanh nghiệp; công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm; sự tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ và cải tiến quy trình vận hành; văn hóa và giá trị cốt lõi; hoạt động marketing của doanh nghiệp./.
Hiếu Phương
Tạp chí Kinh Tế & Dự Báo
- thị trường thức ăn chăn nuôi li> ul>
- Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái
- Sản lượng lợn của Anh tháng 10/2024 tăng
- Nông dân sản xuất giỏi từ mô hình chăn nuôi dê
- Giới khoa học lo ngại ca H5N1 có dấu hiệu thích nghi với người
- Sắp diễn ra hội thảo, phổ biến áp dụng mô hình số trong quản lý tại các cơ sở chăn nuôi
- 529 cơ sở chăn nuôi được công nhận an toàn đối với bệnh Dịch tả heo Châu Phi
- Ký kết hợp tác giữa Hội Chăn nuôi Việt Nam và Hiệp hội Thương nhân thịt Singapore
- Ảnh hưởng của chất béo đến năng suất, chất lượng và thành phần axit béo của trứng
- Nhập khẩu lúa mì 10 tháng đầu năm 2024 tăng cả lượng và kim ngạch
- Quảng Ninh: Móng Cái chủ động phòng dịch cho đàn vật nuôi
Tin mới nhất
CN,24/11/2024
- Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái
- Sản lượng lợn của Anh tháng 10/2024 tăng
- Nông dân sản xuất giỏi từ mô hình chăn nuôi dê
- Giới khoa học lo ngại ca H5N1 có dấu hiệu thích nghi với người
- Sắp diễn ra hội thảo, phổ biến áp dụng mô hình số trong quản lý tại các cơ sở chăn nuôi
- Ký kết hợp tác giữa Hội Chăn nuôi Việt Nam và Hiệp hội Thương nhân thịt Singapore
- Ảnh hưởng của chất béo đến năng suất, chất lượng và thành phần axit béo của trứng
- Nhập khẩu lúa mì 10 tháng đầu năm 2024 tăng cả lượng và kim ngạch
- Quảng Ninh: Móng Cái chủ động phòng dịch cho đàn vật nuôi
- Nhập khẩu thịt heo có thể tăng trở lại vào quý IV
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
- Các quy trình ngoại khoa trên heo con và những vấn đề cần lưu ý
- Bệnh Dịch tả heo châu Phi: Làm tốt An toàn sinh học đến đâu, rủi ro bệnh càng thấp tới đó!
- Quy trình xử lí chuồng trại sau khi bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
- Bệnh gạo lợn: Những điều cần biết
Bình luận mới nhất