Trường Trung cấp 24 Biên phòng và Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga: Phối hợp trong huấn luyện chó bản địa phát hiện bom mìn, thuốc nổ còn sót lại sau chiến tranh - Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam
    • Giá heo (lợn) hơi miền Bắc từ 62.000 - 64.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Hà Nội, Hưng Yên 64.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Yên Bái 63.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Lào Cai 62.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi miền Trung và Tây Nguyên từ 60.000 - 63.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Quảng Trị 61.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Nghệ An 63.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Ninh Thuận 62.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Khánh Hòa 60.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi miền Nam từ 61.000 - 64.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Đồng Nai 63.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Cần Thơ 64.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi TP. Hồ Chí Minh 62.000 đ/kg
    •  
  • Trường Trung cấp 24 Biên phòng và Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga: Phối hợp trong huấn luyện chó bản địa phát hiện bom mìn, thuốc nổ còn sót lại sau chiến tranh

    Tác giả: VŨ KHẮC BIÊN

                Khoa Huấn luyện chó chiến đấu, Trường Trung cấp 24 Biên phòng

     

    [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Vì một Việt Nam không có bom mìn sau chiến tranh, Trường Trung cấp 24 Biên phòng đã phối hợp cùng với Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Nhiệt đới hỗn hợp Việt Nga (gọi tắt là Trung tâm nhiệt đới Việt Nga) tiến hành nghiên cứu, huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ phát hiện bom mìn.

     

    Vấn đề bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh…

     

    Ước tính hiện nay Việt Nam còn khoảng 800.000 tấn bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Con số này đã biến Việt Nam thành một trong những quốc gia bị ô nhiễm bom mìn lớn trên thế giới với khoảng khoảng 6,1 triệu ha diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm bom mìn, chiếm 18,31% tổng diện tích của cả nước.

     

    Số bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó tập trung nhiều tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ, có thể kể đến một số tỉnh như Quảng Trị, Huế, Long An. Hiện cả nước có hơn 7,06 triệu người khuyết tật, trong đó có hàng vạn người là nạn nhân bom mìn và bị phơi nhiễm chất độc hoá học da cam/dioxine (1). Để giải quyết triệt để vấn đề bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh còn cả một quá trình tốn rất nhiều công sức, tiền bạc và tiềm ẩn nguy cơ nguy hiểm đến tính mạng cho các lực lượng tham gia.   

     

    Phối hợp, đào tạo, huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ phát hiện bom mìn

     

    Phát huy sức mạnh nội lực của đơn vị trong công tác hỗ trợ rà, phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, Ban Giám hiệu Trường Trung cấp 24 Biên phòng đã phối hợp cùng với Trung tâm nhiệt đới Việt Nga  đã thống nhất, nhanh chóng tiến hành các bước nghiên cứu, ký kết chương trình phối hợp đào tạo, huấn luyện.

     

    Ngay sau khi ký kết, Ban Giám hiệu Trường Trung cấp 24 Biên phòng đã lập tức chỉ đạo cơ quan chuyên môn thống nhất nội dung huấn luyện, thời gian huấn luyện, tiến hành công tác chuẩn bị huấn luyện từ đảm bảo vật chất huấn luyện cho huấn luyện viên, cho chó nghiệp vụ đến chuẩn bị thao trường, bãi tập, lựa chọn giáo viên, bồi dưỡng đội ngũ huấn luyện viên nhằm phục vụ cho quá trình huấn luyện được hiệu quả, tiết kiệm thời gian, đồng thời làm công tác chuẩn bị đảm bảo tiêu chuẩn, chế độ nuôi dưỡng, chăm sóc chó nghiệp vụ trong suốt quá trình triển khai.

     

    Về phía Trung tâm nhiệt đới Việt Nga, Ban Giám đốc Trung tâm đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiến hành trao đổi, thống nhất với Trường Trung cấp 24 Biên phòng về các nội dung huấn luyện, tiến hành lựa chọn con người, chuẩn bị vật chất trang bị, đồng thời phối hợp với cơ quan chuyên môn của Trường Trung cấp 24 Biên phòng tiến hành tuyển lựa giống chó để đưa vào huấn luyện. Hai bên đã thống nhất tuyển lựa giống chó bản địa dạng sói để đưa vào huấn luyện (2). Qua quá trình sàng lọc, tuyển chọn đã chọn ra 05 chó bản địa dạng sói, giao cho 05 huấn luyện viên để tiến hành chăm sóc, nuôi dưỡng và tiến hành huấn luyện những bài tập đầu tiên.

    Giống chó Lài sông Mã được tuyển chọn để huấn luyện

     

    Với đặc điểm nổi trội của giống chó bản địa dạng sói là thân hình nhỏ thuận tiện cho việc tiếp cận những vị trí khó, thể lực dẻo dai, sức cơ động linh hoạt và đặc biệt là khả năng thích nghi nhanh với sự thay đổi môi trường sống, chó bản địa dạng sói đã cho thấy khả năng to lớn trong ứng dụng vào huấn luyện phát hiện thuốc nổ, bom mìn. Trên cơ sở các bài tập huấn luyện chó nghiệp vụ phát hiện ma túy, thuốc nổ, giám biệt nguồn hơi … mà Trường Trung cấp 24 Biên phòng đang tiến hành triển khai huấn luyện các lớp, các khóa học, kết hợp với kinh nghiệm huấn luyện của huấn luyện viên nhà trường, kinh nghiệm thực tế mà huấn luyện viên của Trung tâm nhiệt đới Việt Nga đã trải qua, từ đó các bài tập được thiết kế phù hợp với đặc điểm của chó bản địa dạng sói.

     

    Quá trình huấn luyện cơ bản, thiết thực, vững chắc…

     

    Giai đoạn huấn luyện đầu tiên (giai đoạn 1) đã triển khai trong thời gian 09 tháng (từ tháng 9 năm 2018 đến tháng 5 năm 2019). Các nội dung huấn luyện ban đầu là huấn luyện chó bản địa dạng sói làm quen môi trường, điều kiện sống, điều kiện huấn luyện, huấn luyện tính kỷ luật và khả năng vượt vật cản, địa hình.

     

    Sau khi trải qua giai đoạn huấn luyện làm quen, chó bản địa dạng sói được chuyển sang huấn luyện các nội dung phục vụ phát hiện bom mìn, thuốc nổ. Quá trình huấn luyện được triển khai bài bản, tuân thủ nghiêm quy trình huấn luyện, huấn luyện viên của Trường Trung cấp 24 Biên phòng và huấn luyện viên của Trung tâm nhiệt đới Việt Nga đã không ngừng trao đổi, rút kinh nghiêm qua từng buổi tập, từng đợt huấn luyện, kịp thời điều chỉnh nội dung huấn luyện, cách thức tiếp cận nội dung, phát hiện hạn chế, thiếu sót, tìm ra nguyên nhân.

    Huấn luyện chó ở khu vực địa hình gồ ghề, nhiều gạch đá

     

    Kết thúc giai đoạn huấn luyện một, hai bên đã cùng nhau đánh giá kết quả huấn luyện đối với từng huấn luyện viên và chó bản địa dạng sói(3). Trên cơ sở kết quả đánh giá giai đoạn huấn luyện 1, từ những vấn đề thiếu sót, hạn chế đã chỉ ra và nguyên nhân là căn cứ để tiến hành huấn luyện giai đoạn 2.

     

    Giai đoạn huấn luyện 2 được tiến hành huấn luyện trong thời gian 09 tháng (từ tháng 9 năm 2019 đến tháng 5 năm 2020). Hai bên tiến hành tuyển lựa và chọn ra 05 cá thể chó bản địa để tiến hành huấn luyện. Những thiếu sót, hạn chế ở giai đoạn huấn luyện 1 đã từng bước được khắc phục, chất lượng huấn luyện được nâng lên, khả năng làm việc của chó bản địa dạng sói được củng cố, là cơ sở để tiến hành đưa chó bản địa dạng sói ra hoạt động thực tế (4).

     

    Sau khi kết thúc giai đoạn huấn luyện 2, chó bản địa dạng sói đã được đưa vào huấn luyện thực tế tại địa bàn huyện Xín Chải, tỉnh Hà Giang trong tháng 7 và tháng 8 năm 2020 với điều kiện huấn luyện trong môi trường giả định, kết quả đánh giá cho thấy 100% số chó tham gia thích nghi tốt với điều kiện sống thay đổi, 100% số chó hoàn thành bài kiểm tra từ mức “Đạt yêu cầu” trở lên.

     

    Đến tháng 4 năm 2022, chó bản địa dạng sói tiếp tục được sử dụng hỗ trợ lực lượng Công binh rà soát bom mìn, vật liệu nổ phục vụ giao lưu Quốc phòng Việt Nam – Trung Quốc lần thứ 7 tại địa bàn tỉnh Cao Bằng. Đây là bước đi đầu tiên chứng minh khả năng ứng dụng thực tế của việc sử dụng chó bản địa dạng sói rà soát bom mìn, vật liệu nổ, mở ra một cách làm mới nhằm phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp các lực lượng hỗ trợ rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam.

     

    Hiện nay, không chỉ Việt Nam, trên thế giới còn nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đang phải chịu đựng hậu quả của bom, mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh. Bên cạnh đó, những cuộc xung đột sắc tộc, tôn giáo, lãnh thổ … vẫn diễn ra và để lại hậu quả hết sức to lớn khi số bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại chưa được khắc phục.

    Huấn luyện chó phát hiện mẫu vật ở các dạng địa hình khác nhau

     

    Đã có những quốc gia tiến hành huấn luyện động vật nghiệp vụ hỗ trợ rà phá bom mìn nhằm hạn chế nguy cơ nguy hiểm đến tính mạng cho con người, đồng thời đẩy nhanh tốc độ rà soát bom mìn, vật liệu nổ như Cambodia, Mozambique … tiến hành huấn luyện chuột rà soát bom mìn, một số quốc gia khác tiến hành huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ và đã đạt được kết quả tích cực. Đây là minh chứng rõ nét cho việc huấn luyện và sử dụng chó bản địa dạng sói rà phá bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam là cách làm đúng đắn. Bên cạnh việc phát huy khả năng, thế mạnh của chó bản địa dạng sói, cách làm này còn giúp tiết kiệm chi phí khi không phải sử dụng giống chó nhập ngoại vốn có giá thành cao nhưng khả năng thích nghi với môi trường sống tại Việt Nam lại rất hạn chế.

     

    Trên cơ sở kết quả huấn luyện giai đoạn 1 và 2, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga tiếp tục phối hợp với Trường Trung cấp 24 Biên phòng triển khai các giai đoạn tiếp theo, trước mắt là giai đoạn huấn luyện 3 từ tháng 9 năm 2024 đến tháng 5 năm 2025. Sau khi kết thúc giai đoạn huấn luyện 3, chó bản địa dạng sói sẽ được sử dụng vào hoạt động rà soát bom mìn, vật liệu nổ tại địa bàn tỉnh Quảng Trị, một trong những tỉnh có mức độ ô nhiễm bom mìn cao nhất cả nước. Đây là hoạt động phối hợp với Tổ chức viện trợ Nhân dân Norway (NPA) hỗ trợ các quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.

     

    Phương hướng lâu dài…

    Huấn luyện chó ở những khu vực địa hình khác nhau

     

    Từ những kết quả trong công tác phối hợp, hợp tác thời gian qua, Ban Giám hiệu Trường Trung cấp 24 Biên phòng và Ban Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga xác định công tác phối hợp tổ chức huấn luyện chó bản địa hỗ trợ rà phá bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của mỗi bên và tiếp tục lãnh, chỉ đạo cơ quan chuyên môn các cấp tích cực triển khai thực hiện trong thời gian tới, cụ thể:

     

    Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường và Ban Giám đốc Trung tâm đối với công tác huấn luyện chó bản địa phát hiện bom mìn, vật liệu nổ thông qua cơ quan chuyên môn của mỗi bên (Phòng Đào tạo/Trường Trung cấp 24 Biên phòng và Viện sinh thái Nhiệt đới/Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga). Chỉ đạo, tổ chức thực hiện kế hoạch, chương trình hành động một cách quyết liệt, đồng bộ. Trong đó, coi trọng chỉ đạo đổi mới cơ chế phối hợp, triển khai thực hiện theo hướng đề cao chất lượng huấn luyện, chuyên sâu, không chồng chéo. Quá trình triển khai phải đảm bảo đúng tiến độ, sát yêu cầu nhiệm vụ, sát địa bàn thực hiện. Mỗi bên kịp thời điều chỉnh, bổ sung nội dung, chương trình huấn luyện phù hợp theo từng giai đoạn, kịp thời phát hiện những vướng mắc, vấn đề phát sinh báo cáo Thủ trưởng hai bên giải quyết.

     

    Hai là, chủ động đổi mới phương pháp tổ chức huấn luyện. Trên cơ sở bám sát phương châm huấn luyện “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, hai bên chủ động bàn bạc, trao đổi đổi mới phương pháp tổ chức huấn luyện, kết hợp chặt chẽ huấn luyện nâng cao trình độ cho huấn luyện viên với huấn luyện phản xạ cần thiết cho chó bản địa trong hoạt động rà soát, phát hiện bom mìn, vật liệu nổ, tập trung vào nội dung trọng tâm đối với chó bản địa gồm: Phản xạ tìm kiếm, thể lực, khả năng thích nghi khi thay đổi môi trường sống. Tích cực nghiên cứu, vận dụng phương pháp, kiến thức, kinh nghiệm trong nước và quốc tế về công tác huấn luyện động vật phát hiện bom mìn, vật liệu nổ.

     

    Ba là, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phục vụ huấn luyện. Huấn luyện chó bản địa phát hiện bom mìn, vật liệu nổ là nội dung huấn luyện mới, đòi hỏi cao về điều kiện huấn luyện. Trên cơ sở hệ thống vật chất, thao trường huấn luyện đã có tại Trường Trung cấp 24 Biên phòng, hai bên cùng nghiên cứu, đề xuất mua sắm, củng cố cơ sở, vật chất huấn luyện bám sát điều kiện hoạt động thực tiễn, đảm bảo công tác huấn luyện đúng tiến độ và đạt hiệu quả. Khuyến khích các sáng kiến sửa chữa, cải tạo vật chất phục vụ huấn luyện có tính thiết thực, tiết kiệm ngân sách. Đồng thời xây dựng phương án rèn luyện, triển khai thực hiện việc sử dụng thức ăn công nghiệp cho chó bản địa nhằm đảm bảo thể lực, khả năng thích nghi khi thay đổi môi trường sống, điều kiện làm việc.

     

    Bốn là, kịp thời sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm sau mỗi giai đoạn phối hợp. Công tác sơ kết tổng kết phải được tiến hành sau mỗi giai đoạn huấn luyện và kết thúc huấn luyện. Trên cơ sở những mặt mạnh, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của mỗi giai đoạn là cơ sở để tiến hành điểu chỉnh nội dung, chương trình, phương pháp tiếp cận huấn luyện, từ đó chuẩn hóa thành chương trình huấn luyện chung, có tính đồng bộ, là cơ sở để mở rộng huấn luyện không chỉ với chó bản địa mà còn áp dụng với các nguồn chó khác sẵn có tại Việt Nam, vừa nâng cao hiệu quả vừa tiết kiệm chi phí tuyển chọn chó đầu vào. Bên cạnh đó, công tác sơ kết, tổng kết phải kịp thời biểu dương, khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích huấn luyện, thành tích thực hiện nhiệm vụ tốt tạo động lực cho cán bộ, huấn luyện viên trực tiếp thực hiện, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tạo động lực góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung của hai đơn vị.

     

    Từ kết quả huấn luyện, hoạt động thực địa đến việc xác định phương hướng lâu dài của việc sử dụng chó bản địa dạng sói trong hoạt động rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh là từng bước đi khẳng định tính hiệu quả, tính đúng đắn của việc triển khai phối hợp huấn luyện giữa Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga và Trường Trung cấp 24 Biên phòng. Hoạt động này nhằm cung cấp thêm một cách làm hiệu quả góp phần khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, không những ở quê hương mà còn vươn mình thực hiện nhiệm vụ quốc tế, giúp đỡ bạn bè năm châu đẩy lùi hậu quả của bom mìn để lại./.

     

    (1) Nguồn thống kê: Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC)

    (2) Chó bản địa dạng sói: Còn được gọi là Chó Lài, Chó Lài Sông Mã, có nguồn gốc từ chó Dingo, là một phân loài của Sói (Canis lupus dingo) – là một trong bốn giống chó đặc trưng của Việt Nam gồm Chó Lài, Chó Bắc Hà, Chó H’mong cộc và Chó Phú Quốc.

    (3) Kết quả huấn luyện giai đoạn 1: 100% số chó bản địa đạt yêu cầu, trong đó đạt mức Khá là 40%, mức TB Khá là 60%.

    (4) Kết quả huấn luyện giai đoạn 2: 100% số chó bản địa đạt yêu cầu, trong đó đạt mức Xuất sắc là 40%, mức Giỏi là 60%.

     

    Để lại comment của bạn

    Bình luận mới nhất

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Theo UBND xã Minh Châu – Ba Vì – Hà Nội, xác định lợi thế về đất đai, khí hậu nên những năm qua đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp là chính, trong đó xã tập trung đến phát triển chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt. […]

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Trong bối cảnh bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại TP Hồ Chí Minh, thành phố càng nỗ lực thực hiện các biện pháp kiểm soát chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ gắt gao. Hơn nữa, khảo sát một đêm tại thị trường […]

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Anh Trần Văn Toản, ở khu vực Bình Yên B, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ là người đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long mở trang trại nuôi chim công rất thành công mà cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.   1/ […]

    • Giống chim này có khả năng thích ứng cao với điều kiện khí hậu ở nước ta, tỷ lệ nuôi sống đạt 94-99%.

    • Để đàn gà sinh trưởng phát triển tốt có tỷ lệ sống cao cần thực hiện tốt kỹ thuật úm gà con

    • Việt Nam cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… là những nước đã nuôi trồng thành công đông trùng hạ thảo.

    • Gà vảy cá được mệnh danh là “mỹ kê” đã được nhiều đại gia Việt sẵn sàng chi tiền triệu để hữu cặp gà vảy cá đẹp.

    • Cừu chính là loài vật nuôi thích hợp với những điều kiện khắc nghiệt của vùng đất Ninh Thuận.

    • Nghề nuôi chim cút đẻ hiện đang phổ biến ở rất nhiều hộ gia đình tại các địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế khá.

    • Tỉnh Phú Thọ với địa hình đa dạng: nhiều gò, đồi thấp, dải đồng bằng thuận lợi cho chăn nuôi, trong đó, có chăn nuôi gà lông màu.