[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Cuộc sống của cộng đồng các dân tộc ở trên cao nguyên núi đá Hà Giang chưa bị thương mại hoá nhiều, nên phiên chợ Mèo Vạc còn giữ được nhiều nét thuần phác cổ truyền. Người Mông nói riêng, các dân tộc vùng cao nói chung xuống chợ, hầu hết chỉ bán những nông sản, thổ cẩm do họ tự làm ra. Trong đó, đặc sản nổi tiếng ở Mèo Vạc là lợn đen Lũng Pù được nhiều thương lái từ dưới xuôi tìm lên mua, đưa về các quán ăn đặc sản ở Hà Nội.
Phiên chợ Mèo Vạc
Chúng tôi đến Mèo Vạc từ chiều thứ bảy, đã thấy trên đường đến thị trấn lác đác những toán người Mông gùi hàng xuống chợ. Xâm xẩm tối, trên vệ đường, thỉnh thoảng có những cặp vợ chồng người Mông trải chăn lên vệ cỏ làm chỗ ngủ qua đêm trong màn sương lạnh.
Chị cán bộ Trung tâm khuyến nông tỉnh Hà Giang cho hay, đó là những người đi chợ, vì nhà ở cách xa hàng chục km, nên họ phải đi từ chiều hôm trước. Có người ngủ nhờ nhà người quen để sớm hôm sau kịp ra chợ, nhưng cũng có những người không có người quen thì ngủ ngay trên đường. Ở đây, hình ảnh người dân dắt ngựa hoặc đi bộ, lưng đeo gùi đi cả ngày mới đến chợ là chuyện rất bình thường!
Đặc sắc chợ phiên Mèo Vạc
Tờ mờ sáng, trên khắp các ngả đường dẫn về thị trấn Mèo Vạc, những dòng người áo váy thổ cẩm nô nức nối bước chân nhau. Những phụ nữ vùng cao, người gùi trên lưng đầy ắp nông sản, rau quả; người trên tay bế con gà, hoặc cắp con lợn vào nách, hăm hở đi. Có chàng trai không đem theo vật nuôi, nông sản nào, mà tay ôm chiếc khèn. Tất thảy cùng hướng về phía chợ phiên Mèo Vạc, chỉ được mở vào Chủ nhật hàng tuần.
Dòng người áo váy thổ cẩm nô nức nối bước chân nhau về phiên chợ cuối năm…
Chợ Mèo Vạc tọa lạc ở thị trấn, giữa một thung lũng bốn bề núi đá. Người dân từ bốn bề núi cao đi xuống, nên không gọi là đi chợ, mà nói “xuống chợ”. Hàng hóa bày bán rất đa dạng, nhưng chủ yếu là nông sản, sản vật địa phương, mà ít thấy những mặt hàng của các doanh nghiệp từ các thành phố đưa xuống. Có lẽ, bởi các mặt hàng điện tử, điện lạnh, vật tư nông nghiệp, hàng tạp hóa… đều đã được các doanh nghiệp phân phối đến hệ thống đại lý, cửa hàng ở từng bản làng, nên người dân không phải tìm đến chợ phiên để mua. Mà chợ phiên ở đây giống như hội chợ, dường như để bà con đem hàng hóa của mình đến bán, giao lưu văn hóa thương mại.
Không gian chợ phiên Mèo Vạc rất rộng, được chia thành nhiều khu với đặc trưng riêng của sản phẩm hàng hóa, từ chợ động vật bò, lợn, gà, đến khu bày bán rượu, rau củ quả xanh, nông cụ… Ấn tượng nhất, là những sạp vải hàng thêu lanh, thổ cẩm rực rỡ sắc màu – đều là những sản phẩm thủ công tinh tế và đẹp mắt do chính tay đồng bào dân tộc nơi đây làm ra.
Quan sát từ trên cao, chợ phiên bừng sáng sắc màu trang phục các dân tộc như vườn hoa khổng lồ. Màu sắc đó không chỉ từ những sạp vải vóc, quần áo, mà chính là từ trang phục của những người Mông, Dao, Giáy, Nùng, Lô Lô… Đàn ông đi chợ thường mặc quần áo đen, còn chị em thì xúng xính trong trang phục rực rỡ, những bộ váy truyền thống nhiều màu sắc. Xuống chợ không chỉ đơn thuần là mua bán, trao đổi hàng hoá mà quan trọng là được đi chơi chợ. Vì thế, phụ nữ thường dừng lại ở bên đường, bên khe suối hay một gốc cây to nào đó, giở gương, lược ra trang điểm lại cho sắc đẹp của mình rồi mới vào chợ.
Đến chợ Mèo Vạc, cùng với các mặt hàng thổ cẩm, ta có thể tìm mua được những mặt hàng đặc sản của địa phương như: thịt lợn Mẹo, mật ong bạc hà, tam thất, măng, mộc nhĩ, táo mèo, chè shan tuyết, rượu ngô… Đôi khi còn có cả những người đem bán những con dúi béo núc hay những con chim họa mi, những con bìm bịp, tắc kè, những bó rau rừng ngon và lạ miệng…
Đặc biệt, chợ phiên còn có khu vực hàng ăn với những chảo thắng cố to, nóng hôi hổi cùng những chai rượu ngô thơm nồng. Những dãy bàn ghế mộc mạc nối tiếp nhau, đàn ông ngồi với đàn ông, đàn bà ngồi với đàn bà, thắng cố được múc ra, rượu ngô rót đầy bát, tiếng cười nói trò chuyện ồn ã. Ở chợ, đàn bà thường chịu trách nhiệm trao đổi, mua sắm nhu yếu phẩm cho gia đình. Còn đàn ông, điều thích thú nhất chính là việc cùng nhau quây quần bên nồi thắng cố, cùng nhâm nhi những bát rượu ngô, rượu sắn để cùng tâm tình về chuyện gia đình, làm ăn, chuyện anh em, bè bạn.
Ngoài mục đích trao đổi hàng hóa, chợ phiên còn là nơi giao lưu, gặp gỡ nên phiên chợ thực sự như ngày hội của đồng bào các dân tộc vùng cực Bắc này. Tiếng cười, tiếng nói, lời hát của họ hòa vào tiếng đàn môi, khèn bè lảnh lót, toát lên chất nghệ sĩ dân dã, tâm hồn sảng khoái như núi rừng Tây Bắc.
Những niềm vui, những lời tâm tư của ngày cuối tuần rộn rã làm họ quên đi cái khó, cái nghèo vẫn còn quẩn quanh đâu đó ở vùng cao nguyên đá sỏi thiếu thốn này để chuẩn bị bắt đầu cho một tuần lao động mới. Chợ phiên Mèo Vạc chính là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của các dân tộc thiểu số vùng cao nguyên đá Hà Giang, ẩn chứa những nét độc đáo khó trộn lẫn với bất cứ chợ nào khác.
Chợ phiên Mèo Vạc chính là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của các dân tộc thiểu số vùng cao nguyên đá Hà Giang
Những năm gần đây, ở Mèo Vạc hình thành chợ bò áp sát với chợ phiên của huyện, thời gian hoạt động cũng trùng với phiên chợ truyền thống. Mỗi phiên chợ, người từ các xã đem đến hàng trăm con bò, hình thành một chợ kinh doanh bò nổi tiếng không chỉ của tỉnh Hà Giang mà còn trong cả nước. Khoảng giữa chợ bò và chợ truyền thống, là khu vực dành cho những vật nuôi khác: lợn, gà, dê… Nhiều thương lái từ các thành phố dưới miền xuôi tìm lên chợ Mèo Vạc để mua một sản vật là lợn đen.
Tại mỗi phiên chợ Mèo Vạc, hàm trăm con lợn cùng một màu sắc đen nhẻm, kích thước nhỏ thó không nhỉnh hơn cơn chó, được người dân tập kết bày bán. Những thương khách vây quanh đàn lợn, con nào cũng bé nhỏ cũn cỡn màu da đen tuyền, với chùm những sợi dây buộc tròng vào cổ lợn được người dân cầm kéo đi.
Người dân địa phương cho biết, đây là giống lợn đen Lũng Pù đặc sản ở huyện Mèo Vạc. Lợn đen là giống lợn bản địa của người Dao và H’mông tại Tả Lủng, chống chịu tốt với khí hậu khắc nghiệt của núi đá Mèo Vạc và địa hình chăn thả dốc, thịt vô cùng thơm ngon. Vì vậy, thương lái miền xuôi tìm lên mua về bán tại các nhà hàng ăn uống đặc sản ở Hà Nội và các thành phố lớn.
Đặc sản lợn đen Lũng Pù
Bà Phạm Thị Hà, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang cho biết, thịt lợn đen Lũng Pù rất ngon, nên ngày càng được thực khách ở các thành phố ưa chuộng. Giống lợn này nuôi từ 4 đến 8 tháng đạt trọng lượng 15-25kg thì bắt đầu xuất chuồng. Lợn nuôi cả năm, đến khi trưởng thành cũng chỉ đạt 45-50 kg.
Theo bà Hà, giống lợn đen được người dân xã Lũng Pù huyện Mèo Vạc chăn nuôi từ lâu nhưng chỉ ở quy mô nhỏ lẻ, với hình thức chăn thả nên hiệu quả không cao. Từ ba năm nay, xã Lũng Pù đã triển khai mô hình phát triển đàn lợn theo hướng hàng hóa bằng phương thức đầu tư có thu hồi và từ nguồn sự nghiệp nông nghiệp của huyện. Được sự tuyên truyền vận động của xã, nhiều hộ dân đã tích cực đầu tư mở rộng chăn nuôi giống lợn đen.
Ngoài ra xã còn phối hợp với Trạm khuyến nông huyện, cử cán bộ thú y thôn bản kiểm tra tình hình sức khỏe đàn lợn, hướng dẫn nhân dân cách chăm sóc, trồng nguồn thức ăn, xây dựng chuồng trại. Người dân cũng chủ động phát triển nguồn thức ăn, trồng thêm rau xanh, tận thu các nguyên liệu sẵn có như bã rượu, đậu tương, thân chuối để đảm bảo đáp ứng lượng thức ăn cho đàn lợn. Hiện nay đàn lợn đen ở riêng trên địa bàn xã Lũng Pù đã phát triển được trên 2.000 con.
Lợn đen Vũng Pù tại chợ phiên Mèo Vạc
Lũng Pù là xã vùng cao núi đá của huyện Mèo Vạc, có nhiều tiềm năng để phát triển chăn nuôi, trong đó có giống lợn đen địa phương. Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020 (OCOP), xã Lũng Pù đã vận động người dân chú trọng phát triển giống lợn này để góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo.
Ông Nguyễn Văn Hợp, Phó Chủ tịch UBND xã Lũng Pù cho hay, với trên 2.000 con, hiện nay, lợn đen trở thành vật nuôi chủ lực của xã Lũng Pù, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Để phong trào chăn nuôi phát triển hơn, lãnh đạo xã Lũng Pù tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân mở rộng mô hình chăn nuôi, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng hướng dẫn khoa học kỹ thuật, hỗ trợ người chăn nuôi về cách chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, xây dựng chuồng trại, tạo mọi điều kiện tốt nhất để nhân dân phát triển sản xuất, ổn định đời sống.
Hiện nay, sản phẩm thịt lợn đen Lũng Pù không chỉ người dân trong huyện tin dùng mà nhiều nơi khác cũng biết đến và ưa chuộng. Với giá bán 60.000đ/1kg lợn hơi và 80.000/1kg lợn giống, từ chăn nuôi lợn đen, nhiều hộ dân trong xã Lũng Pù đã có thêm nguồn thu nhập cho gia đình, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo hiệu quả.
Thôn Lũng Lừ A, xã Lũng Pù có 74 hộ sinh sống thì nhà nào cũng nuôi lợn đen Lũng Pù; hộ ít nuôi khoảng 2 con, hộ nhiều nuôi từ 30 đến 50 con. Trong đó, gia đình anh Sùng Mí Nà, thôn Lũng Lừ A, đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi 45 con lợn đen Lũng Pù, đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu.
Cận cảnh giống lợn đen Lũng Pù
Theo anh Sùng Mí Nà, thức ăn chủ yếu là cây chuối, rau rừng, ngô, khoai. Muốn thịt lợn đen thơm, ngon thì thức ăn phải nghiền và nấu chín. Nhờ nuôi lợn đen mà các hộ gia đình trong thôn có thêm nguồn thu nhập, mở ra hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp hàng hóa. Lợn đen Lũng Pù có đặc điểm lông dày và ngắn, da thô, tai nhỏ cúp, mõm dài trung bình; gồm có 2 loại: Một loại 4 chân trắng và có chòm lông trắng ở trán tạo thành một xoáy ngược lên đỉnh đầu và một loại đen tuyền.
Do được thuần hóa lâu đời, nên giống lợn này thích nghi tốt với điều kiện khí hậu khắc nghiệt của vùng núi cao; chúng rất dễ nuôi, phàm ăn và có sức đề kháng cao, chống chịu bệnh tốt. Thịt lợn đen Lũng Pù có mùi thơm và ngọt hơn so với các loại thịt lợn ở vùng khác…
Chu Khôi
Từ nhu cầu thị trường, giá bán cao, mấy năm trở lại đây, Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang đã vận động người dân ở các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Yên Minh phát triển chăn nuôi giống lợn đen để góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo.
Hiện Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang triển khai Dự án “Hỗ trợ mô hình Chăn nuôi lợn sinh sản giống bản địa (Lợn Lũng Pù) theo hướng an toàn sinh học tại một số huyện trên cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2018-2020”. Từ dự án này, Hà Giang đã và đang xây dựng được thương cho lợn đen Lũng Pù, đưa lợn này thành vật nuôi hàng hóa bài bản, có sức cạnh tranh cao.
- nuôi lợn đen li>
- Mèo Vạc li>
- lợn đen Lũng Pù li> ul>
1 Comment
Để lại comment của bạn
- Áp dụng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo là tương lai của ngành chăn nuôi
- Vemedim tổ chức khóa học chẩn đoán và điều trị chuyên sâu về hô hấp phức hợp trên chó mèo
- Hòa Bình: Giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm 31% tỷ trọng ngành nông nghiệp
- Khả năng tiêu hoá tinh bột ở động vật và lợi ích của amylase
- Bình Định: Công ty Vĩnh Quang đầu tư trang trại chăn nuôi heo tại huyện Vĩnh Thạnh
- Ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng và những tác động có thể ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi Việt Nam
- Thoát nghèo bền vững nhờ nuôi bò sinh sản
- Nhập khẩu đậu tương 11 tháng năm 2024 tăng khối lượng, giảm trị giá
- Bệnh xuất huyết thỏ (Rabbit haemorrhagic disease – RHD)
- Tập đoàn Nhật Sojitz khai trương nhà máy chế biến thịt bò mát 10.000 tấn tại Tam Đảo
Tin mới nhất
T2,23/12/2024
- Áp dụng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo là tương lai của ngành chăn nuôi
- Vemedim tổ chức khóa học chẩn đoán và điều trị chuyên sâu về hô hấp phức hợp trên chó mèo
- Đón đọc Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam số tháng 12 năm 2024
- Hòa Bình: Giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm 31% tỷ trọng ngành nông nghiệp
- Khả năng tiêu hoá tinh bột ở động vật và lợi ích của amylase
- Bình Định: Công ty Vĩnh Quang đầu tư trang trại chăn nuôi heo tại huyện Vĩnh Thạnh
- Ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng và những tác động có thể ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi Việt Nam
- Thoát nghèo bền vững nhờ nuôi bò sinh sản
- Nhập khẩu đậu tương 11 tháng năm 2024 tăng khối lượng, giảm trị giá
- Bệnh xuất huyết thỏ (Rabbit haemorrhagic disease – RHD)
- Biogénesis Bagó: Tăng tốc tại thị trường châu Á thông qua việc thiết lập văn phòng khu vực tại Việt Nam
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
- Các quy trình ngoại khoa trên heo con và những vấn đề cần lưu ý
- Bệnh Dịch tả heo châu Phi: Làm tốt An toàn sinh học đến đâu, rủi ro bệnh càng thấp tới đó!
- Quy trình xử lí chuồng trại sau khi bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
Muốn mua giống lợn Lũng Pù ở đâu có ship xa không?