Giới thiệu về chăn nuôi hữu cơ - Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam
    • Giá heo (lợn) hơi miền Bắc từ 61.000 - 64.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Hà Nội, Hưng Yên 64.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Yên Bái 63.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Lào Cai 62.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi miền Trung và Tây Nguyên từ 58.000 - 62.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Quảng Trị 60.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Nghệ An 62.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Ninh Thuận 60.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Đắk Lắk 58.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi miền Nam từ 59.000 - 62.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Đồng Nai 60.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Cần Thơ 62.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi TP. Hồ Chí Minh 61.000 đ/kg
    •  
  • Giới thiệu về chăn nuôi hữu cơ

    [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Chăn nuôi hữu cơ không có nghĩa là chỉ cho vật nuôi ăn thức ăn hữu cơ và tránh bổ sung thức ăn tổng hợp mà còn tập trung vào việc thỏa mãn các nhu cầu khác của vật nuôi trong trang trại nhằm bảo đảm tốt sức khỏe và phúc lợi vật nuôi, hạn chế tối đa những tác động bất lợi đối với vật nuôi như cắt đuôi, bấm nanh, buộc cố định, nuôi nhốt, … Như vậy, chăn nuôi không đáp ứng tiêu chuẩn hữu cơ, không đảm bảo phúc lợi động vật, không đủ diện tích nuôi và không sử dụng nguồn thức ăn hữu cơ sẽ không được phép tồn tại trong canh tác hữu cơ.

     

    1. LỜI MỞ ĐẦU

     

    Ngày 27 tháng 9 năm 2017, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành bộ tiêu chuẩn TCVN 11041 nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp hữu cơ nói chung, chăn nuôi hữu cơ nói riêng để tăng chất lượng sản phẩm nông nghiệp, hàng lưu thông trong nước và xuất khẩu.

     

    Ngày 29 tháng 8 năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ ký Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về Nông nghiệp Hữu cơ. Nghị định gồm 7 chương với 20 Điều.

     

    Rõ ràng, với 2 văn bản Tiêu chuẩn TCVN 11041 và Nghị định 109/2018/NĐ-CP về Nông nghiệp hữu cơ chứng tỏ Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến Nông nghiệp hữu cơ, trong đó có Chăn nuôi hữu cơ. Vậy, tại sao Chăn nuôi hữu cơ lại được Nhà nước đặc biệt quan tâm như vậy?

     

    Trong thực tế của những năm qua, chủ trương công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp ở nước ta đã mang lại những thành tựu to lớn về nông nghiệp. Thế nhưng, thành tựu đó của ngành chăn nuôi cũng dẫn đến nhiều hệ lụy như: chất thải chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường khá trầm trọng, nguồn thực phẩm từ chăn nuôi không đảm bảo chất lượng về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tất nhiên không đạt tiêu chuẩn Chăn nuôi hữu cơ mà quốc tế đã quy định dựa trên tiêu chuẩn của Canada. Vì vậy, phát triển nông nghiệp hữu cơ nói chung, chăn nuôi hữu cơ nói riêng trở thành vấn đề cấp bách, nhất là thời điểm Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với quốc tế.

     

    2. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA CHĂN NUÔI HỮU CƠ

     

    2.1. Khái niệm chung

     

    Nông nghiệp hữu cơ bao gồm: trồng trọt hữu cơ (organic crop production), chăn nuôi hữu cơ (organic livestock production) và chế biến hữu cơ (organic process). Trong bài viết này, tác giả chỉ trình bày phần Chăn nuôi hữu cơ. Chăn nuôi hữu cơ không có nghĩa là chỉ cho vật nuôi ăn thức ăn hữu cơ và tránh bổ sung thức ăn tổng hợp mà còn tập trung vào việc thỏa mãn các nhu cầu khác của vật nuôi trong trang trại nhằm bảo đảm tốt sức khỏe và phúc lợi vật nuôi, hạn chế tối đa những tác động bất lợi đối với vật nuôi như cắt đuôi, bấm nanh, buộc cố định, nuôi nhốt, … Như vậy, chăn nuôi không đáp ứng tiêu chuẩn hữu cơ, không đảm bảo phúc lợi động vật, không đủ diện tích nuôi và không sử dụng nguồn thức ăn hữu cơ sẽ không được phép tồn tại trong canh tác hữu cơ.

     

    2.2. Các tiêu chuẩn trong chăn nuôi hữu cơ

     

    2.2.1. Tiêu chuẩn quản lý chăn nuôi hữu cơ

     

    Một số tiêu chuẩn về việc quản lý chăn nuôi hữu cơ trong trang trại chăn nuôi hữu cơ:

     

    – Vật nuôi được di chuyển, hoạt động tự do, không nuôi nhốt trong lồng cũi.

     

    – Vật nuôi được cung cấp đầy đủ thức ăn (không được phép sử dụng thức ăn tổng hợp), nước uống, không khí và ánh sáng.

     

    – Không làm tổn thương vật nuôi.

     

    – Cần sử dụng các biện pháp ngăn ngừa bệnh để đề phòng bệnh là chính vì nó quan trọng hơn là điều trị bệnh. Khi vật nuôi bị bệnh, sử dụng các loại thuốc thiên nhiên, nếu không có hiệu quả thì các loại thuốc thông thường được phép sử dụng.

     

    – Không sử dụng các loại thuốc kích thích sinh trưởng, hoóc môn, thuốc an thần.

     

    – Tốt nhất mua con giống đã được nuôi theo phương pháp hữu cơ.

     

    – Không nuôi động vật từ công nghệ chuyển phôi và biến đổi gen.

     

    Trong chăn nuôi hữu cơ, cần cố gắng đảm bảo sức khỏe tốt cho vật nuôi để duy trì nguồn sản vật được lâu dài. Để đạt được mục tiêu này cần quan tâm đến những yếu tố:

     

    – Đảm bảo cả về số lượng và chất lượng thức ăn.

     

    – Nước uống phải đủ và sạch.

     

    – Chuồng trại phải đủ diện tích, sạch sẽ, thoáng mát.

     

    – Phân bổ giới tính, độ tuổi hợp lý.

     

    – Có đủ điều kiện đảm bảo sức khỏe cho vật nuôi và thú y khi cần thiết.

     

    2.2.2. Tiêu chuẩn chuồng trại trong chăn nuôi hữu cơ

     

    Chuồng trại trong chăn nuôi hữu cơ cần đảm bảo đúng quy định: lựa chọn kiểu chuồng phù hợp với từng loại vật nuôi để đảm bảo năng suất và hiệu quả kinh tế nhưng phải đảm bảo phúc lợi vật nuôi. Chuồng trại đảm bảo thoáng mát, che mưa, nắng, đảm bảo về diện tích đáp ứng nhu cầu vận động cũng như các biểu hiện tự nhiên của vật nuôi.

     

    2.2.3. Tiêu chuẩn thức ăn trong chăn nuôi hữu cơ

     

    Chăn nuôi hữu cơ chủ yếu dựa vào thức ăn tự sản xuất ngay trong trang trại. Thức ăn có mối liên kết chặt chẽ giữa số lượng và thành phần của chúng với sức khỏe vật nuôi. Chính vì vậy, cần đảm bảo đầy đủ cả về số lượng và chất lượng thức ăn cho vật nuôi theo đúng tiêu chuẩn hữu cơ. Số lượng thức ăn thích hợp và hỗn hợp của các loại thức ăn sẽ tùy thuộc vào đối tượng vật nuôi vào mục đích sử dụng. Cần cung cấp đầy đủ thức ăn hữu cơ cho vật nuôi quanh năm nhằm duy trì khả năng sản suất của vật nuôi. Thức ăn khô có thể được sản xuất ngay tại trang trại như trên đồng cỏ, cỏ hoặc trồng cây xanh làm thức ăn cho vật nuôi mà tuân thủ theo canh tác hữu cơ.

    Đối với chăn nuôi hữu cơ, thức ăn khô có thể được sản xuất ngay tại trang trại như trên đồng cỏ, cỏ hoặc trồng cây xanh làm thức ăn cho vật nuôi mà tuân thủ theo canh tác hữu cơ.

     

    2.2.4. Tiêu chuẩn sức khỏe vật nuôi trong chăn nuôi hữu cơ

     

    2.2.4.1. Các nhân tố ảnh hưởng đến sức khỏe vật nuôi

     

    Mầm bệnh và ký sinh trùng tồn tại ở hầu khắp mọi nơi. Giống như con người, vật nuôi có hệ thống miễn dịch để đối phó với chúng. Tuy nhiên, hệ thống miễn dịch này sẽ bị nhiễu loạn nếu vật nuôi không được chăm sóc tốt. Khỏe mạnh là sự cân bằng giữa áp lực bệnh tật và khả năng miễn dịch của vật nuôi. Người chăn nuôi có thể tác động đến cả hai mặt của sự cân bằng này: giảm số lượng mầm bệnh bằng cách giữ gìn vệ sinh vật nuôi tốt và làm tăng sức đề kháng của vật nuôi với mầm bệnh.

     

    2.2.4.2. Phòng và trị bệnh trong chăn nuôi hữu cơ

     

    Trong chăn nuôi hữu cơ nhấn mạnh đến công tác phòng ngừa bệnh để giữ vật nuôi khỏe mạnh hơn là điều trị bệnh. Chăn nuôi hữu cơ tập trung vào việc nâng cao điều kiện sống của vật nuôi và làm tăng khả năng miễn dịch của chúng. Muốn vậy, cần phải bắt đầu từ tạo, chọn giống đến chăm sóc nuôi dưỡng phải đạt các tiêu chuẩn tối ưu: đủ không gian, ánh sáng, không khí, chuồng khô ráo, sạch sẽ, vật nuôi được vận động thường xuyên, được vệ sinh phù hợp.

     

    Chăn thả tự nhiên cần được luân phiên trên diện tích bãi chăn đã được chia thành nhiều ô và vật nuôi được ăn từ ô này sang ô khác trong khoảng thời gian nhất định.

     

    Tiếp theo là cần đảm bảo về nuôi dưỡng. Chất lượng và số lượng thức ăn có một tầm quan trọng quyết định đến sức khỏe vật nuôi. Vì vậy, cần có một khẩu phần ăn tự nhiên phù hợp với nhu cầu của vật nuôi. Một khẩu phần ăn cân bằng sẽ giữ được năng suất và sức khỏe của vật nuôi. Đồng thời, phải sử dụng thức ăn hữu cơ cho vật nuôi.

     

    Khi tất cả các biện pháp phòng ngừa này được thực hiện tốt thì vật nuôi hầu như không bị nhiễm bệnh. Vì vậy, điều trị thú y chỉ đóng vai trò thứ yếu trong chăn nuôi hữu cơ. Nếu vật nuôi bị bệnh thì phải xử lý điều trị bệnh bằng các loại thuốc có nguồn gốc thảo dược và các phương pháp truyền thống để chữa trị. Trong trường hợp các loại thuốc có nguồn gốc thảo dược này không có tác dụng hoặc không đầy đủ thì các loại thuốc tổng hợp mới được sử dụng.

     

    Nguyên tắc chính của điều trị bệnh trong chăn nuôi hữu cơ là phải xác định đúng nguyên nhân gây bệnh để tăng cường các cơ chế bảo vệ tự nhiên của vật nuôi. Chăn nuôi hữu cơ cho phép sử dụng các phương tiện tổng hợp để chữa trị nếu các biện pháp tự nhiên và thuốc thảo dược không đủ hiệu quả. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn hữu cơ yêu cầu rõ việc ưu tiên được dành cho các biện pháp quản lý nhằm làm tăng khả năng kháng bệnh của vật nuôi. Vì vậy, khi vật nuôi bị bệnh là dấu hiệu vật nuôi đang bị nuôi dưỡng trong các điều kiện chưa phù hợp. Cần xác định rõ nguyên nhân của bệnh dịch để ngăn ngừa sự bùng phát bệnh dịch trong tương lai bằng cách thay đổi các biện pháp quản lý phù hợp.

     

    Nếu thuốc thú y thông thường được sử dụng, phải tôn trọng triệt để việc lưu giữ vật nuôi trong một thời gian nhất định trước khi tiêu thụ như sản phẩm hữu cơ nhằm đảm bảo sản phẩm chăn nuôi hữu cơ này không có tồn dư kháng sinh. Chất tăng trọng tổng hợp không được sử dụng trong bất kỳ trường hợp nào trong chăn nuôi hữu cơ.

     

    Trong chăn nuôi hữu cơ, thuốc thảo mộc được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Nhiều cộng đồng canh tác truyền thống có một lượng kiến thức khổng lồ về các loại cây trồng với những đặc tính chữa bệnh của chúng. Cây trồng hỗ trợ quá trình chữa bệnh mặc dù chúng không loại bỏ mầm bệnh một cách trực tiếp. Tuy vậy, cũng không nên quên việc xác định nguyên nhân gây bệnh đồng thời cần cân nhắc lại biện pháp quản lý của mình.

     

    2.2.5. Tiêu chuẩn giống trong chăn nuôi hữu cơ

     

    Vì các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh để duy trì sức khỏe tốt cho vật nuôi là thích hợp trong canh tác hữu cơ, việc lựa chọn giống phù hợp với điều kiện địa phương và cho ăn thức ăn hữu cơ là vô cùng quan trọng. Điều này đòi hỏi giống phù hợp phải có sẵn. Các giống vật nuôi truyền thống trong trang trại có thể là điểm xuất phát tốt đối với công tác gây giống trong chăn nuôi hữu cơ. Con giống có thể được lựa chọn theo từng cá thể phù hợp đặc biệt với điều kiện canh tác hữu cơ. Con giống cũng có thể được lai tạo giữa giống truyền thống của địa phương có khả năng thích ứng tốt với môi trường với các giống mới năng suất, chất lượng cao nhằm tạo ra con lai mang những đặc điểm mới nổi trội hơn, đáp ứng tốt hơn trong môi trường hữu cơ. Để gây giống, chăn nuôi hữu cơ sử dụng kỹ thuật sinh sản tự nhiên là chính.

     

    Trong thập kỷ qua, các giống truyền thống được thay thế bằng các giống năng suất cao ở nhiều nơi, nhất là trong phương thức chăn nuôi công nghiệp. Các giống vật nuôi cao sản thường được cung cấp một khẩu phần ăn hoàn chỉnh và một điều kiện sống tối ưu. Nhìn chung, các giống mới năng suất cao này thường dễ nhiễm bệnh hơn các giống truyền thống nên chúng thường xuyên cần có sự can thiệp của thú y. Vì thế, các giống mới này có thể không phải là lựa chọn đúng đối với sản xuất ở nông thôn vì chi phí thức ăn và thú y cao, hiệu quả kinh tế thấp.

     

    2.2.6. Sự khác nhau giữa thịt hữu cơ, thịt an toàn và thịt thông thường

     

    2.2.5.1. Các yếu tố tạo nên thịt hữu cơ và thịt thông thường

     

    Sự khác biệt để tạo nên thịt hữu cơ so với thịt thông thường được thể hiện ngắn gọn nhất ở 4 tiêu chí sau: thời gian nuôi gia súc dài hơn, môi trường sống của gia súc đảm bảo vệ sinh hơn, không sử dụng chất cấm như chất kích thích sinh trưởng, tạo nạc, tạo màu, chất cấm, thuốc chữa bệnh, kháng sinh cho gia súc dẫn đến thịt hữu cơ có mùi vị thơm ngon và có độ chắc hơn so với thịt nuôi công nghiệp hoặc nuôi theo VietGAP (Xem chi tiết ở bảng sau).

     

    Tiêu chí Thịt heo/gà công nghiệp Thịt heo/gà nuôi theo chuẩn GAH Thịt heo/gà hữu cơ AusFarm
    Thời gian nuôi Ngắn: 3-5 tháng Ngắn: 3-5 tháng Dài: 6-7 tháng
    Môi trường vệ sinh Ô nhiễm, có mùi Ô nhiễm, có mùi Sạch và thân thiện
    Chất tăng trọng, tạo nạc, tạo màu, chất cấm, thuốc chữa bệnh, kháng sinh Có sử dụng nhiều Có sử dụng nhiều nhưng được kiểm soát theo quy định Hoàn toàn không sử dụng bất kỳ hóa chất nào, phòng bệnh từ bên trong vật nuôi và môi trường sống của vật nuôi là chính
    >Mùi vị, độ chắc của thịt Nhạt, thịt không chắc Nhạt, thịt không chắc Đậm đà, thịt chắc, hương vị hoàn toàn thơm ngon tự nhiên

     

    2.2.5.2. Cách phân biệt thịt heo hữu cơ với thịt heo thường

     

    Nếu nhìn bằng mắt thường thì thật khó để phân biệt thịt heo hữu cơ với thịt heo thông thường. Thế nhưng, cũng có thể dựa trên các tiêu chí sau đây cũng có thể phân biệt được sự khác nhau đó:

     

    – Thịt heo hữu cơ có màu hơi hồng, không đỏ rực; mỡ và bì dầy vì heo được nuôi lâu hơn, không sử dụng thức ăn có chất kích thích sinh trưởng; mỡ trắng vì heo mạnh khỏe, không bị bệnh.

     

    – Thịt heo hữu cơ đọ rắn chắc, nhưng vẫn đảm bảo độ đàn hồi cao, các thớ thịt đều và khi chế biến thịt có mùi thơm và không mất nước nhiều như thịt heo nuôi công nghiệp. Heo nuôi bằng thức ăn chứa hóa chất, da có độ căng khác thường, trương mỏng, có cảm giác như ứ nước bên trong, trên da còn xuất hiện nhiều đốm đỏ. Heo siêu nạc có nhiều cục nạc u lên, có phần nạc gần sát với da, mỡ ít, khoảng 0,4cm, thịt có màu đỏ như thịt bò, khi nấu thịt bị mất chất béo.

     

    – Nuôi heo hữu cơ không sử dụng chất tạo nạc nên thịt heo hữu cơ hoàn toàn không có hóa chất và vì vậy hàm lượng protein, dinh dưỡng cao hơn nhiều so với thịt heo thông thường nuôi theo công nghiệp, kể cả nuôi theo VietGAP, tỷ lệ nước tự do thấp nên không bị tiêu hao nhiều như thịt heo được ăn thức ăn có chất kích thích sinh trưởng hoặc bị tiêm hóa chất.

     

    – Bên cạnh đó, khi mua cần lưu ý rằng miếng thịt nếu bị tẩm hàn the thì nhìn thịt rất tươi, cầm thấy cứng, nhưng khô, thớ thịt săn, không dính…

     

    Thịt heo hữu cơ phải hội tụ đầy đủ các tiêu chuẩn thịt heo hữu cơ của Hiệp hội hữu cơ Canada: heo được phát triển tự nhiên, ăn thức ăn chọn lọc, sạch nên thịt săn chắc, thơm ngọt hơn thịt heo thông thường vì heo được nuôi theo quy trình chăn nuôi khép kín từ khâu chăn nuôi chọn lọc, thức ăn, rồi đến giết mổ và vận chuyển và cảm nhận rõ rệt nhất khi ăn thịt luộc. Thịt heo hữu cơ phải đảm bảo: không chất tạo nạc, không chất bảo quản, không kháng sinh và không có kim loại nặng.

     

    2.2.5.3. Người tiêu dùng nên sử dụng thịt heo hữu cơ nuôi chuồng lạnh

     

    Trong điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm như nước ta, sử dụng thịt heo hữu cơ nuôi chuồng lạnh là tốt nhất:

     

    a. Phù hợp với môi trường nhiệt đới

     

    Theo tiêu chuẩn của Hiệp hội hữu cơ Canada (COR), thịt heo hữu cơ đúng chuẩn phải lấy từ heo được nuôi thả tự nhiên và chăn nuôi theo tiêu chuẩn hữu cơ. Tuy nhiên, ở điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm như nước ta thì nguy cơ nhiễm bệnh và ô nhiễm môi trường là khó tránh khỏi. Vì vậy, COR đã đồng ý phương án nuôi chuồng lạnh với mật độ vừa phải phù hợp hơn, bên cạnh đó, heo cũng được ra ngoài để “tập thể dục” định kỳ nhằm đảm bảo yếu tố gần gũi với môi trường tự nhiên.

     

    Heo là loại động vật thông minh và nhạy cảm nên dễ bị stress. Heo bị stress thường có hiện tượng thịt tái, mềm và rỉ nước ở thịt heo thành phẩm, thậm chí có thể gây chết bất thường. Sự thay đổi nhiệt độ thất thường ở vùng khí hậu nhiệt đới là một lý do khiến heo bị stress. Việc giữ nhiệt độ chuồng trại mát mẻ ở mức 26-27°C, không gian rộng rãi để heo tự do vận động sẽ giúp đàn heo thoải mái và giảm các yếu tố kích thích stress.

     

    b. Kiểm soát tối đa chất lượng thịt heo hữu cơ

     

    Một yếu tố quan trọng khác của việc nuôi heo để lấy thịt trong chuồng lạnh là giúp heo tránh xa các tác nhân gây bệnh từ môi trường như: chuột, ruồi muỗi, vi khuẩn vi rút, … giúp heo sinh trưởng tự nhiên, có sức đề kháng mạnh mẽ. Hơn thế nữa, quy trình cách ly còn giúp heo tránh xa các mầm bệnh từ con người hay các trại heo nhiễm bệnh khác.

     

    c. Chọn lọc kỹ và cho chất lượng thịt heo hữu cơ cao hơn

     

    Heo được nuôi trong quy trình khép kín thường rất tiện để người chăm sóc và kỹ thuật viên quan sát sự phát triển và dễ dàng phát hiện những biểu hiện bất thường nhỏ nhất từ heo. Vì thế, thịt heo hữu cơ là kết quả của quá trình chọn lọc rất kỹ từ con giống, trong quá trình nuôi dưỡng nếu có con nào bị bệnh sẽ được tách khỏi đàn ngay để tránh lây lan. Quá trình chọn lọc kỹ lưỡng cho ra thành phẩm là những heo có chất lượng tốt nhất.

     

    Như vậy, nuôi heo hữu cơ, nhất là nuôi trong chuồng lạnh thì hầu như không cần thuốc kháng sinh để chống chọi lại với bênh tật, sức khỏe heo tốt nên khối lượng tăng đúng chuẩn không cần thuốc kích thích sinh trưởng, thịt săn chắc, không cần đến chất tạo nạc. Như vậy, thịt heo hữu cơ không kháng sinh, không chất tạo nạc, không kim loại nặng, không chất bảo quản.

     

    Hiện nay, sử dụng sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đang là xu hướng mới với người tiêu dùng Việt Nam, tuy giá thành hiện cao gấp đôi so với sản phẩm chăn nuôi thông thường. Tuy vậy, người tiêu dùng vẫn lựa chọn thịt lợn hữu cơ cho bữa ăn gia đình vì thịt ngon, bổ dưỡng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhất. Khi vấn đề an toàn thực phẩm ngày càng nhức nhối thì các sản phẩm “hữu cơ” càng được ưa chuộng. Vì vậy, để tránh mua nhầm “thịt heo hữu cơ giả” cần phải hiểu rõ:

     

    – Thịt heo hữu cơ là sản phẩm được được nuôi trong môi trường tự nhiên và chăm sóc nuôi dưỡng bằng các sản phẩm hữu cơ có nguồn gốc tự nhiên. Vì vậy, heo hữu cơ có khả năng miễn dịch cao, ít mắc bệnh nên không phải sử dụng thuốc kháng sinh. Thịt heo hữu cơ không sử dụng hóc môn tăng trưởng, các chất tạo nạc, thực phẩm biến đổi gen.

     

    – Thịt heo sạch đảm bảo 3 tiêu chuẩn lý học, hoá học và sinh học: trong thịt không được có những vật nào khác ngoài thành phần của thịt; thịt không được có các chất tồn dư của thuốc hoặc những hoá chất kể cả chất tạo nạc, kháng sinh, kim loại nặng như chì, asen, thuỷ ngân, cadimi… do nguồn nước uống chăn nuôi bị ô nhiễm; không có ký sinh trùng và vi trùng gây ra do quá trình giết mổ, bảo quản và vận chuyển không an toàn.

     

    Tóm lại, thịt heo hữu cơ đang được nhiều người lựa chọn vì thịt của vật nuôi hữu cơ được nuôi theo tiêu chuẩn hữu cơ, quy trình gần gũi với tự nhiên và tuân thủ đúng nguyên tắc 5 không: không tăng trọng, không chất thải, không chất cấm, không dịch bệnh và không kháng sinh.

     

    2.2.6. Tình hình sản xuất và nhu cầu thịt hữu cơ trên toàn cầu

     

    Theo nghiên cứu của Dự án Nourishing the Planet của Tổ chức Worldwatch Institute cho Vital Signs Online, sản xuất và tiêu thụ thịt toàn cầu đã tăng nhanh chóng trong những thập kỷ qua đã ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khoẻ cộng đồng cũng như nền kinh tế. Sản lượng thịt thế giới đã tăng gấp ba lần trong bốn thập kỷ qua và tăng 20% chỉ trong 10 năm qua. Ở các nước công nghiệp đang tiêu thụ một lượng thịt ngày càng tăng, gần gấp đôi số lượng ở các nước đang phát triển. Sản xuất thịt quy mô lớn gây ra những hệ lụy nghiêm trọng đối với khí hậu toàn cầu. Chất thải động vật mêtan và oxit nitơ, các khí nhà kính gấp 25 và 300 lần mạnh hơn carbon dioxide.

     

    Các điều kiện bẩn, mật độ cao trong trang trại là nguyên nhân gây ra bệnh tật cho gia súc như dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng, bò điên…. Những bệnh này không chỉ dẫn đến tổn thất kinh tế to lớn trong chăn nuôi. Anh Quốc dành ra 18 đến 25 tỷ USD trong một thời gian 3 năm để chống lại bệnh lở mồm long móng vì từ bệnh này dẫn đến nhiễm bệnh ở người rất cao.

     

    Kháng sinh được sử dụng trên gia súc để chữa bệnh đã làm cho kháng kháng sinh ở động vật và trên người ngày một trầm trọng hơn. Trên toàn thế giới, 80% các loại kháng sinh được bán năm 2009 đã được sử dụng cho gia súc, gia cầm, so với 20% dùng cho bệnh tật ở người. Các loại kháng sinh có trong chất thải động vật ăn mòn vào môi trường và ô nhiễm nước và cây lương thực, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khoẻ cộng đồng.

     

    Số lượng thịt trong chế độ ăn uống của người dân cũng có ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Ăn thịt là một nguồn protein tốt và các vitamin cũng như chất dinh dưỡng quan trọng như sắt, kẽm, vitamin B3, B6 và B12. Tuy nhiên, những người có chế độ ăn nhiều thịt đỏ và thịt đã chế biến có thể dẫn đến nhiều vấn đề về sức khoẻ như béo phì, tiểu đường, bệnh tim mạch và ung thư.

     

    Ăn thịt hữu cơ được sản xuất từ chăn nuôi hữu cơ có thể làm giảm các vấn đề sức khoẻ mãn tính và cải thiện môi trường. Thịt bò được sản xuất từ bò ăn cỏ trên bãi chăn là chủ yếu, chứa ít chất béo và nhiều chất dinh dưỡng hơn so với thịt bò được nuôi công nghiệp và làm giảm nguy cơ mắc bệnh và tiếp xúc với các hóa chất độc hại. Các hệ thống chăn nuôi có quản lý tốt có thể cải thiện quá trình hấp thụ các-bon, giảm tác động của gia súc lên môi trường toàn cầu. Việc sử dụng ít đầu vào cần nhiều năng lượng hơn sẽ bảo vệ đất, giảm ô nhiễm và xói mòn, và bảo tồn đa dạng sinh học.

     

    Những điểm nổi bật khác từ nhiều nghiên cứu cho thấy:

     

    • Thịt heo được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới, tiếp theo là thịt gia cầm, bò và cừu.
    • Sản xuất gia cầm là ngành thịt tăng trưởng nhanh nhất, tăng 4,7% năm 2010 lên 98 triệu tấn.
    • Tiêu thụ thịt trên đầu người trên thế giới đã tăng từ 41,3kg năm 2009 lên 41,9kg năm 2010. Con người ở các nước đang phát triển ăn trung bình 32kg thịt so với 80kg các nước công nghiệp.
    • Trong số 880 triệu người nghèo ở nông thôn sống dưới 1 USD/ngày, 70% phụ thuộc hoàn toàn vào chăn nuôi để đảm bảo sinh kế và an ninh lương thực.
    • Nhu cầu về sản phẩm chăn nuôi sẽ tăng gần gấp đôi ở vùng hạ Sahara ở Châu Phi và Nam Á, từ 200 kcal/người/năm năm 2000 lên 400 kcal năm 2050.
    • Chăn nuôi gia súc chiếm khoảng 23% tổng lượng nước sử dụng toàn cầu trong nông nghiệp, tương đương với 1,15 lít nước/người/ngày.
    • Chăn nuôi chiếm 18% phát thải khí nhà kính do con người tạo ra, chiếm 40% khí mê-tan và 65% lượng nitơ oxit trên thế giới.
    • 75% kháng sinh dùng cho gia súc không bị động vật thu hút và được bài tiết ra chất thải, gây nguy hiểm nghiêm trọng cho sức khoẻ cộng đồng.
    • 11% số ca tử vong ở nam giới và 16% ở phụ nữ có thể được ngăn ngừa nếu người ta giảm tiêu thụ thịt đỏ xuống mức của nhóm ăn ít nhất.
    • Ăn động vật hữu cơ, chăn nuôi có thể được khỏe mạnh và có lợi cho môi trường hơn so với các hệ thống thức ăn gia súc công nghiệp.

     

    Để sản xuất và kinh doanh thịt bò hữu cơ, trang trại phải được đăng ký với cơ quan kiểm soát hữu cơ và hệ thống sản xuất được thông qua phải đạt tiêu chuẩn hữu cơ do cơ quan đó chỉ định. Mỗi cơ quan kiểm soát đều có một bộ tiêu chuẩn chi tiết riêng và điều quan trọng là đảm bảo rằng hệ thống đã thông qua phù hợp với yêu cầu của cơ quan hữu cơ mà bạn đã chọn đăng ký. Tiêu chuẩn cụ thể kiểm soát của cơ quan có thể khác so với tiêu chuẩn hữu cơ của EU và từ mỗi tiêu chuẩn khác. Một số điểm chính của sản xuất thịt bò hữu cơ được đưa ra dưới đây.

     

    1. Con giống trong đàn bò thịt

     

    Đàn bò hiện có: Khi một trang trại được chuyển sang sản xuất hữu cơ, gia súc hiện có có thể được giữ lại nhưng không bao giờ có thể bán được như là hữu cơ. Tuy nhiên, con cái của bò có thể được bán dưới dạng hữu cơ sau thời gian chuyển đổi cần thiết cho cả hai đối tượng là đất trồng cỏ và đàn gia súc. Bò phải được quản lý hữu cơ trong ít nhất 12 tuần trước khi đẻ, để cho bê được bán như là giống hữu cơ. Giống hữu cơ phải phù hợp với điều kiện địa phương.

     

    Đàn thay thế: Các nhà sản xuất được khuyến khích tự thay thế hoặc mua từ các trang trại hữu cơ khác. Tuy nhiên, khoảng 10% đàn gia súc có thể được thay thế/năm, từ đàn truyền thống, bởi bò cái đã không sản sinh ra bê và không đáp ứng một số tiêu chí.

     

    : Bê từ các đàn bò hữu cơ có thể được nuôi để sản xuất thịt bò hữu cơ, miễn là hệ thống sản xuất tuân thủ đầy đủ và xuyên suốt các tiêu chuẩn hữu cơ. Nếu một con bê chết, một bê khác thay thế có thể được mua và nuôi dưỡng theo tiêu chuẩn trên. Nếu bê đến từ một đàn bình thường không phải là hữu cơ, nó có thể không được bán như là thịt bò hữu cơ. Bò tơ không hữu cơ có thể được sử dụng làm bò thay thế.

     

    Đàn dự trữ: Giống gia súc truyền thống có thể không được sản xuất như giống hữu cơ. Giống gia súc hữu cơ được mua từ các trang trại hữu cơ khác có thể được nuôi để sản xuất thịt, nhưng thường trong giai đoạn ngắn hạn. Vì một số khu vực của đất nước chỉ phù hợp với sản xuất bê theo mẹ và các khu vực khác thích hợp cho nuôi bò đến khi giết thịt, nên bê bú sữa mẹ có thể được bán từ trại chăn nuôi hữu cơ đến các trại bò nuôi hữu cơ để giết thịt.

     

    Bò đực: Có thể mua từ các trang trại thông thường với điều kiện chúng được quản lý theo các tiêu chuẩn hữu cơ. Các con đực được thuê có thể được sử dụng nếu chúng được quản lý theo tiêu chuẩn hữu cơ khi chúng ở trong trang trại. Việc sử dụng gieo tinh nhân tạo cũng được phép.

     

    Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp Anh còn quy định cụ thể trong trường hợp đàn bò bình thường, cách thức và thời gian chuyển đổi từ đàn bò bình thường sang đàn bò hữu cơ, mua và bán bò hữu cơ…

     

    2. Thức ăn cho bò

    Khoảng 60% là thức ăn thô có nguồn gốc hữu cơ và được sản xuất tại trại, còn lại có thể mua nhưng phải từ các trại hữu cơ. Thức ăn tinh có thể tự sản xuất hoặc mua từ bên ngoài, nhưng phải đảm bảo các tiêu chuẩn là không phải từ sản phẩm biến đổi gen và không có các chất cấm…

     

    3. Phân bón: phân hữu cơ (sử dụng cho đồng cỏ) có thể sản xuất tại trại hay mua từ trang trại hữu cơ, nhưng đảm bảo không quá 170kg Nitơ/ha/năm…

     

    4. Chuồng trại: là một yêu cầu đặc biệt, diện tích cần 1,0-1,5m2/100kg thể trọng bò (VD: bò có KL 400kg cần 6m2chuồng) và cần có sân vận động cho bò…

     

    5. Sức khoẻ đàn bò: để đảm bảo sức khoẻ cho bò và không ảnh hưởng đến chất lượng thịt bò, các quy định về việc loại thuốc sử dụng, thời gian sử dụng, phương thức sử dụng… rất nghiêm ngặt, ngay cả đối với vắc xin phòng bệnh. Ngoài ra, bò mua từ bên ngoài, phải đảm bảo không xuất xứ từ những đàn bò có bệnh bò điên (BSE)…

     

    2.2.7. Giới thiệu sản phẩm thịt heo hữu cơ AusFarm đang có ở Việt Nam

     

    Với nguồn thức ăn đạt chuẩn, bổ dưỡng và khoa học, thịt heo hữu cơ AusFarm thật sự là sản phẩm biến mọi bữa ăn gia đình bạn trở thành giây phút tận hưởng hương vị thay cho nỗi lo lắng thường trực như hiện tại vì:

     

    Đàn heo được nuôi trong môi trường sạch: Heo AusFarm được nuôi theo công nghệ vi sinh hữu hiệu, thay vì nằm trên nền xi măng hay nền đất thông thường mà vật nuôi được nằm trên đệm từ mùn cưa có tưới chế phẩm vi sinh E.M giúp toàn bộ chất thải được vi sinh vật có lợi phân hủy hết, điều này giúp trang trại luôn sạch sẽ, không có mùi hôi của chất thải và hầu như không có ruồi, muỗi. Môi trường sinh sống sạch nên dịch bệnh không xâm nhập được đến vật nuôi nên đàn heo hầu như không bao giờ phải can thiệp với thuốc chữa bệnh.

     

    Đàn heo sử dụng nguồn thức ăn sạch: Cám viên độc quyền cung cấp cho đàn heo AusFarm được sản xuất bởi nhà máy FAU (công nghệ đạt tiêu chuẩn Châu Âu) được sản xuất hoàn toàn từ: nguyên liệu hữu cơ (tự nhiên), cam kết non-GMO và được ép chín trong khoảng 60-80°C nên thậm chí người cũng ăn được. Bên cạnh đó, đàn heo hữu cơ còn được được bố sung thêm các loại vi sinh, vitamin… giúp cho heo tiêu hóa tốt, tăng trưở một cách tự nhiên.

     

    Đặc biệt, heo được cho ăn các loại thảo dược trực tiếp, giúp sản phẩm thịt heo ngon hơn, bổ dưỡng hơn. Ngoài ra, đàn heo còn đáp ứng được mong muốn của người tiêu dùng hiện nay là hấp thụ gián tiếp lượng thảo dược đó thông qua sản phẩm thịt heo. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có minh chứng hiệu quả nào trong việc cho ăn trực tiếp thảo dược. Vì thế, AusFarm chọn thảo dược nhập khẩu Viusid đã hoạt hóa phân tử giúp đàn heo hấp thụ được hết các dưỡng chất từ thảo dược, tăng khả năng oxy hóa, đề kháng mạnh mẽ.

     

    3. LỜI KẾT

     

    Trong xu hướng phát triển chăn nuôi hiện nay, trước những thách thức hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, ngành chăn nuôi nước ta cần tích cực ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao năng suất vật nuôi, hạ giá thành sản phẩm vật nuôi để đủ sức cạnh tranh, đặc biệt tạo ra những sản phẩm chăn nuôi mới chất lượng cao thì chăn nuôi hữu cơ là con đường tất yếu và là chìa khoá của sự thành công. Để bắt kịp hướng sản xuất chăn nuôi hữu cơ, cần sớm nghiên cứu áp dụng các mô hình sản xuất chăn nuôi hữu cơ đã thành công ở các nước chăn nuôi tiên tiến, đặc biệt chú trọng đến công tác chọn tạo giống phù hợp với phương thức chăn nuôi hữu cơ, tạo nguồn thức ăn hữu cơ là một trong những bài học hữu hiệu nhất.

     

    PGS.TS. Nguyễn Văn Đức

    Trưởng Ban KHCN, Hội Chăn nuôi Việt Nam

    3 Comments

    1. Ninh Bồng

      Tôi dự định nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học. Mong được tư vấn về cách làm chuồng trại , nơi bán lợn giống hữu cơ và nơi bán cám hữu cơ ạ

    2. Lê Xuân Hưng

      Tôi ở Thanh Hóa đang muốn đầu tư nuôi 50 con lợn nái và 500 con lợn thịt theo phương pháp chăn nuôi hữu cơ nhưng chưa biết cần phải chi phí hết bao nhiêu. Rất mong được tư vấn về cách thức xây dựng chuồng trại, đầu vào vật nuôi và chi phí cần phải bỏ ra là bao nhiêu.

    3. Bùi Quang Duy

      Tôi muốn đầu tư mô hình chăn nuôi heo hữu cơ như Ausfarm. xin tư vấn từ diện tích chuồng trại, con giống, thức ăn, kỹ thuật, xuất đầu tư. Để mình mạnh dạn lập dự án đầu tư xin cơ quan có thẩm quyền đầu tư.

    Để lại comment của bạn

    Bình luận mới nhất

  • Nguyễn Mạnh
  • Bài viết đã cung cấp rất nhiều thông tin hữu ích! Nếu bạn đang tìm kiếm thêm nguồn cung cấp bột đá, đá hạt, vôi bột và bột dolomite chất lượng cao cho các ngành sản xuất, hãy ghé thăm bột đá đá hạt dolomite vôi bột . Chúng tôi tự hào mang đến sản phẩm với tiêu chuẩn nghiêm ngặt, giá cả cạnh tranh và giao hàng nhanh chóng. Rất hân hạnh được hợp tác cùng bạn!

  • Đỗ Đại Trùng Dương
  • Tôi muốn liên kết.

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Theo UBND xã Minh Châu – Ba Vì – Hà Nội, xác định lợi thế về đất đai, khí hậu nên những năm qua đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp là chính, trong đó xã tập trung đến phát triển chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt. […]

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Trong bối cảnh bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại TP Hồ Chí Minh, thành phố càng nỗ lực thực hiện các biện pháp kiểm soát chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ gắt gao. Hơn nữa, khảo sát một đêm tại thị trường […]

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Anh Trần Văn Toản, ở khu vực Bình Yên B, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ là người đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long mở trang trại nuôi chim công rất thành công mà cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.   1/ […]

    • Giống chim này có khả năng thích ứng cao với điều kiện khí hậu ở nước ta, tỷ lệ nuôi sống đạt 94-99%.

    • Để đàn gà sinh trưởng phát triển tốt có tỷ lệ sống cao cần thực hiện tốt kỹ thuật úm gà con

    • Việt Nam cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… là những nước đã nuôi trồng thành công đông trùng hạ thảo.

    • Gà vảy cá được mệnh danh là “mỹ kê” đã được nhiều đại gia Việt sẵn sàng chi tiền triệu để hữu cặp gà vảy cá đẹp.

    • Cừu chính là loài vật nuôi thích hợp với những điều kiện khắc nghiệt của vùng đất Ninh Thuận.

    • Nghề nuôi chim cút đẻ hiện đang phổ biến ở rất nhiều hộ gia đình tại các địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế khá.

    • Tỉnh Phú Thọ với địa hình đa dạng: nhiều gò, đồi thấp, dải đồng bằng thuận lợi cho chăn nuôi, trong đó, có chăn nuôi gà lông màu.