MỞ ĐẦU
Trong khoảng 10 năm qua (2008-2018), chăn nuôi có những bước phát triển mạnh mẽ. Số lượng lợn, gia cầm tăng hàng triệu con, số lượng bò sữa tăng hàng ngàn con. Nhờ đó, năm 2018 so với năm 2008, thịt xẻ các loại tính theo kg/người/năm đã tăng từ 41,9 lên 56,7; trứng tăng từ 5,85 lên 12,8; sữa tăng từ 3,1 lên 12,3 (bảng 1).
Bảng 1. Số lượng và sản lượng một số loài động vật nuôi
Kết quả trên là nhờ bốn yếu tố sau:
– Những thành tựu to lớn trong việc giải quyết an ninh lương thực Quốc gia.
– Ngành chăn nuôi chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, chuyên môn hóa và công nghiệp hóa.
– Áp dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học của các nước tiên tiến: Tiến bộ kỹ thuật về giống, về dinh dưỡng và kỹ thuật nuôi dưỡng, về vệ sinh thú y và an toàn sinh học, về bảo vệ môi trường và về quản lý, quản trị kinh doanh.
– Ngoài thủy sản, một số sản phẩm chăn nuôi đã gia nhập được vào chuỗi cung ứng toàn cầu như sữa, trứng và mật ong do giá cả cạnh tranh và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Những thành tích và tồn tại trong việc nghiên cứu và áp dụng những tiến bộ kỹ thuật về dinh dưỡng và thức ăn chăn nuôi cần có những đánh giá toàn diện hơn để có định hướng phù hợp trong bối cảnh nền kinh tế nông nghiệp đang có những cơ hội và thách thức mới.
ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU KH&CN LĨNH VỰC DINH DƯỠNG VÀ THỨC ĂN CHĂN NUÔI (TACN)
Bên trong một nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi (Ảnh: Quốc Minh)
Những thành tích lớn đã đạt được trong lĩnh vực này là:
1/ Nỗ lực tăng nguồn nguyên liệu TACN, giảm áp lực nhập khẩu. Có thể nêu một số kết quả đạt được về các nghiên cứu nâng cao năng suất và sản lượng hạt cốc, khoai củ và một số giống cỏ trồng như sau:
+ Hạt cốc:
- Lúa: Năm 2018, sản lượng lúa đạt 44 triệu tấn; xuất khẩu gạo hơn 6,3 triệu tấn, năng suất bình quân đạt 5,6 tấn/ha, cao nhất Đông Nam Á, cao hơn của Thái Lan gần 2 lần… Thóc gạo còn ít được sử dụng làm TACN, nhưng phụ phẩm là nguồn rất quan trọng (cám: 5 triệu tấn/năm; tấm: 500 ngàn tấn/năm).
- Ngô: Diện tích từ 1,1 triệu ha (2010) tăng lên 1,3 triệu ha (2018); sản lượng từ 4,6 triệu tấn (2010) tăng lên 7,5 triệu tấn (2018), đáp ứng khoảng 70-75 % nhu cầu ngô làm TACN. Sản lượng ngô tăng chủ yếu là nhờ năng suất ngô liên tục tăng trong gần 40 năm qua. Nếu năm 1980 năng suất ngô bình quân là 11 tạ/ ha, đạt mức 34% của thế giới (32 tạ/ha) thì năm 2009 năng suất đã nâng lên 40,8 tạ/ha, đạt mức 78,5% của thế giới (52 tạ/ha) và năm 2018 đạt 46,5 tạ/ha, đạt mức 89,4% của thế giới (52 tạ/ha) (Trần Kim Định và cs., 2019).
Diện tích ngô không ngừng tăng
+ Khoai củ:
Sắn: Diện tích 550 ngàn ha, năng suất củ tươi 18,55 tấn/ha, sản lượng 10,2 triệu tấn. So với năm 2000, sản lượng sắn Việt Nam đã tăng 3,93 lần, năng suất sắn đã tăng lên hơn hai lần (http://www.vaas.org.vn/cay-sa-n-vie-t-namnghien- cu-u-pha-t-trie-n-a15192.html).
Khoai lang: Diện tích gieo trồng hơn 120 nghìn ha; năng suất 10,6 tấn/ha; sản lượng đạt 1,4 triệu tấn. Đã có những giống khoai cho năng suất trên 40 tấn/ha.
+ Cỏ trồng:
Phát triển nhiều giống cỏ nhập nội, giải quyết tốt nguồn TA xanh cho chăn nuôi loài nhai lại. Cỏ voi khó ước tính được diện tích và sản lượng nhưng thấy có mặt ở khắp mọi vùng miền có chăn nuôi trâu bò. Trước đây có cỏ AV06 năng suất đạt khoảng 200 tấn/ha, gần đây có cỏ BV1, năng suất cao hơn 30% so với của cỏ AV06. Ngoài ra còn có cỏ Mộc Châu, cây cao lương, cây hướng dương… năng suất chất xanh cao thích nghi với khí hậu và thổ nhưỡng nhiều vùng khác nhau.
2/ Tận dụng tốt mọi nguồn phụ phẩm công nông nghiệp:
Dự án ‘’Sử dụng phụ phẩm nông nghiệp’’, hợp tác với Na-uy do GS Frik Sunstol và GS Lê Viết Ly điều phối thực hiện từ 1996-2005, tận dụng được thêm nhiều nguồn phụ phẩm nghèo đạm giầu xơ (như rơm lúa, thân cây ngô già, ngọn mía, bã mía, mật rỉ, đầu và vỏ tôm…) phục vụ hiệu quả cho chăn nuôi nông hộ.
Các phụ phẩm thủy sản và phụ phẩm công nông nghiệp khác sản xuất ở quy mô công nghiệp phát triển mạnh: bột cá, mỡ cá, dịch cá thủy phân, khô đỗ tương lên men, mật rỉ, bột lông vũ thủy phân, rơm lúa, bã sắn, bã mì chính…
3/ Công nghệ TACN phát triển mạnh:
Số nhà máy TACN năm 2008 so với 2018 từ 225 tăng lên 265; sản lượng từ 8,535 triệu tấn tăng lên 18,8 triệu tấn. Các nhà máy TACN ngày càng hiện đại, tự động hóa cao từ khâu nhập liệu, bảo quản đến các khâu nghiền, trộn, ép đùn, viên… TA công nghiệp có chất lượng ngày càng tốt và cho hiệu quả sử dụng TA cao (so với 20 năm trước FCR lợn thịt từ 3,5 xuống còn 2,75; gà công nghiệp từ 2,5 xuống còn 2,0).
4/ Xây dựng thể chế và chính sách quản lý TACN tương đối hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất lành mạnh, đảm bảo vệ sinh an toàn sản phẩm TACN và phù hợp với luật pháp quốc tế. Các văn bản pháp lý chủ yếu sau đây đã được ban hành và thực thi trong sản xuất và lưu thông:
– Danh mục TACN theo tập quán và nguyên liệu đơn được phép lưu hành tại Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 02/2019/TT-BNNPTNT ngày 11 tháng 02 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
– Danh mục hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam (tính đến 16/01/2017 đã có 28 hóa chất và kháng sinh trong danh mục này).
– Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Thức ăn chăn nuôi – Hàm lượng tối đa cho phép các chỉ tiêu an toàn trong thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản (QCVN 01 – 190: 2020/BNNPTNT).
– Luật hóa sử dụng kháng sinh trong TACN: Trước 2016 có tới 40 loại kháng sinh kích thích sinh trưởng (KSKTST) được phép sử dụng, đến cuối năm 2017 chỉ còn 15 loại KSKTST được phép sử dụng và từ 01/01/2018 tất cả các KSKTST đã bị cấm và từ 01/01/2026 tất cả các kháng sinh sử dụng với mục đích phòng bệnh cũng sẽ bị cấm sử dụng trong TACN.
Đặc biệt “Luật Chăn nuôi” đã được Quốc hội ban hành vào ngày 19/11/2018, tạo cơ sở pháp lý để phát triển chăn nuôi bền vững và hòa nhập với Quốc tế.
Tuy nhiên còn có những tồn tại lớn như sau:
1. Không có dự án tổng thể về tăng cường nguồn nguyên liệu TACN để giảm áp lực nhập khẩu:
Dự án “Sử dụng phụ phẩm nông nghiệp” kết thúc không được triển khai tiếp, đặc biệt chưa triển khai dự án này ở khu vực chăn nuôi công nghiệp. Ngành chăn nuôi không hề nghĩ đến việc “Đánh giá quốc gia nguồn TACN” theo khuyến cáo và phương pháp của FAO để dự báo nhu cầu nguồn nguyên liệu TA cho phát triển chăn nuôi trong ngắn hạn và dài hạn. Lưu ý rằng, Trung Quốc cũng gặp tình trạng này, cho nên từ một nước xuất khẩu ngô năm 2000 trở thành nước nhập khẩu ngô năm 2010 và nhập khẩu đỗ tương từ zero đã lên tới 50 triệu tấn/ năm vào các mốc thời gian trên.
2. Nghiên cứu về dinh dưỡng không theo kịp sự phát triển của sản xuất:
Cuốn “Bảng thành phần hóa học và giá trị dinh dưỡng TACN Việt Nam” của một số cơ sở nghiên cứu (xuất bản từ năm 1995 hay 2003) chỉ có giá trị ứng dụng trong khoảng 20 năm trở về trước, vì thiếu những dẫn liệu quan trọng trong dinh dưỡng hiện đại như SID axit amin (axit amin tiêu hóa hồi tràng tiêu chuẩn cho lợn và gia cầm); NEL (năng lượng thuần cho tiết sữa cho bò), MP (protein trao đổi), RDP (protein phân giải ở dạ cỏ), RUP (protein không phân giải ở dạ cỏ), NDF, ADF, NFC (nhai lại).
Các kết quả nghiên cứu về nhu cầu dinh dưỡng cho lợn hay gia cầm chỉ tập trung vào con lai thương phẩm. Nhu cầu này chỉ là tạm thời, vì nhu cầu dinh dưỡng ở những tổ hợp lai cũ sẽ không còn phù hợp với các tổ hợp lai mới, trong khi các tổ hợp lai thì lại luôn luôn mới.
Con gà màu (slowing growth) là thế mạnh của Việt Nam đến nay vẫn chưa có tiêu chuẩn dinh dưỡng chính thức áp dụng trong sản xuất (Trung Quốc đã có tiêu chuẩn Nhà nước về nhu cầu dinh dưỡng của con gà mầu từ năm 1986).
3. Ứng dụng công nghệ sinh học trong TACN còn quá chậm
Các chế phẩm sinh học sử dụng làm phụ gia TACN hầu như nhập từ nước ngoài. Gần đây một số chế phẩm như enzyme, probiotic được nghiên cứu thành công nhưng không cạnh tranh được với chế phẩm nhập ngoại. Axit amin công nghiệp hoàn toàn nhập của châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc. Sản lượng axit amin của thế giới năm 2017 đạt 4,5 triệu tấn, dự kiến tăng lên 16,5 triệu tấn vào năm 2022. Sản lượng 4 axit amin (Lys, Met, Thre, Try) của Hàn Quốc đạt 56.500 tấn vào năm 2015, dự kiến tăng đến 71.600 tấn vào năm 2020. Việt Nam hầu như đứng ngoài trong sản xuất axit amin thức ăn chăn nuôi.
4. Ứng dụng công nghệ IT trong TACN cũng quá chậm
Việt Nam không có các phần mềm phối hợp khẩu phần (least cost feed formulation sofware). Các nhà máy TACN dùng hoàn toàn các phần mềm của nước ngoài với databases về thành phần dinh dưỡng các nguyên liệu TA nội địa hay nhập nội luôn luôn được cập nhật. Phần mềm ước tính các giá trị năng lượng TA (năng lượng thô GE, năng lượng tiêu hóa DE, năng lượng thuần NE) từ thành phần dinh dưỡng cơ bản; ước giá trị SID axit amin từ axit amin tổng số cũng phải mượn từ nước ngoài.
ĐỊNH HƯỚNG NGHIÊN CỨU LĨNH VỰC DINH DƯỠNG VÀ TACN ĐỂ PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI BỀN VỮNG
1. Những định hướng quan trọng sau đây cần quan tâm:
Đánh giá nguồn TACN Quốc gia theo phương pháp khuyến cáo của FAO, để dự báo nhu cầu ngắn hạn và dài hạn về nguồn TA này. Các phương pháp đánh giá nguồn TACN được FAO đưa ra trong cuốn: “CONDUCTING NATIONAL FEED ASSESSMENTS” xuất bản năm Ngành sản xuất TACN của Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể 2012 (mã số ISSN1810-1119).
2. Tăng nguồn nguyên liệu TACN để giảm áp lực nhập khẩu bằng cách nâng cao năng suất các loại cây có hạt, cây có củ, cây cỏ làm TA cho trâu bò và mở rộng diện tích các loại cây trồng trên trong điều kiện có thể. Ví dụ:
Ngô: Như trên đã nêu năng suất ngô của Việt Nam tăng nhanh liên tục so với trung bình thế giới, tuy nhiên năng suất ngô của nước ta còn có thể nâng cao hơn nữa (năng suất ngô của Mỹ đã đạt 80 tạ/ha từ năm 2004). Khoai lang: đã có những giống khoai lang năng suất trên 40 tấn/ha, cao hơn 2 lần so với những giống thông thường. Nếu diện tích trồng khoai hiện nay tăng thêm 20% nữa thì sản lượng khoai sẽ tăng khoảng gần 1 triệu tấn, từ đó tăng cơ hội bổ sung nguồn TA giầu năng lượng cho chăn nuôi.
Đậu đỗ: Khả năng phát triển cây đậu tương của nước bị hạn chế bởi diện tích, thổ nhưỡng và thời tiết khí hậu. Hiện nay diện tích trồng đậu tượng của nước ta tối đa chỉ đạt khoảng 300 ngàn ha, nếu với năng suất 3,0-3,5 tấn/ha (gấp 2,5-3 lần hiện nay) thì sản lượng cao lắm cũng chỉ đạt khoảng 1 triệu tấn/năm. Con số này còn xa với con số nhu cầu đậu tương và sản phẩm đậu tương sử dụng cho chăn nuôi (5,8 triệu tấn/năm). Nếu khả năng trồng đậu tượng bị hạn chế thì tìm cách phát triển các loại đậu đỗ khác như đậu mèo, đậu tằm, đậu triều…
Cây đậu mèo thích hợp với vùng đất đồi núi, năng suất hạt cao hơn của đỗ tương và cũng là một loại thức ăn tốt cho gia súc, gia cầm. Theo báo Bắc Kạn online ngày 4/10/2017, thôn Khau Qua, xã Nam Mẫu thuộc huyện chợ Đồn – Bắc Kạn đã trồng tới 20 ha đậu mèo, năng suất đạt 2-2,5 tấn/ha. Đậu mèo được coi là cây xóa đói giảm nghèo cho vùng đất này.
3. Đẩy mạnh việc khai thác, chế biến tận dụng nguồn phụ phẩm công nông nghiệp quy mô công nghiệp. Coi trọng việc sử dụng công nghệ vi sinh trong chế biến, bảo quản phụ phẩm.
4. Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất chế phẩm sinh học: Protein đơn bào, axit amin, vi tảo, tảo biển, probiotics, enzyme, bacteriocins, khoáng hữu cơ, axit hữu cơ…
Sản xuất probiotics tại Công ty Bio Spring
5. Xây dựng bảng thành phần hóa học và giá trị dinh dưỡng TA cho loài nhai lại (TA tinh, thô xanh, phụ phẩm công nông nghiệp sản xuất ở VN) theo các chỉ tiêu VCK, TDN, ME, NE, protein thô (CP), protein trao đổi (MP), protein phân giải ở dạ cỏ (RDP), protein không phân giải ở dạ cỏ (RUP), xơ thô (CF), NDF, ADF, NFC, Ca, P, Na, K, Cl… Những databases này giúp cho việc xây dựng các công thức TA cho bòthịt hay bò sữa dựa theo tiêu chuẩn của Hoa kỳ (NRC 2000 và NRC 2001).(Chú ý: Không cần xây dựng bảng này cho lợn và gia cầm vì các phần mềm phối hợp khẩu phần cho lợn và gia cầm đã có đầy đủ các databases về nguyên liệu TA).
6. Nghiên cứu xác định nhu cầu dinh dưỡng cho gà màu. Gà màu có nhiều tổ hợp lai khác nhau như Ri lai Lương phượng, Lương phượng lai Mía, Sasso lai Lương phượng, Mía lai Trọi… Không thể có tiêu chuẩn về nhu cầu dinh dưỡng cho từng tổ hợp lai này, vì thế để thuận tiện người ta thường chia các tổ hợp lai này thành các nhóm gà nhẹ cân và nặng cân và xây dựng tiêu chuẩn về nhu cầu dinh dưỡng cho chúng.
Cần thiết phải có những nghiên cứu xác định nhu cầu dinh dưỡng cho gà màu.
7. Hoàn thiện các hệ thống quản lý chất lượng và an toàn nông sản thực phẩm về cả tổ chức bộ máy và văn bản pháp lý. Các hệ thống đã có, bao gồm:
– Quan hệ đến cơ sở sản xuất: Tiêu chuẩn VN và Tiêu chuẩn cơ sở (TCVN & TCCS), truy suất nguồn gốc (agri. product traceability), chỉ dẫn địa lý (geographycal indication), thực hành sản xuất tốt (GAP), sản xuất hữu cơ.
– Quan hệ đến cơ sở chế biến:Thực hành chế biến tốt (GMP), phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP). Giữa Bộ KH&CN, Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên môi trường và Bộ Công Thương cần có sự phân công rõ rệt hơn và phối hợp tốt hơn trong việc quản lý chất lượng và an toàn nông sản thực phẩm.
8. Củng cố và tăng cường hoạt động của Hệ thống Chứng nhận Chất lượng Nông sản Thực phẩm (Agricultural Food Product Quality Certification System).
Chứng nhận chất lượng nông sản – thực phẩm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo lòng tin cho khách hàng. Lòng tin của khách hàng được đảm bảo thì sản phẩm được trảgiá cao hơn, từ đó tạo động lực cho người nông dân sản xuất các sản phẩm có chất lượng và an toàn (xem sơ đồ). Rất nhiều nước trên thế giới đều có hệ thống chứng nhận chất lượng nông sản, hệ thống này do Nhà nước đảm nhận hoặc ủy quyền cho bên thứ ba (các tổ chức tư nhân) đảm nhận. Nông sản thực phẩm đạt tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn sẽ được mang dấu chứng nhận chất lượng của bên thứ ba này.
KẾT LUẬN
Dân số tăng cùng với kinh tế phát triển giúp cho thu nhập của người dân tăng, dẫn tới tăng nhu cầu thực phẩm nguồn gốc động vật, kéo theo tăng nhu cầu về nguyên liệu TACN. Cách tiếp cận đúng đắn trong định hướng nghiên cứu về dinh dưỡng và TACN là tập trung vào các giải pháp giảm áp lực nhập khẩu nguyên liệu TA. Đó là:
– Tiếp tục phát huy ưu thế sản xuất lương thực, đẩy mạnh năng suất các cây lương thực, vừa để vừa giải quyết tốt an ninh lương thực quốc gia, xuất khẩu, vừa có thêm nguồn TACN.
– Tận dụng các nguồn phụ phẩm công nông nghiệp với tỷ lệ và hiệu suất cao hơn, nâng cao chất lượng phụ phẩm bằng công nghệ tiên tiến quy mô công nghiệp, đặc biệt là công nghệ vi sinh.
– Đầu tư nhiều hơn, mạnh hơn và hiệu quả hơn cho các dự án phát triển nguồn TACN là sản phẩm của công nghệ sinh học, nhất là công nghệ vi sinh để không tụt lại quá xa so với các nước trong khu vực.
Vũ Duy Giảng
Học viện Nông nhiệp Việt Nam
- GS Vũ Duy Giảng li>
- thức ăn chăn nuôi li> ul>
- Ảnh hưởng của các mức selenomethionine đến chất lượng thịt và sự tích luỹ selen trong mô
- Khả năng tiêu hoá tinh bột ở động vật và lợi ích của amylase
- Bệnh xuất huyết thỏ (Rabbit haemorrhagic disease – RHD)
- Ảnh hưởng của nguồn cung cấp natri không chứa clo
- Đa dạng sản phẩm chế biến từ gà Tiên Yên
- Dinh dưỡng gà thịt bền vững và mẹo xây dựng công thức
- Cách phòng ngừa bệnh viêm phổi ở gia cầm thương mại
- Cho ăn chính xác có thể làm giảm lượng khí thải từ các trang trại chăn nuôi lợn
- Những lợi ích thực tế của bã bia trong thức ăn cho bò sữa
- Một sức khỏe – Cách tiếp cận toàn diện giúp cải thiện an toàn thực phẩm
Tin mới nhất
T3,24/12/2024
- “Chạy đua” xử lý các cơ sở chăn nuôi nằm ngoài vùng quy hoạch
- Ảnh hưởng của các mức selenomethionine đến chất lượng thịt và sự tích luỹ selen trong mô
- Bình Phước: Chuẩn bị heo thịt cho thị trường tết
- Đề xuất kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030
- Áp dụng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo là tương lai của ngành chăn nuôi
- Vemedim tổ chức khóa học chẩn đoán và điều trị chuyên sâu về hô hấp phức hợp trên chó mèo
- Đón đọc Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam số tháng 12 năm 2024
- Hòa Bình: Giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm 31% tỷ trọng ngành nông nghiệp
- Khả năng tiêu hoá tinh bột ở động vật và lợi ích của amylase
- Bình Định: Công ty Vĩnh Quang đầu tư trang trại chăn nuôi heo tại huyện Vĩnh Thạnh
- Biogénesis Bagó: Tăng tốc tại thị trường châu Á thông qua việc thiết lập văn phòng khu vực tại Việt Nam
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
- Các quy trình ngoại khoa trên heo con và những vấn đề cần lưu ý
- Bệnh Dịch tả heo châu Phi: Làm tốt An toàn sinh học đến đâu, rủi ro bệnh càng thấp tới đó!
- Quy trình xử lí chuồng trại sau khi bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
Bình luận mới nhất