Thí nghiệm khảo sát ảnh hưởng của acid hữu cơ (AH) (citric, malic và phosphoric; nấm men (NM) (Saccharomyces cerevisiae) và hỗn hợp AH và NM bổ sung trong khẩu phần lên năng suất sinh trưởng của gà Nòi lai Lương Phượng, được bố trí theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên, gồm 4 nghiệm thức, 3 lần lặp lại. Tổng số có 12 ô chuồng với tổng số gà là 240 con (cân bằng trống mái). Nghiệm thức (NT) đối chứng (ĐC) không bổ sung các chế phẩm, 3 NT còn lại là bổ sung AH, NM, và hỗn hợp AH+NM ở mức độ 0,03% mỗi loại vào thức ăn cách tuần. Kết quả về tăng trọng của gà thí nghiệm ở nghiệm thức ĐC (14,82g/con/ngày) thấp hơn có ý nghĩa thống kê so với 3 NT có bổ sung AH(16,64 g/con/ngày), NM (17,01 g/con/ngày) và AHNM (17,02 g/con/ngày). Về tiêu tốn thức ăn, gần như không khác biệt giữa các NT, dẫn đến hệ số chuyển hóa thức ăn (FCR) được cải thiện hơn ở các NT bổ sung đặc biệt thấp nhất ở NT AHNM (3,11kg TA/kg TT) so với ĐC (3,6 kg TA/kg TT). Hơn nữa lượng E. coli trong phân gà được bổ sung AH, NM và hỗn hợp AH+NM thấp hơn rõ rệt so với gà ở nghiệm thức ĐC. Nhìn chung bổ sung hỗn hợp acid hữu cơ và nấm men cách tuần cho hiệu quả tốt trong nuôi gà thịt.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Chăn nuôi gia cầm của nước ta trong những năm gần đây phát triển mạnh, với nhiều mô hình chăn nuôi khác nhau. Hiện nay, mục tiêu mà người tiêu dùng hướng đến là chất lượng của sản phẩm. Đặc biệt là thịt gà, là thực phẩm giàu protein và ít cholesterol. Một trong những giống gà địa phương có năng suất cao, dễ nuôi, thích hợp vùng Đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL), thịt thơm ngon là giống gà Nòi lai Lương Phượng, giống gà này hiện nay được nhiều nông hộ thích nuôi vì đem lại nhiều lợi nhuận kinh tế và đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên trong chăn nuôi gà, tỷ lệ gà bị bệnh và chết là khá cao do bởi trong nguồn nước uống cũng như môi trường chăn nuôi còn tồn tại một lượng rất lớn vi sinh vật có hại, những vi sinh vật có hại gây bệnh cho gà không thể bị tiêu diệt ở điều kiện bình thường mà không sử dụng kháng sinh. Chính điều này đã làm cho gà giảm sức sống, giảm sức đề kháng, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm làm gà sinh trưởng chậm gây ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế. Hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau về việc có nên sử dụng kháng sinh liều thấp như chất kích thích sinh trưởng trong thức ăn chăn nuôi, hoặc tiến đến hoàn toàn không sử dụng kháng sinh như là xu hướng chung của thế giới (Sheikh và cs, 2011). Nếu không sử dụng kháng sinh thì việc tìm ra chất thay thế đang thật sự trở thành một nhu cầu cần nghiên cứu. Trong số các chất thay thế thì nấm men và acid hữu cơ hiện đang được quan tâm nghiên cứu nhiều, do có ưu điểm như an toàn đối với vật nuôi và con người, cải thiện tiêu hóa, ức chế khả năng gây bệnh của vi khuẩn có hại và tăng cường khả năng miễn dịch ở gia súc, không để lại tồn dư, đảm bảo vệ sinh và an toàn thực phẩm, góp phần tăng năng suất, nhằm đủ đáp ứng lại nhu cầu thị trường và nâng cao hiệu quả cho người nuôi (Muzaffer và cs, 2003).
Xuất phát từ thực tế đã nêu trên,có nhiều nghiên cứu sử dụng một số loại men vi sinh hoặc các chất thêm vào khác như acid hữu cơ bổ sung vào khẩu phần thức ăn cho gà thịt, bằng tác dụng gián tiếp hoặc trực tiếp có thể sử dụng thay thế chất kháng sinh trộn trong thức ăn như chất kích thích tăng trưởng cho gà. Acid hữu cở đã được sử dụng qua nhiều năm trong thức ăn công nghiệp, phần lớn là để bảo quản thức ăn, trong đó các loại acid như acid formic và acid propionic thì đặc biệt có hiệu quả cao. Tuy nhiên đưa trực tiếp acid hữu cơ hoặc muối của acid hữu cơ vào thức ăn, đặc biệt thức ăn công nghiệp thì còn là kỹ thuật hoàn toàn mới và việc áp dụng trực tiếp dưới dạng dung dịch hay bột hòa vào thức ăn hoặc nước uống, và sử dụng liên tục hay cách tuần để cho hiệu quả nhất thì là vấn đề mà chúng tôi muốn nghiên cứu.Vì vậy, việc bổ sung các acid hữu cơ và nấm men là rất cần thiết với chăn nuôi gà. Do đó chúng tôi bước đầu tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng bổ sung acid hữu cơ và nấm men trong khẩu phần lên năng suất sinh trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn trên gà lai Nòi và Lương Phượng giai đoạn tăng trưởng, với mục tiêu chính kiểm chứng trên việc sử dụng riêng acid hữu cơ hoặc nấm men và hỗn hợp lại với nhau trong khẩu phần lên năng suất sinh trưởng và chất lượng thân thịt cũng như lượng E. coli trong chất thải gia cầm.
VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP
Vật liệu thí nghiệm
Thí nghiệm được tiến hành trên 240 gà Nòi lai thương phẩm (Nòi x Lương Phượng) trong thời gian 10 tuần, từ 5- 14 tuần tuổi tại huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ. Gà được nuôi trong chuồng hở, thông thoáng, có ánh sáng tự nhiên, mái lợp bằng tole, xung quanh được bao quanh bằng lưới kẽm, vách ngăn giữ các ô bằng lưới, mỗi ô thí nghiệm có diện tích 2m x 3m, có bạt ở hai vách để tránh mưa tạt, gió lùa, nền thì sử dụng trấu làm chất độn chuồng được thiết kế theo hướng Đông Bắc- Tây Nam, máng ăn và máng uống bằng nhựa được đặt trong chuồng mỗi ô chuồng đặt 2 máng uống và 2 máng ăn.
Thức ăn và khẩu phần thí nghiệm
Các thực liệu của khẩu phần cơ sở gồm có bắp, tấm, cám khử dầu, bánh dầu nành, bột cá, premix khoáng vitamin. Acid hữu cơ và nấm men được trộn vào thức ăn với liều 0,03%, khẩu phần hỗn hợp cả 2 loại acid hữu cơ và nấm men thì trộn với liều lượng 0,03% mỗi loại. Các acid hữu cơ được hỗn hợp lại với nhau với liều lượng 400 mg acid citric, 200 mg acid malic và 400 mg acid phosphoric cho 1g hỗn hợp acid hữu cơ. Nấm men Saccharomyces cerevisiae có mật độ 4,125 x 106 CFU/100 mg. Thành phần hóa học của khẩu phần thí nghiệm được trình bày qua Bảng 1. Trong quá trình thí nghiệm thức ăn được cân sẵn vào từng thau riêng và sau đó được trộn đều với chế phẩm nấm men và acid hữu cơ theo tỷ lệ trước khi cho ăn.
Bảng 1. Công thức, thành phần hóa học và giá trị dinh dưỡng của khẩu phần thức ăn cơ sở thí nghiệm
Phương pháp thí nghiệm
Bố trí thí nghiệm
Thí nghiệm được bố trí theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên, gồm 4 nghiệm thức, 3 lần lập lại, mỗi lần lập lại là 1 ô chuồng, mỗi ô chuồng được nuôi 20 con, cân đối giữa trống và mái. Tổng số có 12 ô nuôi thí nghiệm (Đơn vị thí nghiệm) với tổng số gà là 240 con. Các nghiệm thức thí nghiệm là:
NT (ĐC): Thức ăn cơ sở (TACS) không bổ sung acid hữu cơ và nấm men
NT (AH): TACS+ acid hữu cơ (citric, malic and phosphoric) liều 0,03%.
NT (NM): TACS+ nấm men (Saccharomyces cerevisiae) liều 0,03%.
NT (AHNM): TACS+ hỗn hợp acid hữu cơ và nấm men, liều 0,03% mỗi loại.
Quy trình chăm sóc nuôi dưỡng
Gà được cho ăn 3 lần/ngày đầu giờ sáng, chiều và cuối giờ chiều, gà được cho ăn tự do, thức ăn thừa được cân vào sáng hôm sau trước khi đưa thức ăn mới vào. Gà được cân vào đầu thí nghiệm và mỗi 2 tuần để xác định tăng trọng của gà. Mẫu phân được thu để xác định hàm lượng E. coli vào các thời điểm 7, 9 và 11 tuần tuổi của gà thí nghiệm, khi kết thúc thí nghiệm 4 con gà trống/ô ở khối lượng bình quân được chọn để mổ khảo sát thu thập các chỉ tiêu thân thịt.
Các chỉ tiêu theo dõi
Tăng trọng toàn kỳ, g/con, tăng trọng tuyệt đối (g/con/ngày), tiêu tốn thức ăn (TTTA, g), hệ số chuyển hóa thức ăn (FCR), lượng vi khuẩn E. coli trong phân. Đối với chỉ tiêu định lượng E. coli trong 1g phân gà, tiến hành lấy mẫu gộp mỗi mẫu lấy trên 3 con gà trong ô thí nghiệm, và định lượng bằng phương pháp đếm khuẩn lạc.
Phân tích hóa học
Hàm lượng dưỡng chất của thức ăn thí nghiệm với các chỉ tiêu như: vật chất khô (DM), protein thô (CP), béo thô (EE), xô thô (CF), tro (OM), xơ trung tính (NDF) được phân tích theo phương pháp AOAC(1990). Đối với chỉ tiêu về E. colicủa phân được phân tích theo phương pháp đếm trực tiếp khuẩn lạc trên kính hiển vi quang học với vật kính 40 gồm các bước như sau: pha loãng mẫu theo dãy thập phân, cấy mẫu và ủ mẫu ở 37oC trong 24h sau đó đếm số khuẩn lạc đặc trưng, sau đó số lượng E. coli được tính dựa trên số khuẩn lạc đếm được và độ pha loãng để tính ra số khuẩn lạc E. colitrong mẫu ban đầu. Các số liệu được thu thập và xử lý sơ bộ bằng chương trình Excel, sau đó được phân tích phương sai bằng chương trình Minitab 16.
Xử lý số liệu
Số liệu thu thập tổng hợp được xứ lý sơ bộ trên phần mềm Excel, sau đó tiến hành phân tích phương sai sử dụng mô hình hồi qui tuyến tính tổng quát (Minitab 16).
KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
Năng suất của gà qua thời gian thí nghiệm
Bảng 2. Ảnh hưởng của acid hữu cơ và nấm men bổ sung trong khẩu phần lên tăng trọng (TT), tiêu tốn thức ăn (TA) và hệ số chuyển hóa thức ăn (FCR) của gà thí nghiệm
Chú thích a,b Các chữ số khác nhau cùng một hàng biểu thị giá trị khác biệt có ý nghĩa (P < 0.05). ĐC: Nghiệm thức không bổ sung acid hữu cơ, hoặc nấm men; AH: Nghiệm thức có bổ sung acid hữu cơ, NM: Nghiệm thức có bổ sung nấm men, AHNM: Nghiệm thức có bổ sung hỗn hợp acid hữu cơ và nấm men.
Tăng trọng và tiêu tốn thức ăn bình quân, hệ số chuyển hóa thức ăn được trình bày trong bảng 2, cho thấy khối lượng bình quân của gà bắt đầu thí nghiệm (ở 5 tuần tuổi) là tương đương nhau, dao động trong khoảng 450-460 g/con. Nhưng qua thời gian thí nghiệm chỉ 2 tuần đầu là đã thấy có sự chênh lệch về tăng trọng của 3 nghiệm thức có bổ sung so với nghiệm thức đối chứng (biểu đồ 1), sự khác biệt này rất có ý nghĩa thống kê, và càng thấy rõ sự khác biệt ở khối lượng gà cuối kỳ ở ĐC (1493 g/con) so với (1615; 1642 và 1650g/con) ở nghiệm thức AH, NM và AHNM tương ứng. Nguyên nhân là do acid hữu cơ có vai trò kích thích tiêu hóa, cải thiện tăng trọng do bởi việc gia tăng các acid hữu cơ trong đường ruột sẽ trấn áp vi khuẩn gây bệnh, thay đổi môi trường pH, cho phép hấp thu dưỡng chất và ngăn ngừa bệnh tật (Sheikh & cs, 2011). Kết quả thí nghiệm của Isabel và Santos (2009) cho thấy rằng khi bổ sung acid hữu cơ trong khẩu phần thì làm cải thiện được tính thèm ăn của gà và cải thiện được FCR mặc dù tăng trọng không cao hơn ở đối chứng. Tuy nhiên một hạn chế lớn trong việc bổ sung acid hữu cơ vào đường tiêu hóa được ghi nhận là các acid hữu cơ sẽ nhanh chóng bị chuyển hóa ở diều và dạ dày cơ trước khi đến ruột và nó sẽ làm giảm hiệu quả của trên năng suất sinh trưởng chúng đồng thời giảm vi khuẩn gây bệnh trong đường ruột như Salmonella, Campylobacter and Enterobacter (Adil & cs, 2011). Lückstädt và Mellor (2011) cũng cho rằng khi bổ sung 0,45% potassium diformate đã làm giảm tỷ lệ chết gây bởi necrotic enteritis và clostridium perfringens.
Biểu đồ 1. Khối lượng gà qua thời gian thí nghiệm
Kết quả của thí nghiệm cho thấy gà ở NT có bổ sung acid hữu cơ tốt hơn đối chứng nhưng có khuynh hướng không bằng gà ở nghiệm thức có bổ sung nấm men và hỗn hợp cả 2 loại. Theo nghiên cứu của Vũ Ngọc Hoài (2003) cho thấy rằng, ở nấm men có vai trò ngăn chặn sự định vị của mầm bệnh, tăng cường khả năng miễn dịch, giúp vật nuôi tăng trọng nhanh hơn. Còn theo nghiên cứu của Zhang và cs, (2005) cho kết quả trên gà Ross từ 0-5 ngày tuổi ăn nấm men Saccharomyces cerevisiae cho tăng trọng tốt hơn. Cũng tương tự nghiên cứu của Paryad và Mahmoudi (2008) cho rằng bổ sung nấm men ở mức 1,5% cho gà Ross 0-6 tuần tuổi giúp làm tăng trọng lượng cơ thể đáng kể. Điều này có thể giải thích rằng khi nấm men Saccharomyces cerevisiae vào đường tiêu hóa, ngoài sản sinh ra các acid hữu cơ làm giảm pH đường ruột, thay đổi hình thái nhung mao ruột.. mà chúng còn sản sinh ra các enzym tiêu hóa như amylase, protease hỗ trợ tiêu hóa, xúc tiến quá trình trao đổi chất kích thích tính thèm ăn của gia cầm. Theo nghiên cứu của Yalcm & cs (2013) khi tiến hành bổ sung nấm men Saccharomyces cerevisiae trong khẩu phần gà Ross 308 tuy không ảnh hưởng đến tiêu tốn thức ăn nhưng đã làm giảm hệ số chuyển hóa thức ăn của gà thí nghiệm, còn nghiên cứu của Sharref và Al-Dabbagh (2009) cho thấy khi bổ sung nấm men Saccharomyces cerevisiae ở mức độ 1-2% vào khẩu phần cho gà thịt cũng làm tăng tiêu tốn thức ăn và giảm hệ số chuyển hóa thức ăn.
Hàm lượng vi khuẩn E. coli thải ra trong phân của gà thí nghiệm
Bảng 3. Hàm lượng E. coli trong phân gà thí nghiệm (106CFU/g)
Chú thích a,b Các chữ số khác nhau cùng một hàng biểu thị giá trị khác biệt có ý nghĩa (P < 0.05)
ĐC: Nghiệm thức không bổ sung acid hữu cơ, hoặc nấm men; AH: Nghiệm thức có bổ sung acid hữu cơ, NM: Nghiệm thức có bổ sung nấm men, AHNM: Nghiệm thức có bổ sung hỗn hợp acid hữu cơ và nấm men.
Vi khuẩn đường ruột đặc biệt là E. coli là nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy, viêm ruột và gây ra tỷ lệ chết cao trên gà thịt, kết quả hàm lượng E. coli trong phân gà được thải ra khi gà được bổ sung acid hữu cơ và nấm được trình bày trong bảng 3, kết quả cho thấy khi bổ sung acid hữu cơ, nấm men và hỗn hợp của chúng thì đều cho hàm lượng E. coli trong phân thấp hơn có ý nghĩa thống kê so với đối chứng. Điều này cho thấy rằng chất bổ sung này đã làm ngăn cản sự phát triển của hệ vi sinh vật có hại trong đường ruột của gà dẫn đến gà tăng tỷ lệ tiêu hóa, giảm tỷ lệ bệnh và chết (Fatufe và Matanmi, 2011). Nguyên nhân là do vai trò ngăn ngừa bệnh, kích thích tăng trưởng và cải thiện hiệu qủa sử dụng thức ăn của acid hữu cơ và men vi sinh có thể được giải thích qua vai trò ức chế và tiêu diệt vi khuẩn bệnh, cụ thể vi khuẩn bệnh thường hoạt động ở pH cao, do pH thích hợp cho hoạt động của E. coli, Samonella và Staphylococcus lần lượt là 4,3; 4,0 và 4,2 trong khi vi khuẩn có lợi như Lactobacillus lại hoạt động ở pH thấp (<3,5).
Như vậy khi đưa acid hữu cơ vào đường ruột qua thức ăn để hạ thấp pH xuống dưới 3,5 thì sẽ hạn chế sự hoạt động của những vi khuẩn có hại và tăng cường sự hoạt động của vi khuẩn có ích. Mặt khác khi vào trong tế bào vi khuẩn, acid phân ly cho ra ion H+ làm cho pH trong tế bào chất của vi khuẩn từ bazơ chuyển sang acid. Vi khuẩn bệnh do không dung nạp được acid nên bị chết, ngược lại vi khuẩn có ích do dung nạp được acid nên không bị tiêu diệt. Chính nhờ vai trò này mà acid hữu cơ đã thay thế được kháng sinh trong việc ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn bệnh trong đường tiêu hóa. Hơn nữa chúng còn cải thiện sự tiêu hóa hấp thu thức ăn bằng cách làm tăng tiết dịch vị, nhờ vậy tỷ lệ tiêu hóa protein và các chất dinh dưỡng khác như tinh bột hay chất béo được cải thiện hơn (Ghazalah và cs, 2011), đồng thời làm làm tăng độ hòa tan và làm tăng sự tiêu hóa và hấp thu của chất khoáng như Ca, P. Kết quả nghiên cứu của Phan Hoàng Đông (2013) cũng cho thấy rằng khi bổ sung hỗn hợp nấm men và acid hữu cơ dưới dạng đậm đặc sẽ kích thích tăng trưởng và hoạt động của những vi khuẩn có lợi cho đường ruột, do đó sẽ vô hiệu hóa độc tố nấm có trong thức ăn, chuyển hóa thức ăn nhanh từ đó dẫn đến tăng trọng cao hơn so với nghiệm thức đối chứng.
Các chỉ tiêu về mổ khảo sát
Bảng 4. Ảnh hưởng của acid hữu cơ và nấm men trong khẩu phần lên các chỉ tiêu than thịt
Chú thích a,b Các chữ số khác nhau cùng một hàng biểu thị giá trị khác biệt có ý nghĩa (P < 0.05)
ĐC: Nghiệm thức không bổ sung acid hữu cơ, hoặc nấm men; AH: Nghiệm thức có bổ sung acid hữu cơ, NM: Nghiệm thức có bổ sung nấm men, AHNM: Nghiệm thức có bổ sung hỗn hợp acid hữu cơ và nấm men.
Các chỉ tiêu về thân thịt của gà thí nghiệm được thể hiện trong bảng 4. Không có sự khác nhau có ý nghĩa thống kê về tỷ lệ thân thịt, tỷ lệ thịt đùi và thịt ức của gà ở các nghiệm thức, điều này cho thấy khi bổ sung acid hữu cơ và nấm men thì cho kết quả không sai khác gì về các chỉ tiêu quầy thịt so với gà ăn khẩu phần đối chứng.
KẾT LUẬN
Qua thời gian thí nghiệm nhận thấy khi bổ sung acid hữu cơ và nấm men riêng biệt hoặc là hỗn hợp giữa chúng với nhau trong khẩu phần cách tuần đều cho năng suất sinh trưởng cao hơn so với đối chứng, đồng thời cải thiện được hệ số chuyển hóa thức ăn và giảm được hàm lượng E. coli trong đường tiêu hóa của gà địa phương giai đoạn tăng trưởng.
Nguyễn Thị Thủy*, Hồ Quảng Đồ
Bộ môn Chăn nuôi, Khoa Nông Nghiệp & SHƯD,
Trường Đại học Cần Thơ
- tế báo nấm men li>
- nấm men li> ul>
- Ảnh hưởng của các mức selenomethionine đến chất lượng thịt và sự tích luỹ selen trong mô
- Khả năng tiêu hoá tinh bột ở động vật và lợi ích của amylase
- Bệnh xuất huyết thỏ (Rabbit haemorrhagic disease – RHD)
- Ảnh hưởng của nguồn cung cấp natri không chứa clo
- Đa dạng sản phẩm chế biến từ gà Tiên Yên
- Dinh dưỡng gà thịt bền vững và mẹo xây dựng công thức
- Cách phòng ngừa bệnh viêm phổi ở gia cầm thương mại
- Cho ăn chính xác có thể làm giảm lượng khí thải từ các trang trại chăn nuôi lợn
- Những lợi ích thực tế của bã bia trong thức ăn cho bò sữa
- Một sức khỏe – Cách tiếp cận toàn diện giúp cải thiện an toàn thực phẩm
Tin mới nhất
T2,23/12/2024
- “Chạy đua” xử lý các cơ sở chăn nuôi nằm ngoài vùng quy hoạch
- Ảnh hưởng của các mức selenomethionine đến chất lượng thịt và sự tích luỹ selen trong mô
- Bình Phước: Chuẩn bị heo thịt cho thị trường tết
- Đề xuất kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030
- Áp dụng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo là tương lai của ngành chăn nuôi
- Vemedim tổ chức khóa học chẩn đoán và điều trị chuyên sâu về hô hấp phức hợp trên chó mèo
- Đón đọc Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam số tháng 12 năm 2024
- Hòa Bình: Giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm 31% tỷ trọng ngành nông nghiệp
- Khả năng tiêu hoá tinh bột ở động vật và lợi ích của amylase
- Bình Định: Công ty Vĩnh Quang đầu tư trang trại chăn nuôi heo tại huyện Vĩnh Thạnh
- Biogénesis Bagó: Tăng tốc tại thị trường châu Á thông qua việc thiết lập văn phòng khu vực tại Việt Nam
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
- Các quy trình ngoại khoa trên heo con và những vấn đề cần lưu ý
- Bệnh Dịch tả heo châu Phi: Làm tốt An toàn sinh học đến đâu, rủi ro bệnh càng thấp tới đó!
- Quy trình xử lí chuồng trại sau khi bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
Bình luận mới nhất