Thí nghiệm được tiến hành trên 420 con lai ngan vịt và 360 gà Lương Phượng từ 1 đến 70 ngày tuổi để đánh giá ảnh hưởng các mức bổ sung bột tỏi trong khẩu phần đến tỷ lệ nuôi sống và khả năng kháng bệnh của gia cầm thịt. Thí nghiệm được bố trí thành 4 nghiệm thức (NT): NTĐC (không bổ sung bột tỏi); NT1, NT2 và NT3 tương ứng với việc bổ sung 0,2; 0,4 và 0,6% bột tỏi, 30-35 con/lô, lặp lại 3 lần. Kết quả chỉ ra rằng bổ sung bột tỏi trong khẩu phần ăn không ảnh hưởng đến tỷ lệ nuôi sống của gia cầm, tăng khả năng kháng bệnh cầu trùng ở gà và E.coli ở con lai ngan vịt. Các chỉ số sinh lý máu có cải thiện ở khẩu phần bổ sung bột tỏi.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Các loại thảo mộc đang được sử dụng như là chất phụ gia trong thức ăn chăn nuôi do phù hợp, chi phí thấp, giảm nguy cơ ngộ độc và thân thiện với môi trường. Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng hoạt động của các chất phụ gia thức ăn chăn nuôi phytogenic cho kết quả đầy hứa hẹn liên quan đến tăng khối lượng, hiệu quả sử dụng thức ăn cao, tỷ lệ chết thấp hơn, tăng khả năng sống của các loài gia cầm (Jahan và ctv, 2008). Phytogenic có tác dụng tăng hiệu suất của gia cầm bằng cách kích thích tiết ra các enzym tiêu hóa, dẫn đến tiêu hóa và hấp thụ tăng (Recoquillay, 2006). Hơn nữa, sự có mặt của các hoạt chất và các hợp chất phenolic có thể làm giảm số lượng các tác nhân gây bệnh đường ruột, do đó giảm thiểu tổn thất chất dinh dưỡng và cải thiện hiệu suất. Cả hai hiệu ứng có thể dẫn đến sức khỏe đường ruột tốt hơn và tích lũy protein nhiều hơn trong các mô cơ thể.
Tỏi (Allium sativum) là một thảo dược có chất dược lý hữu ích. Tỏi tươi nghiền có chứa allicin, alliin, ajoene, diallylsulfide, dithiin. S-allylcysteine. Bột tỏi chứa fructooligosaccharides (FOS) với hoạt động prebiotic (Campbell và ctv, 1997). Hơn nữa, bột tỏi có chứa hàm lượng khác nhau của alliin, có hàm lượng các vitamin (vitamin C, thiamin, riboflavin và niacin), selenium và kali (USDA, 2014). Tỏi là chất phụ gia thức ăn tự nhiên trong dinh dưỡng gia cầm có thể được lợi ích lớn và giá trị đặc biệt cho những gia cầm thịt. Điều này là do tính kháng khuẩn, chống viêm, sát khuẩn, chống ký sinh trùng và các đặc tính điều hòa miễn dịch của tỏi.
Kết quả nghiên cứu trên gà thịt Lương Phượng và con lai ngan vịt là cơ sở để sử dụng bột tỏi thay thế kháng sinh như chất hoạt hóa tăng trưởng vì có tính kháng khuẩn, kháng virus, kháng ký sinh trùng, kháng nấm…làm tăng hiệu suất trong chăn nuôi gia cầm thịt.
2. VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Vật liệu
Gà Lương Phượng, con lai ngan vịt và bột tỏi. Thức ăn có năng lượng, protein, axít amin và khoáng chất phù hợp với từng lứa tuổi.
2.2. Phương pháp
Thí nghiệm được tiến hành trên 360 gà thịt Lương Phượng và 420 con lai ngan vịt 1-70 ngày tuổi phân bổ vào 4 nhóm, 30 gà và 35 lai ngan vịt/nhóm, lặp lại 3 lần theo 4 nghiệm thức-NT:
- NT ĐC: Khẩu phần cơ sở (KPCS)
- NT1: KPCS+0,2% bột tỏi/kg thức ăn
- NT2: KPCS+0,4% bột tỏi/kg thức ăn
- NT3: KPCS+0,6% bột tỏi/kg thức ăn
Thí nghiệm đảm bảo tất cả các yêu cầu về vệ sinh và yếu tố đồng đều.
2.3. Xử lý số liệu
Các số liệu được xử lý thống kê trên phần mềm Minitab 16.
3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
3.1. Ảnh hưởng của các tỷ lệ bột tỏi đến các tỷ lệ nuôi sống của gia cầm thịt
Qua 10 tuần thí nghiệm gà Lương Phượng nuôi thịt tỷ lệ nuôi sống của lô ĐC là 98,89%; lô bổ sung 0,2% bột tỏi/kg thức ăn là 100%; lô bổ sung 0,4% là 98,89%; lô bổ sung 0,6% là 98,89%. Kết quả cho thấy, tỷ lệ nuôi sống của cả 4 lô tương đương nhau (P>0,05), chứng tỏ thức ăn có bổ sung bột tỏi không gây ảnh hưởng tới tỷ lệ nuôi sống. Kết quả này tương đồng với công bố của Fadlalla và ctv (2010), khẩu phần bổ sung 0-0,6% bột tỏi không làm ảnh hưởng đến tỷ lệ nuôi sống của gà. Oleforuh-Okoleh và ctv (2014) cho biết dựa trên các kết quả thu được, có thể kết luận rằng bổ sung tỏi trong khẩu phần ăn của gà thịt không có bất kỳ ảnh hưởng xấu nào. Theo Eid và Iraqi (2014), hiệu quả của việc bổ sung bột tỏi đến tỷ lệ chết của gà (P<0,0001) như sau: nhóm bổ sung 200g bột tỏi/tấn thức ăn có tỷ lệ chết 7%; nhóm bổ sung 150g là 10%; nhóm bổ sung 100g là 15% và nhóm ĐC có tỷ lệ chết cao nhất (20,4%). Kết quả này cho thấy bột tỏi có tác dụng cao trong đáp ứng miễn dịch của gà. Kết quả này cũng tương đồng với Gbenga và ctv (2009): bổ sung bột tỏi đã giảm tỷ lệ chết 1,67-3,33%. Kết quả này có thể do bột tỏi có khả năng tăng tiêu hóa chất dinh dưỡng và giảm lượng vi khuẩn E.coli và Clostridium sp. trong đường ruột. Jamroz và ctv (2003) giải thích rằng bột tỏi có tác dụng ức chế E.coli, Salmonella và Staphylococcus. Điều này có xu hướng làm giảm tỷ lệ chết vì nó làm sạch bề mặt sinh học cho gà và giảm số lượng vi khuẩn không có lợi trong ruột.
Tương tự, qua 10 tuần thí nghiệm đàn lai ngan vịt, tỷ lệ nuôi sống của lô ĐC là 97,14%; lô bổ sung 0,2% bột tỏi/kg thức ăn là 98,1%; lô bổ sung 0,4% là 98,1%; lô bổ sung 0,6% là 100% (P>0,05). Kết quả này cũng tương đồng với công bố của Ismoyowati và ctv (2015) cho biết tỷ lệ chết của vịt thịt không bị ảnh hưởng khi bổ sung bột của 4 loại thực vật chứa hoạt chất bao gồm tỏi, nghệ (Curcuma domestica), gừng đỏ (Zingiberofficinale) và địa liền (Kaempferia galangal).
3.2. Ảnh hưởng của bột tỏi đến khả năng kháng bệnh của gia cầm
Tỏi rất giàu các hợp chất chứa gốc sulfur và các tiền tố (allicin, diallyl sulfide và diallyl trisulfide) trong đó allicin được xem là thành phần hoạt hóa tiềm năng của tỏi. Hoạt chất chính là allicin có tác dụng diệt vi khuẩn rất mạnh và là hoạt chất quan trọng nhất của tỏi. Với vật nuôi, ăn tỏi thường xuyên có tác dụng kích thích tăng khối lượng, tăng sức đề kháng với một số bệnh: tụ huyết trùng, thương hàn, bạch lỵ,…
Đàn gà ở cả ĐC và thí nghiệm đều không mắc một số bệnh như bệnh CRD, bệnh Gumboro. Riêng bệnh cầu trùng vẫn xảy ra ở lô ĐC. Các lô bổ sung 0,2; 0,4 và 0,6% bột tỏi/kg thức ăn không mắc bệnh này. Như vậy, việc cho ăn bột tỏi trong thí nghiệm có thể tác dụng tốt làm giảm thiểu được tỷ lệ mắc cầu trùng trên đàn gà Lương Phượng.
Thuốc kháng sinh được sử dụng rộng rãi như chất kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi gia cầm. Trong những năm gần đây, việc sử dụng thuốc kháng sinh như một chất tăng trưởng trong khẩu phần ăn uống của gia cầm đã bị cấm ở một số nước trên thế giới do lo ngại về dư lượng của nó trong thịt động vật và tăng tính kháng kháng sinh của các chủng vi sinh vật. Do đó, các nhà nghiên cứu đang tìm kiếm, lựa chọn thay thế các sản phẩm tự nhiên an toàn như phytobiotic. Daneshmand và ctv (2012) đã phối hợp các vật liệu tự nhiên như tỏi, nấm và keo ong trong khẩu phần cho gà để nâng cao khả năng sản xuất và kháng bệnh.
Tỏi có chất chống oxy hóa, kháng khuẩn và kháng virus. Nấm được biết đến là có chất chống oxy hóa và điều hòa miễn dịch và đã được cho thấy cải thiện tăng trưởng, tăng khả năng miễn dịch. Keo ong là một chất nhựa do ong thợ thu thập từ nhiều nguồn khác nhau để xây tổ. Nó có đặc tính kháng khuẩn, chống viêm và điều hòa miễn dịch. Các tác dụng có lợi của keo ong đến khả năng tăng trưởng và đáp ứng miễn dịch ở gà thịt đã được báo cáo. Dựa trên những phát hiện này, sự kết hợp của các vật liệu này có thể là một hữu ích thay thế cho thuốc kháng sinh (Giannenas và ctv, 2010; Daneshmand và ctv, 2012).
Các nghiên cứu chứng minh dư lượng kháng sinh có thể tạo ra các chủng kháng vi khuẩn, các nghiên cứu đã tập trung thay thế các chất phụ gia, đặc biệt là các chất tự nhiên.
Nhiều nghiên cứu cho biết bổ sung dung dịch chiết xuất từ tỏi, bột tỏi làm tăng khả năng chống lại bệnh Newcastle và Gumboro (Rehman và ctv, 2015). Kết quả trên dẫn xuất propylpropane thiosulphonat của tỏi có tác dụng chống vi khuẩn đường ruột. Bổ sung chiết xuất của tỏi từ 45 đến 135 ml/kg làm giảm đáng kể số lượng vi sinh vật gây bệnh và cải thiện thông số sản xuất của gà broiler (Peinado và ctv, 2012).
Tỏi chứa phytochemicalalkaloids, tannin, phylobatanin, anthraquinone và saponin (Akintobi và ctv, 2013). Tỏi chứa alliin nó chuyển sang allicin khi nghiền. Allicin có hoạt tính kháng khuẩn mạnh, có hiệu lực chống lại Campylobacter jejuni và cải thiện hiệu suất trong chăn nuôi gà broiler (Royban và ctv, 2013).
Daneshmand và ctv (2012) cho biết ở thời điểm 21 ngày tuổi nhóm ăn hỗn hợp tỏi, nấm và keo ong gây ra một hiệu kháng thể phản ứng với virus bệnh Newcastle thấp hơn nhóm đối chứng nhưng tăng hiệu giá kháng thể ở 33 và 42 ngày tuổi có ý nghĩa (P<0,05) so với nhóm đối chứng. Điều này cho thấy bột tỏi nói riêng và các hoạt chất sinh học tự nhiên nói chung có khả năng tăng miễn dịch và kháng bệnh.
Con lai ngan vịt ở cả ĐC và thí nghiệm đều không mắc bệnh như cúm ở vịt con, tụ huyết trùng. Bệnh do E.coli-Salmonella thấy lô ĐC và bổ sung 0,2% bột tỏi/kg thức ăn bị cảm nhiễm và đã gây chết một số con lai ngan vịt trong lô, các lô còn lại bị cảm nhiễm nhẹ và phục hồi rất nhanh, không có cá thể nào bị chết do nhiễm E.coli-Salmonella, điều này cho thấy việc bổ sung bột tỏi với mức nhất định hạn chế được tỷ lệ nhiễm bệnh của con lai ngan vịt.
Nghiên cứu của Safithria và ctv (2011) khẳng định chiết xuất tỏi ức chế sự phát triển của E.coli. Các kết quả nghiên cứu khác cũng cho thấy chất phytochemical trong tỏi có đặc tính kháng khuẩn mạnh mẽ chống lại E.coli, Salmonella, C. Botulinum và các loài gây bệnh khác (Ismoyowati và ctv, 2015).
Nghiên cứu của Ismoyowati và ctv (2015) cho biết chiết xuất của các chất phytobiotic (tỏi, nghệ, gừng đỏ và địa liền) có tác dụng chống lại Salmonella pullorum và Escherichia coli ở vịt thịt. Thử nghiệm được thực hiện trong 6 tuần bắt đầu ở ngày 28 sử dụng khẩu phần ăn cho vịt thịt được bổ sung 1% bốn hoạt chất sinh học phytobiotic. Kết quả cho thấy tỏi có hoạt tính kháng khuẩn đối với S. pullorum và E.Coli cao nhất trong bốn hoạt chất này.
Ibrahiem và ctv (2004) cho biết khối lượng túi bursa của vịt Muscovy bổ sung 3% tỏi hoặc hỗn hợp 1% hành + 3% trong chế độ ăn tăng. Các nghiên cứu cho thấy gia cầm có khối lượng túi bursa lớn có khả năng kháng bệnh tốt hơn và hiệu quả cao hơn cho tổng hợp globulin miễn kháng (Ibrahiem và ctv, 2004). Hành và tỏi có phương thức tác động tương tự như kháng sinh. Vì thế, sự gia tăng khối lượng của túi bursa dẫn đến tăng lượng protein trong máu, globulin máu tăng nhẹ. Sự gia tăng globulin máu có thể liên quan đến hoạt động cao của bursa lớn và tổng hợp gamma immunoglobulin (Ibrahiem và ctv, 2004).
Kết quả của các nghiên cứu khác nhau cung cấp bằng chứng rằng một số cây thuốc có thể thực sự là nguồn tiềm năng mới chống các tác nhân kháng khuẩn thậm chí chống lại một số vi khuẩn kháng kháng sinh (Indu và ctv, 2006).
Việc sử dụng các sản phẩm tự nhiên như một chất tăng trưởng và kháng bệnh ở vật nuôi là cần thiết nhằm tạo ra thực phẩm hữu cơ, an toàn sinh học đối với sức khỏe của con người và tránh gây ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh, giảm tính kháng kháng sinh của vi sinh vật.
3.3. Ảnh hưởng bổ sung bột tỏi đến các chỉ tiêu sinh lý máu
Trong các chỉ tiêu sinh lý máu thì số lượng hồng cầu phản ánh phẩm chất con giống, số lượng hồng cầu càng nhiều thì sức sống con vật càng tốt. Số lượng hồng cầu thay đổi theo giống, tuổi, giới tính, chế độ dinh dưỡng, trạng thái và sinh lý cơ thể, còn chức năng chung của bạch cầu là chống lại các tác nhân lạ xâm nhập vào cơ thể.
Số lượng hồng cầu nhiều nhất ở lô bổ sung 0,6% bột tỏi/kg thức ăn là 2,61 triệu/mm3 và lô đối chứng là 2,47 triệu/mm3 (P>0,05). Số lượng bạch cầu có xu hướng giảm dần khi tăng tỷ lệ bột tỏi vào khẩu phần: cao nhất ở lô ĐC là 37,20 ngàn/mm3 và thấp nhất ở lô bổ sung 0,6% bột tỏi/kg thức ăn là 12,45 ngàn/mm3 (P>0,05).
Số lượng tiểu cầu cao nhất ở lô bổ sung 0,6% bột tỏi/kg thức ăn (6,32), tiếp đến lô 0,4%, ĐC và cuối cùng là lô 0,2% (P>0,05).
Từ những phân tích trên chứng tỏ rằng việc bổ sung bột tỏi vào trong thức ăn không làm ảnh hưởng đến các chỉ tiêu sinh lý trong máu gà. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Elagib và ctv (2013) cho biết khẩu phần chứa 3 và 5% bột tỏi không có tác dụng đáng kể (P>0,05) khối lượng tế bào, hồng cầu tổng số, bạch cầu tổng số và bạch cầu trung tính, bạch cầu ái toan, bạch cầu đơn nhân và tế bào lympho. Có thể kết luận rằng tỏi như là chất phụ gia trong thức ăn chăn nuôi và ở mức 3% làm tăng khối lượng, năng suất thịt của gà mà không có bất kỳ tác dụng phụ nào được phát hiện trong các chỉ tiêu sinh lý máu.
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi khác với Fadlalla và ctv (2010) cho biết cho ăn 0; 0,15; 0,3; 0,45 và 0,6% bột tỏi trong khẩu phần cho thấy bạch cầu tổng số của những gà ăn 0,3% bột tỏi trong khẩu cao hơn so với các tỷ lệ bột tỏi khác và cao hơn đối chứng (P<0,05).
Các chỉ số sinh lý máu ở gà đã được chứng minh là bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác nhau bao gồm sinh lý tuổi, giới tính (Alodan và ctv, 1999), điều kiện môi trường như mùa, hàm lượng, thành phần các chất trong chế độ ăn và độ tuổi (Seiser và ctv, 2010). Khác với kết quả nghiên cứu của chúng tôi, Elagib và ctv (2013) không phát hiện thấy sai khác ở một số thông số sinh lý máu ở gà sử dụng bột tỏi trong khẩu phần ăn.
Số lượng hồng cầu nhiều nhất là ở lô bổ sung 0,4% bột tỏi/kg thức ăn: 3,58 triệu/mm3 và thấp nhất ở lô 0,2% bột tỏi/kg thức ăn: 3,47 triệu/mm3 (P>0,05). Số lượng bạch cầu có xu hướng tăng khi tăng tỷ lệ bột tỏi bổ sung vào khẩu phần ăn.
Số lượng bạch cầu cao nhất ở lô bổ sung 0,6% bột tỏi/kg thức ăn là 34,65 ngàn/mm3, sau đó đến lô bổ sung 0,4% là 32,58 ngàn/mm3, thấp nhất ở lô ĐC là 30,49 ngàn/mm3 (P<0,05), nhưng giữa lô bổ sung 0,4% bột tỏi/kg thức ăn (30,50 ngàn/mm3) và lô ĐC không có sự sai khác về mặt thống kê.
Số lượng tiểu cầu rất nhỏ chỉ biến động trong phạm vi 2,03-2,05/mm3 (P>0,05).
Từ những kết quả trên chứng tỏ rằng việc bổ sung bột tỏi vào trong thức ăn có làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu sinh lý trong máu ở con lai ngan vịt. Có thể kết luận rằng tỏi như là chất phụ gia trong thức ăn chăn nuôi và ở mức 0,6% bột tỏi/kg thức ăn làm tăng khối lượng, năng suất thịt của con lai ngan vịt mà không có bất kỳ tác dụng phụ nào được phát hiện trong các chỉ tiêu sinh lý máu. Tỏi đưa vào khẩu phần như một chất phụ gia rất cần thiết. Bởi vì, nhiều nghiên cứu đã khẳng định tỏi có khả năng kích thích tăng trưởng, làm tăng độ cảm quan của thịt và phòng chống một số bệnh… Đó là nguồn phụ gia tự nhiên cho sức khỏe của con người và động vật.
4. KẾT LUẬN
Tỏi là cây thuốc có tác dụng tốt trong chăn nuôi gia cầm. Việc bổ sung bột tỏi trong thức ăn gia cầm không ảnh hưởng đến tỷ lệ nuôi sống, làm giảm số lượng vi khuẩn gây bệnh như E.coli và Salmonella, tăng khả năng kháng bệnh. Các chỉ số sinh lý máu có cải thiện ở khẩu phần bổ sung bột tỏi. Nó có tác dụng có lợi trên hệ miễn dịch, vì vậy nó có thể được sử dụng một cách hiệu quả để thay thế kháng sinh kích thích tăng trưởng trong thức ăn chăn nuôi gia cầm. Mặc dù, có nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực này, nhưng vẫn chưa đầy đủ cần nghiên cứu thêm để hoàn thiện các tiêu chuẩn sử dụng bột tỏi trong chăn nuôi gia cầm nói riêng và vật nuôi nói chung
Hồ Thị Bích Ngọc và CS
Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên
- Bột tỏi li> ul>
- Ảnh hưởng của các mức selenomethionine đến chất lượng thịt và sự tích luỹ selen trong mô
- Khả năng tiêu hoá tinh bột ở động vật và lợi ích của amylase
- Bệnh xuất huyết thỏ (Rabbit haemorrhagic disease – RHD)
- Ảnh hưởng của nguồn cung cấp natri không chứa clo
- Đa dạng sản phẩm chế biến từ gà Tiên Yên
- Dinh dưỡng gà thịt bền vững và mẹo xây dựng công thức
- Cách phòng ngừa bệnh viêm phổi ở gia cầm thương mại
- Cho ăn chính xác có thể làm giảm lượng khí thải từ các trang trại chăn nuôi lợn
- Những lợi ích thực tế của bã bia trong thức ăn cho bò sữa
- Một sức khỏe – Cách tiếp cận toàn diện giúp cải thiện an toàn thực phẩm
Tin mới nhất
T3,24/12/2024
- Khởi công xây dựng trạm trộn thức ăn chăn nuôi tại KCN công nghệ cao Mebi Farm
- Hợp quy TĂCN: Nặng hình thức và tốn kém!
- Nâng tầm giá trị thương hiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam: Cần gỡ bỏ nút thắt
- “Chạy đua” xử lý các cơ sở chăn nuôi nằm ngoài vùng quy hoạch
- Ảnh hưởng của các mức selenomethionine đến chất lượng thịt và sự tích luỹ selen trong mô
- Bình Phước: Chuẩn bị heo thịt cho thị trường tết
- Đề xuất kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030
- Áp dụng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo là tương lai của ngành chăn nuôi
- Vemedim tổ chức khóa học chẩn đoán và điều trị chuyên sâu về hô hấp phức hợp trên chó mèo
- Đón đọc Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam số tháng 12 năm 2024
- Biogénesis Bagó: Tăng tốc tại thị trường châu Á thông qua việc thiết lập văn phòng khu vực tại Việt Nam
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
- Các quy trình ngoại khoa trên heo con và những vấn đề cần lưu ý
- Bệnh Dịch tả heo châu Phi: Làm tốt An toàn sinh học đến đâu, rủi ro bệnh càng thấp tới đó!
- Quy trình xử lí chuồng trại sau khi bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
Bình luận mới nhất