[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Chỉ trong 2 năm đại dịch Covid-19 dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, khiến hơn một nửa số nông hộ chăn nuôi lâm vào tình trạng “đoạn tuyệt” với chăn nuôi. Trong khi đó, rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài và những doanh nghiệp lớn trong nước đang ra sức mở rộng chăn nuôi quy mô lớn, đầu tư bài bản, với những chiến lược “độc, lạ”.
Chăn nuôi nhỏ lẻ đang gặp nhiều khó khăn sau dịch bệnh và bão giá
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự tính năm 2022, giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi sẽ tăng trưởng khoảng 5-6% so với năm 2021, với sản lượng thịt các loại ước đạt 6,98 triệu tấn. Trong đó thịt lợn đạt trên 4,3 triệu tấn, thịt gia cầm đạt trên 2 triệu tấn, sản lượng trứng ước đạt trên 18,4 tỷ quả (tăng 4,6%), sản lượng sữa khoảng trên 1,16 triệu tấn (tăng 8,3%).
Nông hộ kiệt sức, doanh nghiệp lớn mạnh
Chăn nuôi lợn hiện chiếm trên 60% giá trị ngành chăn nuôi Việt Nam. Bão giá lợn” năm 2017, dịch tả lợn châu Phi (2019), đại dịch Covid-19 vừa qua, cùng với việc giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi phi mã vượt quá sức chịu đựng của ngành chăn nuôi trong 2 năm vừa qua đã khiến nông hộ chăn nuôi lợn kiệt sức. Theo số liệu từ Cục Chăn nuôi, tổng đàn lợn đạt cao nhất vào năm 2016 (29,1 triệu con). Do dịch tả lợn châu Phi, tổng đàn giảm sâu kỷ lục vào năm 2019, chỉ còn 19,6 triệu con và hồi phục nhẹ năm 2020 (22,0 triệu con). Tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm 30/9/2022 đạt 28,7 triệu con, tăng khoảng 8,8% so với cùng thời điểm năm 2021.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam nhận định: Ngành chăn nuôi lợn tại Việt Nam đang trải qua cuộc thanh lọc rất khốc liệt. Năm 2018, cả nước có khoảng 3,5 triệu nông hộ chăn nuôi lợn, thì đến nay chỉ còn hơn 1,5 triệu nông hộ chăn nuôi lợn. Trong khi đó, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong nước như Tân Long, Dabaco, Masan, Trường Hải, Hòa Phát… và nước ngoài (C.P, Japfa comfeed, Newhope, CJ, Emivest, Cargill…) đang xây dựng và từng bước hình thành hệ thống trang trại liên kết chuỗi.
“Sự chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô lớn chính là bước chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi để từng bước hiện đại hóa ngành chăn nuôi. Các doanh nghiệp đang tích cực xây dựng thương hiệu thịt lợn và hệ thống bán lẻ của mình để tối ưu hóa chuỗi giá trị”, ông Nguyễn Xuân Dương nhấn mạnh.
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, cách đây 2 năm, chăn nuôi nông hộ chiếm tới 2/3 sản lượng gia súc gia cầm xuất chuồng hàng năm. Thế nhưng đến năm 2022 này, các doanh nghiệp nước ngoài hiện đã chiếm áp đảo về sản lượng lợn thịt, gà thịt xuất chuồng. Đặc biệt trong ngành chế thịt và sản phẩm chăn nuôi, Tập đoàn De Heus đầu tư xây dựng mà máy thứ 2 tại tỉnh Tây Ninh, quy mô vốn khoảng 1.000 tỷ đồng; Masan chuẩn bị đầu tư nhà máy chế biến thứ 2 tại Long An; C.P cũng đã khánh thành tổ hợp nhà máy chế biến thịt tại Bình Phước với vốn đầu tư trên 250 triệu USD có quy mô hiện đại và lớn nhất khu vực Đông Nam Á, Japfa công bố sẽ xây tổ hợp khép kín đầu tư hơn 200 triệu USD tại Bình Phước. Các tập đoàn, công ty như C.P, GREENFEED, Japfa, New Hope, Emivest… đã và đang có những dự án đầu tư với số lượng vốn rất lớn vào hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm chăn nuôi.
Đặc biệt, Công ty C.P Việt Nam xuất bán mỗi năm 6 triệu con lợn thịt, hơn 200 triệu quả trứng và hơn 80 ngàn tấn gà thịt, chiếm 19,5% tổng sản lượng lợn thịt và 4% tổng sản lượng thịt gà của cả nước Việt Nam.
Một dấu ấn là ngày 25/10/2022 vừa qua, tại Khu công nghiệp Becamex Bình Phước, Công ty TNHH CPV Food – một công ty con của CP Việt Nam đã xuất khẩu lô thịt gà chế biến đầu tiên sang Nhật Bản. Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: Nhật Bản là thị trường nhập khẩu thịt gà lớn thứ ba trên thế giới (sau Trung Quốc và Liên bang Nga). Mỗi năm, Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn thịt gà, trong khi CPV Food có nhà máy giết mổ, chế biến thịt gà lớn nhất tại Việt Nam. Vì vậy, việc Nhật Bản chấp thuận nhập khẩu thịt gà của CPV Food đã mang tới cơ hội kinh doanh rất lớn cho C.P. Việt Nam nói riêng và ngành chăn nuôi gia cầm nói chung.
Doanh nghiệp nội: Xu hướng “độc” và “lạ”
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi của người Việt Nam cũng đang ra sức phát triển với tham vọng sẽ cạnh tranh ngang ngửa với doanh nghiệp FDI.
Trong tháng 10/2022, doanh nhân Đoàn Nguyên Đức và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã giới thiệu sản phẩm “Heo ăn chuối Bapi Hoàng Anh Gia Lai”. Ngày 26/10/2022 tại TP.Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam (BaF) đã tổ chức họp báo công bố thương hiệu “Heo ăn chay BaF Meat”. Đây là 2 sự kiện đang gây ra những phản ứng trái chiều trong dự luận. Trên mạng xã hội Facebook, nhiều người viết tus cho rằng không có gì khẳng định “heo ăn chuối” thì thịt sẽ ngon hơn heo ăn những thứ khác. Cũng vậy, ngay khi sự kiện “Heo ăn chay BaF Meat”, thì không ít người đưa ra lập luận rằng, thành phần thức ăn chăn nuôi chủ yếu có nguyên liệu từ thực vật, thành phần động vật (bột thịt xương, bột cá) chiếm tỷ trọng thấp, và cho rằng “heo ăn chay” chỉ là “chiêu trò.
Nhưng xin đừng coi chuyện “heo ăn chuối”, hay “heo ăn chay” là tầm phào. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Lê Minh Hoan nói rằng, bây giờ không còn là thời nông nghiệp bán nông sản nữa, mà cần phải bán cảm xúc. Tức là phải tạo ra những câu chuyện, tạo ra cảm xúc cho người tiêu dùng thông qua những câu chuyện về sản xuất nông sản, từ đó mới có thể bán được nông sản với giá cao. Câu chuyện “heo ăn chuối”, “heo ăn chay” chính là cách mà các nhà chăn nuôi đang tạo cảm xúc cho người tiêu dùng thịt lợn, để quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng nhanh nhất.
Người Nhật Bản từng có sản phẩm thịt bò Kobe, với thông điệp bò được nuôi cho nghe nhạc. Thực tế cho đến bây giờ, vẫn chưa có công trình khoa học nào chứng minh được rằng cho bò nghe nhạc thì thịt bò thơm ngon hơn. Nhưng chính câu chuyện cho bò nghe nhạc đã tạo cảm xúc cho người tiêu dùng, nhờ đó người Nhật đã bán được thịt bò Kobe với giá đắt gấp chục lần so với thịt bò thông thường.
Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long, kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty BaF nhận định: Chăn nuôi ở Việt Nam nhiều năm nay nằm trong tay của các doanh nghiệp FDI, trong tổng đàn lợn 30-35 triệu con, thì doanh nghiệp FDI chiếm trên một nửa. “Với khát vọng có một doanh nghiệp chăn nuôi trong nước đủ quy mô đối trọng với doanh nghiệp FDI, Tân Long đi theo hướng đầu tư bài bản, xây dựng trang trại chuẩn theo châu Âu và Mỹ đi theo hướng Feed, Fam, Food khép kín từ thức ăn, chăn nuôi đến chuỗi giết mổ, phân phối thịt, hướng tới sản phẩm thịt sạch cho thị trường”, ông Bá chia sẻ.
Hiện Tân Long đã có 16 trang trại chăn nuôi khép kín hiện đại do công ty xây dựng ở Bình Phước, Tây Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An. Năm 2022, Tân Long đã đạt quy mô 300 nghìn con heo thịt xuất chuồng và dự kiến năm 2023 sẽ có 1 triệu con heo thịt xuất chuồng.
“Chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 6 triệu con heo thịt được xuất chuồng từ hệ thống trang trại do Tân Long trực tiếp xây dựng và vận hành, cùng với đó là 4-5 triệu con heo thịt từ chăn nuôi liên kết với nông dân, tổng quy mô sẽ là 10 triệu con”, ông Trương Sỹ Bá bày tỏ khát vọng.
CHU KHÔI
ÔNG PHÙNG ĐỨC TIẾN, THỨ TRƯỞNG BỘ NN&PTNT: Phải xác định an toàn sinh học là yếu tố cốt lõi
Phải xác định an toàn sinh học là yếu tố cốt lõi để phát triển bền vững ngành chăn nuôi, phải thực hiện các biện pháp để đảm an toàn dịch bệnh. Thời gian tới, ngành chăn nuôi cũng phát triển các chuỗi sản phẩm theo tiêu chí đảm bảo an toàn thực phẩm. Ngành chăn nuôi cần tập trung giải quyết vấn đề về giống, chủ động về thức ăn chăn nuôi và cải thiện môi trường chăn nuôi. Đồng thời đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, chế biến với các giải pháp đồng bộ. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường. Ngành chăn nuôi cũng cần áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, đặc biệt thúc đẩy chuyển đổi số để đảm bảo sự phát triển.
ÔNG TRƯƠNG SỸ BÁ, CHỦ TỊCH HĐQT KIÊM TỔNG GIÁM ĐỐC TẬP ĐOÀN TÂN LONG: Khát vọng tạo nên những sản phẩm thương hiệu Việt sạch – ngon – an toàn – giá cả hợp lý
Ngành chăn nuôi nước ta phải đối mặt với nhiều thách thức và rủi ro từ dịch bệnh, giá cả, thị trường và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, phần lớn sản phẩm thịt chưa truy suất được nguồn gốc, không có các kiểm định hoặc cam kết về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Chăn nuôi theo chuẩn cũ, thói quen cũ không đảm bảo an toàn sinh học, thường xuyên dịch bệnh và người chăn nuôi thường xuyên thua lỗ.
Muốn thành công trong lĩnh vực nhiều thách thức như chăn nuôi, bắt buộc phải tận dụng được lợi thế và tạo ra được sự khác biệt vượt trội. Không những phải đầu tư bài bản, mạnh mẽ, xứng tầm mà còn phải đầu tư khác biệt. Điều đó xuất phát từ tinh thần, khát vọng của một doanh nghiệp Việt Nam muốn tạo nên những sản phẩm thương hiệu Việt sạch – ngon – an toàn – giá cả hợp lý cho chính người tiêu dùng trong nước.
ÔNG MONTRI SUWANPORI, TỔNG GIÁM ĐỐC C.P VIỆT NAM: CPV Food đang từng bước hiện thực hóa sứ mệnh đưa Việt Nam lên bản đồ xuất khẩu thịt gia cầm có thương hiệu ra thế giới
Nhật Bản là một trong những thị trường tiềm năng và là đích đến của nhiều doanh nghiệp trong việc xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm chất lượng cao. Việc xuất khẩu lô hàng thịt gà đầu tiên của CPV Food sang Nhật Bản là niềm vui và vinh dự của C.P. Việt Nam và CPV Food, đánh dấu sự thành công của chuỗi giá trị Feed – Farm – Food của C.P. Việt Nam. Để có thể xuất khẩu thịt gà chế biến sang Nhật Bản, CPV Food luôn cam kết truy xuất nguồn gốc 100% toàn bộ chuỗi cung ứng từ nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đến chế biến sản phẩm, thực hiện các tiêu chuẩn thực hành tốt nhất ở trình độ thế giới như môi trường và phúc lợi động vật.., đáp ứng tất cả các tiêu chí khắt khe của Nhật Bản và các nước nhập khẩu khác.
CPV Food đã đặt ra mục tiêu và đang từng bước hiện thực hóa sứ mệnh “Nâng cao chất lượng thực phẩm Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam lên bản đồ xuất khẩu thịt gia cầm có thương hiệu ra thế giới”.
CHU KHÔI
- ngành chăn nuôi việt nam li> ul>
- Áp dụng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo là tương lai của ngành chăn nuôi
- Vemedim tổ chức khóa học chẩn đoán và điều trị chuyên sâu về hô hấp phức hợp trên chó mèo
- Hòa Bình: Giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm 31% tỷ trọng ngành nông nghiệp
- Khả năng tiêu hoá tinh bột ở động vật và lợi ích của amylase
- Bình Định: Công ty Vĩnh Quang đầu tư trang trại chăn nuôi heo tại huyện Vĩnh Thạnh
- Ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng và những tác động có thể ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi Việt Nam
- Thoát nghèo bền vững nhờ nuôi bò sinh sản
- Nhập khẩu đậu tương 11 tháng năm 2024 tăng khối lượng, giảm trị giá
- Bệnh xuất huyết thỏ (Rabbit haemorrhagic disease – RHD)
- Tập đoàn Nhật Sojitz khai trương nhà máy chế biến thịt bò mát 10.000 tấn tại Tam Đảo
Tin mới nhất
T2,23/12/2024
- Áp dụng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo là tương lai của ngành chăn nuôi
- Vemedim tổ chức khóa học chẩn đoán và điều trị chuyên sâu về hô hấp phức hợp trên chó mèo
- Đón đọc Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam số tháng 12 năm 2024
- Hòa Bình: Giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm 31% tỷ trọng ngành nông nghiệp
- Khả năng tiêu hoá tinh bột ở động vật và lợi ích của amylase
- Bình Định: Công ty Vĩnh Quang đầu tư trang trại chăn nuôi heo tại huyện Vĩnh Thạnh
- Ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng và những tác động có thể ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi Việt Nam
- Thoát nghèo bền vững nhờ nuôi bò sinh sản
- Nhập khẩu đậu tương 11 tháng năm 2024 tăng khối lượng, giảm trị giá
- Bệnh xuất huyết thỏ (Rabbit haemorrhagic disease – RHD)
- Biogénesis Bagó: Tăng tốc tại thị trường châu Á thông qua việc thiết lập văn phòng khu vực tại Việt Nam
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
- Các quy trình ngoại khoa trên heo con và những vấn đề cần lưu ý
- Bệnh Dịch tả heo châu Phi: Làm tốt An toàn sinh học đến đâu, rủi ro bệnh càng thấp tới đó!
- Quy trình xử lí chuồng trại sau khi bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
Bình luận mới nhất