Sự tương quan giữa axit dạ cỏ, bệnh chân móng và năng suất sữa của bò lai HF - Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam
    • Giá heo (lợn) hơi miền Bắc từ 67.000 - 69.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Hà Nội 69.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Yên Bái 68.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Lào Cai 67.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi miền Trung và Tây Nguyên từ 64.000 - 68.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Quảng Trị 64.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Nghệ An 67.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Ninh Thuận 66.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi miền Nam từ 63.000 - 67.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Đồng Nai 67.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Cần Thơ 66.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Trà Vinh 63.000 đ/kg
    •  
  • Sự tương quan giữa axit dạ cỏ, bệnh chân móng và năng suất sữa của bò lai HF

    Nghiên cứu nhằm đánh giá tương quan giữa axit dạ cỏ, chân móng và năng suất sữa của bò sữa tại Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Khoa học Công nghệ, Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2017. Kết quả cho thấy năng suất sữa thấp là 14,01 kg/con/ngày, đặc biệt ở lần vắt buổi chiều là 4,99 kg/con. Tỷ lệ bò bị chân móng cao nhất ở nhóm vắt sữa so với nhóm cạn sữa, hậu bị và bê lần lượt là 61,67; 27,78; 9,26 và 2,78%. Bệnh chân móng và năng suất sữa có tương quan nghịch chặt chẽ với r = – 0,91. Nhóm bò vắt sữa bị chân móng có pH dạ cỏ thấp là 5,11; thấp hơn nhóm không đau chân là 6,09. Nhóm bò bị chân móng có pH trong khoảng 5 đến 5,5 chiếm 72,07% và dưới 5 chiếm 14,41%. Trong khi ở nhóm không đau chân có pH cao hơn trong khoảng 5,5 đến 6 chiếm 60,87%; tương quan thuận chặt chẽ với năng suất sữa là r = 0,92. Bò sữa bị sốc nhiệt nguy hiểm từ 7 giờ đến 14 giờ, đặc biệt lúc 12 và 14 giờ có chỉ số nhiệt ẩm THI lần lượt là r = 82,28 và 81,38; tương quan nghịch chặt chẽ với năng suất sữa là r = – 0,92. Khảo sát còn cho thấy THI ảnh hưởng đến thân nhiệt và nhịp thở; có tương quan nghịch chặt chẽ giữa thân nhiệt và nhịp thở với năng suất sữa lần lượt là r = – 0,87 và – 0,93. Sử dụng thức ăn tinh cho bò vắt sữa ở mức cao đến 66,94% trong khẩu phần, tương quan nghịch và thuận chặt chẽ với pH dạ cỏ và bệnh chân móng lần lượt là r = – 0,99 và 0,95.

     

    ĐẶT VẤN ĐỀ

     

    Ngành chăn nuôi bò sữa ở nước ta đang phát triển khá mạnh, dự kiến đến năm 2020, sản lượng sữa sẽ đáp ứng được 35% nhu cầu tiêu dùng sữa tươi trong nước, đạt trung bình 27 lít/người/năm (Tổng cục thống kê, 2014). Thống kê cũng cho thấy tổng đàn tăng nhưng diện tích canh tác càng thu hẹp làm cho người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn trong việc chủ động nguồn thức ăn thô xanh càng trầm trọng hơn, nhất là vào mùa khô. Người chăn nuôi đã sử dụng thức ăn tinh để bù lượng thức ăn thô bị thiếu hụt làm mất cân đối tỷ lệ tinh:thô trong khẩu phần. Tình trạng này diễn ra lâu dài dẫn đến mất cân bằng vi sinh vật dạ cỏ, giữa nhóm vi khuẩn lên men thức ăn tinh và thô. Nguyễn Võ Thu Trúc và cs. (2016), khi khảo sát khẩu phần bò sữa được cho ăn riêng từng loại với tỷ lệ thức ăn thô/tinh ở thành phố Hồ Chí Minh là 43/57; đã ảnh hưởng đến quá trình lên men và nguy cơ axit dạ cỏ. Khi bò bị axit dạ cỏ thì có xu hướng sinh nhiều axit béo bay hơi, đặc biệt axit lactic, đã làm pH giảm và mất khả năng đệm, giảm tiêu hóa xơ, tăng bệnh chân móng, giảm năng suất và béo sữa, tử vong. Theo RAGFAR (2007), đàn bò sữa của Úc có ít nhất 3% axit dạ cỏ cấp tính và 10% axit dạ cỏ bán cấp tính (trích dẫn bởi Lean và cs., 2013).

     

    Bệnh chân móng là một trong ba bệnh khá phổ biến, chiếm tỷ lệ cao trong chăn nuôi bò sữa. Tuy không biểu hiện nghiêm trọng như các bệnh truyền nhiễm, nhưng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, sức sản xuất, sức đề kháng và tuổi thọ. Từ đó tạo điều kiện cho các bệnh truyền nhiễm khác phát triển làm thiệt hại kinh tế nặng nề hơn. Axit dạ cỏ đã được chứng minh là một yếu tố quan trọng hàng đầu gây bệnh chân móng (Sarel và Jan, 2006). Khi pH dạ cỏ giảm dưới 5, sản xuất axit lactic được nâng lên làm tăng độ chua dạ cỏ và gây giải phóng histamin. Histamin tăng cao sẽ làm tăng lưu lượng máu đến chân móng, làm giãn mạch máu cũng như tăng tạo mao mạch, từ đó làm tăng áp lực máu tại khu vực này. Tăng áp lực sẽ gây xuất huyết bằng cách gia tăng tính thấm qua thành mạch máu. Khi chân móng bị xung huyết sẽ gây thiếu máu cục bộ làm oxy và dưỡng chất không đưa đến mô bào dẫn đến phát triển chân móng bị chậm hoặc ngừng. Quá trình này kéo dài, lặp đi lặp lại, gây bệnh lý hoặc suy dinh dưỡng của chân móng càng nặng. Các tế bào mô không đủ dinh dưỡng sẽ làm lớp sừng móng mỏng và chân móng bò dễ bị tổn thương sinh học bởi vi khuẩn hoặc cơ học (Green và cs., 2002). Ngoài ra mạch máu dễ bị tổn thương; thiếu vitamin, biotin hoặc khoáng sẽ dẫn đến bệnh chân móng (Lê Đăng Đảnh, 2015). Hơn nữa, Green và cs. (2002), cho thấy khi bò bị chân móng đã làm giảm đến 360 kg sữa trong chu kỳ. Khảo sát của Phan Việt Thành (2010), đã cho thấy tỷ lệ bò bệnh chân móng là 10,6% tại TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương; tại Đan Mạch là 24,25% (Thomsen, 2009); tại Canada là 28,5% (Ito và cs., 2010) và 30% (Kelton và cs., 1998). Vì vậy, axit dạ cỏ, bệnh chân móng và năng suất sữa bò có mối liên quan khá chặt chẽ.

     

    Mục tiêu nghiên cứu: Nhằm xác định mối tương quan và một số yếu tố ảnh hưởng đến axit dạ cỏ, bệnh chân móng và năng suất sữa trên bò sữa.

     

    VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

     

    Vật liệu nghiên cứu

     

    Sử dụng dụng cụ ống thông dạ cỏ qua thực quản chuyên dụng để lấy trực tiếp dịch dạ cỏ từ dạ cỏ bò và đo pH bằng máy đo pH điện tử cầm tay. Chỉ số nhiệt độ và ẩm độ được đo bằng máy đo tiểu khí hậu chuồng nuôi chuyên dụng. Thân nhiệt bò được đo bằng nhiệt kế điện tử.

     

    Thời gian và địa điểm nghiên cứu

     

    Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2017 tại Trại bò, thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Khoa học Công nghệ, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh.

     

    Nội dung nghiên cứu

     

    Điều tra hiện trạng axit dạ cỏ, bệnh chân móng, khẩu phần thức ăn và năng suất sữa của đàn bò sữa từ đó kết luận về sự tương quan giữa axit dạ cỏ, bệnh chân móng và năng suất sữa ở bò lai HF.

     

    Phương pháp nghiên cứu

     

    Nghiên cứu được tiến hành trong 6 đợt theo chu kỳ cách nhau 15 ngày. Tổng số gia súc được khảo sát là 133 bò lai HF ở mức F2; trong đó 30 bò đang vắt sữa, 12 bò cạn sữa, 63 bò hậu bị và 28 bê. Nghiên cứu sử dụng theo phương pháp điều tra cắt ngang, tiến hành lấy mẫu dịch dạ cỏ và đo lường các chỉ tiêu khảo sát trực tiếp.

     

    Tất cả các loại thức ăn được cân trước khi cho ăn và lượng thức ăn thừa được cân lại vào cuối ngày. Mỗi loại thức ăn được thu 6 mẫu, với khối lượng 200 gram/mẫu, để phân tích vật chất khô. Mẫu thức ăn được phân tích vật chất khô theo tiêu chuẩn TCVN 4801-89 tại phòng thí nghiệm Bộ môn Chăn nuôi Chuyên Khoa thuộc Khoa Chăn nuôi Thú Y, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh.

     

    Chỉ tiêu theo dõi

     

    Năng suất sữa: Sữa được vắt bằng máy ngay sau khi vắt sữa xong lúc 7 và 14 giờ. Lượng sữa được cân ở từng cá thể tại thời điểm vắt bằng cân loại 30 kg.

     

    Tỷ lệ bò bị bệnh chân móng: Điểm đi lại của bò được xác định theo phương pháp chấm của Sprecher và cs. (1997) từ 1 đến 5, tương ứng từ mức nhẹ đến nặng. Bò có điểm ≥ 3 được xếp vào nhóm bệnh chân móng. Tất cả các nhóm bò được chấm theo chu kỳ 15 ngày.

     

    Tỷ lệ bò chân móng (%) = Số bò có điểm ≥ 3/tổng số lượng bò.

     

    Chỉ số pH dạ cỏ: Tất cả bò vắt sữa được lấy dịch dạ cỏ theo chu kỳ 15 ngày trước khi cho ăn. Bò được lấy trực tiếp dịch dạ cỏ qua đường miệng bằng dụng cụ ống thông dạ cỏ qua thực quản (Geishauser, 1993). Mẫu được lấy 100 ml/lần lấy/con, sau đó đo bằng pH điện tử cầm tay.

     

    Chỉ số nhiệt ẩm (THI): Sử dụng máy đo tiểu khí hậu chuồng nuôi chuyên dụng để đo nhiệt và ẩm độ ở chiều cao 1,5m cách nền. Đo và ghi nhận số liệu ở thời điểm 7, 12 và 14 giờ.

     

    Chỉ số nhiệt ẩm được tính: THI = T (0 F) – 0,55 * (100 – RH%)/100 * (T – 58) (Ingraham và cs., 1974).

     

    Thân nhiệt: Đo nhiệt độ trực tràng ở 3 thời điểm 7, 12 và 14 giờ.

     

    Điểm thở: Được đánh giá theo phương pháp của Rinehart (2006) từ 0 đến 4,5 điểm; tương ứng từ bò thở bình thường đến bò há miệng và lè lưỡi trong thời gian dài, chảy nước dãi nhiều, cổ mở rộng và đầu đưa cao lên, thở bằng hông sườn. Đánh giá ở 3 thời điểm 7, 12 và 14 giờ; lúc bò đúng thoải mái trong chuồng.

     

    Xử lý số liệu

     

    Số liệu được xử lý bằng phần mền Microsoft Excel (2013) và Minitab 16.2 (2013). Các giá trị trung bình được so sánh bằng trắc nghiệm Tukey, các tỷ lệ được so sánh bằng trắc nghiệm χ2, khác biệt có ý nghĩa khi giá trị P ≤ 0,05.

     

    Hệ số tương quan (r) được dùng để nói lên sự tương quan giữa hai biến số. Cho 2 biến số x và y từ n mẫu, hệ số tương quan được ước tính bằng mô hình sau đây:

    Kết quả cho thấy năng suất sữa trung bình chỉ đạt 14,01 kg/con/ngày, trong đó, thời điểm vắt sữa buổi sáng 9,02 kg/con cao hơn thời điểm vắt sữa buổi chiều 4,99 kg/con (P = 0,001). Theo tác giả Chung Anh Dũng (2014) đã công bố năng suất sữa trung bình của bò sữa tại thành phố Hồ Chí Minh là 16,44 kg/con/ngày, trong khi ở báo cáo khác tại Củ Chi là 15,79 kg/con/ngày (Nguyễn Thanh Hải, 2014), ở huyện Bình Chánh là 22,15 kg/con/ngày (Diệp Tấn Toàn, 2014). Tương tự, kết quả khảo sát của Nguyễn Võ Thu Trúc và cs. (2016), cho thấy năng suất sữa bò trung bình ở nông hộ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh là 11,98 kg/con/ngày. So sánh với các kết quả này, cho thấy có thể do nguyên nhân là đàn bò khảo sát phần lớn ở những tháng vắt sữa đầu; và một số yếu tố liên quan về cải thiện tiểu khí hậu chuồng nuôi như cải tiến hệ thống phun sương và quạt có thể đã ảnh hưởng đến tiềm năng sản xuất sữa của bò lai HF.

     

    Tỷ lệ bò bệnh chân móng và tương quan với năng suất sữa

    Kết quả về tỷ lệ bệnh chân móng và mối tương quan đến năng suất sữa của đàn bò khảo sát được trình bày trong Biểu đồ 1. Kết quả cho thấy tỷ lệ bò mắc bệnh chân móng ở nhóm bò đang vắt sữa đạt cao nhất (61,67%); tiếp theo bò cạn sữa, hậu bị và bê, lần lượt là 27,78; 9,26 và 2,78% (P = 0,001). Theo khảo sát của Nguyễn Công Thật (2017), tại trại bò sữa Hoàng Anh Gia Lai cho kết quả ở bò đang vắt sữa là 21,95%, bò cạn sữa, hậu bị và bê tương ứng là 14,09; 8,4 và 3,07%. Kết quả khảo sát của chúng tôi cũng cao hơn khi so sánh các kết quả khảo sát của Thomsen (2009), ở Đan Mạch là 24,5%; Phan Việt Thành (2010), tại Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương là 10,6%; Joao và cs. (2018), ở Brazil là 21,2% trên cùng đối tượng bò đang vắt sữa. Tỷ lệ bệnh chân móng của bò sữa bị ảnh hưởng nhiều bởi các yếu tố về điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng và chuồng trại.

     

    Qua phân tích tương quan giữa bệnh chân móng và năng suất sữa bò trong nghiên cứu này cho kết quả là tương quan nghịch và rất chặt chẽ với r = – 0,91 (Đồ thị 1). Điều này đồng nghĩa với việc bò mắc bệnh chân móng đã ảnh hưởng rõ rệt đến năng suất sữa (P = 0,001). Kết quả này phù hợp với kết quả nghiên cứu của Green và cs. (2002), đã cho thấy rằng năng suất sữa bò giảm 360 kg sữa/chu kỳ 305 ngày khi bò bị bệnh chân móng. Randall và cs. (2016), cũng đã cho thấy rằng năng suất sữa bò giảm 2,68 kg/ngày khi bò bị bệnh chân móng.

     

    Chỉ số pH dạ cỏ và tương quan với năng suất sữa

    Kết quả về pH dạ cỏ trên đàn bò khảo sát trình bày trong Bảng 2. Kết quả giá trị pH ở nhóm bò bị bệnh chân móng (5,11) thấp hơn đáng kể so với nhóm bò không bị chân móng (6,09) (P = 0,001). Nhóm bò không bị chân móng có giá trị pH từ 5,5 – 6,0 chiếm tỷ lệ 60,87%, ở nhóm > 6 là 39,13%, và không có mẫu nào pH dưới 5,5. Trong khi đó, nhóm bò bị chân móng có pH từ 5- 5,5 chiếm tỷ lệ cao là 72,07%, pH dưới 5 là 14,41%, pH từ 5,5 đến 6 là 13,51% và không có mẫu nào có pH trên 6. Theo kết quả nghiên cứu của Beauchemin và Penner (2009) và Garrett (2017), đã cho thấy khi pH dạ cỏ từ 5 đến 5,5 thì bò sẽ bị axit dạ cỏ ở mức bán cấp tính, làm bò đau chân nhẹ và vừa. Tương tự, Joshua và cs. (2018), đã cho thấy rằng bò sữa sẽ bị axit dạ cỏ hay axit lactic cấp tính khi pH dưới 5 và làm bò đau chân nặng. Theo RAGFAR (2007), bò sữa ở Úc có ít nhất 3% bò bị axit dạ cỏ cấp tính và 10% bò bị axit dạ cỏ mức bán cấp tính (trích dẫn bởi Lean và cs., 2013).

     

    Theo nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy rằng chỉ số pH dạ cỏ trung bình biến động thấp là 6,0 – 6,2. Nếu khẩu phần có tỷ lệ thức ăn tinh cao sẽ làm giảm pH dạ cỏ xuống dưới 6; pH này sẽ làm giảm phát triển vi khuẩn tiêu hóa chất xơ từ đó giảm tiêu hóa xơ, dẫn đến toan huyết, làm tăng lượng nước vào ruột và gây tiêu chảy. Nếu pH dạ cỏ hạ thấp hơn 5,5 thì nhiều loài vi khuẩn dạ cỏ bắt đầu chết, nội độc tố vi khuẩn sản sinh trong môi trường axit dạ cỏ, từ đó hệ thống mạch máu nhỏ ở móng chân tăng tính thắm và gây viêm móng (Lê Đăng Đảnh, 2012). Điều này phù hợp với kết luận của McNamara và Gay (2002), cho rằng lượng axit lactic tăng đã trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến lưu lượng máu, làm tăng sinh quá mức áp lực các mô dẫn đến tổn thương, đặc biệt với các vùng chịu áp lực cao như móng chân. Hiện trạng axit dạ cỏ cũng gây rối loạn tiểu tuần hoàn trong lớp màng đệm làm phá vỡ liên kết da biểu bì giữa móng và ngón thứ 3 gây sưng phù, xuất huyết, chết mô màng đệm của móng và hậu quả là bệnh chân móng. Do đó, pH dạ cỏ là yếu tố quan trọng trong việc xác định nguyên nhân gây bệnh chân móng trên bò sữa.

     

    Kết quả Đồ thị 2 cho thấy pH dạ cỏ và năng suất sữa có mối tương quan rất chặt chẽ (r = 0,92, P = 0,001) khi pH từ 4,5 – 6,5. Khi pH dạ cỏ trong khoảng từ 5,5 – 6,5 thì cho năng suất sữa tăng đáng kể. Theo Wales và cs. (2004), để cải thiện bệnh chân móng và năng suất sữa thì cần phải đảm bảo giá trị pH dạ cỏ luôn ổn định ở mức từ 6 – 6,5.

    Chỉ số nhiệt ẩm (THI) và tương quan với năng suất sữa

     

    Chỉ số THI đánh giá nguy cơ sốc nhiệt ở bò sữa. Khi bị sốc nhiệt, thời gian đứng của bò sẽ tăng làm giảm sức kháng, tăng áp lực lên chân móng và từ đó làm tăng tỷ lệ bệnh chân móng. Kết quả chỉ số THI ở bò thí nghiệm được trình bày Bảng 3.

    Kết quả cho thấy ở 3 thời điểm khảo sát chỉ số THI đều cao và bò luôn trong tình trạng bị sốc nhiệt trạng thái nguy hiểm. Trong đó, cao nhất ở thời điểm 12 giờ là 82,28; kế đến ở 14 giờ là 81,38; và thấp nhất ở thời điểm 7 giờ là 77,98 (P = 0,001). Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho kết quả cao hơn so với kết quả công bố của Nguyễn Công Thật (2017) tại trại bò sữa Hoàng Anh Gia Lai thuộc tỉnh Gia Lai. Theo tác giả đàn bò sữa nuôi ở Gia Lai trong tình trạng sốc nhiệt ở thời điểm từ 10 đến 19 giờ với THI từ 73,9 – 80,3. Theo Ingraham và cs. (1974) cho rằng chỉ số THI nhỏ hơn 74 thì bò không bị sốc nhiệt, bò bắt đầu bị sốc nhiệt khi THI trong khoảng 75 – 78, bò bị sốc nhiệt nguy hiểm khi THI khoảng 79 – 83, và lớn hơn 84 thì bò bị sốc nhiệt nguy kịch có thể dẫn đến chết. Khi THI tăng từ 71 – 85 thì chất khô bò thu nhận giảm 0,4 kg/ngày hoặc tương ứng 0,02% so với lượng thức ăn thu nhận (Holter và cs., 1997). Điều này cho thấy yếu tố về điều kiện tiểu khí hậu chuồng nuôi đã ảnh hưởng lớn đến sinh lý cho bò sữa, và năng suất sữa.

    Đồ thị 3 cho thấy tương quan giữa giá trị THI và năng suất sữa bò rất chặt chẽ với r = – 0,92. Vì vậy, khi THI tăng đã ảnh hưởng rõ rệt đến năng suất sữa của bò (P = 0,001). Kết quả này phù hợp với nhận định của Ravagnolo và Misztal (2000) cho thấy mỗi đơn vị THI tăng lên khi chỉ số THI lớn hơn 72 thì năng suất sữa giảm 0,2 kg.

     

    Thân nhiệt, điểm thở và tương quan năng suất sữa

     

    Bên cạnh chỉ số THI, thân nhiệt và điểm thở của bò cũng là một trong những chỉ số quan trọng để đánh giá tình trạng sốc nhiệt ở bò. Kết quả khảo sát được trình bày ở Bảng 4.

    Kết quả Bảng 4 cho thấy có sự biến động về thân nhiệt và điểm thở của bò ở các THI khác nhau. Về thân nhiệt, ở thời điểm 7 giờ nhiệt độ đo tại trực tràng của bò khảo sát có nhiệt độ (38,99oC) thấp hơn đáng kể so với thân nhiệt bò ở thời điểm 12 và 14 giờ (P = 0,001). Nhiệt độ chuồng nuôi đã ảnh hưởng rõ rệt đến thân nhiệt bò và kết quả ảnh hưởng đến chỉ số THI ở các thời điểm khác nhau. Theo công bố của Kaufman và cs. (2018), cho rằng nhiệt độ trực tràng của bò có tương quan mạnh với chỉ số THI và được sử dụng để xác định vấn đề thải nhiệt ở bò. Khi nhiệt độ trực tràng tăng 1oC hoặc thậm chí ít hơn cũng ảnh hưởng làm giảm năng suất ở gia súc (Nordlund và cs., 2004). Như vậy việc chênh lệch nhiệt độ trực tràng ở các thời điểm trong ngày cũng phần nào giải thích sự chênh lệnh sản lượng sữa ở hai thời điểm vắt sữa trong ngày.

     

    Về điểm thở, ở thời điểm 7 giờ bò có điểm thở thấp nhất là 1,96; tiếp theo 14 giờ là 3,31; cao nhất 12 giờ là 3,27 (P = 0,001). Tương tự, điểm thở có biến động tăng giảm dần theo thời gian trong ngày là do tác động nhiệt độ từ môi trường. Theo Rinehart (2006) khi nhiệt độ môi trường cao làm nhiệt độ cơ thể tăng, vì vậy để giảm nhiệt của cơ thể, bò cần tăng loại thải nhiệt qua thở dốc.

    Kết quả Đồ thị 4 và Đồ thị 5 cho thấy hệ số tương quan của thân nhiệt và năng suất sữa và giữa điểm thở và năng suất sữa của bò khảo sát đều cho kết quả tương quan nghịch rất chặt chẽ, tương ứng với r = – 0,87 và r = – 0,93. Khi giá trị thân nhiệt của bò tăng, làm tăng nhịp thở và kết quả làm giảm năng suất sữa (P = 0,001). Kết quả này phù hợp với nhận định của Johnson (1992), khi bò bị sốc nhiệt thì thức ăn thu nhận và năng suất sữa giảm tùy theo mức sốc nhiệt; mức giảm sữa sẽ khác nhau và ước khoảng 1 kg khi nhiệt độ trực tràng tăng 1 oC so với bình thường.

     

    Tỷ lệ thức ăn tinh/thô trong khẩu phần và tương quan với năng suất sữa

     

    Để đảm bảo bò khỏe mạnh cho năng suất sữa cao và chất lượng khẩu phần ăn là một trong những yếu tố hàng đầu cần được quan tâm. Kết quả khảo sát về tỷ lệ thức ăn tinh ở các giai đoạn sản xuất khác nhau trên đàn bò thí nghiệm được trình bày trong Bảng 5. Kết quả cho thấy tỷ lệ thức ăn tinh/thô trong khẩu phần bò (theo vật chất khô) trên đàn bò đang vắt sữa là cao nhất 66,94%; tiếp theo là bò cạn sữa, hậu bị và bê lần lượt là 50,96; 40,84 và 39,24%. Theo khuyến cáo của Lê Đăng Đảnh (2015), tỷ lệ thức ăn tinh/thô trong khẩu phần bò vắt sữa nên duy trì ở mức 40 – 50%. Tuy nhiên, thực tế khảo sát cho thấy tỷ lệ này đã và đang thay đổi theo xu hướng giảm thức ăn thô và tăng thức ăn tinh trong khẩu phần. Nhận định này phù hợp với kết quả công bố của Nguyễn Võ Thu Trúc và cs. (2016), cho thấy tỷ lệ thức ăn tinh/thô khẩu phần bò sữa ở nông hộ ở thành phố Hồ Chí Minh biến thiên từ 55,75 đến 57,56%. Đây có thể là một trong những nguyên nhân gây axit dạ cỏ, bệnh chân móng và làm giảm tỷ lệ mỡ sữa. Khi cho quá nhiều thức ăn tinh trong khẩu phần sẽ còn làm tăng giá thành thức ăn cho mỗi kg sữa và đưa đến giảm hiệu quả kinh tế. McNamara và Gay (2002) cũng đã khuyến cáo để làm giảm nguy cơ axit dạ cỏ cần lưu ý điều chỉnh các yếu tố cho bò ăn làm nhiều bữa trong ngày, tỷ lệ thức ăn tinh không quá 60%, cung đủ thức ăn thô để kích thích tiết nước bọt nhằm duy trì pH dạ cỏ, kích thước thức ăn thô đảm bảo dài từ 2,5 – 5 cm, cung cấp cỏ khô để duy trì độ xốp dạ cỏ và tạo thuận lợi cho chức năng sinh lý nhai lại, ổn định pH dạ cỏ.

    Kết quả Đồ thị 6 cho thấy có mối tương quan nghịch giữa tỷ lệ thức ăn tinh khẩu phần với pH dạ cỏ (r = – 0,99). Do đó, khi tăng tỷ lệ thức ăn tinh làm giá trị pH dạ cỏ giảm, gây axit dạ cỏ. Kết quả này phù hợp với công bố của Đoàn Đức Vũ và cs. (2001), khi tỷ lệ tinh trong khẩu phần tăng từ 25, 40, 60 đến 77% thì pH dạ cỏ giảm tương ứng là 6,58; 6,42; 6,25 và 5,98. Tương tự, hệ số tương quan của tỷ lệ thức ăn tinh và bệnh chân móng là thuận và rất chặt chẽ với r = 0,95. Theo Chenost và Kayouli (1997), cho thấy tỷ lệ thức ăn tinh quá cao trong khẩu phần sẽ làm sản sinh nhanh axit béo bay hơi, giảm pH dạ cỏ, làm giảm tiêu hóa xơ, axit vào máu gây bệnh chân móng. Khi tỷ lệ thức ăn tinh cao kết hợp với các yếu tố khác như nhiệt độ, ẩm độ cao đã làm tình trạng chân móng bò sữa nặng hơn (Đoàn Đức Vũ và cs., 2001).

     

    KẾT LUẬN

     

    Năng suất sữa trung bình trên đàn bò khảo sát còn thấp và chịu ảnh hưởng bởi bệnh chân móng, axit dạ cỏ, chỉ số nhiệt ẩm cao, tăng thân nhiệt và điểm thở của bò.

     

    Năng suất sữa có tương quan nghịch chặt chẽ với bệnh chân móng, thân nhiệt và nhịp thở; tương quan nghịch rất chặt chẽ THI.

     

    Tỷ lệ bò bệnh chân móng rất cao ở nhóm bò đang vắt sữa và bò cạn sữa, chịu ảnh hưởng bởi pH dạ cỏ và tỷ lệ thức ăn tinh trong khẩu phần, tương quan nghịch với tỷ lệ thức ăn tinh/thô.

     

    Giá trị pH ở nhóm bò bị bệnh chân móng thấp và chịu ảnh hưởng bởi tỷ lệ thức ăn tinh trong khẩu phần, tương quan nghịch với tỷ lệ thức ăn tinh/thô.

     

    Nguyễn Thanh Hải 1 , Nguyễn Văn Chánh1 , Chế Minh Tùng1 ,

    Chu Mạnh Thắng 2 và Dương Nguyên Khang1

    1 Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh; 2 Viện Chăn nuôi

     

    Để lại comment của bạn

    Bình luận mới nhất

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Theo UBND xã Minh Châu – Ba Vì – Hà Nội, xác định lợi thế về đất đai, khí hậu nên những năm qua đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp là chính, trong đó xã tập trung đến phát triển chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt. […]

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Trong bối cảnh bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại TP Hồ Chí Minh, thành phố càng nỗ lực thực hiện các biện pháp kiểm soát chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ gắt gao. Hơn nữa, khảo sát một đêm tại thị trường […]

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Anh Trần Văn Toản, ở khu vực Bình Yên B, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ là người đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long mở trang trại nuôi chim công rất thành công mà cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.   1/ […]

    • Giống chim này có khả năng thích ứng cao với điều kiện khí hậu ở nước ta, tỷ lệ nuôi sống đạt 94-99%.

    • Để đàn gà sinh trưởng phát triển tốt có tỷ lệ sống cao cần thực hiện tốt kỹ thuật úm gà con

    • Việt Nam cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… là những nước đã nuôi trồng thành công đông trùng hạ thảo.

    • Gà vảy cá được mệnh danh là “mỹ kê” đã được nhiều đại gia Việt sẵn sàng chi tiền triệu để hữu cặp gà vảy cá đẹp.

    • Cừu chính là loài vật nuôi thích hợp với những điều kiện khắc nghiệt của vùng đất Ninh Thuận.

    • Nghề nuôi chim cút đẻ hiện đang phổ biến ở rất nhiều hộ gia đình tại các địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế khá.

    • Tỉnh Phú Thọ với địa hình đa dạng: nhiều gò, đồi thấp, dải đồng bằng thuận lợi cho chăn nuôi, trong đó, có chăn nuôi gà lông màu.