1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Bệnh Suy giảm hô hấp (ORT) ở gà đã được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1981 trên đàn gà tây 5 tuần tuổi nuôi tại phía Bắc nước Đức (Chin et al., 2008). Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, là một một khó phòng, khó điều trị và gây thiệt hại lớn về kinh tế (Van et al, 1999; Van et al, 2000). Cho đến nay, các công trình nghiên cứu đã xác định 18 serotype của vi khuẩn ORT và được đánh dấu từ A đến R (Chin et al., 2008; Hafez et al., 2011). Trong đó, phổ biến nhất là serotype A (97% các chủng phân lập từ gà và 61% các chủng phân lập từ gà tây) (Van Empel et al., 1997). Việc thử nghiệm các loại văc xin phòng bệnh chưa mang lại sự ổn định cao (Van Empel et al., 1998; Cauwerts et al., 2002; Van Veen et al., 2004; Bisschopet al., 2004). Mặt khác, sử dụng kháng sinh trong điều trị bệnh cũng chưa mang lại hiệu quả do vi khuẩn kháng lại một số loại kháng sinh đặc biệt là Gentamycin (Back et al, 1997) và Polymycin B (Van Empel, 1997).
Tại Việt Nam, từ cuối năm 2013 bệnh Suy giảm hô hấp do vi khuẩn ORT gây ra đã bắt đầu xảy ra làm cho các cán bộ thú y cơ sở và người chăn nuôi gà hoang mang, lúng túng trong chẩn đoán và phòng trị bệnh. Tuy nhiên, cho đến nay có rất ít các tài liệu được ban hành làm cơ sở khoa học cho việc phòng, trị bệnh có hiệu quả. Trong báo cáo này, nhóm tác giả đã sơ lược lại lịch sử bệnh, các nghiên cứu về bệnh trong và ngoài nước trong thời gian vừa qua làm tiền đề cho việc xây dựng các giải pháp phòng, trị bệnh ORT có hiệu quả trong quá trình chăn nuôi.
2. BỆNH SUY GIẢM HÔ HẤP (ORT) Ở GÀ
2.1. Căn bệnh
Vi khuẩn ORT là một rRNA thuộc liên họ V bao gồm: Cythophaga – Flavobacterium – Bacteroides phylumvà có liên quan chặt chẽ với 2 loại vi khuẩn khác gây bệnh trên gia cầm gồm: Riemerella anatipestifer và Coenonia anatine (Vandamme et al., 1994; Vandamme et al., 1999). Trước đây, vi khuẩn được chỉ định giống Pasteurella, Kingella gồm 28 đơn vị phân loại hoặc là vi khuẩn gram âm, đa hình thái trước khi được đề xuất đổi tên thành Ornithobacterium rhinotracheale – ORT (Beichel et al, 1986; Mouahid et al, 1992; Vandamme et al, 1994).
2.2. Dịch tễ học
2.2.1. Loài mắc bệnh
Vi khuẩn ORT được phân lập ở hầu hết các quốc gia trên thế giới chủ yếu ở gà thịt và gà tây, và ít xuất hiện ở các loài gia cầm khác như gà lôi, chim bồ câu, vịt, ngan, ngỗng, chim cút, đà điểu, quạ và mòng biển (Van Empel và Hafez, 1999; Chin et al, 2008; Moreno et al., 2009). Ở gà thương phẩm, tất cả các lứa tuổi đều nhạy cảm với bệnh tuy nhiên hay gặp nhất ở gà trưởng thành.
2.2.2. Lứa tuổi mắc bệnh
Bệnh Suy giảm hô hấp (ORT) có thể gặp trên gà và gà tây ở mọi lứa tuổi, hay gặp nhất ở lứa tuổi gà giò và gà lớn. Gà thịt công nghiệp thường mắc ở độ tuổi từ tuần thứ 3 đến tuần thứ 6. Gà thịt làm giống từ 20 – 50 tuần tuổi cũng bị mắc ORT, tỉ lệ mắc cao nhất vào thời kỳ đẻ hoặc ngay trước khi bước vào giai đoạn đẻ (Chin and Charlton., 2008; Chin et al., 2008). Gà lông màu, gà hậu bị, gà đẻ và gà giống thường mắc ở độ tuổi từ tuần thứ 6 trở đi và trong suốt quá trình đẻ trứng. Gà thương phẩm từ 20 – 50 tuần tuổi mắc với tỉ lệ tử vong tăng. Ở gà tây phát hiện gà 2 tuần tuổi mắc ORT, mức độ mắc và tỉ lệ tử vong cao (Chin and Charlton, 2008; Chin et al, 2008), tỉ lệ tử vong thường là khoảng 1 – 15%, nhưng có thể lên đến 50%. Triệu chứng điển hình là ho, khó thở, chảy nước mắt, nước mũi (Chin et al, 2008).
2.2.3. Mùa vụ phát bệnh
Với bản chất là bệnh Suy giảm hô hấp nên bệnh có tính chất lây lan rất nhanh, đặc biệt ở những vùng chăn nuôi gà tập trung. ORT hay gặp nhất ở gà giò và gà lớn thường xảy ra vào mùa đông, mùa xuân và thời điểm giao mùa trong năm khi nền nhiệt có sự biến đổi nhiều. Tuy nhiên, với phương thức chăn nuôi gà công nghiệp tập trung với mật độ cao nhưng chưa đảm bảo được an toàn sinh học như một số nơi hiện nay thì bệnh ORT có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào trong năm (Van Empel & Hafez., 1999; Lopeset al., 2002).
2.2.4. Chất chứa mầm bệnh
Ở gà bệnh có thể tìm thấy vi khuẩn ORT trong phổi, túi khí, chất tiết của đường hô hấp như: nước mũi, nước mắt, dịch nhầy khí quản và ở hai bên phế quản (Back et al., 1997; Van Beek et al., 1994; Hafez et al., 1993).
2.2.5. Phương thức truyền lây
Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể gà chủ yếu qua đường hô hấp, sinh sôi và phát triển ở niêm mạc đường hô hấp, sau đó đến cư trú ở cơ quan đích là phổi, hai phế quản gốc và gây nên bệnh tích đặc trưng của bệnh ORT ở đó. ORT xuất hiện và truyền ngang thông qua sự tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với mầm bệnh có trong không khí hay nước uống. Do đó, các chuồng hở, sự thông thoáng của chuồng nuôi tạo điều kiện cho quá trình phát tán bệnh trở nên dễ dàng hơn. Bệnh lây truyền từ gà bệnh cho gà khoẻ qua tiếp xúc trực tiếp. Gà bệnh bài thải mầm bệnh ra ngoài không khí qua chất tiết đường hô hấp (hắt hơi) và từ đó lây cho gà khoẻ bằng đường hít thở. Ngoài ra, mầm bệnh có thể lây lan theo đường gió, qua dụng cụ chăn nuôi, xe vận chuyển, động vật mang mầm bệnh và con người cũng đóng vai trò lớn trong sự truyền lây của bệnh ORT. Ở những vùng chăn nuôi gà tập trung theo hình thức công nghiệp nhưng không đảm bảo các điều kiện vệ sinh như môi trường bị ô nhiễm (mùi phân, độ thông thoáng kém…) hoặc nuôi gà nhiều độ tuổi khác nhau trong cùng một khu vực luôn là điều kiện tốt cho bệnh ORT bùng phát và lây lan với tốc độ nhanh. Ngoài ra, vi khuẩn này có những bằng chứng cho thấy chúng có khả năng truyền dọc. Thêm nữa, ORT cũng được phân lập từ buồng trứng, ống dẫn trứng, trứng nở, trứng đã thụ tinh, trứng không được thụ tinh, trứng chết phôi và chết bệnh trong vỏ của gà và gà tây (Tanyi et al., 1995; Back et al., 1997; El-Gohary., 1998; Nagaraja et al., 1998; van Empel., 1998). Tuy nhiên, khi tiêm ORT vào trứng gà có phôi, phôi được giết ở ngày thứ 9 nhưng không phân lập được ORT từ trứng đó. Như vậy, có thể thấy rằng ORT không truyền qua trứng trong quá trình ấp (Nguyễn Vũ Sơn và cs, 2014; Hinz et al, 1994).
2.3. Vi khuẩn ORT
2.3.1. Hình thái học
Vi khuẩn ORT là trực khuẩn dạng dùi trống, ngắn với kích thước đường kính 0,2 – 0,9µm và dài 0,6 – 5µm (Van Empel và Hafez,1999; Chin et al, 2008). Đôi khi thấy vi khuẩn dạng hình que dài hay tạo thành chuỗi dài (Chin và Charlton, 1998). Trong môi trường dạng lỏng, chúng rất dài có thể dài tới 15µm (Hafez, 1996; Hinz và Hafez, 1997).
Hình 2.1. Hình thái vi khuẩn ORT dưới kính hiển vi điện tử với độ phóng đại 1000 lần (Pan et al, 2012)
2.3.2. Sức đề kháng của vi khuẩn
Các chủng vi khuẩn ORT bị vô hoạt hoàn toàn bởi dung dịch 0,5% dung dịch chứa formic và glyoxyl axit; dung dịch 0,5% có chứa hợp chất aldehyde-based (20% glutaraldehyed) sau 15 phút. Các dung dịch hỗn hợp này cũng có thể vô hoạt ORT trong thời gian 15 phút ở trong điều kiện ống nghiệm (Hafez et al, 2003).
Vi khuẩn ORT có thể lan truyền theo chiều ngang bằng cách tiếp xúc trực tiếp hoặc gián thông qua con đường không khí hoặc nước uống. Do đó, các chuồng hở, sự thông thoáng của chuồng nuôi tạo điều kiện cho sự phát tán mầm bệnh trở nên dễ dàng hơn. ORT được tìm thấy khi chúng tồn tại 1 ngày ở điều kiện 37°C, 6 ngày ở 22°C, 40 ngày ở 4°C và ít nhất là 150 ngày ở âm 12°C (Lopes et al, 2002). Vi khuẩn ORT có thể tồn tại lâu hơn ở ngoài môi trường có nhiệt độ thấp khi con vật bị mắc bệnh, nhất là về mùa đông. Tuy nhiên, nó không thể tồn tại ở điều kiện 42°C trong vòng 24 giờ.
2.3.3. Đặc tính nuôi cấy
Vi khuẩn ORT có thể phân lập được trên môi trường thông thường, môi trường không chọn lọc hoặc môi trường thạch Chocolate agar. Vi khuẩn phát triển trong điều kiện hiếu hoặc yếm khí tùy tiện ở 37°C với thời gian 24 giờ; nhưng tốt nhất là ủ đĩa nuôi cấy trong tủ ấm với thời gian từ 48 – 72 giờ có bổ sung 7,5 – 10% CO2. Đám khuẩn lạc nhỏ bằng đầu đinh gim xuất hiện (đường kính khuẩn lạc khoảng 1 – 2 mm), có màu xám đến xám trắng, lồi, rìa sắc gọn. Là vi khuẩn gram âm bắt màu đỏ fucsin, đa hình thái. Phản ứng catalase âm tính, oxidase dương tính. Khi nuôi cấy vi khuẩn ORT một cách thuần khiết thì chúng có mùi đặc trưng, giống như mùi của axit butyric. Đây là dấu hiệu cần thiết trong quá trình kiểm tra và khẳng định đó là vi khuẩn ORT.
Trong các mẫu thu được, chúng thường bị mắc một số vi khuẩn khác như: E.coli, Proteus sp hoặcPseudomonas sp. Vì vậy, chúng thường phát triển rất nhanh và xâm lấn rộng làm cho việc xác định sự có mặt của vi khuẩn ORT rất khó khăn. Do vậy, cần bổ sung 10 μg/ml gentamycin môi trường thạch máu trong quá trình nuôi cấy, phân lập vi khuẩn ORT. Hoặc, bổ sung 5 μg/ml gentamycin và polymyxin B vào trong môi trường thạch máu cũng cho hiệu quả cao (Van Empel, 1997). Bởi, trong các nghiên cứu trước đây người ta đã chỉ ra rằng: hầu hết các chủng vi khuẩn ORT phân lập được đều kháng với kháng sinh gentamycin (Back et al, 1997). Vi khuẩn không có khả năng phát triển trên môi trường thạch MacConkey (Soriano et al, 2002). Mặt khác, vi khuẩn có khả năng phát triển tốt trên môi trường canh thịt có bổ sung 5% FBS (Zahra et al, 2013).
Vi khuẩn ORT cũng phát triển trên môi trường thạch tryptose soy và môi trường chocolate agar. Vi khuẩn không sinh trưởng trên các môi trường MacConkey agar, Gassner agar, Drigalskil agarhay Simon’s citrate, Endo agar (Chin et al, 2008). Sự phát triển của vi khuẩn trong các môi trường dạng lỏng cần phải được lọc kỹ, như môi trường BHI (Brain heart infusion broth), PB (Pasteurella broth), hay Todd Hewitt broth.
2.3.4. Đặc tính sinh hóa
Vi khuẩn ORT cho phản ứng catalase, indol âm tính; phản ứng oxidase dương tính; các chủng ORT có khả năng phân giải đường fructose, galactose, glucose, lactose, maltose; không có khả năng phân giải đường sucrose và chúng có khả năng phân giải urê nhưng không có khả năng phân giải muối nitrate; không có khả năng di động và vi khuẩn không phát triển trên môi trường thạch nghiêng TSI (Soriano et al, 2002; Pan et al, 2012).
2.4. Chẩn đoán bệnh
2.4.1. Chẩn đoán lâm sàng
2.4.1.1. Triệu chứng lâm sàng
Triệu chứng lâm sàng ở gà thường xuất hiện ở 3 – 6 tuần tuổi với tỷ lệ chết vào khoảng 2 – 10% với các triệu chứng ủ rũ, giảm ăn, giảm tăng trọng và tăng dịch tiết và vảy mỏ, kèm theo có hiện tượng phù mặt. ORT có thể là nguyên nhân gây chết đột ngột (dưới 20% trong 2 ngày) ở gà con với sự nhiễm trùng não và xương sọ kèm theo hoặc không kèm theo các triệu chứng hô hấp. Ở gà giống bố mẹ, bệnh thường xảy ra ở giai đoạn đang đẻ trứng, giai đoạn đầu của gà đang đẻ đạt đỉnh hay ngay trước khi đưa gà lên chuồng đẻ. Có sự tăng nhẹ tỷ lệ chết, giảm ăn và các triệu chứng hô hấp nhẹ. Tỷ lệ chết thường biến động và ít có liên hệ ở các ca không bị ghép bệnh. Có thể gặp các biểu hiện giảm đẻ, giảm kích thước trứng và chất lượng vỏ trứng kém. Tỷ lệ có phôi và khả năng ấp nở cũng có thể bị ảnh hưởng (Chin và Charlton, 2008; Chin et al, 2008). Ở gà đẻ thương phẩm, giảm đẻ, trứng dị hình và tăng tỷ lệ chết có liên hệ tới sự mắc ORT.
Roepke đã tìm ra rằng các triệu chứng bệnh và tỷ lệ chết cao hơn ở các gà tây trưởng thành và ở các gà non chủ yếu chỉ có các triệu chứng bệnh thông thường. Ở một số trường hợp, gà con mắc bệnh từ 2 đến 8 tuần tuổi. Tỷ lệ chết thường trong khoảng 1 – 15% trong pha cấp tính (8 ngày); nhưng, tỷ lệ mắc có thể tăng cao với tỷ lệ chết tới 50%. Các triệu chứng ban đầu bao gồm vảy mỏ và kèm theo dịch nhày; ở một số trường hợp có hiện tượng trụy hô hấp nặng, khó thở, vươn cổ và viêm xoang mũi. Các triệu chứng sẽ kéo theo các triệu chứng giảm ăn và giảm uống nước. Ở đàn gà tây giống, cũng thấy có hiện tượng giảm đẻ và tăng tỷ lệ trứng ấp nở không đạt tiêu chuẩn. Vi khuẩn ORT được xác định là một trong những nguyên nhân gây ra các triệu chứng thần kinh hoặc liệt do viêm màng não, viêm xương và viêm tủy xương ở gà và gà tây (Roepke et al., 1998).
2.4.1.2. Bệnh tích đại thể
Ở gà thịt thương phẩm, các tổn thương đại thể thường gặp bao gồm: viêm phổi, viêm màng phổi và viêm túi khí. Khi giết thịt hoặc kiểm tra sau giết mổ sẽ thấy dịch dạng bọt, màu trắng, chất dịch tiết này có màu giống sữa chua và có thể thấy rõ trong các túi khí, hầu hết các tổn thương chỉ tiến triển ở một bên thùy phổi (Van Empel et al, 1996). Các tổn thương do ORT có thể làm tỷ lệ chết tăng cao tới 50% hoặc hơn (Van Veen et al, 2000). Thêm nữa, phù thũng dưới da mắt, tại các điểm tiếp giáp có sụn gây viêm đầu, viêm xương, viêm xương tủy và viêm màng não ở gà (Bock et al, 1995; Goovaerts et al, 1999; Soto, 1999).
Ở gà tây, có hiện tượng phù và viêm một bên phổi hoặc đối xứng 2 bên với các tơ huyết trên màng phổi. Ngoài ra, có thể có các hiện tượng viêm mủ tơ huyết gây viêm túi khí, ngoại tâm mạc, màng bao tim và khí quản. Trong một số trường hợp, gan và lách có thể sưng cũng như có sự biến đổi ở cơ tim có thể quan sát được (Hafez et al, 1993). Hiện tượng nhiễm khuẩn tại khớp, xương sống có thể bắt gặp ở gà lớn.
2.4.1.3. Bệnh tích vi thể
Các nghiên cứu đầu tiên ở Iran mô tả trường hợp của gà giống thương phẩm 13 tuần tuổi có biểu hiện bị dị tật vẹo cổ và ngẹo đầu ra phía sau cơ thể đã phân lập được ORT từ não với bệnh tích viêm màng não và viêm não. Trong một báo cáo khác đã chỉ ra rằng khi gà nhiễm ORT thường có hiện tượng kết hợp với một hội chứng thần kinh (Goovaerts et al, 1998). Năm 2009, người ta đã phân lập được ORT từ mẫu tai, xương sọ và thân não từ gà Gô – đối tượng nuôi có dấu hiệu thần kinh do viêm tai giữa và viêm tủy xương không có dấu hiệu hô hấp (Moreno et al, 2009).
2.4.2. Chẩn đoán trong phòng thí nghiệm
2.4.2.1. Chẩn đoán bằng phương pháp phân lập vi khuẩn
Vi khuẩn ORT phát triển tốt trên môi trường máu cừu hoặc máu thỏ có bổ sung 10µg/ml Gentamycin. Tuy nhiên, vi khuẩn ORT không phát triển được trên môi trường thạch MacConkey và môi trường thạch TSI. ORT là vi khuẩn gram âm, đa hình thái (kích thước dài, ngắn khác nhau) (Charlton et al., 1993; Hafez et al., 1996; Zahra et al., 2013).
2.4.2.2. Chẩn đoán bằng phương pháp PCR
Năm 1999, người ta đã tiến hành chẩn đoán bệnh do vi khuẩn ORT gây nên bằng kỹ thuật PCR (Van and Hafez, 1999). Sau đó, phương pháp này đã được nhân rộng ra các nước với nhiều công bố sử dụng các cặp mồi khác nhau như: Năm 2004, Jensen và cộng sự đã áp dụng thành công kỹ thuật này trong chẩn đoán bệnh với cặp mồi 16S-F: 5’-GAGAATTAATTTACGGATTAAG-3′, 16S-R: 5’-TTCGCTTGGTCTCCGAAGAT-3′, sản phẩm PCR là 784bp (Jensen et al., 2004). Năm 2005, Schuijffel và cộng sự đã sử dụng cặp mồi 98B-F: 5’-CAGTCCATGGAATTAGCGAAAAACGAC-3’, 98B-R: 5’-CCGCTCGAGTTTTAATTCATTTTTTCTG-3’, với sản phẩm PCR là 897bp trong chẩn đoán bệnh do vi khuẩn ORT gây nên (Schuijffel et al., 2005). Đến năm 2016, Thieme và cộng sự đã sử dụng cặp mồi ADK-F: 5’-GGCAGTGGAAAAGGAACTCA-3′, ADK-R: 5’-TCTAAACTTCCTTCGCCGTTT-3′, sản phẩm PCR là 393bp để chẩn đoán bệnh (Thieme et al., 2016).
2.4.2.3. Chẩn đoán bằng kỹ thuật ELISA
Năm 2001, người ta đã sử dụng kỹ thuật ELISA vào trong chẩn đoán bệnh ORT (Heeder et al., 2001) và sau đó kỹ thuật này được ững dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới (Refai et al., 2005; Chansiripornchai et al., 2007 và Ghanbarpour et al., 2009).
2.4.2.4. Chẩn đoán bằng kỹ thuật hóa mô miễn dịch
Bằng kỹ thuật hóa mô miễn dịch đã chứng minh rằng vi khuẩn ORT là tác nhân gây tổn thương túi khí và phổi ở gà. Lúc đầu vi khuẩn ORT gắn vào biểu mô của túi khí. Sau đó chúng thâm nhập vào trong túi khí làm cho thành túi khí dày lên dần dần hình thành các tế bào u hạt (Van Empel et al., 1999).
2.5. Phòng và trị bệnh
2.5.1. Phòng bệnh
2.5.1.1. Phòng bệnh bằng văc xin
Hiện nay, trên thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm tiêm phòng bệnh bằng văc xin (vắc xin sống, văc xin chết, văc xin tái tổ hợp và văc xin dưới đơn vị). Tuy nhiên, hiệu quả của quá trình tiêm phòng chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Năm 1999, Hafez và cộng sự khi tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên gà hướng thịt cho thấy: dùng văc xin đơn giá đã kích thích tạo kháng thể bảo hộ trong thời gian ngắn. Năm 2000, một nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm chủng văc xin sống qua đường mũi cho đàn gà 6 tuần tuổi và văc xin chết qua đường tiêm dưới da; sau đó, người ta đã tiến hành thử thách bằng cách tiêm vi khuẩn sống ORT qua đường khí quản tại thời điểm 14 và 21 tuần tuổi. Kết quả cho thấy: hiện tượng viêm túi khí và viêm phổi ít xảy ra hơn ở đàn gà được tiêm phòng so với đàn gà không được tiêm phòng sau khi được thử thách bằng chủng vi khuẩn sống và khi tiến hành phân lập lại chủng vi khuẩn ORT từ đàn không được tiêm phòng văc xin, đàn đã được thử thách nhưng không được tiêm phòng văc xin, đàn được thử thách hoặc từ đàn không được thử thách (Sprenger et al, 2000). Mặt khác, khi tiến hành tiêm văc xin vô hoạt cho gà thịt đã cho hiệu quả cao (Van Empel et al, 1998; Van Veenet al, 2004); nhưng, lại không hiệu quả đối đối với hầu hết đàn gà thương phẩm. Trong một nghiên cứu khác của Schuijffel năm 2005 đã chỉ ra rằng: khi tiêm văc xin sống cho đàn gà giúp chúng có khả năng đáp ứng miễn dịch chéo chống lại các chủng ORT khác nhau. Như vậy, việc tiêm phòng bằng văc xin chưa mang lại hiệu quả cao; chưa bảo hộ được cho các giống gà, các lứa tuổi cũng như phương thức chăn nuôi.
2.5.1.2. Phòng bệnh bằng phương pháp quản lý và chăm sóc
Vi khuẩn ORT gây bệnh với tỷ lệ bùng phát thành dịch khá cao, bởi vậy các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn sinh học cần được sử dụng để ngăn chặn gây lan ra toàn đàn. Tuy nhiên, sau khi toàn trang trại đã bị mắc, ORT trở thành dịch địa phương đặc biệt ở những nông hộ có nhiều gà ở các lứa tuổi khác nhau và trang trại chăn nuôi với mật độ lớn (Hafez et al, 2003; Roepke et al, 1998).
2.5.2. Điều trị bệnh
Phương pháp điều trị gia cầm mắc bệnh do ORT bằng kháng sinh là một điều rất khó bởi rất nhiều chủng vi khuẩn ORT có khả năng làm giảm độ nhạy hoặc có tính kháng cao với nhiều loại kháng sinh như: Amoxicillin, Ampicillin, Doxycycline, Enrofloxacin, Flumequine, Gentamycin, Lincomycin, Tetracycline và Tylosin (Devriese et al, 1995; Malik et al, 2003; Marien et al, 2006; Soriano et al, 2003; Van Empel et al, 1997; Van Veen et al, 2001).
Tính nhạy cảm của vi khuẩn với kháng sinh có thể phụ thuộc vào chế độ sử dụng kháng sinh ở ngành chăn nuôi gia cầm ở các quốc gia, khu vực khác nhau. Ví dụ: ở một quốc gia, trứng thường được nhúng vào một loại kháng sinh như Enrofloxacin thì gần như tất cả các chủng sẽ có thể kháng với loại kháng sinh đó (Van Empel et al, 1998).
Năm 1996, trong một báo cáo đã chỉ ra rằng: cho uống Amoxicillin pha với liều 250 ppm cho 3 – 7 ngày cho kết quả khá tốt ở nhiều trường hợp và việc sử dụng chlORTetracycline với liều 500 ppm pha nước uống 4 – 5 ngày cũng cho hiệu quả (Hafez, 1996). Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy điều trị bằng Amoxicillin không còn hiệu quả (Marien et al, 2006). Trong một vài trường hợp, tiêm Tetracycline và Penicillin cũng cho hiệu quả cao.
Mặt khác, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng: 68 chủng vi khuẩn ORT phân lập được tại Mỹ cho kết quả mẫn cảm với Ampicillin, Erythromycin, Penicillin, Spectinomycin và Tylosin. 54 trong tổng số 68 chủng phân lập mẫn cảm với Neomycin, Sarafloxacin và Tetracycline (Nagaraja et al, 1998). Điều này cũng được kiểm chứng với các chủng phân lập được ở Đức; nhưng, tỷ lệ mẫn cảm thấp hơn đáng kể đối với Erythromycin và Sarafloxacin khi so sánh với các chủng phân lập tại Mỹ.
3. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU BỆNH ORT TẠI VIỆT NAM
Năm 2014, lần đầu tiên tại Việt Nam có công trình công bố về bệnh do Orninobacterium rhinotracheale –ORT trên gà, những thông tin cơ bản để chẩn đoán, phòng và trị bệnh (Nguyễn Vũ Sơn và cs., 2014). Đây là bài tổng hợp các công trình nghiên cứu đã được công bố trên thế giới. Cũng trong năm 2014, Nguyễn Thị Bích Liên và cộng sự đã công bố công trình nghiên cứu đầu tiên về “Nhận dạng, phân lập và xác định mước độ mẫn cảm kháng sinh của vi khuẩn Orninobacterium rhinotracheale ở gà”. Tuy nhiên, công trình mới chỉ đưa ra một số nhận định về vi khuẩn lưu hành tại Việt Nam, khả năng mẫn cảm của vi khuẩn với một số loại kháng sinh, chưa đi sâu nghiên cứu về bệnh.
Năm 2016, Nguyễn Thị Lan và cộng sự đã công bố công trình nghiên cứu về đặc điểm của vi khuẩn ORT phân lập được tại miền Bắc Việt Nam. Trong nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Vi khuẩn ORT có tính mẫn cảm cao với 2 loại kháng sinh Amoxicillin/clavulanic acide và Ampicillin. Tuy nhiên, vi khuẩn đề kháng cao với kháng sinh Erythromycin, Gentamycin, Enrofloxacin và Norfloxacin (Nguyễn Thị Lan và cs., 2016). Đến năm 2017, trong một nghiên cứu đã tiến hành lựa chọn phương pháp chẩn đoán bệnh ORT. Kết quả cho thấy: Có thể áp dụng cả 3 phương pháp chẩn đoán bệnh do vi khuẩn ORT gây nên gồm: (1) phương pháp nuôi cấy và phân lập vi khuẩn; (2) phương pháp chẩn đoán bằng kỹ thuật PCR phát hiện vi khuẩn; (3) phương pháp chẩn đoán bằng kỹ thuật ELISA phát hiện kháng thể (Nguyễn Thị Lan và cs., 2017).
Nhóm NCM động vật thí nghiệm
Nguồn: Học viện Nông nghiệp Việt Nam
- bệnh ở gà li>
- bệnh hen gà li>
- bệnh suy giảm hô hấp li>
- ort li> ul>
- L-Histidine cải thiện chất lượng thịt, giảm rỉ dịch, cho màu thịt đẹp
- Cân bằng điện giải trong thức ăn gia cầm trong thời kỳ chuyển mùa
- Ảnh hưởng của các mức selenomethionine đến chất lượng thịt và sự tích luỹ selen trong mô
- Khả năng tiêu hoá tinh bột ở động vật và lợi ích của amylase
- Bệnh xuất huyết thỏ (Rabbit haemorrhagic disease – RHD)
- Ảnh hưởng của nguồn cung cấp natri không chứa clo
- Đa dạng sản phẩm chế biến từ gà Tiên Yên
- Dinh dưỡng gà thịt bền vững và mẹo xây dựng công thức
- Cách phòng ngừa bệnh viêm phổi ở gia cầm thương mại
- Cho ăn chính xác có thể làm giảm lượng khí thải từ các trang trại chăn nuôi lợn
Tin mới nhất
CN,29/12/2024
- Lĩnh vực sản xuất vacccine của Việt Nam ở đâu trong thị trường trị giá 14 tỷ USD?
- Vắc xin viêm gan vịt và kháng thể Hanvet-KTV
- Thị trường thịt lợn thế giới tuần giữa tháng 12/2024
- Khoảng 80 triệu con gà được xuất bán ra thị trường dịp Tết
- Tỷ trọng chăn nuôi chiếm hơn 53% giá trị GDP sản xuất nông nghiệp của Hà Nội
- Loại bỏ mối lo về độc tố nấm mốc: giải pháp toàn diện cho ngành TĂCN đến từ Sistar Việt Nam
- Bí quyết nuôi gà đẻ sai trứng, cứng vỏ
- L-Histidine cải thiện chất lượng thịt, giảm rỉ dịch, cho màu thịt đẹp
- Xuất khẩu thức ăn gia súc sang các thị trường 11 tháng đầu năm 2024
- Cargill khánh thành ba điểm trường mới phục vụ hơn 300 học sinh trong năm 2024, đạt mốc 117 trường tại Việt Nam
- Biogénesis Bagó: Tăng tốc tại thị trường châu Á thông qua việc thiết lập văn phòng khu vực tại Việt Nam
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
- Các quy trình ngoại khoa trên heo con và những vấn đề cần lưu ý
- Bệnh Dịch tả heo châu Phi: Làm tốt An toàn sinh học đến đâu, rủi ro bệnh càng thấp tới đó!
- Quy trình xử lí chuồng trại sau khi bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
Bình luận mới nhất