[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Mycoplasma suis (trước đây được gọi là Eperythrozoon suis) và Mycoplasma hyorhinis đều thuộc giống Mycoplasma, là những vi khuẩn gây bệnh trên heo mới được để ý đến gần đây. M. suis cư trú trên và trong hồng cầu của vật chủ, gây ra các vấn đề bệnh lý toàn thân do nhiễm trùng máu. M. hyorhinis nhiễm và tấn công đường hô hấp của heo, dẫn đến các bệnh lý hô hấp. Ghi nhận trên thực tế chăn nuôi heo trên thế giới và ở Việt Nam đều cho thấy, cả 2 loại M. suis và M. hyorhinis đều là vấn đề bệnh lý cần được hiểu rõ nhằm có biện pháp kiểm soát phù hợp, giảm thiểu thiệt hại trong chăn nuôi heo.
- Mycoplasma hyorhinis gây bệnh đường hô hấp trên heo
- Phơi nhiễm có kiểm soát của heo với vi khuẩn Mycoplasma hyopneumoniae: Công cụ hiệu quả để loại bỏ vi khuẩn
- Hiệu quả điều trị Mycoplasma suis của một số loại kháng sinh thông qua các chỉ tiêu sinh hóa máu và tình trạng sức khỏe trên heo con cai sữa
- Tối đa hóa chương trình kiểm soát Mycoplasma
1. Bệnh do Mycoplasma suis
Bệnh thiếu máu do vi khuẩn M. suis thường bị gọi nhầm là bệnh ký sinh trùng đường máu, được ghi nhận phổ biến ở các đàn heo trên thế giới từ nhiều năm trước, tuy nhiên tại Việt Nam bệnh chỉ mới được đề cập đến trong khoảng vài năm gần đây. Vi khuẩn gây bệnh ở heo mọi lứa tuổi. Ở heo con theo mẹ, vi khuẩn có thể gây bệnh thiếu máu nhiễm trùng (infectious anemia in pigs – IAP) cấp tính, heo con bị gầy yếu nghiêm trọng, thiếu đường huyết và có thể dẫn đến chết cấp tính. Ở heo nái, M. suis có thể gây bệnh cấp tính, đường huyết thấp dẫn đến hôn mê và đột tử; hoặc ở dạng nhẹ hơn M. suis gây giảm khả năng thụ thai, tăng tỷ lệ lên giống lại và mất sữa. Tuy nhiên thiệt hại kinh tế quan trọng nhất do M. suis gây ra là ở thể mãn tính, thiếu máu nhẹ gây giảm tăng trưởng, giảm năng suất sinh sản và tăng chi phí điều trị bệnh nhiễm trùng đường tiêu hoá và hô hấp.
1.1.Tác nhân gây bệnh
M.suis thuộc giống Mycoplasma, nhóm vi khuẩn đường máu, có dạng hình cầu hoặc oval, kích thước khoảng 0,8 μm – 2,5 μm. M. suis sống trên bề mặt tế bào hồng cầu và có thể quan sát được dưới kính hiển vi quang học ở độ phóng đại khoảng 1.000 lần (Hình 1). M. suis chỉ phát triển trong cơ thể heo sống, chưa thể nuôi cấy trong điều kiện nhân tạo, và có lẽ vì vậy chúng được gọi là ký sinh trùng đường máu. Hiện tại, để thu nhận M. suis phục vụ cho các nghiên cứu các nhà khoa học phải sử dụng máu của những heo nhiễm để gây nhiễm cho heo sạch bệnh. M. suis được xem là tác nhân gây bệnh thiếu máu vàng da do nhiễm trùng ở heo (IAP – Infectious anemia in pig) ở heo mọi lứa tuổi (heo cai sữa, heo choai, thịt, nái) và có thể gây rối loạn đông máu, xuất huyết.
1.2.Đặc điểm dịch tễ
1.2.1.Bệnh do suis tại Việt Nam và trên thế giới
M.suis hiện diện trên đàn heo ở nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tỷ lệ nhiễm thay đổi tùy theo khu vực địa lý và theo các nhóm heo. Ở Đức, có đến 40,8% trại nhiễm M. suis với khoảng 13,9% heo choai (20 – 30 kg) dương tính với M. suis (CSIRO, 2012), và theo Stadler et al. (2019) tỷ lệ heo con sơ sinh trước khi bú dương tính với M. suis là 14,35%, trong khi có có đến 31,25% heo nái dương tính với M. suis. Ở mức độ trại có đến 76,2% trại nhiễm M. suis. Trong khi đó tỷ lệ heo dương tính với M. suis tại Úc ở mức rất thấp, chỉ dao động trong khoảng 4,29 – 6,45 % (CSIRO, 2012). Tại Brazil, tỷ lệ nhiễm M. suis ở heo lại rất cao, có thể lên đến 82,3% (Martins et al., 2019). Cũng tại Brazil, Bordin et al., (2021) ghi nhận 40,7% trại nhiễm M. suis, với tỷ lệ 18,7% heo nái dương tính với M. suis. Brissonnier et al., (2020) nghiên cứu tình hình nhiễm M. suis trên heo nái tại Pháp đã ghi nhận có đến hơn 50% nái dương tính với M. suis, ở mọi lứa đẻ (Bảng 1).
Hình 1: M. suis trên hồng cầu. A, C, E: quan sát dưới kính hiển vi quang học.
A: Heo không nhiễm M. suis; B: heo nhiễm M. suis thể cấp; C: heo nhiễm M. suis thể mãn. B, D, F: quan sát dưới kính hiển vi điện tử. RBC: hồng cầu. Ms: M. suis.
Bảng 1: Tần suất nhiễm M. suis ở nái theo lứa đẻ tại Pháp (Brissonnier et al., 2020)
Lứa đẻ |
Số nái |
PCR dương tính với M. suis |
|
N |
% |
||
1 |
49 |
30 |
61 |
2 |
46 |
24 |
52 |
3 – 4 |
52 |
32 |
62 |
≥5 |
51 |
19 |
37 |
Tổng |
198 |
105 |
53 |
Nghiên cứu của Zhongyang et al., (2017) tại Trung quốc cho thấy M. suis nhiễm trên tất cả các nhóm heo, kể cả heo nọc (Bảng 2).
Bảng 2: Tỷ lệ nhiễm M. suis theo nhóm heo tại Trung quốc (Zhongyang et al., 2017)
Nhóm heo |
Tỷ lệ nhiễm, % |
||
Năm 2014 |
Năm 2015 |
Năm 2016 |
|
Heo con theo mẹ |
21,0 |
22,5 |
32,2 |
Heo cai sữa |
6,5 |
16,2 |
17,2 |
Heo vỗ béo |
13,2 |
19,3 |
17,2 |
Heo hậu bị |
32,6 |
40,6 |
43,4 |
Nái rạ |
34,6 |
59,6 |
53,2 |
Nọc |
33,3 |
55,8 |
55,6 |
Tổng |
25,9 |
37,8 |
37,8 |
Tại Việt Nam, tình hình nhiễm M. suis trên đàn heo chưa được đánh giá đầy đủ, nhưng trong các khảo sát sơ bộ, phục vụ cho việc tìm kiếm phương thức điều trị hiệu quả bệnh do M. suis, Nguyễn Ngọc Hải và ctv. Đã ghi nhận tình trạng nhiễm M. suis nghiêm trọng tại các trại heo và trên các heo khảo sát (Bảng 3). Do ít có thông tin về bệnh do M. suis và heo bệnh có triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh phổ biến khác trên heo như bệnh do Circovirus type 2, bệnh do Leptospira, bệnh do thiếu sắt… và có thể do việc sử dụng thường xuyên kháng sinh nhóm tetracycline trong phòng – trị bệnh trên heo đã giảm đi dấu hiệu lâm sàng khiến việc chẩn đoán và kiểm soát bệnh không được chặt chẽ, dẫn đến M. suis lây nhiễm nhanh bên trong trại và giữa các trại heo, nhất là tại Việt Nam. Tỷ lệ trại heo nhiễm M. suis có thể rất cao, và tỷ lệ heo nhiễm có thể đến 100%.
Bảng 3: Tỷ lệ nhiễm M. suis tại các trại khảo sát (Nguyễn Ngọc Hải, và ctv., số liệu chưa công bố)
Trại |
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
6 |
7 |
8 |
9 |
10 |
Số lượng mẫu |
25 |
20 |
25 |
40 |
20 |
40 |
20 |
30 |
20 |
8 |
Tỷ lệ nhiễm (%) |
100 |
88 |
88 |
100 |
100 |
100 |
100 |
100 |
100 |
0 |
1.2. Dịch tễ
M.suis là vi khuẩn cư trú trên hồng cầu, ký sinh trong máu nên hầu như chỉ lây nhiễm qua đường máu, không lây qua nước bọt, nước tiểu hay tinh dịch (Ade et al., 2021). Lây nhiễm dọc có thể xảy ra cho heo con khi heo mẹ nhiễm M. suis, tuy nhiên không phải tất cả heo con đều bị lây nhiễm. Ngoài ra, heo còn có thể bị lây nhiễm M. suis qua các dụng cụ thú y (kim tiêm, dụng cụ phẫu thuật), vết chích côn trùng hút máu… Stress do nhiệt độ, ẩm độ, thiến heo… là những yếu tố nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh do M. suis. Sự lây nhiễm từ bên ngoài vào chủ yếu do việc nhập heo nhiễm vào trong trại.
Heo bệnh do M. suis ở thể cấp sau khi hồi phục hoặc heo lớn nhiễm M. suis thể nhẹ, có thể chuyển sang tình trạng mang trùng, là vật chủ lưu cữu và truyền lây mầm bệnh. Nghiên cứu của Zhongyang et al., (2017) cho thấy tỷ lệ nhiễm M. suis có biến động theo thời tiết, tăng cao hơn vào lúc thời tiết nóng, ẩm (Hình 2). Điều này có thể liên quan đến sự gia tăng hoạt động của các loài côn trùng hút máu như ruồi, muỗi…
1.3. Sinh bệnh học
Vi khuẩn bám lên bề mặt hồng cầu, gây biến dạng, hư hại, làm sụt giảm số lượng cũng như chức năng của hồng cầu, dẫn đến tình trạng thiếu máu, vàng da ở heo bệnh do hàm lượng bilirubin trong máu tăng. Heo nhiễm M. suis có tình trạng giảm tỷ lệ và số lượng hồng cầu, nồng độ hemoglobin, glucose và sắt, trong khi nồng độ bilirubin trong máu gia tang, dẫn đến sự thiếu máu cấp hoặc mãn tính ở heo nhiễm, làm giảm năng suất gia tăng tỷ lệ bệnh, chết do bội nhiễm ở tất cả các nhóm heo nhiễm M. suis (Ritzmann et al., 2009). Tỷ lệ và số lượng hồng cầu giảm trong khi nồng độ bilirubin trong máu tăng cho thấy M. suis tấn công và gây hư hại hồng cầu ở heo nhiễm. Việc điều trị bằng kháng sinh không đủ để loại trừ hoàn toàn M. suis khỏi cơ thể heo nhiễm, gây nên tình trạng nhiễm mãn tính và các hậu quả về lâm sàng, năng suất ở heo nhiễm M. suis thể cấp trước đó. Ở heo bệnh do M. suis thể mãn, hồng cầu bị biến dạng hình sao, mất chức năng vận chuyển o-xi, giảm khả năng biến dưỡng và sức đề kháng của heo, làm tăng tỷ lệ bệnh và chết ở heo con theo mẹ và sau cai sữa. Ngoài ra, vi khuẩn còn được cho là có liên quan đến rối loạn sinh sản trên nái, gia tăng tỷ lệ chết thai, tỷ lệ lên giống lại và tình trạng cảm nhiễm bệnh lý đường ruột và đường hô hấp ở heo sau cai sữa. Tại các trại nhiễm M. suis, ghi nhận sự gia tăng tình trạng heo sơ sinh chết tươi với mức trung bình khoảng 0,41 heo/ ổ, sai khác có ý nghĩa thống kê so với trại âm tính với M. suis (P< 0,05) (Stadler et al., 2021). Tuy nhiên, theo Bordin et al., (2021), mặc dù có đến 73,4% nái có tỷ lệ thai chết tươi cao (>10%), kết quả của nghiên cứu lại chưa cho thấy có mối liên hệ giữa tình trạng nhiễm M. suis và năng suất sinh sản của nái.
1.4. Miễn dịch
M.suis cũng gây đáp ứng tạo kháng thể ở thú nhiễm và có thể sử dụng phương pháp huyết thanh học để xét nghiệm kháng thể đặc hiệu với M. suis chẩn đoán nhiễm M. suis. Nghiên cứu đáp ứng miễn dịch với kháng nguyên kết bám M. suis cho thấy có sự đáp ứng mạnh tạo miễn dịch dịch thể và trung gian tế bào chống lại M. suis. Tuy nhiên, do M. suis không nuôi cấy được trong điều kiện nhân tạo nên việc nghiên cứu về miễn dịch của M. suis chưa được thực hiện nhiều. Hiện nay vẫn chưa có quy trình chuẩn hay các bộ kít thương mại được sử dụng chẩn đoán M. suis dựa trên miễn dịch.
1.5. Triệu chứng và bệnh tích
Bệnh lý chính do M. suis liên quan đến số lượng và khả năng hoạt động của hồng cầu, gây tình trạng vàng da thiếu máu ở tất cả các nhóm heo. Bệnh lý thiếu máu dẫn đến những tác động xấu đến năng suất sinh sản và khả năng cảm nhiễm với các bệnh truyền nhiễm. Bệnh do M. suis có thể xuất hiện ở 2 thể: cấp và mãn. Biểu hiện và thiệt hại do bệnh phụ thuộc vào mức độ nhiễm M. suis của heo tại trại.
1.5.1 Triệu chứng
* Thể cấp
Heo nhiễm M. suis thể cấp sẽ có biểu hiện vàng da, xanh xao, gầy yếu, phát triển kém, vành tai có thể có màu tím bầm. Ở heo con sơ sinh đến 5 ngày tuổi, có thể xuất hiện dấu hiệu yếu chân, heo con run, đi không vững, co giật do hạ đường huyết. Heo choai, thịt nhiễm M. suis thể cấp, biểu hiện lờ đờ, có thể có tình trạng giảm lượng đường trong máu, co giật, thậm chí hôn mê và chết. Tỷ lệ chết, loại thải cao 50 – 60%, một vài trường hợp có thể đến 90% (thể cấp). Heo nái nhiễm M. suis thể cấp ngoài những dấu hiệu trên còn kèm theo sốt cao (40 – 41OC), chậm lên giống, có thể sẩy thai, gia tăng số heo chết khi sinh, năng suất sinh sản thấp.
Heo nái nhiễm M. suis có thể dẫn đến tình trạng mất sữa ở 1 ngày sau sinh và kéo dài 4 – 6 ngày làm tăng tỷ lệ chết ở heo con theo mẹ đến 18%. Điểm đặc biệt là nái không có dấu hiệu sốt, bỏ ăn, và không bị viêm vú. Tình trạng chỉ xuất hiện ở nái dương tính với M. suis và được khắc phục sau khi nái được cho ăn chlortetracycline với liều 22 mg/kg/ngày trong vòng 2 tuần (Strait et al., 2012).
* Thể mãn
Phần lớn heo sau khi biểu hiện bệnh ở thể cấp có thể hồi phục, chuyển sang thể mãn. Heo bệnh M. suis thể mãn thể trạng kém, biểu hiện vàng da, chậm lớn, da khô, lông xù, suy giảm miễn dịch khiến heo dễ mẫn cảm với các bệnh trên đường hô hấp và đường tiêu hoá.
1.5.2 Bệnh tích
Các chỉ số máu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là số lượng hồng cầu, tiểu cầu. Máu loãng, hồng cầu bị biến dạng hình sao, giảm hoặc mất chức năng sinh học. Ở heo cai sữa, heo choai, có thể xuất hiện bệnh tích loét da ở những vùng rìa tai, đuôi, mõm. Mổ khám có thể ghi nhận được các bệnh tích như: viêm màng và tràn dịch xoang bụng, ngực, bao tim, vách tim mỏng, tim nhão, lách sưng, hạch sưng.
1.6. Chẩn đoán
1.6.1 Chẩn đoán lâm sàng
Chẩn đoán lâm sàng dựa vào triệu chứng run rẩy của heo con sơ sinh. Ngoài ra, còn dựa trên các dấu hiệu vàng da, lông da khô, xù (Hình 4), các vết lở loét ở rìa tai, đuôi… ở heo theo mẹ, heo sau cai sữa, heo choai. Tuy nhiên, chẩn đoán lâm sàng chỉ có tính định hướng, không đủ để khẳng định bệnh.
1.6.2 Chẩn đoán phi lâm sàng
Theo De Busser et al., (2008), nhiễm M. suis là nguyên nhân chính của tình trạng thiếu máu và là yếu tố nguy cơ của các bệnh lý khác ở heo con theo mẹ. Cần tiến hành xét nghiệm chẩn đoán nhiễm M. suis ở tất cả các trường hợp heo con có dấu hiệu thiếu máu (nhợt nhạt, vàng da, ốm yếu…), tỷ lệ chết cao ở heo con theo mẹ và rối loạn sinh sản ở nái.
Việc chẩn đoán chủ yếu dựa trên việc xét nghiệm xác định sự hiện diện của M. suis trong máu. Để xét nghiệm tìm M. suis cần lấy mẫu máu kháng đông để làm tiêu bản nhuộm Giemsa quan sát tìm M. suis trên tế bào hồng cầu hoặc thực hiện phản ứng PCR để xác định M. suis trong mẫu máu.
Hình 5: Tiêu bản máu ở heo nhiễm M. suis. (A, B) Thể cấp, M. suis (chấm màu nâu đỏ) hiện diện trên khắp hồng cầu, gây biến dạng hồng cầu. (C, D) Thể mãn, M. suis hiện diện rãi rác trên hồng cầu. Hồng cầu bị biến dạng, hư hại, không bắt màu thuốc nhuộm Giemsa.
– Nhuộm Giemsa tiêu bản máu và quan sát dưới kính hiển vi: lấy mẫu máu kháng đông làm tiêu bản, nhuộm Giemsa và quan sát dưới kính hiển vi vật kính dầu. M. suis có màu nâu tím, dạng cầu hoặc trực ngắn trên bề mặt hoặc ở rìa của hồng cầu. Bệnh ở thể cấp, M. suis hiện diện nhiều trong mẫu, hồng cầu chưa hoặc ít biến dạng. Ở giai đoạn muộn của thể cấp, hồng cầu biến dạng hình sao. Ở thể mãn, hồng cầu biến dạng hình sao, nhiều tế bào hồng cầu không bắt màu nhuộm Giemsa, M. suis hiện diện rất ít, khó quan sát (Hình 5). Kỹ thuật nhuộm Giemsa chẩn đoán nhiễm M. suis có ưu điểm là giúp xác định được mức độ nhiễm M. suis, thể bệnh, giai đoạn bệnh nhưng dễ có kết quả chẩn đoán âm tính hoặc dương tính giả.
– Xét nghiệm bằng PCR: mẫu máu kháng đông có chứa hồng cầu. Kỹ thuật này cho kết quả chính xác hơn rất nhiều so với kỹ thuật nhuộm Giemsa vì thế nên sử dụng trong trường hợp bệnh thể mãn (Hình 6).
5.3 Chẩn đoán phân biệt
Cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh khác cũng gây triệu chứng vàng da, hoại tử da như bệnh do Leptospira, bệnh liên quan PCV2 (PCVAD – Porcine circovirus associated disease), nhiễm độc tố nấm, viêm gan, thiếu máu do thiếu sắt…
6. Kiểm soát bệnh
Cần nhớ là M. suis cư trú trên hồng cầu và lây truyền chính qua đường máu. Để kiểm soát bệnh hiệu quả ngoài biện pháp kháng sinh để diệt vi khuẩn cần thực hiện tốt an toàn sinh học, kiểm soát ruồi, muỗi, và điều kiện tiểu khí hậu chuồng… hạn chế sự phát triển của các loài côn trùng hút máu.
6.1 Phòng bệnh
Hiện tại chưa có vắc-xin để phòng bệnh do M. suis. Việc phòng trị cần kết hợp các biện pháp quản lý và sử dụng thuốc kháng sinh nhóm tetracyclines (tetracycline, oxytetracycline, doxycycline, chlotetracycline), kết hợp florphenicol, hoặc bactrim. Ngoài ra, tiamulin hoặc diminazene aceturate kết hợp với doxycycline cũng được cho là có tác dụng rất tốt trong điều trị M. suis. Do bệnh lây nhiễm qua đường máu và có thể lây truyền từ mẹ sang con, vì vậy để phòng bệnh cần thực hiện đồng bộ các biện pháp sau:
– Kiểm tra tình trạng nhiễm M. suis ở heo hậu bị trước khi nhập đàn để có giải pháp phù hợp. Tốt nhất phải đảm bảo heo hậu bị hoàn toàn âm tính với M. suis. Để làm được điều này cần tiến hành xét nghiệm nhiễm M. suis ở heo hậu bị, nếu dương tính với M. suis cần thực hiện quy trình điều trị tích cực bằng liệu trình tiêm kháng sinh trong vòng 1 tuần, sau đó bổ sung kháng sinh vào trong thức ăn hoặc nước uống cho hậu bị liên tục trong 1 – 2 tuần tuỳ mức độ nhiễm. Lặp lại liệu trình kháng sinh trong thức ăn, nước uống trong 1 – 2 tuần trước khi đưa vào phối.
– Đối với nái mang thai tại trại có nguy cơ cao với M. suis: áp dụng liệu trình phòng bệnh bằng bổ sung kháng sinh vào trong thức ăn, nước uống trong 1 – 2 tuần vào khoảng 3 tuần trước khi nái sinh.
– Xét nghiệm đánh giá tình trạng nhiễm M. suis ở heo con theo mẹ và heo cai sữa. Trong trường hợp mức độ nhiễm bệnh nghiêm trọng, cần áp dụng quy trình phòng trị sau: Tiêm kháng sinh tetracyclines toàn bộ nhóm heo nhiễm, trong vòng 7 – 14 ngày. Lặp lại liệu trình điều trị 2 lần, mỗi lần cách nhau 2- 4 tuần, với liều điều trị qua đường miệng, trong vòng 7 – 14 ngày. Sau lần điều trị thứ hai, lấy mẫu máu kháng đông để đánh giá tình trạng nhiễm qua đó có biện pháp xử lý thích hợp.
– Sử dụng kim tiêm riêng cho mỗi bầy heo con theo mẹ hoặc cho mỗi cá thể heo sau cai sữa trở đi. Tiệt trùng nghiêm ngặt các dụng cụ thiến heo, cắt răng, cắt rốn, cắt tai.
– Quản lý tốt các yếu tố nguy cơ gây tổn thương da của heo: không để heo giành vú, cắn tai, cắn đuôi…
Bảng 4: Chỉ số sinh lý và sinh hoá máu sau khi điều trị bằng kháng sinh ở heo nhiễm M. suis (Nguyễn Ngọc Hải và ctv., 2021)
6.2: Trị bệnh
– Thể cấp: Tiêm kháng sinh cho toàn đàn với liệu trình 7 – 14 ngày. Nên sử dụng kháng sinh có tác dụng kéo dài để giảm số lần tiêm và stress cho heo. Sau 2 hoặc 4 tuần, cấp kháng sinh tetracyclines với liều điều trị qua đường miệng, trong vòng 7 – 14 ngày.
– Thể mãn: cấp kháng sinh qua đường miệng (thức ăn hoặc nước uống) với liệu trình 7 – 14 ngày. Lặp lại liệu trình sau 2 hoặc 4 tuần.
Theo nghiên cứu của Nguyễn Ngọc Hải và ctv., (2021), thử nghiệm điều trị M. suis cho heo sau cai sữa với 4 lô: Lô I: florphenicol + doxycycline; lô II: bactrim (sulfamethoxazole và trimethoprim); lô III: bactrim; lô IV: bactrim + doxycycline. Kháng sinh được trộn vào trong thức ăn cấp cho heo theo liệu trình 7 ngày liên tục, ngưng 30 ngày, sau đó cấp tiếp liệu trình 7 ngày. Mẫu máu được lấy xét nghiệm M. suis bằng phương pháp PCR trước và mỗi 2 tuần sau khi cấp kháng sinh cho heo. Các chỉ tiêu sinh lý và sinh hóa máu được xét nghiệm bao gồm: Chỉ tiêu về sinh lý máu: số lượng tế bào hồng cầu (RBC), hàm lượng hemoglobin (HMG), hàm lượng hematocrit (HCT). Chỉ tiêu sinh hóa máu: Glucose huyết (GLU). Kết quả cho thấy, tại thời điểm trước khi điều trị, các giá trị chỉ tiêu sinh lý, sinh hóa máu heo đều thấp hơn so với mức tham chiếu. Sau khi điều trị, toàn bộ các lô heo được cấp kháng sinh đều có sự cải thiện giá trị trung bình của các chỉ tiêu sinh lý, sinh hóa máu, và gia tăng có ý nghĩa (P<0,05) so với giá trị trung bình trước khi điều trị. Trong đó, sự cải thiện tốt nhất các chỉ tiêu sinh lý và sinh hoá máu là ở lô IV, sử dụng phối hợp kháng sinh bactrim + doxycycline và tiếp theo là lô I với sự kết hợp của florphenicol và doxycycline (P< 0,05), (Bảng 4)
Việc sử dụng kháng sinh để kiểm soát M. suis chỉ là biện pháp hỗ trợ, về lâu dài cần có chiến lược tầm soát và loại trừ heo nhiễm, kiểm soát nhiễm M. suis ngay từ giai đoạn hậu bị.
Tài liệu tham khảo
- Groebel K, Hoelzle K, Wittenbrink MM, Ziegler U, Hoelzle LE., 2009. Mycoplasma suis invades porcine erythrocytes. Infect Immun. 2009 Feb;77(2):576-84. doi: 10.1128/IAI.00773-08. Epub 2008 Nov 17. PMID: 19015255; PMCID: PMC2632055.
- Sharon M. Gwaltney, 1995. Eperythrozoon suis infections in pigs: Clinical syndromes and diagnosis. Swine Health and Production- january and February, 1995.
- Nguyễn Ngọc Hải, Bùi Thị Diệu Mai và Diệp An Thành Long, 2021. Hiệu quả điều trị Mycoplasma suis của một số loại kháng sinh thông qua các chỉ tiêu sinh hóa máu và tình trạng sức khỏe trên heo con cai sữa. Tạp chí Khoa học Kỹ thuật Chăn nuôi, số 265, tháng 5 năm 2021.
- Julia Stadler, Julia Ade, Walter Hermanns, Mathias Ritzmann, Sarah Wentzel, Katharina Hoelzle and Ludwig E. Hoelzle, 2021. Clinical, haematological and pathomorphological findings in Mycoplasma suis infected pigs. BMC Veterinary Research (2021) 17:214.
- CSIRO, 2012. A Survey of Pigs at an Abattoir to Determine the Prevalence of Mycoplasma suis. Final Report APL Project 2010/1012.311. Australian Animal Health Laboratory ,June 2012.
- Mathieu Brissonnier, Valérie Normand, Arnaud Lebret, Pierre-Yves Moalic, Anne-Sophie Guyomard, Véronique Bachy, Pauline Berton, Vincent Auvigne, Franck Bouchet and Gwenaël Boulbria, 2020. Frequency of infection with Mycoplasma suis in gestating sows using qPCR on ten commercial French herds, and impact of the infection on clinical, haematological and biochemical parameters. Porcine Health Management (2020) 6:13
- Julia Stadler, Stephan Willi, Mathias Ritzmann, Matthias Eddicks, Julia Ade, Katharina Hoelzle and Ludwig E. Hoelzle, 2019. Detection of Mycoplasma suis in presuckling piglets indicates a vertical transmission. BMC Veterinary Research (2019) 15:252
- Liang Zhongyang, Zhang Jiansong, Shen Yijuan, Xia Yuting, Li Yufeng, Xu Jiarong, 2017. Seroprevalence of Mycoplasma suis infection in pigs in eastern China as estimated by a blocking enzyme-linked immunosorbent assay. The Canadian Journal of Veterinary Research , 2017;81:313–317.
- E.V. De Busser, B. Mateusen, J. Vicca, L.E. Hoelzle, F. Haesebrouck, D. Maes, 2008. Mycoplasma suis infection in suckling pigs on a Belgian farm. Vlaams Diergeneeskundig Tijdschrift, 2008, 78.
- Luiz Carlos Bordin, Danielle Gava, Karina Sonalio, Marina Lopes Mechler-Dreibi, Janice Reis Ciacci Zanella, Nelson Mores, Luís Guilherme de Oliveira, Eliana Knackfuss Vaz, 2021. Investigation of hemotropic Mycoplasmas in fetuses and sows with reproductive failure. Veterinary and Animal Science 12 (2021) 100175.
- Mickaellen Susanny dos Santos Martins; Lucas Diniz Silva; Leandro Macêdo Miranda; Cristian Alex Aquino Lima; Renan Bressianini do Amaral; Rosangela Zacarias Machado; Marcos Rogério André; Maria do Socorro Costa Oliveira Braga; Carla Janaina Rebouças Marques do Rosário; Ferdinan Almeida Melo; José Gomes Pereira, 2019. Molecular detection of Mycoplasma suis in extensive pig production systems in the State of Maranhão, northeast Brazil. Braz. J. Vet. Parasitol., Jaboticabal, v. 28, n. 2, p. 306-309.
- Julia Ade, Mathias Ritzmann, Christopher Wöstmann, Matthias Eddicks, Sven Reese, Katharina Hoelzle, Ludwig E. Hoelzle and Julia Stadler, 2021. Update on shedding and transmission routes of porcine haemotrophic mycoplasmas in naturally and experimentally infected pigs. orc Health Manag (2021) 7:49.
- Erin L. Strait, Peggy Anne Hawkins, and Warren D. Wilson, 2012. Dysgalactia associated with Mycoplasma suis infection in a sow herd. Journal of the American Veterinary Medical Association, Volume 241: Issue 12 (Dec 2012), 1666–1667.
- Mycoplasma li>
- bệnh Mycoplasma li> ul>
- Hình ảnh siêu quang phổ có thể phát hiện độc tố nấm mốc trong thức ăn gia cầm
- Ảnh hưởng của chất béo đến năng suất, chất lượng và thành phần axit béo của trứng
- Nghiên cứu axit amin chỉ ra tiềm năng cho chế độ ăn ít protein hơn
- Bổ sung sắt uống để phòng ngừa thiếu máu ở heo con sơ sinh
- Rối loạn chất lượng thịt ức ở gà thịt hiện đại
- Vỏ yến mạch đang ngày càng phổ biến trong dinh dưỡng gia cầm
- 6 thành phần giàu chất xơ và lợi ích của chúng đối với người chăn nuôi gia cầm
- Lựa chọn chế độ ăn có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của gà thịt giống
- 6 điều có thể bạn chưa biết giúp thúc đẩy quá trình tổng hợp protein (tăng cơ bắp) ở heo
- Đất sét trao đổi ion trong thức ăn có thể thể hiện đặc tính kháng sinh
Tin mới nhất
T2,25/11/2024
- Trao quyết định bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Hình ảnh siêu quang phổ có thể phát hiện độc tố nấm mốc trong thức ăn gia cầm
- CP Foods thu gần 68.000 tỷ đồng tại Việt Nam
- Lào Cai: Đánh giá hiệu quả mô hình nuôi dúi thương phẩm tại xã Liên Minh (thị xã Sa Pa)
- Tập trung phòng bệnh dịch tả châu Phi trên đàn lợn
- Bà Rịa – Vũng Tàu: Kiểm tra tỷ lệ bảo hộ sau tiêm phòng gia súc, gia cầm
- Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái
- Sản lượng lợn của Anh tháng 10/2024 tăng
- Nông dân sản xuất giỏi từ mô hình chăn nuôi dê
- Giới khoa học lo ngại ca H5N1 có dấu hiệu thích nghi với người
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
- Các quy trình ngoại khoa trên heo con và những vấn đề cần lưu ý
- Bệnh Dịch tả heo châu Phi: Làm tốt An toàn sinh học đến đâu, rủi ro bệnh càng thấp tới đó!
- Quy trình xử lí chuồng trại sau khi bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
- Bệnh gạo lợn: Những điều cần biết
Bình luận mới nhất