[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Trong một thời gian dài, bệnh lý viêm đa màng và viêm khớp trên heo đã từng được biết đến chủ yếu là do vi khuẩn Haemophillus parasuis gây ra, tuy nhiên gần đây M. hyorhinis được phát hiện ngày càng phổ biến hơn trong các ca bệnh liên quan, làm gia tăng tỷ lệ bệnh và tỷ lệ chết trên cả heo con theo mẹ, sau cai sữa và heo choai. Heo nái và heo lớn thường là nguồn lưu cữu, bài thải và lây truyền M. hyorhinis. Điều này khiến cho việc kiểm soát bệnh tại trại trở nên phức tạp hơn. M. hyorhinis cư trú ở đường hô hấp trên của heo, trở thành vi khuẩn cơ hội, sẽ gây bệnh khi các yếu tố nguy cơ từ môi trường, stress và đồng nhiễm xuất hiện.
2.1 Tác nhân gây bệnh
Mycoplasma hyorhinis thuộc giống Mycoplasma họ Mycoplasmataceae, là vi khuẩn thường trú ở đường hô hấp trên của heo. Cũng giống như những vi khuẩn thuộc giống Mycoplasma, M. hyorhinis không có thành tế bào vững chắc như những tế bào khác. M. hyorhinis do vậy có tính đa hình thái, kích thước rất nhỏ với đường kính tế bào chỉ khoảng 0.2 – 0.3 µm, khiến vi khuẩn có thể dễ dàng lọt qua được bộ lọc vi khuẩn. M. hyorhinis được xem là vi khuẩn ký sinh bắt buộc ở heo và là vi khuẩn gây bệnh cơ hội cho heo với các dạng bệnh viêm phổi, viêm đa màng thanh dịch, viêm đa khớp.
2.2. Đặc điểm dịch tễ
2.2.1 Bệnh do M. hyorhinis tại Việt Nam và trên thế giới
Nghiên cứu tại Đức cho thấy 80% phổi bị viêm và 37 % phổi bình thường của heo tại lò mổ dương tính với M. hyorhinis (Palzer et al., (2008). Tại Mỹ, phòng thí nghiệm của Trường Đại học Minnesota đã ghi nhận có đến 55% trường hợp viêm đa màng và 12% viêm khớp có kết quả dương tính với M. hyorhinis, chủ yếu ở heo nhỏ hơn 10 tuần tuổi (João Carlos Gomes Neto, 2012).
Tại Mexico, theo Morales et al., 2020, heo nhiễm M. hyorhinis chiếm tỷ lệ cáo nhất trong các loài Mycoplasma khác, như M. hyopneumoniae (11,1%), M. hyosynoviae (36,1%) và Mycoplasma spp. (27,7%), Bảng 1.
Bảng 1: Tần suất phát hiện các loài M. Hyopneumoniae, M. hyorhinis, M. hyosynoviae trên heo tại Mexico, Morales et al., (2020).
Loại mẫu |
Tần suất, n/N (%) |
|||
M. hyopneumoniae |
M. hyorhinis |
M. hyosynoviae |
Mycoplasma spp. |
|
Phổi |
2/9 (22,0) |
5/9 (55,5) |
4/9 (44,0) |
4/9 (44,0) |
Dịch mũi |
2/27 (7,4) |
14/27 (51,8) |
9/27 (33,3) |
6/27 (22,2) |
Tổng |
4/36 (11,1) |
19/36 (52,7) |
13/36 (36,1) |
10/36 (27,7) |
Tại Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu về tình trạng nhiễm M. hyorhinis trên đàn heo nuôi. Theo Trương Quang Lâm và ctv., (2022), tỷ lệ nhiễm M. hyorhinis ở heo nghi nhiễm bệnh tại 3 huyện ở tỉnh Hưng Yên tương đối cao, trung bình là 26,92%, trong đó tỷ lệ nhiễm M. hyorhinis trên heo ở Khoái Châu là 31,82%, Văn Giang 25,00% và Yên Mỹ 21,43%. Tỷ lệ nhiễm M. hyorhinis trên heo ở 5-10 tuần tuổi là cao nhất với 29,41% và tiếp theo là heo > 10 tuần tuổi 28,57%, heo < 5 tuần tuổi tỷ lệ nhiễm thấp nhất 21,43%. Ngoài ra, nghiên cứu của Trương Quang Lâm và ctv., (2022) cũng ghi nhận sự đồng nhiễm M. hyorhinis vớI một số vi khuẩn gây viêm phổi và viêm khớp khác như: với M. hyopneumoniae tỷ lệ là 28,57%, H. parasuis là 35,71% và S. suis là 21,43%. Ngoài ra, nghiên cứu cũng ghi nhận 100% trường hợp heo dương tính với M. hyorhinis đều có bệnh tích viêm dính màng ngoài phổi, tim phủ fibrin.
2.2.2 Đặc điểm lây nhiễm
M. hyorhinis cư trú ở đường hô hấp trên và bài thải qua dịch mũi, miệng, hầu họng và đường lây truyền chính của M. hyorhinis là qua tiếp xúc trực tiếp mũi – mũi – miệng. Nghiên cứu của Palzer et al., (2008) phát hiện M. hyorhinis trong 70% mẫu dịch miệng, 96,3% mẫu dịch mũi và 97,9% mẫu dịch phết amygdal. Tuy nhiên, theo Clavijo et al., (2014), trên đàn heo bị nhiễm M. hyorhinis, vi khuẩn được phát hiện trong 100% các mẫu dịch miệng, 92% trong dịch mũi, và 66% trong dịch phết hạch amygdal. Mặt khác, vi khuẩn có thể lây truyền qua máng nước hoặc qua không khí do các hạt khí dung mang M. hyorhinis bài thải từ heo bệnh. Vi khuẩn có thể tồn tại trong môi trường đến 4 tuần, vì thế để kiểm soát hiệu quả bệnh do M. hyorhinis cần thực hiện tốt an toàn sinh học, tiêu độc toàn bộ không gian chuồng và giữ chuồng trại được khô ráo, thông thoáng. Heo mang trùng là nguồn lưu cữu và lây truyền mầm bệnh vào các trại chưa nhiễm.
Trong nghiên cứu của Roos et al., (2019), Mycoplasma hyorhinis và M. hyosynoviae là 2 tác nhân chính liên quan đến chứng viêm khớp ở heo. Có đến 40% heo nái dương tính với cả M. hyorhinis và M. hyosynoviae, trong đó nái lứa 1 có tỷ lệ dương tính với M. hyorhinis cao nhất, 57,1% ở tuần thứ nhất sau khi sinh và 73,7% ở tuần thứ ba sau khi sinh. Tỷ lệ dương tính với M. hyorhinis ở heo con 1 tuần tuổi là 8,3% và 50% ở heo con 3 tuần tuổi. Ở heo nhiễm M. hyorhinis lúc 3 tuần tuổi, tình trạng bệnh viêm khớp ở heo gia tăng giai đoạn 5 – 22 tuần tuổi và nghiêm trọng nhất là ở 5 tuần tuổi.
M.hyorhinis thường gây bệnh ở heo nhỏ hơn 10 tuần tuổi, trong khi M. hyosynoviae gây bệnh phổ biến hơn ở heo > 10 tuần tuổi (Hình 1).
Điểm đáng lưu ý là heo con sơ sinh thường có tỷ lệ dương tính với M. hyorhinis ở mức thấp, nhưng tăng lên rất cao ở heo sau cai sữa. Ghi nhận của Palzer et al., (2008), tỷ lệ nhiễm M. hyorhinis ở heo sơ sinh chỉ là 1,7 % nhưng gia tăng lên 85 % ở heo cai sữa. Nghiên cứu của Clavijo et al., 2017, cũng cho thấy tỷ lệ nhiễm M. hyorhinis thấp ở heo con theo mẹ (<10%) nhưng tăng đến >98% ở cuối thời kỳ cai sữa (Hình 2).
Hình 1: Tỷ lệ dương tính với M. hyosynoviae và M. hyorhinis ở heo chẩn đoán tại Phòng Chẩn đoán Thú y của Đại học Tổng hợp Iowa giai đoạn 2003 – 2010.
Ngày
Hình 2: Tần suất phát hiện M. suis trong mẫu dịch xoang mũi ở 3 trại heo thương mại tại Minnesota, USA, theo ngày tuổi. Clavijo et al., 2017.
2.4 Sinh bệnh học
M.hyorhinis cư trú ở đường hô hấp trên của heo và thường phân lập được từ mô phổi heo bệnh. Tuy nhiên, M. hyorhinis cũng có thể gây bệnh lý toàn thân, lan truyền theo máu gây viêm màng phổi, viêm đa màng, viêm đa khớp và có thể gây viêm não ở heo với các triệu chứng thần kinh ở heo sau cai sữa. M. hyorhinis đã được phân lập từ các bệnh phẩm dịch não tuỷ và vết phết màng não viêm ở các trường hợp heo sau cai sữa tại Áo, có biểu hiện rối loạn thần kinh trung ương (Bünger et al., 2020).
Heo bệnh nếu không có được đáp ứng miễn dịch tốt sẽ có thể chết hoặc chuyển sang dạng mãn tính, heo còi cọc, chậm lớn dễ nhầm lẫn với nhiều nguyên nhân gây bệnh khác như PCV2, Streptococcus, H. parasuis, M. hyopneumoniae, … Heo bệnh do M. hyorhinis có bệnh tích điển hình là viêm màng thanh dịch ở phổi, màng bao tim, màng bụng và có thể dẫn đến tình trạng viêm sợi dính ở thể mãn.
Bệnh do Mycoplasma nói chung và M. hyorhinis thường liên quan đến các yếu tố nguy cơ do miễn dịch suy giảm, quản lý đàn kém, quản lý môi trường kém, quản lý stress không tốt… M. hyorhinis hiện diện ở hầu hết các trại chăn nuôi heo và có thể không biểu hiện lâm sàng. Khi gặp điều kiện thuận lợi, như stress, mật độ nuôi cao, thông thoáng kém, hoặc đồng nhiễm PRRSV, M. hyorhinis phát triển và gây viêm kết mạc, viêm phổi, viêm đa màng, viêm đa khớp ở heo. Sự đồng nhiễm PRRSV và suy giảm miễn dịch ở heo là yếu tố nguy cơ quan trọng liên quan đến bệnh lý do M. hyorhinis. Heo nhiễm M. hyorhinis giai đoạn theo mẹ sẽ có nguy cơ cao bị bệnh do M. hyorhinis sau cai sữa.
Vi khuẩn có thể nhiễm ở heo ngay từ giai đoạn theo mẹ và nhanh chóng lây truyền trong đàn sau cai sữa, nhưng thường gây bệnh phổ biến cho heo từ 3 – 10 tuần tuổi, ít gây bệnh trên nhóm heo vỗ béo, xuất chuồng.
Theo Clavijo et al., (2017), M. hyorhinis lây nhiễm rất nhanh giữa các nhóm heo và cá thể heo, tần suất nhiễm từ mức rất thấp (<10%) ở heo con theo mẹ đã tăng lên trên 98% ở heo sau cai sữa. Tại 3 trại heo khác nhau, Clavijo et al., (2017) đã ghi nhận tỷ lệ nhiễm M. hyorhinis ở mức thấp trên heo nái tại các trại, dao động từ 3,3 – 8,8%; và tỷ lệ nhiễm M. hyorhinis ở heo theo mẹ (<21 ngày tuổi) cũng rất thấp, từ 0 – 10%. Tuy nhiên chỉ sau 1 tuần, ở heo 28 ngày tuổi, tỷ lệ nhiễm M. hyorhinis đã tăng vọt lên 50 – 100% ở 2 trại, và ở 42 ngày tuổi là 95%. Tại trại thứ 3, tỷ lệ nhiễm M. hyorhinis vẫn duy trì là 0% cho đến ngày tuổi thứ 77, nhưng sau đó cũng đã tăng vọt lên 100%.
Tình trạng nhiễm thấp ở heo con theo mẹ có thể là nhờ vào miễn dịch mẹ truyền từ nái đã nhiễm M. hyorhinis và sự sụt giảm miễn dịch đã tạo điều kiện M. hyorhinis lây nhiễm mạnh ở heo sau cai sữa.
Cho đến nay vai trò và cơ chế gây bệnh của M. hyorhinis trong bệnh lý của heo vẫn chưa được hiểu rõ. Tuy nhiên, với việc ngày càng nhiều kết quả phân lập dương tính với M. hyorhinis trong các ca heo bệnh viêm phổi, viêm đa màng thanh dịch, viêm đa khớp cho thấy vai trò gây bệnh của M. hyorhinis ở heo là không thể phủ nhận.
2.5 Đặc điểm lâm sàng
Bệnh do M. hyorhinis thường xảy ra ở heo 3 – 10 tuần tuổi. Phần lớn trường hợp heo bệnh do M. hyorhinis sẽ có biểu hiện sốt, khó thở và rối loạn vận động. Biểu hiện lâm sàng đặc trưng sẽ xuất hiện khoảng 3 – 10 ngày sau khi heo nhiễm M. hyorhinis và có thể kéo dài 10 – 14 ngày sau đó, tuỳ thuộc vào điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng và môi trường tại trại, và các tác nhân đồng nhiễm. Heo bệnh sẽ suy yếu, mệt mỏi, xù lông, đi đứng không vững, chân đau, khớp sưng, và có thể viêm kết mạc, viêm tai. Mổ khám heo bệnh do M. hyorhinis có thể ghi nhận các bệnh tích viêm đa màng thanh dịch ở phổi, tim, xoang bụng, có thể có tình trạng viêm sợi mủ. Heo bệnh thể mãn có dầu hiệu viêm dính màng phổi, màng tim (Hình 3). Ở heo thịt, M. hyorhinis chủ yếu gây viêm khớp chân sau, chứa đầy dịch khớp và sợi, màng bao khớp viêm sung huyết và dày lên. Biểu hiện lâm sàng do M. hyorhinis rất giống với bệnh Glasser’s do H. parasuis và Streptococcus suis gây ra, vì vậy cần chẩn đoán phân biệt bệnh do M. hyorhinis và với 2 bệnh này.
2.6 Đặc điểm miễn dịch
M.hyorhinis lây nhiễm nhiều hơn ở heo sau cai sữa so với M. hyosynoviae. Heo cai sữa sau 4 tuần đã ghi nhận tình trạng nhiễm M. hyorhinis, trong khi với M. hyosynoviae phải đến hơn 12 tuần sau cai sữa mới phát hiện được heo nhiễm. Điều này có lẽ là do miễn dịch mẹ truyền đối với M. hyorhinis suy giảm nhanh hơn so với M. hyosynoviae. Miễn dịch mẹ truyền đối với M. hyorhinis chỉ duy trì được đến tuần tuổi thứ 7, trong khi đối với M. hyosynoviae có thể kéo dài đến tuần tuổi thứ 11. Sự sụt giảm kháng thể mẹ truyền đối với M. hyorhinis hay M. hyosynoviae có thể liên quan đến thời điểm heo nhiễm và xuất hiện triệu chứng lâm sàng do M. hyorhinis hay M. hyosynoviae gây ra. Kháng thể đặc hiệu với M. hyorhinis do mẹ truyền có thể tồn tại trong cơ thể heo đến 7 tuần tuổi, và sau đó nếu heo nhiễm M. hyorhinis sẽ có sự gia tăng kháng thể mạnh (João Carlos Gomes Neto, 2012).
M.hyorhinis thường xuyên thay đổi kháng nguyên bề mặt, giúp vi khuẩn dễ trốn thoát được miễn dịch của vật chủ và dẫn đến tình trạng nhiễm mãn tính. Sự đa dạng di truyền liên quan đến kháng nguyên bề mặt của M. hyorhinis là nguyên nhân của sự đa dạng chủng của vi khuẩn.
Hình 3: Heo bệnh do M. hyorhinis. (A) Heo phát triển kém, xù lông, viêm kết mạc. (B) Heo bị viêm, sưng khớp chân sau. (C, D, E, F) viêm đa màng thanh dịch bao tim, xoang bụng, màng phổi. (G) dịch viêm bao tim. (H) dịch viêm khớp.
2.7 Xét nghiệm – chẩn đoán M. hyorhinis
Tuy so với những loài khác trong giống Mycoplasma, M. hyorhinis dễ nuôi cấy, phân lập và phát triển nhanh hơn nhiều, việc phân lập M. hyorhinis cũng không dễ dàng và mất nhiều thời gian. Trên môi trường nuôi cấy thích hợp, vi khuẩn phát triển chậm, tạo thành khuẩn lạc để có thể quan sát được phải sau 4 – 15 ngày nuôi cấy. Do vậy, việc chẩn đoán bệnh do M. hyorhinis chủ yếu dựa trên đánh giá triệu chứng và bệnh tích lâm sàng đặc trưng, kết hợp với xét nghiệm M. hyorhinis bằng kỹ thuật PCR, realtime PCR trong các mẫu bệnh phẩm phổi, dịch viêm khớp, dịch viêm màng thanh dịch…
Để xét nghiệm – chẩn đoán bệnh do M. hyorhinis cần lấy mẫu phổi, dịch khớp viêm, dịch viêm màng bao tim, xoang ngực, xoang bụng, gan và lách nếu có tình trạng viêm đa màng thanh dịch. Nên lấy mẫu ở heo chưa được điều trị bằng kháng sinh.
Để tầm soát nhiễm M. hyorhinis nên lấy mẫu dịch mũi, dịch miệng vì dễ thực hiện. Chú ý thực hiện xét nghiệm mẫu cá thể để đảm bảo sự chính xác của kết quả chẩn đoán nhiễm.
Xét nghiệm M. hyorhinis chỉ cho phép khẳng định sự hiện diện của M. hyorhinis, không đủ cơ sở để khẳng định bệnh nếu không kết hợp với chẩn đoán lâm sàng. Ngoài ra, cần chẩn đoán phân biệt bệnh do M. hyorhinis với bệnh do H. parasuis và S. suis.
2.8. Kiểm soát
M.hyorhinisnhạy cảm với nhiều loại kháng sinh như lincomycin, clindamycin, furaltadona, kanamycin, sulfonamides, nhóm macrolide. Do vi khuẩn không có thành tế bào giống như những vi khuẩn khác nên không được dùng penicillins hay cephalosporins để điều trị bệnh do M. hyorhinis. Tylvalosin có hiệu quả với 3 loài M. hyopneumoniae, M. hyorhinis, M. hyosynoviae tốt nhất so với tylosin và tilmicosin. Kháng sinh nhóm macrolide và pleuromutilins được cho là có hiệu quả cao trong điều trị bệnh liên quan đến M. hyopneumoniae, M. hyorhinis, M. hyosynoviae
M.hyorhinis cư trú ở đường hô hấp trên và bài thải qua dịch mũi, miệng, hầu họng, vì thế để tầm soát nhiễm M. hyorhinis trên đàn heo nên lấy các mẫu trên để xét nghiệm tìm M. hyorhinis. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, kết quả xét nghiệm dương tính với M. hyorhinis không hoàn toàn đồng nghĩa là M. hyorhinis là nguyên nhân gây bệnh trực tiếp, vì M. hyorhinis được xem là vi khuẩn thường trú ở đường hô hấp trên của heo.
Việc tầm soát nhiễm M. hyorhinis trên đàn heo rất quan trọng vì cho phép trại có kế hoạch phòng bệnh hợp lý bằng kháng sinh theo các giai đoạn nguy cơ.
Tài liệu tham khảo
1. João Carlos Gomes Neto, 2012. Diagnostic and field investigations in Mycoplasma hyosynoviae and Mycoplasma hyorhinis. Iowa State University Ames, Iowa 2012.
2. Trương Quang Lâm, Nguyễn Thị Thu Hương, Nguyễn Thị Lan, Đào Lê Anh, Lê Thị Trang, Vũ Thị Ánh, 2022. Xác định tỷ lệ nhiễm vi khuẩn Mycoplasma hyorhinis ở heo nuôi tại tỉnh Hưng Yên. Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam 2022, 20(7): 911-919 .
3. Moritz Bünger, Rene Brunthaler, Christine Unterweger, Igor Loncaric, Maximiliane Dippel, Ursula Ruczizka, Lukas Schwarz, Alfred Griessler, Thomas Voglmayr, Doris Verhovsek, Andrea Ladinig and Joachim Spergser, 2020. Mycoplasma hyorhinis as a possible cause of fibrinopurulent meningitis in pigs? – a case series. Porcine Health Management (2020) 6:38.
4. Rubén S. Rosales, Ana S. Ramírez, María M. Tavío, Carlos Poveda and José B. Poveda, 2020. Antimicrobial susceptibility profiles of porcine mycoplasmas isolated from samples collected in southern Europe BMC Veterinary Research (2020) 16:324.Open
5. Roos LR, Surendran Nair M, Rendahl AK, Pieters M (2019). Mycoplasma hyorhinis and Mycoplasma hyosynoviae dual detection patterns in dams and piglets. PLoS ONE 14(1): e0209975. https://doi.org/10.1371/journal.pone.0209975.
6. Rosa Elena Miranda Morales, Verónica Rojas Trejo, Luis Enrique López-Cerino, Erika Margarita Carrillo Casas, Rosa Elena Sarmiento Silva, María Elena Trujillo Ortega, Rolando Beltrán Figueroa, Francisco José Trigo Tavera, 2020. Frequency of M. hyopneumoniae, M. hyorhinis and M. hyosynoviae in nasal and lung samples from pigs with symptoms of porcine enzootic pneumoniae. Rev Mex Cienc Pecu 2020;11(4):946-960.
7. Talita P. Resende, Maria Pieters, Fabio A. Vannucci, 2019. Swine conjunctivitis outbreaks associated with Mycoplasma hyorhinis. Journal of Veterinary Diagnostic Investigation 2019, Vol. 31(5) 766–769.
8. Maria J. Clavijo, Simone Oliveira, Jeffrey Zimmerman, Aaron Rendahl, Albert Rovira, 2014. Field evaluation of a quantitative polymerase chain reaction assay for Mycoplasma hyorhinis. Journal of Veterinary Diagnostic Investigation 2014, Vol. 26(6) 755–76.
9. M. J. Clavijo, D. Murray, S. Oliveira, A. Rovira. Infection dynamics of Mycoplasma hyorhinis in three commercial pig populations. Veterinary Record (2017) 181, 68.
- bệnh hô hấp li>
- đường hô hấp li>
- Mycoplasma hyorhinis li> ul>
- Khẩu phần mất cân bằng điện giải dẫn đến tiêu chảy sau cai sữa
- Cho ăn chính xác có thể làm giảm lượng khí thải từ các trang trại chăn nuôi lợn
- Các nhà nghiên cứu tìm cách kiểm soát aflatoxin trong ngô
- Bệnh sán lá gan trên bò sữa
- Phương pháp tiếp cận lâm sàng và quản lý đối với các vấn đề về giác mạc trên thú nhỏ
- Hàm lượng Arginine tối ưu trong khẩu phần ăn để tăng tăng trọng, miễn dịch cho gà thịt và nâng cao chất lượng thân thịt
- Dinh dưỡng bổ sung trong thời gian theo mẹ để mang lại lợi ích dài hạn
- Ảnh hưởng của peptide tôm thủy phân lên năng suất và màu sắc gà ri Hải Phòng
- Bảng tính giá thành chăn nuôi lợn thịt quy mô 200 con
- Nguồn chất béo phù hợp và sử dụng hợp lý trong thức ăn chăn nuôi
Tin mới nhất
T7,14/09/2024
- Ngân hàng đồng loạt tuyên bố giảm lãi vay với khách hàng bị ảnh hưởng bão, lũ
- Khẩu phần mất cân bằng điện giải dẫn đến tiêu chảy sau cai sữa
- Giảm phát thải khí nhà kính để ngành chăn nuôi phát triển bền vững
- Hàng nghìn con gia súc, gia cầm bị chết sau bão
- GREENFEED nhập 400 heo cụ kỵ, ông bà từ Mỹ để nâng cao chất lượng con giống
- Lâm Đồng: Cấp giấy phép môi trường cho trang trại chăn nuôi 2.400 nái
- Chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi xanh
- Vietstock Awards 2024 mở đăng ký đề cử
- Cho ăn chính xác có thể làm giảm lượng khí thải từ các trang trại chăn nuôi lợn
- Chăn nuôi vịt biển thương phẩm: Đa dạng đối tượng nuôi, thích ứng với biến đổi khí hậu
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
- Các quy trình ngoại khoa trên heo con và những vấn đề cần lưu ý
- Bệnh Dịch tả heo châu Phi: Làm tốt An toàn sinh học đến đâu, rủi ro bệnh càng thấp tới đó!
- Quy trình xử lí chuồng trại sau khi bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
- Bệnh gạo lợn: Những điều cần biết
Bình luận mới nhất