[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Ai cũng hiểu việc quản lý tài chính tốt sẽ giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và trang trại chăn nuôi nói riêng, đạt được mục tiêu tối đa hóa lợi ích trên chi phí đầu tư. Trên thực tế, có khá nhiều trang trại chăn nuôi, bất kể quy mô lớn nhỏ, rơi vào cảnh “chưa đi đến chợ mà túi đã hết tiền” đành phải hoặc ngậm ngùi đóng cửa trại hoặc chấp nhận mua nợ thức ăn và vật tư khác với giá cao. Tại sao vậy? Có thể có rất nhiều nguyên nhân, ở đây tác giả phân tích một số bất hợp lý về khía cạnh quản lý tài chính và đầu tư trong trang trại chăn nuôi heo.
Vấn đề tài chính của khá nhiều trang trại chăn nuôi, bất kể quy mô lớn nhỏ còn đang gặp nhiều những bất hợp lý
Thứ nhất, quyết định thời điểm đầu tư
Trong ngành nông nghiệp nói chung và trong chăn nuôi heo nói riêng, một chu kỳ sản xuất thường cần thời gian khá dài từ vài tháng đến có khi vài năm.Trong suốt quãng thời gian đó,giá thị trường đầu ra có nhiều dao động thăng trầm. Và như thế, có thể nói ngành kinh doanh trang trại không phù hợp cho những ai có quan điểm đầu tư lướt sóng, đánh quả. Dù vậy, vẫn có khá nhiều chủ trang trại chăn nuôi chỉ ra quyết định đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng khi nhìn thấy giá sản phẩm đầu ra ở mức cao tại đỉnh của parabol của chu kỳ giá thị trường, và trong rất nhiều trường hợp khi trang trại này có sản phẩm xuất bán lại rơi đúng vào đáy của parabol chu kỳ giá dẫn đến lỗ nặng. Hơn nữa, khi đầu tư tại thời điểm đỉnh cao của giá sản phẩm đầu ra, do nhiều người cùng đổ xô đầu tư lúc này làm cho giá mua vật tư, thiết bị chuồng trại hay con giống đầu vào cũng ở đỉnh cao, việc này đã làm tăng thêm gánh nặng không nhỏ cho chi phí sản xuất.
Vậy phải làm sao? Thường chu kỳ dao động giá thị trường và chu kỳ sản xuất không trùng nhau, vì vậy các chủ trang trại nên căn cứ vào dữ liệu nghiên cứu và dự báo xu hướng đầy đủ khía cạnh khác nhau của thị trường, để ra quyết định thời điểm đầu tư mới hay đầu tư mở rộng, hơn là chỉ dựa vào yếu tố giá đầu ra tại một thời điểm nào đó.
Thứ hai, nắm giữ khối tài sản lớn mà nghèo tiền
Ngoại trừ một số doanh nghiệp chăn nuôi có bộ phận quản lý tài chính chuyên nghiệp và kế hoạch sử dụng vốn phù hợp với chu chuyển đàn khoa học, nhiều trang trại khác thường lâm vào cảnh nắm giữ khối tài sản lớn nhưng không có tiền. Ví dụ đơn giản, một trang trại nuôi 2.000 heo thịt,chu kỳ sản xuất heo thịt, từ lúc nhập trọng lượng 20 kg/con đến lúc xuất chuồng 130 kg/con, cần thời gian nuôi trung bình khoảng gần 5 tháng, số vốn cần có để hoạt động trung bình 8 – 9 tỉ đồng, chưa kể tài sản cố định đất đai và nhà xưởng. Nếu trại nuôi chỉ có một khu và áp dụng qui trình kỹ thuật nuôi “cùng vào – cùng ra”thì trong suốt thời gian hơn gần 5 tháng đó, dòng tiền của trại chỉ có chi ra mà không có thu vào(doanh thu).Dễ thấy dù nắm trong tay khối tài sản rất lớn, nhưng trong suốt chu kỳ nuôi đó, nếu trang trại không có kế hoạch sử dụng vốn phù hợp và quản lý dòng tiền hiệu quả, thì dễ rơi vào cảnh thiếu tiền, đặc biệt do nhu cầu thức ăn tăng cao vào những tháng cuối kỳ nên áp lực sẽ lớn hơn so với những tháng đầu kỳ.
Vậy phải làm sao để vừa đáp ứng yêu cầu dòng tiền “vào và ra” ? Trong suốt chu kỳ 4,5 – 5 tháng nuôi vừa đảm bảo điều kiện an toàn sinh học “cùng vào – cùng ra”? Một là, về lý thuyết có thể quy hoạch trang trại thành ít nhất 5 khu nuôi với công suất mỗi khu 500 con. Như vậy trại có thể lập kế hoạch chu chuyển đàn, mỗi tháng nhập vào 500 con/khu, lần lược từ khu thứ nhất đến khu thứ năm. Trong tháng thứ năm, vừa xuất chuồng lứa thứ nhất, vừa sát trùng chuồng khu này chờ sẵn lứa kế tiếp. Hai là, có kế hoạch sử dụng vốn phù hợp với kế hoạch chu chuyển đàn và chủ động lập quỹ dự phòng cho những trường hợp heo đến kỳ xuất mà bị tồn do biến động thị trường.
Thứ ba, quan tâm chi phí nổi mà không quan tâm chi phí ẩn
Hầu hết chủ trang trại chỉ quan tâm quản lý các chi phí nổi, nhìn thấy được như: mua con giống, thức ăn, thuốc thú y, tiền lương nhân viên…Trong khi đó, chi phí ẩn của toàn trại cũng quan trọng không kém mà lại ít được lưu tâm quản lý, có thể liệt kê một số như: số heo con sơ sinh còn sống trung bình /01 nái/năm; số ngày heo nái không sản xuất /năm; khối lượng heo thịt xuất chuồng /m² chuồng nuôi / năm; số vòng quay sử dụng chuồng trại / năm…
Ví dụ, tổng khối lượng thức ăn cho một heo nái khoảng 1 tấn / nái / năm, tổng chi phí khoảng trên dưới 10 triệu đồng. Nếu biến động tăng 500.000 đ/tấn, trại 500 nái thì số tiền mua thức ăn heo nái của trại tăng thêm 250.000.000 đồng/ năm, chủ trại dễ nhận ra ngay và tiến hành đàm phán giá rất quyết liệt với nhà cung cấp. Trong khi đó, các chỉ số heo con sơ sinh còn sống / nái / năm và số lứa đẻ / nái / năm thì ít được quan tâm quản lý thống kê đầy đủ. Khi được hỏi về chỉ số này, thì hầu hết đều trả lời máy móc là 10 con /1 lứa x 2 lứa = 20 con / nái / năm. Thực tế, không phải trang trại nào cũng đạt con số trung bình như vậy, có khi thấp hơn nhiều, trong khi một số doanh nghiệp quản lý tốt đã đạt kết quả 25 – 27 heo con sơ sinh còn sống/ nái /năm. Ở đây, thử lấy khoảng chênh lệch 5 heo con giữa trại quản lý tốt và trại bình thường đã thấy trại bình thường mất đi một khoảng tiền khá lớn (giả định giá trị heo con sơ sinh 200.000 đ/con x 5 con = 1 triệu đồng / nái / năm). Khoản tiền 01 triệu đồng / nái x 500 nái = 500.000.000 đồng / năm này đã mất đi mà chủ trại không nhìn thấy được và như vậy họ không quyết liệt tìm cách lấy lại bằng mọi cách vì nó nằm ẩn ở đâu đó trong hệ thống quản lý, trong khi tất cả các khoản chi cho heo nái đã chi rồi (chi phí ẩn).
Cho nên, bên cạnh việc quản lý chi phí nổi, dễ nhìn thấy, chủ trang trại cần lưu ý quản lý chi phí ẩn, lập quy trình quản lý phù hợp với hoàn cảnh của trại với sổ sách ghi chép các chỉ tiêu như: số heo con sơ sinh còn sống / nái / năm, số ngày nái không sản xuất / nái / năm, khối lượng heo thịt xuất chuồng / m/ năm hoặc số vòng quay chuồng trại / năm và các chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật khác nhằm tìm cách tối đa hóa lợi ích so với tổng chi phí nổi và chi phí ẩn đã đầu tư.
Thứ tư, quan tâm lợi ích bên ngoài mà không chú ý lợi ích bên trong
Để dễ hình dung, thử xem xét ví dụ về lợi ích / chi phí mua heo cái giống. Ai cũng biết con giống đạt chuẩn về di truyền giống, sức khỏe tốt, độ đồng đều cao sẽ đóng vai trò quan trọng,quyết định sự thành bại của nghề chăn nuôi. Tuy nhiên sức hấp dẫn về giá rẻ vẫn là yếu tố tác động lớn đến quyết định mua con giống của rất nhiều chủ trại chăn nuôi. Giá bán một heo cái hậu bị phổ biến, chưa bao gồm phí vận chuyển, bao gồm = (chi phí sản xuất giống khoảng 2.500.000 – 3.000.000 đồng / con tùy công ty) + (giá heo hơi thị trường x trọng lượng heo 120kg). Vị chi theo thời giá khoảng 9 – 10 triệu đồng/con cái hậu bị, theo lý thuyết, có xuất xứ nguồn gốc, có gia phả di truyền giống rõ ràng và có thể được dự báo luôn thành tích sản xuất của 8 lứa đẻ sau đó.
Tuy nhiên, nhiều chủ trại do tiếc khoản tiền công tác giống 3 triệu đồng mà thay vì mua heo cái hậu bị từ công ty heo giống uy tín. Họ mua heo cái bên ngoài hoặc tự tuyển chọn một số heo cái trong đàn heo thịt ra làm heo cái hậu bị. Với trại 500 nái và số heo cái thay đàn 170 con/ năm, trước mắt họ tiết kiệm được 510 triệu đồng/ năm. Khoảng tiết kiệm đó liệu có bù đắp được cho các rủi ro tiềm ẩn, khó lường của việc chọn heo thịt để lại làm cái hậu bị?Cùng xem xét trên tổng đàn, vì bản chất di truyền các con cái này là heo thịt nên số heo con sơ sinh/nái/năm sẽ thấp, trọng lượng heo con sinh ra không đồng đều giữa các cá thể, dễ xảy ra tình trạng sinh khó, sữa mẹ ít, trọng lượng cá thể trong đàn heo thịt trưởng thành sẽ phân ly lớn, phẩm chất thịt không đồng đều… Như vậy khỏi phải bàn gì thêm, kết quả chung cuộc như thế nào, mọi người có thể suy luận ra rồi.
ThS Nguyễn Văn Ngà
Công ty TNHH Agrocom Việt Nam
Tóm lại, để đạt mục tiêu tối đa hóa lợi ích trên chi phí đầu tư, chủ trang trại chăn nuôi cần có cái nhìn đầy đủ hơn về các khía cạnh của quản lý tài chính và đầu tư. Thứ nhất, chu kỳ sản xuất của trại chăn nuôi thường dài vài tháng đến vài năm và thường không trùng với chu kỳ biến động giá thị trường sản phẩm đầu ra, cho nên cần quyết định đầu tư dựa vào cơ sở nghiên cứu xu hướng của nhiều khía cạnh khác nhau của thị trường hơn là chỉ dựa vào một yếu tố giá sản phẩm đầu ra tại thời điểm xem xét đầu tư. Thứ hai, có kế hoạch quản lý dòng tiền phù hợp với kế hoạch chu chuyển đàn, tránh tình trạng “đi chưa đến chợ mà túi đã hết tiền”. Thứ ba, cần quan tâm quản lý cả chi phí nổi và chi phí ẩn để tính toán tối đa hóa hiệu quả tài chính – đầu tư.Thứ tư, cần xem xét cả lợi ích bên ngoài, trước mắt và lợi ích bên trong, dài hạn khi xem xét quyết định chọn giải pháp nào để tối ưu hóa lợi ích đầu tư. Cuối cùng, khi quyết định đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng trang trại chăn nuôi, bên cạnh việc xem xét các yếu tố về xây dựng, nhân sự, sản xuất, bán hàng và các khía cạnh phi tài chính khác như dịch bệnh, pháp luật.v.v. chủ trang trại cần lập kế hoạch tài chính và phân tích các rủi ro tài chính có thể xảy ra với các kịch bản khi thị trường bình thường, thị trường xấu và thị trường rất xấu để đánh giá tính khả thi của dự án và kèm theo các phương án dự phòng.
4 Comments
Để lại comment của bạn
- Không tiếp cận được thuế khô dầu đậu tương 1%, 15 doanh nghiệp kiến nghị lên Văn phòng Chính phủ
- Hà Nội: Tạo mọi điều kiện thuận lợi về xử lý chất thải trong chăn nuôi
- Ảnh hưởng của vi khuẩn có lợi và có hại đến hiệu suất sử dụng thức ăn ở lợn
- Giá sản phẩm chăn nuôi (giá tại trại) cả nước ngày 07/01/2025
- Hưng Gia Nam Group: Động thổ và khởi công xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi số 2, công suất 300.000 tấn/năm
- Lâm Đồng: Tổng đàn bò sữa giảm 1,1% so với cùng kỳ
- Giá trị ngành chăn nuôi chiếm trên 26% GDP
- Nuôi vịt biển trên cù lao Tân Phú Đông
- Ngành chăn nuôi có động lực tăng trưởng dài hạn nhưng vẫn lo ‘nút thắt’ chi phí
- 8.000 cơ sở giết mổ không giấy phép: Kiểm soát an toàn thực phẩm Tết ra sao?
Tin mới nhất
T5,09/01/2025
- Không tiếp cận được thuế khô dầu đậu tương 1%, 15 doanh nghiệp kiến nghị lên Văn phòng Chính phủ
- Hà Nội: Tạo mọi điều kiện thuận lợi về xử lý chất thải trong chăn nuôi
- Ảnh hưởng của vi khuẩn có lợi và có hại đến hiệu suất sử dụng thức ăn ở lợn
- Lợi ích và thách thức của urê cấp thức ăn chăn nuôi
- Giá sản phẩm chăn nuôi (giá tại trại) cả nước ngày 07/01/2025
- Hưng Gia Nam Group: Động thổ và khởi công xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi số 2, công suất 300.000 tấn/năm
- Lâm Đồng: Tổng đàn bò sữa giảm 1,1% so với cùng kỳ
- Giá trị ngành chăn nuôi chiếm trên 26% GDP
- Nuôi vịt biển trên cù lao Tân Phú Đông
- Ngành chăn nuôi có động lực tăng trưởng dài hạn nhưng vẫn lo ‘nút thắt’ chi phí
- Biogénesis Bagó: Tăng tốc tại thị trường châu Á thông qua việc thiết lập văn phòng khu vực tại Việt Nam
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
- Các quy trình ngoại khoa trên heo con và những vấn đề cần lưu ý
- Bệnh Dịch tả heo châu Phi: Làm tốt An toàn sinh học đến đâu, rủi ro bệnh càng thấp tới đó!
- Quy trình xử lí chuồng trại sau khi bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
Bài phân tích hay. Cần nhiều bài như vậy nữa. Thanks
Tạp chí tốt cho nhà chăn nuôi Việt Nam!
Bài viết hay 5*
Rất hay. Có bài nào hướng dẫn những bước đi đầu tiên không?