Các nhà đầu tư nước ngoài đã không ngừng xây thêm nhà máy mới để giành “miếng bánh ngon” trên thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam.
Nhà máy sản xuất dinh dưỡng vật nuôi của Cargill (Mỹ) tại Bình Dương. Ảnh: Lê Toàn
Tăng tốc xây nhà máy mới
Hơn 2 tuần trước đây, Japfa Comfeed Việt Nam đã chính thức khánh thành nhà máy thức ăn chăn nuôi mới tại Khu công nghiệp Nhơn Hòa (tỉnh Bình Định). Với tổng vốn đầu tư 300 tỷ đồng (tương đương 13 triệu USD), nhà máy của Japfa có công suất thiết kế 180.000 tấn thức ăn chăn nuôi/năm.
Trước khi đưa nhà máy mới đi vào hoạt động, Japfa Việt Nam đang vận hành 5 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Bình, Hòa Bình, Long An và Bình Thuận. Với 6 nhà máy, Japfa Việt Nam hiện có tổng công suất 1 triệu tấn/năm.
Tuy nhiên, tham vọng của Japfa tại Việt Nam không dừng ở đó. Ông Arif Widjaja, Tổng giám đốc Japfa Việt Nam, cho biết, Japfa đang đặt mục tiêu đạt công suất 2 triệu tấn vào năm 2024.
“Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi có kế hoạch mở rộng và xây thêm nhiều nhà máy trong thời gian tới. Cụ thể, năm 2021, chúng tôi sẽ tăng công suất nhà máy tại Vĩnh Phúc, tìm kiếm các địa điểm mới ở phía Nam để xây dựng nhà máy mới. Hy vọng, trong năm sau, chúng tôi sẽ chốt được một địa điểm ở Bình Phước để xây dựng thêm một nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi nữa”, ông Arif Widjaja nói.
Ông Arif Widjaja, Tổng giám đốc Japffa Việt Nam
Từ khi đầu tư vào Việt Nam năm 1996, Japfa đã không ngừng mở rộng đầu tư và đến nay, đã trở thành một trong những nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi và gia súc, gia cầm hàng đầu tại Việt Nam. Japfa còn đang nuôi tham vọng lớn hơn, khi lấn sân sang cả lĩnh vực thức ăn thủy sản. Tháng 7/2020, Japfa Việt Nam đã xuất kho lô hàng thức ăn chăn nuôi thủy sản đầu tiên và đặt mục tiêu đạt sản lượng 200.000 tấn/năm trong 10 năm tới.
Trong khi đó, Tập đoàn De Heus (Hà Lan) vào cuối tháng 9/2020 đã cùng Tập đoàn Hùng Nhơn khởi công xây dựng Tổ hợp Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Đắk Lắk, với tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng (tương đương 66 triệu USD). Trong đó, nhà máy thức ăn chăn nuôi là một trong các hạng mục quan trọng của khu tổ hợp này.
Theo ông Gabor Fluit, Tổng giám đốc De Heus châu Á, 12 năm qua, De Heus đã xây dựng 9 nhà máy tại Việt Nam. Nhà máy ở Đắk Lắk là nhà máy thứ 10. Vì thế, việc xây thêm nhà máy mới là sự kiện quan trọng trong chiến lược đầu tư của De Heus tại Việt Nam.
Sau 25 năm có mặt tại Việt Nam, Cargill (Mỹ) đã có 1 nhà máy sản xuất chất bổ sung tại Đồng Nai và 10 nhà máy sản xuất dinh dưỡng vật nuôi tại Đồng Nai, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, Bình Định, Hưng Yên, Hà Nam, Nghệ An và Bình Dương. Cuối năm ngoái, Cargill đã đưa nhà máy có vốn đầu tư 28 triệu USD ở Bình Dương vào hoạt động.
Không chia sẻ cụ thể kế hoạch đầu tư mới, song ông John Fering, Tổng giám đốc Ngành Thức ăn chăn nuôi Cargill Thái Lan và Việt Nam cho biết, Cargill cam kết sẽ tiếp tục đầu tư dài hạn về công suất, năng lực, con người và cộng đồng để phục vụ mục tiêu tăng trưởng lành mạnh và giúp Việt Nam phát triển thịnh vượng. “Cargill từ lâu đã nhận ra tầm quan trọng và tiềm năng to lớn của châu Á, trong đó có Việt Nam”, ông John Fering nói.
Nội – ngoại “so găng”
Không khó hiểu vì sao nhà đầu tư nước ngoài không ngừng gia tăng đầu tư lĩnh vực thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam. Sự phát triển của ngành chăn nuôi Việt Nam chính là một nguyên nhân cơ bản.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Phùng Đức Tiến, giai đoạn 2008-2020, sản lượng thịt các loại đã tăng 1,6 lần, từ 3,6 triệu tấn lên 5,8 triệu tấn; thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng gần 2,4 lần, từ 8,5 triệu tấn lên 20,2 triệu tấn. Bên cạnh sản xuất trong nước, năm 2019, Việt Nam còn phải chi hơn 3,7 tỷ USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu.
Trong khi đó, theo dự báo, thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,06%/năm để đạt quy mô 12,27 tỷ USD vào năm 2025, từ mức trên 9,1 tỷ USD vào năm 2019. Đây quả là “miếng bánh” ngon cho các nhà đầu tư, kể cả ngoại lẫn nội.
Vì thế, không chỉ nhà đầu tư ngoại, mà cả nhà đầu tư nội cũng không ngừng mở rộng đầu tư. Trong top 10 công ty thức ăn chăn nuôi uy tín nhất Việt Nam 2020, do Vietnam Report vừa công bố, bên cạnh các tên tuổi nước ngoài như CP (Thái Lan), De Heus, Japfa… còn có Proconco, Dabaco, Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam, Thức ăn thủy sản Mekong, Dinh dưỡng Hồng Hà…
Tuy nhiên, thị phần thức ăn chăn nuôi lại gần như đang nằm trong tay các nhà đầu tư ngoại, trong đó CP là một trong những công ty nắm thị phần lớn.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, Việt Nam có khoảng 265 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Trong đó, 85 nhà máy của nhà đầu tư ngoại (chiếm 32%), 180 nhà máy của doanh nghiệp trong nước (chiếm 68%). Tuy nhiên, nếu “so găng” thị phần thì nhà đầu tư ngoại đang thắng thế.
Hiện các nhà đầu tư ngoại chiếm tới 65% thị phần, còn nhà đầu tư nội chỉ chiếm 35%, dù thời gian qua, nhiều “ông lớn” Việt Nam như Masan, Dabaco, Hòa Phát, Hùng Vương… rất nỗ lực để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thậm chí, theo dự báo của Vietnam Report, thị phần trên thị trường thức ăn chăn nuôi Việt có thể sẽ thay đổi trong thời gian tới, khi các doanh nghiệp ngoại sau khi đổ bộ vào thị trường Việt Nam tiếp tục mở rộng thêm nhà máy.
Miếng bánh “màu mỡ”, ai cũng muốn “xơi”. Nhưng cơ hội sẽ chỉ dành cho người nhanh chân!.
Nguyên Đức
Nguồn: báo Đầu Tư
- Thức ăn chăn nuôi Việt Nam li> ul>
- Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái
- Sản lượng lợn của Anh tháng 10/2024 tăng
- Nông dân sản xuất giỏi từ mô hình chăn nuôi dê
- Giới khoa học lo ngại ca H5N1 có dấu hiệu thích nghi với người
- Sắp diễn ra hội thảo, phổ biến áp dụng mô hình số trong quản lý tại các cơ sở chăn nuôi
- 529 cơ sở chăn nuôi được công nhận an toàn đối với bệnh Dịch tả heo Châu Phi
- Ký kết hợp tác giữa Hội Chăn nuôi Việt Nam và Hiệp hội Thương nhân thịt Singapore
- Ảnh hưởng của chất béo đến năng suất, chất lượng và thành phần axit béo của trứng
- Nhập khẩu lúa mì 10 tháng đầu năm 2024 tăng cả lượng và kim ngạch
- Quảng Ninh: Móng Cái chủ động phòng dịch cho đàn vật nuôi
Tin mới nhất
CN,24/11/2024
- Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái
- Sản lượng lợn của Anh tháng 10/2024 tăng
- Nông dân sản xuất giỏi từ mô hình chăn nuôi dê
- Giới khoa học lo ngại ca H5N1 có dấu hiệu thích nghi với người
- Sắp diễn ra hội thảo, phổ biến áp dụng mô hình số trong quản lý tại các cơ sở chăn nuôi
- Ký kết hợp tác giữa Hội Chăn nuôi Việt Nam và Hiệp hội Thương nhân thịt Singapore
- Ảnh hưởng của chất béo đến năng suất, chất lượng và thành phần axit béo của trứng
- Nhập khẩu lúa mì 10 tháng đầu năm 2024 tăng cả lượng và kim ngạch
- Quảng Ninh: Móng Cái chủ động phòng dịch cho đàn vật nuôi
- Nhập khẩu thịt heo có thể tăng trở lại vào quý IV
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
- Các quy trình ngoại khoa trên heo con và những vấn đề cần lưu ý
- Bệnh Dịch tả heo châu Phi: Làm tốt An toàn sinh học đến đâu, rủi ro bệnh càng thấp tới đó!
- Quy trình xử lí chuồng trại sau khi bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
- Bệnh gạo lợn: Những điều cần biết
Bình luận mới nhất