[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Tổng đàn gia cầm của tỉnh Bình Dương ước đạt trên 13 triệu con; trong đó chăn nuôi quy mô trang trại chiếm tỷ lệ khoảng 86,2% tổng đàn, tổng đàn gà chiếm tỷ lệ khoảng 88,3% so với tổng đàn gia cầm. Trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2020, tỷ lệ tăng đàn gia cầm trung bình hàng năm là khoảng 8,8% / năm, số lượng gia cầm chăn nuôi quy mô trang trại trung bình cao gấp 6,1 lần so với chăn nuôi quy mô nông hộ, tổng đàn gà chiếm tỷ lệ trung bình khoảng 87,1% so với tổng đàn gia cầm.
Hình 1: Biểu đồ phát triển chăn nuôi gia cầm tỉnh Bình Dương
Đa số người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã có nhiều tư duy trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới; nhiều trang trại mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất chăn nuôi để đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trên địa bàn tỉnh hiện có 02 dự án chăn nuôi gia cầm ứng dụng công nghệ cao với quy mô lớn, với tổng diện tích 96,1 hecta và quy mô tổng đàn khoảng 1,3 triệu con gà.
Hình 2: Trại gà Minh Tân Phát, xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương
Bên cạnh việc duy trì tổng đàn phát triển ổn định, tình hình dịch bệnh trên gia cầm tại tỉnh Bình Dương cũng đã được kiểm soát tốt. Vào tháng 6 năm 2018, tỉnh Bình Dương là địa phương đầu tiên trên cả nước đã có 04 vùng chăn nuôi được công nhận là vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm, bệnh niu-cát-xơn trên gà tại các huyện Bàu Bàng, Phú Giáo, Dầu Tiếng và Bắc Tân Uyên theo Quyết định số 457/QĐ-TY-DT ngày 27/06/2018 của Cục Thú y. Ngoài ra đến nay còn có 84,8% số trang trại chăn nuôi gia cầm đã được cơ quan thú y công nhận là cơ sở an toàn dịch bệnh.
Để đạt được những kết quả như trên, cần có sự phối hợp tích cực giữa chính quyền địa phương, cơ quan thú y và người chăn nuôi để thực hiện đồng bộ, có hiệu quả. Theo đó, giải pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi có thể được xem là một trong những giải pháp hiệu quả nhất hiện nay để kiểm soát dịch bệnh, góp phần đảm bảo phát triển ổn định ngành chăn nuôi gia cầm của địa phương trong thời gian qua.
Thực tế cho thấy, thông qua việc xây dựng các giải pháp an toàn sinh học kết hợp với tập huấn, đào tạo cho nhân viên có thể mang lại kết quả tốt hơn trong chăn nuôi, hạn chế tổn thất do dịch bệnh gây ra. Các giải pháp an toàn sinh học cần được xem là một phần của hệ thống chăn nuôi, sản xuất gia cầm; cần được xây dựng theo điều kiện cụ thể của từng cơ sở chăn nuôi; có khả năng thay đổi linh hoạt và phát triển phù hợp với tình hình chăn nuôi thực tế; đồng thời yêu cầu phải có sự thấu hiểu, trách nhiệm trong thái độ và hành vi của người chăn nuôi, của chủ trang trại và nhân viên để từ đó giảm thiểu rủi ro và cải thiện về sức khỏe vật nuôi, sản lượng và lợi nhuận.
Trong các quy trình an toàn sinh học áp dụng cho hình thức chăn nuôi là quy mô nông hộ hay quy mô trang trại đều có 03 giải pháp cơ bản cần thiết là: phân chia khu vực để cách ly và kiểm soát, vệ sinh, tiêu độc khử trùng.
Giải pháp phân chia khu vực để cách ly, kiểm soát việc di chuyển của con người, động vật, phương tiện và thiết bị, dụng cụ chăn nuôi
Đây là giải pháp đơn giản nhất nhưng có thể mang lại hiệu quả tốt nhất trong một quy trình an toàn sinh học cho các cơ sở chăn nuôi gia cầm, nhằm mục đích chủ động kiểm soát, ngăn chặn mầm bệnh từ những tác nhân gây nhiễm (động vật, con người, phương tiện vận chuyển, thiết bị, dụng cụ… mang mầm bệnh) lây lan vào cơ sở chăn nuôi hoặc phát tán từ cơ sở chăn nuôi ra bên ngoài.
Phân chia khu vực cần phân biệt, có ranh giới rõ ràng giữa các khu vực dơ, khu vực ngăn cách-trung gian, khu vực sạch. Khu vực dơ là nơi các mầm bệnh có nguy cơ lưu hành cao (cổng ra vào, nhà xe, nơi tiếp khách, khu vực xử lý chất thải…). Khu vực ngăn cách-trung gian là nơi mầm bệnh có thể xâm nhập hoặc phát tán, các hoạt động phòng chống lây lan mầm bệnh cần được thực hiện tại khu vực này (nhà sát trùng, khu cách ly…). Khu vực sạch là khu vực sau khi đã được vệ sinh, tiêu độc khử trùng (chuồng trại, bể nước, kho thức ăn, kho thuốc…). Việc di chuyển của người, phương tiện, thiết bị giữa các khu vực này phải được kiểm soát chặt chẽ bằng các nội quy cụ thể.
Cách ly có thể hiểu là chăn nuôi đàn gia cầm cần được thực hiện trong một môi trường có kiểm soát từ vị trí trang trại (so với khu dân cư, trang trại khác, đường giao thông…), bố cục và cách thức sắp xếp trong trại (khoảng cách phù hợp giữ các khu chăn nuôi, văn phòng làm việc, khu cách ly, khu xử lý chất thải…) cho đến các quy trình cần thiết khác để giữ cho đàn gia cầm tránh được các nguồn lây nhiễm mầm bệnh.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Dương, tất cả các cơ sở chăn nuôi gia cầm quy mô trang trại công nghiệp đều có địa điểm xây dựng phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương, được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép; được xây dựng cách biệt, cách xa bệnh viện, trường học, chợ, khu dân cư đông người. Các trang trại công nghiệp đều có hàng rào hoặc tường kín bao quanh, cách biệt với bên ngoài để bảo đảm hạn chế người và động vật từ bên ngoài xâm nhập vào trại.
Đối với các trang trại gia cầm giống thì vị trí thường nằm trong một khu vực độc lập, cách xa với các trại chăn nuôi gia cầm khác, đồng thời tránh các tuyến đường giao thông có nhiều phương tiện vận chuyển gia cầm đi qua. Hạn chế tối đa tiếp xúc giữa con người và đàn gia cầm giống bằng việc tự động hóa khi cung cấp thức ăn vào trại như sử dụng hệ thống xe bồn vận chuyển cám, đổ thẳng vào xi lô chứa tại trang trại; lắp đặt hệ thống truyền tải cám, máng ăn hiện đại được cài đặt chế độ cho ăn tự động tùy theo phân nhóm thích hợp.
Hình 3. Trại gà Công ty Vietswan, xã Tam Lập, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương
Đối với các trang trại chăn nuôi có khu vực ấp trứng gia cầm phải có hàng rào ngăn cách với bên ngoài và các khu vực khác trong trại; các khu vực phải được bố trí phù hợp thuận lợi bảo đảm nguyên tắc một chiều tránh ô nhiễm chéo (bao gồm khu vực nhận, phân loại và sát trùng trứng, kho bảo quản trứng, phòng để máy ấp trứng và soi trứng, phòng để máy nở, phòng đóng hộp gia cầm con).
Liên quan đến giải pháp cách ly chúng ta cũng cần lưu ý hai nguyên tắc quan trọng là chăn nuôi “cùng vào cùng ra” và có “thời gian trống chuồng”. Theo đó, gia cầm nên được nuôi cùng một giống trong một đàn, trong một chuồng, trong cùng một thời gian, cùng lứa tuổi. Thời gian để trống chuồng giữa hai lứa nuôi là giải pháp rất quan trọng để tiêu diệt mầm bệnh, cắt đứt đường lây truyền bệnh vì một số mầm bệnh có khả năng tồn tại lâu trong môi trường chăn nuôi, thậm chí sau khi chuồng nuôi đã được vệ sinh và tiêu độc khử trùng; nhưng khi không có gia cầm thì mầm bệnh sẽ bị hạn chế tối đa điều kiện để phát triển.
Kiểm soát tốt việc ra vào cơ sở chăn nuôi đối với con người, động vật, phương tiện vận chuyển và thiết bị, dụng cụ theo các quy định đặt ra trước được xem là giải pháp an toàn sinh học bắt buộc. Nên hạn chế tối đa cho người lạ ra vào cơ sở chăn nuôi.
Đàn gia cầm mới và thức ăn chăn nuôi cũng có thể là một nguy cơ lan truyền mầm bệnh. Do đó, gia cầm mới và nguồn thức ăn chỉ nên được nhập về nơi đáng tin cậy và trải qua một quy trình cách ly, khử trùng. Gia cầm giống nhập về nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, đã qua kiểm dịch. Kho chứa thức ăn cần cách biệt với khu chăn nuôi, phải khô ráo, thoáng mát, được vệ sinh và tiêu độc khử trùng định kỳ.
Đồng thời, kiểm soát, ngăn ngừa chuột, côn trùng và các loài động vật là trung gian truyền lây mầm bệnh trong thiết kế chuồng trại cũng cần được lưu ý thực hiện có hiệu quả.
Giải pháp vệ sinh
Là giải pháp cơ bản tiếp theo có thể làm giảm hơn 50% yếu tố gây nhiễm bằng cách làm sạch, loại bỏ tất cả bụi bẩn và các chất hữu cơ chứa mầm bệnh tồn tại trên bề mặt các phương tiện vận chuyển, thiết bị, dụng cụ, quần áo, chuồng nuôi…
Vệ sinh đúng cách đòi hỏi phải thường xuyên quét dọn, chà sạch và rửa bằng vòi áp lực cao có sử dụng các chất tẩy rửa và nước. Vệ sinh làm sạch tốt sẽ quyết định hiệu quả của việc tiêu độc khử trùng sau này vì hóa chất tiêu độc khử trùng chỉ có hiệu quả tốt nhất trên các bề mặt sạch, nhiều hóa chất bị mất tác dụng bởi các chất hữu cơ.
Việc vệ sinh phải được thực hiện tại khu vực ngăn cách-trung gian trước khi con người, phương tiện, thiết bị, dụng cụ…ra vào khu vực chăn nuôi. Người ra vào cơ sở chăn nuôi phải chấp hành quy trình vệ sinh, tiêu độc khử trùng của cơ sở.
Giải pháp tiêu độc khử trùng
Là giải pháp cuối cùng, không thể thiếu trong 03 giải pháp cơ bản của các quy trình an toàn sinh học áp dụng cho cả hình thức chăn nuôi là quy mô nông hộ và quy mô trang trại. Tiêu độc khử trùng nhằm tiêu hủy các mầm bệnh còn sót lại sau khi đã tiến hành vệ sinh làm sạch.
Yêu cầu đầu tiên, bắt buộc của giải pháp này là phải sử dụng hóa chất tiêu độc khử trùng phải nằm trong danh mục sản phẩm được phép lưu hành tại Việt Nam. Việc pha chế, sử dụng hóa chất tiêu độc khử trùng phải tuân theo hướng dẫn của nhà sản xuất, với nồng độ và liều lượng chính xác để đảm bảo thời gian tiếp xúc của hóa chất khử trùng với bề mặt cần khử trùng, đảm bảo có thể tiêu hủy hoàn toàn mầm bệnh và an toàn cho người lao động, vật nuôi.
Hóa chất tiêu độc khử trùng phải phù hợp với đối tượng cần khử trùng; nên sử dụng luân phiên các nhóm hóa chất để hạn chế khả năng kháng hóa chất của mầm bệnh.
Trước cổng ra vào cơ sở chăn nuôi, lối ra vào chuồng nuôi cần có hố khử trùng và phương tiện, thiết bị khử trùng tiêu độc. Người lạ, khách tham quan, kể cả công nhân đối với các cơ sở chăn nuôi gia cầm quy mô lớn, trước khi vào khu vực chăn nuôi phải được khử trùng triệt để, sử dụng ủng bảo hộ và trang phục sẵn có của cơ sở chăn nuôi. Việc tiêu độc khử trùng cũng cần thực hiện tương tự với toàn bộ phương tiện vận chuyển, dụng cụ, thiết bị có liên quan.
Hình 4: Nhà khử trùng phương tiện vận chuyển vào cơ sở chăn nuôi gia cầm
Ngoài 03 giải pháp an toàn sinh học cơ bản nêu trên, giải pháp tiêm phòng vắc xin cũng có thể được xem là một “hàng rào” an toàn sinh học bảo vệ hiệu quả cho bất kỳ một cơ sở chăn nuôi gia cầm nào; đặc biệt là chăn nuôi theo quy mô nông hộ, khi mà chưa có được một quy trình an toàn sinh học được mô tả cụ thể như các trang trại chăn nuôi công nghiệp.
Và để thực hiện có hiệu quả giải pháp tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh Bình Dương, từ năm 2012 đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã có chính sách tiêm phòng miễn phí vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm cho các cơ sở chăn nuôi quy mô nông hộ có tổng đàn từ 2.000 con gia cầm trở xuống. Đàn gia cầm tại tất cả các hộ chăn nuôi theo tiêu chí này là đối tượng bắt buộc tiêm phòng, và được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí mua vắc xin cũng như kinh phí tiêm phòng. Các tổ chức, cá nhân chăn nuôi gia cầm có quy mô ngoài tiêu chí nêu trên (quy mô trang trại) sẽ tự đảm bảo kinh phí và tổ chức tiêm phòng vắc xin theo hướng dẫn của Cơ quan Thú y.
Trong những năm gần đây, trung bình hàng năm Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bình Dương đã trực tiếp thực hiện tiêm phòng được trên 3,3 triệu liều vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm cho khoảng 1,5 triệu con gia cầm chăn nuôi theo hình thức nông hộ, đạt trên 90% số lượng gia cầm thuộc diện phải tiêm phòng trong mỗi đợt tiêm phòng; qua đó đã đem lại hiệu quả tích cực trong công tác phòng chống dịch bệnh gia cầm trên địa bàn tỉnh.
Khi ngành công nghiệp chăn nuôi gia cầm tiếp tục phát triển và trở nên cạnh tranh, thì các giải pháp an toàn sinh học vững mạnh là điều cần thiết cho bất kỳ trang trại nào./.
Nguyễn Trung Nghĩa
Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh
Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bình Dương
Thông qua việc xây dựng các giải pháp an toàn sinh học kết hợp với tập huấn, đào tạo cho nhân viên có thể mang lại kết quả tốt hơn trong chăn nuôi, hạn chế tổn thất do dịch bệnh gây ra. Các giải pháp an toàn sinh học cần được xem là một phần của hệ thống chăn nuôi, sản xuất gia cầm; cần được xây dựng theo điều kiện cụ thể của từng cơ sở chăn nuôi; có khả năng thay đổi linh hoạt và phát triển phù hợp với tình hình chăn nuôi thực tế; đồng thời yêu cầu phải có sự thấu hiểu, trách nhiệm trong thái độ và hành vi của người chăn nuôi, của chủ trang trại và nhân viên để từ đó giảm thiểu rủi ro và cải thiện về sức khỏe vật nuôi, sản lượng và lợi nhuận.
- chăn nuôi gia cầm li>
- an toàn sinh học li>
- Bình Dương li> ul>
- Ảnh hưởng của chất béo đến năng suất, chất lượng và thành phần axit béo của trứng
- Nghiên cứu axit amin chỉ ra tiềm năng cho chế độ ăn ít protein hơn
- Bổ sung sắt uống để phòng ngừa thiếu máu ở heo con sơ sinh
- Rối loạn chất lượng thịt ức ở gà thịt hiện đại
- Vỏ yến mạch đang ngày càng phổ biến trong dinh dưỡng gia cầm
- 6 thành phần giàu chất xơ và lợi ích của chúng đối với người chăn nuôi gia cầm
- Lựa chọn chế độ ăn có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của gà thịt giống
- 6 điều có thể bạn chưa biết giúp thúc đẩy quá trình tổng hợp protein (tăng cơ bắp) ở heo
- Đất sét trao đổi ion trong thức ăn có thể thể hiện đặc tính kháng sinh
- Nghiên cứu đầu tiên về vi khuẩn nước bọt lợn cho thấy sự biến đổi cao
Tin mới nhất
T2,25/11/2024
- Bà Rịa – Vũng Tàu: Kiểm tra tỷ lệ bảo hộ sau tiêm phòng gia súc, gia cầm
- Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái
- Sản lượng lợn của Anh tháng 10/2024 tăng
- Nông dân sản xuất giỏi từ mô hình chăn nuôi dê
- Giới khoa học lo ngại ca H5N1 có dấu hiệu thích nghi với người
- Sắp diễn ra hội thảo, phổ biến áp dụng mô hình số trong quản lý tại các cơ sở chăn nuôi
- Ký kết hợp tác giữa Hội Chăn nuôi Việt Nam và Hiệp hội Thương nhân thịt Singapore
- Ảnh hưởng của chất béo đến năng suất, chất lượng và thành phần axit béo của trứng
- Nhập khẩu lúa mì 10 tháng đầu năm 2024 tăng cả lượng và kim ngạch
- Quảng Ninh: Móng Cái chủ động phòng dịch cho đàn vật nuôi
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
- Các quy trình ngoại khoa trên heo con và những vấn đề cần lưu ý
- Bệnh Dịch tả heo châu Phi: Làm tốt An toàn sinh học đến đâu, rủi ro bệnh càng thấp tới đó!
- Quy trình xử lí chuồng trại sau khi bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
- Bệnh gạo lợn: Những điều cần biết
Bình luận mới nhất