Bệnh cúm gia cầm và sự phức tạp của bệnh do virus cúm A/H5N6 gây ra - Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam
    • Giá heo (lợn) hơi miền Bắc từ 56.000 - 58.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Hà Nội, Hưng Yên 58.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi  Vĩnh Phúc 56.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi miền Trung và Tây Nguyên từ 55.000 - 58.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Quảng Trị 55.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Lâm Đồng, Bình Thuận 58.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Nghệ An 57.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi miền Nam từ 56.000 - 59.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Đồng Nai 58.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Bến Tre 56.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Kiên Giang 59.000 đ/kg
    •  
  • Bệnh cúm gia cầm và sự phức tạp của bệnh do virus cúm A/H5N6 gây ra

    [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Thời điểm hiện tại đang có nhiều yếu tố nguy cơ khiến bệnh cúm gia cầm trở lên phức tạp hơn rất nhiều so với trước đây. Để giảm thiểu thiệt hại do bệnh cúm gia cầm gây ra cần sự vào cuộc quyết tâm của cả xã hội, đặc biệt là hệ thống nhân y và thú y.

     

    1. Một số thông tin chung

     

    Bệnh cúm, cúm A và cúm gia cầm

             

    Virus cúm (nói chung) được chia thành 04 type là A, B, C và D. Virus cúm type A có tính đa vật chủ, gây bệnh trên nhiều loài động vật,là những virus có thể gây ra đại dịch cúm. Virus cúm type B và C gây ra bệnh cúm mùa ở người, thường chỉ gây triệu chứng nhẹ và không gây đại dịch. Virus cúm type D chủ yếu gây bệnh ở loài nhai lại và chưa thấy báo cáo gây bệnh ở người.

     

    Thế nào là H và N? Clade là gì?

             

    Virus cúm type A chia thành những phân nhóm (subtype) dựa vào hai protein bề mặt là protein H (hemagglutinin) và N (neuraminidase). Hiện tại người ta biết đến có 18 loại H và 11 loại N, nếu tổ hợp chập 2 giữa N và H sẽ có tới  198 phân nhóm cúm type A và trên thực tế  đã ghi nhận 131 phân nhóm xuất hiện trong tự nhiên. Khi phân loại nhỏ hơn phân nhóm (subtype) dựa vào sự khác biệt về gen, chúng ta có khái niệm “clade” – nhánh và “sub-clade” – phân nhánh (đôi khi có tài liệu gọi là “group” và “sub-group”).

    Hình 1. Virus cúm gia cầm. Nguồn: CDC (2019)

     

    Ở Việt Nam đã và đang lưu hành loại virus cúm gia cầm nào?

             

    Theo những dữ liệu được công bố bởi Cục Thú y và nghiên cứu của các nhà khoa học thì ở Việt Nam đã từng xuất hiện virus cúm gia cầm độc lực cao H5N1, H5N2, H5N6 và virus cúm gia cầm độc lực thấp là H6N1 và H9N2.

             

     

     

    H5N1: Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Việt Nam dịch cúm gia cầm xuất hiện từ cuối tháng 12/2003, tại trại gà giống của công ty C.P đóng tại xã Thuỷ Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây (cũ). Cùng thời gian này, dịch cũng xảy ở trại gà công ty Jafa tại Vĩnh Phúc sau đó lan ra các tỉnh phía Bắc và xuất hiện ở hai tỉnh phía Nam là Tiền Giang, Long An.

     

    Tiếp theo dịch lây lan nhanh chóng sang các tỉnh khác. Đã có 57/64 tỉnh thành có dịch cúm gia cầm vào năm 2004. Diễn biến dịch cúm A/H5N1 ở Việt nam theo từng năm (từ năm 2004 đến nay) có sự khác nhau. Giai đoạn cao điểm là vào tháng 2/2004 (bình quân mỗi ngày có khoảng 15-20 huyện phát sinh ổ dịch mới. Số gia cầm phải tiêu huỷ hàng ngày từ 2-3 triệu con, ngày cao điểm nhất phải tiêu huỷ 4 triệu con (Nguyễn Văn Cảm, 2011).

     

    Từ năm 2004-2014, Việt Nam đã ghi nhận 127 người mắc bệnh, trong đó có 64 người tử vong (chiếm 50,4%) vì mắc bệnh Cúm A/H5N1 (Cục Thú y, 2019). Kể từ khi xuất hiện ở Việt Nam, virus cúm gia cầm H5N1 đã xuất hiện những clade khác nhau như clade 1, clade 2.3.4, clade 2.3.2.1 a, b và c khiến hiệu quả của vắc xin không đạt được như mong đợi (Văn Đăng Kỳ, 2012).

             

    H5N2: Tháng 8 năm 2012, Nishi và cộng sự đã phân lập được virus cúm gia cầm H5N2 ở gà bán tại một số chợ gia cầm sống khu vực miền Bắc Việt Nam (Nishi và cộng sự, 2013). Từ đó đến nay, không có nghiên cứu hoặc ổ dịch nào phát hiện virus cúm gia cầm H5N2 ở Việt Nam

             

    H5N6: Dịch cúm gia cầm do virus H5N6 phát hiện ở Việt Nam vào tháng 4 năm 2014 tại Lạng Sơn và sau đó còn phát hiện ở nhiều tỉnh/thành khác thuộc miền Bắc và miền Trung. Lần đầu tiên dịch cúm gia cầm ở Việt Nam được phát hiện do 1 subtype khác, không phải H5N1 đã làm dấy lên những quan tâm về tỉ lệ nhiễm, nguồn gốc và sự tiến hóa của virus này.

     

    Trong 2 năm (2014-2015), qua thu thập và phân tích 18 mẫu virus cúm A/H5N6 từ các ổ dịch trên gia cầm ở các tỉnh thuộc miền Bắc và miền Trung cho thấy, các virus H5N6 Việt Nam có cùng kiểu phân nhánh ở tất cả các gene thành 2 dòng Tứ Xuyên và Giang Tây, Trung Quốc. Sự xuất hiện virus H5N6 là do sự tái tổ hợp của các virus cúm khác nhau, với gene HA từ virus cúm gia cầm cúm A/H5, clade 2.3.4.4, gene NA có nguồn gốc từ các virus cúm H6N6, các gene nội PB2, PB1, NP, PA, M, NS có nguồn gốc từ virus H5N1.

     

    Tuy nhiên, khác với các virus H5N6 dòng Tứ Xuyên, phần lớn các virus H5N6 dòng Giang Tây có sự thay thế gene PB2 từ các virus H6N6. Ngoài ra, dịch cúm H5N6 ở Việt Nam năm 2014 chủ yếu do dòng Tứ Xuyên, nhưng từ năm 2015 lại chủ yếu do dòng Giang Tây và có xu hướng thay thế các virus dòng Tứ Xuyên.

     

    Các kết quả này cũng gợi ý rằng sự tái tổ hợp liên tiếp đã làm xuất hiện những virus cúm A/H5N6 mới và tiềm ẩn nguy cơ những đợt dịch cúm lớn do virus A/H5N6 gây ra ở Việt Nam. (Nguyễn Đăng Thọ và cộng sự, 2017). Đặc biệt bệnh cúm gia cầm do virus cúm A/H5N6 có thể lây sang người và gây tử vong. Chính vì thế ở nơi có ổ dịch cúm , cần chú ý giám sát phát hiện và can thiệp kịp thời  những ca bệnh ở người  khi có dấu hiệu viêm đường hô hấp cấp hoặc viêm phổi mà bệnh nhân có tiền sử tiêp xúc  với gia cầm bệnh .

             

    Một số subtype khác: Ngoài những virus cúm type A độc lực cao, tại Việt Nam còn lưu hành một số virus cúm type A độc lực thấp như H6N1 và H9N2. Theo báo cáo của Hotta và cộng sự (2012), từ 1488 mẫu vịt thu thập vào năm 2009, nhóm nghiên cứu đã chẩn đoán và phân lập được 21 mẫu dương tính với virus cúm H6N1 và 01 mẫu dương tính với H9N2. Ở một nghiên cứu sau đó của Dương Mai Thúy và cộng sự (2016), trong số 468 mẫu dương tính cúm type A thu thập từ 7 tỉnh phía Bắc Việt Nam, có 422 mẫu dương tính với H9 và 22 mẫu dương tính với H5. Kết quả giải trình tự một số chủng đại diện cho thấy có sự hiện diện của virus cúm type A/H9N2 và A/H5N6. Hiện tại ở Việt Nam chưa thấy có báo cáo về sự xuất hiện của virus cúm H7N9.

     

    2. Bệnh cúm gia cầm do virus cúm A/H5N6

             

    Kể từ khi phát hiện cúm gia cầm H5N6 tại Việt Nam ở tỉnh Lạng Sơn, virus cúm H5N6 đã lưu cữu và gây bệnh cho đàn gia cầm liên tục qua các năm. Tỷ lệ dương tính cúm H5N6 trong những mẫu swab tại chợ gia cầm trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là 4,52% (Nguyễn Thị Lan và cộng sự, 2017).

     

    Kết quả giám sát tại 26 tỉnh thành phố có tỷ lệ dương tính với virus cúm A/H5N6 là 1,82% (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 2020). Virus cúm gia cầm H5N6 có sự đa dạng về các clade gồm cả clade 2.3.4.4.B và 2.3.4.4C (Phạm Hồng Kỳ và cộng sự, 2018). Từ đầu năm 2020 đến ngày 13/02/2020 cả nước có 10 ổ dịch cúm gia cầm do virus cúm A/H5N6 gây ra, buộc phải tiêu hủy 43000 gia cầm tại 5 tỉnh, thành phố gồm Bắc Ninh, Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Nghệ An.

     

    Tại Việt Nam hiện đang sử dụng một số loại vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm trong đó có vắc xin Navet-Vifluvac, vắc xin Re-5 và vắc xin Re-6 nhập trừ Trung Quốc. Kết quả xét nghiệm huyết thanh gà sau tiêm phòng bằng phương pháp HI, dùng kháng nguyên đồng chủng với kháng nguyên trong vacxin cho thấy: vacxin Navet-Vifluvac kích thích gà tạo kháng thể với hiệu giá 4,3log2; với vacxin Re-5, hiệu giá kháng thể là 7,8log2 và với vacxin Re-6, hiệu giá kháng thể là 5,3log2. Sau khi công cường độc bằng virus A/H5N6 clade 2.3.4.4B, cả 3 loại vắc xin đều có khả năng bảo hộ 70% đối với gà được tiêm phòng. Gà của tất cả 3 nhóm tiêm vacxin đều bài thải virus trong 10 ngày sau khi công cường độc (Nguyễn Văn Lâm và cộng sự, 2018).

     

    Mặc dù chưa ghi nhận ca mắc cúm A/H5N6 ở người tại Việt Nam nhưng nguy cơ của sự lây nhiễm luôn hiện hữu. Tsunekuni và cộng sự (2019) đã phân lập virus cúm A/H5N6 từ thủy cầm tại Long An và cho biết chủng virus phân lập được này (ký hiệu A/Muscovy duck/Long An/AI470/2018; AI470) có sự tương đồng từ 99,4 đến 99,9% với chủng A/Guangxi/32797/2018, một chủng virus cúm gia cầm lây nhiễm sang người ở Trung Quốc năm 2018.

    Cán bộ thú y lấy mẫu huyết thanh trên gia cầm tại một chợ đầu mối thuộc địa bàn thành phố Hà Nội (Ảnh: Nguyễn Ngọc Sơn)

             

    Thời điểm hiện tại đang có nhiều yếu tố nguy cơ khiến bệnh cúm gia cầm trở lên phức tạp hơn rất nhiều so với trước đây như: (1) Mùa đông xuân với khí hậu lạnh và thay đổi liên tục làm sức đề kháng của động vật giảm, virus tồn tại lâu ở ngoài môi trường có cơ hội xâm nhập và gây bệnh; (2) Tập quán ăn thịt  gà được  giết mổ trực tiếp tại chợ vẫn duy trì khiến virus có điều kiện reo rắc và nhiễm từ động vật sang người; (3) Cùng một thời điểm có sự xuất hiện của nhiều type và subtype virus như H5N1, H5N6 với các clade đa dạng khiến virus có thể trao đổi, đột biến và gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng. Để giảm thiểu thiệt hại do bệnh cúm gia cầm gây ra cần sự vào cuộc quyết tâm của cả xã hội, đặc biệt là  hệ thống nhân y và thú y.

     

    PGS TS Nguyễn Bá Hiên,

    TS Đặng Hữu Anh

    (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) tổng hợp

     

    Tài liệu tham khảo

     

    Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2020). Công điện khẩn số 735/CĐ-BNN-TY ngày 03 tháng 02 năm 2020 về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Cúm gia cầm

    Cảm, N. V. Hiệu quả của các biện pháp giám sát cúm gia cầm ở Việt Nam. Tạp chí Khoa học kỹ thuật Thú y18(2), 81-83.

    CDC (2019): https://www.cdc.gov/flu/about/viruses/types.htm

    Cục Thú y (2019). http://www.cucthuy.gov.vn/Pages/hoi-nghi-trien-khai-ke-hoach-quoc-gia-phong-chong-benh-cum-gia-cam-giai-doan-2019–2025.aspx

    Hotta, K., Takakuwa, H., Le, Q. M. T., Phuong, S. L., Murase, T., Ono, E., Ito, T., Otsuki, K. & Yamashiro, T. (2012). Isolation and characterization of H6N1 and H9N2 avian influenza viruses from Ducks in Hanoi, Vietnam. Virus research163(2), 448-453.

    Kỳ, P. H., Hằng, P. M., & Không, N. V. Sinh thái dịch tễ học cúm A/H5 tại Quảng Bình. Tạp chí Khoa học kỹ thuật Thú y, (1), 18.

    Lâm, N. V., Thành, T. L., Đăng, N. H., & Thọ, N. Đ. Hiệu lực một số loại vacxin cúm gia cầm sử dụng trên gà chống lại virus cúm A/H5N6 CLADE 2.3. 4.4 B. Tạp chí Khoa học kỹ thuật Thú y, (1), 11.

    Lan, N. T., Thạch, P. N., Thâu, T. Đ., Ngân, P. H., & Anh, Đ. L. Giám sát sự lưu hành virus cúm A/H5N6 trên đàn gia cầm tỉnh Lạng Sơn bằng phương pháp realtime-PCR. Tạp chí Khoa học kỹ thuật Thú y, 24(2), 5.

    Nguyễn Bá Hiên ; Phạm Sỹ Lăng ; Nguyễn Thị Lan; Nguyễn Tùng; Đỗ Ngọc Thúy ; Trần Quang Vui; Huỳnh Mỹ Lệ ; TRịnh Đình Thâu ; Lê Văn Phan ; Phạm Đức Phúc ; Phạm Thị Mỹ Dung (2014) Bệnh cúm ở người và động vật . NXB Nông nghiệp , Hà Nội.

    Nguyễn Đăng Thọ, Cấn Xuân Minh Đỗ Thị Hoa, Nguyễn Hoàng Đăng, Đàm Thị Vui, Mai Thùy Dương, Nguyễn Viết Không, Tô Long Thành (2017). Sự phát sinh virus cúm A/H5N6 ở Việt Nam. Tạp chí Khoa học kỹ thuật Thú y24(3), 14.

    Nishi, T., Okamatsu, M., Sakurai, K., Huy, C. D., Long, P. T., Long, N. V., Nam, H. V., Diep, N. T., Sakoda, Y. & Kida, H. (2013). Genetic analysis of an H5N2 highly pathogenic avian influenza virus isolated from a chicken in a live bird market in Northern Vietnam in 2012. Journal of Veterinary Medical Science, 13-0311.

    Thuy, D. M., Peacock, T. P., Bich, V. T. N., Fabrizio, T., Hoang, D. N., Tho, N. D., Diep, N. T., Minh, N., Hoa, L. N. M., Trang, H. T. T., Choisy, M., Inui, K., Newman, S., Trung, N. V., van Doorn, R., Thanh, T. L., Iqbal, M. & Bryant, J. E. (2016). Prevalence and diversity of H9N2 avian influenza in chickens of Northern Vietnam, 2014. Infection, Genetics and Evolution44, 530-540.

    Tsunekuni, R., Sudo, K., Nguyen, P. T., Luu, B. D., Phuong, T. D., Tan, T. M., Tung, N., Mine J., Nakayama, M., Tanikawa, T., Sharshov, K., Takemae, N. and Saito, T. (2019). Isolation of highly pathogenic H5N6 avian influenza virus in Southern Vietnam with genetic similarity to those infecting humans in China. Transboundary and emerging diseases, 66(6), 2209-2217.

    Văn Đăng Kỳ (2012). Dịch cúm gia cầm từ đầu năm 2012 đến nay và các biện pháp phòng chống. Tạp chí Khoa học kỹ thuật Thú y19(5), 79-84.

    Để lại comment của bạn

    Bình luận mới nhất

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Theo UBND xã Minh Châu – Ba Vì – Hà Nội, xác định lợi thế về đất đai, khí hậu nên những năm qua đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp là chính, trong đó xã tập trung đến phát triển chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt. […]

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Trong bối cảnh bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại TP Hồ Chí Minh, thành phố càng nỗ lực thực hiện các biện pháp kiểm soát chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ gắt gao. Hơn nữa, khảo sát một đêm tại thị trường […]

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Anh Trần Văn Toản, ở khu vực Bình Yên B, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ là người đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long mở trang trại nuôi chim công rất thành công mà cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.   1/ […]

    • Giống chim này có khả năng thích ứng cao với điều kiện khí hậu ở nước ta, tỷ lệ nuôi sống đạt 94-99%.

    • Để đàn gà sinh trưởng phát triển tốt có tỷ lệ sống cao cần thực hiện tốt kỹ thuật úm gà con

    • Việt Nam cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… là những nước đã nuôi trồng thành công đông trùng hạ thảo.

    • Gà vảy cá được mệnh danh là “mỹ kê” đã được nhiều đại gia Việt sẵn sàng chi tiền triệu để hữu cặp gà vảy cá đẹp.

    • Cừu chính là loài vật nuôi thích hợp với những điều kiện khắc nghiệt của vùng đất Ninh Thuận.

    • Nghề nuôi chim cút đẻ hiện đang phổ biến ở rất nhiều hộ gia đình tại các địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế khá.

    • Tỉnh Phú Thọ với địa hình đa dạng: nhiều gò, đồi thấp, dải đồng bằng thuận lợi cho chăn nuôi, trong đó, có chăn nuôi gà lông màu.