(Trích tài liệu hội thảo “Kiểm soát bệnh dịch tả heo châu phi: Góc nhìn khoa học và thực tiễn” do Chi hội Chăn nuôi Cần Thơ tổ chức ngày 16/10/2022 dưới sự bảo trợ của của Hội Chăn nuôi Việt Nam và sự phối hợp của Trường Đại học Lâm nghiệp – Phân hiệu Đồng Nai)
21). DTHCP nguy hiểm như thế nào?
Với hơn 100 năm tồn tại của bệnh DTHCP mà vẫn chưa tìm được vaccine và chiến lược kiểm soát hiệu quả, bệnh DTHCP thực sự là một “thách thức thế kỷ của ngành chăn nuôi heo”, không chỉ ở khía cạnh kiểm soát, phòng chống, mà cả ở phương diện khoa học. Sự xuất hiện của bệnh DTHCP không chỉ đã làm cho ngành chăn nuôi heo trên thế giới thay đổi, mà còn khiến cho những hiểu biết của con người về sinh học, di truyền, bệnh học, dịch tễ, miễn dịch và vaccine của virus trở nên lạc hậu. Virus DTHCP dường như thách thức tất cả những biện pháp mà chúng ta đã từng áp dụng thành công trong kiểm soát các bệnh khác do virus gây ra trên heo. Với bệnh DTHCP, chúng ta dường như đã phải làm mới lại chính chúng ta, thay đổi những quan niệm cũ và tìm kiếm cách tiếp cận mới hiệu quả hơn trong kiểm soát bệnh do virus.
Tình hình bệnh DTHCP tại châu Âu và trên thế giới đã hoàn toàn thay đổi kể từ năm 2007, khi bệnh xuất hiện tại Georgia, quốc gia vùng Caucasus, Moldova, Nga, Ukraine, và Belarus, tiếp theo là Ba Lan, 3 nước vùng Baltic là Estonia, Latvia và Litva vào năm 2014, Belgium, Hungary, Czech Republic, Romania, Bulgaria, Slovakia, và Serbia vào năm 2018. Và đặc biệt nghiêm trọng là, ngày 01/08/2018, bệnh DTHCP đã lây truyền sang Trung quốc, quốc gia có đàn heo chiếm phân nửa của thế giới, và sau đó nhanh chóng lây truyền đến nhiều nước lân cận như Mongolia, Vietnam, Cambodia, Hong Kong, Norht Korea, Laos, Philippines, Myanmar, South Korea, Timor-Leste, Indonesia, Papua New Guinea, India, Malaysia, Bhutan và mới nhất là Thái lan. Từ tháng 01/2020 đến tháng 01/2022, OIE (2022) đã ghi nhận bệnh DTHCP đã xảy ra ở cả 5 châu: châu Phi, châu Mỹ, châu Á, châu Âu và châu Đại dương, với hơn 1.600.000 heo bị chết và tiêu huỷ.
Tại Việt Nam, bệnh DTHCP được ghi nhận chính thức vào ngày 19/02/2019 và chỉ sau 6 tháng, đến 30/08/2019, bệnh đã xảy ra ở toàn bộ 63 tỉnh, thành, với gần 6 triệu heo bị tiêu huỷ. Dù đã áp dụng nhiều biện pháp để kiểm soát, cho đến nay bệnh vẫn tiếp tục xảy ra tại một số địa phương, với khoảng 90 ngàn heo bị tiêu huỷ vào năm 2020 và đến tháng 11/2021 đã có hơn 230 ngàn heo bị tiêu huỷ do bệnh DTHCP tại 2.275 xã thuộc 57 tỉnh và thành ở Việt Nam (32/CT-TTg, 2021). Đến ngày 10/08/2022 theo báo Tuổi trẻ, từ đầu năm 2022 đến nay, bệnh dịch tả heo châu Phi xảy ra tại hơn 840 xã thuộc 246 huyện của 48 tỉnh, thành phố, số heo tiêu hủy hơn 41.000 con. Hiện nay, cả nước có 117 ổ dịch tại 49 huyện của 16 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày.
Bệnh xảy ra ở mọi đối tượng heo và có thể gây chết 100% heo nhiễm với chủng virus DTHCP độc lực cao, khoảng 70 – 100% nếu heo nhiễm chủng virus DTHCP độc lực trung bình, 10 – 20% khi heo nhiễm chủng virus DTHCP độc lực thấp.
Ngoài gây ra thể bệnh cấp, virus DTHCP còn gây ra các thể bệnh mãn, thể cận lâm sàng không triệu trứng, và nhiễm dai dẳng trên đàn heo, khó chẩn đoán, gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi heo.
Virus DTHCP có đến 24 kiểu gen, đa dạng về độc lực, biến đổi về lâm sàng và phức tạp về miễn dịch khiến việc chẩn đoán bệnh kể cả lâm sàng và phi lâm sàng đều gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, nhiều trường hợp thực tế bệnh DTHCP hiện nay không phát hiện được virus DTHCP trong mẫu bệnh phẩm thường quy lấy từ heo bệnh, kể cả bằng phương pháp realtime PCR. Điều này khiến việc loại trừ heo bệnh, kiểm soát nguồn lây nhiễm virus DTHCP trở nên khó khăn và kém hiệu quả, virus có cơ hội tồn tại và lây truyền cao hơn.
Virus có thể lây lan qua nhiều con đường khác nhau (có thể kể cả tiền); và lây lan nhanh nếu không làm tốt ATSH.
Tình trạng lưu nhiễm virus DTHCP không triệu chứng, xét nghiệm không phát hiện được virus trên đàn sinh sản khá phổ biến hiện nay tại Việt Nam. Điều này khiến việc kiểm soát nhập đàn, tăng đàn, tái đàn đối mặt rủi ro lớn với sự lây nhiễm âm thầm virus DTHCP, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho ngành chăn nuôi heo. Trong khi, hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh hiệu quả và an toàn.
Chủ Tịch Đoàn tại buổi Hội thảo (từ trái sang phải): PGS.TS. Đỗ Võ Anh Khoa (Viện Chăn nuôi), PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hải (Trường ĐH Nông Lâm TPHCM), Ô. Nguyễn Trí Công (Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai), PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hoài (Trường ĐH Quốc tế TP.HCM), PGS.TS. Nguyễn Đức Hoàng (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM)
Đại biểu thảo luận sôi nổi trong quá trình hội thảo diễn ra
22). DTHCP có lây truyền trên heo rừng lai hay không? tỷ lệ mắc bệnh có cao hay không? (một số thông tin cho rằng sức đề kháng của heo rừng lai rất cao, nên ti lệ bệnh mắc không cao)
Tuy tất cả các loài heo trong họ Suidae (bushpigs, warthogs, feral pigs, và heo nhà) đều có thể bị cảm nhiễm virus DTHCP, nhưng chủ yếu là heo nhà, heo hoang (Sus scrofa), và heo rừng Á-Âu (Sus scrofa scrofa). Mức độ nghiêm trọng của bệnh do virus DTHCP không giống nhau ở các loài heo. Heo rừng thường nhiễm virus ở dạng mang trùng, không có triệu chứng; trong khi heo nhà nhiễm virus sẽ có biểu hiện lâm sàng rất nghiêm trọng và tỷ lệ chết mắc có thể đến 100%. Các báo cáo hiện nay chỉ ghi nhận khả năng cảm nhiễm của các loài heo rừng ở châu Á nói chung, nhưng chưa có ghi nhận về DTHCP trên các loài heo rừng khu vực Đông Nam Á. Khác với khu vực châu Âu, heo rừng ở Đông Nam Á chủ yếu gồm một số phân loài Sus scrofa moupinensis (Việt Nam), Sus scrofa jubatus (Thái lan) và Sus scrofa vittatus (Malaysia, Indonesia). Virus DTHCP có thể tồn tại và lưu hành trong quần thể heo rừng một thời gian dài, trong nhiều năm, ngay cả khi không có sự lây truyền virus sang heo nhà. Vai trò nhiễm và lây truyền virus DTHCP do các loài heo hoang, heo rừng đã được báo cáo bởi Dixon et al, (2020)
Vai trò dịch tễ của một số loài heo trong sự lây truyền virus DTHCP (Dixon et al, 2020)
Đặc điểm |
Heo rừng (Sus scrofa) |
Bushpig (Potamochoerus larvatus) |
Red river hog (P. porcus) |
Warthog (Phacochoerus africanus) |
Giant forest hog (Hylochoerus meinertzhageni) |
Khu vực |
Châu Âu và châu Á |
Đông và Nam Phi, Madagascar |
Trung Phi |
Vùng đồng cỏ châu Phi |
Đông và Trung Phi |
Phát hiện virus trong quần thể tự nhiên |
Có |
Có |
Không |
Có |
Có |
Sự đề kháng |
Không |
Có |
Có thể |
Có |
Có |
Chết khi nhiễm |
Có |
Không |
Chưa có báo cáo |
Không |
Không |
Tồn tại của virus trong quần thể |
Có |
Chưa rõ |
Chưa rõ |
Chỉ có ở ve mềm argasid |
Chưa rõ |
Lây truyền ngang |
Có |
Không |
Chưa rõ |
Chưa rõ |
Chưa rõ |
Theo báo cáo của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), từ năm 2000 đến tháng 24/02/2022, đã có nhiều ổ dịch bệnh DTHCP ở heo nhà và heo rừng trên khắp 5 Châu .
Tình hình dịch DTHCP trên thế giới từ 2020 đến 24/02/2022 (ASF situation report 6, OIE, 2022)
Khu vực |
Ổ dịch |
Ca bệnh |
Số heo nhà chết và tiêu huỷ |
||
Heo nhà |
Heo rừng |
Heo nhà |
Heo rừng |
||
Châu Phi |
155 |
|
13.003 |
|
20.350 |
Châu Mỹ |
225 |
|
8.642 |
|
15.130 |
Châu Á |
1.077 |
1.518 |
89.682 |
1.707 |
399.425 |
Châu Âu |
3.414 |
17.084 |
963.484 |
29.091 |
1.337.161 |
Châu Đại dương |
4 |
|
500 |
|
397 |
Tổng |
4.875 |
18.603 |
1.075.311 |
30.798 |
1.772.463 |
Virus DTHCP cũng đã được phát hiện trong tuỷ xương, thịt và phân của xác heo rừng chết ở xung quanh khu vực có dịch DTHCP trên đàn heo nhà tại Lào và Việt Nam. Điều này cho thấy, các loài heo rừng tại Đông Nam Á, cụ thể là tại Lào và Việt Nam, có khả năng cảm nhiễm virus DTHCP.
23). Cách thức nâng cao hệ thống phòng chống dịch của hộ chăn nuôi gia đình?
Các hộ chăn nuôi nhỏ thường không có điều kiện để đầu tư cũng như áp dụng đầy đủ các biện pháp ATSH như các trại lớn. Việc tăng cường các biện pháp ATSH tại các hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ nhằm mục tiêu hạn chế sự xâm nhiễm của các mầm bệnh mới, sự phát tán, lây truyền virus DTHCP sang các trại và khu vực lân cận. Để có thể kiểm soát DTHCP tốt, ATSH không thể chỉ thực hiện ở các trại lớn mà cả ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Vì thế cần phải xây dựng quy trình kiểm soát virus DTHCP với các biện pháp ATSH thích hợp cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, bao gồm:
- Không sử dụng thức ăn thừa nhà bếp;
- Không sử dụng rau, củ thu hái từ khu vực có nguy cơ vấy nhiễm virus DTHCP;
- Mua heo từ nguồn có chứng nhận âm tính với virus DTHCP;
- Không để heo ra khỏi chuồng;
- Chỉ những người có trách nhiệm chăm sóc heo mới được vào chuồng heo;
- Người chăm sóc heo phải mặc quần áo sử dụng riêng trong chuồng heo và sau khi xong việc phải thay ra và để lại tại khu vực chuồng heo;
- Không được phép mang thực phẩm, ngoài thức ăn dành cho heo, vào trong chuồng heo;
- Người chăm sóc heo phải rửa tay cẩn thận bằng xà bông sát khuẩn trước khi vào và khi ra khỏi chuồng heo;
- Đặt chậu chứa chất sát trùng ủng ngay trước lối vào chuồng heo;
- Tiêu huỷ xác của heo chết bằng cách chôn kỹ hoặc đốt;
- Rắc vôi bột sát trùng xung quang chuồng và lối vào;
- Chủ hộ chăn nuôi heo và người chăm sóc heo không nên đến thăm các trại heo khác;
- Không mổ khám và thông báo cho thú y nhanh nhất có thể các ca bệnh – chết;
- Khi giết mổ heo tại nhà phải có sự giám sát của bác sỹ thú y.
Biện pháp an toàn sinh học theo phương thức lây truyền virus DTHCP
Phương thức lây truyền |
Biện pháp ATSH |
Tiếp xúc trực tiếp với heo nhiễm virus DTHCP |
Nuôi nhốt heo trong chuồng vách kín; Nhập heo từ nơi cung cấp an toàn; Cách ly và theo dõi heo mới nhập về trong vòng ít nhất 15 ngày; Cách ly bất kỳ heo có triệu chứng lâm sàng. |
Nuốt vật chứa virus DTHCP |
Không cho heo ăn thức ăn thừa có chứa thịt; Nấu chín thức ăn thừa trước khi cho heo ăn; Không để heo thả rông; Xử lý an toàn vật chất nhiễm virus DTHCP (xác heo chết, chất thải giết mổ). |
Tiếp xúc với người, vật dụng, thiết bị, phương tiện… nhiễm virus DTHCP |
Hạn chế cho người vào trại; Thay ủng khi ra vào trại; Chà rửa sạch chất bám và tiệt trùng ủng; Không sử dụng chung dụng cụ, thiết bị nếu chưa vệ sinh – tiêu độc; |
Ve từ heo rừng |
Nhốt heo nuôi không cho tiếp xúc với heo rừng; |
Ruồi hút máu |
Xử lý khu vực nơi cư trú của ruồi. Diệt ruồi. |
Ngoài ra, người chăn nuôi cần (1) Hiểu rõ và thực hiện tốt các vấn đề về ATSH (bao gồm thực hiện tốt các quy trình chăn nuôi thường quy, (2) Nâng cao sức khỏe/ hệ miễn dịch cho heo); (3) Kiểm soát tốt các bệnh thông thường; (4) Sử dụng thuốc sát trùng đúng cách và hiệu quả; Sử dụng chất hỗ trợ, tăng cường miễn dịch trong trường hợp thời tiết thay đổi, stress, áp lực dịch bệnh trong vùng tăng,…; (5) Thực hiện tốt 5S trong chăn nuôi.
Thực hiện tốt 5s là góp công lớn trong công tác ATSH, bảo vệ sức khỏe vật nuôi
24). Cách xử lí chuồng trại khi bị nhiễm DTHCP?
Cần thực hiện quy trình vệ sinh – tiêu độc theo 7 bước: (1) Vệ sinh khô (dọn dẹp sạch chất thải khô); (2) Vệ sinh ướt (xịt rửa sạch chất bẩn còn lại trên nền, sàn; (3) Ngâm – tẩy; (4) Để khô; (5) Phun thuốc sát trùng; (6) Để khô; (7) Kiểm tra, xét nghiệm, đánh giá hiệu quả của quy trình.
Kiểm tra hiệu quả của quy trình vệ sinh – tiêu độc
Sau khi việc vệ sinh – tiêu độc được thực hiện xong cần phải tiến hành kiểm tra, đánh giá để đảm bảo tất cả các yếu tố liên quan đều được thực hiện theo đúng yêu cầu, bao gồm: (1) Tất cả nhân viên đều nhận thức được và thực hành các biện pháp vệ sinh – tiêu độc cho bản thân và các trang thiết bị, vật dụng cá nhân; (2) Tất cả các khu vực vấy nhiễm đều được xác định và được vệ sinh – tiêu độc; (3) Các chất thải lớn như phân, thức ăn không sử dụng, chất lót chuồng đều được dọn sạch và xử lý đúng quy trình ATSH; (4) Tất cả các vật dụng, thiết bị bằng gỗ hoặc khó tiêu độc bằng chất sát trùng được loại bỏ và xử lý theo quy trình ATSH, đảm bảo nguy cơ phát tán mầm bệnh ở mức thấp nhất (ví dụ như chôn, đốt, ủ phân); (5) Tất cả thiết bị có thể tháo dỡ phải được tháo dỡ và được vệ sinh – tiêu độc; (6) Tất cả các khu vực nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm phải được dọn sạch sẽ, xịt – rửa và tiêu độc; (7) Lựa chọn chất sát trùng phù hợp và sử dụng theo nồng độ được khuyến cáo; (8) Đảm bảo thời gian tiếp xúc của thuốc sát trùng đúng theo khuyến cáo của từng loại thuốc; (9) Nước thải từ quy trình vệ sinh – tiêu độc phải được thu gom và xử lý sao cho làm giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường.
Trong trường hợp kết quả kiểm tra và đánh giá sau vệ sinh – tiêu độc cho thấy có điều bất thường, quy trình tiêu độc – sát trùng phải được điều chỉnh cho phù hợp và thực hiện lại việc vệ sinh – tiêu độc.
Một số loại thuốc sát trùng, công dụng và cách thức sử dụng trong thực hiện vệ sinh – tiêu độc virus DTHCP đã được cơ quan thú y Úc cũng có những khuyến cáo cụ thể như bảng dưới đây.
Chất sát trùng được cơ quan thú y Úc khuyến cáo sử dụng trong tiêu độc virus DHTCP, (Neumann et al., 2021).
Chất sát trùng |
Cách dùng |
494 g/ kg potassium peroxymonosulfate triple salt, 132 g/ kg sodium dodecylbenzene sulfonate, 44 g/ kg sulfamic acid và 15 g/ kg sodium chloride |
Liều cuối: dung dịch 2–3% (tương đương 20 g/L); Ngâm quần áo, vật dụng nhỏ và dụng cụ ít nhất 10 phút; Bề mặt: phun 1–1.5 lít dung dịch/ m2. Không sử dụng máy phun xịt cao áp. Dọn sạch chất hữu cơ trước khi phun. |
Sodium hypochlorite 125 g/L |
Liều cuối: dung dịch 0,5% (tương đương 40 mL/L); Ngâm quần áo, ủng và vật dụng nhỏ ít nhất 15 – 30 phút; Bề mặt: phun 1–1,5 lít dung dịch/ m2 và ngâm 15 phút đối với bề mặt không có lỗ nhỏ và 30 phút đối với bề mặt có lỗ nhỏ. |
Calcium hypochlorite 700 g/kg |
Liều cuối: dung dịch 0,5% (tương đương 7,2 mL/L) trong 10 – 30 phút. |
Sodium hydroxide 400 g/L |
Liều cuối: dung dịch 2% (tương đương 50 mL/L); Ngâm quần áo, ủng và vật dụng nhỏ ít nhất 10 phút; Bề mặt: phun 1–1,5 lít dung dịch/ m2 và ngâm ít nhất 10 phút. |
Sodium carbonate anhydrous |
Liều cuối: dung dịch 4% (tương đương 40 g/L) trong 20 phút. |
Sodium carbonate washing soda |
Liều cuối: dung dịch 10% (tương đương 100 g/L) trong 30 phút. |
Glutaraldehyde with quaternary ammonium |
Liều cuối: dung dịch 2% (tương đương 133 mL/L); Làm sạch dụng cụ với xà bông hoặc chất tẩy rửa, tráng lại với nước. Ngâm ít nhất 10 min ở 35OC hoặc 20 phút ở 25OC. Duy trì pH > 7. Hiệu quả sẽ tăng khi sử dụng dung dịch ở nhiệt độ 60OC. |
Citric acid |
Liều cuối: dung dịch 3% (tương đương 30 g/L) Đối với bề mặt không có lỗ nhỏ trong 15 phút; bề mặt có lỗ nhỏ trong 30 phút. |
Dung dịch sát trùng phải được pha đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất để đảm bảo nồng độ, pH, nhiệt độ, và thời gian tiếp xúc của thuốc và chỉ được pha khi cần sử dụng Cần lưu ý là không pha lẫn các thuốc sát trùng vì có thể làm giảm hiệu quả của thuốc, hoặc gây ra các phản ứng tạo ra khí độc trong quá trình sử dụng.
Cần áp dụng quy trình vệ sinh tiêu độc thường quy ít nhất 1 lần/ ngày, thực hiện vệ sinh – tiêu độc kỹ ở mọi ngóc ngách trong và ngoài khuôn viên trại;
Tập trung xử lý, tiêu độc nơi xử lý chất thải (phân/xác heo, nhau heo,…), không đào xới những nơi từng chôn heo (virus tồn tại trong xương ống đến vài năm), đặc biệt là khi trại/ nơi chôn heo bị úng ngập;
Tần số vệ sinh tiêu độc phụ thuộc vào áp lực và tốc độ lây lan của bệnh. Trường hợp áp lực lớn phải tiêu độc ít nhất 2 lần/ngày (trưa và chiều) và mở rộng bán kính tiêu độc trong và ngoài chuồng.
25). Làm thế nào để vô hiệu hóa virus DTHCP?
Đảm bảo 2 nguyên tắc vàng: (1) An toàn tuyệt đối là xử lý vệ sinh – tiêu độc nghiêm ngặt tất cả các yếu tố, tác nhân, ra vào trại, đảm bảo virus DTHCP không tồn tại hoặc không sống sót để vào trong trại và (2) Cảnh giác tuyệt đối là phát hiện sớm nhất heo bệnh – loại thải nhanh nhất và cô lập triệt để nhất tác nhân mang virus DTHCP.
Thực hiện vệ sinh – tiêu độc chuồng trại, môi trường, xử lý chất thải như đã trình bày trong các câu hỏi khác;
Ngoài ra cần thực hiện vệ sinh – tiêu độc tất cả vật dụng, thiết bị, phương tiện, con người… ra vào trại. Đối với người cần thiết kế hệ thống vệ sinh –tiêu độc với chất sát trùng an toàn cho người. Đối với dụng cụ, thiết bị, vật tư… không phun được thuốc sát trùng thì cần sử dụng hệ thống tia C của tia UV để tiêu diệt virus DTHCP với thời gian xử lý khoảng là 30 phút.
Không sử dụng thực phẩm thừa nhà bếp để cho heo ăn. Trong trường hợp buộc phải sử dụng, các nguồn thực phẩm thừa này phải được xử lý nhiệt ở nhiệt độ không thấp hơn 70OC trong ít nhất 30 phút khi nhiệt độ đã đạt được mức quy định và thức ăn được đảo đều.
26). Với các trang trại tư nhân nhỏ với số lượng 80 nái, 500 heo hậu bị thì cách xử lý tối ưu nhất khi phát hiện dịch bệnh (vừa nhận được kết quả xét nghiệm mẫu)? Ngoài việc xét nghiệm mẫu có cách nào để phát hiện bệnh nhanh nhất và chính xác nhất khi vừa nghi có dấu hiệu DTHCP?
Quy mô không quan trọng. Bệnh có thể xảy ra ở mọi quy mô, kiểu trang trại. Việc xử lý khi phát hiện bệnh DTHCP trong trại về cơ bản được thực hiện như nhau. Tuỳ theo mục tiêu mà cách xử lý có thể khác nhau: (1) Loại trừ sạch bệnh; (2) Tạm giữ đàn để giảm thiệt hại kinh tế. Các giải pháp áp dụng cho việc loại trừ sạch bệnh được áp dụng như nhau cho tất cả các loại hình chăn nuôi heo. Riêng nếu muốn giữ đàn, giảm thiệt hại kinh tế tạm thời thì tuỳ theo mô hình chăn nuôi, điều kiện thực tế có thể xử lý khác nhau. Tuy nhiên vẫn áp dụng chung 2 nguyên tắc vàng đó là: an toàn tuyệt đối và cảnh giác tuyệt đối. Để giữ đàn, giảm thiệt hại kinh tế có thể áp dụng các biện pháp sau:
Kháng nguyên dương tính:
Trại nái: (1) nuôi theo hệ thống chuồng cá thể; tiêu hủy ngay lập tức cá thể dương tính, không bán chạy. Cách ly và lấy mẫu xét nghiệm ít nhất 2 heo bên trái và phải của heo bệnh (được tạm hiểu là F1, tuy nhiên thực tế heo bệnh chưa hẳn là F0), nếu dương tính thì tiêu huỷ như heo bệnh. Nếu âm tính vẫn phải cách ly và chờ 1 tuần sau tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm. Nếu kết quả dương tính với virus DTHCP thì tiêu huỷ, nếu âm tính có thể giữ lại đàn nái. Trong trường hợp muốn nâng cao ATSH thì có thể loại trực tiếp 2 heo này mà không cần xét nghiệm. Thực hiện nghiêm ngặt ATSH người và phương tiện liên quan đến khu chuồng có heo bệnh, chống nhiễm chéo giữa các ô chuồng, khu chuồng, trại. Tiến hành vệ sinh – tiêu độc sát trùng tăng cường 2 lần/ ngày khu vực chuồng/ trại có heo bệnh; (2) nuôi nhốt chuồng nhóm; tiêu huỷ toàn bộ heo trong nhóm. Tiến hành vệ sinh – tiêu độc toàn bộ chuồng, kể cả trần, theo đúng quy trình 7 bước. Để khô và trống chuồng trong vòng 30 ngày. Trước khi nuôi heo lại cần thực hiện vệ sinh tiêu độc như lần nhất và thực hiện các bước như trong trường hợp tái đàn.
Trại thịt: cách ly ngay và tiêu huỷ lập tức tất cả những heo có triệu chứng bệnh. Tiến hành vệ sinh – tiêu độc toàn bộ chuồng 2 lần/ ngày. Tiếp tục theo dõi chặt chẽ, thường xuyên và kịp thời thực hiện cách ly, tiêu huỷ tất cả những heo có biểu hiện bệnh hoặc tiêu hủy theo từng ô/từng chuồng (nếu là trại lớn có nhiều chuồng). Thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp ATSH trong, ngoài, nâng cao sức đề kháng tự nhiên của heo bằng các biện pháp quản lý stress, tiểu khí hậu, ẩm độ chăn nuôi… và bổ sung các chất hỗ trợ miễn dịch.
Kháng thể dương tính
Chứng tỏ đàn heo nhiễm virus DTHCP đã đủ lâu và thường là nhiễm chủng virus có độc lực thấp. Trại đang trong nguy cơ bị tình trạng lưu nhiễm virus DTHCP và có thể xuất hiện heo bệnh DTHCP thể mãn tính. Nếu theo mục tiêu “Loại trừ sạch bệnh” thì tiêu huỷ toàn bộ đàn; Nếu theo mục tiêu “tạm giữ đàn để giảm thiệt hại kinh tế” thì áp dụng như ở mục “kháng nguyên dương tính”. Trong vòng 2 tháng, nếu đàn ổn định thì vẫn giữ đàn sản xuất, nếu đàn không ổn định thì tiêu hủy.
Theo thực tế bệnh DTHCP hiện nay không có biện pháp nào nhanh và chính xác hơn xét nghiệm xác định virus DTHCP trong mẫu bệnh phẩm từ heo vừa nghi bệnh DTHCP (máu, hạch, lách, dịch mũi…) bằng kỹ thuật realtime PCR. Tuy nhiên, ngay cả khi heo nhiễm virus DTHCP, việc xét nghiệm cũng có thể cho kết quả âm tính giả do sự biến chủng của virus, sự phức tạp của đặc điểm gây bệnh và bài thải của virus và kỹ thuật xét nghiệm không phù hợp.
27). Nguồn lây chính của bệnh?
- Không có nguồn lây nào là chính và nguồn lây nào là phụ;
- Khi biết rõ nguyên nhân thì nguồn lây đó là chính;
- Chỉ có nguy cơ lây nhiễm thấp hay cao (tham khảo gợi ý ở hình).
Nguy cơ lây nhiễm được xếp cấp từ thấp đến cao
28). Người ăn phải heo bị DTHCP thì có sao không? Cách phân biệt thịt heo bị DTHCP?
Chưa có bằng chứng khoa học chỉ ra người ăn phải thịt heo bị nhiễm DTHCP có bất cứ triệu chứng hay ảnh hưởng nào đến sức khỏe. Tuy nhiên, heo mắc bệnh DTHCP có thể đã được điều trị và bán chạy… vì thế thịt của những heo này có thể chứa các tạp chất, thuốc chưa qua thời gian chờ ngưng thuốc… nên không thật sự an toàn cho người sử dụng.
Về mặt cảm quan thì thịt heo bệnh DTHCP ngoài chợ có thể không khác thịt heo bình thường (vì người bán có thể cắt bỏ những phần thịt/lòng có bệnh tích trước khi bán). Mùi thịt heo bị DTHCP cũng có chút khác biệt với thịt thường (tuy nhiên công nghệ khử mùi/ tạo mùi thì quá đơn giản nếu người bán cố ý gian lận). Khi mua thịt nếu thấy thịt có màu/ mùi khác lạ, nhớt, rỉ nhiều nước, đàn hồi kém… thì không nên mua.
Nên chọn mua thịt ở những nơi uy tín, chất lượng và luôn tuân thủ ăn chín/ chế biến kỹ (ít nhất 15 phút ở ≥100oC) vì ngoài DTHCP còn có những bệnh khác gây bệnh cấp tính ở người khi sử dụng thịt heo không đúng cách (VD: liên cầu khuẩn lợn, Salmonella);
Trong mọi trường hợp không được ăn tiết canh heo.
29). DTHCP tại sao lại gây chết nhanh? Tại sao sốt cao trước khi chết?
Heo nhiễm virus chủng độc lực cao sẽ xuất hiện tình trạng virus máu nhanh, với hàm lượng virus máu cao. Chỉ 2 ngày sau nhiễm, virus trong máu có thể đạt mức 4,5 x 106 copies/μL ở 4 ngày sau nhiễm đến 9,5 x 106 copies/μL ở 8 ngày sau nhiễm. Tình trạng virus máu cao gây ra phản ứng viêm cấp với sự hình thành một “cơn bão cytokine” (cytokine storm) làm gia tăng quá mức các cytokine TNF-α, IFN-α, IL-1β, IL-6, IL-8, IL-12, IL-18, RANTES, và IP-10. Sự sản sinh quá mức TNF-α, IL-1, và IL-6 có thể gây sốt, mệt mỏi, vỡ mạch, tiêu chảy, tổn thương phổi, hoạt hoá hệ thống bổ thể, tăng đông máu phân tán… Sự gia tăng quá mức các cytokine gây nên “bão cytokine” trong máu heo nhiễm virus DTHCP được cho là nguyên nhân gây ra bệnh lý nghiêm trọng và gây chết heo nhiễm virus chủng độc lực cao.
Ở heo nhiễm virus cấp có tình trạng suy giảm bạch cầu nghiêm trọng, virus tấn công và phá huỷ các đại thực bào, giải phóng hàng loạt các cytokine hoạt hoá gây viêm, yếu tố bổ thể, dẫn đến gia tăng tình trạng chết tế bào bạch cầu. Sự lây nhiễm và nhân lên mạnh của virus tại nhiều mô bạch huyết khác nhau ở heo gây ra những tổn thương bệnh lý, nhất là các tế bào lympho, dẫn đến suy giảm miễn dịch và tỷ lệ bệnh, chết cao do nhiễm virus ở heo nhà.
30). Tỷ lệ heo chết vì DTHCP chiếm bao nhiêu phần trăm so với trong nước và ngoài nước?
Theo các nghiên cứu hiện nay, chưa có ghi nhận về sự khác biệt tỷ lệ heo chết vì DTHCP ở trong nước và ngoài nước. Các loài heo trên thế giới đều mẫn cảm với virus DTHCP như nhau. Tỷ lệ chết phụ thuộc vào độc lực chủng virus nhiễm và các biện pháp, mức độ, tốc độ can thiệp trong công tác phòng chống dịch bệnh, cũng như tình trạng miễn dịch trước đó của đàn heo.
Virus chủng độc lực cao có thể gây chết 100% heo nhiễm, chủng độc lực trung bình có thể gây chết đến 30 – 70% heo nhiễm, chủng độc lực thấp có thể gây chết 10 – 20% heo nhiễm.
Ở những đàn chưa có miễn dịch với virus, tỷ lệ chết ở heo bệnh thể cấp lên đến 90 – 100% nếu không phát hiện kịp heo nhiễm và để virus lây nhiễm kéo dài. Những đàn có miễn dịch và có tình trạng lưu nhiễm virus DTHCP, tỷ lệ heo chết thường dưới 30%.
31). Các biện pháp khắc phục sau dịch để tái đàn?
Đối với trại nái, việc tái đàn có nghĩa là (1) nhập bổ sung hậu bị để bù đắp số lượng đã bị thiệt hại, (2) nhập toàn bộ hậu bị (do trại bị thiệt hại 100% đàn) để tái sản xuất;
Đối với trại thịt, việc tái đàn thường là nhập toàn bộ heo sau cai sữa theo qui mô trại bởi vòng quay của heo thịt ngắn và thường nếu có ít nhất 1 chuồng bị nhiễm thì có khả năng phải loại và bỏ trống tất cả chuồng trong trại ngay sau đợt nuôi đó để tiến hành vệ sinh tiêu độc tổng thể, cắt sự lưu hành của mầm bệnh trong trại,…;
Tuy nhiên, trước khi tái đàn cần phân tích, đánh giá, tầm soát các lỗ hổng trong ATSH, lỗ hổng trong quản lý sức khỏe đàn,… để đúc kết kinh nghiệm và có giải pháp khắc phục các vấn đề cụ thể một cách chi tiết nhất. Trong trường hợp khách quan, khó khắc phục thì chuyển vị trí trại/thuê trại khác;
Việc tái đàn sẽ là an toàn khi bệnh đã có vaccine và được kiểm soát bằng vaccine. Tuy nhiên, hiện nay điều này là khó do vẫn chưa có được vaccine thương mại đảm bảo hiệu quả và an toàn thật sự trên đàn heo sau tiêm vaccine;
Trước mắt, để tái đàn tại chỗ cần lưu ý các vấn đề sau:
Chỉnh đốn lại cơ sở vật chất
- Hoàn thiện các khu chức năng;
- Hoàn thiện hệ thống đường dẫn, phân luồng;
- Khắc phục các lỗ hổng ATSH.
Chuẩn hóa nguồn lực
- Đảm bảo nguồn lực chất lượng cao ở từng vị trí trong trại khi tái đàn;
- Chuẩn hóa/đồng bộ hóa/nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công nhân trại;
- Hoàn thiện hệ thống quản lý, cụ thể hoá quy trình thực hiện ATSH, các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng…
Xây dựng và chỉnh đốn lại đàn nái (đối với trại bị nhiễm nhưng còn khả năng khai thác)
- Áp dụng các giải pháp nâng cao sức khỏe tổng đàn;
- Sàng lọc toàn đàn (virus/ kháng thể) loại thải heo nhiễm, ưu tiên theo thứ tự GGP, GP, PS;
- Giám sát chặt chẽ triệu chứng lâm sàng; loại thải ngay lập tức heo nghi ngờ nếu có thể hoặc cách ly xét nghiệm nhiễm virus DTHCP, tiến hành loại thải heo nhiễm và thực hiện tất cả các biện pháp ATSH cần thiết để chống lây nhiễm.
- Giám sát sự lưu hành của virus (Kiểm tra huyết thanh 1 lần/ 1 tháng/ 3 tháng/ 6 tháng) và loại thải heo nhiễm.
Xử lý chuồng trại sau dịch
- Thực hiện vệ sinh – tiêu độc, để trống chuồng theo hướng dẫn của Cục Thú y.
- Thuốc sát trùng: chọn đúng thuốc và sát trùng đúng cách. Nên sử dụng thuốc sát trùng có nguồn gốc rõ ràng, thế hệ mới nhất và hiệu quả nhất.
- Thường kỳ tiến hành vệ sinh tiêu độc trong và ngoài trại 1 lần/ tuần;
- Trước khi tái đàn 1 tuần, tiến hành vệ sinh tiêu độc trong và ngoài trại, lấy mẫu ở các vị trí nền – sàn – vách chuồng, máng ăn, máng uống, hành lang, đường dẫn… tại 5 vị trí khác nhau mỗi loại mẫu (nền – sàn, vách…) trong và ngoài chuồng, để xét nghiệm virus DTHCP cho đến khi có ít nhất 2 lần lấy liên tiếp (mỗi lần lấy mẫu cách nhau 21 ngày, lần lấy mẫu sau có lặp lại vị trí lấy mẫu trước đó và mở rộng vùng/phạm vi/diện tích lấy mẫu) cho kết quả âm tính với virus DTHCP;
- Lập kế hoạch tái đàn khi việc vệ sinh tiêu độc trong và ngoài trại đã được thực hiện triệt để (thông qua kết quả xét nghiệm).
- Thực hiện tái đàn theo hướng dẫn của Cục Thú y.
Nguồn giống phải sạch bệnh
DTHCP thể hiện nhiều thể (quá cấp, cấp, á cấp và mãn tính) như các bệnh khác. Heo bị nhiễm chủng độc lực thấp hoặc ở thể mãn tính, hoặc mang trùng, có thể không biểu hiện rõ triệu chứng lâm sàng. Các chủng độc lực thấp trước mắt có thể chưa phát bệnh cho heo nhưng cũng có thể biến thể thành chủng độc lực cao hơn sau đó. Vì vậy khi tái đàn cần phải nhập giống sạch bệnh. Đây là điều kiện tiên quyết và được đặt trong đề mục đầu tiên của kế hoạch. Đặc biệt là đối với trại xây mới.
Việc xác định nguồn giống sạch bệnh có thể được dựa theo một số tiêu chí cơ bản của trại cung cấp giống như dịch tễ của trại ổn định ≥1 năm, có tiêm phòng đầy đủ, mức ATSH cao, thể trạng đàn tốt, năng suất đạt chuẩn giống, xét nghiệm âm tính với kháng nguyên hoặc kháng thể DTHCP…
Cách ly đàn trước khi nhập trại
Đối với nái hậu bị:
- Thực hiện cách ly – thích nghi tại khu vực riêng. Điểm cách ly có thể là 1 trại độc lập (đối với trại còn heo) hoặc 1 chuồng độc lập (đối với trại tái đàn 100%);
- Theo dõi sức khỏe đàn và xét nghiệm sau mỗi 7 ngày, ít nhất 2 lần âm tính liên tiếp với kháng nguyên hoặc kháng thể DTHCP;
- Tiếp tục theo dõi và cách ly – thích nghi trong ít nhất 6 tuần;
- Thực hiện nghiêm ngặt ATSH: (1) Vệ sinh – tiêu độc 2 ngày/ lần; (2) Người nuôi, dụng cụ thiết bị chăn nuôi,… phải độc lập và tách rời khỏi hệ thống sản xuất khác;
Đối với trại heo thịt:
Thực hiện theo hình minh hoạ sau:
Các bước tái đàn
Thắt chặt ATSH
- Lưu ý các lỗ hổng ATSH trước đó (đặc biệt là từ heo nhập đàn và con người);
- Thực hiện nghiêm ngặt ATSH và các giải pháp nâng cao sức khỏe đàn.
32). Có thể ngăn ngừa triệt để DTHCP?
- Hoàn toàn có thể (Có nhiều nước không có; Nhiều trại cũng không vướng);
- Trước khi có dịch: phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp ATSH, kiểm soát chặt chẽ tất cả các yếu tố nguy cơ, ngăn ngừa, phòng chống lây truyền virus DTHCP từ ngoài vào, và từ trong trại ra.
- Khi có bệnh DTHCP xảy ra cần xử lý triệt để từng cá thể heo, từng ô chuồng, dãy chuồng, ổ dịch… thắt chặt và tuân thủ các quy trình/ quy tắc ATSH (cần hiểu rõ và thực hiện đầy đủ bộ giải pháp ATSH) từ khi dịch khởi phát;
- Mức độ thực thi ATSH đòi hỏi trách nhiệm cộng đồng, không riêng cá nhân hay tổ chức nào.
33). Các giải pháp ATSH đối với các trại heo vừa và nhỏ?
ATSH là một bộ quy trình và giải pháp, và cơ bản không có sự khác nhau về nguyên tắc phòng chống lây nhiễm virus DTHCP giữa các trại về mặt quy mô; có chăng chỉ là sự khác nhau về các biện pháp cụ thể được áp dụng giữa các mô hình sản xuất (cá thể, công nghiệp), phương thức (chuỗi/ không chuỗi) và quy mô trại;
Một số vấn đề, giải pháp và cấp độ ATSH đã được trình bày cơ bản, đan xen trong các câu hỏi. Người chăn nuôi có thể căn cứ theo tình hình thực tế của Trại mà áp dụng cho phù hợp với phương châm: an toàn và hiệu quả.
Cần nhiều thời gian đào tạo (dự kiến khóa đào tạo về ATSH sẽ được mở sau hội thảo này, học khoảng 2-3 ngày).
34). Khi heo mắc bệnh thì phải làm gì để đảm bảo vệ sinh thú y và ngăn ngừa lây nhiễm?
Đóng đàn;
Thực hiện cách ly chuồng với chuồng (người, heo, dụng cụ thiết bị,…);
Tiêu hủy heo đúng cách, không để vấy nhiễm (đặc biệt là trên đường vận chuyển);
Thực hiện các giải pháp vệ sinh tiêu độc diện rộng trong và ngoài trại theo chỉ dẫn của Cục thú y và thú y địa phương.
35). Những chính sách của nhà nước hỗ trợ người chăn nuôi chống dịch và tái đàn là gì?
Có nhiều Nghị định, Quyết định của Chính Phủ như (i) Nghị định 02/2017/NĐ-CP (ban hành 9/1/2012 về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh); (ii) Quyết định số 793/QĐ-TTg (ban hành 27/6/2019 về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh DTLCP); (iii) Quyết định số 2254/QĐ-TTg (ban hành 30/12/2020 về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh DTHCP năm 2020). Tuy nhiên, kể từ năm 2021 chưa có quyết định mới nào về mức hỗ trợ bệnh DTHCP.
Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, theo đó nâng mức hỗ trợ lên 1,25-2 lần cho phù hợp với kinh phí để khôi phục sản xuất.
Đến nay Nghị định 02/2017/NĐ-CP vẫn còn hiệu lực.
Các Nghị định, Quyết định của Chính Phủ và chính sách/chế độ của địa phương có thể chưa cập nhật đầy đủ trong câu hỏi này. Người chăn nuôi cần hỏi cơ quan quản lý chăn nuôi-thú y địa phương để nắm rõ/cụ thể hơn.
36). Có cách nào để bệnh DTHCP ngưng lây lan và phát triển?
Khó khẳng định được rằng sẽ có giải pháp hiệu quả để làm ngưng sự lây lan và phát triển của bệnh DTHCP ở nhiều cấp độ (trong trại, giữa các trại, giữa các vùng,…) bởi công tác phòng chống dịch bệnh ở Việt Nam còn nhiều bất cập, chưa được thông suốt và thực thi đồng bộ/đồng loạt tốt, liên tục trên diện rộng (cấp vùng, quốc gia);
Trên bình diện trại chăn nuôi cần thực hiện tốt nhất 2 nguyên tắc vàng: an toàn tuyệt đối và cảnh giác tuyệt đối. An toàn tuyệt đồi = Bất kỳ một tác nhân, yếu tố (người, vật, phương tiện, dụng cụ, thiết bị, thức ăn, nước uống, côn trùng…) nào từ ngoài vào trại đều phải được vệ – sinh tiêu độc, đảm bảo không có virus DTHCP xâm nhập vào trong trại và lây nhiễm giữa các khu chuồng, ô chuồng… Quản lý, xử lý chất thải tuyệt đối an toàn đối với virus DTHCP trong phạm vi trại và trước khi thải ra ngoài. Cảnh giác tuyệt đối = Bất kỳ một trường hợp heo bệnh nào đều phải được cách ly sớm và chẩn đoán loại trừ và cô lập ngay lập tức nguyên nhân DTHCP.
ATSH, vệ sinh – tiêu độc kỹ trên diện rộng và bổ sung chất hỗ trợ tăng cường miễn dịch là giải pháp tốt nhất giúp giảm thiểu/ chậm tiến triển của bệnh/mức độ lây lan của bệnh.
37). Thách thức lớn nhất của trang trại trước dịch bệnh DTHCP là gì?
- Đặc điểm dịch tễ bệnh DTHCP: kiểu gen, đa dạng chủng, tình trạng mang trùng;
- Đặc điểm lâm sàng và khả năng chẩn đoán phát hiện sớm, chính xác bệnh DTHCP;
- Đặc điểm miễn dịch của virus DTHCP;
- Không xác định được chính xác trại, heo sạch bệnh DTHCP để kiểm soát, phòng chống lây nhiễm hiệu quả;
- Hiểu cặn kẽ và thực thi tốt ATSH một cách đồng bộ, tỉ mỉ và kiên trì;
- Vaccine phòng bệnh hiệu quả và an toàn.
38). Hiện tại virus DTHCP có bao nhiêu chủng thực địa? có biến chủng nào ở Việt nam? biến chủng mới nhất có làm giảm độc lực hay không? (Thực tế qua giám sát lưu hành nhận thấy tỷ lệ dương tính DTHCP khá cao nhưng không phát sinh ổ dịch)
Thế giới công bố 24 kiểu gen, trong mỗi kiểu gen lại có rất nhiều chủng thực địa khác nhau. Ví dụ: virus DTHCP gây bệnh ở các nước châu Âu (Nga, Georgia…), châu Á (Trung quốc, Hàn quốc, Ấn độ…), Đông Nam Á (Việt Nam, Thái lan…) đều thuộc kiểu gen II. Riêng tại Trung quốc đã ghi nhận virus DTHCP kiểu gen 1. Mỗi kiểu gen lại bao gồm nhiều chủng khác nhau được phân lập từ các ổ dịch khác nhau. Vì vậy về cơ bản không thể nói được có bao nhiêu chủng thực địa trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Hiện tại ở Việt Nam chưa có các công bố chính thức về tình hình biến chủng virus DTHCP. Tuy nhiên, trên thực tế lâm sàng và dịch tễ ghi nhận được có thể nói virus DTHCP gây bệnh tại Việt Nam có nhiều chủng có độc lực khác nhau và mức độ gây bệnh khác nhau: thể cấp, thể mãn và thể mang trùng (heo nhiễm không có triệu chứng bệnh).
39). DTHCP có thật sự là một bệnh nguy hiểm ở Việt Nam? nên sử dụng loại thuốc sát trùng nào?
DTHCP là một bệnh nguy hiểm không chỉ ở Việt Nam mà cả trên toàn thế giới. Bệnh gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi heo, ảnh hưởng đến tâm lý của người tiêu dùng và làm đảo lộn giá cả thị trường tại một thời điểm/giai đoạn dịch nổ ra;
Virus DTHCP một khi đã bộc lộ trên bề mặt thì dễ bị tiêu diệt bởi nhiều loại thuốc sát trùng thông thường; sự khác biệt giữa các loại thuốc sát trùng có thể là vấn đề thời gian làm virus bất hoạt hoàn toàn;
Thị trường thuốc sát trùng đa dạng, thật giả và chất lượng khó kiểm chứng;
Nên mua ở những nơi bán đáng tin cậy (không vì giá rẻ) để đảm bảo chất lượng và hiệu quả.
Một số thuốc sát trùng nhạy cảm với virus DTHCP[1]
- 1% formaldehyde;
- Sodium hypochlorite (0.03% đến 0.0075%);
- 2% caustic soda solution (tác dụng mạnh);
- Glutaraldehyde, formic;
- 1% sodium hoặc calcium hydroxide (bất hoạt virus trong bùn ở 4◦C);
- Phenols—lysol, lysephoform, và creolin;
- Hợp chất hóa học trong dung môi lipid[2];
- Hợp chất đa cấu tử như Virkon (1:100), Lysoformin và Desoform, Octyldodeceth-20 (OD-20), acid hữu cơ, và glycosal;
- Triton X-100, and NP-40[3].
(Tham khảo thêm ở các câu hỏi khác)
40). DTHCP có tầm quan trọng thế nào đối với các trang trại chăn nuôi?
- Gia tăng tỷ lệ chết và loại thải heo;
- Giảm năng suất;
- Giảm chất lượng sản phẩm;
- Thiệt hại kinh tế nghiêm trọng;
- Tinh thần người chăn nuôi sa sút.
41). Khống chế dịch bệnh bằng vaccine hay nâng cao ATSH nên được cân nhắc trong bối cảnh chăn nuôi Việt Nam?
ATSH luôn là giải pháp tối ưu nhất để phòng nhiều bệnh cùng lúc, không riêng DHTCP.
Nếu có vaccine thương mại đảm bảo hiệu quả và an toàn thật sự đối với các thể bệnh khác nhau (cấp, mãn, mang trùng) và cho cả nái với các nhóm heo khác, có thể cân nhắc sử dụng vaccine.
42). Tình hình DTHCP trong thời điểm trước và sau khi có vaccine xuất hiện có gì khác biệt?
Có thể nói là khác biệt không có ý nghĩa bởi chưa có thông tin 600.000 liều vaccine được phép sản xuất và sử dụng cho khảo nghiệm thực địa diện hẹp.
Tuy nhiên, sau khi có vaccine xuất hiện, đặc biệt là các vaccine giả, vaccine chưa được cấp phép, tình hình dịch tễ trở nên phức tạp hơn do: (1) Sự xuất hiện các ổ dịch sau tiêm vaccine làm tăng nguy cơ bài thải và lây nhiễm; tăng nguy cơ tái nhiễm và tái phát bệnh; (2) Sự tồn tại song song virus vaccine nhược độc và virus thực địa trên đàn heo khiến việc chẩn đoán, phát hiện nhiễm trở nên khó khăn và phức tạp hơn.
43). Cách xử lý trại nái khi DTHCP xảy ra?
- Đóng đàn;
- Tiêu hủy từng cá thể có triệu chứng rõ hoặc nghi mắc bệnh;
- Cách ly cục bộ từng khu vực;
- Túc trực, phát hiện sớm và tiêu hủy nhanh các cá thể có biểu hiện tiếp theo;
- Thắt chặt ATSH; Vệ sinh tiêu độc kỹ và mở rộng phạm vi tiêu độc trong và ngoài trại; Thực hiện vệ sinh tiêu độc hàng ngày, 1 lần hoặc 2 lần/ ngày;
- Xét nghiệm và mở rộng quy mô xét nghiệm trong điều kiện kinh tế có thể;
- Cung cấp chất hỗ trợ tăng cường miễn dịch.
44). Quản lý đàn mãn tính với DTHCP?
- Thực hiện an toàn phòng chống lây nhiễm theo khu vực;
- Sát trùng, tiêu độc thường xuyên;
- Thực hiện tốt việc kiểm soát các bệnh truyền nhiễm khác;
- Thực hiện tốt quy trình quản lý, chăm sóc đàn, tiểu khí hậu chuồng, kiểm soát các yếu tố gây stress;
- Tăng cường miễn dịch tế bào bằng các chế phẩm hỗ trợ miễn dịch (beta glucan không tan)
- Xét nghiệm kháng thể và loại thải heo dương tính, không bán chạy heo dương tính ra ngoài;
- Loại nhanh cá thể có lâm sàng nặng (nếu có).
- Quản lý, xử lý chất thải, đảm bảo an toàn, không thải ra môi trường khi chưa xử lý tiêu độc.
45). Nên dùng 1 loại thuốc sát trùng để xử lý chuồng trại xảy ra DTHCP hay có thể dùng nhiều loại cho một khu trại?
Có thể dùng 1 hoặc nhiều loại;
Về lâu dài thì mầm bệnh cũng có thể kháng thuốc sát trùng. Vì vậy nên thay đổi;
Lưu ý: (1) loại dùng trong điều kiện có heo và không có heo, không ảnh hưởng đến sức khỏe người; (2) hiệu quả của việc sát trùng phụ thuộc chính vào việc thực hiện đúng và nghiêm ngặt các bước trong quy trình sát trùng. Thuốc sát trùng dù tốt nhưng nếu thực hiện không đúng quy trình vệ sinh – tiêu độc sát trùng thì thuốc cũng sẽ không có hiệu quả.
46). Tương lai của ngành chăn nuôi sau DTHCP?
Sẽ còn rất lâu virus DTHCP mới có thể biến mất. Ngành chăn nuôi nên xác định phải sống chung với bệnh DTHCP trong một thời gian dài;
DTHCP cũng chỉ là một bệnh truyền nhiễm trên heo như nhiều bệnh khác do virus như PRRS, PCV2, LMLM, PED… hoặc do vi khuẩn như Mycoplasma Hyopneumoniae, APP, Glasser… đã từng gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi. Tuy các bệnh này đều đã có vaccine thương mại nhưng rõ ràng chăn nuôi heo vẫn đang sống chung với những bệnh này, và vẫn luôn cố gắng kiểm soát tốt nhất mỗi ngày.
Hết bệnh DTHCP có thể sẽ có bệnh khác (bệnh cũ độc lực mạnh hơn, bệnh mới xuất hiện,…). Tương lai của ngành chăn nuôi heo không phụ thuộc vào chỉ một mình bệnh DTHCP, mặc dù bệnh đã gây thiệt hại lớn, mà phụ thuộc vào năng lực quản trị, quản lý dịch bệnh, dinh dưỡng và nhu cầu của người tiêu dùng, sự phát triển kinh tế- xã hội nói chung. Trên thực tế cho đến nay ngành chăn nuôi heo vẫn trụ vững và vẫn có thể duy trì và phát triển trong điều kiện kiểm soát tốt tất cả các dịch bệnh, trong đó có DTHCP.
47). Khả năng lây lan của virus trong trại thịt? Phương án giảm thiệt hại cho trại thịt nếu bị DTHCP?
Tốc độ lây lan của virus DTHCP về cơ bản là chậm hơn nhiều so với một số virus gây bệnh phổ biến khác trên heo như PRRSV, virus LMLM, virus PED… Virus DTHCP có thể bài thải qua dịch mũi miệng, do vậy cách thức lây nhiễm chính trong đàn heo là thông qua tiếp xúc trực tiếp mũi – mũi, mũi – miệng, miệng – miệng, vì thế tốc độ lây lan sẽ nhanh hơn nếu heo nuôi trong chuồng có mật độ cao và thiết kế vách ngăn chuồng hở. Ngoài ra, virus DTHCP cũng có thể bài thải qua nước tiểu hoặc phân nên nếu vệ sinh – tiêu độc chuồng trại kém cũng có thể làm tăng tốc độ lây lan virus DTHCP. Mặt khác, nếu khi heo bệnh DTHCP mà vẫn tiến hành tiêm thuốc điều trị và sử dụng cùng 1 kim tiêm cho những heo khác trong bầy thì sự lây lan sẽ càng nhanh hơn.
Vì thế để giảm thiệt hại cho trại thịt nếu bị DTHCP thì điều đầu tiên hết nhân viên của Trại phải hiểu rõ và thực hiện nghiêm ngặt 2 quy tắc vàng: an toàn tuyệt đối và cảnh giác tuyệt đối. Thực hiện đúng nguyên tắc cảnh giác tuyệt đối nhằm phát hiện càng sớm càng tốt heo có triệu chứng bệnh – cách ly – tiêu huỷ – cô lập heo, người theo ô/ chuồng/ khu vực để ngăn chặn sự lây lan nhanh nhất có thể. Thực hiện đúng nguyên tắc an toàn tuyệt đối đối với người làm việc ở các khu vực, dụng cụ, thiết bị và thức ăn theo từng chuồng/ khu vực, để ngăn chặn lây nhiễm chéo. Đồng thời tăng cường vệ sinh – tiêu độc toàn bộ khu vực trong và ngoài chuồng, 2 lần/ ngày ít nhất trong vòng 2 tuần, sau đó chuyển sang 1 lần/ ngày…. Cải tạo vách ngăn giữa các ô chuồng từ dạng hở sang dạng kín để tránh sự tiếp xúc trực tiếp giữa heo ở các ô chuồng.
Ngoài ra, Trại nên tăng cường miễn dịch cho đàn heo bằng việc bổ sung các chất hỗ trợ miễn dịch (beta glucan không tan, vitamin ADE, selenium…)
Thắt chặt ATSH trong ngoài, xử lý tiêu độc chất thải tránh không để virus DTHCP thoát ra môi trường.
48). Khi trại bị nhiễm DTHCP có cần tiêu hủy toàn bộ đàn heo hay không?
Tuỳ theo mức độ nhiễm, quy mô đàn heo và loại heo nuôi (đàn sinh sản, heo cai sữa, heo choi – thịt) mà cân nhắc thiệt hại kinh tế để quyết định. Nếu mức độ nhiễm, bệnh nghiêm trọng và quy mô đàn nhỏ thì nên tiêu huỷ toàn bộ đàn heo. Nếu mức độ nhiễm thấp và quy mô đàn lớn thì xem xét biện pháp loại trừ cá thể heo bệnh và tăng cường thực hiện 2 nguyên tắc vàng: an toàn tuyệt đối, cảnh giác tuyệt đối để kiểm soát bệnh. Nếu là đàn sinh sản thì cần tiến hành xét nghiệm kháng thể định kỳ để tầm soát và loại bỏ heo nhiễm virus DTHCP; và lấy mẫu xét nghiệm PCR những nái có biểu hiện rối loạn sinh sản để loại thải nái nhiễm virus DTHCP.
Tham khảo thêm phần trả lời các câu hỏi khác.
49). Sự biến chủng của hiện tại và tương lai? Sự nguy hiểm của biến chủng mới?
Xem các câu trước đây về sự biến chủng.
Trong điều kiện tự nhiên vi sinh vật luôn tiến hoá, biến đổi để thích nghi với vật chủ và môi trường. Sự biến chủng của virus DTHCP được ghi nhận là khá phức tạp. Virus DTHCP là một virus hiếm hoi có bộ gen ADN nhưng lại có số lượng kiểu gen rất lớn, đến 24 kiểu gen và ít nhất 8 nhóm huyết thanh. Một số virus gây bệnh phổ biến ở heo như PCV2 cũng chỉ mới ghi nhận có 8 kiểu gen, PRRSV có 2 kiểu gen I và II, virus Dịch tả heo cổ điển cũng chỉ có 3 kiểu gen… Hiện tại là thế nhưng vẫn chưa thể nói trước được về sự biến chủng của virus DTHCP trong tương lai. Khó lường trước sự biến chủng của các vi sinh vật nói chung và virus DTHCP nói riêng.
Sự biến chủng xảy ra một cách tự nhiên, có thể là vô nghĩa (không làm cho độc lực mạnh hơn) hoặc có nghĩa (làm cho độc lực mạnh hơn), hoàn toàn không biết trước. Riêng virus DTHCP tuy có đến 24 kiểu gen nhưng gây bệnh nghiêm trọng cho đàn heo nhà đến nay cũng chỉ ghi nhận chủ yếu là virus DTHCP kiểu gen II và kiểu gen I.
50). Thiết bị kiểm soát công tác vệ sinh chuồng trại sau khi sử dụng các dung dịch thuốc sát trùng diệt DTHCP?
Chưa có thông tin về các thiệt bị dạng này;
Hiệu quả vệ sinh – sát trùng chuồng trại phụ thuộc vào quy trình chuẩn bị chuồng trại để sát trùng, loại thuốc sát trùng và thời gian tác động của thuốc sát trùng;
Có thể sử dụng dung dịch sát trùng có chỉ thị màu để ước đoán chất sát trùng còn hiệu quả sử dụng hay không?;
Thực hiện xét nghiệm PCR/Realtime PCR xác định sự hiện diện DNA của virus DTHCP đối với các mẫu môi trường đất, nước, bề mặt nền, sàn, máng ăn, máng uống… để gián tiếp đánh giá hiệu quả của công tác vệ sinh – sát trùng.
CHÚC THÀNH CÔNG!
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hải1
và PGS.TS. Đỗ Võ Anh Khoa2
1Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, 2Viện Chăn nuôi
[1] Shirai, J.; Kanno, T.; Tsuchiya, Y.; Mitsubayashi, S.; Seki, R. Effects of Chlorine, Iodine, and Quaternary Ammonium Compound Disinfectants on Several Exotic Disease Viruses. J. Vet. Med. Sci. 2000, 62, 85–92.
[2] Juszkiewicz, M.; Walczak, M.; Wo´zniakowski, G. Characteristics of Selected Active Substances Used in Disinfectants and Their Virucidal Activity against ASFV. J. Vet. Res. 2019, 63, 17–25
[3] Franco-Martinez, L.; Beer, M.; Martinez-Subiela, S.; Garcia-Manzanilla, E.; Blome, S.; Carrau, T. Impact of ASFV Detergent Inactivation on Biomarkers in Serum and Saliva Samples. Pathogens 2022, 11, 750.
- bệnh Dịch tả heo Châu Phi li> ul>
2 Comments
Để lại comment của bạn
- Nuôi chim cút lấy trứng lộn
- Dịch tả lợn châu Phi càn quét miền Bắc Italy
- Khởi nghiệp từ nuôi dúi mốc
- Quản lý sự biến động dinh dưỡng của nguyên liệu trong công thức thức ăn
- ‘Thủ phủ’ chồn hương Quảng Bình
- Thị trường thịt bò các nước Nam Mỹ 7 tháng đầu năm 2024
- Ninh Thuận: Ngăn chặn và xử lý khẩn cấp dịch tả lợn châu Phi
- Giá sản phẩm chăn nuôi (giá tại trại) cả nước ngày 02/10/2024
- Axit glutamic có thể tăng cường hiệu suất của chế độ ăn ít protein
- Các loại tinh bột và ảnh hưởng của chúng trong ép viên
Tin mới nhất
T5,03/10/2024
- Nuôi chim cút lấy trứng lộn
- Dịch tả lợn châu Phi càn quét miền Bắc Italy
- Khởi nghiệp từ nuôi dúi mốc
- Quản lý sự biến động dinh dưỡng của nguyên liệu trong công thức thức ăn
- ‘Thủ phủ’ chồn hương Quảng Bình
- Thị trường thịt bò các nước Nam Mỹ 7 tháng đầu năm 2024
- Ninh Thuận: Ngăn chặn và xử lý khẩn cấp dịch tả lợn châu Phi
- Giá sản phẩm chăn nuôi (giá tại trại) cả nước ngày 02/10/2024
- Axit glutamic có thể tăng cường hiệu suất của chế độ ăn ít protein
- Các loại tinh bột và ảnh hưởng của chúng trong ép viên
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
- Các quy trình ngoại khoa trên heo con và những vấn đề cần lưu ý
- Bệnh Dịch tả heo châu Phi: Làm tốt An toàn sinh học đến đâu, rủi ro bệnh càng thấp tới đó!
- Quy trình xử lí chuồng trại sau khi bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
- Bệnh gạo lợn: Những điều cần biết
Lợn nhà t nó bỏ ăn 2 ngày lấy que tet dịch tả về thử thì hiện một vạch.nhưng lúc tet t chỉ lấy 2 giọt cho vào dung dịch thì có chính xác không
Test dịch tả lợn mà chỉ lấy 2 giọt máu có chính xác không?