Hợp quy thuốc thú y: “Trở đi mắc núi, trở lại mắc sông” - Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam
    • Giá heo (lợn) hơi miền Bắc từ 56.000 - 58.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Hà Nội, Hưng Yên 58.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi  Vĩnh Phúc 56.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi miền Trung và Tây Nguyên từ 55.000 - 58.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Quảng Trị 55.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Lâm Đồng, Bình Thuận 58.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Nghệ An 57.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi miền Nam từ 56.000 - 59.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Đồng Nai 58.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Bến Tre 56.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Kiên Giang 59.000 đ/kg
    •  
  • Hợp quy thuốc thú y: “Trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”

    [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Đã hơn một tháng kể từ ngày hết hạn lùi hợp quy thuốc thú y (14/02/2024) và sắp tới thời gian mặt hàng này phải thực hiện công bố hợp quy (tháng 4/2024). Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm thuốc thú y đều chưa thực hiện hợp quy. Thực hiện thủ tục trên tại thời điểm này đang là một thách thức không dễ dàng đối với các doanh nghiệp.


    Toàn cảnh tọa đàm về công bố hợp quy thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y

     

    Hợp quy thuốc thú y đang “treo lơ lửng”

     

    Trong lĩnh vực chăn nuôi thú y, Luật Thú y được Quốc hội ban hành năm 2015, có hiệu lực thi hành từ 01/7/2016, trong đó Điều 78 yêu cầu mọi sản phẩm thuốc thú y sản xuất lưu thông trên thị trường phải được hợp quy.

     

    Đến 9/11/2020, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư số12/2020/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2018/TT-BNNPTNT cho phép việc công bố hợp quy thuốc thú y được lùi thực hiện đến ngày 14/02/2024.

     

    Tháng 11/2023, đã có Thông tư (dự thảo) lùi thời hạn hợp quy thuốc thú y đến tháng 11/2029. Thế nhưng, vào cuối năm 2023, Uỷ ban Pháp luật đưa ra kết luận việc Bộ NN&PTNT lùi thời hạn áp dụng một số quy định trong các Luật đã ban hành là không đúng thẩm quyền. Các Luật đều do Quốc hội thông qua, vì vậy, việc lùi thời hạn thực thi phải trình lên Quốc hội xem xét.

     

    Trong lần gần nhất, Bộ NN&PTNT thông báo thời hạn áp dụng thủ tục chứng nhận hợp quy là tháng 4/2024 nhằm đợi sửa Luật Thú y.

     

    Ngày 6/02/2024, Hiệp hội Sản xuất – Kinh doanh Thuốc Thú y Việt Nam (VVPA) có Văn bản số 06/02/CV/HH gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó kiến nghị về những bất cập trong thủ tục công bố hợp quy thuốc thú y.

     

    Ngày 12/3/2024, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Văn bản số 1607/VPCP-NN gửi Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang về việc kiến nghị về những bất cập trong thủ tục công bố hợp quy thuốc thú y.

     

    Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang có ý kiến như sau: Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ: Khoa học và công nghệ, Tư pháp và các cơ quan có liên quan nghiên cứu kiến nghị của VVPA tại văn bản nêu trên. Khẩn trương thực hiện nhiệm vụ được giao tại Văn bản số 1195/VPCP-KSTT ngày 24/02 của Văn phòng Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/3/2024.

     

    Như vậy, từ ngày 14/02/2024 đến nay, vấn đề hợp quy thuốc thú y đang treo “lơ lửng” khiến doanh nghiệp rất lo lắng.

     

    Doanh nghiệp lo “sốt vó”

     

    Sáng ngày 20/3/2024, tại Hà Nội, Hội Chăn nuôi Việt Nam, Hiệp hội Sản xuất – Kinh doanh Thuốc Thú y (VVPA), Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam đã tổ chức hội thảo nhằm thống nhất về sự cần thiết và những vấn đề bất cập của việc công bố hợp quy sản phẩm thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y. Tham dự hội thảo có đại diện của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Khoa học và Công nghệ, nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi…

    TS Nguyễn Thị Hương, Phó Chủ tịch VVPA, Chủ tịch HĐQT Fivevet

     

    Tại đây, TS. Nguyễn Thị Hương, Phó Chủ tịch VVPA, Chủ tịch HĐQT Fivevet một lần nữa bức xúc chia sẻ, “Thuốc thú y được sản xuất trong nhà máy có điều kiện GMP – WHO và có giấy phép đăng ký lưu hành. Nếu công bố hợp quy (mà điều kiện hợp quy thấp hơn nhiều hơn nhiều so với lưu hành), thì lại phát sinh thêm một giấy phép con nữa”.

     

    Cùng với đó, tất cả các điều kiện sản xuất thuốc nhân y và thuốc y giống như nhau, nhưng dược phẩm cho người không phải làm hợp quy. Đến nay, thuốc thú y của Việt Nam đã xuất khẩu nhiều sản phẩm đến nhiều quốc gia, nhưng không có sản phẩm nào có dấu hợp quy. Đồng nghĩa, các quốc gia trong khu vực và trên thế giới đều không tiến hành công bố hợp quy.

     

    “Trước đây, vì thấy GMP mang lại lợi ích cho ngành sản xuất thuốc thú y lâu dài nên dù tốn kém về nhân lực và tài chính đến mấy cũng làm. Còn hợp quy không mang lại bất cứ lợi ích cho việc quản lý, phát triển và lợi ích cho đất nước nên chúng tôi không đồng ý hợp quy dưới bất cứ hình thức nào”, TS. Nguyễn Thị Hương cho biết thêm.

     

    Hợp quy là thủ tục hành chính lặp lại, gây phiền hà, tốn kém cho doanh nghiệp và ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi bởi chi phí cho thủ tục công bố hợp quy vô cùng lớn và mất nhiều thời gian để thực hiện.

     

    Theo TS. Nguyễn Thị Hương, 01 sản phẩm thuốc thú y mất khoảng 10-20 ngày để hợp quy, với vắc xin là 3 tháng, nếu phải kiểm tra lại sẽ mất đến 6 tháng. Hiện nay, Bộ NN&PTNT chỉ cho phép 3 phòng thử nghiệm là Trung tâm kiểm nghiệm thuốc thú y Trung ương 1, 2 và Vinacert thực hiện thủ tục này.

    Ông Bạch Quốc Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thú y Xanh Việt Nam (Greenvet)

     

    Đồng tình với việc hợp quy gây tốn kém, mất thời gian, ông Bạch Quốc Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thú y Xanh Việt Nam (Greenvet) chia sẻ, “Sau ngày 14/02, nếu các doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất thuốc thú y chưa có hợp quy mà vẫn tiếp tục kinh doanh là sai luật, sẽ bị phạt. Các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc thì không muốn bán hàng như vậy”.

     

    “Khi nhập khẩu thuốc thú y, Greenvet đã được Trung tâm kiểm nghiệm thuốc thú y Trung ương 1 lấy mẫu kiểm tra 3 chỉ tiêu hiệu lực, an toàn và vô trùng. Tôi đã từng đặt vấn đề sử dụng giấy đó để làm hồ sơ hợp quy, nhưng Cục Thú y không đồng ý. Vừa hôm trước, cũng đúng lô hàng đó lấy mẫu để thông quan, hôm sau cũng lại lấy mẫu đúng lô đó để đánh giá hợp quy. Chi phí mỗi lần hợp quy vắc xin là 20 triệu đồng/mẫu. Hợp quy một vắc xin mất tới 70 ngày. Tổng số vắc xin xếp hàng đợi hợp quy cũng là hàng ngàn loại, chưa kể phải tiêm trên hàng ngàn động vật. Đó là tột cùng của sự vô lý”, ông Bạch Quốc Thắng cho biết thêm.

    Ông Hoàng Triều, Chủ tịch VVPA

     

    Còn ông Hoàng Triều, Chủ tịch VVPA thì khẳng định, “Các nhà máy GMP như người tốt nghiệp đại học lại đi hỏi đã có bằng cấp 1 chưa; hợp quy là mới tốt nghiệp cấp tiểu học. GMP là tiêu chuẩn cao nhất của ngành thuốc thú đã được quốc tế họ công nhận. Chúng tôi đã kiến nghị lên Chính phủ, Quốc hội và nếu chưa thỏa đáng sẽ kiến nghị lên Tổng Bí thư”.

     

    Không có thuốc thú y, chỉ 2 năm là ngành chăn nuôi bị xóa sổ

    Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam

     

    Theo ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết, C.P là doanh nghiệp kinh doanh và sử dụng thuốc thú y rất nhiều. Điều tôi lo lắng nhất là trong thời gian tới, khi thuốc thú y không được lưu hành, không được đưa vào sử dụng cho vật nuôi sẽ gây thiệt hại nặng nề. Thời gian qua, C.P đã phải nhập rất nhiều vắc xin, thuốc thú y để dự trữ trong các kho. Nhưng thời gian tới, lượng đó hết đi thì chỉ trong 2 năm, ngành chăn nuôi có nguy cơ bị xóa sổ.

     

    “Rất mong các Hội/Hiệp hội ngành chăn nuôi đoàn kết, hợp lực mạnh mẽ hơn nữa để tháo gỡ khó khăn trong việc hợp quy thuốc thú y”, ông Vũ Anh Tuấn chia sẻ.

     

    Cũng theo chia sẻ của đại diện một doanh nghiệp thuốc thú y của Mỹ, các đại lý của doanh nghiệp này đã phải “ôm” rất nhiều hàng để dự trữ. Tuy nhiên, các vắc xin sống thì thời hạn sử dụng ngắn, nếu thiếu hụt vắc xin trong vài tháng, đàn vật nuôi sẽ có khoảng trống miễn dịch, có thể phá vỡ thành quả chống dịch trong thời gian dài của ngành thú y…

     

    Chung sức hiến kế gỡ khó

    Ông Torsten Hardge, Giám đốc Công ty TNHH Thuốc Thú y Boehringer Ingelheim Việt Nam

     

    Bày tỏ ý kiến của mình tại hội thảo, ông Torsten Hardge, Giám đốc Công ty TNHH Thuốc Thú y Boehringer Ingelheim Việt Nam mong muốn, Chính phủ có văn bản chính thức, cụ thể về vấn đề hợp quy để doanh nghiệp có thể yên tâm kinh doanh, tuân thủ đúng quy định của pháp luật trong thời gian tới.

     

    “Trong quá trình chờ Luật Thú y được sửa đổi, chúng tôi mong muốn có thể tiếp tục sử dụng kết quả kiểm nghiệm chất lượng thông quan để làm hợp quy thuốc thú y”, ông Torsten Hardge chia sẻ thêm.

    Ông Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty Vb Pharma

     

    Còn ông Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty Vb Pharma cho biết, về lâu dài, tại “Khoản 1 của điều 78: Kiểm soát bằng quy chuẩn thuốc thú y”, thì có thể thay đổi, sửa bằng “Thuốc thú y phải sản xuất theo tiêu chuẩn GMP”, thì không phải công bố hợp quy nữa.

     

    TS. Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam một lần nữa khẳng định, thủ tục hợp quy thuốc thú y là không cần thiết, trùng lặp, phát sinh chi phí và thời gian cho doanh nghiệp. Nguy cơ cao không giải quyết được vấn đề này sẽ xảy ra tình trạng thiếu thuốc thú y và vắc xin thời gian tới.

     

    “Các Hội và Hiệp hội sẽ cùng đồng hành chặt chẽ kiến nghị để thuốc thú y được lưu hành, không để đứt đoạn, ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi. Lâu dài, các Hội/Hiệp hội cũng sẽ kiến nghị Bộ NN&PTNT không ban hành Thông tư quy định quản lý thuốc thú y dưới dạng quy chuẩn, mà ban hành dưới dạng quy định kỹ thuật như Bộ Y tế hoặc sẽ kiến nghị lên Chính phủ để trình Quốc hội sửa Luật.

    Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI

     

    Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) chia sẻ, “Quy trình hợp quy thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi hiện tại gây ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi, suy cho cùng tăng chi phí sẽ tạo ra những yếu tố mất cạnh tranh của ngành”.

     

    Theo Luật Thú y, điều 78, khoản 1, thuốc thú y được quản lý chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật, đã có quy chuẩn thì thực hiện theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Nhưng Luật này chỉ là khung, còn vai trò của Bộ chuyên ngành là rất quan trọng, tiêu chuẩn ra sao thì vai trò của Bộ NN&PTNT là chủ chốt.

     

    Về vấn đề hợp quy thuốc thú y, VCCI sẽ có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đề nghị 2 nhóm giải pháp cấp bách đó là: Ngưng việc xử phạt hành chính đối với các sản phẩm thuốc thú y lưu hành trên thị trường. Về lâu dài, đề nghị Bộ NN&PTNT xây dựng quy trình thực hiện hợp quy đơn giản, giảm thiểu thủ tục hành chính và chi phí cho doanh nghiệp.

     

    “Các Hội/Hiệp hội nên làm việc với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để tư vấn xây dựng quy trình hợp quy đơn giản, hiệu quả và ít tốn kém về chi phí, thời gian và nhân lực nhất”, ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ thêm.

     

    HÀ NGÂN

    TS NGUYỄN XUÂN DƯƠNG, CHỦ TỊCH HỘI CHĂN NUÔI VIỆT NAM: Chi phí gia tăng, lợn, gà chịu hết!

    Trong hơn 20 năm hình thành và phát triển, chưa bao giờ ngành chăn nuôi gặp khó khăn, áp lực như hiện nay, khi mà dịch bệnh phức tạp, sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu ồ ạt, không gian chăn nuôi ngày càng hẹp hơn, phụ thuộc vào nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu… Trong khi đó, chăn nuôi vẫn là sinh kế của hàng chục triệu hộ nông dân. Chưa bao giờ, ngành chăn nuôi cần sự chia sẻ, đồng hành của các cơ quan chức năng, Bộ, ngành như hiện nay. Cần thiết phải tiết giảm, cắt bỏ những thủ tục hành chính làm tăng chi phí, giá thành cho sản phẩm chăn nuôi. Bởi suy cho cùng “chi phí gia tăng, thì lợn, gà chịu hết” khiến cho giá thành sản phẩm của ngành chăn nuôi Việt Nam kém cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới…

     

    Tâm An (ghi)

    Để lại comment của bạn

    Bình luận mới nhất

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Theo UBND xã Minh Châu – Ba Vì – Hà Nội, xác định lợi thế về đất đai, khí hậu nên những năm qua đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp là chính, trong đó xã tập trung đến phát triển chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt. […]

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Trong bối cảnh bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại TP Hồ Chí Minh, thành phố càng nỗ lực thực hiện các biện pháp kiểm soát chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ gắt gao. Hơn nữa, khảo sát một đêm tại thị trường […]

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Anh Trần Văn Toản, ở khu vực Bình Yên B, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ là người đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long mở trang trại nuôi chim công rất thành công mà cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.   1/ […]

    • Giống chim này có khả năng thích ứng cao với điều kiện khí hậu ở nước ta, tỷ lệ nuôi sống đạt 94-99%.

    • Để đàn gà sinh trưởng phát triển tốt có tỷ lệ sống cao cần thực hiện tốt kỹ thuật úm gà con

    • Việt Nam cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… là những nước đã nuôi trồng thành công đông trùng hạ thảo.

    • Gà vảy cá được mệnh danh là “mỹ kê” đã được nhiều đại gia Việt sẵn sàng chi tiền triệu để hữu cặp gà vảy cá đẹp.

    • Cừu chính là loài vật nuôi thích hợp với những điều kiện khắc nghiệt của vùng đất Ninh Thuận.

    • Nghề nuôi chim cút đẻ hiện đang phổ biến ở rất nhiều hộ gia đình tại các địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế khá.

    • Tỉnh Phú Thọ với địa hình đa dạng: nhiều gò, đồi thấp, dải đồng bằng thuận lợi cho chăn nuôi, trong đó, có chăn nuôi gà lông màu.