Người phụ nữ với dáng người nhỏ nhắn, một thời buôn bán ngược xuôi nơi cửa khẩu, nay đã là triệu phú chăn nuôi lợn Móng Cái.
Trang trại chăn nuôi lợn Móng Cái rộng hơn 2ha của gia đình bà Đặng Thị Liên (TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh). Ảnh: Cường Vũ.
Tuổi thơ phụ gia đình chăn lợn
Lợn Móng Cái từ lâu đã trở thành sản phẩm OCOP nức tiếng ở đất mỏ Quảng Ninh. Đây là giống lợn quý bản địa nhưng đã có thời điểm đứng trước nguy cơ bị mai một vì lai tạp với các giống lợn khác. Do đó, việc phục tráng giống lợn đặc sản này đã được chính quyền và người dân ở TP Móng Cái triển khai từ 10 năm trước.
Là một trong những người tiên phong trong việc bảo tồn giống lợn Móng Cái, bà Đặng Thị Liên, Giám đốc HTX Vạn Thành Phát (TP Móng Cái) đã xây dựng mô hình chăn nuôi, sản xuất con giống đảm bảo chất lượng để cung cấp ra thị trường.
Đến với thành phố miên biên viễn Móng Cái, không ai không biết đến mô hình nuôi lợn Móng Cái của bà Đặng Thị Liên. Men theo con đường nhỏ thuộc phường Hải Yên (TP Móng Cái), phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam tìm đến trang trại chăn nuôi lợn Móng Cái với quy mô thuộc tốp đầu thành phố.
Trong bộ quần áo sờn màu, cùng đôi ủng bảo hộ và chiếc nón che nắng, bà Liên vừa đưa tay lau những giọt mồ hôi đang túa ra trên trán, vừa chỉ về phía khu chuồng rộng chừng 2ha đang chăn giống lợn Móng Cái đặc sản.
Kể về quá trình bén duyên với nghề, bà Liên cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn nghèo. Ngày bé, tôi thường phụ giúp cha mẹ chăn lợn. Từ cắt rau, thái chuối, nấu cám cho lợn ăn đến dọn vệ sinh chuồng, tôi đều đã trải qua hết. Thuở ấy, mỗi nhà chỉ có 1 – 2 con lợn nên việc chăn nuôi cũng nhẹ nhàng hơn so với hàng trăm con như bây giờ”.
“Sau khi tốt nghiệp cấp 3, tôi theo học ngành kinh tế công nghiệp, rồi đến khi ra trường lại về sinh sống ở Móng Cái. Khi ấy, để có tiền trang trải cuộc sống, tôi đã đi buôn hàng tươi sống ở cửa khẩu, cũng không nghĩ sau này sẽ chăn nuôi lợn. Đến năm 2000, tôi đầu tư trồng cây ăn quả, để lấy ngắn nuôi dài, gia đình đã kết hợp nuôi lợn trắng để lấy phân bón cho cây”, bà Liên tâm sự.
Dần dần, bà Liên chuyển từ mô hình trồng cây ăn quả sang chăn nuôi lợn công nghiệp nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Đến năm 2014, TP Móng Cái có chủ trương khôi phục giống lợn Móng Cái bản địa, bà Liên đã nhanh chóng nắm lấy cơ hội.
Ban đầu, từ 5 con lợn Móng Cái, bà Liên đã từng bước mở rộng mô hình, tăng đàn lợn. Đến nay, sau gần 10 năm gắn bó với nghề, đàn lợn Móng Cái của gia đình bà đã lên đến hàng trăm con mỗi năm.
Giai đoạn 2021 – 2025, Sở KH-CN tỉnh Quảng Ninh cũng đã phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam triển khai đề án “Bảo tồn nguồn gen lợn Móng Cái trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Mục tiêu chung của đề án nhằm phục tráng và phát triển đàn lợn Móng Cái thuần chủng bằng ứng dụng công nghệ gen, công nghệ hỗ trợ sinh sản và công nghệ dinh dưỡng.
Lợn Móng Cái được chăn thả ngoài vườn, cho ăn các loại rau, củ để tăng chất lượng thịt. Ảnh: Nguyễn Thành.
Nuôi lợn Móng Cái nhưng không biết bán cho ai
Nhớ lại khoảng thời gian năm 2014, bà Liên bộc bạch: “Ngày ấy, do thịt lợn trắng có giá rẻ, chỉ khoảng 20.000 đồng/kg lợn hơi, tỉ lệ nạc cao nên người dân, lái buôn chủ yếu lựa chọn loại thịt này.
Ngược lại, lợn Móng Cái lại không được nhiều người biết đến, ngoài ra, giá bán cao hơn hẳn, lên đến gần 100.000 đồng, lợn dễ tích mỡ, nên khi bắt đầu nuôi, tôi luôn trăn trở suy nghĩ rằng nuôi lợn Móng Cái rồi bán cho ai?”.
Không chỉ gặp khó đầu ra, việc chăn nuôi lợn làm sao để giảm lượng mỡ, tăng độ ngon ngọt cho thịt lợn Móng Cái cũng khiến bà Liên nhiều ngày mất ăn mất ngủ.
“Mới đầu, tôi cùng nhiều hộ chăn nuôi lợn Móng Cái chưa có kinh nghiệm nên chăn theo phương pháp công nghiệp, lợn béo và nhiều mỡ. Dần dần, tôi đã chuyển sang nuôi theo kiểu truyền thống, dân dã như thời xưa.
Cụ thể, lợn Móng Cái được cho ăn rau, ngô, khoai sắn, giảm tinh bột trong các bữa ăn. Đặc biệt, tôi còn cho ăn các loại cá tạp, kết hợp thả vườn giúp lợn giảm mỡ, thịt săn chắc và ngon hơn trước”.
Sau khi tăng chất lượng thịt lợn Móng Cái, bà Đặng Thị Liên liền tính đến bài toán đầu ra cho sản phẩm. “Có những thời điểm, chúng tôi nuôi lợn chỉ để mang đi quảng cáo, cho mọi người ăn thử. Chồng tôi còn mắng rằng nuôi lợn suốt ngày mang đi cho thì lấy đâu ra tiền. Ngày ấy, kinh tế gia đình tôi cũng khó khăn lắm”, bà Liên kể lại.
Trời không phụ lòng người, từ sự kiên trì của bà Liên, nhiều khách hàng sau khi biết đến mô hình chăn nuôi lợn Móng Cái của HTX Vạn Thành Phát đã trực tiếp đến xem và bắt lợn tại vườn. “Có khách tấm tắc khen lợn Móng Cái đẹp như con lợn trong tranh dân gian Đông Hồ, có khách thì tâm sự rằng sau khi ăn lợn Móng Cái thì bị nghiện lúc nào không biết”, bà Liên cho biết.
HTX Vạn Thành Phát đang chăn nuôi lợn Móng Cái theo hướng hữu cơ. Ảnh: Cường Vũ.
Chuỗi liên kết từ nông trại đến bàn ăn
Nói về quá trình phát triển và xây dựng thương hiệu lợn Móng Cái, bà Liên bồi hồi nói: “Ngày trước, đích thân tôi chở lợn đi chào hàng ở các nhà hàng nổi tiếng trên địa bàn TP Hạ Long. Nhiều người còn chê lợn Móng Cái béo lắm, ăn làm gì. Tôi nghe xong cũng buồn lắm, nhưng bỏ qua tất cả, tôi tin rằng khi đã một lần ăn thịt lợn Móng Cái được chăn nuôi đúng theo quy trình, người tiêu dùng sẽ nhớ mãi hương vị thơm ngon ấy”.
“Có vị khách từ TX Đông Triều, cách Móng Cái hàng trăm cây số, trong một lần ăn thịt lợn Móng Cái mà gia đình tôi chăn nuôi đã thốt lên rằng sau 30 năm, vị khách ấy mới lại được thưởng thức thịt lợn Móng Cái ngon đến như vậy.
Câu nói ấy đã trở thành niềm khích lệ to lớn để tôi tiếp tục con đường khôi phục và xây dựng thương hiệu lợn đặc sản nơi đây”, bà Liên vui vẻ kể lại.
Để góp phần xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản phẩm OCOP lợn Móng Cái từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị nông sản địa phương, Công ty Cổ phần Duyên Hải Quảng Ninh đã quyết định ký kết cùng HTX Vạn Thành Phát cho ra mắt sản phẩm “Lợn Móng Cái đủ món”.
Với chu trình sản xuất ẩm thực khép kín, lại ở vị trí cửa khẩu giao thương với Trung Quốc, bà Liên mong muốn mang sản phẩm lợn Móng Cái quảng bá tới người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Trong thời gian tới, không chỉ phục vụ lợn Móng Cái đủ món trên bàn ăn, các đơn vị liên kết còn định hướng tạo ra những sản phầm mà du khách khi tới nơi đây đều có thể mang về làm quà cho người thân.
Khách hàng đến tìm mua tỏ ra thích thú với nét đẹp như trong tranh Đông Hồ của lợn Móng Cái. Ảnh: Nguyễn Thành.
Hiện nay, HTX Vạn Thành Phát xuất bán trên 500 con lợn Móng Cái, bao gồm cả lợn thịt và lợn giống. Với giá bán 150.000 đồng/kg lợn thương phẩm và từ 1,5 – 2 triệu/lợn giống, mỗi năm, trang trại lợn Móng Cái của bà Liên mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng. Với tình yêu nghề, cùng sự quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, bà Liên đã làm giàu chính đáng từ chính sản vật địa phương.
Trong tương lai, HTX Vạn Thành Phát sẽ xây dựng mô hình chăn nuôi lợn Móng Cái theo hướng hữu cơ, với số lượng 100 con mỗi năm, để cung cấp sản phẩm thịt lợn sạch, an toàn đến sức khỏe người tiêu dùng. Bên cạnh đó, tăng giá trị sản phẩm lợn Móng Cái, mang lại thu nhập cao hơn trước cho người nuôi.
Nguyễn Thành – Cường Vũ
Nguồn: nongnghiep.vn
TP Móng Cái có 20 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao cấp tỉnh, có 22 sản phẩm được chấp thuận tham gia chu trình OCOP. Trong đó, riêng lợn Móng Cái được công nhận là sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ. Với tiềm năng như vậy, đàn lợn Móng Cái được bảo vệ, phát triển sẽ góp phần nâng cao đời sống kinh tế nông nghiệp của người dân TP Móng Cái theo hướng bền vững.
- kỹ thuật nuôi lợn móng cái li>
- lợn móng cái li> ul>
- Áp dụng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo là tương lai của ngành chăn nuôi
- Vemedim tổ chức khóa học chẩn đoán và điều trị chuyên sâu về hô hấp phức hợp trên chó mèo
- Hòa Bình: Giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm 31% tỷ trọng ngành nông nghiệp
- Khả năng tiêu hoá tinh bột ở động vật và lợi ích của amylase
- Bình Định: Công ty Vĩnh Quang đầu tư trang trại chăn nuôi heo tại huyện Vĩnh Thạnh
- Ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng và những tác động có thể ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi Việt Nam
- Thoát nghèo bền vững nhờ nuôi bò sinh sản
- Nhập khẩu đậu tương 11 tháng năm 2024 tăng khối lượng, giảm trị giá
- Bệnh xuất huyết thỏ (Rabbit haemorrhagic disease – RHD)
- Tập đoàn Nhật Sojitz khai trương nhà máy chế biến thịt bò mát 10.000 tấn tại Tam Đảo
Tin mới nhất
T2,23/12/2024
- Áp dụng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo là tương lai của ngành chăn nuôi
- Vemedim tổ chức khóa học chẩn đoán và điều trị chuyên sâu về hô hấp phức hợp trên chó mèo
- Đón đọc Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam số tháng 12 năm 2024
- Hòa Bình: Giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm 31% tỷ trọng ngành nông nghiệp
- Khả năng tiêu hoá tinh bột ở động vật và lợi ích của amylase
- Bình Định: Công ty Vĩnh Quang đầu tư trang trại chăn nuôi heo tại huyện Vĩnh Thạnh
- Ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng và những tác động có thể ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi Việt Nam
- Thoát nghèo bền vững nhờ nuôi bò sinh sản
- Nhập khẩu đậu tương 11 tháng năm 2024 tăng khối lượng, giảm trị giá
- Bệnh xuất huyết thỏ (Rabbit haemorrhagic disease – RHD)
- Biogénesis Bagó: Tăng tốc tại thị trường châu Á thông qua việc thiết lập văn phòng khu vực tại Việt Nam
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
- Các quy trình ngoại khoa trên heo con và những vấn đề cần lưu ý
- Bệnh Dịch tả heo châu Phi: Làm tốt An toàn sinh học đến đâu, rủi ro bệnh càng thấp tới đó!
- Quy trình xử lí chuồng trại sau khi bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
Bình luận mới nhất