Ngày 21/12/2021, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố Bảng xếp hạng Top 10 Công ty Thức ăn chăn nuôi uy tín năm 2021.
Danh sách Top 10 công ty Thức ăn chăn nuôi uy tín năm 2021
Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty Thức ăn chăn nuôi uy tín năm 2021, tháng 12/2021
Chăn nuôi là một trong những ngành kinh tế quan trọng, nhiều tiềm năng của Việt Nam, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045. Cùng với sự phát triển của ngành chăn nuôi, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) công nghiệp ở Việt Nam cũng đã tăng trưởng ngoạn mục, đạt bình quân từ 13%-15%/năm. Tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp từ 10,8 triệu tấn năm 2010 đã tăng lên gần gấp đôi vào năm 2020, đạt 20,3 triệu tấn. Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 10 thế giới và số 1 khu vực Đông Nam Á về sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp, xếp trên cả Thái Lan và Indonesia. Với tiềm năng phát triển cao, ngành TACN của Việt Nam đã thu hút nhiều doanh nghiệp gia nhập ngành, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang không ngừng mở rộng quy mô, tạo ra cuộc cạnh tranh khốc liệt trong ngành.
Đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp ngành TACN trong năm 2021
Mặc dù ngành thức ăn chăn nuôi không bị ảnh hưởng nặng nề như một số ngành khác do tác động của đại dịch, nhưng vẫn chịu tác động trên cả khía cạnh cung và cầu. Trước tác động của dịch bệnh đã ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tại các bếp ăn công nghiệp, hay trường học, nhà hàng, khách sạn giảm cũng làm cho giá đầu ra của sản phẩm chăn nuôi giảm tương đối sâu, không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi, mà còn khiến những đại lý kinh doanh thức ăn gia súc, doanh nghiệp sản xuất thức ăn gặp nhiều khó khăn. Ở phía đầu vào, cũng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp sản xuất TACN rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu bởi ngành vận tải biển và đường bộ gặp khó khăn ở khâu kiểm soát dịch bệnh khắt khe tại các nước xuất khẩu, chi phí vận chuyển tăng tương đối nhiều dẫn đến chi phí nguyên liệu TACN tăng từ 20%-30%, làm giá thành TACN cũng tăng theo đó. Tại Việt Nam chi phí thức ăn chiếm khoảng từ 80-85% giá thành chăn nuôi, trong khi nguồn cung thức ăn chăn nuôi lại phụ thuộc phần lớn từ nhập khẩu, lên đến 70-80% với các mặt hàng ngô, lúa mì, đậu tương. Tuy chịu tác động của đại dịch Covid-19 nhưng trong 10 tháng năm 2021 kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu vẫn tiếp tục gia tăng và đã đạt gần 4,14 tỷ USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2020.
Hình 1: Giá trị xuất nhập khẩu TACN và nguyên liệu các năm
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi phải chi nhiều hơn cho các biện pháp phòng chống dịch bệnh để đảm bảo an toàn cho nhân viên và hoạt động của họ như chi phí xét nghiệm Covid-19, thực hiện phương án 3 tại chỗ, hỗ trợ người lao động nằm trong khu cách ly, khu phong tỏa, chi phí tăng ca do thiếu hụt lao động v.v. Trước những áp lực gia tăng chi phí trong khi giá sản phẩm bán ra không tăng tương ứng đã tác động tiêu cực đến lợi nhuận của các doanh nghiệp TACN. Kết quả khảo sát của Vietnam Report với doanh nghiệp về tác động của đại dịch Covid-19 đến ngành TACN đã ghi nhận 85,71% doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh doanh bị xấu đi một chút. Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi đã tái cơ cấu hoạt động, nỗ lực duy trì hoạt động kinh doanh để cung cấp cho người chăn nuôi những sản phẩm chất lượng và tiến lên phía trước.
Đánh giá uy tín truyền thông của các doanh nghiệp ngành TACN
Top 10 chủ đề xuất hiện trên truyền thông năm nay có sự thay đổi với việc bổ sung thêm chủ đề Đầu tư, các chủ đề Hình ảnh/Pr/Scandal, Sản phẩm, Chiến lược kinh doanh/M&A đều có sự tăng tần suất thông tin so với thời gian nghiên cứu của năm 2020. Điều này cho thấy rõ những dấu ấn nổi bật của ngành TACN qua lăng kính truyền thông. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng tới nền sản xuất của nhiều nước trên thế giới, nhiều doanh nghiệp trong nước đang loay hoay thoát khỏi khủng hoảng nguyên liệu, duy trì sản xuất thì một số doanh nghiệp nước ngoài vẫn tiếp tục xây dựng thêm nhà máy để tăng sản lượng. Các hoạt động mua bán và sáp nhập, quan hệ hợp tác của các công ty trong và ngoài nước được thúc đẩy bởi nhu cầu vẫn diễn ra mạnh mẽ, và điều này không hề chậm lại trong thời kỳ đại dịch. Hình ảnh các doanh nghiệp trong ngành TACN chung tay cùng Chính phủ trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh Covid, khắc phục hậu quả bão lũ v.v đã giúp cho nhóm chủ đề Hình ảnh/Pr/Scandal vươn lên vị trí dẫn đầu về tần suất xuất hiện.
Xét về tin tích cực – tiêu cực theo chủ đề: 7 trong 10 chủ đề ở trên có tỷ lệ tin tiêu cực giảm xuống so với thời gian nghiên cứu của năm 2020, bao gồm: Hình ảnh/PR/Scandal; Sản phẩm; Chiến lược kinh doanh/M&A; Cổ phiếu; Vị thế thị trường; Đầu tư; Quản trị. Chủ đề Tài chính/Kết quả kinh doanh có tỷ lệ tin tiêu cực cao nhất với 20,65%.
Hình 2: Top 10 chủ đề xuất nhiều nhất trên truyền thông
Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding ngành Thức ăn chăn nuôi từ tháng 10/2020 đến tháng 10/2021
Xét tỷ lệ tin tích cực theo tháng từ tháng 10/2019 đến tháng 10/2021 có sự biến động rất nhiều giữa các tháng, nhất là các thời điểm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid, dịch tả Châu Phi, như trong năm 2021 là các tháng 7, 8 thực hiện giãn cách xã hội và tháng 10 là thời gian công bố báo cáo tài chính quý 3.
Hình 3: Tỷ lệ tin tích cực – tiêu cực theo tháng
Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding ngành Thức ăn chăn nuôi từ tháng 10/2019 đến tháng 10/2021
Về chất lượng thông tin, doanh nghiệp được đánh giá là “an toàn” khi đạt tỷ lệ chênh lệch thông tin tích cực và tiêu cực so với tổng lượng thông tin được mã hóa ở mức 10%, tuy nhiên ngưỡng “tốt nhất” là trên 20%. Tỷ lệ số doanh nghiệp có thông tin mã hóa, đạt ngưỡng trên 20% là 78,57%, một tỷ lệ rất cao và vượt so với mức 66,7% trong giai đoạn nghiên cứu của năm trước.
Đánh giá ảnh hưởng của yếu tố bên ngoài đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp TACN
Khi đánh giá ảnh hưởng của yếu tố bên ngoài đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi, Vietnam Report sử dụng mô hình thang Li-kert 5 điểm. Kết quả khảo sát của năm trước chỉ ra cạnh tranh thị phần giữa các doanh nghiệp là yếu tố ảnh hưởng nhất đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp TACN trong thời kỳ bình thường tiếp theo, nhưng trong khảo sát của Vietnam Report được thực hiện vào tháng 11 năm nay, yếu tố diễn biến dịch bệnh, khí hậu; biến động giá nguyên vật liệu đầu vào; khả năng hồi phục của nền kinh tế là ba yếu tố ảnh hướng nhất; tiếp sau đó mới là yếu tố cạnh tranh thị phần. Không chỉ đại dịch Covid-19, dịch tả lợn Châu Phi cũng là mối đe dọa tiềm tàng khiến các cơ quan chính phủ, người chăn nuôi lợn và tất cả các bên liên quan trong ngành lo ngại trong năm 2022.
Hình 4: Đánh giá ảnh hưởng của yếu tố bên ngoài đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp TACN
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát chuyên gia và doanh nghiệp ngành Thức ăn chăn nuôi, tháng 11/2021 và tháng 10/2020
Việc tăng giá thức ăn chăn nuôi thời gian qua là do nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới giảm, nguồn cung trong nước hạn chế, chi phí vận chuyển tăng cộng thêm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến sản lượng một số loại ngũ cốc chính của một số quốc gia sụt giảm. Biến đổi khí hậu đã làm một số nước là đối tác cung cấp nguyên liệu TACN chính cho Việt Nam như Mỹ, Argentina, Brazil, v.v bị khô hạn nên diện tích ngô, lúa mì, đậu tương phải thu hẹp làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng và giá. Theo Tổng cục Hải quan, nhập khẩu ngô trong tháng 10/2021 đạt 819 nghìn tấn ngô, giảm 15% về lượng và tăng 21% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Thời tiết khắc nghiệt và những rủi ro do biến đổi khí hậu không thể đoán trước tạo ra thách thức với sự phát triển của cây trồng nguyên liệu và sức khỏe vật nuôi, đồng thời đặt ra những yêu cầu cho doanh nghiệp trong chuỗi chăn nuôi cần phải tăng cường sự chú trọng vào sản xuất nông nghiệp bền vững và bảo vệ môi trường trong năm tới.
Đánh giá sự cạnh tranh trong ngành TACN theo mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Michael Porter cho thấy áp lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành là cao nhất; các áp lực về đối thủ cạnh tranh tiềm năng, khả năng thương lượng của nhà cung ứng, khả năng thương lượng của khách hàng mức trung bình và sự đe dọa từ sản phẩm thay thế chỉ ở mức thấp. Theo dữ liệu của Cục chăn nuôi tính đến tháng 7/2021, ngành TACN có 265 doanh nghiệp, khối FDI có 89 doanh nghiệp, khối doanh nghiệp trong nước có 176 doanh nghiệp, nhưng sản lượng của doanh nghiệp FDI trong năm 2020 chiếm 59,8% và doanh nghiệp trong nước chiếm 40,2%. Các doanh nghiệp FDI không chỉ vượt trội về thị phần mà hầu hết đều có chiến lược kinh doanh bài bản với chuỗi sản xuất kinh doanh khép kín và nguồn lực tài chính mạnh. Điều này thúc đẩy những doanh nghiệp không đi theo hướng chiến lược xây dựng và vận hành trang trại phải xem xét chiến lược khác và cần đầu tư về công nghệ, cải tiến kỹ thuật và năng suất để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, giành lại thị phần.
Hình 5: Đánh giá 5 áp lực cạnh tranh với ngành TACN của Việt Nam
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát chuyên gia và doanh nghiệp ngành TACN, tháng 11 năm 2021
Những thách thức của ngành thức ăn chăn nuôi trong thời kỳ bình thường tiếp theo dưới tác động của đại dịch
Mặc dù ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi đã được chứng minh là có khả năng chống chọi khá tốt trong cuộc khủng hoảng Covid-19 so với các ngành kinh tế khác, nhưng đại dịch hiện nay vẫn đang lan rộng và nguy cơ bùng phát các đại dịch khác sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến ngành thức ăn chăn nuôi vào năm 2022. Trong suốt chuỗi giá trị, các bên liên quan trong ngành thức ăn chăn nuôi phải thực hiện các thủ tục, đào tạo và trang thiết bị để bảo vệ nhân viên và ngăn chặn sự lây lan của vi rút, cũng như duy trì mức độ sản xuất và dịch vụ của họ.
Vào đỉnh điểm của đại dịch Covid-19, tất cả các ngành công nghiệp trên toàn thế giới đều phải trải qua những tác động của chuỗi cung ứng vô cùng thách thức. Sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng toàn cầu đã dẫn đến chi phí nguyên liệu và phụ gia thức ăn chăn nuôi cao, điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngành thức ăn chăn nuôi trong năm mới. Kết quả đánh giá từ chuyên gia và doanh nghiệp của Vietnam Report về những thách thức đối với ngành TACN do tác động của đại dịch trong năm 2022 đã chỉ ra 4 thách thức lớn nhất là: (i) Đứt gãy chuỗi cung ứng trong sản xuất, kinh doanh; (ii) Sự leo thang trong chi phí nguyên liệu; (iii) Thay đổi thói quen người tiêu dùng; (iv) Chi phí cho lưu thông, vận chuyển hàng hóa.
Hình 6: Đánh giá những thách thức đối với ngành TACN do tác động của đại dịch Covid-19 trong năm 2022
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát chuyên gia và doanh nghiệp ngành Thức ăn chăn nuôi, tháng 11/2021
Covid-19 đã tác động đến nhu cầu và sở thích của người tiêu dùng, làm tăng sự quan tâm của người tiêu dùng đối với chuỗi cung ứng thực phẩm, người tiêu dùng ngày càng có mong muốn về sự minh bạch của nguồn gốc thực phẩm và cách sản xuất thịt, sữa và trứng của họ. Điều này sẽ dẫn đến nhu cầu tăng lên đối với sản xuất bền vững, phúc lợi động vật và không có kháng sinh cho động vật, từ đó thúc đẩy các doanh nghiệp phải nghiên cứu, cải tiến sản phẩm thức ăn chăn nuôi như việc gia tăng các thành phần và phụ gia thức ăn chăn nuôi chất lượng cao. Ngoài ra, sự thay đổi ngày càng tăng đối với việc áp dụng chế độ ăn thuần chay dự kiến sẽ cản trở sự tăng trưởng của thị trường thức ăn chăn nuôi trong giai đoạn dự báo và những năm sắp tới.
Triển vọng ngành Thức ăn chăn nuôi
Theo đánh giá của doanh nghiệp TACN trong khảo sát của Vietnam Report, việc ứng phó với dịch của Chính phủ là sống chung với Covid là phù hợp, giúp cho chi phí sản xuất của doanh nghiệp sẽ giảm xuống, các nhà hàng, bếp ăn, các nhà máy sản xuất hoạt động trở lại, nhu cầu thực phẩm sẽ tăng lên, và ngành TACN cũng có triển vọng tốt hơn. Bên cạnh đó, vấn đề kiểm soát ảnh hưởng rất nhiều giá TACN, khi nhiều quốc gia xác định sống chung, các nước nới lỏng vấn đề quản lý, giúp cho chi phí vận tải biển giảm xuống và khi dịch được kiểm soát tốt hơn thì ngành TACN cũng có triển vọng tốt hơn. Theo định hướng phát triển của Bộ Nông nghiệp và PTNT, năm 2022, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng khoảng 5,5-6,0%; sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi 22,5 triệu tấn.
Kết quả khảo sát của Vietnam Report về triển vọng của ngành TACN trong năm tới, đã ghi nhận: 57,1% doanh nghiệp đánh giá tăng trưởng khả quan, tốt hơn một chút; 14,29% đánh giá duy trì tốc độ tăng trưởng và 28,57% đánh giá tăng trưởng sẽ thấp hơn một chút do những lo ngại về đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục gây ra nhiều khó khăn đối với ngành chăn nuôi, chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao, giá sản phẩm chăn nuôi bán ra vẫn ở mức thấp có khả năng hạn chế tăng trưởng sản xuất, mở rộng tái đàn.
Hình 7: Đánh giá tiềm năng tăng trưởng của ngành TACN trong năm 2022
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát chuyên gia và doanh nghiệp ngành Thức ăn chăn nuôi, tháng 11/2021
Trong trung và dài hạn, ngành chăn nuôi vẫn được đánh giá là có nhiều triển vọng phát triển. Theo dữ liệu của FAO, sản lượng thịt toàn cầu được dự đoán sẽ cao hơn 16% vào năm 2025. Nhu cầu gia tăng đối với thịt và các sản phẩm làm từ động vật cùng với sự gia tăng sản xuất chăn nuôi thương mại, chế biến thức ăn nhanh là những yếu tố chính thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường. Việc tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi ngày càng cao do người dân quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe dinh dưỡng của vật nuôi cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường chế biến thức ăn chăn nuôi. Theo dự báo của Mordor Intelligence, thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam dự kiến đạt tốc độ CAGR là 4,6% trong giai đoạn dự báo (2021-2026).
Ngoài ra, sự tăng trưởng mạnh trên thị trường thức ăn chăn nuôi trong thời gian tới sẽ được thúc đẩy bởi chiến lược tăng trưởng của các công ty lớn dưới hình thức mở rộng và đầu tư, tăng tốc sản xuất thức ăn chăn nuôi để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng để đa dạng danh mục sản phẩm và tiếp cận được các thị trường mục tiêu mới. Thêm vào đó, tỷ lệ các hộ chăn nuôi chuyển đổi từ chăn nuôi hình thức nhỏ lẻ sang chăn nuôi có tổ chức theo quy mô trang trại ngày càng tăng được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy cơ hội tăng trưởng thị trường thức ăn chăn nuôi trong những năm tới.
Top 4 xu hướng của ngành TACN trong thời kỳ bình thường tiếp theo
Chú trọng hơn việc sử dụng nguyên liệu, phụ gia thức ăn cho mục tiêu giảm khí thải và ứng phó biến đổi khí hiệu một cách bền vững
Ngành chăn nuôi cũng được coi là có tỷ trọng đáng kể trong lượng khí thải carbon. Nguyên liệu, phụ gia thức ăn chăn nuôi có thể đóng góp hiệu quả vào việc giảm phát thải khí mê-tan và khí thải carbon. Thông qua đánh giá tác động của vòng đời sản phẩm các nhà khoa học đã chứng minh rằng những thành phần này có thể hỗ trợ tích cực cho việc giảm thiểu tác hại của môi trường đối với hoạt động chăn nuôi theo những cách khác nhau. Dự án Tính bền vững phụ gia thức ăn chăn nuôi do Hiệp hội thương mại của Liên minh Châu Âu về ngành công nghiệp phụ gia thức ăn chăn nuôi (FEFANA) và Liên đoàn Thức ăn Chăn nuôi Quốc tế (IFIF) thực hiện, đã nghiên cứu những ảnh hưởng này đối với nhiều loại nguyên liệu thức ăn. Nghiên cứu đã chứng minh rằng việc sử dụng các thành phần như vậy có thể cắt giảm tới 15% khả năng nóng lên toàn cầu, phát thải phốt pho lên đến 30% và phát thải nitơ lên đến 50%. Điều này có nghĩa là giảm đáng kể các tác động liên quan đến phát thải đối với môi trường, chẳng hạn như giảm bài tiết các chất dinh dưỡng dư thừa, và axit hóa. Do đó, trong thời gian tới, các doanh nghiệp sản xuất TACN sẽ chú trọng hơn việc sử dụng các thành phần nguyên liệu và phụ gia trong thức ăn để góp phần thực hiện mục tiêu giảm khí thải và ứng phó biến đổi khí hậu một cách bền vững theo Tuyên bố COP-26 gần đây của Chính phủ Việt Nam, đặt mục tiêu giảm lượng khí thải carbon vào năm 2050.
Phân khúc gia cầm tiếp tục chiếm ưu thế trên thị trường, thủy sản phục hồi và tăng tốc
Thị trường thức ăn hỗn hợp Việt Nam được phân chia theo thành phần (ngũ cốc, hạt có dầu và các chất dẫn xuất, bột cá và dầu cá, chất bổ sung và các thành phần khác) và loại động vật (động vật nhai lại, lợn, gia cầm, nuôi trồng thủy sản và các loại động vật khác). Thức ăn gia cầm là thức ăn được tiêu thụ cao nhất trên cả nước do ngày càng có nhiều người tiêu dùng ưa chuộng thịt gà, chim cút, thịt vịt và trứng. Trong năm 2020, thức ăn cho lợn chiếm 8,9 triệu tấn, tương đương đạt tỷ lệ 43,8%; thức ăn cho gia cầm đã đạt mức 10,7 triệu tấn, chiếm tỷ lệ 53,7%; thức ăn cho các loại vật nuôi khác chiếm 0,6 triệu tấn, đạt tỷ lệ 3,0% trong cơ cấu sản lượng thức ăn chăn nuôi. Theo đánh giá của FAO, thịt gia cầm là yếu tố chính cho sự tăng trưởng của sản xuất thịt toàn cầu, do nhu cầu cao, chi phí sản xuất thấp và giá sản phẩm thấp hơn, cả trong các nước phát triển và đang phát triển. OECD đưa ra dự báo đối với thị trường gia cầm, sản lượng tiêu thụ trong 10 năm tới tại Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng bình quân 2,9%/năm. Xu hướng tiêu thụ gia cầm trên thực tế vẫn tiếp tục gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới và nhu cầu về nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam cũng sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Theo dự báo của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, nhu cầu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam sẽ là khoảng 28-30 triệu tấn/năm trong 5 năm tới, trị giá 12-13 tỷ USD với mức tăng trưởng trung bình 11 – 12%/năm, trong đó quá nửa sản lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (14,5-15 triệu tấn) sẽ dành cho ngành gia cầm.
Kết quả khảo sát của Vietnam Report đối với chuyên gia và doanh nghiệp ngành TACN về nhu cầu của một số sản phẩm thức ăn chăn nuôi trong năm tới đã cho thấy có xu hướng tăng lên trong nhu cầu đối với thủy sản, lợn và gia cầm, trong đó thủy sản là phân khúc được dự đoán sẽ có tăng trưởng mạnh mẽ nhất. Thủy sản nằm trong nhóm 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, và đang có sự phục hồi khá tốt sau khi giảm vào các tháng 8, 9 do giãn cách xã hội. Theo Tổng cục Hải Quan, trị giá xuất khẩu trong tháng 10 đạt 889 triệu USD, cao nhất từ trước tới nay, tăng mạnh 42,3% so với tháng 9, tương ứng tăng 264 triệu USD về số tuyệt đối. Nhu cầu thủy sản tiếp tục tăng cao tại các thị trường lớn về thủy sản của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, v.v sẽ thúc đẩy xuất khẩu ngành hàng này của Việt Nam và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp chăn nuôi thủy sản cũng như sản xuất thức ăn.
Hình 8: Đánh giá nhu cầu của một số sản phẩm thức ăn chăn nuôi trong năm 2022
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát chuyên gia và doanh nghiệp ngành Thức ăn chăn nuôi, tháng 11/2021
Đối với nhóm ngành thịt lợn nhu cầu được đánh giá là sẽ gia tăng trong thời tới, cộng thêm những chính sách hỗ trợ phát triển ngành chăn nuôi lợn thu hút các doanh nghiệp TACN tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất TACN lợn. Theo Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 của Bộ NN&PTNT, đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tổng đàn lợn có mặt thường xuyên ở quy mô khoảng 29-30 triệu con, trong đó đàn heo nái khoảng 2,5-2,8 triệu con, đàn heo nuôi trang trại, công nghiệp chiếm trên 70%.
Phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất TACN
Kinh tế tuần hoàn (KTTH) đang là xu hướng tất yếu của các quốc gia trên thế giới và Việt Nam, nhất là khi đại dịch Covid-19 lan rộng đã định hình rõ hơn xu hướng đầu tư và phát triển bền vững. KTTH là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Trong nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh, phụ phẩm trong nông, lâm, thủy sản đang được xem là đầu vào quan trọng, kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp.
Việt Nam hiện có tới 120 triệu tấn các loại phụ phẩm nông nghiệp, trong đó rơm chiếm tới 43 triệu tấn, là tiềm năng rất lớn có thể áp dụng công nghệ ủ chua, các chế phẩm vi sinh, phơi khô, hệ thống các sản phẩm và phụ phẩm từ ngành thủy sản rất lớn v.v để có thể làm TACN. Đây là nguồn nguyên liệu TACN rất quan trọng, nếu tận dụng tốt phế phụ phẩm tại chỗ sẽ mang lại hiệu quả rất tốt cho ngành chăn nuôi nói riêng và ngành Nông nghiệp nói chung.
Trong thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã đẩy mạnh dự án kinh tế tuần hoàn, sử dụng chế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi và nhân rộng các mô hình cánh đồng lớn trồng bắp, sản xuất thức ăn chăn nuôi từ phế, phụ phẩm nông nghiệp. Trong thời gian tới, việc chủ động sử dụng nguồn phụ phẩm ở trong nước sẽ được đẩy mạnh hơn nữa cùng với đó là sự tăng cường đầu tư khoa học công nghệ cao để có thể phát triển được trong một số phụ phẩm.
Áp dụng công nghệ số trong ngành TACN
Những tiến bộ công nghệ đang được áp dụng vào sản xuất thức ăn chăn nuôi. Các nhà khoa học không chỉ xem xét cách thức công nghệ hỗ trợ sản xuất chăn nuôi bằng các kỹ thuật sinh học, hóa học, vật lý mà cả bằng kỹ thuật số. Công nghệ số sẽ cho phép giải quyết hiệu quả hơn nhiều những thách thức to lớn đang phải đối mặt hiện nay và trong tương lai đối với ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Blockchain là ứng dụng cho phép quản lý an toàn, với một lượng lớn dữ liệu đáng tin cậy về truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thô, phương pháp sản xuất, bộ gen, chất dinh dưỡng. Các nhà khoa học đang bắt đầu khám phá cách lưu trữ, xử lý thông tin bằng ứng dụng AI (Trí tuệ nhân tạo), cũng như tạo ra kiến thức từ lượng dữ liệu khổng lồ (Big data) về năng suất, sinh trắc học và sinh lý học. Việc tích hợp các dữ liệu sản xuất đó từ động vật, trang trại, lò giết mổ và ngành công nghiệp chế biến thịt sẽ cung cấp một cách tiếp cận tổng thể mới của chuỗi sản xuất, từ đó cho phép điều chỉnh nhiều hơn, điều chỉnh chính xác hơn khẩu phần ăn phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của động vật, và thiết lập kế hoạch cho ăn không chỉ dựa trên mục tiêu sản xuất mà còn giải quyết các khía cạnh vệ sinh, chất lượng sản phẩm, sức khỏe và tính bền vững.
Kết quả khảo sát của Vietnam Report về tình hình ứng dụng công nghệ và kỹ thuật số vào quá trình hoạt động của doanh nghiệp TACN cho thấy lĩnh vực được ứng dụng nhiều nhất là hoạt động sản xuất, điều hành doanh nghiệp và hoạt động bán hàng. Các lĩnh vực giao nhận hàng hóa (logistics), quản lý nhân sự, tuyển dụng còn hạn chế. Một số doanh nghiệp lớn trong ngành đã triển khai ứng dụng Big Data; Hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP); Điện toán đám mây; IOT (internet vạn vật), Blockchain ở mức độ cao, trên quy mô lớn, trong khi nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa mới đang triển khai một phần trên một số ứng dụng.
Top 5 giải pháp của doanh nghiệp TACN trong thời kỳ bình thường tiếp theo
Khả năng thích ứng nhanh và tăng cường đầu tư, đổi mới công nghệ là chìa khóa cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp trước tác động của đại dịch Covid-19. Để tạo ra những cơ hội phát triển trong thời kỳ bình thường tiếp theo, các doanh nghiệp TACN phải có sự chuẩn bị tốt cho những thách thức phía trước. Kết quả khảo sát của Vietnam Report đã chỉ ra top 5 giải pháp của doanh nghiệp ngành TACN trong thời gian tới: (i) Nghiên cứu các sản phẩm thức ăn chăn nuôi hữu cơ, đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn sinh học; (ii) Đầu tư máy móc và dây chuyền sản xuất thức ăn chăn nuôi tự động hóa, đạt tiêu chuẩn quốc tế; (iii) Phát triển tổ hợp mô hình an toàn sinh học; (iv) Tăng cường các biện pháp quản trị rủi ro tài chính, biến động giá và chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào; (v) Thực hiện M&A, tăng cường quan hệ hợp tác để mở rộng chuỗi kinh doanh. So với kết quả khảo sát được thực hiện vào năm 2020, top 5 giải pháp của doanh nghiệp có thêm hai giải pháp mới được chú trọng là Tăng cường các biện pháp quản trị rủi ro tài chính, biến động giá và chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào; và Thực hiện mua lại và sáp nhập (M&A), tăng cường quan hệ hợp tác để mở rộng chuỗi kinh doanh.
Trong thời kỳ có nhiều biến động do tác động của dịch bệnh, cả doanh nghiệp và người chăn nuôi đều quan tâm đến giải pháp để tiết kiệm hơn nữa chi phí đầu vào sản xuất, trong đó giảm chi phí thức ăn chăn nuôi là mối quan tâm hàng đầu bằng việc tối đa hóa nguồn nguyên vật liệu trong nước, đa dạng hóa nguồn cung để giảm tình trạng thiếu hụt nguyên liệu. Việt Nam thường nhập khẩu ngô từ Argentina và Brazil do giá rẻ hơn và chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn của ngành chăn nuôi trong nước, nhưng khi hai nước này gặp hạn hán làm giảm nguồn cung, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi Việt Nam cũng đã thực hiện một số giải pháp hiệu quả như tìm kiếm nguồn cung rẻ hơn thay thế như ngô Ấn Độ, Pakistan, Ukraine, v.v.
Hình 9: Top 5 giải pháp của doanh nghiệp TACN trong thời kỳ bình thường tiếp theo
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát chuyên gia và doanh nghiệp ngành Thức ăn chăn nuôi, tháng 11/2021
Để hỗ trợ tốt nhất cho ngành thức ăn chăn nuôi, hạ giá thành sản xuất, cần tháo gỡ được nút thắt quan trọng nhất về giảm nguồn phụ thuộc vào nhập khẩu, chủ động nguyên liệu phục vụ cho sản xuất thức ăn chăn nuôi. Đây là vấn đề cần thực hiện trong dài hạn, Chính phủ cần tổ chức quy hoạch và phát triển nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi một cách bài bản, đồng bộ. Các chuyên gia và doanh nghiệp TACN trong khảo sát của Vietnam Report cũng đưa ra những đề xuất trước mắt với Chính phủ có thể hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi thông qua: (i) Hỗ trợ kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh và phát triển đàn vật nuôi ở các địa phương; (ii) Giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất; (iii) Hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân phát triển tổ hợp mô hình an toàn sinh học; (iv) Nâng cao công tác thống kê, dự báo thị trường ngành chăn nuôi, cân đối sản lượng TACN trong nước với tốc độ phát triển của đàn gia súc, gia cầm; (v) Đơn giản các thủ tục hành chính để giảm chi phí, hoàn thiện hệ thống hạ tầng cảng biển, kho bãi chuyên dùng phục vụ xuất khẩu, nhập khẩu nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi; (vi) Tăng cường công tác kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi.
Vietnam Report
- công ty thức ăn chăn nuôi li> ul>
- Áp dụng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo là tương lai của ngành chăn nuôi
- Vemedim tổ chức khóa học chẩn đoán và điều trị chuyên sâu về hô hấp phức hợp trên chó mèo
- Hòa Bình: Giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm 31% tỷ trọng ngành nông nghiệp
- Khả năng tiêu hoá tinh bột ở động vật và lợi ích của amylase
- Bình Định: Công ty Vĩnh Quang đầu tư trang trại chăn nuôi heo tại huyện Vĩnh Thạnh
- Ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng và những tác động có thể ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi Việt Nam
- Thoát nghèo bền vững nhờ nuôi bò sinh sản
- Nhập khẩu đậu tương 11 tháng năm 2024 tăng khối lượng, giảm trị giá
- Bệnh xuất huyết thỏ (Rabbit haemorrhagic disease – RHD)
- Tập đoàn Nhật Sojitz khai trương nhà máy chế biến thịt bò mát 10.000 tấn tại Tam Đảo
Tin mới nhất
T2,23/12/2024
- Áp dụng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo là tương lai của ngành chăn nuôi
- Vemedim tổ chức khóa học chẩn đoán và điều trị chuyên sâu về hô hấp phức hợp trên chó mèo
- Đón đọc Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam số tháng 12 năm 2024
- Hòa Bình: Giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm 31% tỷ trọng ngành nông nghiệp
- Khả năng tiêu hoá tinh bột ở động vật và lợi ích của amylase
- Bình Định: Công ty Vĩnh Quang đầu tư trang trại chăn nuôi heo tại huyện Vĩnh Thạnh
- Ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng và những tác động có thể ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi Việt Nam
- Thoát nghèo bền vững nhờ nuôi bò sinh sản
- Nhập khẩu đậu tương 11 tháng năm 2024 tăng khối lượng, giảm trị giá
- Bệnh xuất huyết thỏ (Rabbit haemorrhagic disease – RHD)
- Biogénesis Bagó: Tăng tốc tại thị trường châu Á thông qua việc thiết lập văn phòng khu vực tại Việt Nam
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
- Các quy trình ngoại khoa trên heo con và những vấn đề cần lưu ý
- Bệnh Dịch tả heo châu Phi: Làm tốt An toàn sinh học đến đâu, rủi ro bệnh càng thấp tới đó!
- Quy trình xử lí chuồng trại sau khi bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
Bình luận mới nhất