[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Cắt giảm nhân công, sản xuất cầm chừng, đẩy mạnh xuất khẩu, chuyển hướng sang các mặt hàng thuốc gia cầm, thủy sản, thú cưng… Đó là tình cảnh chung của ngành sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, vắc xin tại Việt Nam trong bối cảnh bệnh Dịch tả heo châu Phi (ASF) gây thiệt hại nặng nề đến ngành chăn nuôi ở nước ta, kể từ khi bùng phát vào tháng 2/2019.
Ngành sản xuất, kinh doanh thuốc Thú y ngừng tăng trưởng
Trao đổi với PV Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam, theo ông Nguyễn Đức Lưu – Phó Tổng giám đốc Công ty Hanvet, khác với các bệnh truyền nhiễm ở heo, ASF không có vacxin phòng hay thuốc chữa đặc hiệu. Có người nhầm tưởng, có dịch là các công ty thuốc thú y sẽ bán được thuốc, thực tế, không có chăn nuôi thì không có thuốc thú y, chỉ khi chăn nuôi phát triển thì thuốc thú y mới bán được. Cũng như dịch Cúm gia cầm năm 2004 và Tai xanh 2008-2010 nổ ra, ASF đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các công ty kinh doanh và sản xuất thuốc thú y, trong đó có HANVET.
Doanh số bán ra của mặt hàng thuốc thú y, vắc xin cho heo đang thấp kỷ lục (Ảnh minh họa)
Còn Ông Nguyễn Minh Quang – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Goovet (Phú Thọ) cho rằng, trước khi bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF) xuất hiện ở nước ta, công ty của ông đang trên đà tăng trưởng mạnh; gặp dịch bệnh, doanh số bán thuốc cho heo giảm mạnh, chỉ có một số loại thuốc sát trùng, chế phẩm tăng sức miễn dịch là doanh số tăng lên, tuy nhiên không đủ bù đắp.
Đại diện công ty Thuốc Thú y Winvet (Bắc Giang) cho rằng, đây là thời điểm rất khó khăn của ngành thuốc thú y Việt Nam. Đàn heo chiếm khoảng 70% cơ cấu đàn vật nuôi của nước ta, một lượng lớn heo bị chết và tiêu hủy, điều này khiến cho lượng lớn thuốc đang tồn đọng trên thị trường. Tại các nhà phân phối lớn, thuốc heo dừng lại, chuyển sang gia cầm. Hàng từ kho đại lý về công ty, dự kiến hết năm sau thì lượng tồn kho mới hết. Các sản phẩm thuốc thú y đổ dồn sang gia cầm và cạnh tranh rất quyết liệt.
Còn bà Lâm Thúy Ái – Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Thuốc thú y – Thủy sản (Công ty Mebipha) chia sẻ, trong bối cảnh ngành chăn nuôi heo đối mặt với ASF chưa có thuốc chữa, chưa có vắc xin, thì việc tái đàn heo rất khó khăn, dù giá heo đang tăng.
Đối với gia cầm, trong thời gian qua, người chăn nuôi đổ xô đi nuôi quá nhiều, mà giá trứng và gà thịt từ đầu năm luôn thấp và bấp bênh nên việc tái đàn cuối năm cũng không mạnh. Vì vậy, thời điểm này, ngành sản xuất và kinh doanh thuốc thú y đang co cụm lại, trong đó có Công ty Mebipha. Công ty đã đã phải sửa lại toàn bộ kế hoạch kinh doanh.
“Đối với công tác nhân sự, áp lực công việc đối với người lao động cũng lớn hơn và công ty chỉ giữ lại những bạn nào chịu khó và có chí tiến thủ trong công việc”, bà Lâm Thúy Ái nói thêm.
Bà Thúy Ái cũng cho rằng, nếu ở góc độ quản trị, để có kiểm soát về số lượng đàn vật nuôi và giá cả hài hòa cho người chăn nuôi và người tiêu dùng, cơ quan Nhà nước nên cấp hạn ngạch QUOTA, cụ thể thị trường nội địa tiêu thụ bao nhiêu, xuất khẩu bao nhiêu, đăng ký chăn nuôi bao nhiêu thì làm đúng từng ấy để không dư lượng nuôi, giá bán sản phẩm chăn nuôi thấp sẽ gây thua thiệt cho người chăn nuôi.
Theo ông Hoàng Triều, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và kinh doanh Thuốc Thú y Việt Nam: “Một số doanh nghiệp nội đã đầu tư dây chuyền sản xuất vắc xin rất hiện đại, nhưng hiện ngưng trệ do doanh số bán ra quá thấp. Theo ước tính của tôi, kể cả vắc xin và thuốc thú y đang sụt giảm doanh số từ 30-40 có thể đến 50%, chỉ có một số doanh nghiệp làm thuốc sát trùng được Nhà nước chỉ định thầu là vẫn sống khỏe…”.
Đại lý thuốc cũng khó khăn không kém…
Ông Nguyễn Việt Nam – Chủ đại lí thuốc Thú y Nam (Bình Phước) nhận định, đa phần là các trang trại tầm vừa vừa họ thấy giá heo giảm nên họ tìm nguồn thuốc rẻ mua, mà hầu như nguồn đó là ăn cắp từ trại ra, người ta gọi là “hàng quay đầu”. Ví dụ như Amox, Doxy, Flor tiêm, thuốc sát trùng, thậm chí kể cả vắc xin các bệnh khác. Còn một số trại khác mang tư tưởng nửa buông xuôi, tới đâu thì tới thì dưỡng bổ trợ không cho ăn, mà không cho ăn đúng loại và đúng mức thì đề kháng heo sẽ giảm, lượng thuốc bán ra của mình cũng giảm. Một số trại to và nghiêm túc chấp hành nguyên tắc phòng dịch vẫn đầu tư rất tốt, từ sát trùng, vắc xin, bổ trợ,… Đa số là bà con chăn nuôi có tư tưởng bán tháo chạy nên đầu heo giảm rõ rệt. Trong giai đoạn khó khăn này, các công ty làm ăn có uy tín, họ sẽ giảm sản xuất và đẩy mạnh chế độ cho đại lý và trang trại, không lấn vùng của đại lý, ông Nam nhấn mạnh.
Còn chị Nguyễn Thị Huyền – Đại lý Thuốc Thú y Huyền Viễn (Thanh Thủy, Phú Thọ), cho biết đại lý của gia đình cũng bị ảnh hưởng, sụt giảm doanh số bán hàng quá nhiều khi khu vực này đã gần hết heo. Với tình hình chăn nuôi hiện tại, chỉ có những trang trại thân quen thì đại lý của chị mới dám hỗ trợ đầu tư về công nợ, còn không thì phải mua bán tiền ngay. Tại khu vực Thanh Thủy, với những trại heo đã bị dịch bệnh, để duy trì chăn nuôi, người dân chuyển sang nuôi gà, vịt và đặc biệt là trâu, bò rất nhiều.
Còn ông Lê Văn Chức – Chủ một trong những đại lý thuốc thú y lớn nhất huyện Thường Tín (Hà Nội) thì cho rằng, từ lúc có ASF thị trường thuốc thú y nhìn chung vô cùng khó khăn, doanh số của đại lý của ông đã giảm từ 50-60% và ảnh hưởng lớn tới công nợ. Bởi những khách hàng đang chăn nuôi heo, heo bị chết do dịch tả, họ tạm thời chưa tiếp tục chăn nuôi mà nghe ngóng thị trường hoặc chuyển sang làm nghề khác nên đòi nợ rất khó khăn.
Trước đây, đại lý thuốc thú y của ông Chức thường xuyên có từ 12-13 người bán thuốc, tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho các trang trại thì nay chỉ còn 2-3 nhân viên tâm huyết với nghề thì ở lại. Bởi, người lao động hiện tại có nhiều lựa chọn như bán hàng online hoặc bán hàng trong siêu thị sạch sẽ, mát mẻ, đỡ áp lực hơn so với việc khác với việc phải đi thị trường thuốc và vắc xin, vào trại chăn nuôi nắng nóng vất vả mà doanh số thì đang thấp kỷ lục, kéo theo thu nhập giảm. Cũng theo quan điểm của ông Chức, khi thị trường bó hẹp lại, tình hình kinh doanh sản xuất cũng bắt đầu “lộn xộn”, “nát giá”. Cụ thể, các hãng thuốc thi nhau hạ giá thuốc rẻ bằng đại lý và bán thuốc xuống tận trang trại, có mấy gói thuốc người ta cũng ship đến tận nơi. Đây cũng là lúc nhiều mặt hàng thuốc thú y không đảm bảo chất lượng xuất hiện, tem mác không đúng quy chuẩn xuất hiện… Thị trường không còn theo Pháp lệnh thú y mà thậm chí người bán cám cũng đi bán thuốc, người bán hàng xén đi bán thuốc và kê đơn thuốc thú y…
Tại vùng chăn nuôi chăn nuôi bò sữa ở miền Bắc như Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) và Hà Nam cho thấy, khi mà ASF hoành hành, gây thiệt hại nặng thì các đại lý thuốc thú y dành cho chăn nuôi bò sữa mọc lên san sát, các công ty đua nhau về tiếp thị sản phẩm và tổ chức hội thảo.
Chủ đại Đại lý thuốc thú y Thuận Huyền (Vĩnh Ninh, Vĩnh Phúc) cho biết, mỗi ngày có vài công ty thuốc thú y tới chào bán thuốc và sản phẩm dành cho bò sữa. Cuộc cạnh tranh khốc liệt của thuốc thú y cho bò sữa bắt đầu ở các đại lý. Giá thuốc giữa các hãng được giảm đến kịch sàn, các đại lý bán thuốc không lãi nhiều mà chủ yếu để lấy doanh số cho công ty.
Nhiều biện pháp để duy trì sản xuất
Cũng theo ông Nguyễn Minh Quang – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Goovet, với nhà máy thuốc được đầu tư hiện đại theo chuẩn GMP tốn kém hàng trăm tỷ, sau khi thuốc và các loại chế phẩm bổ sung cho heo giảm mạnh, công ty đã chuyển sang sản xuất thuốc cho gia cầm, thủy sản, thú cưng; cũng như lên kế hoạch xuất khẩu thuốc thú y sang các quốc gia khác, bù đắp cho thị trường Việt Nam.
Còn bà Lâm Thúy Ái – Công ty Mebipha cho biết, công suất sản xuất công ty còn dư quá nhiều, đội ngũ xuất nhập khẩu của công ty cũng phải đẩy mạnh công tác xúc tiến, xuất khẩu thuốc thú y sang các thị trường khác, làm sao có thể duy trì được sản xuất và thu nhập cho người lao động.
Còn ông Nguyễn Đức Lưu – Công ty Hanvet cho rằng, đây là thời điểm HANVET chia sẻ những khó khăn của đại lý và các chủ hộ chăn nuôi, luôn tư vấn, hướng dẫn, giúp người chăn nuôi hiểu hơn về an toàn sinh học trong chăn nuôi, cũng như hiểu biết để sử dụng một cách hiệu quả thuốc thú y, nhất là trong các đợt dịch.
Theo Trung tâm Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn miền Nam (SCAP) công bố năm 2015: Tổng giá trị thị trường thuốc thú y Việt Nam (bao gồm thuốc vắcxin, các loại hóa chất, chế phẩm sinh học…) sử dụng trong chăn nuôi vào khoảng 3.280 tỷ đồng, trong đó thuốc thú y cho gia cầm khoảng 920 tỷ, cho lợn khoảng 2.140 tỷ và cho bò khoảng 220 tỷ. Năm 2017, theo Cục Thú y, nước ta có 61 công ty thuốc thú y đạt tiêu chuẩn GMP để sản xuất thuốc. Cùng với đó là hơn 11.000 sản phẩm thuốc thú y được cấp phép lưu hành, trong đó gần 4.000 sản phẩm thuốc thú y nhập khẩu. Thuốc thú y Việt Nam đã xuất khẩu sang hơn 40 nước với kim ngạch thu về t rung bình hằng năm hơn 20 triệu USD.
P.V ghi
Ông Hoàng Triều, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và kinh doanh Thuốc Thú y Việt Nam (ảnh): “Cơ quan Nhà nước cần có nhiều chính sách hỗ trợ người chăn nuôi hơn nữa”
Theo ông Hoàng Triều, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và kinh doanh Thuốc Thú y Việt Nam, số lợn chết theo công bố của nhà nước trên 2 triệu con, chiếm khoảng 15% tổng đàn tuy nhiên, theo nhận định của ông so với con số thật còn kém xa. Một số nơi có chính sách đền bù rất tốt, ví dụ như Hà Nội. Tuy nhiên, tại một số nơi, tiền hỗ trợ chưa đến tay người dân, họ rất lo lắng. Nếu đền bù tốt thì nên đưa ra rộng rãi để người dân an tâm. Cùng với đó, người chăn nuôi thua thiệt Nhà nước nên có chủ trương giảm lãi suất hoặc không lấy lãi ngân hàng lúc bị dịch bệnh; đối với những đơn vị chăn nuôi lợn nái nên hỗ trợ kịp thời để họ giữ lại nái, phục vụ tái đàn. Ngoài ra, đối với doanh nghiệp trong ngành Thuốc thú y Việt Nam, Bộ NN&PTNT nên bãi bỏ việc khảo nghiệm, kiểm nghiệm các sản phẩm thuốc thú y, thủy sản của các doanh nghiệp đã đạt chứng nhận GMP rồi.
Bởi lẽ, khi đầu tư ra nhà máy thuốc thú y GMP, toàn bộ máy móc đã đạt tiêu chuẩn, được Cục Thú y kiểm tra, đánh giá thì việc khảo nghiệm, kiểm nghiệm sản phẩm thuốc chỉ gây mất thời gian, công sức cho cả doanh nghiệp và cơ quan nhà nước… Nên chuyển từ tiền kiểm thuốc thú y sang hậu kiểm như một số Bộ, ngành khác đã làm.
- dịch tả heo châu Phi li>
- thuốc thú y li>
- bệnh Dịch tả heo Châu Phi li> ul>
- Hình ảnh siêu quang phổ có thể phát hiện độc tố nấm mốc trong thức ăn gia cầm
- CP Foods thu gần 68.000 tỷ đồng tại Việt Nam
- Lào Cai: Đánh giá hiệu quả mô hình nuôi dúi thương phẩm tại xã Liên Minh (thị xã Sa Pa)
- Tập trung phòng bệnh dịch tả châu Phi trên đàn lợn
- Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái
- Sản lượng lợn của Anh tháng 10/2024 tăng
- Nông dân sản xuất giỏi từ mô hình chăn nuôi dê
- Giới khoa học lo ngại ca H5N1 có dấu hiệu thích nghi với người
- Sắp diễn ra hội thảo, phổ biến áp dụng mô hình số trong quản lý tại các cơ sở chăn nuôi
- 529 cơ sở chăn nuôi được công nhận an toàn đối với bệnh Dịch tả heo Châu Phi
Tin mới nhất
T2,25/11/2024
- Hình ảnh siêu quang phổ có thể phát hiện độc tố nấm mốc trong thức ăn gia cầm
- CP Foods thu gần 68.000 tỷ đồng tại Việt Nam
- Lào Cai: Đánh giá hiệu quả mô hình nuôi dúi thương phẩm tại xã Liên Minh (thị xã Sa Pa)
- Tập trung phòng bệnh dịch tả châu Phi trên đàn lợn
- Bà Rịa – Vũng Tàu: Kiểm tra tỷ lệ bảo hộ sau tiêm phòng gia súc, gia cầm
- Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái
- Sản lượng lợn của Anh tháng 10/2024 tăng
- Nông dân sản xuất giỏi từ mô hình chăn nuôi dê
- Giới khoa học lo ngại ca H5N1 có dấu hiệu thích nghi với người
- Sắp diễn ra hội thảo, phổ biến áp dụng mô hình số trong quản lý tại các cơ sở chăn nuôi
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
- Các quy trình ngoại khoa trên heo con và những vấn đề cần lưu ý
- Bệnh Dịch tả heo châu Phi: Làm tốt An toàn sinh học đến đâu, rủi ro bệnh càng thấp tới đó!
- Quy trình xử lí chuồng trại sau khi bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
- Bệnh gạo lợn: Những điều cần biết
Bình luận mới nhất