Luật Chăn nuôi mở rộng phạm vi điều chỉnh quản lý theo chuỗi giá trị
So với Pháp lệnh Giống vật nuôi năm 2004, Luật Chăn nuôi đã mở rộng phạm vi điều chỉnh nhằm quản lý chăn nuôi theo chuỗi giá trị.
Chăn nuôi lợn theo phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN
Trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi đã có sự phát triển khá nhanh. Sản lượng thịt các loại đạt 5,4 triệu tấn, tăng gấp đôi so với 2005; sữa tăng gấp 8 lần lên đến 800.000 tấn, trứng tăng gấp đôi lên trên 9 tỷ quả.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh của ngành chăn nuôi đồng thời cũng phát sinh nhiều hệ lụy như vấn đề dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.
Đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế cũng như khắc phục những hệ lụy trên, đưa chăn nuôi hướng đến bền vững, Luật Chăn nuôi được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.
So với Pháp lệnh Giống vật nuôi năm 2004, Luật Chăn nuôi đã mở rộng phạm vi điều chỉnh nhằm quản lý chăn nuôi theo chuỗi giá trị, bao gồm hầu hết các hoạt động từ các thành phần liên quan đến đầu vào như giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, điều kiện chăn nuôi đến các hoạt động liên quan đến đầu ra như chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi.
Theo ông Nguyễn Ngọc Phục, Quyền Trưởng phòng Thanh tra Pháp chế, Cục Chăn nuôi, Luật Chăn nuôi có quy định 14 hành vi bị cấm trong chăn nuôi, thay vì 7 hành vi như trong Pháp lệnh giống vật nuôi 2014.
Đáng chú ý nhất là cấm chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư.
Luật không quy định cụ thể “khu vực không được phép chăn nuôi” mà giao cho UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi.
Như vậy, mỗi tỉnh sẽ có quy định khác nhau về khu vực không được phép chăn nuôi để phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương. Đối với trường hợp nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm, Luật chỉ cấm nếu gây ô nhiễm môi trường.
UBND tỉnh sẽ có trách nhiệm xây dựng nội dung chiến lược phát triển chăn nuôi của địa phương; xây dựng và tổ chức vùng chăn nuôi, sản xuất và chế biến thức ăn chăn nuôi tập trung; giao đất, cho thuê đất, tạo quỹ đất, bảo đảm nguồn nước và trồng cây nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, cơ sở giết mổ tập trung.
Là một tỉnh đang có nhiều lợi thế để phát triển chăn nuôi nhờ quỹ đất rộng, ông Ngô Đức Quỳnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An cho biết, ngành sẽ tập huấn để các đối tượng quản lý nhà nước địa phương và người chăn nuôi đều hiểu được Luật và từng bước áp dụng.
Theo ông Ngô Đức Quỳnh, Luật Chăn nuôi hay ở điểm, nếu người dân nuôi con gì thì phải đăng ký với địa phương để có sự quản lý cũng như trong phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, Luật sẽ khuyến kích các đối tượng nuôi khác phát triển.
Nghệ An có định hướng chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún sang chăn nuôi tập trung và chuyển từ vùng có vùng có mật độ dân số cao sang vùng có mật độ dân số thấp. Như vậy, tỉnh sẽ dịch chuyển chăn nuôi lên vùng miền núi, trung du để đảm bảo phát triển bền vững; trong đó có yếu tố về môi trường.
Việc giải quyết những hộ chăn nuôi ngoài quy hoạch sẽ rất khó. Vừa qua, tỉnh định ban hành quyết định những vùng được nuôi, vùng không được nuôi, nhưng do chưa có tiêu chí nên chưa thể ban hành.
Tỉnh sẽ có chính sách cho những trang trại trong vùng này di rời đi nơi khác, đồng thời rất quan tâm tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi với các chính sách hỗ trợ như: xây dựng trang trại, nhân giống, thủ tục về đất đai…
Ông Ngô Đức Quỳnh cũng cho biết, Nghệ An có nhiều vùng có thể làm trang trại chăn nuôi và đã có quy hoạch một số đối tượng chăn nuôi. Các doanh nghiệp khi đầu tư vào tỉnh cần tìm hiểu kỹ về những quy hoạch này.
Theo ông Nguyễn Ngọc Phục, Luật Chăn nuôi cũng cấm sử dụng chất cấm; nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi có sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Như vậy, sản phẩm chăn nuôi của những nước có sử dụng các chất mà Việt Nam cấm sử dụng trong chăn nuôi sẽ bị cấm nhập khẩu vào Việt Nam. Quy định này nhằm tạo bình đẳng cho tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài khi tham gia chăn nuôi.
Luật cũng cấm gian dối trong kê khai hoạt động chăn nuôi nhằm trục lợi; cấm cản trở, phá hoại, xâm phạm hoạt động chăn nuôi hợp pháp…
Hiện Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với quốc tế và đã tham gia nhiều Công ước, Hiệp định thương mại tự do. Đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế, Luật Chăn nuôi quy định về đối xử nhân đạo với vật nuôi.
Theo đó tổ chức, cá nhân phải đối xử nhân đạo với vật nuôi trong chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác.
Các quy định đối xử nhân đạo đều hướng tới việc vật nuôi được đảm bảo đủ thức ăn, nước uống, điều kiện nuôi phù hợp và an toàn, được phòng bệnh và trị bệnh, không bị hành hạ, đánh đập; được gây ngất, hạn chế đau đớn trước khi giết mổ và không chứng kiến đồng loại bị giết mổ.
Các quy định này đang được phổ biến ở nhiều nước và được coi là điều kiện phải đáp ứng đối với hoạt động chăn nuôi, xuất nhập khẩu sản phẩm.
Luật Chăn nuôi quy định các nội dung này nhằm định hướng cho người chăn nuôi có hành vi nhân văn hơn đối với vật nuôi, đồng thời đảm bảo tiếp cận được với các quy định của thế giới khi hội nhập.
Luật cũng quy định đối xử nhân đạo với vật nuôi trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa truyền thống để phù hợp với thực tế cuộc sống và được cộng đồng xã hội chấp thuận, ông Nguyễn Ngọc Phục cho hay./.
Bích Hồng – Thùy Dương
Nguồn: TTXVN
Bình luận mới nhất